TRẦN THY VÂN: BÚT KÝ CHIẾN TRƯỜNG ANH HÙNG BẠT MẠNG

 TRẦN THY VÂN: BÚT KÝ CHIẾN TRƯỜNG ANH HÙNG BẠT MẠNG

*ANH HÙNG BẠT MẠNG 

Trần Thy Vân

LỜI NÓI ĐẦU

Anh Hùng Bạt Mạng, không những ra mắt lần đầu tiên vào tháng 7/1996 tại Nam California, với 300 quan khách tham dự, còn được giới thiệu ở Edmonton, Canada. Nơi nào đồng hương Việt cũng đón nhận tác phẩm một cách trân quý.

Đa số độc giả bốn phương, ngay cả từ Anh, Pháp, Úc… đều cho đây là một thiên hồi ký. Dù dưới dạng nào, Anh Hùng Bạt Mạng trên hai trăm trang sách đã gói ghém một sự thực, một câu chuyện sống động, lạ lùng, dưới ngòi bút của người quen cầm súng bảo vệ quê hương đất nước hơn rành chữ nghĩa, viết lại khoảng đời chiến binh của mình.

Với lối hành văn giản dị, kiểu lính, cốt đưa những hình ảnh can trường, đẫm máu, như dàn trải trước mắt. 

Quái đản, dù đã gần 40 năm giã từ vũ khí, tác giả vẫn ngỡ mình còn đang tung hoành ngoài mặt trận, nên mỗi chữ như một viên đạn bốc lửa, uất hận. Theo đó độc giả sẽ xúc động, nín thở với đoàn quân kỳ lạ trong Anh Hùng Bạt Mạng.

Khi viết, tác giả hồi tưởng lại mọi sự việc xảy ra liên quan đến đơn vị mình chỉ huy, không hư cấu, không suy diễn những gì ngoài khả năng, quyền hạn của một cấp đại đội trưởng tại chiến trường. Như, sau khi Sa Huỳnh đã được tái chiếm, ngoài chuyện cướp công, tướng Trần văn Nhựt, Tư Lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh, còn đối xử tệ với Biệt Động Quân tăng phái mà tác giả không hề biết. Mãi 23 năm sau, ấn bản đầu AHBM vừa in xong, Đại tá Trần Kim Đại mới cho hay tác giả viết còn thiếu về hai điều trí trá của tướng Nhựt, tưởng nên đề cập ở đây hơn là bổ túc vá víu vào trong cốt truyện:

1/- Lúc đột nhập Sa Huỳnh đơn vị tác giả vào chiếm cái đồn lính bỏ trống để vờ nghỉ đêm, rồi bí mật rút ra ngoài phục lại. Địch mắc mưu đến tấn công bị pháo binh bắn T.O.T, mấy chục tên giặc đều chết cháy (Ttr.137). Hôm sau tướng Nhựt bảo cho ông đưa một đơn vị Sư đoàn 2 BB vào trấn giữ cái đồn tan nát ấy. Biết ý Nhựt toan cướp công, Đại tá Đại, Liên đoàn 1 Biệt Động Quân, từ chối khéo, viện lẽ trận đánh còn tiếp diễn.

2/- Sa Huỳnh vừa được tái chiếm, tướng Nhựt giở thủ đoạn tráo đổi khối vũ khí BĐQ tịch thu, trước giờ phút phái đoàn TT Nguyễn văn Thiệu tới xem triển lãm, rồi rêu rao trên đài phát thanh Quảng Ngãi chỉ SĐ2BB chiến thắng Sa Huỳnh (trg.203). Đọc tờ Diều Hâu thấy có bài vạch trần sự gian trá đó, Nhựt bảo Đ/tá Đại cải chính nhưng vị Liên đoàn trưởng BĐQ cương trực của tác giả đã trả lời: “Tôi có viết đâu mà cải chính”.

Còn nhiều điều thiếu minh bạch nữa, không thể nói hết.

Nhân đây, tác giả xin đa tạ các cơ quan truyền thông báo chí đã bình luận, giới thiệu tác phẩm AHBM: Đài phát thanh Little Saigon, VOV, VNCR, báo Người Việt, Thế Kỷ 21, Việt Báo Kinh Tế, Đông Phương Thời Báo, Saigon Today, Saigon Times, Lập Trường, Con Cò, Khỏe Đẹp, Sức Sống, Việt Nam Tự Do, Thời Báo, Công Luận, Thời Đại Mới, Việt Nam Post, Tình Thương, và tuần báo Dân Quyền (Oklahoma)…

Đặc biệt, tác giả mãi ghi lòng tạc dạ tri ân các chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân hy sinh trong cuộc chiến tái chiếm Sa Huỳnh, những anh hùng trận mạc, mà vì quá yêu mến, tác giả đã hai lần khước từ rời xa, về làm việc an nhàn ở Sở I An Ninh Quân Đội và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, để rồi hãnh diện bị thương lần thứ 2, đôi chân bỏ lại nơi chiến trường

Trần Thy Vân



ĐỂ VÀO TRUYỆN

Sau bốn tháng rưỡi cưỡng đoạt, không giữ nổi tỉnh địa đầu miền Nam bên bờ sông Bến Hải, Cộng Sản Bắc Việt đã chuốc lấy thảm bại, nhục nhã, trước sức phản công tái chiếm của các lực lượng thiện chiến: Dù, Biệt Động, Thủy Quân Lục Chiến. Điểm then chốt sau cùng địch quân phải gục ngã, thương vong không kể xiết, là cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị, giữa tháng 9-1972. Vì hệ quả này, phái đoàn Bắc Việt và cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam mất ưu thế tại Hội Nghị Paris về chiến tranh Việt Nam sắp trải qua giai đoạn kết thúc...

Tuy nhiên, Cộng Sản vẫn tiếp tục gây hấn với thủ đoạn cố hữu vừa đánh vừa đàm, mở ra các mặt trận quân sự lẫn chính trị hầu áp đảo tinh thần quân dân miền Nam. Chúng liên miên pháo kích, tấn công lẻ tẻ khắp nơi để cầm chân các đại đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang trấn giữ các điểm chiến lược. Mặt khác, những tên nằm vùng cùng bọn đón gió trở cờ đội lốt “Thành phần thứ ba” tung tin thất thiệt mà cả nước đều xôn xao, như người dân phải chọn lựa một trong hai giải pháp, hoặc da beo, nơi nào quân MTDTGPMN chiếm được thì cai trị nơi đó, hoặc chia đất cho chúng từ Quảng Ngãi tới Quảng Trị, ngang vĩ tuyến 17. Vì bản chất phi nhân, lại quen thói xài luật rừng nên cả hai giải pháp dù ỡm ờ cũng đều phản ảnh cái ngu ngốc man rợ của chúng, muốn biến quê hương này thành vùng hoang địa để mạnh ai nấy cắm dùi. Các tin đồn vô lý như vậy lại khiến toàn dân lo âu, tình hình chung mỗi ngày một căng thẳng, tồi tệ.

