HỒI KÝ HUY VŨ VƯỢT BIÊN

 HỒI KÝ HUY VŨ VƯỢT BIÊN


Mang tiếng là được tha ra khỏi nhà tù, song thực chất tôi chỉ là người từ nhà tù nhỏ bước sang nhà tù lớn thế thôi. Tôi vẫn còn bị quản chế và chưa được coi là một công dân lương thiện của cái gọi là CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, nên không được phép đi xa hơn ngôi nhà mà tôi đang ở năm cây số. Hàng tuần, tôi phải đích thân đến trụ sở công an phường trình diện cùng với cuốn sổ Kiểm Điểm. Trong cuốn sổ này, tôi phải ghi rõ chi tiết ngày, giờ, làm gì, đi đâu, gặp ai, nói chuyện gì, ở đâu, v.v.. .. Khi coi sổ kiểm điểm, công an trực thường hạch hỏi chi tiết, rồi mới ký tên đóng dấu cho phép trở về nhà. Mỗi lần có việc đi ra khỏi nhà trên năm cây số, tôi phải đến công an phường xin phép. Một đứa cháu ruột mồ côi cha gửi thư và thiệp mời tôi về Saigòn làm chủ hôn lễ Vu Qui của nó. Tôi cầm thư và thiệp cùng lá đơn đến đồn Công An Phường xin phép đi thành Hồ. Nơi đây chuyển đơn tôi lên Công An thành phố Cần Thơ. Tại đây, đơn tôi đã bị bác với lý do là tôi đang trong thời gian quản chế không được phép đi đâu cả. Vi phạm những điều cấm kỵ trong thời gian quản chế, rất có thể bị trả lại nhà tù với lý do là học tập chưa tiến bộ.

Trước 1954, khi còn sống với Bác và Đảng ở Bắc Việt, thầy me tôi đã bị lôi ra đấu tố vì tội địa chủ. Nếu không nhanh chân trốn thoát vào miền Nam sau hiệp định Geneve thì chắc chắn đã bị giết như hàng trăm ngàn các địa chủ khác trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất rồi. Sau năm 1975, bản thân tôi cũng đã bị Cộng Sản đầy đọa trong các trại cải tạo lao động khổ sai nhiều năm liền vì tội là sĩ quan ngụy. Trước và sau khi tôi được tha về, gia đình tôi luôn luôn bị coi là con ghẻ của chế độ. Với tình huống như thế, chúng tôi không thể không nghĩ đến vấn đề vượt biên được. Tuy nhiên việc vượt biên tìm tự do không phải là điều dễ dàng với gia đình tôi vào lúc ấy. Vì nói đến vượt biên là phải nói đến vàng. Với một gia đình năm người, hai vợ chồng và ba đứa con, ít nhất phải có cả chục cây mới hy vọng rớ tới con tầu vượt biển được. Về khoản này, gia đình tôi xem ra một chỉ cũng không có, còn nói chi đến chuyện năm, mười cây. Vào cái ngày mà tôi được Ủy Ban Quân Quản thị xã Châu Phú MỜI đi họp, rồi lấy lý do bảo vệ an ninh, để đưa tôi và các đồng nghiệp của tôi vào an nghỉ tại Trung Tâm Cải Huấn Châu Đốc, thì tài sản có giá trị nhất mà tôi để lại cho vợ con là chiếc Honda Dame cũ. Nhờ chiếc Honda này, khi từ Châu Đốc trở về Cần Thơ, nhà tôi bán đi, vừa đủ mua được căn nhà nhỏ lợp tôn không có trần, vào mùa hè nóng như hầm thiêu, nằm trong hẻm Tài-Xỉu, để có chỗ chui ra, chui vào qua ngày. Với hoàn cảnh mạt rệp như thế, gia đình tôi buộc phải tạm gác vấn đề vượt biên sang một bên, và đành phải tiếp tục hô khẩu hiệu: “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam muôn năm”.
