LƯU PHƯƠNG LAN BÔNG HỒNG CÀI ÁO

 LƯU PHƯƠNG LAN: BÔNG HỒNG CÀI ÁO

 

truyện của Lưu Phương Lan

1

Đêm mùa hè vô cùng oi bức, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được.  Quá nửa khuya mới chợp mắt được một lúc, bỗng chuông điện thoại reo vang, cô em út ở Việt Nam báo tin mẹ trở bệnh nặng.  Đặt điện thoại xuống, tôi phải trấn tĩnh một lúc để cho tim bớt đập.  Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc suốt sống lưng làm tôi rùng mình, thảo nào mấy hôm nay hai mí mắt tôi cứ máy liên hồi như báo trước một điềm chẳng lành, thì ra là chuyện liên quan đến mẹ.  Mấy năm nay sức khoẻ của mẹ tôi không được tốt, bà đau ốm liên miên, và đã nhiều lần phải chở đi bệnh viện, nhưng chỉ vài hôm là khoẻ lại.  Xong không hiểu sao, lần này tôi có cảm tưởng bà không thể qua khỏi.  Ý nghĩ mẹ sắp qua đời làm ruột gan tôi nóng như lửa đốt.  Tôi nói với nhà tôi:

          -  Em sốt ruột quá, chắc mẹ đang mong..  Em phải về Việt Nam ngay để rủi có bề gì, mẹ con còn được nhìn thấy nhau lần cuối. 

Trung bóp nhẹ tay tôi, an ủi:

          -  Cứ bình tĩnh, anh sẽ đưa em đi.

Thế là ngay sáng hôm sau, tôi đến sở thu xếp công việc, xin phép nghỉ ba tuần để đi thăm mẹ.  Còn Trung cũng vội vàng ra ngay hãng du lịch, cấp tốc xin làm visa và mua hai vé máy bay đi Việt Nam.  Với Trung thì dễ dàng, chàng về hưu từ năm ngoái, nên thì giờ thong thả, và chẳng cần phải xin phép ai hết.  Mẹ tôi may mắn có chàng rể tốt, Trung đối xử với gia đình bên vợ thân tình như ruột thịt.

Trên chuyến bay dài hơn 18 tiếng, tôi để lòng lắng xuống và nghĩ về mẹ, về cuộc đời của mẹ… Dĩ vãng như một cuốn phim quay lại trong ký ức...

 

Cha tôi quê quán ở Hải Phòng, ông làm nghề thương hồ, đi khắp tứ xứ để kiếm sống.  Sau cùng, ông trôi dạt xuống miền Nam và gặp mẹ tôi...  Hai người yêu nhau, kết duyên chồng vợ.  Cuộc hôn nhân chồng Bắc, vợ Nam vậy mà rất hạnh phúc.  Họ có với nhau bốn người con, anh cả tên Lam đi du học từ mấy chục năm về trước, anh lấy vợ đầm và ở lại luôn bên Pháp.  Kế đến chị Xuân, rồi đến tôi, và chót hết là cô út Hiền cũng đã có gia đình riêng, còn ở tại Việt Nam. 

Cha tôi chẳng may mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi bốn anh em chúng tôi nên người.  Trong quãng đời thơ ấu, một điều mà tôi không bao giờ quên là thời gian sau khi cha tôi chết, mẹ tôi hình như không chịu chấp nhận sự thật.  Ngày nào cũng nghe mẹ lầm rầm nói chuyện với một bóng hình tưởng tượng, khi cười, khi khóc… và trước mỗi bữa cơm, mẹ đều tựa cửa trông ngóng cha về.  Chờ một hồi, không thấy bóng dáng ông, bà quay vào, đứng rất lâu bên bàn thờ như để hồi tưởng.  Qua ánh nến lung linh và khói hương nghi ngút, khuôn mặt cha trên tấm hình trở nên linh động lạ thường, đôi mắt như có thần đang nhìn thẳng vào người đối diện.  Tôi thấy mẹ khóc, và thì thầm gọi tên cha.  Chỗ ngồi của cha trên bàn ăn, mẹ vẫn bày bát đũa, y như hồi ông còn sống.  Rời bàn thờ, mẹ ngồi vào bàn, mắt bà đỏ hoe.  Chúng tôi mọc gai ốc cùng mình khi nghe mẹ nói:
          -  Mời ông xơi cơm!  Hôm nay tôi làm mấy món ngon, ông ăn cho nhiều vào nhé.

Dạo đó gia đình tôi còn ở dưới quê.  Chiều chiều, khi mặt trời xế bóng, mẹ thường hay dắt anh em chúng tôi ra nghĩa địa ở bên kia cánh đồng, thắp nhang trên mộ cha, xì xụp khấn vái.  Dáng gầy dò, cô đơn của bà in trên nền trời đầy mây màu tím hồng của buổi chiều tà, trông như một bức tranh tuyệt đẹp và thật buồn.  Mẹ ngồi bên mộ, im lìm như pho tượng đá, mắt nhìn xa xăm, nét mặt khép kín.  Chẳng ai hiểu mẹ đang nghĩ gì, bà đang thả hồn về dĩ vãng, hồi tưởng lại những ngày hạnh phúc năm xưa, dạo cha còn sống?  Hay bà ưu tư cho tương lai của những đứa con dại bà đang cưu mang?  Có lẽ cả hai.

Mẹ ngồi đó lâu lắm, quên cả thời gian và không gian.  Mãi tới khi hồi chuông thu không của ngôi chùa đầu làng bắt đầu điểm những tiếng trầm trầm, báo hiệu chiều đang tàn, và màn đêm sắp buông, bà mới đứng dậy, và mấy mẹ con lại lếch thếch dắt díu, kéo nhau ra về.  Chúng tôi vô tư chạy nhảy, còn mẹ thì cúi đầu lầm lũi bước.  Mắt mẹ đỏ hoe, hai giải khăn sô trắng buộc trên mái tóc đen mượt của mẹ, bay phất phơ trong gió chiều. 

Đêm nào chúng tôi cũng nghe tiếng tiếng mẹ thở dài, xen lẫn với những tiếng hít mũi xụt xịt.  Tôi biết bà vẫn khóc thầm trong canh khuya, vì đêm mới là lúc mẹ sống cho mẹ, còn ban ngày thì ngược xuôi vất vả lo kiếm sống, nuôi bầy con dại. 

Mẹ hy sinh tuổi xuân, không tái giá mặc dù có nhiều người theo đuổi, vì thuở trẻ mẹ đẹp lắm, nhan sắc nổi tiếng một thời. 

Sau này, khi chiến tranh lan tràn, mẹ đưa các con ra thành phố, thì những cảnh đi thăm mộ và khóc thầm trong đêm thâu mới chấm dứt.  Nhưng nét buồn đã in sâu trên khuôn mặt thanh tú của mẹ, cùng với những vết hằn của thời gian.  Lúc này trừ nhỏ út mới lên tám, chúng tôi đã trở thành những thiếu niên tuổi từ mười ba đến mười bảy.  Bầy con đang sức lớn, anh Lam sắp sửa vô đại học, nên chi tiêu lại càng tốn kém.  Nuôi nổi bốn đứa con ăn học thành tài, thật quá vất vả, da mẹ đã có nhiều nếp nhăn, và tóc mẹ bắt đầu điểm bạc.  Nhưng đối với mọi người, và ngay cả với con cái, mẹ luôn luôn hòa nhã dịu dàng, chẳng bao giờ nghe bà gắt gỏng hay than phiền.

 

2 

 

Chúng tôi rất thương yêu mẹ, nên sau này dù đã có gia đình riêng, đứa nào cũng muốn đưa mẹ về phụng dưỡng.  Anh Lam muốn đón mẹ sang Pháp, nhưng mẹ ngại ngôn ngữ bất đồng với cô con dâu người Pháp, nên từ chối.

Trước đây, hồi mới sang Mỹ, mẹ vẫn ở với vợ chồng tôi.  Nhưng chỉ được sáu, bảy năm, chẳng may cậu rể lớn - chồng chị Xuân - thình lình bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi.  Mẹ thương chị Xuân đơn chiếc, nên rời đến San Jose ở với chị, để trông nom săn sóc ba đứa cháu nhỏ, cho chị được rảnh rang đi làm nuôi con.  Bây giờ, mấy đứa nhỏ đã lên đại học cả rồi. 

Hai vợ chồng tôi thỉnh thoảng vẫn đi thăm mẹ, hoặc đón mẹ về ở chơi cả mấy tháng, nhưng rồi mẹ đòi về, vì nhớ chị Xuân.  Mẹ tôi vẫn mạnh khoẻ, ngoài chứng cao máu nhẹ của tuổi già, bà không có bệnh tật chi cả.  Nhưng mấy lúc gần đây, mẹ thường hay bị nhức đầu và có những hành động hơi "kỳ kỳ"  Chị tôi kể lại, và cho rằng đó là chứng lẩm cẩm của tuổi già, nên cũng chẳng ai lưu ý.  Nhưng triệu chứng đó càng ngày càng thường xuyên hơn, và mẹ gầy sụt đi.

Một lần, mới 4 giờ sáng, chị Xuân gọi điện thoại, nói là đang ngủ, mẹ bỗng ngồi bật dậy, đi lang thang trong nhà như người mộng du, rồi không vấp mà té không dậy nổi.  Tôi hốt hoảng:

          -  Má có bị thương không? 

