Trần thị Nhật Hưng Người Yêu Của Lính

 Người Yêu Của Lính


Trần thị Nhật Hưng.


  Quỳnh Lộc là bạn học cùng lớp với chị cả của tôi, nhà chị cách đó chỉ vài căn. Cùng lớp cùng hàng xóm nên hai chị rất thân nhau. Đã vậy, nhà tôi có năm chị em gái, đủ chuyện, lắm trò càng thu hút chị Quỳnh Lộc chạy sang chơi. Dường như mỗi ngày chị đều ghé đến, sáng, trưa, chiều, tối...bất cứ lúc nào chị rảnh. Ba má tôi cũng dễ dãi, không ngăn cấm gì sự hiện diện của chị. Trái lại, còn coi chị thân thiện như con cháu trong nhà.

 

  Chị Quỳnh Lộc học rất giỏi, giỏi đều mọi môn nên chị luôn đứng đầu lớp. Thỉnh thoảng lắm, chị mới xuống hạng nhì. Tuy giỏi đều mọi môn, nhưng môn luận văn, chị thường đề cập nhiều nhất. Có lẽ nhờ đó, tâm hồn chị lãng mạn, ướt át. Chị hay nói về văn chương thơ phú nhất là khi tới tuổi dậy thì. Chị say sưa nói về tình yêu mà đặc biệt tình yêu dành cho lính. Thời chiến mà!

  Đang tuổi học trò trung học, chị chưa vấn vương hay có khái niệm gì để in sâu vào tâm hồn những anh sinh viên mà khung trời đại học vốn xa lắc xa lơ tận Huế, Sài Gòn. Còn những nam sinh trung học lảng vảng xung quanh chị, chị coi như...đàn em chưa xứng đáng cho chị để mắt đến. Cũng có nhiều anh lớp trên trồng cây si, cành lá đã xum xuê, rễ dính chặt dưới đất, quấn quít chằng chịt bò tràn lan tới cửa nhà chị, làm vướng chân mỗi khi chị bước ra khỏi nhà, chị vẫn không xúc động mủi lòng còn thản nhiên nói “tránh chỗ cho...chị đi chút em!”

  Đối với chị, người hùng của chị là lính, các anh lính hiên ngang mỗi khi có dịp hành quân ghé ngang đường phố; khi thì quần áo rằn ri, mũ đỏ, lúc thì bộ quân phục xanh màu lá rừng với chiếc nón sắt đội trên đầu thật oai hùng, nhưng khi không đội nữa, vứt đi, chị lấy giã cua cũng tiện! Rồi những bộ không quân màu da cam suông đuột áo liền quần, gói gọn dáng hình khỏe mạnh của các anh, vai rộng cho em tựa đầu, cao ráo cho em nép mình khi trời nắng hạn, trông vừa hấp dẫn gợi cảm, vừa oai phong lẫm liệt từng làm điên đảo hồn của các cô thiếu nữ trong đó có chị; đến những bộ đồng phục trắng toát thật mát mắt có yếm viền xanh màu nước biển của lính hải quân. Chị thường nói về cái yếm này, trông các anh bé bỏng như em bé mặc yếm khi ăn, thật dễ thương dễ nựng! Thậm chí đến mấy anh Xây Dựng Nông Thôn quần áo kiểu bà ba mộc mạc màu đen thui, trông xa như đàn kiến đen, với chị vẫn thấy có cái gì đó huyền bí thôi thúc chị khám phá...!

  Vâng, đối với chị Quỳnh Lộc chỉ có lính, lính Việt Nam Cộng Hòa mới có thể làm chao đảo lung lay hồn chị, tràn ngập tâm hồn cô nữ sinh đang tuổi dậy thì.

  Chị đã có cơ hội thỏ thẻ cùng các anh khi nhà trường có thông tư thông báo các nữ sinh viết thư thăm lính. Những bức thư của các em gái hậu phương gởi ra tiền tuyến mục đích xoa dịu vuốt ve nỗi mệt nhọc của các anh cùng khích lệ tinh thần các anh ngoài mặt trận, cố gắng chiến đấu không ngừng để bảo vệ Tự Do mang lại hòa bình thật sự cho đất nước.

Chị viết:

 “Anh thân yêu. Em, Quỳnh Lộc, viết lá thư này đến anh khi ngoài kia trời đang đổ cơn mưa. Những cơn mưa nặng hạt tưới xối xả lên mái tôn của lớp. Tiếng mưa lộp độp nhịp nhàng nghe như tiếng nhịp quân hành của các anh khi diễn hành trên đường phố. Và cũng là nhịp tim của em khi nghĩ đến các anh! Gió cũng từng cơn thổi về, lúc rít lên như tiếng đạn bay, lúc vi vu xuyên qua kẽ lá xào xạc như lời thì thầm của đôi cặp tình nhân. Họ cần xiết chặt nhau, tỏa hơi ấm để xua tan cái giá lạnh làm buốt thâú thịt da....Có nếm trải thời tiết như thế, em mới hình dung ra nỗi nhọc nhằn mà các anh đang gánh chịu. Em biết, giữa núi rừng hoang vu, trong chiếc poncho các anh cuộn mình như sâu đo rục rịch nhúc nhích để trườn mình len qua những đồi sim, những sườn núi khi đụng độ. Các anh nằm gai nếm mật, chịu bao điều khổ sở vất vả để chiến đấu đem sự an lành, tự do cho đất nước, cho chúng em an ổn học hành. Em biết nói sao để cảm kích tấm lòng dũng cảm của các anh...!

  Anh ạ, em rất mong có dịp anh về, để em cùng chúng bạn, các cô nữ sinh trong trắng có dịp đón mừng các anh, choàng lên cổ các anh vòng hoa chiến thắng. Những vòng hoa do chính chúng em kết.

  Em, Quỳnh Lộc, chào anh. Chúc anh mạnh giỏi. Hẹn anh ngày khải hoàn”.

 

  Kèm với những bức thư, các cô nữ sinh còn phải thêu khăn tay, tùy ý mẫu tự chọn, sao cho có ý nghĩa để gởi tặng các anh. Có cô thêu mái nhà tranh với mẹ già tỏ ý mẹ trông đợi con về; có cô thêu cành hoa mai, đóa hồng, bông cúc; một con chim bồ câu hay cả đàn chim sẻ tung bay giữa bầu trời quang đãng...Riêng chị Quỳnh Lộc, khác hẳn, chị tẩn mẩn thêu hình một anh lính chiến bên cạnh một nàng nữ sinh áo trắng tựa đầu lên vai anh. Bức hình thật gợi cảm tỏ bày tâm tình của nàng muốn trao thân gởi phận cho chàng. Chàng phải có bổn phận bảo vệ người yêu yếu đuối.

  Viết xong và thêu xong, chị đem sang nhà tôi khoe và giải thích như vậy. Còn tôi thì lúc đó “văn một cục, lời một hòn” chả biết văn chương là gì, bắt viết thì tôi viết cho lấy lệ để nộp bài, coi như trả món nợ đèn sách, chứ không biết gởi gắm tâm tình vào bức thư hay khăn thêu gì ráo.

 Anh à, anh chiến đấu cho lẹ lẹ rồi về, anh nhá. Vợ con anh đang chờ. Mẹ già anh đang đợi. Bố anh thì đang trông. Còn lũ em anh thì đang ngóng (ngóng quà hay bánh, kẹo của người anh phương xa)...Chiến tranh gì mà lâu quá. Đánh nhau làm gì để lỗ đầu chảy máu vậy không biết, còn chết chóc nữa, dại thiệt đó, anh hén? Anh nhớ về sơm sớm nghen anh. Em tuy không là bà con họ hàng gì với anh, chỉ là một cô nữ sinh ngây thơ vô...(số) tội, còn cắp sách đi học, nhưng vì có lịnh của nhà trường viết thư thăm lính, nên cũng viết cho anh vài chữ, anh đọc cho đỡ buồn. Chúc anh mạnh giỏi. Thôi chào anh nghen”.

   Đại loại tôi viết như vậy, rồi đưa cho chị Quỳnh Lộc đọc và sửa cho tôi. Chị ném bức thư của tôi vào sọt rác, trề môi chê tới chê lui sao mà khô khan như cơm cháy! Viết như vậy bố ai mà sửa nổi, vứt đi thôi rồi viết cái khác.Thế là vừa nói chị vừa vò viên bức thư, vứt, không cần hỏi ý kiến...tác giả! Độc tài thiệt! Dân chủ ở đâu vậy trời?! Rồi lẹ làng, chị ngoáy dùm tôi một bức thư khác thật dài làm như văn chương chị đang sẵn một bụng. Mà đúng một bụng thật, cho nên, chỉ một lúc chị đã thổ lộ hết tâm tư của chị vào bức thư, tuôn ra lai láng như giòng suối chảy không bao giờ cạn:

“Em viết thư thăm anh, những anh lính chiến oai hùng, khi đang ngồi trong lớp học và ngoài kia trời đang đổ nắng. Những cơn nắng như thiêu như đốt làm…cháy trái tim em khi nghĩ đến các anh. Và giòng máu đang chảy trong cơ thể em cũng đang sôi lăn tăn, nồng nàn như tình em dành cho anh!

  Anh ạ, không thể tả nổi niềm hân hoan sung sướng của chúng em như thế nào khi được phép viết thư cho anh, cho... đàn ông, con trai, đó là điều bao lâu, người con gái yểu điệu yêu kiều thục nữ đàng hoàng như em bị cấm kỵ. Vâng, lần này, em được cho phép, thông tư nhà trường công khai cho phép, anh ạ. Thế là em có cơ hội ngàn năm một thuở để thỏ thẻ bao lời mà bao lâu nay em luôn nghĩ đến mà không dám nói ra, hay viết ra. Rằng, em, con bé nhóc tì tóc vấn đuôi gà mà có bản nhạc nào đó thường hát, này cô bé có cái đuôi gà, ồ không, này cô bé Bắc kỳ nho nhỏ xinh xinh...để thưa với anh rằng, từ lâu em rất quí mến các anh, ngưỡng mộ các anh, những người trai xứ Việt dũng cảm lăn xả vào đạn bom để bảo vệ miền Nam tự do cho chúng em an ổn học hành và được sống....”

 

  Ngoáy xong, chị đưa cho tôi đọc. Tôi thắc mắc: “Chị ơi, cùng một ngày em và chị viết thư. Nhưng sao thư của chị tả trời đang mưa, còn thư em tả trời nắng?”. Chị đáp: “Có sao đâu. Hết mưa rồi thì nắng. Sau cơn mưa trời lại nắng cơ mà!”. Chị giải thích hay thiệt, có lý thiệt. Tôi câm miệng hết cãi! Mà chị có cho cãi đâu nà. Đã bảo chị độc tài mà! Rồi nghe lời chị, tôi xếp bức thư cẩn thận bỏ vào phong bì kèm với chiếc khăn thêu, thêu...ổ bánh mì! Ổ bánh còn ló miếng thịt xa xíu với cọng ngò rí, bên cạnh ly nước cam, ý chừng hậu phương “tiếp tế” lương thực để các anh no bụng chiến đấu. Có thực mới vực được đạo mà lị! Phải thực tế như vậy chớ!

