*TRUYỆN NGẮN: NHIỀU NỖI TRUÂN CHUYÊN & MÁY ĐIỆN TOÁN VÀ TÔI

          *KÍNH MỜI ĐỌC 2 TRUYỆN NGẮN HAY CỦA NHÀ VĂN

                                      NGUYỄN NGỌC HOA
                          
1- NHIỀU NỖI TRUÂN CHUYÊN  

2- MÁY ĐIỆN TOÁN VÀ TÔI

Tháng Bảy và tháng Tám là hai tháng nóng nhất trong năm ở Bắc bán cầu.  Mặc dù North Dakota nằm phía cực bắc Hoa kỳ, giáp giới với Gia Nã Đại, mùa hè cũng nóng nực như nơi khác.  Buổi chiều nhiệt độ có khi lên đến trên 100° Fahrenheit (khoảng 38° Celsius), nhưng không khí khô, và ban đêm trời mát xuống nhanh và trở nên dễ chịu.  Với thời tiết khá lý tưởng này, vào cuối tuần, đám dân tỵ nạn quen sống vùng nhiệt đới quanh năm nóng và ẩm tha hồ vui hưởng các sinh hoạt tập thể như đi cắm trại ăn uống và ngủ đêm ngoài trời, đi câu cá, và viếng thăm nông trại để làm gà làm heo và làm bò nướng bê thui.  Nhóm bạn tôi gồm một số cựu quân nhân Hải quân như anh Dần và anh Phức và thanh niên độc thân như Phiến, ai nấy đều tháo vát và có nhiều sáng kiến.

Hôm ấy, chúng tôi ra thăm nông trại của vợ chồng Phượng và Dean.  Thay vì bắt gà “đi bộ” làm thịt như thường lệ, anh Dần bỗng thèm ăn thịt heo tươi, “Ăn thịt heo đông lạnh bán ngoài siêu thị hoài ngán quá,” và nhờ Dean đưa sang trại nuôi heo gần đó mua heo con giết thịt.  Anh Dần là kẻ đầu nêu, việc gì anh cũng làm được dễ dàng.  Thấy tôi đứng xớ rớ gần con heo vừa bị bắn chết và tỏ bộ muốn phụ giúp, Phiến gạt tôi sang một bên,

“Anh Ba Hoa làm thợ vịn chỉ vướng tay vướng chân người khác.  Xê ra cho tui nhờ!”

Được lời như cởi tấc lòng, tôi lấy thuốc lá ra hút phì phèo,

“Xê ra thì xê, sợ gì?”

“Coi kìa, ông kỹ sư chừ đứng làm giám thị chỉ huy tụi mình,” anh Dần cười khà khà.

“Giám thị gì anh Ba Hoa, giám thị . . . ăn thì có!” đến lượt Phiến mỉa mai.

Phiến hay nói xóc óc, nhưng trúng phóc ở điểm tôi vụng về không làm gì ra hồn ngoài việc . . . ăn.  Chẳng hạn như khi biết tôi không biết câu cá, anh Dần đưa tôi đi mua cần câu và các dụng cụ cần thiết và chỉ dẫn cách móc mồi, ném dây câu, v.v.  Tôi ra hồ câu với anh hai lần, lần nào cũng ngồi cả buổi mà không có con cá nào chịu cắn câu.  Anh nói tôi không có số “sát cá,” “Thôi anh cứ ngồi chỗ cắm trại đọc sách hay theo đuôi mụ vợ nghe lóm chuyện tò le (ngồi lê đôi mách), chờ tui đem cá về.”  Từ đó, tôi giữ nhiệm vụ nhóm lửa trong lò đốt bằng than để các bà nướng cá câu được và thịt ướp sẵn ở nhà mang theo...

Hôm nay có anh Phức là người khắc khẩu với Phiến, tôi không thể bỏ qua dịp tốt để xúi hai người cãi nhau cho có chuyện cười.  Tôi quay sang anh Phức phân trần,

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.  Mấy người này . . . mệt quá; tôi muốn phụ một tay thì không cho, mà đứng ngoài ngó cũng không để cho yên thân.”

“Thằng Phiến biết khỉ khô gì mà anh thốc mốc (thắc mắc) lồm (làm) chi cho mệt người?” với giọng Quảng Nam, anh nói với tôi nhưng cốt để Phiến nghe.