          -  Rất may, má té trên nền nhà lót thảm êm, nên không sao cả.  Nhưng hỏi gì cũng không nói, trông má ngơ ngơ như người mất hồn, sợ lắm.

          -  Không bị thương là tốt rồi.  Nhà tôi trấn an, chị với cháu phụ đỡ má lên giường đi ngủ lại, rồi mai tính.

Nhưng hôm sau, mẹ trở lại bình thường, vẫn xuống bếp nấu ăn, đi lại trong nhà như không có gì xảy ra, và buổi tối mẹ vẫn mê coi phim bộ… Hai tuần sau đó, một buổi đi chợ về, chị Xuân hốt hoảng thấy mẹ đang lên cơn động kinh sùi bọt mép, nằm bất tỉnh trên sàn nhà.  Chị vội vã gọi xe cứu thương, cấp tốc chở mẹ đi bệnh viện.

Mẹ được đưa ngay vào phòng cấp cứu.  Tại đây, bà được chích thuốc hồi sinh, và khi cơn co giật chấm dứt, bà tỉnh lại, và có thể trả lời được những câu hỏi của các nhân viên y tế.  Mẹ được nằm lại bệnh viện ba ngày để theo dõi bệnh trạng và làm một lô thử nghiệm.  Một tuần sau, nhà thương gọi điện thoại mời bệnh nhân và gia đình đến gặp bác sĩ để nói chuyện.  Thoạt nghe tôi đã đoán là tin chẳng lành.  Quả vậy, kết quả thử nghiệm đã tìm thấy một cái bướu trong não của mẹ tôi.  Bác sĩ giải thích cục bướu đó chính là nguyên nhân đã gây ra các chứng nhức đầu và động kinh của bà.  Thật là một tin sét đánh, mọi người đều bàng hoàng không tin đây là sự thật, nhất là mẹ, mặt bà xám ngoét trông thật là tội nghiệp.  Đợi cho mọi người qua cơn xúc động, bác sĩ mới nói tiếp:

          -  Bước đầu tiên là phải làm biopsy (sinh thiết) để xem là loại bướu gì để tìm cách chữa trị thích hợp.  Nếu là bướu lành thì chỉ việc cắt bỏ là xong.  Nếu là bướu ung thư thì sau khi mổ, còn phải làm chemo (hóa trị) hoặc radiation (xạ trị), để tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại. 

          -  Nghĩa là đàng nào thì cũng phải giải phẫu?  Nhà tôi ngập ngừng hỏi.

          -  Đúng vậy, và nên làm càng sớm càng tốt trước khi nó phát triển lớn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ông viết giấy giới thiệu cho mẹ tôi đến gặp bác sĩ chuyên khoa giải phẫu não.  Ông này sau khi xem xét hồ sơ, cho làm CT scan cái đầu xong, thì khuyên mẹ nên mổ ngay, vì cái bướu đã lớn hơn 2 cm.  Mổ xong sẽ lấy mẫu đem đi thử nghiệm luôn thể.  Ông nói sơ qua về những rủi ro có thể xảy ra sau khi mổ.  Bác sĩ cho mọi người về thu xếp việc gia đình, khi nào sẵn sàng thì báo cho ông biết, để ông sắp xếp chương trình mổ.

Trên đường về, mọi người đều lặng lẽ, không ai muốn nói nhiều.  Anh Lam nghe tin, vội mua vé máy bay từ Pháp qua thăm.  Mấy anh em tổ chức một cuộc họp gia đình.  Trừ cô út Hiền ở Việt Nam không sang được, ba anh em tôi đều có mặt hôm đó.  Trong bữa cơm xum họp gia đình, thức ăn ngon lành và thừa mứa, nhưng không ai nuốt nổi, không khí thê thảm bao trùm căn phòng.  Mẹ nhìn các con đứng vây quanh với ánh mắt buồn rầu:

          -  Má không mổ đâu.  Đang yên lành, mổ lỡ ra bị liệt phải ngồi xe lăn, thì thà chết sướng hơn.

Tội nghiệp mẹ, người đàn bà nhà quê hiền lành chất phác, bà không tin tưởng ở khoa học, và rất sợ dao kéo.  Vả lại thấy mổ cũng nguy hiểm, nên chúng tôi để tự mẹ quyết định, chứ không ép.  Mẹ nhất định không chịu mổ, bà chỉ xin bác sĩ cho uống thuốc để ngừa những cơn động kinh.  Bà sống lây lất với căn bệnh như vậy cũng được gần hai năm.  Lúc đó trông mẹ vẫn khoẻ mạnh hồng hào, và chỉ trừ những khi lên cơn động kinh, mẹ vẫn sinh hoạt bình thường.   Nhưng dần dà, những thuốc Dilantin và Phenolbarbital không còn công hiệu nữa.  Mặc dù vẫn uống thuốc đều đặn, nhưng những cơn động kinh vẫn xảy ra, trước thưa, sau gần.  Mẹ đi đứng mất thăng bằng, nên hay té ngã, và những cơn nhức đầu cũng thường xuyên hơn. 

Lần tái khám cho thấy cái bướu đã phát triển lớn gần gấp đôi, mắt mẹ nhìn một thành hai, và nói năng cũng khó khăn.  Bác sĩ giải thích đó là do cái bướu não đè lên trung khu thị giác và ngôn ngữ, càng để lâu càng khó trị, và gây ra những biến chứng không thể lường trước. 

Lần này thì chẳng đặng đừng, sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, mẹ sợ bị mù nên bằng lòng cho mổ.  Cuộc giải phẫu thành công tốt đẹp, cái bướu được lấy đi.  Kết quả biopsy cho thấy cái bướu là bướu lành, và mẹ không phải làm hoá trị, xạ trị, cũng không phải uống bất kỳ thứ thuốc nào cả.  Mẹ lần lần bình phục, nói năng hết khó khăn, đi đứng vững vàng, không hay té ngã như trước, và mắt nhìn cũng bình thường trở lại.  Bà lên tinh thần, vui vẻ, phấn chấn hẳn lên.  Mẹ hay đi thăm con cháu, ở chơi với mỗi đứa vài tháng, có lần mẹ về tận Việt Nam thăm cô con út. 

Trong thời gian này, mỗi năm hai lần, chúng tôi đưa mẹ đi tái khám để theo dõi.   May mắn cái bướu não không mọc lại, nhưng mẹ lại suy yếu vì một căn bệnh khác.  Trong một lần tái khám, bác sĩ cho biết lá gan của bà có vấn đề.  Số là khi mang thai cô út, bà bị nhau tiền thai, nghĩa là lá nhau nằm ở phía dưới, chặn đường ra của thai nhi.  Khi sanh, mỗi cơn co bóp của dạ con  để đấy đứa bé ra, đầu thai nhi lại húc xuống lá nhau, làm mẹ bị băng huyết khá nhiều.  Sau cùng, bác sĩ phải giải phẫu để đem bé ra, và truyền máu cho người mẹ.  Dạo đó vào năm 1960, ở Việt Nam chưa làm xét nghiệm bệnh truyền nhiễm cho những người hiến máu.  Mẹ bị nhiễm hepatitis C (viêm gan C) từ dạo đó mà không biết, bởi vì ở quê nhà, chưa bao giờ mẹ đi thử máu. 

Sang đến bên Mỹ, đưa mẹ đi khám sức khoẻ, bác sĩ hỏi bệnh sử, và làm thử nghiệm mới biết mẹ bị HVC-RNA (viêm gan C) dương tính.  Từ đó cứ mỗi sáu tháng, mẹ phải đi thử máu để theo dõi số lượng virus.  Thời gian đầu số lượng virus còn rất ít, nên mẹ chưa cần phải uống thuốc điều trị.  Sau mấy chục năm ngủ yên, khi sức khoẻ suy sụp, hệ thống miễn nhiễm của cơ thể yếu đi, virus bắt đầu hoành hành, sinh sôi nẩy nở rất nhanh, mới đầu gây ra viêm gan, rồi lá gan từ từ trở nên xơ cứng.  Để phòng ngừa bệnh phát triển thành ung thư gan, bác sĩ cho mẹ chích Interferon mỗi tuần một mũi, và phải chích trong một năm.  Số lượng virus có giảm đi, nhưng hậu quả của thuốc làm mẹ mệt mỏi, không ăn uống gì được, bà sút cân rất nhiều.  Sau có bốn tháng, bác sĩ đã phải cho ngưng thuốc.  Mẹ cảm thấy khoẻ hẳn lên, bà ăn uống được nên lên cân trở lại.  Mẹ vui mừng, nhưng bác sĩ vẫn lo lắng, qua kinh nghiệm, ông biết rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, lá gan bà sẽ nguy ngập vì bị hàng triệu con virus tấn công.  Quả vậy, sức khoẻ của mẹ mỗi ngày một suy xụp và cuối năm đó bà phải nhập viện vì bụng bị trương nước, bác sĩ hút ra cả lít dịch nhờn. 

Lá gan mẹ đã yếu lắm rồi, và vùng bị xơ cứng càng ngày càng lan rộng.  Bác sĩ nói không còn cách nào chữa khỏi, ngoài biện pháp thay gan.  Ông đề nghị cho tên bà lên danh sách chờ đợi.  Nhưng mẹ từ chối, bà nói bà chỉ muốn sống êm ả những ngày cuối đời, khỏi phải chịu đựng những khổ ải.  Ông chỉ hơi cau mày một chút, rồi gật đầu:

          -   Bà muốn vậy thì tùy bà. 