Đầu năm 73 là thời điểm rối ren nhất và nhân lúc sự phòng thủ phía nam Vùng I của quân chính phủ quá lỏng lẻo, tướng Chu Huy Mân liền tung Sư đoàn 3 Sao Vàng, được tăng cường thêm Trung đoàn 141/2 Cộng Sản Bắc Việt và một tiểu đoàn Phòng Không 12ly8 cùng hỏa tiễn AT3, tấn chiếm Sa Huỳnh quận Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, phần đất giáp giới Tam Quan, Bình Định, thuộc Vùng 2. Các đồn bót tại địa phương đều thất thủ, thương vong rất nhiều.

Vừa thành công, địch quân cho treo đầy cờ MTDTGPMN, trên đỏ dưới xanh, giữa có ngôi sao vàng, rồi đặt ra đủ thứ cơ quan hành chánh và cho sử dụng ngay các loại bạc giấy đang lưu hành ngoài Bắc. Chúng còn dã man dựng một pháp trường cát ở chân núi, gần cầu xe lửa, xử bắn mấy sĩ quan, viên chức xã ấp mới bị bắt. Xong, để hợp thức hóa, địch yêu cầu Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên thừa nhận Sa Huỳnh là một phần lãnh thổ của chúng theo giải pháp da beo. Dĩ nhiên, phía Việt Nam Cộng Hòa bác bỏ. Lúc bấy giờ lệnh Ngưng Bắn sắp tới ngày có hiệu lực: 27 tháng Giêng 1973.

Sa Huỳnh có hình dạng giống Cam Ranh Khánh Hòa, đồng bằng không đáng kể, nơi đây một khúc Trường Sơn hiểm hóc áp sát nhất, nhô ra hai dãy đồi đá trọc như hai cánh tay khổng lồ ôm vòng tới biển, tạo thành một cái vịnh nhỏ với một cửa khẩu thông ra khơi, gọi là đầm Nước Mặn. Do đó, Quốc lộ 1 chạy ngang qua Sa Huỳnh, bên kề biển, bên sát núi cheo leo, nên toàn miền như cái cuống họng, giữa đầu Vùng I và thân mình Vùng II. Nay phần đất quan trọng này đã bị địch chiếm, khiến huyết lộ giao thông duy nhất tắc nghẽn, cả bộ đầu đang ngất ngư.

Sự kiện Sa Huỳnh Đức Phổ rơi vào tay giặc loan truyền rất nhanh, gây tác động tâm lý quần chúng tệ hại hơn là lúc mất Quảng Trị mùa hè 1972. Tình trạng bi đát có vẻ phù hợp với tin đồn năm tỉnh giới tuyến phải được chia cho MTDTGPMN. Vì vậy tất cả các cư dân Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quảng Nam, chí đến Thừa Thiên, Quảng Trị thảy đều nhốn nháo, lo sợ sẽ sống dưới chế độ Cộng Sản như sắp bị một trận dịch hay cùi hủi ghê tởm. Điều chua xót về nạn khan hiếm nhu yếu phẩm, đặc biệt nhiên liệu, ngày nào cũng xảy ra cái thảm cảnh đồng bào chen lấn, giành giựt, đạp lên nhau để mua xăng dầu…

Vì thuộc vùng lãnh nhiệm, Chuẩn tướng Trần văn Nhựt, Tư Lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh, điều động Trung đoàn 5 từ Quảng Tín vào cùng Trung đoàn 6 giải tỏa Sa Huỳnh. Nhưng cả hai đã không tiến gần được phòng tuyến địch chắc nịch như bọc thép, rải dài trên các dãy đồi đá lởm chởm, chắn ngang mạn bắc đầm Nước Mặn. Đại đơn vị ấy đã bị địch quân khống chế dữ dội bằng các khẩu phòng không 12ly8 lẫn AT3, hai loại vũ khí độc đáo lần đầu tiên xuất hiện sâu trong nội địa của miền Nam. Đặc biệt AT3, địch gọi là D7, giống hỏa tiễn TOW Hoa Kỳ, có sức công phá thiết giáp rất hiệu quả, nó cũng thừa khả năng trừ khử các tàu chiến từ biển đổ bộ, hoặc trực thăng vận xuống. Trước sự đề kháng mãnh liệt hai Trung đoàn 5 và 6 Bộ Binh phải co cụm quanh khu phố Đức Phổ, chờ các lực lượng thiện chiến đến tiếp cứu.

Dĩ nhiên không thể để giặc tiếp tục tung hoành ở phía nam trong khi tại mạn bắc chưa yên, khiến người ta có cảm tưởng Quân đoàn I đang bị lưỡng đầu thọ địch, nên Trung tướng Ngô Quang Trưởng hạ lệnh cho Liên đoàn 1 Biệt Động Quân nhảy vào cứu nguy Sa Huỳnh. Vị Tư Lệnh tài hoa và thanh liêm ấy biết dụng nhân như dụng mộc, chọn mặt gởi vàng.

Liên đoàn 1 Biệt Động Quân gồm ba Tiểu đoàn 21, 37, 39 khét danh tốc chiến tốc thắng khắp chiến trường miền Trung. Là một đơn vị Mũ Nâu tương đương cấp trung đoàn, có truyền thống hào hùng, tiêu biểu tinh thần bất khuất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từ thời Sơn Linh -Trung tá Nguyễn văn Hiệp- Liên đoàn trưởng. Vị sĩ quan trung cấp này đã từng dày công trui luyện các chiến sĩ thành những kẻ gan đồng dạ sắt, để trải qua bao trận đánh kinh hồn, ngập đầy biển máu quân thù ở Thạch Trụ, Khe sanh, Tết Mậu Thân Huế, Hạ Lào…

Liên đoàn hiện dưới sự chỉ huy của Trung tá Trần Kim Đại, người hùng cũng nổi tiếng thanh liêm, dũng lược, đã góp công không nhỏ khi tái chiếm cổ thành Đinh Cống Tráng Quảng Trị tháng 9/72 vừa qua.