Tui nghe rồi đó.  Anh Phức bữa nay bị mấy ‘mệnh phụ phu nhân’ cho ra rìa, hết chỗ chầu chực, và phải đi chơi với tụi tui sao?” Phiến hỏi móc, ám chỉ anh Phức đi làm ca đêm và ban ngày rảnh rỗi lái xe loanh quanh “thăm” các bà độc thân có con mà không chồng, và không ai đáp lại . . . thịnh tình của anh.

“Cái thằng Phiến ni, mi ăn nói ba láp ba xàm nữa thì tao kêu con Thúy Hạc tới chưởi mi một trận cho tởn thói cà chớn,” anh Phức dọa nhưng hiển nhiên đã xuống nước.

Thúy Hạc và chồng là Ralph ở thành phố Dickinson có chừng 15,000 dân nằm cách Bismarck 100 dặm Anh về phía tây.  Chúng tôi gặp cặp vợ chồng này khi họ đến dự tiệc ăn mừng năm mới (1976) được tổ chức để cám ơn ân nhân bảo trợ và bạn mới trong thành phố.  Họ đến trễ, tôi ra đón, và tôi ngẩn ngơ vì trông Thúy Hạc rất quen nhưng không nhớ đã gặp ở đâu.  Nàng cũng thẫn thờ, có lẽ cũng vì vậy.  Tôi bận rộn lăng xăng nên đưa hai người đến bàn Phiến ngồi và nhờ Phiến tiếp giùm.

 

Ngày phục vụ ở Việt nam, Ralph là đại úy tâm lý chiến, hai người cùng nhau về Mỹ năm 1973, và Ralph làm cán sự xã hội trong dưỡng trí viện Dickinson.  Hai người có hai cậu con trai:  đứa lớn bảy tuổi có khuôn mặt rặt Việt nam và được hai người gọi bằng cái tên nghe từa tựa như “Tu-an” mà chúng tôi thầm đoán là “Tuấn,” và đứa nhỏ ba tuổi rõ ràng là con lai.  Sau này, dù chơi thân với Thúy Hạc, tôi vẫn không biết gì về thân thế nàng.  Nàng thủ khẩu như bình, nói lảng sang chuyện khác khi bị hỏi về đời tư ở bên nhà. 

Khi cả bọn đi chơi chung, Thúy Hạc bày tỏ cảm tình đặc biệt đối với tôi và đôi khi âu yếm có chiều lả lơi, nhưng nói bằng tiếng Anh nên không ai để ý.  Tôi nhận thấy Phiến si mê nàng nhưng không dám bộc lộ mà thỉnh thoảng đùa cợt chớt nhả khiến nàng nổi giận mắng nhiếc thậm tệ.  Tuy thích cãi vã, Phiến bị mắng mà vẫn nín khe, không một lời biện bạch.  Đó là lý do anh Cấp đem Thúy Hạc ra dọa Phiến. 

Tôi nghe nói cuối tuần Phiến hay lái xe lên Dickinson, chạy quanh quẩn vài vòng trong thành phố nhỏ, và ngồi hàng giờ ở ghế đá trong công viên trước nhà Thúy Hạc.  Một thiếu phụ thông minh, xinh đẹp, và cởi mở như nàng, nếu nhằm lúc, đàn ông ai mà không yêu?  Ngay cả tôi, dù có nàng tiên Quỳnh Châu bên cạnh, thỉnh thoảng ngủ mơ thấy mình sánh vai gần gũi Thúy Hạc.  Khi tỉnh giấc, tôi cho giấc mơ ấy, theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud (1856 – 1939), phát sinh do ham muốn tình dục bị dồn nén vào tiềm thức.