Ấy thế mà cơ hội vượt biên cũng đã bất ngờ đến với gia đình tôi. Vào một buổi chiều êm ả, khi những tia nắng cuối cùng đã biến mất trong bầu trời, và một vài vì sao sớm lác đác đã hiện lên, vợ chồng ông hàng xóm đã đột ngột thăm viếng gia đình tôi. Sau những lời thăm hỏi xã giao lấy lệ, hai ông bà cho biết là, họ dự trù mua ghe để vượt biên và nếu gia đình tôi muốn đi chung với gia đình họ thì phải đưa trước một số tiền để mua những thứ cần thiết trang bị cho ghe và cho chuyến du hành nhiều ngày trên biển cả. Số tiền phải đưa trước rất là phải chăng cho cả gia đình tôi gồm năm người và còn thêm đứa cháu gọi tôi bằng chú nữa. Phần còn lại cũng rất là phải chăng, lại được hai ông bà hàng xóm tốt bụng bằng lòng cho trả sau khi đến định cư ở một nước thứ ba nữa chứ. Có lẽ vì là hàng xóm với nhau đã lâu ngày, nên họ tin vợ chồng tôi là người đàng hoàng tử tế nên muốn giúp đỡ và không thể là người bội ước một khi đã thoát ra khỏi sự kìm kẹp của cộng sản. Về phía gia đình tôi cũng tin vợ chồng người hàng xóm cũng là người tử tế không nỡ lường gạt chúng tôi trong lúc đang sa cơ thất thế. Mặt khác, số vàng phải đưa trước lại nằm trong khả năng có thể vay mượn được của nhà tôi. Tuy vấn đề tiền bạc coi như đã được giải quyết, song chúng tôi còn có đôi chút do dự về khả năng đi biển của chiếc ghe, cũng như về khả năng tổ chức một cuộc vượt biên dài ngày đầy nguy hiểm trên biển cả của cặp vợ chồng chủ ghe tuy tốt bụng nhưng còn quá trẻ, nên có thể thiếu kinh nghiệm. Dường như đoán được sự do dự của chúng tôi, người chồng bèn cho biết ông ta nguyên là một hạ sĩ hải quân, nên đã có ít nhiều kinh nghiệm đi biển, đồng thời còn thêm rằng, việc tìm mua chiếc ghe kể như là đã tạm hoàn tất, song còn đôi chút e-ngại, không phải vì giá cả, mà vì khả năng đi biển của nó. Do đó, ông ta đã mời một vị trung úy hải quân nguyên là thượng cấp của ông ta trước 1975, tới coi tại chỗ. Sau khi xem xét rất kỹ, vị trung úy hải quân đã đánh giá là chiếc ghe này khá chắc chắn và có đủ khả năng đi biển, tuy nhiên cần phải sửa chữa đôi chút để khi đi trên biển cả gặp gió to, sóng lớn nước biển không thể tràn vào lòng ghe làm đắm ghe. Sau hết ông hàng xóm còn cho chúng tôi biết thêm là vị trung úy hải quân này cũng đã bằng lòng nhận lái chiếc ghe ấy. Ngoài ra, để làm cho gia đình tôi tin rằng chuyến đi sẽ được chuẩn bị kỹ càng, ông hàng xóm còn cho hay, sau khi mua ghe xong, vợ chồng ông ta sẽ đích thân đi bán chum vại cùng đồ sành đồ sứ thật sự dọc theo dòng sông ra tới cửa biển ít nhất cũng hai ba lần để làm quen và thăm dò đường đi nước bước. Sự viện dẫn vị trung úy hải quân tham dự vào chuyến đi, và việc đi bán dong đồ sành đồ sứ để làm quen và dò đường, làm gia đình tôi tin rằng, chuyến đi sẽ được vợ chồng ông hàng xóm tính toán chu đáo và tỷ lệ thành công rất cao. Ngay sau đó vợ chồng tôi đã làm giao ước miệng với vợ chồng ông hàng xóm mà không một chút do dự nào cả.