Mấy ngày sau, mẹ đi lại được và khoẻ lên một chút, bác sĩ cho bà xuất viện, nhưng ông nói riêng với người nhà: 

          -  Tình trạng của bà cụ đã tệ lắm, chắc chỉ còn sống khoảng sáu tháng đến một năm nữa.  Nên chiều theo ý muốn của bà ấy.

Tôi đau lòng quá, không muốn chấp nhận ý nghĩ mẹ sẽ ra đi.  Cố bám níu lấy một chút hy vọng, tôi năn nỉ mẹ nếu không chấp nhận thay gan, thì bà chịu khó chích thuốc Interferol thêm ít lâu nữa, để tiêu diệt hết siêu vi trùng.    Nhưng bà lắc đầu buồn bã:

          -  Má đã ráng nhiều rồi, còn hơi sức đâu nữa?  Thôi cứ để má sống thanh thản những ngày còn lại.

Và bà đòi về Việt Nam ở với gia đình cô út.  Chúng tôi sửng sốt, chị Xuân cố gắng khuyên can:
          -  Má dại quá, đang sống ở Mỹ là nơi có nền y khoa tiến bộ nhất thế giới, sao má lại đòi về Việt Nam?  Rủi bệnh nặng thì ai lo cho má?

          -  Ở Việt Nam cũng có bác sĩ, có nhà thương chớ.

          -  Nhưng sao bằng Mỹ?  Những người mắc bệnh nan y đều cầu mong được đến Mỹ chữa trị, đàng này má đang ở Mỹ lại từ chối không chịu chữa bệnh?

          -  Chữa có khỏi được đâu con?  Bà thở dài buồn bã, sức má làm sao chịu nổi một cuộc giải phẫu thay gan, và rồi những ngày sau đó, chắc chắn sẽ khổ sở thê thảm lắm.  Thôi, trời cho má sống được ngày nào hay ngày đó, kéo dài thêm những ngày đau đớn trên giường bệnh phỏng có ích gì?  Cứ để má về ở với em con, nó cũng hiếu thảo.  Má sống ngần này tuổi cũng là thọ rồi, có chết, má muốn được chết nơi quê cha đất tổ, má muốn được chôn cạnh mộ của ba con. 

Chị Xuân và tôi không biết phải xử sự ra sao cho phải, nên bàn với nhà tôi, với anh Lam, và vợ chồng cô út để tìm một giải pháp tốt nhất.  Mỗi người một ý, người nói cứ chích thuốc độc vô người mãi mới làm mẹ chết sớm, người nói không chữa trị mới chết sớm.  Chẳng biết ai đúng, ai sai, sau cùng anh Lam khuyên:

          -  Điều gì không tránh được, thì phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận khi nó xảy đến.  Má không có hy vọng lành bệnh, chúng ta phải chấp nhận sự thực đau lòng đó.  Bây giờ, chủ yếu là phải làm sao để những ngày còn lại của má được dễ chịu chừng nào hay chừng nấy.  Theo anh, thì các em cứ làm theo ý nguyện của má, cho má vui.

Chị Xuân và tôi đích thân đưa mẹ về Việt Nam.  Cô Út rất hiếu thảo, hai vợ chồng cô săn sóc mẹ thật chu đáo.  Đời sống ở Việt Nam hạp với những người già như mẹ tôi.  Bà có vẻ thoải mái, sung sướng được sống trong môi trường quen thuộc cũ, giữa những người cùng màu da, tiếng nói.  Bà có thể chuyện trò với bà con chòm xóm, đi đó đi đây với bạn bè, chứ không cô đơn như hồi còn ở Mỹ.  Mẹ vui vẻ sống trong gia đình cô con út với hai đứa cháu nhỏ.  Cũng có lúc bà trở bệnh, nhưng rồi lại qua khỏi.  Thay đổi môi trường làm bà khoẻ ra, và sống lâu hơn dự đoán.  Cứ mỗi ba tháng, mẹ lại được đưa đi tái khám một lần, nếu không có gì trục trặc, thì yên chí sống tiếp ba tháng nữa… 

Đã sáu lần tái khám, kết quả đều bình thường.  Lần cuối cùng, bác sĩ phát hiện thấy một cái bướu.  Chai gan mà có bướu thì hết hy vọng, bác sĩ lắc đầu cho về, dặn người nhà sẵn sàng lo hậu sự.  Hai ngày trước khi sinh nhật 81 tuổi của mẹ, thình lình bà trở bệnh nặng.  Nửa đêm cô út gọi báo tin, khóc trong điện thoại:

          -  Má lúc mê, lúc tỉnh, không ăn uống được.  Chắc không còn được bao lâu nữa…

 

3

 