* * *

Mùa thu năm 1978, Quỳnh Châu cùng bé Mạc đi Âu châu thăm gia đình nàng, tôi ở nhà đi làm, và một biến cố dị thường xảy đến.  Hôm đó là sáng thứ Bảy, tôi lái xe lên Dickinson rồi tiện dịp ghé thăm Thúy Hạc trong khi Ralph chồng nàng đưa hai đứa con về tiểu bang Indiana thăm bà nội.  Vào trong nhà, tôi choáng váng trước cảnh mộng huyễn hay thấy trong giấc mơ:  Thúy Hạc nằm nghiêng trên giường trong bộ áo quần ngủ lụa hồng, tựa đầu lên chiếc gối thêu hoa, và mắt khép mơ màng.  Mê mẩn bước lại gần và trước khi cúi xuống hôn lên đôi môi mời mọc như trải qua trong mộng, tôi giật mình thức tỉnh, nhắm nghiền mắt lại để xóa tan mộng cảnh, và bước ra ngoài.  Ba ngày sau, tôi nhận được thư của nàng xác nhận điều tôi âm ỷ nghi ngờ nhưng gạt đi, cho là thậm vô lý,

Từ ngày gặp anh lần đầu, em luôn ngủ mơ thấy trong một kiếp xa xưa nào đó của em – và của anh, mình là đôi vợ chồng hạnh phúc bên nhau.

Rồi tôi được tin vợ chồng Thúy Hạc dựng bảng bán nhà dọn đi nơi khác và không để lại địa chỉ.  Khoảng một tuần sau, Phiến đến thăm tôi với vẻ mặt buồn thiu.  Tôi lấy bia, loại bia Budweiser thường uống, ra mời, nhưng Phiến lắc đầu và chạy ra xe lấy vào hai xâu (12 lon) bia Old Milwaukee.  Miệng méo xẹo nhưng Phiến rán ghẹo tôi,

“Anh là ông kỹ sư mới uống Budweiser lon trắng, làm bằng gạo, nặng độ rượu hơn, và mắt tiền hơn; tui là dân lao động vinh quang chỉ dám chơi Old Milwaukee vừa nhẹ vừa rẻ.”

            “Không phải vậy.  Tôi uống Budweiser vì ngày sinh viên túi không tiền được mấy ông chú cho uống bia Budweiser chùa.  Rồi thành quen thói,” tôi phân trần rồi hỏi, “Hôm nay có chuyện chitôm quá bộ đến nhà rồng?”

            “Anh biết chị Hạc dọn nhà đi chỗ khác rồi không?” Phiến không dấu vẻ bực bội.

            “Bây giờ tôi biết rồi.  Nhưng mà sao?”

Tôi trả lời lửng lơ vì chưa biết chủ ý của Phiến.  Dù sao đi nữa, tôi không thể tiết lộ mối liên hệ huyền ảo giữa mình và Thúy Hạc.  May thay, dường như muốn chia xẻ niềm tâm sự, Phiến lúng túng mở đầu,

            “Anh biết tui là người Việt gốc Hoa và hồi trước học trường trung học Mạc Đĩnh Chi không?”

            “Tôi không biết Phiến là dân ‘ngộ ái nị’ (tôi yêu cô/anh), nhưng ngôi trường mang tên vị Lưỡng quốc Trạng nguyên đó thì tôi biết.”

Mạc Đĩnh Chi là trường trung học công lập hỗn hợp (nam nữ học chung) duy nhất ở Sài gòn và được thành lập năm 1957 dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, sau khi chính phủ ban hành Dụ (hay Sắc lệnh) số 53 cấm Hoa kiều làm 13 nghề họ đang nắm độc quyền thao túng thị trường.  Nếu muốn giữ nghề cũ, họ phải nhập Việt tịch và hưởng quyền lợi và thi hành bổn phận như những người Việt khác.  Trường được lập ra nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh người Việt gốc Hoa chuyển sang học chương trình Việt.  Họ được vào học vô điều kiện trong vài niên khóa đầu, dần dần phải thi tuyển với ưu tiên có thêm điểm, và sau đó Việt hóa hoàn toàn.

Tiếng Trung Hoa có rất ít đại danh từ để xưng hô, không như tiếng Việt có vô số đại danh từ khác biệt nhau một cách tinh tế.  Ngôi thứ nhất tiếng Trung Hoa chỉ có chữ ngã (người Quảng Đông phát âm là ngộ, là “tôi”) và ngôi thứ hai chỉ có vài ba chữ như nhĩ và nãi (cả hai, người Quảng Đông phát âm là nị, là “anh” và “cô”).  Do đó, ở Mạc Đĩnh Chi, thầy cô đôi khi nghe học sinh phát biểu những câu tréo cẳng ngỗng như,

Thưa thầy, nó đánh tao.

hay

Thưa cô, mầy hỏi cái gì tao không hiểu?

