HỒI KÝ SA CHI LỆ: THÁNG 4 OAN NGHIỆT HÀNH TRÌNH TỊ NẠN – MỘT ĐỜI CÚI MẶT

 HỒI KÝ SA CHI LỆ: THÁNG 4 OAN NGHIỆT HÀNH TRÌNH TỊ NẠN – MỘT ĐỜI CÚI MẶT

                                                           *SA CHI LỆ  

3>Tiếp theo  TỪ trang 26 > 40

01-1-1976

                      


 
             (Trường Nguyễn Trung Trực cấp 2 -  RG)

  ...Trên hành lang cư xá trường trung học Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá. Giáo viên Chiến cho tay vào túi quần lấy gói thuốc rê. Tôi cười hỏi: Mi “đá 2 cây thuốc rồi à? Hắn cười méo mó đáp: -Không “cho đi” làm sao thanh toán bớt nợ. Anh ta vấn thuốc xong chìa cho tôi.

Tôi lắc đầu: - Tao bỏ nó từ 30 tháng 4…

Ánh hoàng hôn đang chạy trốn cuối chân trời. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, trên băng đá đặt cuối lối đi chính của trường.    Trong khuôn viên trường quạnh vắng…gió biển lùa qua mấy cây phượng lao xao…          
Chiến thẩn thờ nhả khói thuốc từng vòng phả vào khoảng không. Trông hắn thêm tiều tuỵ, trán điểm nhiều nếp nhăn, má thỏn…Phá tan im lặng, tôi hỏi:
-Mi ăn cơm chưa? Như chợ nhớ ra, hắn đáp vội:
-À! Mình đi ăn ngay, kẻo trễ giờ dạy Bổ Túc Văn Hóa. Chúng tôi tà tà về phía nhà ăn tập thể. Phòng ăn lạnh tanh, thức ăn để sẵn trên bàn: - Một tô nhỏ canh rau muống, lõng bõng nước, với 2 con cá bạc-má bằng hai ngón tay, kho mặn.
Mỗi người ba chén cơm gạc…Hắn cố nuốt nhưng mắc nghẹn mấy lần. Nhìn Chiến có vẻ gượng gạo như giấu điều gì bí ẩn, tôi đùa một câu cho đỡ nhạt:
-Ăn, thế này, chóng chầy, anh  phải chóng gậy đi dạy.
-Chiến biếm: -No thì để nhà nước no! Anh ta tiếp: - Họ cần chúng ta bồi dưỡng thêm chính trị hơn là thực phẩm, bởi mình còn dính cái đuôi di sản chế độ Mỹ, Ngụy.
  Tôi thở dài: -Sáng sớm ra chợ gặp mấy đứa học trò của bà xã
đã bỏ học. Đứa phụ mẹ bán búng riêu…đứa bưng rỗ rau cải bán dạo, mắt láo liên trông chừng công an…Tiếc nhất là em Vinh, học giỏi, giờ đạp xích lô…
  Mặt khác, nhiều gia đình học trò có tàu đánh cá lần lượt ra khơi biệt tăm…Đa số giáo viên tại thị xã Rạch Giá tinh thần đã lung lay giao động mạnh bởi báo cáo học trò vượt biển mỗi ngày.
 Chiến nhìn quanh, bỗng bật cười như khóc, nói:
-“Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết cũng chết, chỉ có biệt mới sống!” phải không?
-Tôi gật gù. Ờ! Có lý!
    Lo chuyện riêng  2 hôm, khi trở lại hay tin Chiến đã biến dạng. Tôi thầm cầu nguyện hắn ra đi suông sẻ, may mắn tới bến bờ tự do. Lao vào cái chết tìm đường sống còn hơn chết dần mòn trong “thiên đường CS !”
                     ***
 
“…*18-3-1976  đến 30 tháng 3-1976
           Kinh tế Mới Dương Minh Châu


              *Kinh tế mới VC, nhà ở là khách sạn NGÀN SAO!
*Chuyện bi thương của người lính  VNCH đi vùng kinh tế mới! Anh Nguyễn văn Viên kể:
…Anh thuộc BCH/HQ/LĐ31/BĐQ, đơn vị anh được phái ra Phan Rang tăng viện ngày 13/4/1975. 16-4 anh nhận lệnh công tác và mang công văn về hậu cứ ở Hố nai, Biên Hòa. 26-4 Dinh độc lập bị dội bom. Anh bị kẹt lại Saigon vào trình diện tại Trung Tâm Huấn Luyện Quan Trung, tác chiến phòng thủ ở ngả tư Trung Chánh.
  * 30-4 Hậu cứ LĐ 31/BĐQ tan rã. Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lính “ngụy” gãy súng…
   Viên trình diện học tập cải tạo 3 ngày tại nhà hát Bùi Môn, Hóc Môn. Sau đó anh xuống ngả tư Bảy Hiền sống lang thang.
Cuối năm 1975, ăn Tết xong, nhà nước thông báo lệnh gọi lính “ngụy” trình diện trước Hội Đồng Nhân Dân để xét thành phần được trả quyền công dân.
Ai đăng ký đi Kinh Tế Mới được trả quyền công dân không cần phải xét. Phần đông anh em “ngụy quân” sẵn sàng ghi tên bởi những lý do:
 -Giấy được quyền công dân.
 -Tình trạng đang thất nghiệp.
 -Tiền trợ cấp đi KTM
Những người sống bụi ghi tên vào hộ: Lang Thang.
Tạm trú tại nhà hàng “XINH XINH” (Bar Mỹ, xưa, quận Tân Bình.
*18-3-1976  Hàng trăm chiếc xe hàng, xe đò đưa số người đi KTM đến trước cửa trại Phi Long Tân Sơn Nhất, lãnh 10 ngày gạo (20Kg), mỗi lao động nhận 10 xu/1 ngày.
19-3-1976  Viên có mặt tại KTM Dương Minh Châu, phía bắc tỉnh Bình Dương. Tất cả đều tập trung tại văn phòng Xã Phước Minh, Huyện Dương minh Châu, chia thành nhiều tổ.
Viên thuộc tổ 8. Tổ trưởng hướng dẫn đi nhận nhà giữa rừng hoang. Nhà tranh nhỏ 3m x 4m, không vách, trống trơn.
-Mỗi hộ nhận miếng đất 33m2. Tuần đầu, cần dọn sạch cây rừng nhưng nhà nước chưa phát nông cụ.
-Chuẩn bị nhà ở phải trét vách đất, vào rừng chặt tre làm giường. Nhà cửa tạm xong. Đi họp để biết giờ giấc lao động hằng ngày.
-Sáng 6 giờ, văn phòng ấp gõ kẽng, tập trung.
-Trưởng ấp dẫn đi phát hoang rừng hơn 1 tháng.
 