Ít ngày sau vợ chồng ông hàng xóm trở lại thăm vợ chồng tôi lần chót và cho những chỉ dẫn cần thiết và chi tiết cho chuyến đi từ Cần Thơ tới chỗ ghe đậu. Chúng tôi đã làm y chang những lời chỉ bảo và cuối cùng đã đến một khúc sông có chiếc ghe đậu. Khi bước chân xuống ghe, dù có đầy đủ cả hai vợ người hàng xóm, song tôi vẫn nghĩ đó mới chỉ là chiếc ghe taxi thôi, vì thấy chiếc ghe quá nhỏ bé và là một chiếc ghe mũi bầu đi sông, chứ không phải là ghe mũi nhọn đi biển. Cho tới lúc cặp vợ chồng này nói rõ, đó chính là chiếc ghe vượt biển, khiến tôi quá đỗi ngạc nhiên và không khỏi thất vọng, và tôi bầy tỏ ngay điều này với vợ chồng chủ ghe. Người chồng an ủi:
– Đừng lo ! Anh Sáu ơi ! Hiện tại là mùa biển lặng, nên không có gió to sóng lớn trên biển cả đâu mà lo. Ghe chúng ta chắc chắn sẽ tới bến bờ tự do an toàn.
Thú thật tôi không hoàn toàn tin tưởng vào lời an ủi của ông ta, song tôi cũng không biết bằng cách nào có thể trở về nhà một cách êm xuôi được. Gia đình tôi đã lâm vào tình huống cưỡi cọp mất rồi. Leo lên lưng cọp đã khó, leo xuống lưng cọp còn khó gấp trăm lần. Do đó chúng tôi cũng không dám đòi trở về thẳng thừng, vì e ngại đám họ hàng và thân nhân khá đông của vợ chồng chủ ghe trên ghe, lo lắng việc đòi trở về của gia đình tôi có thể làm lộ chuyến đi của họ, khiến họ có những hành động liều lĩnh như dìm cả gia đình tôi xuống dòng sông. Gia đình tôi đành phải “nhắm mắt đưa chân để xem con taọ xoay vần” ra sao, và “một liều ba bẩy cũng liều”. Một điều duy nhất mà gia đình tôi có thể làm được trong lúc ấy là cầu Trời, khấn Phật và những người khuất mày khuất mặt trong họ hàng nhà tôi gia hộ độ trì cho chúng tôi không bị chết chìm nơi biển khơi, thế thôi.
Khi chui xuống lòng ghe, tôi thấy đã có khoảng 30 người lớn nhỏ đang nằm sắp lớp như cá hộp, trừ vợ chồng chủ ghe và một vài người có trách nhiệm điều hành chiếc ghe chạy trên mặt sông. Ngay sau đó trên sàn ghe được phủ một lớp rơm và những chiếc chum vại cùng đồ sành, đồ sứ để ngụy trang như là một ghe bán rong dọc theo các làng mạc ven sông. Sau đó chủ ghe cho ghe tới một khúc sông khuất nẻo đậu chờ hết giờ giới nghiêm trên mặt sông, mới khởi hành.
Khoảng bốn hay năm giờ sáng gì đó, ghe bắt đầu nổ máy và mãi cho tới lúc chạng vạng tối, chủ ghe mới cho mọi người biết là ghe đã qua hầu hết các trạm kiểm soát cố định cũng như lưu động trên mặt sông và đã ra tới một trong những cửa biển thuộc tỉnh Rạch Giá. Hành khách được phép ngồi dậy cho giãn gân cốt sau nhiều giờ nằm ép sát vào nhau như nêm cối. Tôi đứng lên, vươn vai, nhìn về phía trước để đón nhận những làn gió nhè nhẹ và mát rượi thổi tới, và thấy chiếc ghe mới vừa ra tới cửa biển mà thôi, hai bên vẫn còn thấp thoáng những chòm cây nhỏ bé lưa thưa trồi lên khỏi mặt nước. Chủ ghe trao tay lái cho một gã trung niên và trịnh trọng nói:
– Kể từ lúc này, tôi xin trao tay lái cho ông.
Lúc đó tôi nghĩ chắc đây là vị trung úy hải quân mà vợ chồng chủ ghe đã đề cập với chúng tôi trước đây và cũng nghĩ kể từ giờ phút ấy ông trung úy này bắt đầu nắm sinh mệnh của gia đình tôi và của tất cả những người hiện diện trên ghe. Liền sau đó chủ ghe yêu cầu hành khách tiếp tay với ông ta liệng lu, vại, đồ sành, đồ sứ ngụy trang xuống dòng sông cho rộng chỗ, để ông ta kịp thời đóng những miếng ván đã đo cắt sẵn lên sàn ghe hầu ngăn chặn nước biển tràn vào lòng ghe.
Lúc ấy trời đã nhá nhem tối và mọi người trên ghe đang vui vẻ hả hê, kẻ quăng, người liệng, kẻ dìm, người thả nổi những chiếc lu, vại, đồ sành, đồ sứ xuống dòng sông, bỗng một lọat súng liên thanh nổ đùng đùng, và những viên đạn xé gió bay vèo vèo ngay trên đầu. Không ai bảo ai đều cúi rạp đầu xuống sàn ghe. Một chiếc tầu của công an đường biển lờ mờ hiện ra, với ngọn đèn pha sáng chói chiếu thẳng vào mặt. Một mệnh lệnh lạnh lùng từ chiếc loa trên tầu tuần cảnh phát ra:
-Tắt máy tức khắc ! Tất cả giơ tay lên ! Ngồi yên tại chỗ ! Ai bất tuân sẽ bắn bỏ !
Chiếc giang cảnh từ từ tiến sát vào chiếc ghe của chúng tôi. Hai ba gã công an vội vàng nhảy sang khiến chiếc ghe chòng chành như muốn lật úp. Câu hỏi đầu tiên được cất lên:
-Chủ ghe đâu? Tài công đâu? Thợ máy đâu?
Mọi người nhìn nhau im phăng phắc. Câu hỏi được nhắc lại lập lại nhiều lần nhưng không thấy ai đứng lên tự nhận cả. Mãi ít giây sau, có lẽ vì biết không thể giấu giếm được và trước sau gì cùng lòi ra thôi, nên chủ ghe lấy hết can đảm đứng lên dõng dạc nói:
-Dạ! Tôi là chủ ghe.
-Tài công của mày đâu?
Trong khi người chủ ghe còn đang do dự, một cái tát giáng thẳng vào mặt:
-Đù mẹ. Chủ ghe mà không biết ai là tài công hả?
-Dạ.. dạ…. Ông kia ạ!
Trong lúc người tài công còn ngơ ngẩn vì quá bất ngờ về hành động thiếu can đảm của chủ ghe, gã công an sấn đến giáng một quả đấm thôi sơn vào ngực, đồng thời một câu chửi thề thoát ra:
-Đù mẹ ! Tài công mà tính trốn hả? Có gan ăn cướp thì phải có gan ngồi tù chứ!
Chủ ghe và tài công bị trói liền ngay tức khắc, sau đó đến ông thợ máy, rồi lần lượt đến nhưng đàn ông khác trên ghe trong đó có tôi. Sau khi làm xong nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Tổ Quốc đã giao phó, gã công an nhìn toàn bộ chiếc ghe và những người trong ghe, rồi chửi thề thêm một câu chót nữa, tuy nghe hơi chói tai, nhưng xem ra rất chí lý:
-Đù mẹ! Chiếc ghe đi sông mong manh như thế này mà tụi bay dám vượt biển!
-Bị bắt là có PHƯỚC tám mươi đời đấy!
Ngay sau đó chiếc ghe được chiếc tuần cảnh kéo về Đồn Biên Phòng 904 cách chỗ ghe bị bắt khoảng năm hay sáu cây số gì đó. Sáng hôm sau, sau khi lập biên bản, những người trên ghe được giải giao thẳng vào trại tù Tà-Niên. Khi khai lý lịch tại trụ sở công an đường biển cũng như tại trại tù Tà-Niên, nhà tôi và ba đứa con cùng đứa cháu khai tên thiệt và địa chỉ thiệt, còn tôi khai tên giả và địa chỉ giả, vì tôi biết rất rõ rằng một khi biết được tên thiệt của tôi, công an rất dễ dàng phát hiện ra tôi nguyên là cựu sĩ quan của Quân Lực VNCH, vừa được thả về sau năm năm tù cải tạo và vẫn còn trong thời gian quản chế, chắc chắn tôi sẽ phải tù thêm ba, bốn năm nữa là ít.
Trại tù Tà-Niên phần đông là tù vượt biên bằng ghe đủ mọi lứa tuổi và có tới cả ngàn tù nhân nên vô cùng chật chội đến nỗi tù nhân phải nằm la liệt ngoài trời dù mưa hay nắng. Tù nam và tù nữ phân cách nhau bởi một hàng rào kẽm gai. Trong trại tù Tà Niên vào thời gian ấy có một nữ tù nhân mà mọi người trong trại tù đều biết là nữ ca sĩ Thanh Lan. Nghe nói ghe của cô lớn lắm và ra khỏi cửa sông một đọan khá dài mới bị bắt. Một số người đi chung ghe với cô, có lẽ vì dị đoan, đã đổ thừa rằng, sở dĩ ghe của họ bị bắt là vì cô Thanh Lan và người tình đẹp trai của cô, cứ quấn quít và hôn hít nhau mãi, khiến chiếc ghe trở nên xui xẻo. Tên công an trưởng trại, vì nghe tiếng cô Thanh Lan là ca sĩ nổi tiếng, nên thường cho bộ hạ xuống trại giam nữ kêu cô ta lên văn phòng hát cho hắn ta nghe. Nhưng cô vẫn một mực không chịu nhận mình là ca sĩ Thanh Lan, mà chỉ nhận tên là Phượng gì đó thôi.
Trong thời gian ở trại giam Tà-Niên vì quá chật chội, nên tôi có dịp nằm ngoài trời cạnh viên tài công, mà tôi vẫn nghĩ nguyên là viên trung úy hải quân. Trong khi nhìn bầu trời đầy sao đêm lấp lánh, tôi mới hỏi ông ta về chòm sao Bắc Đẩu. Ông tài công tỏ ra hầu như không biết tí gì về chòm sao này cả, khiến tôi nghi ngờ về thân thế thật sự của ông ta, nên tôi bèn quay sang hỏi về đơn vị hải quân cuối cùng của viên tài công. Ông này cũng là một người thành thật nên đã thẳng thắn cho biết ông ta không phải trung úy hải quân mà chỉ là người nhái hải quân thôi và chưa bao giờ lái tầu đi biển cả. Nhưng ông ta tin rằng hễ có hải bàn là ông ta có thể định được hướng đi của ghe. Ông ta cũng còn thú nhận thêm với tôi rằng, khi nhận lái chiếc ghe, chủ ghe đã cho ông ta, ngoài bản thân, còn được phép mang thêm 3 người khách nữa. Ông người nhái nhận lái ghe đã đem theo đứa con trai năm tuổi và bán hai chỗ còn lại lấy 3 cây vàng để lại cho vợ và mấy đứa con còn ở lại làm vốn. Nghe hết câu chuyện khiến tôi nổi lôi đình, ngồi bật dậy, và nếu không kịp nghĩ hoàn cảnh đang trong tù và sự man khai lý lịch, tôi đã đấm vào cái bộ mặt trơ trẽn của ông người nhái cho hả giận. Một người không biết tý gì về hàng hải cả, song chỉ vì hám mấy cây vàng để lại cho vợ con làm vốn, nên đã thí mạng cùi chính mình và đứa con trai để nhận lái một con thuyền đi sông bé nhỏ với trên 30 mạng người khác đi vào lòng đại dương, quả là một kẻ liều lĩnh và táng tận lương tâm.
Giận ông tài công này bao nhiêu, tôi càng giận vợ chồng người hàng xóm chủ ghe bấy nhiêu. Tôi đứng phắt dậy và tức tốc đi tìm người chủ ghe. Vì không muốn làm ầm ĩ trong nhà tù, và cũng e ngại chủ ghe sẽ tố cáo việc tôi khai man lý lịch để trả thù, nên khi gặp chủ ghe tôi cố gắng giữ bình tĩnh và chỉ trách ông sao lại chọn một người nhái không hề có một chút kinh nghiệm nào về hàng hải cả để lái ghe. Lúc bấy giờ chủ ghe mới thú nhận là vào phút chót ông trung úy hải quân đã từ chối vì lý do mẹ bị bịnh nặng, nên ông ta quýnh quáng vơ đại ông người nhái thay thế vì ông này nhận là đã từng lái tầu đi biển. Tuy nghe giải thích như vậy, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ là việc ông trung úy hải quân đã tới quan sát và nhận lái chiếc ghe trước khi mua, cũng như là vào giớ chót ông ta đã rút lại lời hứa với lý do là mẹ bị bịnh nặng là điều không có thật, mà chỉ là điều vợ chồng chủ ghe phịa ra để vợ chồng tôi tin là chuyến đi đã được chuẩn bị chu đáo thế thôi. Tôi tin rằng là một người đã từng đi biển lại có đầy đủ kiến thức về hàng hải và lại có chút ít học thức nữa, chắc chắn một vị trung úy hải quân thật sự không bao giờ dám coi rẻ sinh mạng của chính mình và của những người khác để chấp nhận điều khiển một con tầu nhỏ bé và mong manh như thế trên biển cả.
Ăn không ngồi rồi trong trại tù, lân la nói chuyện với những người cùng đi chung ghe, hầu hết là bà con quyến thuộc của vợ chồng chủ ghe, tôi được biết thêm rằng chẳng bao giờ có việc một vị trung úy hải quân nào đó dính dáng đến việc quyết định mua ghe và nhận lèo lái ghe cả. Tất cả đều do vợ chồng chủ ghe sắp xếp và định liệu. Gia đình tôi, thật ra, không nằm trong số người dự trù vào lúc ban đầu, mà chỉ vì lòng tham không đáy của vợ chồng chủ ghe vào phút chót muốn kiếm chác thêm chút cháo nữa, mới mời gia đình tôi nhập cuộc với những điều kiện hết sức dễ dãi thế thôi. Rõ ràng là trong chuyến vượt biên nầy, gia đình tôi tuy không bị vợ chồng chủ ghe lường gạt, vì chiếc ghe có thật và chuyến đi cũng có thật. Song trong thực tế còn bị đau hơn là bị lường gạt nữa, vì chiếc ghe như thế và viên tài công như thế làm sao có thể sống sót trên biển cả được. Người bị lường gạt trong một chuyến đi không có thật chỉ bị mất tiền thôi. Còn trong trường hợp của gia đình tôi, tuy không hề bị lường gạt, nhưng chẳng những mất tiền mà còn mất mạng nữa. Khi một người có kiến thức nghèo nàn về biển cả, mà lại đứng ra tổ chức vượt biển như vợ chồng người chủ ghe của tôi, thì tránh sao cho khỏi chết chìm trước khi đến được bến bờ tự do.
Vào thời gian ấy, cửa biển Rạch Giá là nơi có nhiều người vượt biên bị bắt nhất. Riêng trại tù Tà Niên hầu như ngày nào cũng có hàng trăm tù vượt biên lớn nhỏ nhập trại, nên trại tù rất chật chội lại thiếu vệ sinh nữa. Hồ nước uống bên cạnh cầu tiêu nuôi cá tra cá vồ nên bị ô nhiễm nặng nề. Hàng ngàn tù nhân mang bịnh kiết lị và tiêu chảy. Vì quá chật chội và nhiều người bị bịnh, nên nhà cầm quyền cũng nới tay trong việc cứu xét tha cho về. Trẻ em dưới 16 tuổi bị bắt chỉ hơn một tuần lễ là đã được thả. Người lớn không có tiền án cũng chỉ bị giam giữ trên dưới ba tháng là cùng. Một tuần lễ sau khi bị bắt, ba đứa con và đứa cháu của tôi được tha và được đứa cháu dẫn về nhà nó ở Saigòn tá túc. Ba tháng sau, nhờ khai man lý lịch, tôi được tha cùng một lúc với nhà tôi. Chúng tôi cùng trở về Saigon, rồi từ Saigòn nhà tôi dẫn ba con trở lại căn nhà xưa ở hẻm Tài Xỉu thành phố Cần Thơ. Còn tôi đâu dám vác mặt trở về nơi đây nữa, vì không thể trình diện đồn Công An phường An Phú Cần Thơ về lý do vắng mặt ba tháng trong thời gian quản chế, với giấy ra trại thật nhưng với tên giả và địa chỉ giả được. Công an Cần Thơ có thể căn cứ vào giấy này như là một bằng chứng hiển nhiên trên giấy trắng mực đen để kết tội tôi là man khai lý lịch và bắt tôi ngồi tù thêm ba hay bốn năm nữa. Thế là gia đình tôi lại một lần nữa phân ly và cuộc phân ly nào cũng đều đau buồn cả.
Huy Vũ
quoc huynh <quynh.quoc47@gmail.com>
***
*
Tags: HỒI KÝ
Tags: NHÂN VẬT
Tags: SÁCH
Tags: TÁC GIẢ
Tags: VĂN

Đăng nhận xét

Tin liên quan