KS NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA BÃO TỐ ĐỜI MẸ

 


Bão Tố Đời Mẹ

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 


Sau Tết tây, tôi làm việc ròng rã năm tháng dài mới có ngày nghỉ lễ:  lễ Chiến sĩ Trận vong (trước gọi là lễ Gắn Huy chương) cử hành vào thứ Hai cuối cùng của tháng Năm, năm nay (1976) nhằm ngày 31 cuối cùng của tháng Năm, để tưởng niệm những quân nhân Hoa kỳ đã bỏ mình khi thi hành nhiệm vụ trong quân ngũ.  Ngày này người Mỹ mang hoa ra nghĩa trang thăm mộ thân nhân, tương tự như người Việt đi tảo mộ, bất luận người đã khuất là cựu chiến binh hay không.  Từ nay kể như mùa hè bắt đầu:  Trường học nghỉ hè, người làm việc nghỉ phép đưa gia đình đi chơi xa, và các sinh hoạt như cắm trại, câu cá, và chơi thể thao ngoài trời bắt đầu.

Ba ngày cuối tuần dài đi qua thật nhanh.  Tối thứ Hai, khi tôi lấy áo quần sáng mai mặc đi làm để sẵn, Quỳnh Châu nhắc tôi,

          “Mai là tháng Sáu rồi đó anh.”

          “Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em, anh đi tìm nhà thương em nằm.  Ba tuần nữa đến tiết hạ chí ngày dài đêm ngắn nhất do quả đất quay gần mặt trời, bắt đầu mùa hè.  Tháng Sáu có cả mùa xuân lẫn mùa hè, vợ anh thích mùa nào?” tôi hát nhại bài “Bây Giờ Tháng Mấy” của Từ Công Phụng và nói loanh quanh để trêu nàng.

          “Chồng chỉ có mỗi một cô vợ dễ thương này mà cứ đè ra ghẹo hoài.  ‘Người ta’ nói chuyện đàng hoàng mà ôông dôông quen thói ba lơn, cu Mạc cười cho rán chịu,” nàng làm bộ giận dỗi.

          “Vợ mình mình ghẹo cho vui đời chớ có ghẹo vợ hàng xóm để buông lời ong bướm trăng hoa đâu mà sợ.  Anh biết em nói chuyện đưa cu Mạc về thăm ôông mệ, o Bình, và các chú nên mới nêu ra tiết hạ chí là tới kỳ cu Mạc được ba tháng mười ngày.  Lúc đó em hết phong long, muốn đem con đi thì đường ta, ta cứ đi, anh không cản nữa đâu.”

Ngay sau khi Mạc đầy tháng, Quỳnh Châu đã tỏ ý muốn bồng con về ra mắt ông bà nội, “Cu Mạc có tội gì với cha mà sợ?”  Tôi đưa cả hai bàn tay lên ngăn và đùa với nàng bằng câu thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888),

          “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái, ta là phận trai.  Em có biết cha mê bài bạc và tin dị đoan một cây?  Anh đã từng thấy cha đi đánh bài mà ra đường gặp phụ nữ là vội vàng lộn vào nhà.”

          “Tại sao vậy?”

          “Vì tin rằng ra đường gặp gái là điềm xấu, phải tránh để khỏi bị xui xẻo.”

          “Em bồng cu Mạc tới thăm, cha có ra đường đâu mà sợ xui?”

          “Người Việt cho rằng đàn bà đẻ trong ba tháng mười ngày đầu mang khí trược nhơ uế đưa tới vận đen lớn cho người khác, gọi là ‘phong long’ hay ‘phòng long.’  Kẻ ‘phạm phong long’ đi thi sẽ hỏng, buôn bán lỗ lã, và làm gì cũng thất bại.  Nếu em đem con gặp cha trước khi hết phong long, mọi chuyện không đắc ý của cha sẽ trăm dâu đổ đầu tằm và chồng em lãnh đủ vì hiện nằm trong ‘sổ đen’ của cha,” tôi giải thích thêm về tục dị đoan này.

Hồi xưa đàn bà đẻ phải đợi ba tháng mười ngày (tức là 100 ngày tính theo tháng âm lịch) mới ra ngoài.  Tuy nhiên, sau lễ khẳm tháng của con, người ta có thể “bán phong long” bằng cách đem một tàu lá chuối ra ngã ba đường cái, trên tàu lá chuối để 12 miếng cau trầu tượng trưng cho 12 bà mụ nặn ra em bé và vài đồng tiền để khách qua đường lấy dùng.  Trong thời gian nằm cữ (hay nằm bếp), sản phụ được các bà nuôi đẻ giã củ nghệ thoa bóp khắp thân hình cho chắc da thắm thịt và mau lành cửa mình.  Do đó, các cô gái quê Huế có câu hò trêu chọc mấy anh học trò xứ Nghệ,

Hò ơ, ơi anh ơi, ba tháng mười ngày mới hết phong long.

Anh cho em một chút để em xoa trong bóp ngoài.

* * *

Mẹ và em Bình rất đỗi vui mừng khi mẹ con Quỳnh Châu đến thăm.  Mẹ tâng tiu Mạc và khen “thằng chó” bụ bẫm tốt tướng, dễ thương, và không sợ người lạ.  Bình giành ẵm bé, trong khi các chú vuốt má và sờ các ngón tay tí teo của bé rồi đứng ra xa khi thấy cha lại gần.  Cha nhìn bé chằm chặp và hỏi Quỳnh Châu vài ba câu thông thường, nhưng không thèm hỏi han tới “thằng con bất hiếu bất mục” là tôi.  Từ đó, cứ đôi ba bữa hay lâu lắm là một tuần, Quỳnh Châu lại na (mang dời đi một cách khó khăn) Mạc tới cho mệ, o, và mấy chú nựng nịu.

Bình đang học khóa hè và bán hàng một phần thời gian trong cửa hàng bách hóa.  Cha làm việc tạm thời cho nha Thuế vụ tiểu bang vì nay là mùa khai thuế, sở thuế bận rộn và cần thêm người phụ giúp.  Hàng năm người Mỹ làm việc có lợi tức phải tự mình (hay thuê người) tính thuế lợi tức và gửi bản khai thuế về cơ quan thuế vụ tiểu bang và liên bang trước ngày 15 tháng Tư.

Ba tuần sau khi gặp Mạc lần đầu, mẹ phải đương đầu với cơn bão tố xảy tới bất chợt.  Hôm ấy cha đi gửi thư, bỏ thư vào trong cái thùng thư trước ty Bưu điện cách nhà hai khu phố, và vô ý “gửi” luôn cái ví đựng tiền và giấy tờ vào thùng.  Không biết vì cha “sợ” nói tiếng Anh hay ôốc dôộc (mắc cỡ) về sơ ý ấu trĩ của mình mà thay vì vào bên trong nhờ nhân viên Bưu điện lấy ra, cha ba chân bốn cẳng chạy về nhà tìm mấy đứa con sai đi lấy.  Chỉ có mẹ và Bình ở nhà; em đang sửa soạn đi làm nên xin cha đến hôm sau em ra ty Bưu điện.  Cha là dân nhà binh quen thói một khi đã ra lệnh thì lệnh không thể cải dời và phải thi hành ngay lập tức, trong gia đình ai làm khác đi kể như . . . đời tàn trong ngõ hẹp.  Cha lên cồ lộng mộc (sừng sộ hung hăng) nắm tay giơ lên cao,

“Tổ cha mi, đồ con gái mất dạy!  Cha mi nói mà không thèm nghe lời.”

Thấy con gái cưng sắp bị đánh, mẹ xót con vội vàng la lên can thiệp.  Lời can ngăn của mẹ khiến cơn giận của cha cháy bùng như lửa đổ thêm dầu, cha hung hăng chửi,

          “Đ. m. con thằng Hà nhà quê thất học ngu đần, không biết dạy con, còn cả gan bênh đứa con gái hư.”  “Hà” là tên ông ngoại tôi, ôông mất khi mẹ mới lên năm.

          “Ôông là người có ăn học làm tới ôông nọ ôông tê (kia) mà ăn nói thô bỉ và đối xử tệ bạc với vợ con thua cả tụi cu-li xe kéo ngoài làng quê Quảng Bình.  Sống uổng cơm Trời, chết quách đi cho rồi,” con giun xéo lắm cũng quằn, mẹ vùng lên mắng trả.

          “Bèo ơi là Bèo, mi đội mồ sống dậy coi con mi là thứ đàn bà lăng loàn chưởi chồng, phá hoại gia cang tề (kìa).  Chừ tau chỉ có cách giết hết, đập hết mới đã nư,” cha làm bộ khóc lóc để bêu diếu mẹ; “Bèo” là tên bà ngoại tôi; mệ mất ngoài làng vào cuối thập niên 1950.

          “Nói cho ôông biết, chừ tui biết gọi cảnh sát cấp cứu rồi.  Ôông mà xú xớ (láng cháng) đụng tới một sợi lông chưn của tui hay đập phá cái chi trong nhà ni, tui kêu hắn tới cùm đầu ôông vô tù cho đẹp mặt đẹp mày thứ đàn ông vũ phu tồi bại.  Đồ đạc của nhà thờ cho gia đình thằng Ba Hoa, không phải chi của ôông mà làm oai làm tướng đập nát hết, chừ không còn cái chén lành hay dĩa nguyên để ăn cơm,” mẹ chỉ tay hăm he.

Cha tức uất người nhưng sợ bị “cùm đầu” nên không dám dở ngón sở trường khổ luyện bao nhiêu năm nay là thượng cẳng tay hạ cẳng chân với mẹ và đập phá đồ đạc trong nhà, mà chỉ huơ chân múa tay đánh võ mồm, quanh đi quẩn lại với mấy câu chửi rủa tục tằn cũ rích cũ rang cha chế ra trước khi tôi ra đời.  Mẹ chán ngán không thèm đoái hoài đoái quở, nấu ăn dọn cơm và dọn dẹp như thường ngày.

Hôm sau, bưu tá phát thư mang trả lại cha cái ví nguyên vẹn giấy tờ và tiền bạc.  (Hôm trước, sau khi bị cha mắng, trong khi làm việc, Bình gọi điện thoại nhờ ông bảo trợ Gardner giúp.  Ông gọi ra ty Bưu điện xác nhận tên và địa chỉ chủ chiếc ví đi lạc; nhờ vậy vật hoàn cố chủ.)  Sáng sớm ngày kế tiếp, cha gọi tắc-xi chở ra phi trường, lẳng lặng ra đi không một lời giã biệt với mẹ.

Cha đi rồi mẹ mới biết cha đã xin nghỉ việc sở thuế, đóng trương mục ngân hàng, mua vé máy bay, và sửa soạn hành lý từ tuần trước.  Thấy mẹ u sầu với đôi mắt thâm quầng, Quỳnh Châu an ủy,

          “Mẹ đừng buồn, mẹ còn cả bầy con cháu hết lòng thương yêu mẹ.”

          “Tau có buồn mô, chỉ giận con người bạc bẽo như vôi nớ.  Tau luôn luôn nhớ lời hứa với mệ nội thằng Ba Hoa.  Mệ mất khi hắn chưa đầy hai tuổi, mệ trăng trối giao bổn phận cai quản gia đình dòng họ cho tau.  Nếu tau không cắn răng đi hết con đường khổ ải ni, mai mốt xuống dưới suối vàng, mặt mũi mô mà thấy mệ?” mẹ lấy khăn chặm nước mắt.

          “Con chắc cha sẽ hồi tâm trở về với mẹ,” Quỳnh Châu vuốt tay mẹ.

          “Hắn đành đoạn vơ vét lận theo mấy ngàn bạc mẹ con dành dụm chắt chiu lâu nay, làm răng có chuyện hồi tâm nớ?  Nhưng trước sau chi cũng nướng vô sòng bài, và khi hết tiền không ai chứa chấp nữa thì đục đầu về.  Mụ Cẩn gọi điện thoại cho tau nói hắn đánh bạc thâu đêm mãn ngày, quên ăn bỏ ngủ.”

“Mụ Cẩn” là bác Cẩn gái bạn của mẹ; cha xuống Los Angeles ở nam California và ở nhà hai bác Cẩn.  Bác trai là bạn của cha từ thuở để chỏm ngoài Quảng Bình, gia nhập quân đội một lần, và học cùng một khóa Võ bị Liên quân Đà Lạt với cha.  Ở Việt nam mấy năm về sau, trong lúc cha về Sài gòn nghỉ hưu thì bác thăng tiến như diều gặp gió, lên chức tướng, và được bổ nhiệm làm thứ trưởng một bộ chủ chốt của chính phủ.  Trên đường di tản, tôi gặp bác trên tàu Green Wave từ vịnh Subic đi đảo Guam, hai bác và hai cô con gái khệ nệ khiêng một rương vàng nặng, và anh em tôi hết mình đứng ra giúp bảo vệ gia đình bác và rương vàng.  Khi tàu cặp bến đảo Guam, bác quên béng lời hứa “bác cháu mình đi đâu cũng có nhau,” lặng lẽ đưa gia đình xuống tàu trước, và bỏ mặc anh em tôi.

Cha thua bạc hết tiền như mẹ tiên đoán, nhưng chưa về ngay mà viết thư cho tôi theo địa chỉ ở sở.  Sau hai, ba câu thăm hỏi, cha đi vào vấn đề,

Từ lúc xuống đây, việc tìm việc của cha rất khả quan.  Cha sắp đi làm mà ở thành phố này, không có xe làm phương tiện di chuyển thì kể như bị chặt chân.  Con cố gắng thu xếp gửi cho cha một ngàn đô la ($1,000) để mua chiếc xe cũ đi làm.

Con rán giúp cha và cần nhất không được nói cho vợ con biết.  Cha mong tin con.

Một ngàn đô la là nguyên tháng lương của tôi; sau khi trừ thuế, chỉ mang về nhà hơn $700.  Tôi lại nợ ngập đầu với các món nợ vay khi mới đến, cộng thêm nợ để chi dùng và mua sắm khi ra ở riêng.  Khi đó, chúng tôi có vỏn vẹn hai cái bao rác thồn đầy quần áo và vật dụng cá nhân, và chiếc rổ đựng đồ giặt chứa các thứ lặt vặt.  Khó xử hơn là cha dặn phải giấu Quỳnh Châu, điều mà từ khi lấy nàng tôi chưa bao giờ làm.  Nhưng những ràng buộc của văn hóa Khổng Mạnh, bài học Luân lý Giáo khoa Thư, gương hiếu thảo trong Nhị Thập Tứ Hiếu, v.v. đã ăn sâu vào tâm khảm, tôi không thể không tuân lời cha, mặc dù biết chắc số tiền đó rồi cũng cúng vào sòng bài.  Kẻ thua bạc luôn luôn cần thêm tiền để gỡ thua.

Tôi mượn anh Phức $1,000 và dùng thẻ tín dụng mua vé máy bay một chiều từ Los Angeles về Bismarck với tên cha là hành khách, ngày đi để ngỏ, và không cho trả lại lấy tiền.  Tôi viết bức thư ngắn “xin cha nhận món tiền này để mua xe đi làm” rồi ra Bưu điện mua bưu phiếu gửi cho cha cùng với tấm vé máy bay.  Quỳnh Châu không hay biết vì tính nàng vô tư và rộng rãi, phó mặc tôi lo chuyện tiền nong chi tiêu trong nhà.  Một tuần sau, Quỳnh Châu cho biết cha đã về nhà và cư xử như thể chưa hề đang tâm bỏ mẹ ra đi.  Mẹ thì thầm với nàng,

“’Ông già’ mi mặt mày xất bất xang bang vì thiếu ăn, thiếu ngủ, và thiếu tiền đánh bạc.”

Suốt đời làm vợ cha, mẹ phải luôn luôn chuẩn bị ứng phó với những hồi bão tố phũ phàng như thế.  Tôi tự hỏi có bao giờ mẹ mong muốn cuộc đời mẹ đổi khác đi – như tôi hằng mong.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 10 tháng Hai, 2021

                            ***

“Anh Làm Cho Đời Em Sáng Ngời”

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 

Trong số những người Quỳnh Châu giúp đi xin welfare và food stamps, Thu Trường hay được nàng nhắc nhở với nhiều ái ngại nhất.  Người thiếu phụ 22 tuổi ấy là mẹ của hai cô bé năm và ba tuổi, và không có chồng.  Năm 16 tuổi, Thu Trường có bầu với cậu bạn trai cùng xóm, và cậu ta bị bà Vui mẹ nàng bắt phải cưới.  Nàng bỏ học, ở nhà tập tành làm mẹ; chồng tình nguyện đi lính Nhảy dù, lâu lâu ghé về thăm một lần; và nàng sinh thêm bé gái thứ hai.  Bà Vui trạc bốn mươi, góa chồng, và có thêm hai cậu con trai 14 và 12 tuổi.  Bà làm tài xế cho cơ quan dân sự Hoa kỳ nên đầu tháng Tư năm ngoái (1975), gia đình được di tản ra khỏi nước bằng máy bay.  Đến Bismarck, bà và Thu Trường tách ra thành hai gia đình riêng rẽ để hưởng trợ cấp chính phủ cao hơn, họ thuê apartment ở gần nhau.

Trong các buổi tiệc nhậu, đi picnic, cắm trại, câu cá, hay thăm viếng nông trại cuối tuần, các tay độc thân bàn tán lao xao về hai mẹ con bà Vui.  Với một chàng trai trẻ tuổi, Thu Trường là mẫu người lý tưởng:  xinh xắn với mái tóc dài, da trắng, dáng người thon thả, và tình trạng tài chánh ổn định nhờ lãnh lương . . . Tổng thống Ford.  Với một kẻ sồn sồn như anh Cấp, bà Vui là mục tiêu sáng giá:  nhan sắc nửa nạc nửa mỡ chưa phai tàn mà vốn liếng tiền bạc lại rủng rỉnh.  Ngày vừa di tản sang đến đảo Guam, bà được cơ quan cũ bồi thường bằng cách mua lại số tiền Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) mang theo, trong lúc tiền VNCH của tôi và đa số những người tỵ nạn khác trở thành mớ giấy lộn vô giá trị.

Anh Cấp là cựu hạ sĩ quan truyền tin, ăn nói mạch lạc khôn khéo, tóc quăn đẹp, và mặt mày sáng sủa dễ nhìn.  Anh tuổi Thìn con Rồng, năm nay 36 tuổi; sách tướng số nói đàn ông tuổi Thìn có số sung sướng mãn đời.  Anh làm ca đêm trong xưởng dây chuyền lắp ráp máy cày, ban ngày rảnh rỗi lái xe đi chơi loanh quanh, thường ghé lại nhà mẹ con bà Vui giúp sửa chữa lặt vặt, và khi xong việc, được ân cần mời nán lại dùng cơm.  Phiến, người bạn trẻ vui tính, chắc mẩm anh Cấp sẽ “dzô” bà Vui nên trêu chọc bằng bài hát “Tình Cho Không” nhạc Pháp (“L’amour c’est pour rien”) lời Việt của Phạm Duy (1921 – 2013),

Tình cho không, biếu không

Ân tình ai cũng cho được nhiều

Tình cho không, biếu không

Chớ nên mua bán tình yêu.

(L’amour, c’est pour rien

Tu ne peux pas le vendre

L’amour, c’est pour rien

Tu ne peux l’acheter.)

(Pascal-René Blanc & Enrico Macias)

Tôi gặp bà Vui lần đầu ở văn phòng bác sĩ đo mắt gần sở tôi.  Người Việt kháo nhau ông bác sĩ đứng tuổi này mát tay và tận tâm nên đua nhau hẹn đo mắt làm kính, và đương nhiên tôi được giao cho chân thông dịch khi họ đi khám mắt.  Trong phòng tối, ông chiếu lên tường một bảng gồm nhiều dòng chữ cái cỡ từ lớn đến nhỏ để bệnh nhân đọc thử.  Khi thử mắt, ông lần lượt đặt hai mắt kính có độ phóng đại kế tiếp nhau trước mắt bệnh nhân và hỏi, “Một hay Hai?” “Ba hay Bốn?” “Năm hay Sáu?” v.v., để biết mắt kính nào giúp đọc rõ hơn.

Phần thử nghiệm đơn giản đó của bà Vui, ông bác sĩ toát mồ hôi hột mới hoàn tất.  Hoặc bà không có khả năng phân biệt mắt kính nào thấy rõ hơn, hoặc bà biết mà không thèm nói thật để bác sĩ đoán mò chơi cho bõ ghét.  Khi chọn mua kính đeo, bà lưỡng lự bỏ cái này chộp cái kia và rốt cuộc lấy đại hai cái kính mắt tiền nhất.  Tôi ngạc nhiên hỏi,

          “Sao bác lấy đến hai cái kính?  Mỗi lúc, bác chỉ cần đeo một cái thôi mà.”

          “Cái anh này vớ vẩn!  Một cái đeo thường ngày, một cái để xơ-cua.  Có thế mà không biết,” bà mắng vào mặt tôi; “xơ cua” do tiếng Pháp “secours” là trữ phòng hờ.

          “Sao bác không đợi cái kính đầu tiên gãy hay vỡ rồi hẳn mua cái thứ hai?”

          Welfare nó cho mua hai cái, tội gì không lấy?  Mỹ giàu có, thiếu gì tiền của mà nhà anh phải lo bò trắng răng.”

Lời nói trịch thượng của bà Vui làm tôi tức ấm ách.  Tôi đi làm (và đóng thuế cho chính phủ) được công ty trả lệ phí bảo hiểm y tế, nhưng trên thị trường không có bảo hiểm thị lực nên đi khám mắt phải lấy đồng tiền liền khúc ruột trong túi ra trả và chỉ dám chọn một cái kính hợp với túi tiền nhất.  Không . . . sang trọng như bà!

Dù không mong gặp lại bà Vui, ba hôm sau tôi được cảnh sát gọi nhờ thông dịch và khi đến bót cảnh sát, bà và cậu con trai lớn đã có mặt ở đó.  Bà đay nghiến mắng nhiếc cậu con đã để cho bị tóm cổ khi ăn cắp đồ trong cửa hàng bách hóa.  Cậu biết tiếng Anh, nhưng cảnh sát không tin tưởng cậu mà bắt chờ tôi đến.  Tôi dịch lại điều cảnh sát muốn bà hiểu và chấp nhận trước khi ký tên bảo lãnh cậu về,

          “Con bà phạm pháp, nhưng lần đầu chúng tôi bỏ qua.  Nếu phạm pháp nữa, chúng tôi sẽ truy tố ra tòa án thiếu nhi.  Xin bà hiểu là thiếu nhi phạm tội có thể bị gửi vào trại giáo hóa thiếu nhi tới năm 18 tuổi.”

Anh Cấp thành công trong việc chinh phục con tim Thu Trường và hãnh diện trình diện người yêu trẻ đẹp trong một buổi đi chơi và ngủ đêm ở nông trại.  Thu Trường vô tư tung tăng vui đùa, trong khi hai đứa con, bé lớn lì lợm không ai nói được và bé kia khóc nhè từ đầu mùa đến cuối mùa.  Thu Trường cho biết nàng mê xi-nê, không bỏ qua phim mới nào.  Nàng cũng rất khoái đi ba (bar), nhưng không chỉ để uống rượu mà để nghe nhạc, nhảy đầm, và hòa mình vào đám người thác loạn sống động trong ba.  Đêm đó, nàng và Phiến sôi nổi hát bài dân ca trữ tình nổi tiếng "You Light Up My Life" (Anh làm cho đời em sáng ngời) của Joseph Brooks (1938 – 2011),

So many nights I'd sit by my window

Waiting for someone to sing me his song

So many dreams I kept deep inside me

Alone in the dark but now you've come along.

And you light up my life

You give me hope to carry on

You light up my days and fill my nights with song.

(Bao đêm em ngồi bên cửa sổ

Chờ ai đó hát cho em nghe

Bao giấc mơ em giữ sâu trong tim

Một mình trong bóng tối, nhưng bây giờ anh vừa đi đến.

Và anh làm cho đời em sáng ngời

Anh truyền hy vọng cho em tiếp tục

Anh soi rạng ban ngày và lấp đầy ban đêm của em bằng bài ca.)

Anh Cấp cho biết thêm Thu Trường ưa thích barhop (đi uống rượu từ ba này sang ba khác, “hop” tiếng Anh là nhảy lò cò) để tìm không khí khoái hoạt mới, uống loại bia đặc biệt ở ba kia, hay kéo dài thời gian vui chơi khi ba này đóng cửa sớm hơn; có khi anh phải lái xe hàng chục dặm Anh sang thị trấn khác.  Người nàng chứa chan nhiệt tình ham sống đáng yêu của một thiếu nữ Mỹ mới lớn, nhưng thiếu vắng đức tính của một bà mẹ Việt nam có hai đứa con . . . rưỡi.  Bụng bầu của nàng đã hơi tròn, khoảng bốn hay năm tháng.

Anh Cấp đưa Thu Trường đi thuê nhà (nàng đứng tên thuê), và họ dọn vào sống chung với nhau.  Tổ uyên ương là căn apartment dưới tầng hầm, chủ nhà ở tầng trên, có driveway và lối ra vào riêng, và cách xa nhà bà Vui.  Họ mở tiệc mời bạn bè đến “ăn tân gia”; chúng tôi nâng ly chúc mừng “đôi trẻ,” kể chuyện tiếu lâm chồng già vợ trẻ và cười hể hả, và uống say túy lúy.

Ràng buộc gia thất không cầm chân anh Phức ở nhà, anh vẫn dự các buổi tiệc nhậu cuối tuần một mình và đôi khi kể lể tính nết của “bà vợ” mới.  Thu Trường thức sáng đêm coi ti-vi trong lúc anh đi làm, và ban ngày ngủ vùi, bỏ mặc hai đứa con và hai con mèo.  Khi xem ti-vi hay nằm ngủ, nàng rút dây điện thoại ra khỏi ổ cắm điện thoại để khỏi bị quấy rầy; người gọi tới chỉ nghe chuông reo mà không ai trả lời.  Khi thức dậy muốn gọi điện thoại, nàng gắn dây lại vào ổ cắm trên tường và say sưa nói chuyện hàng giờ; người gọi tới nghe tiếng “tít tít” liên tục cho biết điện thoại bận.  Nghe anh Cấp phàn nàn, Phiến có dịp cười nhạo,

          “Anh ăn và ở chùa, cơm no bò cỡi đã đời, giờ lại mơ ‘bà vợ’ giỏi giang hiền thục, công dung ngôn hạnh đầy mình.  Phần nào thôi chứ!”

Ngày bé Danny ra đời, mọi người mừng rỡ nghĩ rằng nhờ đứa con chung, cuộc sống lứa đôi của anh Cấp và Thu Trường sẽ tốt đẹp hơn.  Nhưng đại họa xảy đến lúc bé chưa tròn ba tháng.  Chiều hôm ấy, trong lúc anh Cấp nằm ngủ để lấy sức tối đi làm, Thu Trường một tay ẵm bé cho bú sữa và tay kia nấu cơm tối.  Đồng thời nàng lu bu quát mắng hai đứa con lớn đang đánh nhau, đuổi hai con mèo ăn vụng thức ăn, và ôm điện thoại nói chuyện với bạn.  Vai phải nàng vươn lên để kẹp ống nghe vào cằm và má.  Đột nhiên, hai con mèo rượt nhau chạy băng qua chân Thu Trường khiến nàng giật mình.  Cái ống nghe sẩy rời ra rơi xuống, và sợi dây nối vướng vào cán chiếc soong đang nấu canh, kéo soong xuống hắt nguyên nồi nước sôi sục vào mặt và thân hình Danny.  Bé tắt thở trên tay mẹ, không kịp khóc.

Sau đám tang bé Danny, tôi không còn gặp anh Cấp hay Thu Trường.  Một hôm đi siêu thị mua đồ ăn tôi gặp Phiến; Phiến chua chát báo tin,

          “Anh Cấp ca bài sayonara với cô Trường rồi.”  “Sayonara” tiếng Nhật là từ biệt.

          “Sao cơm không lành canh không ngọt nhanh vậy?” tôi hỏi nhưng không ngạc nhiên.

          “Sở Xã hội và ty Cảnh sát gửi người tới điều tra cái chết của thằng Danny.  Tuy cổ không bị kết tội ngược đãi trẻ em, nhà cổ bị theo dõi rất kỹ, không thể tiếp tục chứa chấp người dưng khác họ.  Ảnh bèn thu dọn chiến trường và rút quân về ở chung với tui.”

          “Anh Cấp thành độc thân vui tính như Phiến hả?” tôi hỏi đùa.

          Sức mấy!  Mất hậu cứ là cô con gái, ảnh nắm vững tiền đồn là bà mẹ cổ, mẹ già như chuối bà hương, như xôi nếp một như đường mía lau.”

          “Anh Cấp dzôDzuidính không?” tôi không tin tai mình.

          “Sao lại không?  Bả đang kêu ảnh dọn tới ở chung để xây tổ ấm mà.”

Không tới một tuần sau, tôi “bị” gặp bà Vui lần thứ ba.  Sáng sớm Chủ Nhật, tôi còn nằm trên giường thì chuông điện thoại reo, cảnh sát gọi nhờ tôi đến nhà bà giúp họ thông báo một tin rất quan trọng.  Vị cảnh sát đưa chiếc ví xách của Thu Trường cho bà và nói với giọng nghiêm trọng,

          “Chúng tôi rất tiếc báo cho bà biết cô Trường con bà và bạn trai là ông Cấp đã thiệt mạng đêm qua trên Xa lộ Liên bang I-94 cách Bismarck chừng 15 dặm Anh về phía tây.  Hiển nhiên, xe chạy tới khúc đường vòng vèo mà không giảm tốc độ, ông Cấp lạc tay lái, xe đâm thẳng xuống vực và tông mạnh vào một thân cây lớn.  Hai người mất mạng tại chỗ.  Máu của cả hai chứa lượng rượu cao gấp mấy lần mức độ say luật định.”

Trong lúc bà Vui vừa khóc vừa nguyền rủa “thằng khốn nạn” đã phản bội bà, tôi thắc mắc hỏi ông cảnh sát,

          “Làm sao ông biết anh Cấp là bạn trai của cô ấy?”

          “Chúng tôi tìm thấy hai người trong tư thế giao hợp tình dục:  Khi tai nạn xảy ra, cô ấy làm khẩu giao (oral sex) trong lúc ông ta ngồi lái xe.  Còn một điều nữa, chúng tôi sẽ ghi trong biên bản tai nạn, nhưng không thể kết luận tại sao.”

          “Dạ, ông cứ nói,” tôi gật đầu.

          “Chìa khóa mở máy xe ở vị trí ‘Off’ (tắt).  Tôi không biết chắc chuyện gì đã xảy ra, nhưng nếu xe đang chạy mà bất ngờ vặn tắt máy, tài xế sẽ không còn điều khiển được tay lái và sau hai hay ba lần đạp thắng, mất luôn khả năng hãm xe lại.  Vì tay lái và bộ thắng điều khiển bằng điện.”

Tôi nhớ ra trong một phim xi-nê mới chiếu tháng trước, bà vợ làm dịu cơn lo lắng trong lòng chồng bằng khẩu giao trong lúc ông ta lái xe, gây ra tai nạn lưu thông.  Chắc hẳn Thu Trường đã lấy ý từ phim đó và trên đường barhop, cố tình tạo nên tai nạn để hai người chết chung.  Tôi đoán nàng chiều chuộng anh Cấp như thế để làm anh đê mê, không còn tâm trí ngăn cản khi nàng đưa tay vặn chìa khóa tắt máy xe.  Tình có thể cho không, biếu không, anh có thể đã làm cho đời em sáng ngời, nhưng sự phản bội vô liêm sỉ phải trả bằng tính mạng.

Sách tướng số nói không sai.  Đến phút lâm chung, anh Cấp còn hưởng khoái lạc trần gian.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                            Ngày 6 tháng Giêng, 2021

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: VĂN

Đăng nhận xét

Tin liên quan