TRẦN THỊ DIỆU TÂM: QUẬN MƯỜI BA- PARIS

 TRẦN THỊ DIỆU TÂM: QUẬN MƯỜI BA- PARIS

Quận 13 là một trong số 20 quận của thủ đô Paris nước Pháp, một quận có dân cư đông đảo buôn bán khá sầm uất, trục chính của quận là Place d'Italie. Đa số người Á Đông thường sinh hoạt suốt dọc hai con phố chính là Avenue D'ivry và Avenue de Choisy, nơi có nhiều siêu thị lớn nhỏ và các cửa hàng ăn uống nổi tiếng.

Trước đây, khoảng 1975, nghe nói khu phố này quán xá lèo tèo, vài cửa hàng người Ả Rập buôn bán không mấy phát đạt, đa số dân cư ngụ thuộc giới lao động bình dân .Nhưng từ khi có dòng người tỵ nạn xuất hiện, vùng này bỗng thay da đổi thịt. Cả khối Việt Miên Lào của Đông Dương xưa, tụ về nơi này sinh sống cùng nhau. Nhớ xưa kia cả ba đều con dân thuộc địa mẫu quốc Pháp, và sau này cùng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, một đàng là Khờ -Me Đỏ, một đàng là Bắc Việt. Người Ả Rập làm sao cạnh trạnh nổi, phải bán nhà cửa đi chỗ khác chơi. Người Việt đến Pháp định cư, đa số gia đình là dân Tây trước kia, hay là nhân viên làm việc cho cơ sở Pháp tại Sàigòn, hoặc có thân nhân con cái du học trước 1975. Số người đến Pháp theo giấy tờ như vậy ít ỏi không nhiều, dòng người boat -people khi đến đảo đều khoái American Dream, ít ai thích French Dream. Hoa Kỳ muốn đền bù cho dân miền Nam vì sự bỏ rơi tháo chạy của mình, đã ô-kê cho nhập cư vào Mỹ hầu hết thành phần cựu quân nhân theo diện H.O. Pháp không có H.O. Người Tàu đến Pháp cũng không nhiều lúc ban đầu, nhưng họ biết tạo thành một tập hợp vững mạnh phát triển với mục đích kiếm tiền sinh lợi, không chia rẽ vì mục đích chính trị. Người Tàu thích buôn bán hơn thích học chữ, phi thương bất phú mà, người Việt thích học chữ hơn thích bán buôn, nên người Việt cứ mãi làm thuê, người Tàu luôn làm chủ.

Đất lành chim đậu, người qua trước bảo lãnh người qua sau, đó là hợp pháp, người Tàu không cần hợp pháp, họ có luật lệ riêng của cộng đồng họ, lúc nào đưa người qua cũng được miễn là chịu chi tiền đậm. Trước đây nghe nói giấy tờ của người Tàu chết được dùng cho người Tàu sống. Trong việc kinh doanh, các người chủ Tàu thuê nhân công, trả lương thấp làm nhiều giờ. Mặc dù luật pháp xứ này luôn bảo vệ người lao động, thường cho người thanh tra kiểm soát nhân viên làm việc có được khai báo đúng theo luật lệ hay không. Tuy nhiên họ không lo bị thanh tra, các chủ nhân ông phớt tỉnh, họ có hậu thuẫn cửa sau. Làm gì được nhau. Mấy ông Tây trước đây không hiểu, không biết hối lộ, nhưng từ lúc có người Tàu hiện diện, họ bỗng dưng hiểu và khoái. Khu phố Á Đông này trở nên béo bở đối với nhân viên hành chánh thuế vụ, nhân viên ngân hàng...

Họ không cần phải học nói tiếng Pháp, người Pháp phải học nói tiếng nước họ, vậy mới là ghê chứ. Các dịch vụ cơ bản đều do người Tàu nắm giữ. Các ngân hàng cũng phải viết phụ thêm ngôn ngữ Tàu. Nhà băng bây giờ rất cần nhân viên biết tiếng Tàu, hay người gốc Tàu để giao dịch. Có tiền mua tiên cũng được, ai cũng sợ ai cũng nể. Đừng cho rằng tiền không mua được hạnh phúc, điều này xưa rồi Diễm. Tiền mua được tất, mua được hết.

Người Á Châu về đây, giá nhà cửa tăng phi mã, dân bản xứ thấy lời liền bán ngay dọn về nơi khác, vả lại người Pháp lấy làm ngại ngùng không quen với cách nói năng của mấy ông Tàu, ồn ào xi lô xi la, không hề biết pác-đông, méc-xì là gì. Hết đất xây cất thêm, nhà đầu tư bèn tạo dựng các cao ốc ngất trời mấy chục tầng. Chỉ lo thang máy hỏng. Một bà bạn đầm nói mỗi khi đến đây, bà có cảm tưởng đang ở Hong Kong, không còn là xứ Pháp của bà, bà hơi sợ hãi khi bước chân vô khu vực ăn uống này. Tôi hỏi sợ gì ? Trả lời sợ cái văn hóa lạ của người Tàu ! Người Việt sống chung với người nước khác dễ dàng, hòa nhập với người bản xứ. Nhưng Tàu thì không, họ chỉ sống cùng, sống với người cùng xứ sở, họ tạo ra một thứ quyền lực ngầm bảo trợ bao bọc nhau, chính quyền có khi cũng chào thua. Người Tàu chủ yếu hoạt động ở lãnh vực ăn uống và các dịch vụ mua bán thực phẩm, ngành nghề này phát triển tối đa. Giàu nghèo chi cũng cần phải ăn để sống. Giàu ăn ngon, nghèo ăn no. Mấy chuyện khác không quan trọng bằng, cái bao tử mới là trung tâm sự sống.

So sánh nhân dạng các chủng tộc miền Đông Á sống nơi này, người Việt có ngoại hình đẹp hơn cả, kể cả đàn ông lẫn đàn bà, kể cả thanh niên lẫn người lớn tuổi. Và dĩ nhiên phụ nữ Việt xuất sắc hơn cả về nhan sắc. Không phải vì chủ quan, nếu vài người đàn bà cùng độ tuổi đứng cạnh nhau, trong đó có một chị Việt, thì chắc chắn người ta sẽ biết người xinh đẹp hơn cả chính là Việt Nam ta. Đó là chưa nói tới trí óc thông minh của người mình. Đó là chưa nói tới chuyện phát âm giọng nói, nói tiếng Pháp thì người Việt phát âm chuẩn hơn cả, nhờ chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh. Người Việt phát âm tiếng Anh hay tiếng Pháp đều khá hay và rõ ràng.

Các bạn Pháp có vẻ yêu mến dân Việt hơn, và các dân tộc khác ở quận 13 này cũng có lòng nể trọng chúng ta. Có học có văn hóa cao, tuy nhiên kém tiền cũng thua kẻ ít học mà giàu tiền giàu của. Vào năm 2015, bà đầm Anne Hildalgo, đô trưởng của Paris cho xây một chiếc cổng kiến trúc khắc họa theo nét viết của chữ Môn (theo chữ Hán là cổng, xem hình kèm theo), cái cổng màu đỏ này tọa lạc tại ngã ba phố Avenue de Choisy, phố Vistule và phố Rue de Frères d' Astier de la Vigerie. Cổng môn có tên Pháp là "Arche de la Fraternité Franco- Asiatique", nhịp cầu huynh đệ Pháp Á. Kiến trúc theo lối chữ Tàu có hậu ý. Nịnh tiền thấy rõ!

Gia đình chúng tôi ở vùng phụ cận trung tâm Á Đông này, trong một thị trấn nhỏ. Nếu không lái xe hơi, có thể trèo lên trụt xuống mươi bậc cấp mê-trô là tới. Phương tiện giao thông công cộng ở Paris có thể nói là number one trên thế giới. Nhờ di chuyển bằng đôi chân nhiều, nên đa số không bụng phệ. Mấy đầm con, dáng cô nào cũng thon thả, đầm lớn tuổi còn diện váy ngắn. Nhìn hình đệ nhất phu nhân Pháp mà xem, váy ngắn trên gối cả gang tay, trông bắt mắt lắm dù nay đã 58 cái xuân xanh, lớn hơn tổng thống phu quân 24 mùa đông lạnh. Trong thị trấn này, khi chúng tôi mới định cư, rất hiếm hoi gặp một cư dân người Hoa, nhưng hiện nay, mấy con đường chính đều mọc lên các tiệm ăn với bảng hiệu Restaurant Céleste, Dragon, Sinostar... rồi đến các cửa hiệu bán sách báo, lô-tô, đều vô tay người Tàu.

Tuy nhiên, với chúng tôi, quận 13 là nơi chốn thân thương nhất, đi đông đi tây đi mô cũng tìm về ăn uống. Đó là nguồn sống sinh động nhất, vì nơi đây chúng tôi có thể gặp gỡ bạn bè đồng hương qua buổi đi chợ mua các thực phẩm Việt Nam Châu Á, hay chuyện trò ấm lạnh trong các quán ăn Việt Nam thân mật. Qua đây bao nhiêu năm rồi mà không ăn nổi các món ăn Tây, dù ẩm thực của xứ sở này nổi tiếng là tinh tế. Chỉ ăn được mỗi món bò bíp-tếch, lạt nhách phải thêm maggi, nước mắm. Thú thật chúng tôi cảm thấy mình rất nhà quê khi phải ăn những bữa tiệc cưới Tây, muỗng nĩa, thìa nhỏ thìa lớn, cái dùng trước cái dùng sau, ly nhỏ ly lớn cái rượu này cái rượu kia. Món ăn Pháp chỉ được cái trình bày đẹp mắt, thức ăn có chút xíu mà ngự trên cái đĩa men trắng to chà bá, cho vào mồm hai miếng là hết. Dân Pháp chuộng cái đẹp, cái thẩm mỹ. Ăn món Ta, chỉ cần mỗi một đôi đũa mà gắp được hết. Có khi bốc tay còn ngon hơn nữa đấy! Trở về với con người tự nhiên, rủ bỏ bớt những lỉnh kỉnh phiền toái của thứ gọi là con người văn minh, có khi còn sống vui sống khỏe là khác ! Hẹn hò nhau ở quân 13, để nói tiếng Việt với nhau, để còn thấy nhau, kẻo mai kia mốt nọ ra đi mà không bảo gì nhau. Hẹn gặp nhau hôm nay, vì ngày mai biết ở nơi nao, miền Vĩnh Cữu, miền Vĩnh Hằng, miền Tây Phương Cực Lạc, biết bạn phiêu diêu nơi mô. Những nơi ấy có phở tái gầu gân không ? Có bún bò giò heo không ?

Ông bạn Nho gia Phạm Xuân Hy định cư ngay ở trung tâm phố thị 13 nhộn nhịp này, ai cũng biết ông là dịch giả nổi tiếng của pho truyện Tàu Liêu Trai Chí Dị, trong đó kể về các thư sinh bị các hồ ly tinh biến thành gái đẹp đến chọc ghẹo vào ban đêm, làm chuyện mây mưa suốt khiến các chàng quên học hành bỏ thi cử mang họa vào thân. Không biết trời xui đất khiến sao mà gần khu vực đấy, xuất hiện mấy hang động của hồ ly tinh. Đầu đường phố Avenue D'ivry, xế đối diện siêu thị Paris-Store, các hồ ly này không cần phải chờ đêm tối, họ biến thành các cô môi son má phấn ngay cả ban ngày ban mặt, xi xô tiếng Tàu đứng tụm năm tụm ba nói cười ra vẻ hồn nhiên ngây thơ, họ thả mồi, câu vía đàn ông. Ngày nào cũng đứng lóng ngóng công khai liếc ngang liếc dọc các ông đi qua, các chàng đi lại, ngang nhiên như đây là lãnh địa của hồ ly. Mấy ông có vợ đi kèm chắc không bị chài mồi. Tuy nhiên thằng con trai chúng tôi kể lại, có lần đi ngang qua bị một cô kéo tay, nó ngạc nhiên hỏi lịch sự :Cô cần gì phải không ? Cô gái liền cười duyên trả lời a-mu ! Thằng con trai bỗng hiểu, a-mu là amour, liền dứt tay ra vội băng qua đường tránh. Nghe nói ông già đầu bạc họ cũng không tha. Tôi thắc mắc mấy cô không có các xe bít bùng như ở rừng Boulogne hay rừng Vincennes, thì hành sự chỗ nào, có người cho biết các cô thuê phòng chứa đồ đạc của cư dân Tàu gần đó ở dưới tầng hầm các tòa bin-đinh. Giá cả có lẻ rẻ hơn so với hồ ly Đông Âu, không biết giá bao nhiêu, vì ai dám cho biết chuyện này. Các bà nội trợ đi ngang qua chỗ mấy hồ ly đứng, đều tránh ra, đi nhanh hơn cho khuất mắt. Thấy cô trông còn trẻ lắm, da trắng mỡ, áo quần diện kiểu ba đồng một mớ. Vào mùa đông lạnh ngắt, cô mặc áo choàng ngoài phủ xuống gót chân, hở ra bên trong chỉ mặc đồ lót . Có cô chân cong vòng lùn tịt, xức nước hoa ba đồng một lít. Khi đi ngang qua đám hồ ly đứng chực hớp vía đàn ông nhẹ dạ, ông bạn Nho gia cảm khái nói: " Thật đáng thương, đáng lẽ vai trò của các cô là làm vợ, làm mẹ trong gia đình, chứ đâu phải đứng đây " giọng của ông chậm rãi thương cảm. Tôi thực sự cũng lấy làm xúc động nghe câu ông nói. Nhưng chọn nghề mưu sinh là do tự họ quyết định, đổ lỗi cho số phận chỉ là cách nói chữ thôi.

Bây giờ tiền vốn bên Trung quốc đổ qua mỗi ngày mỗi nhiều, họ muốn đặt thêm nền móng cơ sở tại đây, mà không cần nghĩ đến ngành nghề ấy có lợi hay không, mục đích là đưa người dân họ qua sống. Mai kia mốt nọ biết đâu chẳng có một ông tổng thống Pháp gốc Hoa !

TT Diệu Tâm 

Hè muộn / 2021

 

 

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: TẢN MẠN

Đăng nhận xét

Tin liên quan