Nay cuối mùa Đông năm Nhâm Tý, đầu tháng Giêng 1973 Dương lịch, ba tiểu đoàn Biệt Động Quân khắp tuyến đầu Trị Thiên lần lượt quay về Quảng Ngãi. Thêm một lần nữa những dũng sĩ ưu việt sẽ lập nên trang sử vàng son Quân Lực VNCH, dù ngàn năm sau vẫn còn vang động những thiên Anh Hùng Bạt Mạng đã một thời oanh liệt, đập nát thảm khốc giặc Hồ sinh Bắc tử Nam.

Tác giả

HẬU CỨ THIÊN THẦN MŨ NÂU

Trên ba mươi chiếc GMC xen kẽ Jeep chở đầy lính, súng đạn Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, từ cố đô Huế đã trở về tới phía bắc Đà Nẵng, một thành phố dễ thương với con sông Hàn thơ mộng của miền Trung.

Vừa đến Hòa Khánh, đoàn xe tách rời Quốc lộ 1, quẹo trái theo con đường đất đỏ gồ ghề mà quen thuộc, vào hậu cứ bên bờ biển Nam Ô. Trước khi tới cổng các tài xế giảm bớt ga để xuyên qua khu gia binh Liên đoàn 1 Biệt Động Quân Phú Lộc, nơi một rừng người, đa số phụ nữ, trẻ em, như ong vỡ tổ ùn ùn đổ xô ra hai bên lề muốn bít cả lối đi. Rồi từng chiếc chạy rất chậm chen giữa đám đông cơ hồ như cơn sóng dội âm ba vang động, hàng ngàn tiếng reo, cùng những cánh tay đưa lên vẫy gọi tên chồng tên con, đang trở về bằng xương bằng thịt. Trên đoàn xe nhà binh bám đầy bụi, từng khuôn mặt vốn dĩ lầm lì còn vương mùi khói đạn, sướng gió cũng rạng rỡ cười tươi, giơ cao khẩu súng chào đáp những người thương của mình.

Họ là ai? Là những anh hùng không tên không tuổi, đã âm thầm ra đi, có kẻ chẳng bao giờ trở lại, từ đầu xuân năm trước khi những cánh mai vàng vừa hé nụ, để lao vào cơn bão lửa chiến trường Trị Thiên cùng đất nước thăng trầm.

Hôm nay thiên hạ vui ghê, có pháo nổ đì đùng! Tiếng pháo vô tình nhắc nhở tôi ngày này 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, khiến lòng trai chinh chiến chợt thấy nao nao.

Ngày trở về, như bao lần trước, con xóm này rộn rã. Hình ảnh ấy tôi đã quen thuộc, hình ảnh mà bề ngoài trông rất sống động mỗi khi đoàn quân trở về, nhưng trong lòng những người vợ lại khác thường, luôn trăn trở lo sợ cho chồng, đời lính, rày đây mai đó, kiếp sống phiêu linh.

“Khu Gia Binh Liên Đoàn I Biệt Động Quân” là một doanh trại lớn, tọa lạc tại xã Phú Lộc bên bờ biển Nam Ô, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, phía bắc thành phố Đà Nẵng 15 cây số. Tôi không rõ trại này thiết lập từ hồi nào, chỉ biết nơi từng xuất phát các chuyến đi oai phong, bất khuất của đoàn hùng binh Thiên Thần Mũ Nâu diệt giặc khắp Vùng I Chiến Thuật. Địa danh Phú Lộc cũng được ghi vào quân sử, vì tên đặt cho căn cứ hỏa lực tiền phương của Bộ Chỉ Huy Liên đoàn 1 Biệt Động Quân tại Động A Hai, Tà Bạt, biên giới Lào Việt, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào 1971.

Rồi chiếc GMC chở tốp lính sau cùng vừa lọt vào bên trong hậu cứ, hai cánh cửa cổng bằng sắt vội khép lại, và không đợi lính kịp xuống xe, các loa phóng thanh trên nóc trại đã phát ra một giọng khô khan, dồn dập:

– Tập họp! Lệnh tập họp gấp!… Nhắc lại, các Đại đội 1, 2, 3, 4 và Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, theo thứ tự trái sang phải, tập họp trước sân cờ!

Mặc dầu ở cương vị đại đội trưởng, thừa biết lệnh lạc quân đội rất bất thường, và vì nhu cầu đòi hỏi khẩn cấp từ mặt trận Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, tôi vẫn thấy nóng mặt, thương anh em lính vô cùng. Sau năm mười phút lê thê lếch thếch, ồn ào, các đơn vị lẫn Bộ Chỉ Huy đã nghiêm chỉnh đội hình và im phăng phắc không một tiếng động, dưới bầu trời u ám, lún phún mưa phùn gió bấc miền Trung.

Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu đoàn trưởng, dáng người nhỏ con mà to gan, đầu đội chiếc mũ đã bạc màu huyết đọng lệch qua một bên và mặc bộ chiến phục hoa rừng còn lấm đầy bụi, nhưng lại rực lên hình ảnh uy nghi một người hùng. Ông đứng thẳng nhìn xuống các hàng quân đang lặng câm, như các pho tượng gỗ, rồi dõng dạc tuy âm thanh không ngân xa giọng ông cũng đủ lấn át cả tiếng sóng gầm sau trại:

– Tôi thông báo cùng toàn thể Tiểu đoàn, lệnh hành quân chưa chấm dứt. Tất cả nghe rõ không?

– R…õ!

Sau tiếng đáp vang dội, mọi người vẫn tư thế cũ. Thiếu tá Thưởng cố giữ khuôn mặt khắc khổ của mình đanh lại để thị uy, nhưng vị sĩ quan tài hoa, gương mẫu ấy không thể nào che giấu được những nét xúc động chân tình đối với thuộc cấp đã quá gian truân. Ông ráng hét lên:

– Chúng ta về đây chỉ nghỉ tạm một đêm. Sáng mai 5 giờ, Tiểu đoàn phải tiếp tục di chuyển. Từ giờ phút này lệnh cấm quân trăm phần trăm, ai xuất trại không có giấy phép, sự vụ lệnh, sẽ bị nghiêm phạt. Sau khi tan hàng, các đại đội nhận bổ sung quân số, đạn dược và lương thực bảy ngày. Bây giờ, mời bốn đại đội trưởng lên phòng họp nhận lệnh mới. Thi hành!

Dứt lời, ông chào tổng quát rồi quay vào văn phòng BCH Tiểu đoàn. Bốn vị đại đội trưởng gồm tôi, Trung úy Trần Thy Vân, Đại đội 1, Dương Xuân, Đại đội 2, Trần Quang Giảng, Đại đội 3, và Đại úy Đỗ văn Nai, Đại đội 4, đều lặng lẽ theo sau Thiếu tá Quách Thưởng.

Ngoài sân các sĩ quan đại đội phó cùng thường vụ hô gióng hàng inh ỏi với tiếng khua động của vũ khí thành một thứ âm thanh hỗn tạp, như giận dữ, một buổi chiều mùa đông sắp tàn.

Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân trước ở Pleiku, hậu cứ đặt tại Biển Hồ, lập được nhiều chiến công khắp vùng rừng núi cao nguyên. Năm 1966, đơn vị chuyển về Đà Nẵng, hoán đổi Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân phạm kỷ luật vì đã yểm trợ các cuộc biểu tình liên tục của Phật giáo chống lại các thành phần lãnh đạo chính phủ quân nhân Sài Gòn. Cho dù mục tiêu tranh đấu chánh đáng nhưng quá rối ren như các tín đồ đem bàn thờ Phật xuống đường cản trở lưu thông, tạo cơ hội để Cộng Sản giật dây quấy nhiễu, khiến chiến trường miền Trung càng trở nên sôi động, ác liệt đến ngày nay.

Mặc dù đã trải qua những tháng năm quê hương đổ lửa, bể dâu đổi dời, lớp chết lớp bị thương không thể nào kể xiết, đơn vị vẫn hùng mạnh, lần lượt dưới sự chỉ huy của các tiểu đoàn trưởng tài danh: Trung tá Võ Vàng và đương nhiệm Thiếu tá Quách Thưởng. Các đại đội trưởng cũng rất nổi bật: Nguyễn văn Khá, Hồ văn Phúc, Trần Quang Giảng, Trần Thy Vân, Đỗ văn Nai, Quách Ẩn và Dương Xuân… là những tên tuổi quen thuộc của dân chúng năm tỉnh địa đầu giới tuyến.

Tiểu đoàn 21, thuộc Liên đoàn 1 Biệt Động Quân, đã được tặng thưởng biểu chương màu Tam Hợp, hạng Bảo Quốc, của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với một huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ, thời Richard M. Nixon -The Presidential Unit Citation- Quyết Định số 23 ban hành ngày 16-4-1969. Là một đơn vị mũ nâu, sắc áo hoa rừng, lừng lẫy, với chiến thuật tấn công như vũ bão, thần tốc, đã gây bao kinh hồn bạt vía cho kẻ thù qua khắp các chiến trường vang danh Pleime, Đức Cơ, Tết Mậu Thân, Quảng Trị, Hạ Lào đều long trời lở đất. Họ xuống đông đông tĩnh, rồi mai đây lên đoài đoài sẽ yên…

 

TÌNH YÊU LÃNG TỬ

Hôm nay, quận lỵ Mộ Đức, phía nam Quảng Ngãi, trở nên nhộn nhịp khác thường, nhất là nơi khu phố chính cặp hai bên Quốc lộ 1, và các thôn làng phụ cận. Sự nhộn nhịp không phải do dân chúng chuẩn bị các nghi lễ cổ truyền vào mấy ngày rơi rớt cuối năm, để tống cựu nghinh tân chào đón xuân về, mà vì toàn bộ Liên đoàn 1 Biệt Động Quân vừa mới đến. Lực lượng hùng hậu rực màu áo chiến hoa rừng này xuất hiện nhằm mục đích ngăn chặn bước tiến của Cộng quân từ Đức Phổ, và sẽ tái chiếm Sa Huỳnh nay mai.

Tất cả tạm rải ra nhiều vị trí trong quận. Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân đóng chung quanh chân đồi Chi Khu Mộ Đức, Đại đội 1/21, tôi Đại đội trưởng, trấn giữ một con xóm ở phía bắc, rất đông đúc dân cư.

Sau khi cử một toán đi tuần tiễu trong khu vực thì trời tối. Để mặc anh em thuộc Bộ Chỉ Huy Đại đội tự do nô đùa trước sân, tôi vô buồng thay quần áo. Vừa tới cửa, qua ánh đèn dầu lờ mờ, tôi thấy Lý nằm dài trên giường, hai tay khoanh ngực, đầu gối lên bộ đồ hoa của tôi. Điều ngạc nhiên là cô gái mới quen chưa đầy một buổi đã tỏ ra thân mật. Hay bà Luyến chủ nhà quên nói Lý biết căn buồng này dành riêng cho tôi mượn để nghỉ ngơi thời gian đơn vị dừng quân Mộ Đức. Không hiểu Lý vô đây lúc nào. Tôi định ra rầy chú lính cận vệ Huỳnh văn Trung quá sơ hở, chẳng xem xét gì hết, nhưng thôi, ba chuyện không đáng.

Tôi đứng nhìn và sau đôi phút ngần ngừ, ngại làm tan biến giấc mộng hồn nhiên của cô gái đang độ xuân thì, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, tôi khe khẽ bước đến ngồi xuống cạnh giường cởi giày. Lý vẫn ngủ say…

Nhớ hồi trưa nay, thấy Lý lăng xăng giúp các chú lính làm việc lặt vặt, miệng chúm chím cười luôn, tôi hỏi đùa:

– Này Lý, em có thích theo anh về Đà Lạt không?

Lý chớp chớp đôi mắt:

– Về Đà Lạt làm chi?

– Thì… ở chơi với bà già anh.

Lý vừa pha tôi ly nước vừa đáp:

– Thôi, em sợ vợ anh ghen lắm!

Câu nói như ẩn ý dọ dẫm, mà tôi thường nghe các cô tinh đời đối đáp mấy chàng dê xồm tán tỉnh. Tôi nghĩ Lý còn ngây thơ, nói cho có nói thôi, chứ chắc gì nàng đã chứng kiến cảnh lấy nhầm chồng của các bà sư tử Hà Đông. Lý cũng chẳng sợ chuyện nào khác, ngoài cái chết dễ dàng bởi bom đạn hằng ngày trút xuống Đức Lương, ngôi làng nhỏ bé của nàng, phía đông Mộ Đức. Lý nói các chú Biệt Động, Đức Lương mất an ninh trăm phần trăm lâu rồi. Đúng vậy, nơi đó tôi biết rõ vì đã hành quân qua nhiều lần. Mấy năm sau này, chiến tranh quá ác liệt, Đức Lương nối liền với Đức Quang, hai xã kề biển đều xơ xác giữa rừng cây dương liễu, và chằng chịt bom mìn gieo chết chóc tang thương khủng khiếp. Trong làng, trai trẻ không dám ở, nên có kẻ theo Việt Cộng, người thì tự nguyện đi lính Quốc Gia, hay đổ về các thành thị kiếm ăn, chỉ còn ông già bà cả và trẻ em sống đói rách, loi nhoi dưới những căn hầm bẩn thỉu, mà lòng đầy căm hờn cả đôi bên chiến tuyến.

Quê hương đau khổ của Lý như vậy làm sao có những đêm trăng tình tự với nam thanh nữ tú hẹn hò, mộng mơ?

Hoàn cảnh Lý thật đáng thương. Tôi vuốt nhẹ mái tóc túm đuôi ngựa của nàng:

– Lý giống em Huệ anh lắm! Giống y chang, cũng ôm ốm, da ngăm ngăm…

Chỉ vậy thôi, mà bây giờ Lý quá tự nhiên, còn hơn là tình nhà binh nữa. Lý nằm có vẻ thoải mái, chẳng biết gì đến cảnh thực u trầm này. Tôi nghe rất rõ từng nhịp tim, tiếng thở mạnh phảng phất mùi da thịt lẫn mùi hăng hắc từ mái tóc nắng cháy nơi người thôn nữ. Tất cả cho tôi một cảm giác là lạ mà thích thú hơn những mùi hương son phấn của các cô gái thị thành.

Lý cựa mình rồi bẽn lẽn ngồi dậy. Tôi hỏi nhỏ:

– Sao nằm đây?

Giọng Lý khàn khàn:

– Em bị cảm.

Tôi vặn cao ngọn đèn trên bàn bên đầu giường để nhìn Lý rõ hơn, căn buồng vừa vụt sáng thì bất ngờ một thiếu nữ mặc áo cụt trắng xồng xộc bước vô. Thấy tôi, người ấy ngỡ ngàng khựng lại, định quay lui. Tôi hỏi:

– Này, cô đi đâu vậy?

Người thiếu nữ vẫn còn sửng sốt, nhìn tôi với đôi mắt tròn to và long lanh dưới ánh đèn, dễ chết lòng người:

– Xin lỗi, nhà dì Luyến tôi thường qua đây. Vì trong buồng mờ tối tôi tưởng có mình Lý, không biết ông trong này…

Cô gái lạ nói một hơi dài móc méo, như tràng đại liên bắn từ trái sang phải, tôi cùng Lý đều trúng đạn.

Dứt lời nàng vội bước ra khỏi cửa buồng đứng vọng vào:

– À Lý, mai dậy sớm đi quơ củi chụm tết, nghen!

Lý uể oải:

– Mệt lắm! Em bệnh, chị Nhị à!

– Bệnh gì?… Bệnh ốm nghén, phải hôn?

Sau câu nói chanh chua chuối chát, người thiếu nữ tên Nhị còn bồi thêm một tiếng “hứ” cao vút rồi mới chịu bỏ đi. Ghê thiệt!

Tôi lấy một điếu Capstan đốt hút:

– Em và Nhị liên hệ thế nào, Lý?

Lý ngồi bó gối trả lời:

– Hai chị em bạn dì. Mẹ chỉ, mẹ em và dì Luyến là ba chị em ruột. Cha mẹ em đã chết lâu, em mới ra đây ở một tháng, chớ trong Đức Lương khổ lắm! Thôi, để em xuống nhà dưới ngủ võng, kẻo Nhị chạy mét bà dì Luyến đang chơi bài tứ sắc bên kia thì nguy. Chỉ ghen nữa.

Tôi ngạc nhiên:

– Làm gì có chuyện đó?

– Nhị biểu em mà!

– Biểu cái gì?

Lý liếc qua tôi:

– Chị biểu giới thiệu chị cho anh. Chị học đệ nhất trên tỉnh, thích lấy chồng sĩ quan Biệt Động.

Tôi cười:

– Sao hồi sáng giờ không nói? Được, để anh qua bển trấn an Nhị, nếu không, cổ mét dì Luyến thì chết!

– Mới nghe nói cái ham lắm!…

Không đợi tôi trả lời, tội nghiệp, cô em đã dùng dằng tụt xuống giường đi một mạch. Tôi cũng uể oải đứng dậy ra trước hiên nhà.

Mới 9 giờ tối trăng 24 tháng chạp chưa mọc nhưng bầu trời vẫn hừng hực, do ánh hỏa châu nơi Sa Huỳnh. Tiếng đại bác bắn quấy rối vọng về nghe dữ dội. Một đám lính cùng Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát Đại đội phó còn ngồi chơi bên gốc cây hoa phượng ngoài sân. Hình như không ai hay biết câu chuyện tay ba vừa xảy ra. Chợt thấy tôi anh em nói nhỏ lại. Chú lính cận vệ Huỳnh văn Trung bước tới:

– Đại Bàng chưa ngủ? Em pha cà phê uống, nghen?

– Ừ, làm tao một ly đậm, bưng qua đó!

Tôi đưa tay chỉ căn nhà bên phải và dặn thêm:

– Trung nhắc ông Thường vụ đôn đốc lính gác Bộ Chỉ Huy Đại đội cẩn thận và Hạ sĩ Hiệp luôn luôn trực máy, còn chú mày lưu ý cô gái nằm ở nhà dưới. Nếu cô ta có bệnh gì, bảo y tá cấp thuốc. Nhớ, đây là lệnh nghe mậy!

Trung gật đầu rồi lủi vào trong. Trước khi qua Nhị, tôi tới đám lính đang ngồi chơi. Thiếu úy Cát đứng dậy hỏi:

– Chưa ngủ, Trung úy?

– Ngủ gì nổi, Cát! Hồi chiều họp, Thiếu tá Quách Thưởng cho hay tình hình Sa Huỳnh căng lắm! Hai Trung đoàn 5 và 6 của Sư đoàn 2 Bộ Binh chẳng làm ăn gì được, lại thêm te tua, có mòi di tản. Chắc chiến trường chờ mình. Tiểu đoàn 39 Biệt Động sẽ nhảy xuống trước, nhưng chưa biết lúc nào xung trận thôi. Nhớ thường xuyên kiểm soát lính kẻo tụi nó vọt.

– Đề nghị Đại Bàng, sáng mai 5 giờ, cho toán Thám Báo Trung sĩ Nguyễn Nhật làm nút chặn ngoài đầu xóm.

– Ừ, còn 12 giờ khuya nay, trừ các tiền đồn ra, anh gọi tốp tuần tiễu về tập họp điểm danh cùng Đại đội. Giờ thì anh bảo canh gác cẩn thận và cấm bất cứ ai đi lang bang. Tôi ngồi chơi bên này.

Dứt lời tôi đi thẳng tới nhà Nhị, cô gái có giọng nói “chanh chua” và tiếng hứ cao vút. Thấy cửa còn hé, tôi đẩy nhẹ bước vào. Nghe tiếng động Nhị đang ngồi đọc sách ở bàn giữa, giật mình đứng dậy:

– Kính chào!…

Thấy tôi không đáp lễ, nàng vội gấp quyển truyện:

– Xin lỗi, Trung úy đến có chuyện chi không gõ cửa?

Điều tôi muốn đã đạt thành là tạo cơ hội cho nàng trả đũa. Tôi vẫn im lặng, chưa vội trả lời, và tự tiện kéo ghế ngồi đối diện với nàng như đã quen biết từ lâu. Ánh đèn dầu quá yếu, không soi sáng hết ngôi nhà ba gian tương đối rộng, mọi vật chung quanh đều vàng vọt, mờ dần, có chỗ chìm sâu vào bóng tối. Nhưng thân hình cô gái lại nổi bật, rực lên trong chiếc áo sơ mi trắng với suối tóc đen mượt chảy dài xuống bờ vai, vòng qua trước lồng ngực căng tròn. Bây giờ tôi mới thấy mái tóc nàng đẹp làm sao! Nó lung linh, che khuất nửa khuôn mặt mà các văn nhân mô tả là hình trái xoan. Nhị vẫn đứng, coi bộ sốt ruột, đôi môi bặm lại, có lúc mấp máy, dường như nàng muốn thốt thêm những lời cay đắng nào đó nữa. Tôi vờ không để ý, lấy cái mũ nâu trên đầu xuống gấp làm đôi…

– Sao Trung úy không nói?

– Hai bác đâu, thưa cô?

Người đẹp tỏ vẻ hờn dỗi, lùi ra sau dựa vào cây cột nhà:

– Trung úy chưa trả lời câu hỏi của tôi.

Tôi nói ngang ngang như gây:

– Không nghe à? Tôi lặp lại nhé! Hai bác đâu, thưa cô?

Nhị cúi xuống lấy tay vuốt vuốt lọn tóc:

– Ba đã chết, mẹ đi Quảng Ngãi chưa về. Mà anh…dễ ghét lắm, trả lời chẳng ăn khớp gì hết!…

– Thôi, mời chủ nhà ngồi, đứng hoài cũng trật rơ nữa.

Nàng mủm mỉm, ngoan ngoãn bước tới ngồi xuống ghế. Dễ thương thật! Tôi bật Zippo châm một điếu thuốc:

– Bây giờ tôi xin nói, nghe! Đời lính xa nhà buồn đã đành, thấy cô cũng buồn luôn.

– Sao anh biết tôi buồn?

– Vì cô có cười đâu và khuya rồi còn xem tiểu thuyết.

Nhị một tay vội lòn quyển sách cầm giấu dưới bàn, một tay che miệng:

– Tiểu thuyết đâu? Anh này kỳ, để ý người ta. Ai biểu hồi nãy… ngang ngang chọc tức…

Nói đến đó nàng ngưng lại, nheo mắt nhìn tôi, làm như vừa chợt nhớ ra một điều gì quan trọng:

– Khuya rồi à? Hèn chi thấy anh vô buồng… ngủ rồi!

Tôi cười:

– Cô nói còn thiếu, cứ bổ túc, chớ đặt thành vấn đề.

Đôi mắt Nhị tròn xoe:

– Như vậy mà chưa thành vấn đề?

Bị nghĩ oan tôi chưa biết biện bạch thế nào cho nàng hiểu thì Trung bưng cà phê, trà và hai trái cam đến.

– Đem cam mà không đem dao lấy gì cắt, Trung?

Nhị đứng dậy:

– Để em lấy.

Trung rút lui còn nhìn tôi nháy nháy giỡn mặt. Nhị cầm con dao nhỏ lên, bổ mỗi trái làm tư. Tôi thì sớt cà phê ra hai ly:

– Mời cô dùng cà phê, có cả trà ngon, hiệu Quốc Thái Bảo Lộc, của bà già gởi.

– Cảm ơn anh, em xin ăn cam thôi.

– Đâu được. Cô biết hôn, vợ Biệt Động Quân ai cũng uống cà phê hết.

– Họ là vợ, còn em khác chớ bộ!

Thấy Nhị chớp chớp đôi mắt, tôi giả vờ nghiêm nghị:

– Không uống thì tôi đi về…

– Dạ uống, nhưng anh phải trả lời câu em hỏi hồi nãy đã! Phải trả lời mới được!…

– Câu hỏi nào?

– Thôi, đừng làm bộ quên, muốn nhắc hôn?

Thích chí bởi câu vặn vẹo của mình, Nhị vừa đưa múi cam lên miệng vừa khúc khích cười, đôi mắt thì mở to, đen nhánh, sáng như sao băng. Tôi cũng cười:

– Lại đặt vấn đề nữa rồi, tôi về hà…

– Đòi về hoài. Ai biểu nói chuyện với em gái mà cứ xưng tôi tôi, cô cô… À, còn ở đây lâu không anh?

Câu chuyện muốn chuyển hướng, tôi dè dặt:

– Việc quân đội sao biết trước được… cô!

Đột nhiên Nhị đứng dậy, lặng lẽ đi thẳng xuống nhà dưới. Tôi bước theo:

– Em đi đâu vậy?

– Xin lỗi, em nấu nước chớ trà nguội rồi. Mau mà.

– Cần anh giúp không?

Không đợi Nhị trả lời, tôi đến ngồi sát sau lưng. Nàng tỉnh bơ quẹt diêm, ngọn lửa rơm bùng lên sáng rực.

Biết người đẹp hờn dỗi tôi nịnh đầm:

– Ấm áp quá!… Anh vén dùm tóc em ra sau kẻo lửa cháy, nghen!

– Cháy bỏ!

– Cháy mất đẹp sao? Trả lời “chẳng ăn khớp gì hết”.

Nhị day qua tôi định nói gì, vô tình hai khuôn mặt kề nhau, thừa cơ tôi nhích tới hôn vào má nàng thật mạnh.

– Thôi đủ rồi, anh về bển đi, người ta đang trông.

– Nhắc nữa…

Nàng thì thầm trong miệng:

– Sao không? Nguy hiểm mà không biết.

Tôi ngạc nhiên, không hiểu ý của Nhị muốn nói điều gì mà lại nhấn mạnh như vậy. Tôi hỏi:

– Gì nguy hiểm? Thì ra em nghĩ bậy…

– Nếu anh là chồng… em xé xác cái rẹt!

– Dữ ha! Em đã ảnh hưởng ba truyện chưởng nặng rồi.

Dứt lời, tôi áp hai bàn tay vào hai bên mang tai xoay mặt Nhị qua tôi. Nàng nhăn lại:

– Đau! Anh làm gì vậy?

– Để coi sức “chưởng” và “lệnh xé xác” của em tới đâu.

Vừa nói tôi vừa ghì chặt Nhị hôn lên môi nàng lần nữa.

– Anh ẩu lắm!

– Nước sôi kìa em!

Nhị áp mặt vào cổ tôi:

– Nước sôi đâu bằng gan sôi?

Hai đứa vội ôm nhau cười lăn ra giữa nhà, bất kể quần áo lấm đầy tro bụi, trong lúc ấm nước sôi sùng sục trên lửa hồng…

Còn hai hôm nữa là Tết Nguyên Đán năm Quý Sửu. Đáng lẽ mấy ngày này thiên hạ vui nhộn, pháo nổ vang, cúng rước ông bà theo tục lệ. Nhưng vì tình trạng chiến tranh có nhiều biến chuyển căng thẳng, xóm làng chung quanh đành im lìm, vắng vẻ. Dường như ai cũng nơm nớp lo sợ, cứ chờ chạy giặc. Suốt chặng quốc lộ từ phía nam khu phố Mộ Đức Quảng Ngãi đến Tam Quan Bình Định tiếp tục gián đoạn lưu thông, không một chiếc xe, bóng người qua lại, chỉ có đạn đại bác bay trên vòm trời.

Sáng nay, Liên đoàn 1 BĐQ bắt đầu chuyển động, vài đơn vị tiến dần về hướng Đức Phổ. Đại đội tôi cũng bận rộn không kém, quá nhiều công việc cần giải quyết. Chu kỳ tiếp tế đã đến, tôi ra lệnh tất cả mang tối đa đạn dược, trên số quy định, chủ yếu là lựu đạn M26, mìn Claymore, khói màu, khói cay, và các loại soi sáng; những thứ ấy thích nghi với địa thế đánh ở Sa Huỳnh.

Đợt tiếp tế này ngon lành vì một năm mới có một lần. Quà cáp lổn ngổn, nào bánh mứt, hột dưa, nào thiệp chúc Tết của vợ con, thân hữu gởi ra, ai cũng một gói thơm phức, ngoại trừ mấy chú lính trẻ con bà sơ, tội nghiệp, mặc dù sẽ được san sẻ nhau dùng. Lần lượt từng trung đội bao quanh các thùng hàng, kẻ chia người nhận nhộn nhịp. Tôi cũng có phần. Ngoài thức ăn, cà phê, sách báo thường lệ, do hậu cứ cung cấp, còn thêm chai Martel với cây thuốc Capstan của người bạn gái Đà Nẵng gởi tặng. Cô ấy chẳng bao giờ quên kèm theo mấy dòng chữ với luận điệu “củ cà rốt và cây gậy”. Vì đời lính gian khổ tôi nhận hết.

Điều hôm nay tôi lấy làm buồn là có lệnh thuyên chuyển Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát sang giữ nhiệm vụ mới bên Tiểu đoàn 39 BĐQ. Cát, một sĩ quan ưu tú, xuất thân khóa 24 Võ Bị Đà Lạt, làm Đại đội phó Đại đội 1 này từ sau ngày Quảng Trị thất thủ. Tính tình hiền hậu mà can đảm, anh từng giúp tôi nhổ nhiều cái chốt cam go, đặc biệt trong trận chặn đánh một đơn vị Cộng quân viện binh từ Cửa Việt lên giải vây cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị, đang lúc Thủy Quân Lục Chiến tấn công tái chiếm tháng 9/1972. Nay Cát đi, tuy có Thiếu úy Đặng văn Thiều khóa 6/69 Thủ Đức về thay thế, tôi vẫn cảm thấy mất một tay đắc lực. Còn Thiều thì người Nam, dân chơi lả lướt Sài Gòn, lần đầu tiên ra Vùng I, quê hương máu lửa, không thể một sớm một chiều mà quen ngay với chiến trường xa lạ và phức tạp này. Đã vậy, người sĩ quan ấy rất beau trai, mặt búng ra sữa, càng thêm mối lo cho tôi.

Tôi bảo Thượng sĩ Nguyễn Thiệp tập họp Đại đội kiểm tra mọi thứ sau khi nhận tiếp tế, đồng thời để anh em chào từ giã vị Đại đội phó khả kính và đón mừng người mới đến. Xong, tôi mời các sĩ quan vô nhà cụng vài ly Martel với đôi lời tâm tình chia tay, rồi bảo tài xế Phó Trọng lấy xe Jeep của tôi đưa Cát lên đồi Mộ Đức trình diện Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 21.

Trời đã chiều, khu vực đóng quân trở nên yên tịnh, tôi định lấy báo ra xem thì nghe có tiếng nói bà cụ, mẹ của Nhị, đã về bên nhà, tôi vội qua thăm. Thấy tôi đường đột bước vô, người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ ngồi ăn trầu nơi cái giường tre nhỏ, đứng dậy:

– Chào ông!

– Dạ, kính chào bác! Đi Quảng Ngãi vui không bác?

Bà cúi nhổ miếng nước trầu vào cái lon sữa bò dưới đất rồi vừa nói vừa than thở:

– Chi đâu Trung úy, tôi thăm cậu em mà tình hình lộn xộn quá, tôi về. Mời Trung úy ngồi chơi…

Bà quay mặt xuống nhà dưới:

– Nhị ơi, pha nước mời ông Trung úy uống, con!

– Thôi, cảm ơn bác! Thăm bác chút, cháu phải đi.

Nhị lật đật bước lên:

– Mẹ mới về, anh ngồi chơi đã.

Tôi ngần ngừ kéo ghế và thoáng nhìn trên bàn thờ đầu tủ mun kê sát vách gian giữa. Ngoài hộp đèn cầy với bó nhang, chẳng có món nào khác cho ba ngày xuân. Bộ tam gồm cái lư và cặp chân đèn bằng đồng vẫn màu xanh rêu bụi bặm. Chắc nhà đang gặp khó khăn túng quẫn. Tôi nhớ đêm hôm qua Nhị tỏ ý muốn thôi học, dù chỉ còn năm sáu tháng nữa nàng thi tú tài. Mấy bữa nay nàng hy vọng mẹ lên Quảng Ngãi xoay xở được chút ít tiền, kết quả lại bất thành.

Trước hoàn cảnh y hệt ba mẹ tôi ngày xưa thường gặp, bao lần tết nhất mà nhà cửa đìu hiu. Nhìn nét mặt lo âu của bà, tôi không thể chịu nổi nếu làm ngơ, nên thành thật thưa:

– Bác à, cháu tên Việt Quốc, Đại đội trưởng Đại đội 1 này, xin bác cho phép cháu dời Bộ Chỉ Huy qua đây tạm trú ít hôm và tiện thể nhờ Nhị cùng đi với mấy chú lính mua sắm thức ăn lẫn đồ trang hoàng nhà cửa cho vui ba ngày Tết, nghe bác?

Trước khi trả lời, bà giở nắp quả trầu, rứt một miếng thuốc rê ra vo tròn như viên bi, đưa lên chà qua chà lại vào hai hàm răng vốn đã đen bóng:

– Tôi định mai 29, dẫn Nhị lên ăn Tết nhà ông cậu nó. Chừ Trung úy muốn thì… cứ tự tiện, coi như gia đình.

Tuy bà bằng lòng nhưng sao tôi nghe trong giọng nói trầm trầm, chậm rãi ấy có ý dọa dẫm bắt giữ Nhị của tôi làm “con tin”. Đúng là bà già trầu, mẹ vợ tương lai. Tôi ngỏ lời cám ơn rồi nhìn Nhị ngồi sát sau lưng bà, đôi mắt nàng chớp lia, sáng rực một cách tuyệt vời. Nhị không ngờ tôi đưa ý kiến đó. Hẳn nàng đang mừng thầm.

Xong, tôi quay ra ngoài sân hỏi lớn:

– Xe Jeep về chưa, Trung?

Người lính thân cận chạy vô:

– Dạ rồi, Đại Bàng!

– Trung lấy năm ngàn đồng và bảo tài xế Phó Trọng chuẩn bị xe xuống phố Mộ Đức. Kêu Xá mang súng theo luôn.

Tôi nói Nhị:

– Em nên ghi sẵn các món hàng cần, kẻo lát quên.

– Mua những thứ gì đây, Anh?

Nghe Nhị hỏi tôi ấm ớ, còn lẩm cẩm ba chuyện này. Đánh giặc thì tôi húc tới bến, vấn đề ăn uống lại không có tâm hồn. Tuy nhiên, tôi vẫn làm ra vẻ rành lắm, mắng yêu nàng:

– Thì… các món ăn Tết như thịt cá, hoa quả, đồ cúng, và… kẹo nữa. Sắp lấy chồng tới nơi còn hỏi!

Bà cụ cười:

– Con với Trung úy mua đại khái thôi, giặc giã mà!

– Rồi, em vô thay đồ đi, có mấy chú lính mình khỏi lo.

Nhị mặc quần đen với áo dài trắng như thường ngày đi học, vẫn mái tóc bồng bềnh dễ thương. Nhị cười tươi bước lên xe. Và, như một cuộc chạy trốn, tôi nhấn mạnh ga, chiếc Jeep vụt lao tới, tôi chỉ kịp nghe tiếng bà cụ đứng nơi ngưỡng cửa vọng theo: “Nhớ mua trầu cau cho mẹ!…”.

Nhờ các chú Biệt Động giúp, kẻ rửa đậu người vo nếp, mẹ của Nhị đã nấu xong đêm qua hai mươi đòn bánh tét nhưn đậu xanh. Sáng nay 29 Tết, anh em vẫn còn bận rộn phụ gia đình làm một mâm cơm thịnh soạn cúng rước ông bà. Tôi cùng Nhị kê bàn ghế lại gọn gàng rồi đặt chậu bông vạn thọ ngay trước tủ thờ là vị trí tốt nhất, từ ngoài cửa ai bước vô nhà cũng thấy. Trên các nhánh cây, Nhị gài các tấm thiệp “Cung Chúc Tân Xuân” quá màu mè. Chỉ có nàng hài lòng thôi chứ với lính tác chiến chẳng hạp nhãn chút nào. Năm nay hoa mai hiếm, các trận đánh chung quanh vùng còn tiếp diễn, không ai dám vô rừng chặt. May đâu nhờ tụi thằng Trung và Xá khéo lựa chậu vạn thọ, tuy đắt tiền nhưng nhiều bông to, vàng tươi rất đẹp.

Các sĩ quan trong Đại đội cũng ham vui, tham gia làm các việc lặt vặt. Thiếu úy Đặng văn Thiều loay hoay vặn Radio tìm nhạc hay, kích động, hết bản này qua bản khác. Chuẩn úy Hạnh thì cặm cụi sắp trái cây lẫn bia lon lên giữa bàn thờ. Vì sơ ý làm sao đó, Hạnh đánh rơi cả đĩa cam xuống đất lăn tùm lum ra tới cửa, khiến mọi người cười rần. Làm rể kiểu đó mất vợ là cái chắc.

Xong xuôi, tất cả bọn lính nháy mắt rủ nhau ra ngoài ngồi tán dóc, để bà cụ thắp nhang cúng vái. Nhị thì đi mời bà con láng giềng đến nâng ly. Dự trù đông khách Trung sang nhà kế bên mượn thêm bàn ghế.

Bữa tiệc kỳ ngộ rực màu nhà binh đến chiều mới mãn.

      2/ Sexy girl dance on the beach

https://youtu.be/UEsYLrKj974

 




Tags: BÚT KÝ
Tags: HỒI KÝ
Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan