NGUYỄN NGỌC HOA ĐI TÌM QUÊ HƯƠNG

 NGUYỄN NGỌC HOA ĐI TÌM QUÊ HƯƠNG

Đi Tìm Quê Hương


Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Tôi gặp anh Dần lần đầu vào một đêm đầu tháng Tư, khi được cảnh sát gọi đi thông dịch khẩn cấp cho người đồng hương.  Theo chỉ dẫn của cảnh sát, tôi đến một căn duplex (ngôi nhà gồm hai đơn vị gia cư có chung vách chính giữa).  Hàng xóm sát vách gọi cấp cứu khi nghe tiếng xô xát và la hét trong căn duplex bên cạnh.  Tôi chưa tới đây và cũng chưa gặp người đàn ông trung niên ra mở cửa bao giờ.  Trông thấy tôi và hai viên chức cảnh sát, anh biết ngay mình gặp rắc rối lôi thôi và vội vàng nói,

            “Vợ chồng lúc mưa lúc nắng, tụi tui cãi vã lớn tiếng chớ có đánh lộn đánh lạo chi mô.  Bả có cái tật tru tréo như con heo bị cắt tiết làm hàng xóm tưởng chừng như bả sắp chầu tiên tổ đến nơi.”

Anh nói giọng Huế pha lẫn với một số tiếng miền Nam.  Tôi dịch vắn tắt lời của anh, nhưng cảnh sát vẫn phải điều tra cặn kẽ.  Người đàn ông dáng cao, tướng mảnh khảnh, và ăn nói từ tốn khai tên Dần; tôi đoán anh sinh năm Mậu Dần (1938) lớn hơn tôi mười tuổi.  Chị vợ tên Sả cũng cao lớn không kém chồng, đầu tóc rối bù, mắt ti hí, và nói giọng Quảng Nam rất khó nghe.  Chị một mực khai như anh Dần, nhưng cảnh sát chưa yên lòng.  Rốt cuộc, anh vớ lấy bao thuốc lá bỏ vào túi và nhờ tôi,

            “Anh nói với tụi hắn, tui sẽ ra khỏi nhà đêm nay và chuyện gấu ó sẽ không xảy ra nữa.  Về nhà anh ngủ qua đêm được không?”

            “Dĩ nhiên là được, chật bụng chớ chật chi nhà.”

Chiếc xô-pha trong phòng khách căn apartment một phòng ngủ của chúng tôi có lẽ không đủ chỗ cho anh Dần nằm thẳng người.  Tôi lấy mền gối cho anh và trước khi đi ngủ, ái ngại nói,

            “Anh rán ngủ để mai còn đi làm, tôi buồn ngủ rồi.  Mai tôi đưa anh về nhà sớm.”

            “Nhà có bia không anh Ba Hoa?” anh hỏi.

            “Hôm kia tôi ghé tiệm rượu mua hai xâu (12 lon) bia Budweiser, nhưng chưa bỏ tủ lạnh.  Anh uống bia nóng thì tôi lấy.”

            “Không sao.  Mình chỉ cần để bia ra ngoài cửa, ngoài trời giờ lạnh hơn tủ lạnh.  Mười lăm phút sau là có bia lạnh uống.  Anh đi ngủ đi, để tôi lo.”

Người đồng hương mới quen này dường như có nhiều sáng kiến hay.  Sáng hôm sau, lúc tôi thức dậy thì anh Dần đã ra đi từ lúc nào, trong thùng rác có 12 lon bia trống.  Tối thứ Bảy cuối tuần, anh trở lại, mang theo một két (24 lon) bia trả cho tôi.  Tôi giữ anh nán lại chơi, và anh nhân cơ hội kể cho tôi nghe chuyện đời anh.

Anh Dần người làng Phú Tân là ngôi làng đánh cá nhỏ gần cửa biển Thuận An cách Huế chừng 15 cây số.  Lấy vợ năm mười tám tuổi, năm sau anh bị gọi đi quân dịch như nhiều thanh niên khác dưới thời Đệ nhất Cộng hòa và được chọn qua binh chủng Hải quân.  Năm hai mươi tuổi, anh có con đầu lòng, cô con gái lớn đó năm nay 18 tuổi.  Sau đó vợ anh sinh thêm ba đứa:  hai trai một gái, cô gái út năm nay lên năm.  Đầu thập niên 1970 anh lên đến chức thượng sĩ thường vụ đại đội, thường gọi là “thượng sĩ già,” là nhân vật số hai của đại đội, chỉ dưới sĩ quan đại đội trưởng. 

Ngày 26 tháng Ba năm ngoái (1975), thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên thất thủ, trong khi đơn vị anh Dần tuần tiễu ngoài khơi Thuận An.  Anh liều mình lấy chiếc tiểu vận đĩnh LCVP loại hạng nhẹ chở được sáu người chạy về làng đón gia đình.  Không may, vợ anh và cô gái lớn đã gánh cá lên chợ Đông Ba bán từ sáng sớm.  Anh chỉ đón được ba đứa con nhỏ và “bà Mệ” là bà cô già và thằng em họ đang sống cùng với gia đình anh.

Tôi đã đoán được một phần và cười cười hỏi thêm cho rõ,

            “Vậy chớ cái bà Quổng Nôm eng không eng téc đèng đi ngẩu’ (Quảng Nam ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) là ai?”

            Tui thuộc loại đàn ông người Huế mình nói miệng có quai ăn nói dẻo quẹo, mắt có đuôi đa tình hào hoa.  Lại thêm làm lính Hải quân sống đời hải hồ rày đây mai đó.  Trong một thời kỳ đóng quân tại Đà Nẵng, tui lẹo tẹo với bà Sả.  Bả góa chồng, có đứa con trai 15 tuổi, hơn thằng lớn của tui một tuổi, và làm ăn khấm khá nhờ có tiệm cầm đồ và cho vay nặng lãi.”

            “Trong lúc loạn lạc, làm sao anh chị ráp lại với nhau?”

            “Ba ngày sau, ngày 29 tháng Ba, Đà Nẵng lọt vào tay địch, tàu Hải quân của tui còn lảng vảng ngoài cửa Hàn.  Mẹ con bả chạy thoát ra biển và may được xà lan vớt lên tàu tui.  Tình cũ không rủ cũng tới, tụi tui xáp lại cái ào rồi dắt díu nhau qua tới Mỹ.  Lúc làm thủ tục di trú trong trại tỵ nạn Đồn Chaffee, khai là vợ chồng cho tiện việc; không ai hơi đâu mà thắc mắc!”

Tôi tiếp tục thắc mắc,

            “Anh chị tới Bismarck hồi nào mà bây giờ tôi mới gặp?”

            “Gần ba tháng rồi.  Tụi tui là dân Công giáo, tháng Tám năm ngoái được nhà thờ Công giáo bảo trợ ra Shreveport, thành phố đông dân thứ ba của tiểu bang Louisiana.  Nhà thờ xin cho tui làm việc chất hàng trong siêu thị; công việc bữa đực bữa cái, khi làm cả ngày, khi nửa buổi, có khi bị cho ở nhà.”

            “Anh đang ở miền Nam ấm áp, gặp cơ duyên nào mà tấp lên tận miền bắc này?”

            “Em ruột của tui là thằng Bửu; anh gặp nó rồi, nhớ không?”

Anh Bửu cũng là cựu quân nhân Hải quân, được nhà thờ chánh tòa Bismarck bảo trợ và đến đây trước tôi, và làm việc cho Winger’s Cabinets là một xưởng chế tạo và thiết trí các tủ gắn vào tường trong nhà bếp và phòng tắm tại tư gia.  Ông chủ Winger là người Mỹ gốc Đức mê làm việc và ưa chuộng thợ người Việt vì họ khéo tay, ít kèo nài quyền lợi, và nhất là làm việc xả láng, bất kể giờ giấc.  Buổi sáng đem tủ đến nhà khách hàng, họ cặm cụi làm cho đến khi hoàn tất công tác mới về xưởng, có khi đến hai ba giờ sáng hôm sau; khách hàng rất thỏa dạ.  Bù lại, nhờ làm việc nhiều giờ và được trả lương giờ phụ trội, họ lãnh lương cao gấp bốn gấp năm lần thợ nơi khác.

Anh Dần tiếp tục kể lể,

            “Hồi Tết tây, tui đi xe đò lên đây thăm thằng Bửu và xem dân cho biết sự tình.  Hai anh em nhậu say lướt khướt đêm Chủ Nhật, sáng thứ Hai nó đi làm, tui đi theo vì nằm nhà không biết làm gì.  Vô xưởng Winger thấy công việc dễ, tui xin làm thử.  Cuối ngày, ông chủ nhận cho làm; tui ở lại luôn.”

            “Ai giúp anh chị tìm nhà và lo cho mấy đứa nhỏ đi học?” tôi hỏi.

            “Họ đạo nhà thờ chánh tòa tốt vô số!  Họ tìm việc trong siêu thị cho bả và cho mấy đứa nhỏ vô học trường đạo mà không phải trả học phí hay tiền ăn trưa.  Nhà tui có đến tám người, họ thuê căn duplex cho ở tạm – tiền nhà chính phủ trả – trong khi chờ đợi tìm được nhà có bốn hay năm phòng ngủ cho thuê.”

* * *

Khoảng một tháng sau, anh Dần mời vợ chồng tôi đến thăm nhà “mới.”  Anh rộng rãi và hiếu khách nên nhà anh là trung tâm ăn nhậu mà cuối tuần nào Phiến và hầu hết các thanh niên độc thân khác cũng tới nhậu ké.  Bà Mệ khoảng 65, 66 tuổi, lặng lẽ như chiếc bóng, suốt ngày lui cui một mình trong nhà bếp hay sân sau.  Bé Sương con út của anh mới năm tuổi mà ăn nói lễ phép và khôn ngoan như người lớn, luôn quấn quýt bên cha.  Thương em họ anh 16 tuổi, thân hình rắn chắc, và dạn dĩ như thiếu niên Mỹ.  Anh Dần giới thiệu một người đàn ông khoảng 35, 36 tuổi có khuôn mặt dễ nhìn,

            “Phức cũng là người Thừa Thiên mình và phục vụ cùng một hải đoàn với tui, mới lên đây chừng ba tuần.”

            “Anh từ đâu tới đây?  Có đem gia đình theo không?” tôi hỏi, câu hỏi thường tình.

            “Tui sang đây một mình, vợ con để lại cả bên nhà.  Từ trại tỵ nạn Trại Pendleton, tui ra Los Angeles dưới vùng nam California.  Bảo trợ chỉ chỗ đi làm bậy bạ và gần đây bị layoff,” anh Phức nhỏ nhẹ trả lời; “layoff” là (xưởng hay công ty) giãn thợ, cho nghỉ việc.

            “Phức lên thăm anh em, vô trong hãng Melroe ráp và chế tạo đồ phụ tùng máy cày hỏi thử việc làm thì nó nhận liền cái rụp, cho làm trong xưởng dây chuyền lắp ráp.  Phức ở lại luôn,” anh Dần xen vào.

Anh Phức ít lời, nhưng lại khoái kể chuyện tình dục của Thương.  Khi biết cậu thiếu niên tuổi dậy thì không cha không mẹ, nhân viên sở Xã hội nửa khuyên nửa bắt buộc anh Dần cho Thương ở foster home (nhà cha mẹ nuôi tạm thời, tức là foster parents, sau một thời gian có thể nhận làm con nuôi chính thức).  Nghĩ đến tương lai về lâu về dài của cậu em họ, anh Dần đồng ý ngay.  Thương có tên Mỹ là Theodore, gọi tắt Teddy.  Không biết bà mẹ nuôi đầu tiên thương yêu nựng nịu Teddy thế nào mà cậu ta đâm ra ghen lồng lộn với cha nuôi khi ông gần gũi vợ; ông đem Teddy trả lại cho sở Xã hội.  Tại nhà cha mẹ nuôi thứ hai, một hôm ông chồng bắt gặp bà vợ hụp lặn trên thân thể cường tráng của đứa con nuôi; Teddy lại chuyển qua foster home khác.  Trước khi tốt nghiệp trung học, Teddy đã làm cha ba đứa bé với ba nữ sinh vị thành niên khác nhau.  Anh Phức quy lỗi cho,

            “’Bộ tam sự’ thằng nhỏ to bành sư, mặc quần cộm lên một đống như cái gò mả; cô Mỹ bà Mỹ nào ngó thấy mà không động lòng?”

Dân số người Việt ở Bismarck lên cao nhất vào mùa hè năm 1976.  Những người ăn nên làm ra đua nhau đi mua xe hơi.  Vốn là người khoác lác thích khoa trương, anh Bửu oai vệ bước vào phòng trưng bài xe hơi, chọn ngay chiếc Buick LeSabre đời 1977 màu huyết dụ lộng lẫy, kêu vợ lấy bọc tiền lôi ra gần mười hai ngàn đô la ($12,000) tiền mặt chồng liền cái cụp.  Anh khoe,

            “Tụi Mỹ kinh hồn thất sắc, xì xào với nhau rồi thằng nào thằng nấy chạy có cờ!”

Nhân viên đại lý bán xe xôn xao không phải vì chưa bao giờ thấy món tiền lớn như thế, mà vì luật liên bang bắt buộc các cơ sở thương mại khi nhận tiền mặt $10,000 trở lên phải làm giấy tờ khai báo để ngăn chận những vụ rửa tiền do hoạt động bất hợp pháp.  Chị Sả không thể “mất uy tín” vì thua kém ông em chồng.  Một buổi chiều đi làm về, chị ghé đại lý, chọn một chiếc xe Ford mới bé bé xinh xinh, chồng tiền mặt, và xăm mình leo lên ngồi vào ghế tài xế.  Nắm trong tay cái bằng lái xe, nhưng từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chị chưa hề đụng tới cái bánh lái xe hơi.  Tuần trước chị nhờ Phiến thi thế lấy bằng lái xe, Phiến xuất trình Thẻ Ghi Đến - Đi (mẫu I-94 do sở Di trú và Nhập tịch cấp) của chị để thi, và giám khảo không hay biết vì mẫu I-94 không có hình và tên Việt nam nào cũng lạ hoắc như nhau.  Lái đường thẳng chỉ gần một dặm Anh mà chị mất hơn nửa tiếng đồng hồ.

Anh Phức khiêm tốn hơn, chịu mua chiếc xe Chevrolet cũ.  Vài tuần sau, theo xe anh Dần và vài người khác, anh lái xe “mới” đi nông trại chơi.  Giữa đường máy xe nóng bốc khói nghi ngút, phải nằm đường.  Tôi gọi xe cần trục câu xe về xưởng sửa xe, thợ cho biết xe bị cháy máy, tiếng Việt gọi là lột vên tức là hư cây then chuyền trong máy (tiếng Pháp “bielle”), vì đã hết sạch nhớt.  Đám sở hữu chủ mới của những chiếc xe cũ và mới nhốn nháo cả lên:  Xe hơi phải cần có nhớt mới chạy được!  Rồi họ thay nhau đem xe đến cho tôi kiểm nhớt máy.

* * *

Ba năm sau, khi đời sống tưởng đã ổn định, những người này lại lũ lượt rời thành phố.  Bất thần như khi đến, anh Dần đưa bà Mệ và ba đứa con về Sacramento thuộc tiểu bang California.  Anh “cưới” bà vợ mới trẻ hơn chị Sả, “về hưu non,” và hàng ngày uống rượu hưởng nhàn và chờ người mời đi ăn đám cưới.  Chị Sả và đứa con trai dọn đi Houston thuộc tiểu bang Texas, cậu ta vừa lên đại học.  Anh Phức trở lại Los Angeles chung sống với người bạn gái mới gá nghĩa có ba đứa con nhỏ không cha và bà mẹ già.  Anh vui thú điền viên và ngày đi uống cà-phê, tối đi uống rượu với bạn bè.  Anh Bửu và những người khác cũng dần dần ra đi.

Trong những năm đầu tiên dung thân ở đất nước này, nhiều người tỵ nạn quyết định dời nơi cư ngụ bất ngờ, gần như bốc đồng và tụ lại ở những nơi đông người đồng hương.  Một nhà nghiên cứu xã hội người Mỹ gọi đó là hiện tượng người Việt “đi tìm quê hương.”  Chỉ có tôi ngoan cố nằm miết nơi xứ lạnh đáng yêu này.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                Ngày 23 tháng Mười Hai, 2020


Tags: NHÂN VẬT
Tags: TÁC GIẢ
Tags: VĂN

Đăng nhận xét

Tin liên quan