 

  Chị Quỳnh Lộc giỏi lắm! Tôi coi chị như thần tượng. Chị đã giỏi mà còn đẹp nữa cơ. Nước da chị trắng ngần, mịn màng như trứng gà bóc. Thân thể chị tròn trịa. Tròn thật là xinh. “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” trông ngon lành hấp dẫn như chiếc bánh trôi trong thơ của bà Hồ Xuân Hương. Chị khéo léo biết ăn diện, biết làm dáng dùng những đồ phụ tùng để làm tăng những nét hấp dẫn làm nổi thân hình trời ban cho chị. Mắt chị đen ướt nhẹp, ẩn dưới hàng mi cong cong, long lanh như luôn có sao trời nằm bên trong; cứ lấp lánh, lấp lánh...nhất là khi chị thấy...lính!

 

  Những bức thư trong chương trình “em hậu phương, anh tiền tuyến” và những chiếc khăn tay gởi đi, sau một thời gian đã phản hồi. Chị Quỳnh Lộc nhận được hồi đáp. Chị cầm thư qua khoe ngay với chị em tôi. Bức thư của một anh lính bộ binh. Nét mặt chị rạng rỡ như thiếu nữ mới được người yêu tỏ tình. Chị cầm bức thư áp vào lòng mà như chị đang ôm cả rừng trời bao la. Mắt chị say sưa dõi hồn về một nơi xa xăm chỉ có chị mới biết được.

  Chà, một anh lính bộ binh! Đẹp làm sao trong bộ quần áo màu lá cây rừng xanh thăm thẳm. Chiếc nón sắt đội đầu. Lưng anh đeo ba lô. Khẩu súng trường lăm lăm trong tay. Quanh bụng anh gài đầy lựu đạn. Anh hiên ngang tiến vào rừng sâu, oai hùng như con cọp dữ. Anh ngự trị nơi đó như chúa tể sơn lâm. Anh gạt chông gai, vượt đèo, lội suối. Anh không quản ngại khó nhọc để tiến tới đạt mục tiêu, và khi anh chiến thắng quay về, anh sẽ đem cho Quỳnh Lộc này bao hoa sim tím và trái cây rừng. Chà, mê tơi và ngon tuyệt!

  Chị mê man say sưa nói một hơi, làm như anh lính bộ binh đang hiện diện trước mặt, quên hết mọi người xung quanh, trong đó có tôi đang ngẩn ngơ nhìn chị, ngắm chị, cũng say sưa mê man như chị...say lính!

  Tôi thắc mắc hỏi:

- Chị ơi, sao anh lính đó viết thư cho chị mà không trả lời thư em?

- Tại chị cho anh địa chỉ của chị vào thư... mờ!

  Tôi “à” lên một tiếng hiểu ra. Nhưng những lần sau, mỗi lần có chương trình “anh tiền tuyến, em hậu phương” nhà trường yêu cầu viết và thêu khăn tay, tôi vẫn không ghi địa chỉ, lý do đơn giản tôi dốt luận văn, điểm luôn dưới trung bình. Thư qua thư lại tôi chẳng biết viết gì, không lẽ cứ nhờ chị Quỳnh Lộc sửa và viết dùm, thôi, cứ để chị Quỳnh Lộc một mình một cõi múa may quay cuồng, rồi xách qua đọc và kể cho chị em tôi nghe cũng hấp dẫn và khoái tỉ lắm rồi.

 

  Lần khác, chị xách một lá thư khác qua khoe, lần này không thấy chị nhắc đến anh lính bộ binh mà thay vào đó là anh hải quân. Chà, anh hải quân yêu dấu của Quỳnh Lộc ơi, anh, trong bộ đồng phục trắng toát, cái yếm viền xanh da trời nơi cổ và lưng anh để em thấm những giọt nước mắt nhớ nhung dù Quỳnh Lộc em chưa một lần gặp mặt anh. Nhưng em mường tượng về anh đang xông pha nơi biển cả bao la, như con cá kình, cá voi, cá mập vùng vẫy ở biển sâu. Anh oai hùng, anh dũng cảm, anh là tất cả những gì mà Quỳnh Lộc này nghĩ đẹp về anh. Tàu anh hằng ngày hằng đêm lướt sóng, bảo vệ lãnh hải, cho em nơi đây có những ngày soải mình trên bãi biển, hóng gió trong lành, nghe sóng vỗ rì rào hướng vọng về anh ngoài khơi xa xăm để thấy đời thơ mộng đẹp làm sao như biển đẹp vào rạng bình minh khi ánh mặt trời ló dạng chiếu những tia lăng tinh lấp lánh trên mặt biển, biến biển thành chiếc thảm kim tuyến đẹp vô ngần và cả lúc hoàng hôn bảng lảng, nơi chân trời, những con chim hải âu đang chắp cánh bay về tổ...

- Ủa, vậy còn anh lính bộ binh của chị đâu rồi? Tôi xen vô ngắt ngang giòng tư tưởng của chị.

  Chị thản nhiên trả lời:

- Anh vẫn nằm một ngăn trong trái tim chị, chị không lãng quên, hay bỏ ai cả, chỉ...thêm vào thôi!

  Tôi cười, nói.

- Chị lãng mạn thật đó!

  Chị Quỳnh Lộc nhún vai:

- Lãng mạn là biểu tượng của trái tim ướt át, nhạy cảm. Sống trọn vẹn với tâm hồn biết yêu thương. Đâu có gì tội lỗi!

  Chị Quỳnh Lộc vậy đó. Chị...cãi hay vậy đó. Cá tính đặc biệt của chị thu hút rất nhiều người, trong đó có tôi. Chị rất lãng mạn, nhưng ở chị, tôi tìm thấy một điều gì đó rất dễ thương. Tâm hồn chị phóng khoáng tự do, trí tưởng tượng lại bay bổng xa xôi không bó buộc trong lễ giáo tập quán nào, khuôn khổ nào, không theo qui tắc thông thường như những thiếu nữ khác. Có nhiều lần tôi thắc mắc hỏi chị, chị ơi, những cây si trồng trước nhà chị, những chàng trai quị lụy chị, bám sát chị, sao chị lại thờ ơ, mà cứ mơ mộng về những anh lính xa xôi trong tưởng tượng. Chị trả lời ngon ơ, trái tim của chị nó bảo thế, có vậy mới là Quỳnh Lộc!

 

  Thật vậy, chị không nặng về tình ái tầm thường, không luông tuồng bừa bãi trong tình yêu mà luôn trân trọng những cuộc tình cao thượng, lãng mạn và tình cảm chân thành. Ở gần chị, gặp chị mỗi ngày, và luôn quấn bên chị để được nghe chị nói mỗi lần chị qua nhà chơi, thế mà tôi...chưa ảnh hưởng chị chút nào. Tâm hồn tôi khô đét, chỉ thực tế nhìn đời như một với một là hai. Không suy nghĩ xa xôi. Không tưởng tượng những điều xa vời. Chỉ biết nhìn hoàn cảnh trước mắt và sống thế nào cho phù hợp một cách lương thiện thôi. Có nhiều lần chính chị, bằng giọng...chị hai, kẻ cả, chị chê trách tôi, con gái con ghiếc gì mà khô như cơm cháy! Tôi cũng không vừa, trả đũa, cơm cháy đôi khi ăn cũng bùi lắm chị, nhất là khi bụng đói!

  Lần khác, chị lại qua nhà tôi, mang theo lá thư của anh lính không quân. Cũng vẫn cử chỉ cố hữu, chị áp lá thư trước ngực, mắt mơ màng...tưởng tượng về một chàng lính chiến đang hiện diện trong thư. Không quân ư?! Anh đang bay giữa bầu trời bao la. Trong công vụ chiến đấu bảo vệ tự do cho đất nước, anh chiếu đôi mắt quan sát bên dưới, có thấy Quỳnh Lộc này đang dõi mắt nhìn lên không? Anh ơi, con chim sắt đang tung hoành giữa bầu trời bao la, xanh ngát. Anh biến hiện trong làn mây trắng, lúc mây xám và cả mây đen khi trời u ám vần vũ. Em ngóng lên, thấy anh cao sang quá. Em ngưỡng vọng anh. Anh không chỉ đẹp đẽ oai hùng trong bộ quần áo bay đầy túi mà anh còn oai hùng khi ngự trị cả vùng trời mênh mông. Anh tung hoành làm mưa làm gió nhã những trái đạn xuống mục tiêu, em thấy anh như con rồng lửa uy hiếp chiến trường.

  Chị thao thao một hơi, tôi hay cười với cái nhìn ngưỡng mộ chị, khi thấy chị vừa nói vừa diễn tả cả tay, khuôn mặt, và nét mặt theo từng lời nói rất chân thành. Lúc thì chị nhìn xuống đất, quạt đôi tay diễn tả anh không quân như đang nhìn thấy chị; khi chị ngước mặt lên, làm như anh không quân đang bay trước mắt chị. Những lúc như vậy, tôi thấy chị như một kịch sĩ đại tài. Chị diễn xuất hồn, phát xuất từ trái tim nóng bỏng của chị.

 

  Một ngày kia, tôi thấy anh không quân tìm đến thăm chị. Lẽ đương nhiên, chị đưa anh qua giới thiệu với chị em tôi. Trông anh oai hùng lịch lãm trong bộ đồ bay. Anh cao ráo đẹp trai, nụ cười có duyên để lộ hàm răng trắng và đều. Ánh mắt anh thì khỏi nói, đa tình và có cái nhìn sâu thăm thẳm không thua gì ánh mắt chị Quỳnh Lộc. Ở bên anh, chị rạng rỡ lạ thường. Chị vốn xinh, càng xinh hơn. Rồi hai người cùng đi bát phố. Chị trong chiếc áo dài trắng nữ sinh do anh yêu cầu, bên anh trong bộ đồ bay. Một nam oai hùng, rắn rỏi; một nữ yểu điệu, duyên dáng, ngây thơ. Đẹp tuyệt! Bóng dáng hai người trên phố kéo theo bao cái nhìn hâm mộ của người bên đường. Đó là hình ảnh rất lãng mạn không những từng in đậm trong trí mọi người, nhất là các cô nữ sinh mà cả trên văn thơ sách báo. Họ ca ngợi, họ tán tụng xiết bao cho xuể!

  Nhưng rồi điều gì đến đã đến. Chiến cuộc đã đến hồi kết thúc theo vận nước đổi thay. Miền Nam thất thủ thua cuộc trong tức tưởi bởi sự phản bội của đồng minh. Nhưng trong lòng của chị Quỳnh Lộc và bao người, hình ảnh các anh lính chiến Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ phai mờ trong lòng họ!

     Trái tim của chị Quỳnh Lộc cũng bắt đầu khép lại đúng vào ngày 30.04.1975!

 Trần Thị Nhật Hưng

                           ***

Trần Thị Nhật Hưng

30.04.1975 ai giải phóng ai?


Trần Thị Nhật Hưng


  
Sau 1975, ai cũng biết, đa số người miền Bắc ồ ạt vào Nam hơn là dân miền Nam ra Bắc, ngoại trừ những nhân vật đặc biệt với công tác đặc biệt có giấy phép, còn hầu hết bị cấm, nhất là đối với thành phần “ngụy quân, ngụy quyền„ như tôi.

 

   Cho đến khoảng năm 1979 – 1980 lịnh cấm ra Bắc vẫn còn hữu hiệu, rất khó khăn, nhưng tôi, do một nhân duyên đặc biệt, bà con phía chồng cũng như nhà mình đều ở ngoài Bắc; tôi có người anh họ bên chồng sau 75 vào Sài Gòn làm cơ quan nhà nước, anh lại là trưởng đoàn trong chuyến công tác ra Bắc năm đó, tôi xin quá giang xe anh (xe tải) ra Bắc thăm chồng cải tạo.

   Cũng….mánh mung thôi, anh làm cho tôi một giấy công nhân gõ rỉ của nhà máy theo đoàn công tác ra Bắc, còn tôi…mánh khoé giả ngây thơ…cụ, làm thêm giấy vớ vẩn mục đích vin vào đó để vào trại thăm nuôi chồng tại Nghệ Tĩnh.

   Để có bạn, tôi rủ thêm chị Nga, con dâu nhà văn Hoàng Đạo (Tự Lực Văn Đoàn), cùng đi. Chị có chồng cải tạo Hà Nam Ninh, và cũng mang giấy giả mạo như tôi do người nhà tôi giúp chị.

   Chuyến xe dong duổi cả tháng trời ngoài đường như du mục từ Sài Gòn ra tới Hà Nội…. gặp đâu tắp đó. Tôi và chị trải một cuộc sống…bụi đường lẫn…bụi đời, ngủ trên những tấm ván kê trên những thùng phuy, hay lủng lẳng đu đưa trên những chiếc võng máng trên móc các thành xe.

   Dọc đường, để tiết kiệm chi phí, và cũng để tỏ lòng cám ơn cho quá giang xe, tôi và chị tình nguyện bỏ công cùng mọi người góp của, làm…chị nuôi nấu ăn cho đoàn (7 người). Tôi làm sẵn một xô dưa cải muối mang theo, thỉnh thoảng, ngoài những lúc bất đắc dĩ vào quán ăn, xe tắp vào một thị trấn, ghé chợ mua tí thịt, cà chua, củi lửa…rồi tìm một sân, vườn nhà dân xin bắt bếp nấu ăn. Bếp chỉ là ba viên gạch hoặc kiềng sắt ba chân, thế là chúng tôi có bữa cơm ngon: Một nồi canh dưa cải chua  vàng vàng lẫn màu đỏ của cà chua, tí xanh xanh của hành ngò ăn kèm với rau sống được đánh giá vô cùng sang trọng trong thời buổi gạo châu củi quế. Nói tóm lại, chúng tôi phải thích nghi mọi hoàn cảnh, tới đâu hay đó, tùy cơ ứng biến.

    Ra tới địa danh miền Bắc, sau khi cả tôi và chị hoàn thành xong công việc thăm nuôi chồng, cả hai tự túc đi xe lửa ra Hà Nội hẹn với đoàn tại nhà một giáo sư đại học, bà con  chị Nga. Hai chúng tôi tạm thời ở đó. Trong khi chờ đoàn xe công tác Hải Phòng, Bắc Ninh xong trở lại đón, chúng tôi lại có công tác mới do đoàn giao phó.

   Số là khi ra Bắc, để kiếm tí lời trang trải ăn tiêu cũng như mưu sinh, anh em trong đoàn có mua dừa xanh giấu ở lòng xe tải, một số khá lớn rổ rá bằng nhựa mua từ miền Nam đem ra Bắc bán. Toàn là những tay nghề bất đắc dĩ không biết làm ăn, không rành thương mại, dừa xanh không hiểu sao ra tới Bắc đã hư gần hết phải đổ đi. Rổ rá đã kềnh càng, bán chả được bao nhiêu lời, số vốn thu được, anh em nhờ tôi và chị Nga ra chợ Đông Xuân mua sẵn khoai tây từng khối lượng lớn để khi về mang vào Nam bán. Nhờ, thì hai chị em chúng tôi thực hiện. Nhưng rồi khoai tây về đến nơi, lại thúi gần hết, lại đổ!

 

Chỉ có ở Miền Bắc

 

   Suốt thời gian ở Hà Nội, trong nhà bà con chị Nga, tôi có dịp chứng kiến cuộc sống dân miền Bắc dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.

   Vợ chồng anh chị Vĩnh, người mà chúng tôi xin tá túc, được đánh giá là thành phần trí thức của Hà Nội. Anh là giáo sư đại học, chị là giáo viên tiểu học. Anh chị được cấp một căn phòng ở tầng trệt trong căn nhà tập thể có 2 tầng. Căn nhà không lớn lắm, cũ mèm, dành cho bốn hộ. Tầng trên hai hộ, tầng dưới hai hộ.

   Căn phòng anh chị chỉ kê được một chiếc sofa nhỏ, một bàn con, vài chiếc ghế đẩu vừa tiếp khách vừa dùng ăn cơm. Anh chị bắc ván gỗ làm thêm căn gác xép, thấp lè tè làm phòng ngủ. Lên đó chỉ có thể ngồi mà không đứng được. Có khách, anh chị trải chiếu gần chỗ anh chị nằm dành cho tôi và chị Nga. Chúng tôi vô tình trung làm kỳ đà cản mũi mọi sinh hoạt riêng tư của anh chị, nhưng hoàn cảnh “gặp thời thế, thế thời phải thế„ biết làm sao. Dù lòng rất áy náy nhưng chúng tôi vẫn tỉnh bơ như…người Hà Nội, ra tới Hà Nội thì phải “vô tư„ như người Hà Nội chứ, cứ đáp xuống tự nhiên như ruồi theo nhu cầu của cuộc sống.

   Sát vách phòng anh chị là mẹ con bà

Huých, hàng xóm, được ngăn bởi liếp tre. Cứ ở trên căn gác nhìn xuống và qua cái liếp tre là nghe thấy hết mọi sinh hoạt của hai mẹ con bà. Bà không làm gác.

   Một buổi sớm tinh mơ, trời miền Bắc sắp vào Xuân se se lạnh. Nằm cuộn mình trong chiếc chăn ấm, lòng nhẹ thênh thang như bay bổng, tôi lắng nghe tiếng rao hàng lanh lảnh của người Hà Nội bán rong. Tôi cảm nhận được nét sinh hoạt sống thực mà bao lâu tôi chỉ mới đọc qua trong sách vở, trong Tự Lực Văn Đoàn đến bây giờ mới thực sự được thưởng thức: “Ai bánh khúc nào?„. “Ai xôi vò nào?„. “Ai bánh cuốn nào?„…“Ai…, tiếng rao ngọt ngào tha thiết, trầm bổng mời gọi như hót dễ thương làm sao. Chỉ nghe đã thấy ruột gan lăn tăn réo gọi, thôi thúc…

   Giữa lúc, tôi và chị Nga còn nằm nướng, xeo xéo ở góc gác, vợ chồng anh chị Vĩnh đang ngủ vùi, tôi không rõ anh chị đã thức hay chưa, tôi vẫn thả hồn lắng nghe tiếng rao quà lúc gần, lúc xa văng vẳng đưa lại như nghe một điệu nhạc nhẹ nhàng, êm ái; bất chợt giọng bà Huých cất lên, cao vút phá tan giây phút êm đềm của buổi sáng: “Tiên sư bố nhà chúng nó. Cứ dòm…dòm… dòm…! Nhà bà chỉ có mỗi thằng bé, lâu lâu nó đưa bạn gái về nhà chơi. Chúng có “làm ăn„ gì thì cũng như chúng mày làm, có khác gì nào mà cứ rình mò dòm…dòm…dòm…thế?!„ Tôi giật mình đưa mắt nhìn quanh quất xem bà chửi ai. Vẫn không nghe động tịnh. Chỉ có tiếng của bà vẫn hung dữ cất lên, âm hưởng như những nốt nhạc mạnh phá tan sự yên lặng tĩnh mịch. Vẫn điệp khúc: “Tiên sư bố…„ và “dòm…dòm…dòm...„ bà lặp đi lặp lại nhiều lần dai dẳng; tuy chửi nhưng nhờ chất giọng tốt, âm điệu lên xuống trầm, bổng, có vần có điệu nghe rất ngọt ngào, nếu như người ngoại quốc không hiểu tiếng Việt có thể tưởng ai đó đang hát một bản nhạc kích động, rất lạ tai. Trong bóng tối lờ mờ, tôi chợt mỉm cười. Bỗng nhiên, có tiếng sột soạt chiếu kế bên, chị Vĩnh ngồi dậy, chĩa mặt nhìn xuống nhà hàng xóm: “Này, tôi nói cho mà biết nhá. Mới sáng sớm hãy để cho mọi người ngủ nhá. Nhà chúng tôi không rỗi hơi đi dòm con bà đâu nhá. Bà có câm mồm đi không nào?„. Lời nói của chị Vĩnh như dầu đổ thêm vào lửa, bà Huých nổi xung thiên lửa trong lòng bà ngùn ngụt bốc lên, bà chửi xối xả một hơi dài như không bao giờ dứt: “Tiên sư bố nhà chúng mày. Chúng mày hãy vễnh tai lên, cái tai dài và cao như tai lừa ấy mà nghe bà chửi đây này. Con mắt nhà chúng mày là mắt cú vọ. Cú vọ chỉ một tròng chứ mắt nhà chúng mày đến bốn tròng cơ. Các tròng ấy để mày liếc,  mày xéo, mày xiên, mày soi, mày rọi, mày chiếu vào nhà bà. Mày dòm từ hòn cát, mày liếc tới hòn than, mày rọi từng hòn sỏi, mày chiếu tới hòn gạch và soi tới cả hòn…thằng con bà… Đến lúc này tôi chưng hửng, mới biết từ nãy giờ bà chửi nhà anh chị Vĩnh khi anh chị qua nay không đụng chạm gì tới bà. Tôi chợt thở dài nghĩ tới viễn ảnh về cái “thế giới đại đồng„ được sống trong hòa bình mà nhà nước đang vẽ vời cho tương lai chúng tôi đến bao giờ mới thực hiện nổi khi hai nhà sát vách với nhau, chỉ ngăn bởi liếp tre mà không khống chửi nhau như mổ bò!

 

Nhà xí Xã Hội Chủ Nghĩa.

 

   Trước khi ra Hà Nội, tôi vô cùng háo hức, phần được thăm lang quân sau 3 năm không gặp kể từ khi chàng bị tống ra Bắc, phần nô nức thưởng thức nền văn minh XHCN như thế nào mà mỗi tối, sau giờ cơm, tôi cùng lối xóm lũ lượt “được“ nhà nước thúc hối mời đi học nếp sống văn minh mới của Xã Hội Chủ Nghĩa.

   Nhưng tới nơi, tôi chưng hửng khi chứng kiến cái nhà xí tập thể của thủ đô tại nhà anh chị Vĩnh.

   Nhà xí nhỏ như một cái chòi canh bằng gạch nằm một bên sát tường sân sau, cao tầm một chiếc bàn có hai ba tam cấp để bước lên. Một khoanh cửa nhỏ thấp lè tè phủ một tấm vải thô làm cửa vào nhà xí. Khi bước vào phải cúi gập người xuống. Mỗi khi tấm màn được vén lên để bước vào thì ruồi xanh, ruồi đen con nào con nấy to bằng móng tay cái bay tung lên tìm cách thoát ra ngoài. Bên trong, là một ụ tro lớn trải rộng chừa một cái lỗ vừa đủ để thả…bom! Hai bên có hai viên gạch để người hành sự đặt chân. Những con giòi mập ú, trắng hếu bò quanh miệng lỗ. Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Tôi dội ngược lại, quay lưng. Nhưng rồi, không còn cách nào khác phải miễn cưỡng bước vào. Không có mục nước dành cho dội cầu. Mà nhà xí như vậy cũng không cần phải dội. Lại nữa, nước cũng không đủ cho bốn hộ tập thể sống với nhau. Phải tiết kiệm tối đa. Một cái vòi nước khiêm nhường đặt trước buồng tắm giữa lối đi song song với nhà xí, nhỏ xuống một cách yếu ớt xuống bốn cái thùng của bốn hộ xếp hàng chờ sẵn, cứ đầy thùng này thì đẩy sang thùng khác. Ai muốn tắm phải lo hứng nước trước.


   Trở lại cái nhà xí. Bên dưới cái lỗ, có một thùng lớn hứng phân nằm trong hầm cầu có một cửa nhỏ để mở đón thùng phân. Khi thùng phân đầy sẽ có ban vệ sinh đến lấy đem làm phân bón. Phố Hà Nội thỉnh thoảng vẫn gặp những chiếc xe chở phân vung vãi phân dọc đường. Phân là một trong những sản phẩm quí giá nộp cho hợp tác xã tăng thêm điểm để nhận thóc, do vậy, khi một con bò hay trâu phóng uế, người có duyên gặp thì hốt ngay bằng tay, chứ chạy về nhà tìm cuốc xẻng, chạy ra là mất.

   Một ngày, tôi thưa cùng chủ nhà và chị Nga, tìm thăm người cô ruột, em út của ba, mà tôi chưa hề biết mặt. Cô tôi ở phố Khâm Thiên Hà Nội.

   Cùng huyết thống nên dù lần đầu mới gặp, hai cô cháu cảm thấy gần gũi thân thiết nhau, nhất là cả nhà vẫn luôn nói, tôi có khuôn mặt giống cô út.

   Chồng cô là cán bộ từng du học ở Liên Xô. Cả hai được cấp một căn nhà riêng diện tích độ 30 mét vuông nằm trong khu tập thể, tên gọi “Khu tập thể đường sắt Khâm Thiên Hà Nội„. Nhà cô tôi, không chung chạ một nhà như nhà anh chị Vĩnh, nhưng giếng nước nhà vệ sinh thì phải chung với nhiều nhà trong khu.

   Dãy nhà xí gồm 4 căn cho khu tập thể nằm chính giữa một khu đất rộng, gần đó có một giếng nước chung, cách nhà cô tôi khoảng 50 mét.Từ sáng sớm tôi đã nghe tiếng lào xào của mọi người rộn ràng quanh giếng, kẻ múc nước gánh về nhà, người giặt giũ, tắm rửa… ì xèo cả lên.

   Tôi bước về hướng nhà vệ sinh. Cũng như tại nhà anh chị Vĩnh, tôi dội ngược, quay lưng. Trước mắt tôi, trên hành lang nhỏ dẫn vào nhà xí, phân rải đầy trên lối đi. Mùi nồng nặc khai thối bốc lên. Tôi bỏ về nhà cô tôi. Nhưng rồi chẳng đặng đừng, tôi vẫn phải quay trở lại, rón rén bước vô. Nhà xí lần này văn minh hơn, đúc bằng xi măng, ngồi xổm, thông thường như những nhà xí ta thường thấy.Tôi mở cửa liếc mắt nhìn qua cả bốn nhà xí để lựa chọn.  Không cái nào khá hơn. Tôi bịt mũi, nhắm mắt lại. Chao ôi, không thể tả nổi, thế giới đại đồng là đây sao? Lối sống tập thể đồng nhất là đây sao? Đúng là cha chung không ai khóc, có giếng nước gần đó, nhưng không ai…khóc cho, nên…sự thể như vậy đó.

Nhà cô tôi diện tích không lớn, nhưng để thực thi chính sách “lao động là vinh quang„ và để thêm thu nhập, cô còn nuôi heo. Hai con heo trong chuồng gần sát giường tôi và cô nằm (khi tôi tới, chồng cô…di cư nơi khác, sáng mới về, nhường giường cho tôi và cô để hai cô cháu tha hồ tâm sự. Cũng như anh chị Vĩnh cũng gởi đứa con duy nhất của anh chị về nhà ông bà nội, ngoại).

   Con heo thì ụt ịt tối ngày. Được điểm cô tôi tắm rửa heo và chuồng sạch sẽ nên không nghe mùi hôi lắm. Và tiếng ụt ịt của heo lại là “tiếng hát ru„ ru tôi vào giấc ngủ…hãi hùng khi nghĩ về  cái “thế  giới đại đồng„ mà tôi cũng như người miền Nam sắp sửa đón nhận!

 

Phố xá Hà Nội

 

   Niềm háo hức nữa khi ra Hà Nội để được ngắm “36 phố phường„ của Thạch Lam với những quán ăn Hà Nội từng được mệnh danh “đệ nhất Bắc Hà„ mà Thạch Lam còn khẳng định... xém là đệ nhất Đông Dương; và những cô gái Hà thành thanh lịch trong tưởng tượng qua sách vở. Nhưng trước mắt tôi, quán ăn đâu không thấy, chỉ toàn là những căn nhà nhỏ hẹp, tối tăm dường như đã nhiều năm không sơn phết. Vài tiệm bán tạp hoá lèo tèo vài thứ gia dụng. Nếu qui bởi chiến tranh, không hẳn, mà bởi chính sách khắc nghiệt kìm hãm sức sống và bước tiến của con người đã để lại lối sống u buồn hẩm hiu như thế. Những người đẹp Hà thành cũng chẳng thấy đâu. Không có cảnh “dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước áo quần như nêm„. Trên đường toàn xe đạp, lâu lâu mới thấy bóng dáng vài chiếc honda mang từ Nam ra Bắc lướt qua. Họ đâu rồi? Sao vắng bóng? Không phải họ không đẹp, vì với thời tiết mát lạnh của xứ Bắc, các cô, các bà đều có làn da tươi hồng mịn màng tự nhiên, dù không chau chuốt không son phấn, chỉ tiếc là, như thành ngữ Việt Nam có câu “Người đẹp vì lụa. Lúa tốt vì phân„. Còn họ, hàng loạt với những chiếc áo cộc (tập thể mà!) màu trắng hay xanh lơ, cổ bẻ với chiếc quần vải đen, tóc hầu hết thắt bín, không một ai mặc áo dài (áo dài như trong Nam, với hai tà áo dư thừa bị kết  án là phí phạm là tư sản) thì làm sao bắt mắt được. Đã thế sự dinh dưỡng không đầy đủ, còn phải “lao động để có vinh quang„ nên chiều cao đa số rất khiêm nhường.

   Một ngày, có dịp cả đoàn đi dạo phố, gặp một người ngoại quốc, anh họ tôi nhắc nhở: “Đừng đến gần họ, sẽ bị qui là CIA, công an đến còng tay„. Anh còn nói thêm: “Ra đây, muốn yên thân, nên câm mồm là thượng sách„.“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! „Tôi nói thầm vậy, vì trong Nam sau 75,  tôi đã được gia đình căn dặn: “Có tai như điếc, có mắt như mù, có miệng như câm.

   Trên đường trở về Nam, chị Nga thủ thỉ với tôi: “Thiên đường Cộng Sản là vậy sao? Đời sống như thế mà “giải phóng„ miền Nam trù phú  nghe sao nghịch lý quá! Đúng là một cuộc chiến chén kiểu đụng chén sành! Thà ở trong Nam như mình bị “Mỹ Ngụy kềm kẹp” vẫn sướng hơn!

   Ngày nay, sau 40 năm, thực tế trước mắt đã chứng minh, với nếp sống đổi mới y chang như tư bản, như miền Nam là câu trả lời hùng hồn nhất: 30.04.75 không thể dùng danh xưng là ngày giải phóng miền Nam - vì rõ ràng bây giờ ai ai cũng thích vào Nam, cũng chạy theo Mỹ, hãnh diện khi đưa con và gia đình qua Mỹ hay các nước tư bản. Nói nom na là thích “Mỹ Ngụy kềm kẹp„ hơn là bị cộng sản kìm hãm - thì 30.04.75 mới chính là đã giải phóng…miền Bắc ra khỏi cuộc sống tối tăm hay rõ hơn  cả dân tộc ra khỏi ách nô lệ kềm kẹp của chủ nghĩa cộng sản. Có trải nghiệm được cuộc sống của hai miền nhất là chứng kiến đời sống ở miền Bắc như tôi vừa kể mới “sáng mắt sáng lòng„ để nhận ra điều đó.

 

   Cuối cùng, một câu hỏi đặt ra, chủ thuyết ngoại lai cộng sản đem về áp đặt cho VN tạo cuộc nội chiến dai dẵng “nồi da, xáo thịt„ anh em tương tàn với biết bao đau thương đoạn trường được kết thúc với ngày 30.04.75 hy sinh hằng triệu người của hai miền Nam - Bắc có cần thiết không cho nhân dân Việt Nam?

   Riêng tôi, nếu tôi ví, miền Bắc là bố, miền Nam là mẹ, nhân dân hai miền là con. Khi cha mẹ bất đồng ý kiến chửi nhau, đánh nhau, chém giết nhau, tranh nhau từng đứa con cho mình. Ai khổ? Chúng con (nhân dân) khổ, thưa các bố, các mẹ ạ!!! Xin hãy thương chúng con!!! Xin hãy nghĩ đến và chăm lo mái ấm gia đình của chúng ta (dân tộc), đừng nghe lời xúi dại của người ngoài rồi “cõng rắn cắn gà nhà„ tội nghiệp chúng con lắm huhuhuhuhu….!

Xin chào các bạn. Chúc các bạn một ngày vui.

 Trần thị Nhật Hưng


Tags: TÁC GIẢ
Tags: VĂN

Đăng nhận xét

Tin liên quan