Qua bước đầu, không còn ngượng miệng, Phiến nói về Thúy Hạc,

            “Chỉ là một hoa khôi của Mạc Đĩnh Chi và trên tui hai lớp.  Đứa vô danh tiểu tốt như tui lại cả gan chơi trèo, âm thầm hâm mộ chỉ từ hồi đó.”

            “Vậy Hạc là người Việt gốc Hoa mà tôi không hay, sao Phiến không nhìn bà con?”

            “Từ phút đầu tiên, khi anh đưa chỉ lại giới thiệu và nhờ tiếp giùm, tui nhận ra chỉ liền.  Nhưng mấy năm nay không dám hé môi nói cho ai biết.”

            “Tại sao lạ vậy?”

            “Vì cảnh ngộ, chỉ thay tên đổi họ để trốn lánh mọi người quen cũ,” Phiến trầm ngâm nhớ lại chuyện người đàn bà bí ẩn.

Nàng tên thật là Nhan Thủy Thúy, con một của một gia đình thương gia giàu có ở trên đường Lục Tỉnh Chợ Lớn.  Mùa thu 1967, sau khi đậu Tú tài II hạng Bình, nàng ghi danh học “chứng chỉ” Lý Hóa Nhiên tức là SPCN (Science, Physique, Chimie, et Naturelle) ở Đại học Khoa học Sài gòn trong khi làm thủ tục giấy tờ đi Hoa kỳ du học học ngành quản trị xí nghiệp để sau này coi sóc cơ nghiệp gia đình.  Người yêu của nàng cũng là cựu học sinh Mạc Đĩnh Chi và đang theo học ngành kiến trúc ở Trường Cao đẳng Kiến trúc nằm trên đường Pasteur.

Tết Mậu Thân (1968), Việt Cộng tấn công vào các thành phố, đột nhập vào Chợ Lớn, và trốn trong nhà dân chúng để bắn ra.  Chiếm giữ nhà Thủy Thúy là thằng Việt Cộng đầu não “Thành đoàn,” tên gọi tắt của “đoàn Thanh niên Lao động Việt nam,” chuyên giật dây, phá rối, và khủng bố trong hàng ngũ thanh niên, sinh viên, và học sinh ở “nội thành” Sài gòn - Gia Định. Thằng này trước kia giả dạng người Việt gốc Hoa trà trộn vào Mạc Đĩnh Chi, trên nàng ba lớp, và mê nàng như điếu đổ nhưng bị thẳng tay cự tuyệt.  Thừa cơ hội đột nhập này, nó dùng võ lực cưỡng bức nàng.  Trước khi cùng đồng bọn trốn chạy, nó hứa giữ kín chuyện này nếu hàng tháng cha mẹ nàng nộp một số tiền lớn để “ủng hộ nhân dân miền Nam anh hùng đánh lại đế quốc Mỹ.”  Nếu không, nó sẽ công bố chuyện nàng không còn trinh trắng và cho đặc công phá vỡ cơ sở kinh doanh và hạ sát cả gia đình.

Kể đến đây, Phiến nén tiếng thở dài thương cảm,

Họa vô đơn chí, chỉ khám phá ra mình mang thai, mộng ước du học trở thành mây khói, và người yêu không còn lai vãng thăm viếng và nghe đâu đã cặp bồ với cô khác.”

Tại thằng Việt Cộng khốn nạn mà ra cả,” tôi tức giận la lớn.

“Dù ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã, chỉ đáng mặt là bậc anh thư cho tui tôn thờ.  Người ta đồn chỉ bí mật tiếp xúc với cơ quan an ninh và hợp tác để giúp họ tìm cách hốt trọn ổ bọn Việt Cộng nằm vùng.  Kế hoạch thành công, mạng lưới đặc công vùng Chợ Lớn bị phá vỡ, và thằng hèn hạ đào tẩu không kịp bị bắn chết.  Sau đó, chỉ biến mất; không ai biết chỉ đi đâu và làm gì.  Cha mẹ chỉ cũng vậy; nhà cửa và doanh nghiệp đã chuyển nhượng cho người khác.”

