ĐÔNG KHA: Thi sĩ Cung Trầm Tưởng và những ‘chuyện tình Paris’ trong thơ ca

 Thi sĩ Cung Trầm Tưởng và những ‘chuyện tình Paris’ trong thơ ca

*Đông Kha

 Có lẽ là có rất nhiều người Việt yêu thơ ca ngày xưa đã hơn một lần mong mỏi được tận mắt nhìn thấy “Ga Lyon đèn vàng”, hay là được đắm mình trong một mùa thu Paris ở xa xôi, mơ ước được sánh đôi cùng tình nhân bước qua vườn Lục Xâm Bảo để nghe hương vị của ái ân tràn trề như trong âm nhạc của Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu, và Ngô Thụy Miên.

Những người đi Tây học như nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Trọng, thi sĩ Nguyên Sa hay Cung Trầm Tưởng đã trở về và mang theo cả hồn phách của nước Pháp trữ tình lãng mạn qua thơ và nhạc từ thập niên 1950-1960, là những tác phẩm nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của giới thanh niên, trí thức Sài Gòn – những người vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Pháp cho dù người Pháp đã rời khỏi Việt Nam từ 1954 sau hàng trăm năm hiện diện.

Một trong những tác phẩm đó là bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế của Cung Trầm Tưởng, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài Tiễn Em, rất nổi tiếng qua giọng hát Lệ Thanh, Sĩ Phú, Anh Ngọc… trước 1975 và Tuấn Ngọc sau năm 1975:

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly.

Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách

Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

Từ cuối thập niên 1950, thi đàn Sài Gòn xuất hiện một gương mặt mới trở về từ nước Pháp, với bút hiệu thật ấn tượng: Cung Trầm Tưởng. Ông tên thật là Cung Thức Cần, sinh quán ở Hà Nội và vào đến Sài Gòn năm 1949, rồi sang Pháp học trường Võ Bị Không Quân từ năm 1952...

Tại đây, ông trải qua cuộc tình với một thiếu nữ Pháp, cho dù chỉ kéo dài được hơn 1 năm, nhưng những yêu thương quyến luyến đó đã trở thành cảm hứng cho nhà thơ sáng tác thành nhiều thi phẩm, 2 trong số đó được công chúng biết đến nhiều nhất khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc: Tiễn Em và Mùa Thu Paris.

Hình ảnh Cung Trầm Tưởng khi đi học ở Paris, được “người em tóc vàng” chụp. Ảnh: Jimmy show

“Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó là những kỷ niệm đầu đời của mình”.

Tám câu đầu tiên của bài hát Tiễn Em được nhạc sĩ Phạm Duy giữ nguyên câu chữ của bài thơ nguyên thủy, không sửa một chữ nào, mô tả cuộc chia ly giữa 2 người dị chủng: Một sinh viên ở miền viễn Đông và một cô gái tóc vàng bản xứ.

Họ tiễn nhau trên một sân ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp lạnh lẽo, đó là “ga Lyon đèn vàng” giữa “tuyết rơi buồn mênh mang”. Ga Lyon này không phải là ở thành phố Lyon như nhiều người tưởng, mà có tên chính thức là Paris-Gare-de-Lyon, là một trong sáu ga xe lửa tuyến chính lớn ở Paris – thủ đô nước Pháp.

Ga Lyon đèn vàng Cầm tay em muốn khóc… Vì sao ánh đèn sân ga lại màu vàng? Điều này cũng được Cung Trầm Tưởng giải thích, đó là vào một buổi chiều mùa đông Paris lạnh giá, qua làn sương mù lạnh lẽo thì ánh đèn sân ga đã trở thành vàng vọt, gợi hình tượng lãng mạn nhưng cũng thật buồn, buồn như là tâm trạng của đôi tình nhân đang quyến luyến nhau không rời trước giờ phút phân ly.

Vì sao họ phải xa nhau, và “tiễn em về xứ mẹ” là xứ nào? Nhà thơ kể lại: “Mùa Ðông ở Paris thời hậu thế chiēn, không khí thường bị ô nhiễm; và phổi nàng không được mạnh, và nàng lại bị suyễn nữa, vì thế bác sĩ khuyên là trong ba tháng mùa Ðông, nàng nên đi về miền Địa Trung Hải để hưởng không khí trong sạch.

Ba tháng xa cách, thế nhưng thời đó tuổi trẻ lắm lúc đam mê và cũng hơi cường điệu, tôi có cảm tưởng xa nhau biền biệt, nên mới trải tâm sự thành bài thơ”. Nàng con gái tóc vàng rời Paris tròn 3 tháng để về Marseille, là thành phố miền Nam nhìn ra Địa Trung Hải có nắng ấm, có biển muối mặn, tốt hơn cho sức khỏe của nàng. 3 tháng được được nhà thơ làm tròn thành “100 ngày xa cách”.

Hỡi em người xóm học
Sương thấm hè phố đêm
Trên con đường anh đi
Lệ em buồn vương vấn.

Tuyết rơi phủ con tầu
Trong toa em lạnh đầy
Làm sao em không rét
Cho ấm mộng đêm nay?

“Xóm học” trong đoạn này được tác giả giải thích là khu đại học ở Paris. Họ yêu nhau khi tuổi còn rất trẻ mà thi sĩ Cung Trầm Tưởng nói đó là thời bồng bột. Ông đã theo đuổi một cô gái tóc vàng, và nàng cũng nhiệt thành đáp lại tình cảm, họ thường hẹn nhau ở vườn Lục Xâm (Luxembourg) với công viên ghế đá mà nhà thơ đã nhắc tới trong bài Mùa Thu Paris:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu

Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì…

Hai người cùng là sinh viên, cùng trọ học nơi mà ông gọi là “gác trọ”. Rồi một hôm nàng sang gõ cửa, được ông ghi lại bằng hình ảnh thật nhẹ nhàng: Sang anh, gót nhỏ thầm thì…, thể hiện sự bối rối, thẹn thùng của người thiếu nữ.

Những bài thơ Paris của Cung Trầm Tưởng được ông đem theo về Sài Gòn sau khi tốt ngiệp ở Pháp năm 1957, rồi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm từ năm 1959, ban đầu là Tiễn Em (bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế), sau đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Bên Ni Bên Nớ, Chiều Đông… Tất cả đã trở thành bất tử trong hơn 60 năm qua.

https://viet-4-gop.blogspot.com/

 


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: TẢN MẠN

Đăng nhận xét

Tin liên quan