Khi chúng tôi về đến nơi, mọi người đã có mặt đông đủ cả, vợ chồng anh Lam từ bên Pháp cũng mới về tối hôm trước.  Mẹ nằm trên giường, thân thể gầy còm, da mặt vàng khè, trông mẹ ốm o tiều tụy, nhưng thần sắc vẫn còn tốt.  Có lẽ niềm vui được gặp những đứa con từ xa về làm mẹ lên tinh thần, phấn chấn hẳn lên.  Chiều hôm đó, bà ăn được một chén cháo và có vẻ khoẻ mạnh, tỉnh táo hơn mọi ngày.  Mẹ cho gọi mọi người đến, để nghe bà dặn dò.  Bà nhìn khắp lượt tất cả các con cháu đang đứng vây quanh giường với ánh mắt cảm động:

          -  Chẳng mấy khi mẹ con lại được xum họp đông đủ như vầy, má vui lắm.  Kìa lại có cả chị Jacqueline cũng về thăm má đấy ư?

Mặc dù không hiểu gì hết, nhưng nghe mẹ chồng gọi tên mình, chị dâu tôi cũng vội vã bước tới, nắm lấy tay mẹ.  Bà nhìn cô con dâu người Pháp, nở một nụ cười hiền lành:

          -  Mẹ chồng nàng dâu chẳng bao giờ nói chuyện được với nhau.  Lam tệ thì thôi, sao không chịu khó dạy vợ vài câu tiếng Việt?

Ngưng một lúc như để lấy sức, mẹ mỉm cười:

          - Nói của đáng tội, tuy khác màu da, chủng tộc, nhưng được cái nó cũng hiền lành đảm đang, biết thu quén trong ngoài, chăm sóc chồng con tử tế.  Gia đình con hạnh phúc là má mừng, mấy đứa nhỏ của tụi bay ra sao? Lâu quá má chưa gặp, chắc chúng nó lớn lắm hả?

          -  Lớn xộn hết rồi má ơi!  Anh Lam nói, hè này thằng Brian sẽ thi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí.  Nó càng lớn càng giống ông nội in hệt, còn con Evelyn thì giống mẹ, nó cũng sắp sửa lên đại học.

Bà gật đầu mỉm cười, rồi quay sang vợ chồng tôi hỏi:

          -  Các con về hưu chưa?

          -  Con về hưu từ năm ngoái.  Nhà tôi đáp, còn Hạnh hai năm nữa mới đến tuổi hưu trí.

          -   Ờ thôi Hạnh ráng đi làm vài năm nữa rồi nghỉ ngơi cho khỏe, má thấy hai đứa bây tóc bạc cả rồi. 

Ngưng một lúc, mẹ lại tiếp tục, giọng lo lắng:

          -  Nhưng cả hai vợ chồng cùng về hưu hết, rồi lấy tiền đâu sống?

          -  Má đừng lo cho tụi con.  Tôi vội vã nói, tụi con có lương hưu trí, có bảo hiểm y tế đủ hết...  Ở Mỹ mà má, có ai đói đâu?

Mẹ nói giọng buồn rầu:

          -  Các con đứa nào cũng có gia đình ấm êm, công việc làm ăn ổn định, má cũng bớt lo.  Chỉ thương con Xuân goá bụa… 

          -  Nhà con mất đã mấy chục năm rồi, con cũng hết buồn rồi má.  Chị Xuân gượng gạo mỉm cười cho mẹ yên lòng, nhờ trời thương, các cháu chịu khó ăn học, cũng sắp thành tài. 

Mẹ gật đầu:

          -  Mong cho các cháu ra trường, sớm có công ăn việc làm thì con sẽ đỡ vất vả.

Chúng tôi nhìn nhau rơm rớm nước mắt, ôi tình mẹ bao la như trời biển, nằm trên giường bệnh, gần đất xa trời mà mẹ vẫn lo lắng cho các con, vẫn sợ chúng nó đói khổ.  Mẹ vẫn muốn dang tay bảo bọc, chở che như khi các con còn thơ ấu, mặc dù bây giờ chúng nó đã già hết rồi.  Hết con thì tới cháu, bà không quên nhắc đến các cháu… Bây giờ mẹ đã có vẻ mệt lắm, tiếng nói đứt quãng, nhưng bà cũng ráng nhớ tên, hỏi thăm từng đứa, bà nhớ đủ hết, không sót đứa nào.  Sau cùng anh Lam phải nói:
          -  Má đừng nói nhiều mất sức, má nằm nghỉ cho khoẻ.

          -  Hôm nay má thấy đỡ hơn mọi hôm, cứ để cho má nói, sợ mai mốt sẽ không còn thì giờ nữa.

Bà run rẩy đưa tay vuốt ve hai đứa bé con của cô Út đang đứng bên giường, giọng trìu mến:

          -  Hôm nay chỉ có hai cháu, bà tiếc không được gặp những đứa kia…

Chúng tôi vội vã nói:

          -  Lần này đi gấp quá nên không kịp mang theo mấy đứa nhỏ.  Má ráng khoẻ lên đi, kỳ tới tụi con sẽ đưa các cháu về thăm má.

          -  Chắc chẳng có kỳ tới đâu.  Bà thở ra mệt nhọc, má nghe trong người khác lắm, lần này chắc khó qua khỏi.

          -  Đừng nói vậy nghe má?  Má chỉ mệt một chút, chứ không sao đâu.  Cô Út cố gắng an ủi, mấy kỳ trước cũng thế, rồi chỉ ít hôm nữa là má sẽ khoẻ lại.

Nhưng bà đã khoát tay, mỉm cười:

          -  Các con không cần phải an ủi má.  Má có sợ chết đâu?  Được về với ba, là điều má vẫn mong…  Đừng níu giữ, hãy để cho má đi.

Anh Lam nghe vậy buồn quá, quay mặt đi chỗ khác.  Tôi run run nắm lấy hai bàn tay gầy guộc của mẹ, hai bàn tay này khi xưa vững mạnh, can trường nuôi bốn đứa con nên người, giờ đây khô héo không còn chút sinh lực.  Tôi xót xa kêu lên:
          -  Không! má không được bỏ cuộc, má phải ráng sống vì tụi con nghe má?

          -  Má vẫn cố gắng, nhưng sức má cạn rồi, bệnh của má đã tới giai đoạn cuối, không thể qua khỏi.  Các con phải chấp nhận sự thực và không nên buồn. 

Rồi mẹ nói về đám tang của mẹ, bà khuyên nên làm càng giản dị càng tốt, mẹ muốn được chôn gần mộ ba.  Bà nhìn các con với cặp mắt hiền từ:

          -  Má để dành được một món tiền nhỏ, và một ít vàng bạc, nữ trang, tất cả đều để trong cái hộp gỗ sơn, trong tủ quần áo của má.  Đứa nào túng thiếu thì giữ lấy mà xài..  Nếu các con đủ ăn, không cần tiêu đến, thì hãy đem số tiền đó cúng chùa hoặc làm việc thiện.  Như thế là các con tạo phước đức cho má, và cho con cháu sau này, chứ đừng phí tiền vào việc làm ma chay rình rang.

 

Chúng tôi đều hứa sẽ vâng lời cho mẹ yên lòng.  Tới đây, mẹ đã có vẻ mệt lắm, bà nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi một giấc dài.  Hai ngày sau, mẹ vẫn tỉnh táo, vẫn nói chuyện được.  Chúng tôi cố ép bà ăn được vài muỗng súp, và chụp được một tấm hình bà mặc áo gấm in bông cúc nổi màu vàng, ngồi giữa bốn đứa con áo cài bông hồng đỏ.  Tôi đau thắt trong lòng nghĩ rằng đây là bông hồng đỏ cuối cùng tôi được mang trên áo. 

Sau đó mấy ngày, mẹ không còn tỉnh nữa.  Giống như ngọn đèn cạn dầu, bừng lên chút ánh sáng cuối cùng rồi tàn lụi, mẹ yếu đi từ từ vì không ăn uống được, đổ sâm cũng không thể nuốt.  Bà nằm thoi thóp trên giường, lúc tỉnh lúc mê.  Thỉnh thoảng bà đưa cặp mắt lờ đờ, nhìn quanh hết chỗ nọ đến chỗ kia, nhưng chắc không thấy gì hết.  Bà cũng không nói được nữa, nhưng tai vẫn nghe rõ và hiểu được, ai hỏi gì, bà chỉ biết gật hay lắc.  Mẹ cứ ngắc ngoải như thế mấy ngày liền, hình như bà có vẻ bồn chồn lo lắng, hay vướng mắc chuyện gì nên chưa "đi" được.

 

Chúng tôi mời thầy và ban hộ niệm đọc kinh, niệm phật A di đà để hỗ trợ cho mẹ.  Theo thuyết nhà Phật, những người trong giờ phút sắp lâm chung, nghĩa là giai đoạn cận kề với cái chết, thường phải trực diện với những vong linh chưa đi đầu thai, có ân oán với mình trong kiếp này hoặc kiếp trước, đôi khi có cả những hồn ma bóng quế chưa siêu thoát quanh vùng.  Có lẽ mẹ đang nhìn thấy gì đó, nên bà có vẻ hoang mang sợ hãi.  Cuối đời ai rồi cũng phải đi qua ngưỡng cửa sinh tử, bước từ cái sống qua cái chết, nên hoang mang sợ hãi là lẽ thường tình.  Hộ niệm rất là cần thiết để giúp cho họ bình tĩnh đi nốt đoạn hành trình cuối cùng, dứt khoát vứt bỏ những hệ lụy của thế gian, tập trung tư tưởng hướng về với chánh đạo, để được giải thoát.  Chị Xuân cúi xuống, ghé sát vào tai mẹ, dịu dàng:

          -  Má sắp về với Phật, má an tâm ra đi, buông bỏ hết, đừng luyến tiếc cõi trần gian khổ ải này nghe má?

Mẹ khẽ chớp mắt, rồi gật đầu ra vẻ hiểu.  Chị Xuân tiếp tục:

          -  Má hãy chú tâm hướng về Phật, má niệm A Di Đà Phật với mọi người nha.

Mẹ lại gật đầu, và mấp máy môi đọc theo, tuy không thốt được ra lời.  Rồi mệt quá, không đọc theo được nữa, bà nằm yên, nhưng lắng nghe chăm chú.  Sau khi nghe xong ba hồi kinh, nét mặt bà dãn ra, trở nên bình thản, không còn vẻ sợ hãi.  Đêm hôm đó mẹ ngủ yên, không trăn trở vật vã như những đêm trước.  Qua hôm sau, mẹ hoàn toàn rơi vào trạng thái hôn mê.  Ban hộ niệm lại đến và vẫn tiếp tục đọc kinh.  Khi họ ra về, chúng tôi thay phiên nhau túc trực bên giường mẹ.  Bà ra đi thanh thản ngay trong đêm hôm đó.  Tôi nhìn đồng hồ: 3 giờ sáng, đã sang một ngày mới, ngày lễ vu lan, mẹ tôi mất đúng vào ngày lễ vu lan. 

Tôi vuốt mắt cho mẹ, sắc mặt mẹ tươi nhuận, thần thái vô tư, thanh thản trông như người đang nằm ngủ.  Khi lau mình, mặc quần áo mới cho mẹ, tôi để ý thấy chân tay bà đều lạnh, duy đỉnh đầu vẫn còn chút hơi ấm.  Thầy giải thích:
          -  Chỗ ấm là nơi linh hồn thoát ra, ấm ở đỉnh đầu có nghĩa là bà cụ đã được vãng sanh.

Theo thuyết nhà Phật, thì trần gian chỉ là cõi tạm, mẹ đã hết nợ trần và được về miền an lạc vĩnh cửu.  Cuộc chia tay nào mà chẳng buồn, nhất là cuộc chia tay lần cuối.  Chúng tôi nhìn như thâu lấy hình ảnh của mẹ, thân xác kia rồi sẽ tan vào lòng đất, và trở thành cát bụi, sẽ chẳng bao giờ còn được thấy mẹ nữa… Nước mắt tôi chảy dài, cuộc đời là vô thường, chẳng cái gì có thể tồn tại mãi, chúng tôi đã mất mẹ thật rồi.  Khâm liệm xong, người ta đặt mẹ vào trong quan tài.  Trước khi nắp áo quan được đóng lại, chúng tôi quì lạy mẹ một lần chót, lòng đau như xé trước cảnh sinh ly tử biệt.

Sau ba ngày tang lễ, cuối cùng là lúc chúng tôi đưa mẹ lên đường về nơi an nghỉ ngàn thu.  Nhà đòn khiêng quan tài mẹ đặt vào trong chiếc xe tang màu đen đang đợi sẵn.  Bốn anh em, ba người dâu, rể, và hai đứa cháu, con của vợ chồng cô Út, tất cả chín người chia nhau ngồi hai bên quan tài.  Những người đưa tiễn đi bộ sau xe tang một quãng ngắn rồi từ giã. 

Xe tang vẫn tiếp tục đi, đưa quan tài mẹ về quê ở Bạc Liêu, an táng cạnh mộ của ba, đúng như ý nguyện của mẹ.  Một đời vất vả lo toan, bây giờ thân xác mẹ đã được an nghỉ vĩnh viễn bên cạnh người chồng mà bà cả đời thương yêu, hẳn mẹ đã mãn nguyện.  Chúng tôi đứng chung quanh hai nấm mộ của cha mẹ, nhìn khói nhang bay toả, lòng bùi ngùi, thổn thức.  Trời đã xẩm tối, đã đến lúc phải chia tay.  Vĩnh biệt mẹ, bây giờ mẹ đã nằm yên trong lòng đất, để lại các con với nỗi nhớ khôn ngôi. 

Hàng năm cứ đến ngày lễ vu lan và cũng là ngày giỗ mẹ, nhìn người ta cài bông hồng đỏ trên áo, tôi không khỏi se thắt trong lòng, vì mẹ không còn nữa.  Tôi bồi hồi gỡ bông hoa trắng trên áo, đặt lên bàn thờ mẹ.

 

PHƯƠNG - LAN

( trích trong tập truyện QUA LỐI CŨ )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tags: NHÂN VẬT
Tags: TÁC GIẢ
Tags: VĂN

Đăng nhận xét

Tin liên quan