Điều này giải thích tại sao Thúy Hạc không bao giờ đề cập tới quãng đời ngày trước; cậu bé “Tu-an” có lẽ là đứa con oan trái đó.  Cuộc đời nàng như được diễn tả bằng lời mở đầu Chinh phụ Ngâm khúc,

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.

(Đặng Trần Côn – Đoàn thị Điểm)

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                                  Ngày 9 tháng Sáu, 2021

                                           ***

Máy Điện Toán và Tôi

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Tôi làm việc ở nha Điều hành Hệ thống Điện của Công ty Tiện ích Montana-Dakota đã được năm tháng.  Ông sếp già Howard để cho tôi tự do chọn làm các dự án thấy hợp với kiến thức lý thuyết của mình.  Tôi miệt mài học hỏi phương cách điều hành hệ thống điện và cố gắng thích nghi với vai trò kỹ sư kế hoạch điện lực.  Trong môi trường mới, việc tính toán liên quan đến hệ thống điện đòi hỏi hàng ngàn, có khi hàng vạn, con tính nhỏ và không thể làm bằng tay mà phải dùng máy điện toán.  Tôi thấy mình thua kém các kỹ sư trẻ của công ty ở chỗ họ đều học FORTRAN và dùng máy điện toán khi còn học trong trường đại học.  FORTRAN (do “Formula Translation” là phiên dịch công thức) là ngôn ngữ thảo chương dùng để tính toán trong các áp dụng khoa học và kỹ thuật. 

Ở Việt nam, tôi đã tự học lý thuyết máy điện toán, và Ngành Điện của Đại học Kỹ thuật thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức có một chiếc máy Nova 800 do hãng Data General chế tạo.  Tôi cũng đã dự một khóa hội thảo dành cho giảng viên trường Đại học Kỹ thuật dạy thảo chương ngôn ngữ BASIC.  BASIC (do “Beginner's All-purpose Symbolic Instruction Code” nghĩa là mệnh lệnh dùng ký hiệu đa dụng dành cho người mới học) được Đại học Dartmouth thiết kế và phổ biến năm 1964.  Nhưng tôi chỉ đứng xa nhìn chứ chưa hề rớ tới chiếc máy Nova, và tầm hiểu biết về máy điện toán và BASIC chỉ là lý thuyết suông.

Máy điện toán chính (duy nhất) của công ty là hệ thống Honeywell 2000 với ký ức có khả năng chứa 32 KB (kilobyte, tức một ngàn “byte”).  Điện thoại di động ngày nay với ký ức 16, 32, hay 64 GB (Gigabyte, tức một tỉ “byte”) có khả năng bằng 500 ngàn, một triệu, hay hai triệu lần chiếc máy Honeywell tối tân năm 1976.  Máy điện toán này và dụng cụ ngoại biên được đặt trong phòng máy điện toán là một căn phòng lớn ở lầu ba có gắn máy lạnh để làm mát; mạch điện tử khi hoạt động sẽ tỏa nhiệt và nếu nóng lên sẽ bị hư hỏng.  Hệ thống được các điều hành viên điện toán trực tiếp điều khiển bằng cách đánh mệnh lệnh vào bàn chữ đặt trên mặt console là bộ phận điều khiển trông giống như cái tủ nhỏ kiểu có chân đứng.


Tôi biết mình không thể không biết thảo chương (programming) FORTRAN và bắt đầu chương trình học ngôn ngữ này bằng cách hỏi anh bạn đồng sự Dennis ngồi kế bên, “Anh còn giữ cuốn sách FORTRAN nào không?”  Hình như đã chờ đợi câu hỏi này từ lâu, Dennis lấy từ kệ sách trước mặt đưa cho tôi cuốn sách giáo khoa anh dùng ở đại học và tập tài liệu bìa rời do hãng Honeywell cung cấp.  Anh là chuyên viên phụ trách thiết trí và điều hành các chương trình FORTRAN giải toán về hệ thống điện.  Tôi để ra ba ngày làm việc ở sở và nguyên cuối tuần ở nhà nghiền ngẫm hai tập sách rồi đến sáng thứ Hai báo cho anh biết tôi đã sẵn sàng, anh cần giúp tôi khởi sự.

Chương trình điện toán đầu tiên của tôi sẽ tính đặc tính về điện của các đường dây truyền điện cao thế có cấu trúc, dây dẫn điện, chiều dài, v.v. khác nhau của công ty.  Tôi có sẵn dữ kiện thô, đã thực hiện phép tính bằng tay, và có đầy đủ kết quả nên chỉ cần chú trọng về mặt thảo chương.  Trước hết, Dennis hướng dẫn tôi viết mệnh lệnh vào mẫu thảo chương mà mỗi dòng có 80 ô, mỗi ô dành cho một ký tự (character).  Ký tự có thể là một chữ (như A, B, C), một số (như 1, 2, 3), hay một ký hiệu toán học (như +, -, *, /).

Sau khi viết xong mẫu thảo chương, tôi gửi xuống ban Xuyên Phiếu ở lầu ba yêu cầu “đục lỗ và soát lại.”  Ban này có hơn một chục nhân viên, toàn là phụ nữ.  Họ dùng máy xuyên phiếu trông tựa như một chiếc máy chữ lớn để đục lỗ tín hiệu (key punch) vào các tấm thẻ, và để soát lại, dùng máy kiểm phiếu có hình thể tương tự.  Mỗi tấm thẻ là một dòng mệnh lệnh và có 80 cột tương ứng với 80 ô trên mẫu thảo chương.  Mỗi cột trên thẻ gồm 12 “ô” (hay khoảng trống nhỏ), mỗi “ô” có thể được đục lỗ hay không để tương ứng với 1 hay zero trong hệ thống nhị phân, và mỗi chuỗi số gồm 1 hay zero kế tiếp nhau đó biểu diễn một ký tự riêng biệt.  Thí dụ A là 000001000001.


Bị giới hạn sáu ký tự là dài nhất, tôi đặt tên chương trình là LINCAL (viết tắt của Line Calculations).  LINCAL gồm khoảng 2,000 dòng, số thẻ đã đục lỗ đựng vừa vặn chiếc hộp chữ nhật hãng sản xuất dùng chứa thẻ mới gửi tới cho khách hàng.  Tôi gửi (submit) hộp thẻ vào phòng máy điện toán để in ra thành chữ để soát lại và sửa lại công trình của mình một lần cuối.  Nhưng đấy chỉ là bước đầu tiên – rất nhỏ – của chặng đường gian nan trước mặt:  giai đoạn biên dịch (compile) chuyển mệnh lệnh nguồn thành chương trình thừa hành (executable) chứa trong máy điện toán mà sau này người sử dụng có thể gọi ra, cung cấp dữ kiện cần thiết, và sai khiến tính toán và in ra kết quả.

Mỗi lần làm biên dịch, nếu chương trình nguồn không bị máy điện toán “chê” vì lỗi cú pháp (không đúng quy luật FORTRAN) thì chương trình thừa hành mới được tạo ra và thay thế chương trình cũ, và tôi dùng dữ kiện mẫu chạy thử.  Trong năm, sáu lần chạy thử đầu tiên, LINCAL không những không cho kết quả mong muốn mà còn gây ra chuyện khác thường.  Thí dụ, chương trình đi vào một “vòng vô tận” khiến máy điện toán chạy hoài không ngừng, và điều hành viên gọi điện thoại cho tôi than phiền trước khi “giết” (chấm dứt ngang) chương trình.  Có lần chương trình in ra một đống giấy cao cả thước mà trang nào trang nấy y hệt nhau, tôi lại bị một phen mắng vốn.

Mỗi lần chương trình chạy sai là một dịp học hỏi:  Tôi tham khảo ý kiến Dennis, tra cứu sách vở, và tìm cách viết mệnh lệnh hiệu quả hơn.  Rồi mang hộp thẻ vào phòng xuyên phiếu, kiếm một chiếc máy đục lỗ không ai dùng, và mò mẫm đánh lại thẻ.  Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ dùng máy chữ nên khi muốn đánh một ký tự, phải lần mò tìm ký tự ấy trên bàn chữ rồi dùng ngón tay trỏ bàn tay phải mổ cò một phát.  Nếu đánh sai một ký tự thì phải bỏ nguyên tấm thẻ đang đục lỗ và làm lại từ đầu.