30-3-1976  Lãnh gạo lần 2, cho 1 tháng.
-Tiêu chuẩn cho một nhân khẩu chỉ còn 400g/1 ngày. Nửa kg muối hột và 3đ/ 1 tháng.
*Gạo lãnh lần 3 trễ, chỉ đủ ăn 15 ngày. Tự túc mua khoai mì ăn độn. Khoai mì được biến chế thành nhiều món.
*Đào 4, 5 cái giếng mới xài được một, vì đào sâu đụng đá tảng.
*Đến tháng thứ 4, không còn được lãnh gạo. Khoai mì thế gạo.
   *Sáng đi phát hoang, chiều 5, 6 giờ về, cơm nước xong, cầm gậy dài ra bìa rừng thay phiên nhau gác. Nhiều người thắc mắc hỏi:
-Canh chừng cái quái gì? Gác ai hay thú rừng?
Cán bộ xã nói: -Các anh cứ việc gác, có chúng tôi yểm trợ sau lưng…
Tháng 5/1976, vài gia đình bồng bế trốn khỏi KTM/DMC  bởi không tiền mua khoai mì. Đôi khi có tin gạo về, nhiều người quá đói, ráng lội bộ 10km đường rừng đến nơi có gạo xin tạm ứng rồi mượn nồi nấu ăn tại chỗ mới có sức đi về. Đêm đêm, ai thức giấc đều nghe tiếng bửa củi xung quanh. Bó thành nhiều bó, gánh ra chợ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) cách đó 12km, bán kiếm chút tiền.
Ban ngày, lao động tập thể, ban đêm tìm củi, bửa củi. Gánh củi đi bán từng đoàn 40, 50 người.
Đàn bà có con được miễn lao động, cấm làm việc riêng, nếu CB bắt được, lương thực bị cúp.
*Tháng 6/1976, thu hoạch lúa, hư toàn bộ vì nước phèn.
Tháng 9/1976, vợ Viên sanh, không gạo, không khoai mì, phải chịu đói 3 ngày liền.
Trạm y tế như cái chuồng heo, không thuốc men. Năm khi mười họa mới gặp  thằng y tá. Khai bệnh, hắn hái cây thuốc nam, bảo pha muối uống.
Vợ Viên sanh, thiếu ăn, thiếu thuốc thành bệnh được đưa về Bình Dương. Nghỉ lao động 5 ngày không xin phép bị cắt lương thực. Không tiền, Viên phải bán máu tại ty y tế Sông Bé, 200cc được 40đ.
*Vợ Viên bớt bệnh, đưa về, bị cúp gạo, khoai mì.
Buộc phải kiếm măng tre cầm hơi, vợ anh mất sức.
Ráng cầm cự đến cuối tháng 12/1976, vợ chồng Viên với 3 con nheo nhóc, trốn khỏi nơi kinh hoàng Kinh Tế Mới Dương Minh Châu, lúc 12 giờ khuya.
Anh gánh đồ đạc, quảy thêm 1 cặp thùng. Đến đường lộ, anh bán đôi thùng, làm lộ phí về Saigon.
Gia đình anh ở vỉa hè đại lộ Phạm Hồng Thái-Saigon.
*Để chào mừng đại hội Đảng lần thứ 4/1976, suốt đêm C.A bố ráp, hốt , đuổi những người sống vỉa hè. Chạy trốn, Viên cõng một đứa, bồng một đứa. Đến 5 giờ sáng, gia đình bị tóm, tạm giữ tại đồn C.A, 11 giờ trưa, được thả.
*Trốn khỏi vùng kinh tế mới, suốt mấy tháng, gia đình sống nhờ anh bán máu 4 lần ở bệnh viện Tây Ninh, 10 lần tại Viện Truyền Máu Hồng Bàng, chợ Rẫy.
Trở lại nhà người quen gần TTHL/Quang Trung, lấy tiền bán máu mua lúa, bán lại, sống lây lất. Mỗi ngày, anh kiếm lời 20, 25đ và biết điều ăn nhậu với C.A để không bị làm khó dễ vì cư ngụ bất hợp pháp.
                Tháng 3/1977
Viên cùng vợ con trôi giạt tận Sa-Đéc, không nơi nương tựa, ngủ ở sạp chợ. Ban ngày, vác mướn gần một tháng. Chiến dịch Chữ Thập Đỏ đuổi bắt những kẻ bụi đời sống lang thang trả lại Saigon. Lại sống nheo nhóc, lếch thếch trên vỉa hè. Bán máu ăn và làm bốc vác tại Xa Cảng Miền Tây. Cùi không sợ lở, ở lì, khi nào có chiến dịch làm sạch thành phố thì chạy…
            Tháng 4/1977
Đi cả gia đình ra Phan Thiết bằng xe lửa, bán máu sống bởi trong nam bệnh viện nhẵn mặt không còn cho Viên bán nữa. Phan Thiết cũng từ chối anh. Cuối cùng, Viên bấm bụng trở lại Saigon, đến viện truyền máu Hồng Bàng tình nguyện hiến máu để lấy phẩm vật đem bán, tiếp tục sống cảnh cầm hơi. Dần dần bán quần áo…Đôi khi, vợ chồng nhịn để ba đứa con ăn. Một lần, khách qua đường động lòng trước cảnh con đói kêu khóc, họ mua thực phẩm cho, miệng cảm ơn mà nước mắt lưng tròng…
Tình cờ gặp bạn cùng hiến máu, khuyên Viên đến Chợ Vàm An Giang sống, dễ thở hơn…Tại đình Phú Lâm tập trung những hộ lang thang của bốn vùng chiến thuật. Chủ mướn anh đẩy xe bán đồ mũ, một ngày 2đ. Đến mùa nước lũ, thất nghiệp, con bị bệnh ban, anh bồng con lên Saigon điều trị, thiếu tiền dành phải bán máu…
Đầu năm, vợ sinh đứa con thứ 4…
Người viết tình cờ quen Viên tại chợ Vàm…”
       ***
10-6-1976
                  

(bên hông chợ RG)
 
   *Rạch Giá, sinh hoạt thị xã bề ngoài có vẻ bình thường, đằng sau nó chứa đầy toan tính qua nét mặt bí ẩn trông trước ngó sau của nhiều người. Riêng trường trung học Nguyễn trung Trực, đa phần thầy cô giáo hiện rõ sự chán nản trên nét mặt bởi lớp học  ngày càng thưa thớt, học trò lười biếng cắp sách đến trường trong đầu chúng đang nuôi ước mơ…Nhất là các em gia đình Ngụy, lý lịch cha, anh có “nợ máu với nhân dân”…
 Thành phần giáo viên được xếp loại:
-Lưu dụng  ( giáo viên giải phóng )
-Giáo viên biên chế, tập sự, tạm tuyển.
Học sinh vào Đội, Đoàn. Sáng học, chiều lao động, giáo viên chủ nhiệm lãnh công tác này. Tối dạy bình dân học vụ. Hoặc Bổ túc văn hóa cho cán bộ, công nhân viên. Học trò nghỉ học, thầy, cô phải đến nhà tìm hiểu lý do, thậm chí năn nỉ các em đi học lại…
   (*Thời gian này, người viết chưa biết về Nguyễn tấn Dũng và
        học vấn của thủ tướng XHCNVN. Đến khi  vợ chồng anh
       Lương Phú Hùng +Lê như Mai ghé Toronto thăm tác giả,
       anh kể, đã dạy bổ túc văn hóa lớp 4, 5 cho Ng tấn Dũng.)
       

       *Trái, Lương phú Hùng-Như Mai, Tố Lang-Vũ đình Nam
(Hội Ngộ Kiên Giang trường xưa lớp cũ 2012 ( sưu tầm)
  Thỉnh thoảng, tin giáo viên “mất dạy” đã đến Phi Luật Tân, Mã lai…Một số bỏ dạy, đi buôn lậu, kiếm cách sống khá hơn…
 Giáo viên, tiêu chuẩn gạo: 190g/ngày.
 Ai ăn tập thể, đóng 50 xu/ngày.
   Nhiều nam giáo viên nợ nần. Khi mua được Nhu Yếu Phẩm liền đem bán chợ đen.
 Một bác sĩ Cách Mạng, học Bổ Túc văn Hóa lớp 9.
 Một bác sĩ thú y tập kết về, trình độ lớp 7.
   Học Bổ Túc văn hóa, cứ 3 tháng lên lớp không cần thi.
Du, hiệu trưởng trường NTT, mới trở về từ trường Đại Học chính trị Nguyễn Ái Quốc 9, than:
 -Ăn uống ngoài đó kham khổ quá. Sáng điểm tâm nửa ổ bé bánh mì không. Trưa, 3 chén cơm với cá thối. Chiều ăn bí rợ, rau thay cơm.
(*Để biết ngày tủi nhục 30-4, Rạch Giá rơi vào tay VC như thế nào, người đọc không khỏi tức hộc máu. Kính mời quý vị xem thêm phần Phụ Lục của sách nầy.)
 
20-10-1976
    Dân lâm bệnh muốn mua thuốc Tây phải có sự xác nhận của Tổ trưởng, Trưởng Khu, Xóm, rồi chuyển lên Phường, Huyện hoặc Thị Xã để lấy giấy giới thiệu đến tiệm thuốc Quốc Doanh. Toa thuốc 6 món chỉ có 1. Cuối cùng, dân bóp bụng ra chợ trời…
 



                        *Thuốc tây chợ trời Saigon
  Có giấy giới thiệu, bệnh nhân mới được nằm viện trong tình trạng cứu cấp, hấp hối. Đa số, họ đều chết trước khi cầm tờ giới thiệu.
 Thuốc Bắc rất đắt. Nhà thuốc Nam rẻ tiền, từ thiện thì chật người.
Bác sĩ Ngụy học tập chưa về. Nhà nước khuyến khích ngừa thai, phá thai, nạo thai.
   Hằng ngày, bệnh viện tỉnh Vĩnh Long nạo khoảng 9,10 cái thai. Bác sĩ Bổn lấy thai nấu cho heo ăn.
 Chợ trời bán đầy thuốc tây đủ loại, nguồn cung cấp, rút ruột từ đâu? Khỏi nói, ai cũng hiểu. Nhân viên y tế không còn chút lương tâm với bệnh nhân. Y đức thành ác đức!
 
03-2-1977
 VC từng bước triệt hạ tôn giáo dựa vào lời Lenin: Khi con người tuyệt vọng sẽ tìm đến tín ngưỡng: Chúng cho rằng chùa chiền, thánh thất. là nơi dung dưỡng kẻ chai lười lao động, ăn bám xã hội. Chùa biến thành cơ quan, nơi hội họp. Ứng nghiệm câu vè trong dân gian:
       Chừng nào thằng ngốc làm vua
       Thế gian cạo trọc, thầy chùa để râu
     Nhà nước không cấm tín ngưỡng, nhưng xem người theo đạo là phản động. Tòa Thánh Tây Ninh bị kiểm soát chặt chẽ. 10 cửa ra vào đều có công an canh gác. Các chức sắc quản trị, sinh hoạt trong Tòa Thánh phải học tập cải tạo, nhiều vị bị đưa ra Bắc hoặc bị quản thúc tại gia. Công Giáo cũng không thoát khỏi đại họa…
*(Mời quý vị đọc phần Phụ Lục , Bản Báo Cáo kết quả Học Tập Cải Tạo, dài 30 trang của Giáo Sư Hàm Phẩm Thượng Danh Thanh (Cao Đài). Tức Nguyễn Thành Danh, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Thời Đại, Phó chủ tịch Hội Chủ Báo VN,  Hội viên hội chủ báo Quốc Tế. Để biết ông NTD múi mặt, trở cờ như thế nào)
  Một số nhà thờ, VC cần tịch biên, chiếm giữ, chúng dàn cảnh, gán ghép tội trạng. Điển hình là nhà thờ Ngô Đình Thục tại thị xã Vĩnh Long, cạnh ngả ba đi Cần Thơ.
Một bài thơ như lời Sấm không tựa, không tác giả được chuyền tay từ những Phật tử:
Ngày sau củi quế gạo châu
Tiền Hồ bạc giấy chớ đâu còn vàng
Thanh Minh thời tiết hoa tàn
Mèo kêu tướng Nguyễn vội vàng lìa quê
Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về
Thầy chùa không Phật não nề lệ rơi!
Quỉ quái tàn bạo trị đời
Giàu đói sáu tháng, nghèo thời đói ba
Lánh nạn sách gói bôn ba
Tà ma mang bị tràn ra thị thành
Áo quần nguồn gốc màu xanh
Đội nón che mặt hôi tanh nực mùi
Chân đi đôi dép thằng cùi
Miệng nói như mật ngọt bùi êm tai
Hà khắc độc ác nhất đời
Trẻ già trai gái bị đày thay trâu
Nhà giàu như cá mắc câu
Nghèo thì đói rách buồn rầu biết bao
Tiếng hờn thấu đến trời cao
Ngày sau thay đổi vàng thau không còn
Chùa chiền, lăng miếu tiêu mòn
Nam việt đổi chữ, Saigon đổi tên
Lừa thầy, phản bạn không còn
Quên ơn, bạc nghĩa tội đền phơi thây
Chừng nào Sen mọc biển khơi
Đông dương trời mọc Sao rơi đầy đường
Quỉ quái chỉ có ngàn ngày
Thương người hậu thế giải bày bằng thư
Mến đạo nên lộ thiên cơ
Đừng theo lũ quỉ ráng chờ sang  niên
Vọng hương thờ cúng Phật Tiên
Ngày sau Phật pháp còn nguyên đổi đời
Vọng đền thờ Chúa thờ trời
Lòng thành kính đạo sáng ngời trăm năm
Nghĩ thương trần thế thăng trầm
Người người yêu nước sao lầm ráo trơn?
Quỉ ma miệng nói như đờn
Kêu gào cứu nước nhưng lòng sói lang
Ngày vui dòm thấy ngỡ ngàng
Công an bắt nạt kêu than cũng rồi
Người Việt điêu đứng bồi hồi
Người Miên bị giết thây phơi bềnh bồng
Ngưòi hiền lập đạo dày công
Quỉ quái giết hại Cửu Long vốn người
Ngày vô cuối tháng ba mươi
Ngày ra vội vã gấp mười ngày vô
Uống công tướng sĩ nhà Hồ
Đầu năm Mậu Ngọ cơ đồ đổi thay
Ba năm thời thiết xuôi tay
Tháng Dần lớp chết lớp đày Côn Sơn
Côn Sơn đi dễ khó về
Mênh mang trời biền bốn bề quanh hiu
Chiều chiều sóng bổ càng nhiều
Mồ hoang vô chủ tiều điều ngàn năm
Lăng xăng lộn xộn đồng bào
Ngoại xâm dấy loạn Nhật, Tàu tràn vô
Nực cười trần thế ô hô!
Trời đã nắng hạn nước hồ khô queo!
 05-3-1977
 
Đạo quân thất nghiệp tràn lan. Không còn nghề nào dễ, khoẻ hơn hết là làm nghề trộm, cướp đang thịnh hành khắp nơi. Nếu ta bắt trộm quả tang, chúng vào tù, ta nuôi cơm. Đánh chúng mang thương tích, ta phải trả tiền thuốc hay bồi thường.
Chịu hết nổi, thành liều, mạnh ai nấy lo canh gác.
Thỉnh thoảng, dân bắt được bộ đội, cán bộ cướp Honda.
 Saigon, tệ nạn xã hội nhiều gấp trăm lần trước đây.
Thủ đoạn bọn cướp tinh vi không thể nào ngờ.
 
*Chợ trời saigon


   Nghề đứng đón mua đồ cũ xuất hiện ở đường Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Công Lý…kèm theo nghề tân trang đồ cũ như: Radio, Ti Vi, Cassette, Đồng hồ…dễ dàng lừa gạt Cán Ngố, Bộ đội miền Bắc. Khi biết bị đểu, chúng chửi thề ỏm tỏi giữa phố đông người: -Địch bố! Địch mẹ! Tiên sư cha chúng mày!
Thiên đường VC toàn xe đạp 

*Bộ độ vào nam mang theo gạo,                                                             

muối làm quà biếu thân nhân.
 
20-4-1977
 
 3 giờ sáng. Chợt thức giấc, sắp đến ngày 30-4
Nghe vết thương Đổi Đời luôn rỉ máu:
 
 Ai hiểu ta đang nhai nghiền thế sự
Mãi khóc cười theo vận nước nổi trôi!...
Hỡi Tổ Quốc! Ta thề không làm nô lệ.
Ngạo nghễ cười! Thề chết vì TỰ DO!...


    Thoáng nghĩ về tội đồ nhân loại: Tần thỉ Hoàng, Mao Trạch Đông, Hitler, Stalin, nhưng có lẽ, người mang Đại Họa tội ác ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn thế giới là Lenin đã phà ma thuật vào thuyết Tư Bản Luận của Karx Marx thành hành động thực tiển. Từ ôn hòa chuyển sang quá khích cuồng tín.
Lenin đã cố tình làm tên hung thần khát máu bởi tham vọng quyền lực bá chủ toàn cầu.
   Người CS, Tuyên Truyền và Dối Trá là công tác hàng đầu. Bạo Lực là phương tiện biện minh cứu cánh! Nắm giữ quyền lực bằng mọi giá. Mục tiêu tối hậu của Quỉ đỏ là bánh trướng chủ nghĩa, thống trị thế giới.
   Siêu vi trùng ung thư CS phát triển nhanh trong những quốc gia nghèo đói, chậm tiến. Cho nên, VN không ngoại lệ. Bước chân CS đến đâu là Địa Ngục ở đó! Đẩy con người thoái hóa trở lại thời phong kiến, công xã nguyên thủy.
  *Đảng CS biến đảng viên thành Tín Đồ Cuồng Tín. Biến dân thành trâu bò, nô lệ khổ sai, cuộc sống bần cùng. Có người mỉa mai khi nhìn lá cờ máu: -Lưỡi liềm cứa cổ, Búa đập vỡ đầu!
30-5-1977
   Cán Bộ, Bộ đội vào tiếp quản Miền Nam, trố mắt, trầm trồ trước đời sống phồn vinh của thời VNCH, nơi mà họ bị nhồi sọ:
  -Miền nam  bị Mỹ Ngụy kềm kẹp, ngu dốt, nghèo đói chỉ ăn toàn củ mì. Cán bộ Tập Kết mấy mươi năm xa xứ, nóng lòng về thăm nguyên quán, mang quà lỉnh kỉnh: Muối, vải thô ( dân trong nam chỉ dùng lau chén), khăn lau mặt loại nhỏ…Nhìn quà quý từ miền bắc, trẻ con cũng  bật cười... Kể chuyện thiên đàng ngoài ấy…Các ông Cán Bự không giấu tiếng thở dài…
Nhất là mấy ông đi Tập Kết năm 1954. Họ đã phóng lao đành theo lao…từ từ chế độ ƯU VIỆT của CS đẩy chính Cán Bộ của họ Biến Chất Hủ Bại…thành con người di bốn chân!
   Hình ảnh đáng ghi nhớ nhất của anh  Giải Phóng Quân là đi đâu cũng chỉnh tề: Nón Cối, Dép râu, Đổng, Đài, kẻ nào khá hơn sắm được “con ngựa sắt” đạp lọc cọc, mặt lúc nào cũng hí hững, hãnh diện phô trương ta đây là kẻ chiến thắng.
 
       




       *Ngựa sắt          *Đổng          *Đài
 *RẠCH GIÁ
                   
 
    *Cảng Rạch Giá trước 1975 treo cờ VNCH
 
   Một tên Bộ đội đứng trước Nhà Văn Hóa, thị xã Rạch Giá, ngắm nghía những ngôi nhà 4, 5 tầng lầu, nhiều tàu đánh cá cỡ lớn ra vào bến cảng tấp nập, hắn gật gù:
 -Quả Thiên đàng là đây!
   Gã vào nhiều cơ quan cũ của Ngụy, đến đâu cũng sớ mó, suýt xoa, trầm trồ không tiếc lới: -Bọn Ngụy giàu thật! Chúng phung phí quá! Khi hắn cần “xì hơi” tiểu tiện, đến phòng vệ sinh chẳng biết là phòng gì, lớ ngớ, loay hoay một hồi mới bậc được cửa. Gã kêu lên: -Tối tân nhỉ! Xả bầu tâm sự xong, không biết làm cách nào ra, gã đập cửa rầm rầm, la ơi ới! Mở cửa! Mở cửa!... Đâu đó phát ra tiếng cười chế giễu…
   Gã được sắp xếp làm Trưởng Ty Giáo Dục, tội nghiệp, đi công tác chỉ cuốc bộ, hắn thầm ao ước một chiếc xe đạp. Gần 50 tuổi, chưa sắm nổi xe đạp cũ, gã tâm sự: Ngoài Bắc xe đạp hiếm và đắt. Chiếc mới 6, 7 trăm đồng. Tài sản duy nhất của gã hiện giờ là chiếc ba lô cũ mèm. Thật đúng là một đảng viên CS lý tưởng: Vô sản! Tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, là Đày Tớ dân…
    Chỉ mấy tháng sau, gã mua một cái nhà 2 triệu tiền Ngụy, đầy đủ tiện nghi, xài toàn đồ nhập cảng. Sáu tháng nữa, gã chễm chệ trên chiếc Mazda Nhật. Áo quần bảnh bao. Chẳng ai biết gã đục khoét ở đâu mà từ một đảng viên nghèo xơ xác trở thành tên tiểu tư sản đỏ nhanh chóng như vậy?!
06-6-1977  Trường trung học Nguyễn Trung Trực (Rạch-Giá)
                    Cấp 3, đối diện phía bên kia đường là cấp 2.
            
                  


         *Cờ VNCH nghạo nghễ bay ở trường cấp 3 NTT.
*CÒN TIẾP
                      SA CHI LỆ
*VUI LÒNG BẤM LINK, XEM TIẾP:

 

 

Tags: CẢI TẠO
Tags: HỒI KÝ
Tags: LỊCH SỬ
Tags: NHÂN VẬT
Tags: TÁC GIẢ
Tags: VĂN

Đăng nhận xét

Tin liên quan