Hai Lời Khuyên, Một Cuộc Đời Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 

Hai Lời Khuyên, Một Cuộc Đời

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Ng Ngoc Hoa

Truyenngan Nnhoa1

Hai Lời Khuyên, Một Cuộc Đời

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Sau khi hoàn tất thời kỳ tập sự tại Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU), tôi nhận được memo (hay “memorandum” là cái thư ngắn gửi trong nội bộ) của ông Wally phó tổng giám đốc cho biết tôi đã thừa hành nhiệm vụ thỏa đáng, được tăng lương từ $950 lên $1,000 một tháng, và được ưu tiên điền bổ các chức vụ kỹ sư khuyết hiện có.  Các chân trống thiếu người đã được niêm yết công khai, nhân viên ai thấy mình có đủ khả năng đều có thể nộp đơn xin làm.  Nếu không có ai hội đủ điều kiện, sở nhân viên sẽ nhờ đến nha Chức nghiệp của tiểu bang hay đăng quảng cáo trên báo để tìm người.  Với các chức vụ quan trọng hay hiếm người, công ty thuê các văn phòng thuê người tư thường được gọi là “headhunter” (kẻ “săn đầu”) tìm kiếm khắp toàn quốc.

Tôi có thể giữ chức vụ hiện tại ở sở Truyền Điện dưới quyền ông Bill, vị giám đốc từ ngày đầu tiên anh bạn Charlie cảnh báo là khó tính, không bao giờ cười, không khen ai điều gì, và sẵn lòng chỉ trích với lời lẽ chua cay.  Anh dặn dò,

“Sau này nếu ông Bill biểu anh tính toán hay nghiên cứu dự án nào, anh cần photocopy giữ một bản trước khi đệ trình.”

            “Tại sao vậy?” tôi ngạc nhiên.

            “Vì ông ta sẽ không trả lại hay bình phẩm công trình của anh.  Anh làm đúng và thành công thì không nói làm gì, nhưng nếu sơ suất đưa tới hư hỏng thì khi đó ông ta mới lấy ra vạch chỗ sai và khiển trách; một mình anh lãnh đủ.”

Tôi luôn nhớ lời khuyên của Charlie, và y như rằng, trong sáu tháng qua, ông Bill nhận phúc trình của tôi, dù dự án lớn hay nhỏ, chẳng nói chẳng rằng, và lẳng lặng cất vào tủ hồ sơ.  Không thấy ông quở phạt hay đổ lỗi, tôi tin tôi chưa hề sai sót.  Nhưng nếu được yêu cầu tiếp tục làm ở đây, tôi sẽ lắc đầu xua tay, “Không, xin cám ơn.”

Tôi cũng có thể chọn một chân kỹ sư phân phối ở ty điện lực địa phương.  MDU có mười ty địa phương lo trực tiếp cung cấp điện cho khách hàng ở North Dakota và ba tiểu bang chung quanh.  Kỹ sư phân phối và toán thợ của anh đứng tiên phong trong việc cung cấp điện (và do đó những tiện nghi của đời sống văn minh) cho khách hàng.  Khi khách hàng mất điện, anh chỉ huy thợ đến tận nơi lăn xả vào việc sửa chữa cho đến khi điện được phục hồi, bất kể ngày đêm hay kéo dài bao lâu.  Thí dụ, khi hệ thống phân phối bị bão tuyết dữ vùi dập tan tác, họ có thể làm việc liên tục cả tuần lễ hay mười ngày.  Ban đêm, cứ bốn tiếng đồng hồ, họ luân phiên, kẻ làm việc, người vào line truck (xe vận tải chở dụng cụ đi sửa chữa) nằm ngủ.  Tiền lương là động cơ thúc đẩy toán thợ hăng say làm việc:  Ngoài tiền giờ phụ trội (trên 40 giờ một tuần) trả gấp rưỡi (gấp đôi nếu nhằm cuối tuần), lương giờ đó lại tăng gấp đôi nếu nhiệt độ bên ngoài xuống dưới 20°F (khoảng -7°C), và tăng gấp đôi một lần nữa nếu phải leo cột điện lên cao hơn 35 bộ Anh (khoảng 11 thước).  Ngược lại, kỹ sư phân phối là nhân viên cấp chỉ huy lãnh lương năm, làm xong việc chứ không tính giờ, và được tưởng thưởng với lòng biết ơn của khách hàng, niềm tự hào hoàn tất sứ mạng của người kỹ sư, và lời ngợi khen của ban giám đốc.

Mười năm trước, ngày học năm thứ hai trường kỹ sư, tôi đã từng vẽ ra trong trí hình ảnh người kỹ sư hiên ngang trong bộ đồ ca-ki, đội nón an toàn, xắn tay áo, đứng ở công trường, chỉ huy thợ, và đem kiến thức phụng sự xã hội.  Kỹ sư phân phối ở MDU ngày nay cũng gần gần như thế; anh lại ở “xa mặt trời,” ít bị trung ương ràng buộc, và có cơ hội tiếp xúc gần gũi với khách hàng.  Nhưng trong mùa đông khắc nghiệt vừa qua, tôi bị phái ra công trường lội tuyết có khi cao hơn đầu gối ngoài đồng trống, chịu rét căm căm, và ti về bị cảm lạnh phải “nuốt” vài viên aspirin để ngủ yên và chuẩn bị cho cuộc “chiến đấu” hôm sau.  Sau khi tiêu thụ hết hai chai aspirin, mỗi chai 500 viên, tôi ngán cảnh làm việc ngoài trời lạnh giá lắm rồi.  Đành bỏ quá việc làm mơ ước của thời sinh viên hăng hái nhiệt thành.

Chỉ còn lại chân kỹ sư tham mưu ở nhà Điều hành Hệ thống Điện (“ĐHHTĐ”) ở mé tây tầng lầu, chức vụ không anh kỹ sư trẻ nào thèm ngó ngàng tới.  Trước đây, đôi khi cần thực hiện các phép tính phức tạp, tôi được chỉ sang tham khảo ý kiến Dennis là kỹ sư bên nha ĐHHTĐ.  Trong lúc phần lớn kỹ sư MDU tốt nghiệp từ North Dakota State University (NDSU) ở Fargo cách Bismarck 200 dặm Anh về phía đông, anh là kỹ sư duy nhất tốt nghiệp từ University of North Dakota (UND) ở Grand Forks cách Fargo khoảng 75 dặm Anh về phía bắc.

Hai trường UND và NDSU có tên tương tự như nhau khiến ban đầu tôi tưởng lầm là một, là hai đại học lớn nhất của North Dakota.  Đặc biệt UND có trường y khoa với chi nhánh và địa điểm thực tập ở các thành phố lớn, và NDSU có trường canh nông với trung tâm thực nghiệm canh nông ở vài địa điểm trong tiểu bang.  Hai trường là đại kình địch trong mọi bộ môn thể thao, sinh viên không bao giờ tiếc lời chê bai trường kia.  Thí dụ, dân NDSU dè bĩu,

            “Bọn con trai UND ở Grand Forks suốt ngày ngồi ngoài ba uống bia và đêm nằm ngủ với gái mà cho mình giỏi về Lưu thể 101 và Cơ thể học 201.”

Ở đại học Mỹ, tên các môn học được chỉ định thêm bằng một số ở đằng sau.  Con số hàng trăm chỉ môn ấy học vào năm nào; thí dụ, số 1 chỉ môn học năm thứ nhất, số 2 chỉ năm thứ hai, và số 5 trở lên là các môn bậc cao học.  Hai con số sau chỉ thứ tự trong môn học đó; thí dụ 101 là phần nhập môn ở năm thứ nhất, và 102 là phần kế tiếp đi sâu vào chi tiết hơn.  Miệng lưỡi dân UND không kém phần độc địa,

            “Bọn NDSU chuyên môn trồng cần sa, phi ngày đêm đã đời, và còn lại đem bán đầu độc bọn con nít tiểu học Fargo mà tự hào mình trội nhất về Thực vật học 101 và Kinh doanh 201.”

Tôi cảm thấy dường như còn có một lý do khác khiến mấy người kia úy kỵ Dennis:  Trước khi tôi vào làm, anh là nhân viên kỹ thuật duy nhất có bằng cao học.  Luận án cao học của anh thiết kế một dụng cụ điện tử điều khiển bằng máy điện toán để đo áp suất máu và nhịp đập của tim trong lãnh vực y khoa.  Tấm bằng cao học treo trên vách ngăn trước bàn giấy anh lại ghi ngành chuyên khoa là “Electrical Engineering” (EE), tức là Kỹ thuật Điện.  Lý do là ngành điện tử còn tương đối mới mẻ và khoa học điện toán còn phôi thai nên ở đại học Hoa kỳ, ban “EE” (đọc giống như “double ee”) bao gồm cả ba ngành.

Dennis trạc tuổi tôi, người dong dỏng cao, mặt ngu ngơ với đôi mắt kính dày cộm như đít chai Coca-Cola, tóc cắt ngắn chải ngược lên, và nụ cười chất phác.  Cách phục sức và bộ tịch của anh gợi lên hình ảnh . . . quê quê của các chàng kỹ sư Mỹ trong phim xi-nê chiếu vào thập niên 1960:  quần sọc ca-rô màu xen kẽ nhau, chửi nhau với cái áo vest khoác ngoài bên trên và cái cà-vạt rẻ tiền móc vào cổ áo.  Trên túi chiếc áo sơ-mi ngắn tay của Dennis chễm chệ cái pocket protector in tên và huy hiệu MDU, dắt đủ thứ viết khác màu.  Pocket protector là chiếc túi dẹt bằng nhựa dùng để dắt viết hay vài thứ cần dùng như thước kẻ ngắn hay cái vặn ốc nhỏ, chèn vào túi áo để tránh mực rò rỉ lan ra áo.


              
Buổi sáng Dennis vào sở mang theo lunch box đựng bánh xăng-uých hay đồ ăn khác để ăn trưa tại bàn giấy.  Lunch box của anh bằng kim loại màu đen, thân dưới hình hộp chữ nhật, nắp phía trên hình vòm bán nguyệt có quai xách và đóng lại bằng hai cái khóa móc, và bên trong có ngăn vừa vặn chứa chiếc bình thủy nhỏ đựng thức uống nóng hay lạnh.  Anh ăn trưa rất nhanh, xong tất tả xuống phố chạy việc vặt.  Anh cười ngượng nghịu,

            “Bà xã tôi ở nhà, nhưng không quên gửi theo cái honey-do list cho tôi làm trong giờ ăn trưa.”

Honeydew list (‘danh sách honeydew’) là gì, tôi không hiểu?” tôi ngơ ngác vì ‘honeydew (melon)’ là một loại dưa gang rất ngọt.

“Anh không hiểu lối chơi chữ này vì chưa lâm vào cảnh bị bà vợ mè nheo, ‘Honey, do this; honey, do that’ (Cưng ơi, làm cái này; cưng ơi, làm cái kia), và do đó mới kêu là honey-do list tức là danh sách các việc vợ sai làm.”

 

Tôi hiểu ra hai chữ đồng âm “honey-do” và “honeydew” và nhận thấy Dennis có óc hoạt kê khá đặc biệt.  Một hôm tôi thấy anh chạy băng ngang qua ngã tư đèn đỏ vắng xe, trong khi đèn “Don’t Walk” và dấu hiệu bàn tay đưa lên ngăn lại, đỏ lên.  Anh giải thích,

            “Đèn đỏ bảo tôi ‘Đừng đi.’  Băng qua đường, tôi có ‘đi’ đâu, tôi ‘chạy’ mà!”

Trong một phiên họp sáng thứ Hai của nhân viên Tổng nha Kỹ thuật Điện, giám đốc nha Sản xuất tường trình vụ một nhà máy điện rủi ro bị tắt máy hoàn toàn vì nhân viên trực trong phòng kiểm soát quét dọn sàn nhà, bước lùi dần vào bức tường gắn các nút kiểm soát, và vô tình đụng mạnh vào cái nút dùng để tắt nhà máy trong trường hợp khẩn cấp.  Ông hỏi đùa,

            “Có ai biết cách nào để phòng ngừa sự kiện bất ý này không?”

Mọi người cười ồ lên, nhưng Dennis giơ tay nói tỉnh bơ,

            “Không có cách nào an toàn để đối phó với bọn dummy!  Chúng nó quá thông minh và thế nào cũng tìm ra cách khắc phục.”

“Dummy” là người giả, hình nhân, người nộm, hay kẻ đần độn ngớ ngẩn.  Trước khi quyết định xin làm cho nha ĐHHTĐ, tôi sang nói chuyện với Dennis vì nghĩ rằng anh hiểu rõ khả năng tôi hơn những người kia.  Anh tóm tắt nhiệm vụ của nha ĐHHTĐ,

            “Nha tôi gồm cả Trung tâm Điều hợp Điện năng điều hành hệ thống điện cao thế.  Đối với các nha sở kỹ thuật khác, chúng tôi là bộ não giúp tính toán và giải quyết các vấn đề khó khăn mà họ chịu bó tay.  Chúng tôi đang thiết trí các chương trình điện toán để giải những bài toán liên quan đến hệ thống điện lớn.  Ngoài ra, chúng tôi đại diện công ty trong các ủy ban của Tổ hợp Điện lực Vùng Trung-Lục địa gọi tắt là MAPP.”

Ở Bắc Mỹ, các hệ thống điện đều nối với nhau thành ba liên mạng (interconnection) hầu như độc lập với nhau:  Liên mạng Đông, Liên mạng Tây, và Liên mạng Texas (chỉ gồm tiểu bang Texas).  Trong mỗi liên mạng, các cơ quan điện lực có khu vực hoạt động gần nhau thường tự nguyện hợp lại thành một tổ hợp điện lực (power pool) để mua bán điện và giúp đỡ lẫn nhau nhằm phục vụ khách hàng hữu hiệu hơn và với giá điện rẻ hơn.  MDU nằm trong Liên mạng Đông và thuộc về MAPP.  Tổ hợp này gồm cơ quan trong bảy tiếu bang Hoa Kỳ và hai tỉnh Gia Nã Đại đặt trụ sở tại Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota.  Dennis ngạo nghễ,

            “Anh sẽ có cơ hội vận dụng trí óc, thi thố tài năng, và chung lưng làm việc với những chuyên viên tinh hoa của MAPP, không phải nhức đầu với bọn dummy ngoài kia.”

Câu nói của Dennis sao giống như ý kiến thằng Công hơn một thập niên trước.  Nó là bạn thân nhất của tôi thời Quốc Học Huế.  Hai năm cuối trung học, hai đứa hai nơi:  Tôi học ở Ban Mê Thuột và nó ở Huế.  Chúng tôi viết thư cho nhau hàng tuần, vừa tâm sự thiết tha vừa đưa ra những bài toán khó để đố nhau; đứa nào cũng tự phụ mình giỏi toán và cố chứng tỏ ít nhất mình ngang sức với bạn.  Cuối năm đệ nhất (lớp 12), viết,

            Tau thấy trong các ngành học trên đại học, kỹ sư điện là ngành dùng toán cao nhất.

Đó là ngành thằng Công lựa chọn, và tôi không thể lựa chọn khác đi.  Tôi nói mẹ nhờ người xuống Sài gòn nộp đơn xin thi vào trường Cao đẳng Điện học cho tôi, và chỉ một trường đó thôi.  Mẹ thắc mắc,

            Răng con không nộp đơn thi vô trường khác, chẳng hạn như Y khoa, Sư phạm, hay Nông Lâm Súc?”

            “Con không thích học mấy ngành nớ, tôi bướng bỉnh như mọi khi.

“Nhưng lỡ thi không đậu thì răng?  Học tài thi phận mà con.

            “Nếu không vô được trường Điện, con học toán Đại học Khoa học không thi tuyển.

Tôi và thằng Công đều đậu vào trường Điện.  Nếu ngày đó lời nói bóng gió của nó đã dẫn tôi vào ngành kỹ thuật điện thì ngày nay lời dẫn dụ của Dennis đưa tôi đến 37 năm còn lại của cuộc đời nghề nghiệp tại nha Điều hành Hệ thống Điện.  Nghe theo hai lời khuyên đó, tôi chưa một lần hối tiếc.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                        Ngày 13 tháng Giêng, 2021

***

Quê Hương của Con Tôi

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 

Ngày bé Bích Mạc ra đời, cuộc biển dâu trong đời tôi tròn một tuổi.  Ngày đó năm trước (1975), Ban Mê Thuột thất thủ.  Mùa xuân kinh hoàng theo sau và kết thúc bằng biến cố đổi đời 30 tháng Tư.  Suốt mùa hè tôi lưu lạc trong trại tỵ nạn, sang đầu mùa thu định cư ở North Dakota, và được Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU) nhận làm việc.  Trong thời gian tập sự sáu tháng, tôi dưới quyền ông Bill giám đốc sở Truyền Điện, và ban đầu luân phiên đi qua các nha sở kỹ thuật để học hỏi.  Khi thời tiết khắc nghiệt của mùa đông ập tới, tôi bị phái đi phụ giúp khảo sát địa thế và thu thập dữ kiện cho một đường dây truyền điện cao thế 115 kV (kilovolt, tức là 1,000 volt).  Được dự định xây cất vào mùa hè tới, đường dây ngắn chạy chừng 10 dặm Anh (khoảng 16 km) ngoài rìa thành phố.

Hàng ngày tôi mặc nhiều lớp quần áo ấm, đội mũ len trùm đầu kín mít, đi overshoes (giày cao su mang ra ngoài giày thường) cao cổ, và chịu rét căm căm lội tuyết có khi cao hơn đầu gối ngoài đồng trống.  Tôi theo quan sát và làm quen với công việc, trong lúc ông Ed cán sự già và một anh thợ trẻ mang máy móc và đo đạc, và anh Gary kỹ sư trưởng nhóm quyết định lịch trình công tác.  Anh lớn hơn tôi một tuổi, tốt nghiệp kỹ sư điện ở Trường Hầm Mỏ tiểu bang South Dakota, ăn nói chững chạc và từ tốn, và đã làm việc cho sở Truyền Điện năm, sáu năm nay.

Tôi thấy mình may mắn vô vàn vì có việc làm xứng đáng với khả năng, và nhất là so với khổ cảnh của người thân và bạn bè ở quê nhà, cái lạnh giá tạm thời kia thấm tháp vào đâu.  Sau “ngày giải phóng,” nhiều bạn tôi phải đi “học tập cải tạo,” để lại vợ con ở nhà đói khổ nheo nhóc, và chính bạn tôi cũng chết dần mòn vì thiếu ăn, bệnh tật, và bị hành hạ tra tấn cả tinh thần lẫn thể xác.  Vài đứa khác không phải đi tù “cải tạo,” nhưng không hề được tự do vì xã hội bên ngoài bị kiểm soát chặt chẽ không khác gì nhà tù, và phải vật lộn kiếm sống trào máu mà bụng không bao giờ no.  Theo lời thằng Song bạn thân nhất của tôi thời học trường kỹ sư, lương tháng kỹ sư “công nhân viên nhà nước” tương đương với giá 20 tô phở, và “nếu vợ chồng con cái đều bịt mõm, mỗi tháng tao đủ tiền tem gửi bốn cái thư đi ngoại quốc là cùng.”

Thư từ ở Việt nam, đến cũng như gửi đi, đều bị kiểm duyệt công khai và gắt gao.  Để tránh gây họa cho người bên nhà, thư được ngụy trang bằng những lời lẽ đôi khi khá tức cười.  Thí dụ, 30 tháng Tư là “ngày cuối tháng Tư, ngày giỗ Thân mẫu của anh em nhà Việt.”  Để nói tên “công an khu vực” thường xuyên đến nhà rình mò hạch hỏi và làm tiền, thằng Song viết “bà cô Gia Thủy nhọn mồm của tao hàng ngày dòm giỏ và la rầy khiến gia đình tao ăn ngủ không yên” (Gia Thủy = nhà nước).  Thư của ba má Quỳnh Châu viết,

Ba má vẫn khỏe, nhớ hai con nhiều.  Nhờ ơn nhà nước, ba má tương đối sung túc, đời sống chỉ kém cô Félicité mà thôi.  Họ hàng nhà mình ai nấy đều sung sướng và hạnh phúc, và phần lớn ước mong một ngày nào đó gặp lại chú Vĩnh các con.

Félicité là tên con chó tây nhà Quỳnh Châu đã chết nhiều năm trước; nghĩa là ông bà nhạc tôi sống cực hơn con chó.  Chú Vĩnh của nàng ngày xưa theo kháng chiến chống Pháp và bị Việt Minh thủ tiêu vì là “trí thức tiểu tư sản” “phản động” và “phá hoại”; nghĩa là ai cũng khổ sở, mong được chết sướng hơn.

* * *

MDU đã ký hợp đồng thuê đất dài hạn, và chính phủ tiểu bang đã chấp thuận đường đất của đường dây truyền điện mà một đoạn chừng nửa dặm Anh chạy dọc theo hàng rào trại Dân-quân (National Guard) North Dakota thuộc Lục quân.  Dân quân là thành phần trừ bị của Lục quân và Không quân (liên bang) Hoa kỳ và tổ chức thành đơn vị từng tiểu bang riêng rẽ.  Phần lớn dân quân làm việc dân sự toàn thời gian và chỉ phục vụ quân đội một phần thời gian.  Trại lính này gồm bản doanh bộ chỉ huy, kho quân nhu và quân dụng, và dụng cụ báo động lúc nguy kịch như bị hỏa tiễn địch tấn công hay thiên tai khủng khiếp xảy ra.  Tín hiệu khẩn cấp sẽ được phát ra từ trụ ăng-ten phát tuyến cao khoảng 15 m và cách đường dây dự trù khoảng 60 m.

Vấn đề đặt ra là điện trường và từ trường do đường dây truyền điện phát sinh có khuấy rối tín hiệu của ăng-ten hay không, và nếu có thì làm sao giảm bớt xuống mức chấp nhận được.  Ông Bill giao dự án “nhiễu loạn tín hiệu ra-đi-ô” này cho tôi, một cựu chuyên gia về sóng điện từ.  Nói chung, đường dây càng cách xa ăng-ten, càng ít tạo ra ảnh hưởng – điều hiển nhiên ai cũng biết; và dây dẫn điện càng lớn, càng ít có nhiễu loạn.  Dây dẫn điện dùng cho các đường dây truyền điện cao thế là loại “dây dẫn điện nhôm, có thép tăng cường” (ACSR), và MDU dự định dùng cỡ dây 267 MCM.  MCM là một đơn vị đo lường cũ, nhưng thông dụng trong ngành điện lực, để chỉ định cỡ dây dẫn điện có đường kính lớn.  Các cỡ lớn hơn là 336 MCM, 397 MCM, 477 MCM, v.v.

Trước hết, tôi cần tính điện trường và từ trường ở khoảng cách 60, 65, 70, . . . đến 120 m cho từng cỡ dây.  Phép tính dài dòng và phức tạp mà tôi chưa đủ khả năng và không đủ thì giờ học thảo chương để sử dụng máy điện toán chính (duy nhất) của công ty.  Tôi cũng khó lòng tranh giành với bạn đồng sự thâm niên hơn để dùng độc quyền vài tuần một chiếc máy tính điện tử cầm tay HP-35 do hãng Hewlett-Packard chế tạo trị giá khoảng 3,500 đô la, khắp nha Kỹ thuật chỉ có bốn chiếc.  Đành nhờ anh Gary kiếm cho tôi cây thước tính (slide rule), dụng cụ tính toán quen thuộc của tôi nhưng nay đã lỗi thời ở Hoa kỳ.  Sau một tuần miệt mài “rút thước tính,” tôi lập được bảng kết quả bằng số và bước sang giai đoạn khúc mắt hơn.

                   

Hiện tại chưa ai nghiên cứu tường tận và thiết lập trị số tối đa của điện trường hay từ trường mà người hay súc vật có thể chịu đựng mà không hại sức khỏe, và chưa ai biết trị số chấp nhận được để xem là không khuấy rối tín hiệu truyền tin.  Tôi chỉ có mỗi một cách là tự đặt ra tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề, định rằng “nhiễu loạn tín hiệu ra-đi-ô” chỉ đáng kể khi tín hiệu bị biến dạng hơn 12 phần trăm.  Tôi tùy tiện chọn giới hạn này vì 12 là con số quen thuộc (12 tháng trong năm, 12 con giáp, 12 bà mụ nặn em bé, v.v.) và nhất là có vẻ hợp lý, nhưng trong những trường hợp như thế này, bọn kỹ sư chúng tôi biện giải bằng lối nói hoa lá cành là “dựa trên phán đoán kỹ thuật” của mình.  Nhờ đó, tôi tính toán đợt thứ hai và đi tới kết luận:  Nếu vẫn dùng cỡ dây 267 MCM, khoảng cách giữa đường dây và ăng-ten phải tăng lên thành 75 m; nếu vẫn giữ khoảng cách 60 m, phải tăng cỡ dây lên 477 MCM hay lớn hơn.

Tôi viết phúc trình trưng chứng mọi chi tiết kỹ thuật, nhờ cô thư ký Charlotte đánh máy, và đệ trình lên ông Bill.  Tôi không biết ông và bên phía Dân quân liên lạc và trao đổi ý kiến như thế nào, nhưng hai tuần sau Charlotte mang lại cho tôi một chồng bản in điện toán do Lục quân Hoa kỳ gửi tới dưới tên Pramana, tên có đúng một chữ.  (Trại Dân quân thuộc lực lượng trừ bị của Lục quân.)  Pramana chạy máy điện toán để tính toán và in ra kết quả phù hợp hoàn toàn với những phép tính tôi làm bằng tay với cây thước tính cũ.

Đến đây thời gian tập sự của tôi chấm dứt, nhiệm vụ của tôi ở sở Truyền Điện kết thúc, và tôi chọn làm việc cho nha Điều hành Hệ thống Điện cũng nằm trên lầu bốn của trụ sở trung ương.  Hai tháng sau, anh Gary sang mời tôi theo phái đoàn MDU đi họp với các viên chức của Dân quân North Dakota, Lục quân Hoa kỳ, và chính phủ liên bang.  Anh Pramana nhận ra tôi ngay lập tức; anh người nhỏ nhắn, khoảng dưới 40 tuổi, tóc đen, nước da ngăm đen, và nói tiếng Anh khá rõ ràng.  Anh là người Mỹ gốc Nam Dương (người Nam Dương thường dùng một tên duy nhất), là chuyên viên điện từ của Lục quân, và đóng đồn ở căn cứ Lục quân Wiesbaden ở Đức quốc.  Anh bắt tay tôi thật chặt,

“Chúng ta vốn là hàng xóm láng giềng.”

Tôi trình bày phúc trình kỹ thuật của mình và giải đáp thích đáng mọi câu hỏi nêu ra.  Phía Dân quân nhấn mạnh tầm quan trọng của ăng-ten đối với sự an toàn của dân chúng North Dakota, đòi thi hành giải pháp chắc ý nhất, và thay vì chọn một trong hai khuyến nghị của tôi, nhất định dùng cả hai:  Đường dây dùng dây dẫn điện cỡ 477 MCM hay lớn hơn và cách xa ăng-ten ít nhất 75 m.  Vì nghiên cứu lý thuyết của tôi chưa được kiểm chứng thực nghiệm, sau khi đường dây được xây cất và hoạt động đúng mức, anh Pramana sẽ trở lại đo điện trường, từ trường, và tác động thực của chúng để bảo đảm tín hiệu không bị khuấy rối.

Trong giờ nghỉ giải lao, tôi theo anh Pramana ra ngoài trời quan sát trụ ăng-ten.  Bỗng nhiên, anh cau mày, lại gần các nhà kho chứa đồ quanh đó, và chất vấn cặn kẽ các dân quân có nhiệm vụ canh gác.  Khi phiên họp nhóm trở lại, anh tung ra “quả bom” khiến ai nấy đều xôn xao:  Địa điểm hiện tại của ăng-ten quá gần kho đạn và vi phạm nặng nề luật lệ của Lục quân; Dân quân phải dời ăng-ten càng sớm càng tốt với phí tổn do Lục quân đài thọ.  Trên đường đến buổi họp sáng nay, tôi nghe anh Gary bàn với luật sư của MDU là công ty sẽ đề nghị trả chi phí di chuyển ăng-ten, vì như thế rẻ tiền hơn dời đường dây.

Khi anh Gary gọi về văn phòng báo cho ông Bill biết kết quả buổi họp, ông mừng quá ra lệnh cho anh mời cả nhóm hơn 20 người ra nhà hàng sang nhất thành phố để ăn trưa, MDU khoản đãi.  Trong phiên họp chiều, anh Gary và ông luật sư làm việc với phía bên kia để soạn thảo bản thỏa thuận giữa MDU và Dân quân North Dakota.  Trên đường về, ông luật sư hân hoan,

            “Ba Hoa, anh thật tuyệt vời.  Trong nhiều năm thương thảo với Big Brother (Đại ca), hôm nay là lần đầu tiên tôi đạt được kết quả ngay buổi họp đầu.  Tôi tưởng họ sẽ bắt MDU hủy bỏ dự án, hay ít ra cũng dời đường dây đi nơi khác.”

 

“Big Brother” là danh từ lấy trong cuốn tiểu thuyết Nineteen Eighty-Four (1984) của George Orwell (1903 – 1950) viết năm 1949, và dùng để mỉa mai các viên chức chính phủ ưa lạm dụng quyền hành, làm oai làm tướng.  Sau khi anh Pramana mang dụng cụ đo lường trở lại North Dakota nghiệm lại kết quả lý thuyết, chúng tôi viết chung bài khảo cứu gửi đến IEEE Transactions là tạp chí kỹ thuật xuất bản định kỳ của IEEE (Hội Kỹ sư Điện và Điện tử thế giới).  Bài khảo cứu với tên tôi đứng trước, tức là tác giả chính, được chọn đăng với lời khen ngợi nồng nhiệt của hội đồng tuyển chọn, và sau đó, Giới hạn Ba Hoa - Pramana 12 phần trăm trên trời rớt xuống được các nhà kỹ sư điện lực dùng làm mẫu mực trong các nghiên cứu tương tự.  Lần đầu tiên một kỹ sư MDU có bài khảo cứu đăng trên tạp chí có uy tín khắp thế giới này, các bạn đồng sự hớn hở chúc mừng tôi, và giai thoại “thước tính đấu với máy điện toán” được truyền tụng khắp công ty.

Một buổi sáng đầu tháng Mười, khi xuống câu lạc bộ nghỉ giải lao, tôi cảm thấy có điều gì khác lạ.  Người chung quanh nhìn tôi thì thầm bàn tán.  Đột nhiên, anh bạn Charlie xuất hiện, cô thư ký Charlotte theo sau, đẩy xe chở chiếc bánh sinh nhật cắm 29 cây nến nhỏ đã thắp lên.  Mọi người đứng dậy vỗ tay và hát bài "Happy Birthday to You" để mừng sinh nhật “Nhà Toán học của Công ty” – hàng chữ trang hoàng trên bánh.  Tôi khựng lại một giây rồi nhớ ra.  Hôm nay là ngày sinh nhật thứ 29 của tôi.  Đó là chiếc bánh sinh nhật đầu tiên trong đời của tôi.

Trước sự thương yêu và kính nể của bạn bè nơi đất mới, tôi xúc động thực tình, nước mắt chảy dài trên má.  Tôi nghĩ tới bé Mạc và nhớ lại lời bài hát của người bạn cũ là nhà du ca Nguyễn Đức Quang (1944 - 2011),

Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương.

. . .  Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình.

Nơi này rất dễ thương và thanh bình đã lâu.  Quê hương của con tôi mà!

Nguyễn Ngọc Hoa

                                          Ngày 25 tháng Mười Một, 2020


Tags: SAU 1975
Tags: TÁC GIẢ

Đăng nhận xét

Tin liên quan