Trong ba tuần lễ đầu tiên tập tễnh làm thảo chương viên, tôi ăn dầm nằm dề ở phòng xuyên phiếu trước cặp mắt lạnh lùng khó chịu của chị trưởng ban trạc tứ tuần mà chưa có chồng.  Một hôm, đến cuối ngày mà vẫn chưa hoàn tất các sửa đổi cần thiết, tôi để hộp thẻ ở phòng xuyên phiếu và ngẫu nhiên ra về một lượt với chị ta.  Trong thang máy, chị trêu tôi, nhưng nghiêm mặt không cười,

            “Hình như anh thích làm công việc xuyên phiếu?  Anh cứ nộp đơn, chúng tôi đang cần người.”

Tôi bối rối đỏ mặt tía tai, đau như hoạn, nhưng đành cắn răng cười trừ.  Hôm sau, tôi mượn cuốn sách chỉ dẫn cách dùng máy xuyên phiếu, để ra một buổi đọc từ đầu đến cuối, và ghi ra những điều cần nhớ trước khi tiếp tục sửa thẻ.  Nhờ vậy, tôi biết rõ cách dùng máy, và ngón tay mổ cò tuy vẫn chậm rì nhưng không còn đánh sai tùm lum như trước.

Một tháng trôi qua và sau khoảng hai chục lần biên dịch và chạy thử, chương trình LINCAL của tôi hoạt động đúng như tôi và Dennis đã hoạch định.  Chúng tôi mang bản in vào văn phòng ông Howard trình bày kết quả dự án.  Ông sếp là kỹ sư thuộc thế hệ cũ và không biết nhiều về thảo chương hay máy điện toán.  Ông chăm chú nghe tôi trình bày phương pháp tính toán, gật gù đồng ý với tôi về dự định in kết quả thành một tập tài liệu để phổ biến đến các kỹ sư trong công ty, và cuối cùng hỏi một câu tưởng chừng như không ăn nhập gì tới vấn đề đang thảo luận,

            “Vậy chớ ngày tháng chạy máy ở đâu mà không thấy?”

            “Tại sao cần đến ngày tháng?” cả tôi và Dennis cùng kêu lên.

            “Các bạn trẻ ơi,” ông Howard mỉm cười sờ râu mép và chậm rãi giải thích, “Giả sử trong tương lai, hàng năm các anh cập nhật hóa dữ kiện về các đường dây truyền điện và chạy lại chương trình, nếu không in ngày tháng trên bản in, làm sao biết được bản nào lỗi thời cần liệng bỏ và bản nào hiện hành cần giữ lại?”

            “Hôm nay ông làm chúng tôi thành hai thằng trán trẹt!” Dennis thẹn thùng chấp nhận lời khuyên giản dị mà thực tiễn của ông sếp.

Dennis có óc hoạt kê khá đặc biệt, danh từ “thằng trán trẹt” bắt nguồn từ câu chuyện khôi hài anh hay kể,

Một anh kỹ sư tự cho mình thông thái và biết nhiều và mỗi lần nghe ai nói điều gì mà anh không biết, xòe tay vỗ mạnh vào trán, “Ừ, dễ quá; có thế mà không nghĩ ra!”  Tháng lại ngày qua, trán anh bị vỗ dài dài và trẹt hẳn ra, và anh ta có tên “thằng trán trẹt.

* * *

Trong khi tôi và Dennis thảo chương và sử dụng máy điện toán vì nhu cầu tính toán kỹ thuật, sở Khai thác Dữ kiện (Data Processing) có nhiệm vụ trông nom và điều hành máy điện toán và phụ trách các công việc tính toán và kiểm kê “quan trọng hơn,” liên quan trực tiếp đến tiền bạc như hồ sơ tài chánh và kế toán, hóa đơn tính tiền khách hàng, lương bổng nhân viên, hàng hóa tồn kho, v.v.  Nhân viên khai thác dữ kiện chuyên môn có ba bậc:  Thấp nhất là điều hành viên, kế đến là thảo chương viên, và sau cùng là phân tích viên.  Hai nhóm sau dùng COBOL (từ "COmmon Business-Oriented Language" nghĩa là ngôn ngữ thông dụng chuyên dùng cho ngành kinh doanh) để thảo chương.

Các nhà điện toán chuyên nghiệp đó xem tôi là “người ngoài” được đặc ân dùng máy.  Khi tiếp nhận yêu cầu chạy máy của tôi, các điều hành viên tỏ tuồng mặt khinh khỉnh như chĩnh mắm thối.  Để chạy một chương trình FORTRAN bình thường, điều hành viên chỉ cần nạp thẻ vào máy đọc thẻ và đánh mệnh lệnh vào bàn chữ trên console,

            READ (Đọc).

Sau khi máy đọc thẻ đọc xong, chương trình sẽ điều khiển máy điện toán làm việc và in ra những điều họ cần làm trên console – không cần suy nghĩ gì cả.  Dennis hay nói đùa với tôi,

“Bọn điều hành viên ngồi không trong phòng máy lạnh và không vận dụng trí não nên bộ óc dần dần teo lại bằng hạt cát. Thật tội nghiệp!”

Một hôm tôi mang thẻ vào phòng máy điện toán và chờ mãi không thấy bóng dáng điều hành viên nào.  Nóng lòng chạy chương trình để có kết quả sớm, tôi nhìn quanh nhìn quất không thấy ai bèn hối hả nạp thẻ vào máy đọc và bước tới console đánh vào mệnh lệnh READ.  Sau đó, tôi lẳng lặng mang thẻ về bàn giấy mình và để chương trình chạy trong máy như thường lệ.

Hai hôm sau, tôi và Dennis bị ông Wally phó tổng giám đốc gọi lên văn phòng.  Trên tay cầm một xấp hồ sơ, ông rầy tôi,

            “Tôi vừa nhận được đơn kiện của IBEW (Nghiệp đoàn Công nhân Ngành Điện Quốc tế).  Họ phàn nàn ngày hôm kia anh đã vi phạm khế ước giữa nghiệp đoàn và công ty vì đã tự tiện dùng console trong phòng máy điện toán.  Chỉ điều hành viên thuộc nghiệp đoàn mới có quyền đụng tới nó, anh biết chưa?” và ông quay sang trách Dennis, “Ba Hoa chưa quen làm việc với bọn Khai thác Dữ kiện, tại sao anh không chỉ cho anh ta biết?”

            “Thưa bác, việc đó do lỗi cháu¸ không dính dáng đến Dennis.  Cháu đợi lâu quá mà điều hành viên biến đâu mất hết nên đã tự ý sai khiến máy đọc thẻ đọc vào máy điện toán,” tôi nhận lỗi và thuật lại sự việc.

            “Tôi bỏ qua cho anh lần này, nhưng luật lệ là luật lệ, khiếu nại của nghiệp đoàn sẽ ghi vào hồ sơ cá nhân của anh.”

Về lại bàn giấy của mình, tôi hỏi Dennis,

            “Anh nghĩ tôi còn gặp rắc rối nữa không?”

            “Hiện tại, ngoài việc bị mấy tên điều hành viên cotton-picking nghênh nghênh nhìn, anh sẽ không bị phiền phức gì cả.  Vì sếp Howard không ưa bọn nghiệp đoàn,” Dennis lắc đầu; “cotton-picking” là từ ngữ chung dùng để chỉ trích với ý không bằng lòng, trong trường hợp này có thể hiểu là “ba láp” hay “cà chớn.”

            “Nhưng sau này thì sao?” tôi chưa yên lòng.

            “Anh có tên trong ‘sổ đen’ của nghiệp đoàn; vài chục năm nữa, cơ hội trở thành tổng giám đốc công ty của ‘kỹ sư Ba Hoa’ sẽ kém đi một phần nào vì khi tuyển chọn, hội đồng quản trị có thể xét tới vụ này.  Nhưng anh đừng lo; chúng mình không phải là dân đếm hạt đậu (kế toán viên) và cũng không là luật sư ăn gian nói dối, làm sao lên được danh sách ứng viên đó?”

Ước gì từ phòng xuyên phiếu đến phòng máy điện toán, tôi chỉ đối phó với máy móc vô tri vô giác mà thôi.  Con người sao lắt léo quá!

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                Ngày 19 tháng Năm, 2021

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan