Giới Thiệu Sách Mới Thi tập QUÊ HƯƠNG của Trần Quốc Bảo

                              Giới Thiệu Sách Mới

           Thi tập QUÊ HƯƠNG của Trần Quốc Bảo

     

                                                Thi Sĩ & Dịch Giả TRẦN QUỐC BẢO

       Hình bìa sách, với câu lục bát, tóm tắt ý thơ toàn tập:

                               Cúi đầu tạ  với QUÊ HƯƠNG

                    Tôi còn một nửa đoạn đường chiến binh

 

Phần nội dung: 250 trang, chứa đựng đầy ắp ba mối tình sâu đậm của tác giả: Tình yêu Quê Hương, Tình thân Bằng hữu và Tình thương gia đình. Sau đây là trích đoạn bài Tựa, của giáo sư Lại Quốc Hùng nói về “Tình yêu Quê Hương” của tác giả:

 “ - Trần Quốc Bảo là thi sĩ của “Tình Yêu Quê Hương, Đất Nước” sâu xa, vô bờ bến,  lúc nào cũng nặng tình với nước nhà, với vận mệnh dân tộc, nhất là khi nước mất, nhà tan. Trong tập thơ “Quê Hương”, chữ "Quê Hương" đã được lập đi lập lại bao nhiêu lần với những bài thơ như: Quê Hương Tôi Bây Giờ, Cúi Đầu Tạ Với Quê Hương, Mơ Một Quê Hương, Tiếng Gọi Quê Hương; không kể những bài như: Giấc Mộng Hồi Hương, Dâng Hoa Tổ Quốc, Chuyện Buồn Nước Tôi, Con Đường Việt Nam, Tết Nhớ Quê Xưa, Tết Nhớ Quê Hương, Tạ Ơn Đất Mẹ, Tạ Ơn Biển Mẹ v.v… và những bài viết về các quân nhân, liệt nữ VNCH, những chiến sĩ vô danh, những con người đã hy sinh cho lý tường Dân Chủ, Tự Do, Tự Cường của Miền Nam … Mấy ai đã ôm ấp giải đất Việt Nam mỹ miều trong trí óc, tâm hồn như nhà thơ họ Trần…” (toàn bài Tựa,xin đọc trong Attachment)

         Kính mời Quí Độc giả đón nhận Thi tập QUÊ HƯƠNG,             

ủng hộ để giúp  tác giả có phương tiện ấn loát sáng tác kế tiếp. Đa tạ 

         ( Sách, ấn phí $30 kể cả bưu phí                                         

 Địa chỉ liên lạc: TQB - 1912 Rolfe Way – Henrico, VA 23238

                                 Email < quocbao_30@yahoo.com >

 Sách chỉ phổ biến tại Hoa Kỳ. Không gửi ra nước ngoài – Xin cáo lỗi!)

                                                 ***

   Tâm Thư 

(thay Lời Tựa)

“QUÊ HƯƠNG”, VŨ TRỤ THƠ

CỦA THI SĨ TRẦN QUỐC BẢO

                                                                    Lại Quốc Hùng

 

 


    Anh Bảo quý mến,

 

Em rất cảm kích khi anh có nhã ý dành cho em (một cậu em họ, nhỏ tuổi hơn anh nhiều trong gia đình họ Lại, em của chị Lại Bạch Hường, hiền thê yêu quý của anh) , vinh dự được viết lời giới thiệu tập thơ “QUÊ HƯƠNG” của anh, dù anh biết em chỉ là một giáo sư Triết, không trực tiếp dính dáng đến văn chương, tuy trước năm 1975, em đôi lúc cũng có dịp giảng dạy môn Quốc Văn khi nhà trường thiếu giáo sư cho môn này. Anh nói với em: “ Anh có thể nhờ bạn hữu viết lời tựa cho tập thơ của anh, nhưng anh muốn có kỷ niệm trong gia đình, một kỷ niệm sâu đậm giữa hai anh em mình…”

 

Vì vậy, thay vì viết “Tựa” theo lối thông thường, em xin phép được viết dưới hình thức một “Tâm thư” gửi đến anh, nói lên tâm tình của em khi đọc thơ anh và như vậy, gián tiếp gửi đến quý độc giả, bạn bè, thân hữu của anh, vài nhận định chủ quan của em về thi tập “Quê Hương”. Đúng hơn, những gì em viết dưới đây cũng giống như một lời “Bạt” để cuối tập thơ.

 

Như em nói ở trên, chuyện dạy môn Quốc Văn cũng đến với em vào năm 1974, khi em được đổi về Sàigòn, dạy học ở trường trung học Tây Sơn, một ngôi trường mới xây, nằm khoảng giữa xa lộ từ khu ĐaKao đến trường Bộ Binh Thủ Đức. Em là giáo sư Triết, nhưng vì trường chỉ có hai lớp đệ nhất ban A và B, không có ban C, nên anh bạn giám học nhờ em phụ trách giảng môn Quốc Văn Lớp Đệ Nhất, một chương trình mới hoàn toàn, được áp dụng kể từ niên khóa 1974-1975, ấn định bởi nghị định số 1445-VHGDTN-KHPC—HV ngày 29-6-1974. Ngày đó, vì là một chương trình mới toanh, một chương trình đa dạng, phong phú, nên em đã phải bỏ thời giờ rất nhiều để tìm tài liệu giảng dạy từng chương, từng đoạn của chương trình môn Quốc Văn mới này.

 

Sở dĩ em đề cập đến chuyện này trong Lời Tựa giới thiệu tập thơ của anh vì khi in xong 100 bài thơ anh gửi cho em, nhìn qua mục lục tập thơ, em nghĩ ngay đến nội dung của chương trình môn Quốc Văn Lớp Đệ Nhất năm xưa, một nội dung gắn liền  với con người của anh, của em, của những con người Việt Nam được hun đúc trong những dòng tư tưởng lớn đã được chương trình này đề cập: Tư tưởng thuần túy dân tộc trong văn chương bình dân, tư tưởng bắt nguồn từ đông phương (Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo), tư tưởng bắt nguồn từ tây phương (tư tưởng lãng mạn, ảnh hưởng của Tự Do, Dân Chủ, ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo). Em thiết nghĩ đây cũng là một đường hướng, một phương cách để đọc thơ anh.

 

Nếu 100 bài thơ của anh là đúc kết cô đọng những kinh nghiệm sống của một đời người, trải qua bao biến đổi thăng trầm, thì tìm hiểu con người và thơ của anh, qua lăng kính của những dòng tư tưởng trên, cũng giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận với nguồn thơ đa dạng và phong phú của anh.

 

Vâng, trước tiên, nhà thơ Trần Quốc Bảo là đứa con của tư tưởng bình dân, của ca dao, tục ngữ, ơn nghĩa với tổ tiên, xây dựng và gìn giữ đất nước. Bài thơ mở đầu “Quốc Tổ Hùng Vương” đã vang lên như một lời nhắc nhở con dân Việt hãy nhớ nguồn cội của mình, nhớ đến tổ tiên, cha ông chúng ta:

 

Dù ai lưu lạc đường xa,

Nhớ ngày Giỗ Tổ, tháng Ba, mùng Mười

Tổ Hùng Vương, mười tám đời

Trường tồn thiên địa, rạng ngời trăng sao.

 

******

Giống nòi Quốc Tổ khai sinh

Công ơn lập quốc, định hình núi sông

Chim có Tổ, người có Tông

Việt Nam nguồn gốc, con Rồng, cháu Tiên

 

Ảnh hưởng của ca dao cũng in sâu vào tiềm thức, lời thơ của tác giả trong những bài “Ru Con”, đặc biệt bài “Ru Con, Canh 4”, dù lời thơ được đặt trong hoàn cảnh đau thương của nước Việt Nam hiện nay:

 

À ơi,

Hạ hời ơi

Canh tư con ngủ cho ngoan

Ru con lòng mẹ nát tan thảm sầu

Đắng cay nhìn khắp năm châu

Việt Nam mình có phải đâu ngu hèn

Vẫn dòng Hồng Lạc-Rồng Tiên

Giang sơn như gấm hoa miền Á Đông

Biết bao liệt nữ anh hùng

Biết bao tuấn kiệt, kiếm cung văn đàn

Thế mà Nước mất nhà tan

Quốc dân gánh chịu muôn vàn khổ đau

Sĩ phu… sao chịu… cúi đầu???

Anh thư hào kiệt.. lánh đâu hết rồi???

Da vàng máu đỏ con ơi!,

Có nghe lời mẹ ru hời năm canh???

 

Ảnh hưởng của văn chương bình dân, của lời ru, câu hò đến con người Viêt Nam là chuyện đương nhiên. Nhưng từ ngàn xưa mỗi con dân Việt Nam đều tiếp nhận nguồn mạch Nho giáo; hình ảnh một thầy đồ vẫn phảng phất đâu đây. Ảnh hưởng Nho giáo này rất  sâu đậm nơi anh và đã được Tiến Sĩ Trần An Bài ghi nổi bật trong lời tựa của cuốn “Một Thời Mộng Hoa” gồm có các bài thơ được phổ nhạc của anh: “Thi sĩ Trần Quốc Bảo được sinh trưởng trong một nề nếp nho phong. Thân sinh ông là cụ Trần Văn Phác- Cử Nhân Hán Học. Thi sĩ Trần Quốc Bảo được thân phụ dạy kèm chữ Hán từ nhỏ. Khi lớn lên, ông chăm chỉ tự học và đọc nhiều sách Hán văn, chuyên về Triết học Á đông và Đường Thi. Ông là một trong số rất ít các nhà văn thơ đương thời, còn thông thạo chữ Nho và chữ Nôm”. Nguyên tuyển tập “Hàn Thi - Đường Thi Tuyển Dịch” của anh, do Bút Việt Văn Đoàn xuất bản năm 2019, gồm 135 bài Hàn thi và Đường thi do anh tuyển chọn và dịch một cách công phu, tài hoa, cũng đủ nói lên tính cách “thâm nho” của anh. Em xin đan cử một bài, bài “Dịch Thủy Tống Biệt”, một bài thơ rất nổi tiếng của Lạc Tân Vương thời Sơ Đường (618-713):

 

Dịch Thủy Tống Biệt                                   

Thử địa biệt Yên Đan      

Tráng sĩ phát xung quan  

Tích thời nhân dĩ một      

Kim nhật thủy do hàn !    

 

Tiễn Biệt Tại Sông Dịch

 

Vĩnh biệt Yên Đan tại bến này

Uất hờn tráng sĩ ngút ngàn mây

Người xưa tích cũ nay đà khuất

Sông nước còn vương lạnh tới nay!

(Bản dịch Trần Quốc Bảo)

 

Trần Quốc Bảo không dịch sát nghĩa câu thơ thứ hai “Tráng sĩ phát xung quan” (Tóc tráng sĩ dựng lên giương mũ) , nhưng câu thơ dịch cho ta thấy cái hào khí, sự căm hờn sôi sục, dâng cao “ngút ngàn” của Kinh Kha bên bờ sông Dịch, trước khi ra đi với nhiệm vụ hành thích bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Hai chữ “vương lạnh” cũng nói lên sự tê tái, xót xa của người đời nay khi nghĩ đến người tráng sĩ năm xưa ra đi mà nhiệm vụ bất thành, không ngày trở lại. Bản dịch thật hay.

Đọc mấy câu mở đầu của bài thơ “Tiếng Gọi Quê Hương”, ai không nghĩ đến ảnh hưởng của Đường Thi trong thơ anh:

 

Quốc phá gia vong vạn cổ sầu

Chúng mình mất hết chỉ còn nhau

Lời thề sông núi tâm hoài niệm

Tiếng gọi quê hương dạ xót đau.

 

Dù muốn hay không, con người Việt Nam luôn thấm nhuần đạo Nho. Tam Cương, Ngũ Thường, cách tiếp nhân, xử thế của bao anh hùng, hào kiệt, những con người đã có công dựng nước, giữ nước, trải qua bao nhiêu biến cố thịnh suy và để lại cho chúng ta giải giang sơn gấm vóc hiện nay. Ảnh hưởng đó không dễ gì phai mờ, dù có bao những đợt sóng tràn vào với những ý thức hệ khác nhau.

 

Hơn thế nữa, trong huyết mạch của dân tộc ta, làm sao không có ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Đạo Từ Bi, Tứ Diệu Đế, thuyết nhân quả, luân hồi v.v…  đã in dấu sâu đậm trong con người Việt Nam, trong văn chương, nếp sống của chúng ta. Dù là một nhà thơ theo đạo Công Giáo, nhưng thi sĩ Trần Quốc Bảo đã có những vần thơ thấm nhuần hương khói nhà Phật trong bài “Trảy Hội Chùa Hương”

 

*******

Chùa Giải Oan, chốn tịnh thần

Vào đây rũ sạch bụi trần, Tình ơi!

Trong chùa, có tảng-đá-trời (Thiên Thạch)

Nứt ra khe nước, chảy hoài triền miên.

 

********

Trong Chùa Tượng Phật Quan Âm

Từ bi ngự tại trung tâm điện thờ

Cùng ngàn pho tượng cổ xưa

Bên hàng thạch nhũ ảo mờ linh thiêng.

 

Thi sĩ nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp xa xưa khi trảy Hội Chùa Hương, thời của những khách thập phương đi tìm những giây phút “thoát trần” trong một khung cảnh tôn nghiêm, trang trọng. Nhưng giờ đây, mọi sự đã đổi thay, Chùa Hương đã biến thành một nơi thô tục, buôn bán thánh thần và thi sĩ họ Trần đã phải thốt lên:

 

Chùa Hương nay đã đổi đời

Không còn thanh tịnh của thời thuần lương

 

Lòng hằng vương vấn Chùa Hương

Bao nhiêu kỷ niệm nhớ thương đong đầy

Mong sao đất nước đổi thay

Ta về tìm lại những ngày thần tiên

 

Vâng, ngoài chuyện tìm đến cửa Phật để tâm thân an lạc, con người Việt Nam nhiều lúc cũng muốn thoát ly, tìm lại những giây phút thiền định, xa lánh bụi trần, và cao hơn nữa, sau khi đã vật lộn với vòng danh lợi, sau khi đã đem thân mình phục vụ tổ quốc, đem xương máu tô thắm non sông, thi sĩ họ Trần, cũng như vị thánh tiên Nguyễn Bỉnh Khiêm khi xưa, đã có những giây phút muốn phiêu diêu cùng cây cỏ, tiêu dao cùng mây trời, sông núi, hưởng một chút nhàn, vô vi của đạo Lão. Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

 

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

 

thì nhà thơ Trần Quốc Bảo đã có những câu thơ gợi một cảnh nhàn của kẻ tha phương vui thú điền viên, ươm cây, ươm cỏ, ươm cả kỷ niệm, trong bài “Mảnh Vườn Kỷ Niệm” thật ý nhị, đượm tình dân tộc:

 

Mảnh vườn nho nhỏ ở sau nhà

Một nửa trồng rau, một nửa hoa

Hồng tím, cúc vàng chen xích thược

Đậu xanh, dền đỏ cạnh thìa là

Cải cay che giữa dăm dàn muống

Mướp đắng bò quanh mấy luống cà

Mượn thú ươm cây, ươm kỷ niệm

Ngắm vườn, tìm lại chút hương xa.

 

Rồi chính anh đã dịch bài Hàn Thi “Hưu Hỷ” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thật đẹp đẽ, mênh mang, thanh thoát như sau:

 

Danh toại công thành hưu hỷ hưu

Đằng nhân thế cố nhất hư châu

Phong lai giang quán lương nghi hạ

Nguyệt đáo thư lâu minh chính thu

Hồng nhật đông thăng tri đại hải

Bạch vân tây vọng thị thần châu

Khê sơn diệc túc cung ngô lạc

Nhẫn phụ tiền minh vạn lý âu

 

Vui về Hưu

Công danh đã vẹn nghỉ hưu thôi

Phó mặc thuyền đời chuyện nổi trôi

Biết Hạ khi bờ sông hóng gió

Hay Thu lúc đọc sách trăng soi

Tây phương mây bạc kìa non Thánh

Đông hướng vừng hồng đó biển khơi

Mộng với hải âu bay vạn lý

Sông hồ thỏa chí trọn đời vui

 

Để rồi có lúc “Nhớ Hà Tiên”, tìm về  chốn thiên nhiên để vui cùng cảnh đẹp với nàng thơ trong hội Tao Đàn khi xưa:

 

“Thập cảnh Hà Tiên” rất mộng mơ

Mac-Thiên- Tích xuất thần đề thơ

Tao đàn lưu bút Chiêu-Anh- Các

Địa lý lừng danh tự thuở giờ. 

 

******* 

Hà Tiên còn mãi nét hoang sơ 

Du khách về thăm ắt chẳng ngờ 

Chiêm ngưỡng Châu-Nham, vùng Đá Dựng 

Lạc vào tiên cảnh, tưởng như mơ

 

Con người Trần Quốc Bảo, ươm mình trong tư tưởng văn chương bình dân, triết lý Nho, Phật, Lão, nhưng là một người công giáo nên có lẽ ảnh hưởng Thiên Chúa Giáo là ảnh hưởng mạnh mẽ nhất nơi thi sĩ. Đọc lại tiểu sử của anh, em thấy anh đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Richmond, Virginia (1996-2001) và chức Cố Vấn cho Hội này từ năm 2002 đến 2016.

Một con người, chăm lo việc Chúa, việc đạo, phục vụ cho cộng đồng dân Chúa hơn 15 năm thì phải là một con người có một đức tin vững vàng, lấy việc “mến Chúa, yêu người…” như tôn chỉ của cuộc sống, lẽ sống của mình.  Trong tập thơ này, em đã tìm thấy 5 bài thơ anh viết về Lễ Giáng Sinh: “Noel Phát Diệm”, “Tìm Sao”, “Xin Ngôi Sao Lạ”, “Lời Nguyện Đêm Noel”, “Mỗi Lần Nghe Nhạc Giáng Sinh”. Theo chân anh, em đi tìm “Ngôi Sao Lạ”

 

Phép lạ nào cho yêu ma tận diệt?

Ơn phúc nào cho Tình Thương chan hòa

Đến bao giờ thanh bình trên đất Việt

Đến bao giờ Đấng Cứu Thế hiện ra?

Chẳng lẽ... chúng mình mãi mãi là

Những kẻ đi tìm Ngôi Sao Lạ?

Lạy Chúa

Chúa ở gần hay xa (!)  … ?...

 

Hỏi để hỏi vậy thôi, chứ tín hữu Trần Quốc Bảo vẫn luôn luôn sắt son tin tưởng vào Thiên Chúa và Mẹ Maria đề “Dâng Hoa Tổ Quốc” với lời cầu xin thống thiết:

 

Nay Nước mất, nhà tan

Quê hương điêu tàn

Toàn dân sống đời tăm tối

Chúng con dẫu muôn vàn tội lỗi

Vẫn chạy đến cùng Đức Mẹ Maria

Dâng bông hoa Tổ Quốc

Xin ơn bầu cử thứ tha

Nhân từ cứu vớt

Đưa Viêt Nam qua giờ phút nguy nan.

 

Thơ đạo của thi sĩ họ Trần không đau đớn, quằn quại như thơ Hàn Mặc Tử, nhưng trong dòng thơ Công Giáo,  anh vẫn tiếp nối dòng thơ chan chứa niềm tin vào đấng Cứu Thế, Mẹ Maria như các nhà thơ Xuân Ly Băng, Phạm Đình Tân, Hồ Dzếnh v.v…với những lời thơ chân thành, đầy cảm xúc linh thiêng.

 

Là một Ky-tô hữu, nhưng cũng là một sĩ quan, một chiến sĩ của QLVNCH, với 25 năm phục vụ trong quân ngũ, được ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương – Đệ Ngũ Đẳng của Tổng Thống VNCH năm 1974, nhà thơ Trần Quốc Bảo hãnh diện đã đáp lời gọi của sông núi, gia nhập hàng ngũ của bao thanh niên Miền Nam, anh dũng đứng lên bảo vệ Miền Nam trước làn sóng xâm lăng của Cộng Sản Miền Bắc. Chắc chắn những tư tưởng Tự Do, Dân Chủ từ thời Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh vẫn len lỏi trong huyết mạch của nhà thơ họ Trần, để rồi ông viết rất nhiều bài thơ yêu nước, yêu đồng đội, nhất là các chiến sĩ vô danh.

 

Ôi Quê Hương ta, non sông hùng vĩ

Dân tộc ta, dòng máu hùng anh!

Hàng triệu người là Chiến Sĩ Vô Danh

Hồn linh hiển trên Quốc kỳ phấp phới

Lịch sử Việt Nam ngàn năm nhớ tới

Người Anh Hùng

Người Chiến Sĩ Vô Danh

 

********

Đầu năm nhớ Chị, nhớ Anh

Những người Chiến Sĩ Vô Danh thuở nào

Kính cẩn, tôi giơ tay chào

Nụ hôn thương mến gửi vào thiên thu

 

Dĩ nhiên, ngoài những ảnh hưởng kể trên, đã là môt nhà thơ, một cây đàn muôn điệu, làm sao nhà thơ Trần Quốc Bảo có thể tránh khỏi ảnh hưởng của trào lưu Lãng Mạn phương tây, nối tiếp mảng thơ trữ tình của Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng v.v… Những bài thơ  “Thuyền Mơ”, “Một Thời Mộng Hoa” v.v… đã nói lên những giây phút thần tiên mà tác giả đã trải qua với người trong mộng:

 

Con thuyền mộng đưa ta về bến cũ

Anh dìu em vào những giấc mơ xưa

Cánh đồng chiêm vạt nắng hồng quyến rũ

Dòng sông xanh vẫn đầy ắp đôi bờ….

 

*****

Anh lại hôn em và cài lên tóc

Những ngọt ngào thắm biếc nụ tầm xuân

Như thuở ban đầu, bỗng dưng em khóc

Mắt lệ đong đầy cảm xúc ái ân…

 

******

Gặp nhau từ thuở mộng hoa

Yêu thương tràn ngập đôi ta ngỡ ngàng….

 

******

Xin em cặp mắt nai tơ

Cánh hồng ngọt lịm bên bờ môi son

Cho anh ôm xiết vai tròn

Để qua cơn mộng vẫn còn có em…

 

Đấy, một nhà thơ phong cách cổ điển, mà khi viết thơ tình thì cũng dào dạt những cảm xúc lãng mạn, tình tứ, chan chứa yêu thương, như chúng ta đang đọc Lamartine, Victor Hugo hay Vũ Hoàng Chương:

 

Em đã nao lòng anh mê man

Đôi mắt đầu môi tình chứa chan

Đêm thường mơ đêm ngày đợi ngày

Nhưng không hề nói cho nhau hay

(Vũ Hoàng Chương – Yêu mà chẳng biết)

 

Anh Bảo quý mến,

Trên dây là em mới tìm hiểu con người anh, qua những vần thơ của anh, dựa theo nội dung của một chương trình môn Quốc văn mà em đã đề cập ở trên. Nhưng đến đây, em vẫn tự đặt cho mình câu hỏi : “ - Trần Quốc Bảo là ai?  - Thơ văn đích thực, cốt yếu của thi sĩ họ Trần là gì?  - Đâu là Cõi Thơ Trần Quốc Bảo? ”

Em thấy không khó để tìm câu trả lời : “ - Trần Quốc Bảo là thi sĩ của “Tình Yêu Quê Hương, Đất Nước” sâu xa, vô bờ bến,  lúc nào cũng nặng tình với nước nhà, với vận mệnh dân tộc, nhất là khi nước mất, nhà tan”.

 

Trong tập thơ “Quê Hương”, chữ ‘Quê Hương’ đã được lập đi lập lại bao nhiêu lần với những bài thơ như: “Quê Hương Tôi Bây Giờ”, “Cúi Đầu Tạ Với Quê Hương”, “Mơ Một Quê Hương”, “Tiếng Gọi Quê Hương”, không kể những bài như “ Giấc Mộng Hồi Hương”, “Dâng Hoa Tổ Quốc”, “Chuyện Buồn Nước Tôi”, “Con Đường Việt Nam”, “Tết Nhớ Quê Xưa”, “Tết Nhớ Quê Hương”, “Tạ Ơn Đất Mẹ”, “Tạ Ơn Biển Mẹ” v.v… và những bài viết về các quân nhân, liệt nữ VNCH, những chiến sĩ vô danh, những con người đã hy sinh cho lý tường Dân Chủ, Tự Do, Tự Cường của Miền Nam …

 

Mấy ai đã ôm ấp giải đất Việt Nam mỹ miều trong trí óc, tâm hồn như nhà thơ họ Trần. Trong bài “Mây Xưa”, thi sĩ ôm giải giang sơn chữ S trong lòng, cũng như giang sơn gấm vóc đang quyện vào tâm thân thi sĩ. Thi sĩ chỉ mong mình là giải mây bay về để được chiêm ngắm tất cả vẻ đẹp của quê nhà.

 

Chiều về lặng ngắm mây bay,

Phiêu du sao lạc phương này mây ơi!

Nhìn mây quen quá đi thôi

Phải chăng quê ở khung trời Việt Nam?

 

Mây bay từ Ải Nam Quan,

Qua Đồng Đăng, xuống Lạng Sơn, Kỳ Lừa

Luyến lưu trên đỉnh Vọng Phu

Có nàng Tô Thị ngàn thu ngóng chồng

 

Mây Hà Nội, mây Hà Đông,

Gió đưa mây tới Hải Phòng, Kiến An,

Hưng Yên, Phát Diệm, Nho Quan,

Đường mây vạn lý, Trường Sơn chập chùng.

 

Trải dài sông núi miền Trung,

Sầm Sơn, Lệ Thủy, Cửa Tùng, Phú Vang.

Lênh đênh trời Huế mơ màng

Ải Vân bàng bạc giăng ngang lưng đèo.

 

Nha Trang rực rỡ ráng chiều

Cam Ly ẩn hiện phiêu diêu mây ngàn,

Miền Nam nắng đẹp chứa chan,

Mây từ Hồng Ngự, Tân An bay về

 

Saigòn, Gia Định, Nhà Bè

Bềnh bồng trôi dạt Cẩu Kè, Vĩnh Châu,

Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mâu,

Ngàn mây điểm sắc tươi màu Quê Hương

 

Chao ôi Thiên Địa phong sương,

Phù vân tản mạn viễn phương giang hồ,

Hợp tan như thực như mơ,

Cánh mây lưu lạc bao giờ hồi hương?

 

Ôm ấp trong tâm hồn bao hình ảnh tươi đẹp của quê hương như vậy, làm sao thi sĩ không canh cánh trong lòng khi vận nước đổi thay. Tất cả những cái đẹp, cái thanh thoát, kiều diễm, hay u hoài, trầm mặc, linh thiêng của giải giang sơn gấm vóc ông cha để lại, đã bị đổi thay, tàn phá, tô son, điểm phấn một càch thô tục, giả tạo do những bàn tay của những kẻ chiếm giữ đất nước ngày nay, những kẻ chỉ nghĩ đến chiếm đoạt, lợi nhuận, vơ vét, hơn thua, tiền bạc. Nhà thơ không ngờ cuộc biến đổi lại xảy ra nhanh thế. Và giờ đây, làm kẻ lưu lạc xa quê hương, với tuổi đời chồng chất, thi sĩ cảm thấy bất lực, chua xót, cay đắng, chỉ biết xin “Cúi Đầu Tạ Với Quê Hương”:

 

Rượu xuân nghiêng chuốc chén buồn

Thơ xuân lại rót cô đơn cho đời

Đường vào huyền sử đôi mươi

Bốn phương ai oán một trời xót xa

 

Lang thang không nước không nhà

Sống nhờ ở đậu cho qua tháng ngày

Ngu ngơ như tỉnh như say

Bao nhiêu mộng ước tầm tay vuột dần

 

Bây giờ lá rụng đầy sân

Biết còn tình tự với xuân lời gì

Đêm dài che khuất đường đi

Tối tăm thù hận bờ mi tủi hờn

 

Mắt nhìn không có linh hồn

Thân lưu đầy giữa vũng buồn chơi vơi

Đắng cay lên những môi cười

Nén đau trong tiếng thở dài thê lương

 

Cúi đầu tạ với Quê Hương

Tôi còn một nửa đoạn đường chiến binh

Từng đêm mình điểm danh mình

Nghe sông núi gọi đăng trình xôn xao

 

Mỗi xuân thêm bạc mái đầu

Nghiêng hồ trường chuốc về đâu bây giờ

Ưu phiền lại rót vào thơ!...

 

Đây là một bài thơ gói ghém tất cả tâm sự của thi sĩ Trần Quốc Bảo. Xuân đến, đáng nhẽ phải là một ngày hội, một ngày vui, ngày đoàn tụ cùng gia đình, người thân, để đón chào một cái gì mới, một cơ hội, để tân niên khai bút, thì giờ đây, nhà thơ chỉ đang cô đơn với chén rượu sầu ở một phương trời xa quê hương đất nước. với thân phận của kẻ tha phương. một kẻ “không nước, không nhà”. Bao “mộng ước tầm tay” thời trai trẻ với “Đường vào huyền sử đôi mươi”, thì xuân này, nhìn lại, làm được gì,  còn lại gì? Hầu như chỉ là số không, chỉ còn là “cô đơn, ai oán, xót xa, tối tăm, thù hận, tủi hờn, đắng cay, ưu phiền...” Tác giả,  nhớ đến bài thơ “Hồ Trường” của Dương Bá Trạc với bản dịch quốc âm trứ danh của  Nguyễn Bá Trác khi xưa, cũng tự hỏi “Nghiêng hồ trường chuốc về đâu bây giờ?” Hỏi như vậy, nhưng ít nhất, Dương Bá Trạc, qua lời dịch của Nguyễn Bá Trác còn có thể nghĩ về một đất nước còn đó “Trời nam nghìn dặm thẳm, mây nước một mầu sương” . Tuy say túy lúy, thấy mình “học không thành, danh chẳng lập”  nhưng còn cái hào sảng, ngóng trông một ngày trở về vùng vẫy vì “ Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây”

 

Trần Quốc Bảo thì sao?

 

Trẩn Quốc Bảo vẫn “nghe sông núi gọi đăng trình xôn xao” đó, thế mà lực bất tòng tâm, tuổi đời chồng chất, răng long, đẩu bạc… và biết là mình hầu như trở nên vô dụng, không còn hy vọng gì, không thể đi hết “nửa đoạn đường chiến binh” còn lại.

 

Tâm sự của tác giả đã in đậm vào từng câu thơ, từng con chữ, từng hình ảnh được chọn lọc chắt chiu, kỹ lưỡng. Xuân đến đấy mà thấy “lá rụng đầy sân”. Lúc tỉnh mà lại thấy mình “ngu ngơ”; mắt còn nhìn đó, mà sao “không có linh hồn”. Môi cười ư, không, chỉ là nét tàn tạ, héo úa. đắng cay và chén rượu chỉ là những giọt “ưu phiền rót vào thơ’. Chắc hẳn thi sĩ nhớ đến hình ảnh của ông đồ khi xưa trong thơ Vũ Đình Liên. Biết đâu mình cũng đang dần dần tan biến. Một mùa xuân nào đó… mình cũng sẽ về với cỏ cây, nhập vào những “người muôn năm cũ” để rồi hồn chơi vơi về với quê hương đất nước trong bùi ngùi, bi hận và luyến tiếc.

 

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

 

Anh Bảo quý mến,

Tuy những dòng thơ trên là những vần thơ cay đắng và chua xót của một con người nặng tình với quê hương đất nước, nhưng đọc bài thơ chót của anh với tựa đề “Trọn Đời Tạ Ơn”, em cũng mừng thầm và thấy ấm áp khi anh, nhìn lại cuộc đời mình, dù có gập ghềnh, chông gai, bao thay đổi lên xuống, nhưng vẫn có thể tạ Ơn Trên, Ơn Mẹ, Ơn Cha, Ơn Thầy, Ơn Bạn, Ơn vợ hiền và nhất là:

 

Tạ ơn : Trăng, Nước, Cỏ, Cây

Từng đêm say đắm, từng ngày mộng mơ

Tạ ơn cung Nhạc, dòng Thơ

Để hồn lãng mạn, thẫn thờ đam mê

 

Xin tạ ơn mảnh Đất Quê

Sắt son vẫn một lời thề trong tim

Cầu mong Vận Nước chuyển mình

Tôi về hôn Đất, tạ tình Quê Hương!

 

Như vậy là anh đã sống một cuộc đời đáng sống, một cuộc đời sống cho đất nước, cho tha nhân, chu toàn việc đời, việc đạo, và lại có thời giờ dành cho “Nàng Thơ” yêu quý, nàng “Thơ Thuần Túy”

 

Cõi mộng huyễn chỉ có Thơ là thực

Bởi vì Thơ ngự trị ở trong tim

Thuở hồng hoang như những vết chân chim

Đem vô lượng khắc sâu vào vĩnh cửu

 

Vậy mà, khi các con hỏi anh về thơ của bố, anh vẫn khiêm nhường thổ lộ:

 

Các con hỏi bố, thể thơ gì?

Bố chẳng quan tâm luật lệ chi

Miễn trải hồn thơ trên giấy trắng

Đó là ký thác những tư duy

 

Vâng, qua 100 bài thơ trong tuyển tập “Quê Hương” này, không những anh đã ký thác những tư duy, tình cảm của anh, nhưng một phần nào anh cũng đã nói lên tư duy, tình cảm của nhiều người. Đọc thơ anh, nhiều người cũng có thể tìm thấy chính mình như nhà thơ Victor Hugo có lần viết trong lời tựa tập thơ “Chiêm Ngưỡng”  (Les Contemplations) của ông như sau:

 

Vậy cuộc sống của một con người là gì? Vâng, và cuộc sống của những người khác nữa. Không có ai trong chúng ta có hân hạnh được sống một cuộc sống riêng của mình. Cuộc sống của tôi là cuộc sống của bạn, cuộc sống của bạn là cuộc sống của tôi, bạn sống những gì tôi đã sống; số phận là một. Hãy cầm lấy tấm gương này, và hãy nhìn bạn trong đó. Người ta đôi khi phàn nàn về các nhà văn nói về cái tôi. Hãy nói với chúng tôi về chính chúng tôi, họ kêu la với các nhà văn như vậy. Than ôi! Khi tôi nói về tôi, tôi nói về bạn. Tại sao bạn không cảm thấy điều đó? À, bạn điên rồi đó,  khi tưởng là tôi không phải là bạn!

 

(Est-ce donc la vie d’un homme ? Oui, et la vie des autres hommes aussi. Nul de nous n’a l’honneur d’avoir une vie qui soit à lui. Ma vie est la vôtre, votre vie est la mienne, vous vivez ce que je vis ; la destinée est une. Prenez donc ce miroir, et regardez-vous-y. On se plaint quelquefois des écrivains qui disent moi. Parlez-nous de nous, leur crie-t-on. Hélas ! quand je vous parle de moi, je vous parle de vous. Comment ne le sentez-vous pas ? Ah ! insensé, qui crois que je ne suis pas toi !)

 

(What is this the life of a man? Yes, and the lives of other men. None of us has the honor of having a life of his own. My life is yours, your life is mine, you live what I live; Destiny is one. So take this mirror, and look at it. Sometimes we complain about writers who talk about the ‘me’. Tell us about us, we shout at them. Alas! When I tell you about me, I tell you about yourself. How can you not feel it? Ah! fool, who think that I'm not you!)

 

Như vậy, như em đã trình bày ở trên, đọc thơ anh, em, cũng như các độc giả thơ của anh cũng tìm lại được phần nào con người, tâm tình và những chặng đường của đời mình. Có thể không hoàn toàn giống nhau, nhưng, những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, những đấu tranh, bươn trải tuổi trung niên, những nuối tiếc, cay đắng của tuổi già, tất cả vẫn xen kẽ nỗi vui, nỗi buồn, niềm hân hoan, hy vọng hay hờn tủi, thất vọng. Ánh sáng và bóng tối đan quyện nhau làm thành bức tranh của mỗi cuộc đời, đem so ra với những mảng tranh khác vẫn có những đường nét và mầu sắc phần nào giống nhau.

 

Và như vậy cũng đủ mãn nguyện

Một lần nữa, em, và cũng xin được thay mặt các độc giả thân mến của anh, chân thành gửi đến anh, thi sĩ Trần Quốc Bảo, lời cảm tạ sâu xa về tặng phẩm thi tập “Quê Hương” quý báu này, và xin chúc anh, dù vào tuổi chín mươi, được “bách niên giai lão” và vẫn giữ được mạch thơ lai láng, tiếp tục gửi lại cho hậu thế, nhất là các thế hệ trẻ người Viêt hải ngoại, những món quà tinh thần rất đáng trân trọng.

Cũng xin quý độc giả xa gần lượng thứ cho chúng tôi, nếu vài hàng nhận định trên còn nhiều chỗ thiếu sót, không diễn tả đầy đủ tất cả những điều hay, nét đẹp chứa đựng trong tập thơ ‘QUÊ HƯƠNG’ này.

 

Thân quý,

Em:  Lại Quốc Hùng

Elk Grove. Hạ Tuần Tháng Tám, năm 2020

 

                                                                              Lại Quốc Hùng

 

Tags: TÁC GIẢ
Tags: THƠ

Đăng nhận xét

Tin liên quan