NGUYỄN NGỌC HOA BỎ THÌ THƯƠNG, VƯƠNG THÌ TỘI

 *NGUYỄN NGỌC HOA: * BỎ THÌ THƯƠNG, VƯƠNG THÌ TỘI

                                            * VỀ TẮM AO TA

Bỏ Thì Thương, Vương Thì Tội

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Tôi là người hiếu học nên yêu thích việc làm ở Công ty Tiện ích Montana-Dakota ở chỗ công ty thật quan tâm đến việc đào luyện nhân viên.  Ngoài những lớp huấn luyện khi công ty mua dụng cụ mới, áp dụng kỹ thuật mới, hay tuân theo luật lệ mới, hàng năm bọn kỹ sư chúng tôi được gửi đi học một khóa tu nghiệp ngắn, từ vài ngày đến một tuần, để trau giồi kiến thức nghề nghiệp.  Trong các khóa học đó, tài liệu được in ra và phân phát trước, và mỗi ngày từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, cả giảng viên lẫn học viên đều chạy mệt nghỉ.  Giảng viên trưng ra càng nhiều dữ kiện và điều cần biết càng tốt, và học viên rán thu nhận nhớ được bao nhiêu thì nhớ, còn lại về nhà nghiền ngẫm sau.

Tháng Tư năm nay (1980), tôi tham dự khóa học “phân tích kinh tế và nhận biết phí tổn cho các dự án điện lực” tổ chức tại khách Hyatt Regency ở Sacramento, thủ phủ tiểu bang California.  Trưa thứ Sáu khóa học kết thúc, tôi không vội ra phi trường như mọi người vì sẽ ở lại thêm một đêm, sáng thứ Bảy mới bay về.  Tôi lái xe (thuê) đến phố Cổ Sacramento ăn trưa và dạo quanh xem cảnh trí rồi tìm phòng điện thoại công cộng gọi người bạn cũ trước ở Bismarck là anh Dần; anh dọn nhà về đây hai năm nay.

Bốn năm trước, một đêm tháng Tư năm 1976, tôi gặp anh Dần khi cảnh sát được báo tin vợ chồng anh ẩu đả trong nhà và gọi tôi đi thông dịch.  Cả anh và chị Sả vợ anh đều khai họ cãi vã lớn tiếng chứ không hề xô xát với nhau.  Để tránh rắc rối thêm với cảnh sát, anh tự nguyện ra khỏi nhà tới apartment của tôi ngủ trên xô-pha phòng khách.  Tôi làm bạn với anh từ đó...

Sinh ra lớn lên và lập gia đình tại làng đánh cá Phú Tân gần cửa biển Thuận An cách Huế chừng 15 cây số, anh Dần đi lính Hải quân làm đến thượng sĩ thường vụ đại đội, chức vụ thường được gọi là “thượng sĩ già.”  Tháng Ba năm 1975, khi thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên thất thủ, anh liều mình về nhà đón vợ con đi di tản, nhưng vợ anh đi vắng và anh chỉ có thì giờ đem ba đứa con nhỏ đi.  Anh gặp lại chị Sả là bồ cũ dan díu một thời trong đời lính Hải quân hải hồ rày đây mai đó; chị có cậu con trai 15 tuổi.  Hai người xáp lại và trong trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở tiểu bang Arkansas, khai là vợ chồng và đi định cư thành một gia đình.

Ở Bismarck, anh Dần làm việc cho Winger’s Cabinets là xưởng chế tạo và thiết trí các loại tủ gắn vào tường.  Ông chủ Winger người Mỹ gốc Đức mê làm việc và ưa chuộng thợ người Việt vì họ khéo tay, ít kèo nài quyền lợi, và nhất là làm việc xả láng, bất kể giờ giấc.  Người thợ trụ cột của Winger’s là Điều em chú bác của anh Dần.  Điều giỏi nghề mộc và chịu khó nên được ông Winger trọng dụng và kiếm được nhiều tiền, nhưng “độc thân tại chỗ” vì vợ và hai đứa con còn ở bên Việt nam.

Anh Dần khéo tay, tháo vát, và chuyên làm đầu nêu bày trò vui chơi cuối tuần cho tôi và vài người bạn khác.  Chúng tôi đi picnic, cắm trại, câu cá, hay thăm viếng nông trại ngủ lại đêm, ăn uống hát hò, và giết gà heo bò làm thịt.  Anh hiếu khách nên tiệc nhậu nhà anh lúc nào cũng đầy khách nhậu .  Nhưng anh ở Bismarck không tới hai năm rồi không kèn không trống đưa ba đứa con dọn về ngoại ô Sacramento.  Chị Sả và đứa con riêng vừa lên đại học tách riêng đi Houston thuộc tiểu bang Texas.  Đường ai nấy đi.

Tôi đã nghe nói anh Dần “cưới” bà vợ mới trẻ hơn chị Sả, “về hưu non,” và hàng ngày uống rượu hưởng nhàn chờ người mời đi ăn đám cưới, nhưng ngạc nhiên nghe anh gằn giọng xưng danh khi nhấc điện thoại trả lời,

            “Đại tá Dần, tôi nghe.”

            “Kính chào đại tá,” tôi cười to như thể cho rằng anh nói giỡn, “Chuẩn tướng Ba Hoa xuống Sacramento họp tư lệnh vùng đây.  Chiều nay đại tá có thì giờ cho tôi tới thăm không?”

            “Anh tới thì lúc nào tôi cũng rảnh, con Sương nhắc chú Ba Hoa hoài.  Anh phải ở lại nhậu với bọn tôi, ở chơi chiều mát về!” anh cười vui vẻ; bé Sương là con út của anh, năm nay lên chín.

            “Tôi là đứa thấy ăn tìm đến, thấy việc bỏ đi, lẽ nào bỏ qua bữa ăn?” tôi nhớ lại những buổi tiệc nhậu tối thứ Sáu tại nhà anh ở Bismarck.

            “Để tôi kêu vợ chồng thằng Điều qua thăm anh.  Gặp anh, chắc con vợ nó mừng lắm.”

Thấy Điều bước vào nhà anh Dần với người thiếu phụ trạc ba mươi tuổi, người đẫy đà, mặt tròn và hơi thô, và tóc cắt ngắn, tôi giật nẩy người đứng dậy.  Vợ Điều không phải ai xa lạ; đó là Manh, người đàn bà lấy chồng Mỹ đến Bismarck trước tôi khá lâu.  Lần đầu gặp nhau, Manh nhận ra tôi là bạn của cô chủ mà gia đình có một thời mướn Manh làm “con ở.”  Hết giúp việc cho gia đình bạn tôi, Manh ra Vũng Tàu bán ba (bar) cho lính Mỹ và gặp Gary; anh ta mê Manh và nhờ người thông dịch hỏi lấy nàng.  Manh theo chồng về nước khi mang thai con trai đầu lòng.

Gary giải ngũ về North Dakota làm thợ máy cho xưởng sửa xe của ông chú.  Khi Manh có thai lần thứ hai, anh bỗng trở chứng, suốt ngày than khổ vì đã chứng kiến thảm cảnh chiến tranh chết chóc, và không muốn tiếp tục sống.  Anh đâm ra rượu chè bê tha, không đi làm, và bỏ luống con cái nhà cửa khiến Manh thường tức bực chửi mắng.  Một đêm, hai vợ chồng đánh lộn, cảnh sát can thiệp và bắt giam Gary.  Được thả ra, anh bỏ Bismarck ra đi làm người không nhà không cửa đâu đó dưới miền nam.  Đợt người Việt tỵ nạn đến thành phố này là một ân sủng đối với Manh vì trong thời gian qua nàng đơn độc như một hoang đảo, mọi việc sinh sống và nuôi con đều trông nhờ vào bà gia (bà nhạc) vì nàng không biết đọc hay biết viết – tiếng Anh cũng như tiếng Việt.

Trong lúc Điều và “đàn em” anh Dần thi nhau mời rượu “kỉnh đại tá,” tôi nói chuyện với Manh.  Manh tâm sự,

            “Em và anh Điều như có duyên có nợ với nhau, gặp nhau là ráp vô cái rụpTé ra hồi nớ em ở làng Phú Thanh kề bên Phú Tân và đã biết tiếng chị Mén vợ anh Điều.  Chị nhỏ tuổi mà biết mua bán tảo tần, hàng ngày gánh cá lên Huế bán ở chợ Đông Ba.”

            “Cô theo Điều về đây, có hai đứa nhỏ không?”

            “Khi lấy anh Điều, em nghĩ nát nước và đi xuống đây một chắc (một mình).  Em dốt nát, chữ nghĩa mù tịt, đem con theo chỉ làm khổ tụi hắn nên để lại cho mệ (bà) nội nuôi.”

            “Tôi hiểu hoàn cảnh của cô,” tôi gật gù thông cảm.

            “Nhờ anh Điều mà em liên lạc được với ba mạ ở Phú Thanh và lâu lâu gởi tiền về cho; ba mạ mừng lắm.  Anh Điều cũng gởi tiền về cho chị Mén bên Phú Tân cho mẹ con chị bớt khổ.”

* * *

Sau tháng Tư năm 1975, chị Mén một thân một mình phải nuôi hai đứa con, một trai một gái, trong khi không thể tiếp tục làm nghề bán cá vì Việt Cộng cấm ngặt mọi việc buôn bán của tư nhân.  May sao, khi chị sắp đến bước đường cùng thì nhận được tiền Điều bên Mỹ gửi về.  Từ năm 1979, khi làn sóng người liều mình vượt biển bỏ xứ ra đi lên cao, hai đứa con thay nhau viết thư thúc giục cha gửi tiền về để mẹ mua chỗ trên tàu vượt biên.  Điều xin làm giờ phụ trội ban đêm và cuối tuần để kiếm đủ tiền cho vợ con trốn thoát, nhưng rất khổ tâm khi nghĩ tới tương lai.  Một bên là vợ con tình sâu nghĩa nặng, một bên là người yêu đầu gối tay ấp, bên nào cũng bỏ thì thương, vương thì tội.  Thỉnh thoảng Điều nói bóng nói gió, “thân này ví xẻ làm đôi,” nhưng Manh biết rằng mình không thể sống kiểu một ông hai bà đó và hàng đêm úp mặt vào gối khóc thầm.

Mẹ con chị Mén vượt biên thành công đến trại tỵ nạn Pulau Bidong ở Mã Lai Á, và Điều làm giấy bảo lãnh vợ con sang Hoa kỳ.  Thủ tục giấy tờ kéo dài cả năm, và sau cùng Điều nhận được thư cho biết đơn xin định cư của vợ con được chấp thuận.  Một hôm đi làm về, Điều không thấy Manh chờ đón như mọi ngày và trên bàn ăn có tờ giấy viết nguệch ngoạc, “I leave.  Love you.  You happy.”  Điều đoán Manh đã nhờ cô bé Mỹ hàng xóm năm tuổi viết với ý, “Em ra đi vì em yêu anh và để anh hạnh phúc.

Sau tuần lễ ăn mừng gia đình đoàn tụ và kể chuyện nhớ nhung trong thời gian xa cách, chị Mén đòi Điều đưa đến “cơ quan chính phủ” lãnh tiền hàng tháng.  Vì theo tin tức truyền miệng trong trại tỵ nạn, “đến Hoa kỳ, mỗi tháng đàn ông đương nhiên lãnh ba ngàn đô la, đàn bà hai ngàn rưỡi, và trẻ em hai ngàn.”  Điều gạt đi nói không hề có chuyện đó, chị nổi giận buộc tội chồng lén lãnh tiền trợ cấp dâng cho mấy “con ngựa Thượng Tứ.”  Chị đã học thêm được một điều (khá đúng) là “ở Hoa kỳ, đàn bà và trẻ em trên hết,” và chị là chủ gia đình, Điều phải răm rắp tuân theo lệnh chị.  Nhất là làm bao nhiêu tiền phải đem về nộp hết cho chị; chị một lòng tin là nếu giữ chặt hầu bao, Điều sẽ không có tiền đem cho “vợ hầu” (vợ bé).

Ban đầu, Điều cố quên hình ảnh của Manh để hoàn thành bổn phận làm chồng làm cha và đền bù cho vợ con đã sống khốn khổ trong địa ngục Cộng sản mấy năm trời.  Nhưng mọi nỗ lực đều thất bại, mọi thiện chí đều tiêu tan, Điều đau khổ và tuyệt vọng.  Mỗi lần hai vợ chồng cãi vã to tiếng, để tránh phiền nhiễu với cảnh sát và để hai con khỏi đau lòng, Điều bỏ sang nhà anh Dần ngủ đêm.  Một đêm cuối mùa đông năm 1982, Điều lái xe rời Sacramento, không cho ai biết đi đâu, và không trở về nhà.  Chị Mén lồng lộn, quyết dọ hỏi tông tích của Manh để đi đánh ghen và triệu chồng mình về.

* * *

Rời tổ ấm với hai dòng nước mắt, Manh xách chiếc xắc tay đựng hai bộ quần áo và các đồ dùng cá nhân đi xe buýt chừng 100 dặm Anh tới chùa Phổ Giác gần San Francisco.  Manh đã đến đây nói chuyện trước với thầy trụ trì; thầy là kỹ sư tốt nghiệp ở Pháp và sang Hoa kỳ lập ra chùa để tu hành và phục vụ thiện nam tín nữ người Việt cũng như người Mỹ.  Manh cúi đầu thưa thầy,

            “Con đã suy nghĩ kỹ và xin thầy cho con gởi mình trong cửa Phật.  Con dốt chữ nghĩa và không biết kinh kệ, xin thầy cho con giữ việc bếp núc dọn dẹp chùi rửa quét tước trong chùa.”

            “Thầy hiểu hoàn cảnh của con và đồng ý cho con nương mình nơi đây, nhưng phải qua một thời kỳ thử thách sáu tháng xem con có duyên tu hành hay không.  Trong thời gian đó, con vẫn là người thường và muốn trở về trần tục lúc nào cũng được,” thầy hiền từ gật đầu.

            “Con xin đội ơn thầy,” Manh phục xuống lạy thầy.

Sáu tháng sau, Manh được thầy cho thế phát quy y và ban cho pháp danh Như Thanh.  Ni cô chịu khó làm việc, vui tính và hay giúp đỡ khách thập phương viếng chùa, và khi vơi việc được thầy chỉ bảo kinh kệ.  Ni cô hầu như quên hết chuyện đời đã qua.  Cho đến khi chị Mén xuất hiện và xỉa xói vào mặt cô,

            “Mi là con khốn nạn lấy chồng tauMi ở với hắn, ăn lút mặt lút mày, rút tỉa hết tiền bạc hắn để dành cho mẹ con tau, chừ vô chùa trốn chui trốn nhủi như ri.”

            “Nam mô A Di Đà Phật,” Như Thanh giật mình, nhưng lấy lại bình tĩnh và nhắm mắt niệm Phật.

            “Mi đừng giả đò tu với hành.  Không trả chồng lại cho tau, tau xé xác ra, tau lột truồng cho phô ra hình hài dơ dáy của mi,” chị Mén được nước làm tới trong khi ni cô tiếp tục niệm Phật.

Chứng kiến cảnh nhục mạ ni cô Như Thanh của chị Mén, thầy trụ trì can thiệp,

            “Chị kia tới đây tìm ai mà đòi hành hung kẻ tu hành?”

            “Thưa thầy,” chị Mén luống cuống biện bạch, “Cô ni cướp chồng tui, nhờ thầy thương xót mẹ con tui mà biểu hắn trả chồng lại cho tui.”

            “Cô Như Thanh lánh mình nơi cửa thiền không dính dáng chuyện trần đời hơn một năm nay.  Chị thấy chồng chị đâu đây thì cứ việc trói cổ anh ta đem về.  Đừng làm nhơ uế nơi thanh tịnh.”

            “Tui cõng con qua nửa vòng trái đất để gặp chồng thì bị người chồng bạc bẽo phụ rảy bỏ đi,” chị Mén khóc thút thít.

Hỏi trong ba người – chị Mén, ni cô Như Thanh, và Điều – ai đáng thương hay đáng trách hơn cả?  Tôi thì chịu, không thể trả lời.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                              Ngày 9 tháng Hai, 2022

Về Tắm Ao Ta

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Mùa hè năm nay (1980), lần đầu tiên tôi lấy đến hai tuần lễ nghỉ hè như các bạn ở Công ty Tiện ích Montana-Dakota.  Kỳ này, trên đường lái xe đi Texas thăm bạn bè như mấy năm trước, tôi ghé khoảng nửa đường thăm cô em cô cậu là Huệ.  Nhà Huệ ở làng Cahokia thuộc tiểu bang Illinois, nằm trên bờ đông sông Missouri, và thuộc vùng đô thị St. Louis.  Thành phố St. Louis lại thuộc tiểu bang Missouri và nổi tiếng nhờ có Gateway Arch (Tây Tiến Môn) là đài kỷ niệm cuộc bành trướng lãnh thổ Hoa kỳ về phía tây.

Huệ là con o Hoàng và lớn hơn tôi sáu tuổi, Hoàng là tên dượng.  Ông bà nội sinh ra tám, chín người con nhưng chỉ có cha và o sống sót qua thời trứng nước.  O là em mà lấy chồng sớm nên hai người con đều lớn tuổi hơn tôi.  Huệ là con đầu, đi làm sở Mỹ, kết hôn với Bill là quân nhân Mỹ, và đã theo chồng về nước từ năm 1969.  Cả o dượng và gia đình đều ở Việt nam nên gia đình tôi là người thân duy nhất của Huệ ở đây.

Khi tôi vào nhà, Huệ ôm chầm lấy tôi, rơm rớm nước mắt kể kể,

            “Cậu tuần nào cũng gọi điện thoại hỏi thăm tui, còn anh lớn nhất nhà, mai mốt cậu nằm xuống sẽ thay mặt cậu, mà chẳng bao giờ đoái hoài đoái quở tới con em ni.  May là tui năn nỉ ỉ ôi với chị Châu nên anh chị mới ghé nhà tui, chớ không con Lily lớn lên sẽ quên mất cậu Ba Hoa là ai.”  Lily là con gái duy nhất của Huệ và Bill năm nay lên sáu, lớn hơn bé Mạc của tôi hai tuổi.

            “O mi nói chi mà quá đáng rứa?” tôi cười dã lã, vuốt lưng cô em họ, và nói ba lơn, “Năm ngoái tui quên gởi thiệp Giáng sinh cho o mi và ông Bill hả?  Bậy quá, năm nay tui gởi thiệp gấp đôi ?”

            “Khi anh cũng giỡn được!  Hai lần lên Bismarck gặp anh, về nhà ông Bill khen anh không tiếc lời.”

Tôi bước lại bắt tay Bill, người đàn ông trạc ngũ tuần mới đi làm về còn com-lê cà-vạt chỉnh tề.  Trước đây chúng tôi đã gặp nhau, khi ông lái camper (xe làm nhà di động dùng đi du lịch và cắm trại) đi nghỉ hè và ghé qua North Dakota thăm cha mẹ.  Huệ nói Bill là sĩ quan cao cấp giữ chức vụ quan trọng trong nha Quân báo Quân đội Hoa kỳ, nhưng không cho biết gì thêm.  Khi tôi tò mò hỏi tới, Bill cười đáp bằng câu nói người Mỹ hay dùng khi không muốn tiết lộ điều gì,

            “Nếu tôi nói với anh, tôi sẽ phải giết anh.”

Có lần Bill vui miệng giải thích phương cách phối kiểm và phối hợp tin tức tình báo giữa bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) và ba bộ Chỉ huy Chiến đấu hợp nhất hiện nay của bộ Quốc phòng là bộ Chỉ huy Âu châu (EUCOM), bộ Chỉ huy Ấn độ dương - Thái bình dương (INDOPACOM), và bộ Chỉ huy Miền Nam (SOUTHCOM).  Tôi biết mình gặp thứ dữ, không hỏi thêm.

Trong những ngày tôi và Quỳnh Châu thăm viếng, Bill và Huệ đi làm như thường, nhưng gửi Lily đi chơi với Mạc.  Chúng tôi đi thăm các nơi như Gateway Arch, viện Bảo tàng Nghệ thuật St. Louis, vườn Bách thảo Missouri, v.v.  Lily mang vẻ đẹp ngây thơ nửa Âu nửa Á, nói liến thoắng nhưng rất dễ thương, quấn quýt với Mạc, và buổi chiều về dắt tay Mạc đi khoe với bọn trẻ con hàng xóm, “My best cousin” (Anh họ bảnh nhất của tao).  Hai đứa về nhà với một lô đồ chơi bạn Lily tặng.  Sáng ngày thứ tư là ngày cuối cùng chúng tôi ở Cahokia, trước khi đi làm, Huệ dặn,

            “Chiều nay anh chị về sớm để sửa soạn họp mặt với bạn tụi tui.  Được dịp khoe anh chị và cháu, ông Bill khoái lắm.”

Lily níu tay và kề miệng vào tai tôi nói nhỏ,

            “Tối qua, con nghe lóm ba nói với má là sẽ dành cho cậu một ngạc nhiên lớn.  Con nghĩ không ra là ngạc nhiên gì; tối nay cậu biết, cậu nói cho con biết với nhé.”

            “Không cần đâu, Lily,” tôi cười khà khà, “Con cứ bám sát cậu thì biết ngay chứ gì.”

Hầu hết khách dự buổi tiếp tân là các cặp vợ chồng Việt - Mỹ, vợ Việt chồng Mỹ, quen thân với Huệ.  Duy có một thiếu phụ trẻ người Âu dáng người tương đối nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn, mắt xanh biếc, và da trắng nõn đến một mình, Bill giới thiệu là Katya bạn cùng làm việc với ông.  Nàng chào tôi bằng tiếng Việt khá rõ ràng,

            “Chào anh Ba Hoa, rất hân hạnh được biết anh.”

Đằng sau lưng tôi, Lily và Mạc la lên, “Ngạc nhiên!  Ngạc nhiên!” rồi bỏ chạy mất.  Chính tôi cũng ngạc nhiên, nhìn Katya chờ đợi.  Nàng chậm rãi giải thích bằng tiếng Anh,

            “Tôi là người Nga, ‘Katya’ là tên tắt của ‘Ekaterina,’ nhưng chồng tôi người Việt.  Bill nói có thể anh quen anh ấy.”

            “Vậy sao?  Chồng cô tên gì?” tôi bước qua một ngạc nhiên khác.

            “Anh ấy tên Hướng tốt nghiệp kỹ sư điện năm 1970.  Tôi có tấm hình Hướng đây, để tôi lấy anh xem.”

Người trong hình là Hướng bạn đồng khóa kỹ sư với tôi.  Tướng người cao mảnh khảnh, nét mặt dễ nhìn, và giọng nói từ tốn, Hướng thuộc loại học giỏi trong lớp.  Ít ai biết rõ đời tư của Hướng, ngoài chuyện Hướng là con một và có cha mẹ lớn tuổi nên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh.  Hướng thường đi cặp kè với Lữ người Việt gốc Hoa, người bị bạn bè nhại tiếng Quảng Đông gọi là Á Lù, và không chơi với ai khác.  Tụi bạn kháo nhau khi thi vào trường Điện, Á Lù bị “thiếu điểm chút xíu,” phải đút lót tiền bạc để trúng tuyển, và sau đó mướn Hướng ở luôn trong nhà dạy kèm để đủ khả năng học và thi lên lớp trên.  Nghe đâu năm học đệ nhị niên, Hướng được ông bà già cưới cho cô vợ miệt vườn từ dưới quê Châu đốc, Chương Thiện gì đó.  Vợ Hướng sắc sảo mặn mà và đảm đang, buôn tảo bán tần nuôi chồng đi học, và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Sau ngày tốt nghiệp, Hướng khỏi lo bị động viên đi lính nên tà tà vào phi trường Tân Sơn Nhứt xin làm cho Hoa kỳ.  Không ai biết Hướng làm việc gì, một đứa bạn thấy Hướng ngồi băng sau chiếc xe du lịch Chrysler Plymouth màu xanh to giềnh giàng có tài xế và cận vệ Mỹ ngồi ở băng trước.  Trong một buổi họp mặt bạn đồng khóa hàng năm, thằng Hữu, một cây nói tục, cắc cớ hỏi Hướng,

            “Làm sở Mỹ, ngoài việc cầm cu cho Mỹ đái, nói chuyện bằng tiếng Anh mỏi tay, và moi được lắm địa (tiền) mày làm cái nghề ngỗng gì?”

            “Tao chuyên về ra-đa,” Hướng không thèm đối đáp câu hỏi xóc óc, “Giờ tao làm quản đốc đài Ra-đa Phú Lâm trên đường đi về miền Tây.  Với kỹ thuật tân tiến nhất hiện nay, đài ra-đa của tao có khả năng dò tìm mọi hoạt động quân sự khắp vùng Đông nam Á.  Ở bản doanh trong phi trường, tao là chuyên gia số một về kỹ thuật ra-đa đó.”

Hôm nay Katya điền vào khoảng trống về cuộc sống của Hướng sau tháng Tư năm 1975,

            “Tốt nghiệp cao học vật lý ở Học viện Vật lý và Kỹ thuật Mạc Tư Khoa, tôi được chỉ định theo học khóa Việt ngữ cấp tốc để chuẩn bị công tác ở Việt nam.  Tháng Năm năm 1975, tôi và một nhóm chuyên viên bay sang Sài gòn với nhiệm vụ nghiên cứu cách tháo gỡ và mang về hệ thống ra-đa Hoa kỳ để lại.  Tôi được lệnh phải dùng mọi cách, kể cả dụ hoặc và lung lạc tình cảm, để hấp thu mọi kiến thức của Hướng; anh là chìa khóa duy nhất để Nga sô có được kỹ thuật đó.”

            “Thật vậy sao?” tôi hỏi lại.

            “Về mặt khoa học và kỹ thuật, Nga sô thường đi sau Hoa kỳ từ năm đến mười năm, tùy theo tài nghệ đánh cắp bí mật của các tay gián điệp; nay vớ được Hướng là cả một cơ hội bằng vàng,” Katya cười buồn và tiếp tục kể.

Vì vốn liếng Việt ngữ của Katya chưa đủ để trao đổi kiến thức kỹ thuật, và thông dịch viên Hà nội cung cấp vừa dốt chữ nghĩa vừa mù tịt về khoa học, Katya và Hướng dùng tiếng Anh nói chuyện với nhau, cho đám thông dịch xoi bói rình mò ra rìa.  Katya là chuyên gia vật lý, và trong ngành vật lý, Anh ngữ là ngôn ngữ quốc tế.  Đối với Katya, người thanh niên da vàng thông thái và lịch sự là mẫu người đàn ông lý tưởng, so với bọn đàn ông Nga thô lỗ cộc cằn, mở miệng sặc mùi giáo điều của Lenin và đảng Cộng sản, và toàn nghiện rượu nặng.  Hướng không sao cưỡng nổi sắc đẹp cám dỗ của người thiếu nữ Nga và những biệt đãi vật chất được hưởng theo quy chế nhân viên sứ quán Nga sô.  Thế là hai người say mê “làm việc” và yêu nhau.

Mùa hè năm 1977, toàn bộ hệ thống ra-đa được tháo gỡ và đóng thùng gửi về Nga sô, cùng với mọi tài liệu kỹ thuật bằng Anh ngữ.  Nhưng công tác của Katya chưa hoàn tất, nàng được lệnh kết hôn với Hướng và đưa chồng về Mạc Tư Khoa.  Hai người ở trong căn apartment tiện nghi và làm kỹ sư nghiên cứu cho xưởng chế tạo võ khí ở ngoại ô thành phố.  Hai năm sau, khi trái chanh đã vắt hết nước, Hướng trở thành vô ích.  Katya bị chỉ định sang Cuba thiết lập đài ra-đa dùng kỹ thuật của Hoa kỳ để nghe ngóng hoạt động quân sự ở Bắc Mỹ, một kiểu gậy ông đập lưng ông.

Katya không thể cưỡng lại lệnh của đảng và có dự định riêng nhưng không cho Hướng biết để chàng khỏi bị liên lụy.  Trên chuyến bay từ Mạc Tư Khoa sang thủ đô Havana của Cuba, phi cơ ghé lại phi trường Quốc tế Montréal-Mirabel gần Montréal, Gia Nã Đại.  Thừa lúc hai nhân viên phụ tá có nhiệm vụ đi kèm giám sát sơ ý, Katya vụt chạy thục mạng tới trạm quan thuế và di trú thuộc thẩm quyền Hoa kỳ xin tỵ nạn chính trị.  Tại các phi trường lớn của Gia Nã Đại, Hoa kỳ được phép lập các trạm như thế để tiếp nhận hành khách nhập cảnh nước mình.

Katya để tay lên ngực nhớ lại giây phút gay cấn khi nàng phóng người qua lằn sơn đỏ dùng làm biên giới Gia Nã Đại - Hoa kỳ ở phi trường,

            “Lần đầu tiên trong 32 năm của đời tôi, tôi được hít thở không khí tự do thực sự.  Sau những cuộc phỏng vấn điều tra của bộ Ngoại giao và sở Trung ương Tình báo CIA, và khi họ biết nhiệm vụ và công tác của tôi, tôi được chuyển về đây làm việc dưới quyền Bill.  Cố gắng giúp Hoa kỳ hiểu rõ hơn về hoạt động gián điệp của Nga sô.  Đó là mùa thu năm ngoái.”

* * *

Hướng bị đuổi ra khỏi căn apartment và dọn vào căn phòng chật hẹp của thợ độc thân tối tăm và ẩm thấp, mùa hè nóng như nung, và mùa đông lạnh cóng vì không có sưởi.  Ở xưởng chế tạo võ khí, Hướng bị “hạ tầng công tác” xuống làm thợ.  Một tháng trôi qua, rồi hai tháng, và ba tháng, không thấy Katya gửi thư về như đã hứa, Hướng biết mình đã bị dồn vào bước đường cùng và nếu sơ hở lộ ra một chút bất mãn, sẽ bị đày đi Siberia lao động trong trại tập trung.  Hướng tập sống như thợ thuyền Nga, buổi sáng vào xưởng rót một ly Vodka uống cạn trước khi làm việc, và chiều về ôm chai Vodka nhăm nhi đến khi vào giường.  Một năm sau, Hướng bị đuổi việc hẳn và đuổi ra khỏi căn phòng.  Thất nghiệp và không có chỗ ở, Hướng tiếp xúc với “Đại sứ quán” (tòa Đại sứ) Việt Cộng, xin giúp đỡ phương tiện về nước.  “Quan chức” Việt Cộng từ chối bằng lời mỉa mai,

“Anh vốn là tàn tích của Mỹ Ngụy, sau ‘ngày giải phóng’ lại hợp tác với nước ngoài; giờ sao không cầu cứu chị vợ ‘Liên sô’ giúp cho?”

Trong lúc tuyệt vọng, Hướng được người quen trước là du học sinh từ Hà nội sang thương tình đưa gia nhập vào tập thể người Việt sống trong bóng tối.  Đó là một xã hội gồm cựu du học sinh hay cựu công nhân “đi lao động nước ngoài” ở Nga sô, Ba Lan, Tiệp Khắc, và Hung Gia Lợi, và sau thời gian đi học hoặc đi làm chính thức, trốn ở lại không về nước.  Họ không từ bất cứ công việc nào có thể kiếm ra tiền:  từ buôn lậu hàng hóa đến đưa người trốn bất hợp pháp từ nước này sang nước khác.  Một năm sau, Hướng thành tay anh chị, làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều đồng rúp (tiền Nga), và được đàn em kính nể.  Hàng đêm vui thú với gái Nga và Tây Âu, ăn uống rượu chè sang trọng, và tiêu tiền như nước.  Một hôm, sau một đêm trác táng, sáng dậy ho ra một búng máu.  Bác sĩ cho biết đã mắc bệnh lao.

Một tháng sau, Hướng mang thân tàn ma dại và hai buồng phổi đầy vi trùng Koch trở về Sài gòn.  Tìm bà vợ miệt vườn mười năm trước, tạ tội, thề nguyền, và xin ca bàiTa về ta tắm ao ta.”  “Ao nhà” hoan hỉ chấp nhận.  Từ đó, hai người sống hạnh phúc bên nhau như trong . . . chuyện cổ tích.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                        Ngày 23 tháng Hai, 2022



           


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan