NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA: CÔ GÁI ĐỒNG HỚI - CON VOI & CHÚ NÀI

 NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA: CÔ GÁI ĐỒNG HỚI - CON VOI & CHÚ NÀI

Truyện ngắn mới: "Cô Gái Đồng Hới" (Tháng Mười Hai 2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa

Mời đọc truyện ngắn thứ hai mươi hai

trong

loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

 

https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

https://dconnect.co.jp/friend/

 

Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

22. Cô Gái Đồng Hới

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 

Đầu tháng Bảy năm 1965, sau khi thi đậu Tú tài II ở hội đồng Võ Tánh Nha Trang, tôi trở về nhà ở Ban Mê Thuột.  Không tới một tuần sau, cha bất thần biểu tôi và mẹ đi Đà Lạt thăm anh Quang, anh là sinh viên sĩ quan khóa 20 trường Võ bị Quốc gia và sẽ tốt nghiệp vào cuối tháng Mười Một.  Mặc dù chưa bao giờ đặt chân tới “Thủ đô Hoa viên,” tôi không hề háo hức về chuyến đi này.  Lòng trĩu nặng, tôi biết – và mẹ cũng biết – cha đẩy mẹ đi để những đêm mẹ vắng nhà, đưa đàn bà về nhà vui thú.  (Cha sống một mình và ăn cơm riêng ở nhà trên, mẹ và anh em tôi chen chúc dưới nhà bếp và trên căn gác nhỏ đằng sau.)  Nhưng mẹ không thể không đi vì lệnh cha nói ra là đinh đã đóng cột, không thể cãi dời.  Không tuân theo sẽ bị cha dọa bắn, đánh đập, và hành hạ cho dở sống dở chết, đến khi cha  được như ý.

Lên Đà Lạt, hai mẹ con ở nhà chú thím Tôn trên đường Thi Sách.  Chú Tôn là em họ xa của cha, thuở thanh niên rời làng quê ngoài Đồng Hới, Quảng Bình vào Đà Lạt lập nghiệp, và đang làm công chức tòa Thị chính Đà Lạt.  Trong bốn ngày giữa tuần ở Đà Lạt, trời mưa lạnh, mẹ chỉ ở nhà nói chuyện đời xưa với thím Tôn, và chỉ một lần một, tôi lang thang ra phố xem chợ Hòa bình và lần mò đi xuống bờ hồ Xuân Hương tới nhà Thủy tạ rồi về nhà.

Chú Tôn nghỉ làm một buổi lấy xe Vespa chở tôi vào trường Võ bị thăm anh Quang.  Anh không được phép ra ngoài doanh trại và chỉ gặp tôi khoảng mười phút tại trạm gác ngoài cổng, chỉ đủ thì giờ hỏi tôi dăm ba câu về chuyện học hành thi cử.  Lúc chia tay, anh nắn nót sửa thế ngồi của tôi trên yên xe Vespa sau lưng chú Tôn:  Trên chuyến đi ra đây, thay vì ngồi chàng hảng để chân hai bên theo kiểu đàn ông, tôi nhà quê ngồi để hai chân thả đòng đưa một bên như đàn bà mặc váy mà chú nể lòng không nói.

Trong bữa cơm chiều hôm ấy, khi biết tôi định thi vào trường kỹ sư điện, chú Tôn nói,

“Nghe nói thi vô trường Điện khó lắm.  Thằng Lộc con anh Hảo hàng xóm của chú nổi tiếng học giỏi mà năm ngoái thi cũng rớt.”

“Anh đó bây giờ học gì chú?” tôi không giấu nỗi tò mò.

“Nó nghỉ học một năm và cùng với vài người bạn thân vô vùng núi làm rẫy giúp đỡ dân quê và đồng bào Thượng.  Họ vừa làm việc chân tay vừa sinh hoạt văn nghệ, lập ra nhóm ‘Du ca Việt nam,’ và sống theo lý tưởng thanh niên,” chú tấm tắc khen.

“Ông Hảo nớ người Đồng Hới là bạn thân học cùng khóa Võ bị Liên quân Đà Lạt [tên cũ của trường Võ bị Quốc gia] với cha mi,” mẹ nói với tôi.

Tôi trúng tuyển vào trường Cao đẳng Điện học và về Sài gòn học, gia đình dọn xuống Tuy Hòa khi cha được bổ nhiệm giữ chức vụ cầm đầu tỉnh Phú Yên, và cuối năm tôi ở lại lớp vì bị giáo sư trù.  Niên khóa sau, tôi học lại đệ nhất niên thì Lộc đậu kỳ thi tuyển đặc biệt vào đệ nhị niên dành cho các sinh viên đã có “chứng chỉ” Toán Đại cương hay Toán Lý Hóa ở Đại học Khoa học nhằm bổ sung chỗ trống của các sinh viên đệ nhất niên đi du học giữa năm.  Mùa hè, tôi về nhà nghỉ hè thì một hôm bác Hảo cùng với cô em kế Lộc là Thanh Xuân ghé lại Tuy Hòa và được cha mời ăn cơm tối.  Tôi ra chào bác và gặp cô thiếu nữ duyên dáng thùy mị.  Nàng lễ phép cúi đầu chào, trong lúc tôi kiếm cách chuồn lẹ trước khi cha đổi ý bắt ngồi ăn với khách.  Hôm sau mẹ kể lại,

“Tối qua, cha mi vui gặp bạn cũ nên uống rượu nhiều, nói năng huyên thiên, và khi ngà ngà say, đòi cưới con Xuân cho mi.”

“Bác Hảo nói sao mẹ?” tôi giật mình.

“Ông nớ cũng say nên gật gù tán đồng.  Chỉ tội con Xuân ôốc dôộc [mắc cỡ] đỏ mặt ngồi im thin thít.  Hai ôông già Đồng Hới nói chuyện tình duyên của hắn mà coi hắn như pha, mần [làm] như hắn không có mặt ở đó.”

Nhưng sau đó tôi không nghe cha đề cập đến  việc hứa hôn.  Cuối hè, tôi về Sài gòn, vô tâm quên bẵng cô gái Đà Lạt tóc dài dễ thương.

* * *

Lên đệ nhị niên tôi lại học cùng lớp với Lộc vì lần này nó bị ở lại lớp.  Hàng ngày gặp nhau, nhưng ngoài giờ học, hai thằng đường ai nấy đi.  Tôi là chàng sinh viên lấc ca lấc cấc ăn nói ngang như cua, và ngoài việc đi học và đi dạy học, không biểu lộ tài cán gì đặc biệt.  Ngược lại, Lộc tài hoa và đa hiệu.  Nó hoạt động trong lãnh vực du ca và văn nghệ, quen biết nhiều trong giới văn nghệ sĩ, và chơi giỏi mọi bộ môn thể thao.  Từ bóng chuyền và bóng rổ đến quần vợt và bóng bàn, và ngay cả đánh bi-da (billiards), thứ gì nó chơi cũng giỏi.

Kể từ đệ tam niên, trong các môn học thực hành, sinh viên phải thực tập theo nhóm.  Tôi và Lộc ở cùng nhóm, dần dần thân nhau thành đôi bạn Đồng Hới đời thứ hai, và đi đâu cũng có nhau.  Những dịp nghỉ lễ nó về thăm nhà, tôi đi theo lên Đà Lạt vì lúc này tôi bỏ nhà đi bụi đời và không có nơi để về.  Lên Đà Lạt, tôi gặp Thanh Xuân mỗi một lần.  Nàng nhìn tôi không nói, đôi mắt buồn như trách móc giận giỗi hay có điều gì u uẩn.  Rồi nàng kết hôn với một sinh viên sĩ quan trường Đại học Chiến tranh Chính trị và theo chồng về Nha Trang khi anh tốt nghiệp đổi về phục vụ ở bộ Tư lệnh Hải quân Vùng II.

Theo chân Lộc, tôi lây tính "ham vui" của nó và hăng hái tổ chức các buổi sinh hoạt sinh viên trong trường.  Tôi ưa nghĩ ra “mục” mới, nó có khả năng tổ chức, và hai thằng bày đầu làm một số dự án đầu tiên trong lịch sử sinh viên trường Điện.  Cuối năm đệ tam niên, chúng tôi xin tài trợ và xếp đặt chuyến "Du khảo Đa Nhim” để cả lớp đi quan sát nhà máy thủy điện Đa Nhim và đập nước Đơn Dương, công trình thủy điện lớn và duy nhất của Việt nam, nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục trên Quốc lộ 11 từ Đà Lạt đi Phan Rang.  Lớp chúng tôi bay lên Đà Lạt để xuống Đa Nhim rồi trở về Đà Lạt viếng thăm viện Đại học, lò Nguyên tử, và ty Điện lực Đà Lạt.  Tuy nhiên, biến cố đáng ghi nhớ nhất là đêm sinh hoạt giao tình với sinh viên Đà Lạt mà phần lớn là dân kẹp tóc từ ký túc xá nữ sinh viên.  Nhờ đó, không ít mối tình thơ mộng đơm bông kết trái.

Lên đệ tứ niên là lớp anh cả, tôi và Lộc thúc đẩy các bạn thực hiện lễ nhập môn cho các em đệ nhất niên.  Trong buổi lễ, tân sinh viên phải trải qua vài “hình phạt” tượng trưng trước khi giơ tay tuyên thệ phục vụ quốc gia dân tộc với tôn chỉ “mang lại ánh sáng và hơi ấm đến mọi nhà.”  Ngoài ra, thay vì để ban Đại diện Sinh viên tổ chức dạ vũ tất niên theo kiểu con nhà giàu như những năm trước, hai thằng sắp đặt buổi văn nghệ “Hội Tàn Đông” miễn phí dành cho sinh viên và thân nhân bạn bè họ đêm 23 tháng Chạp trước Tết Canh Tuất (1970).  Tôi điều động sinh viên lớp dưới trang hoàng sân khấu, sắp xếp ghế ngồi, và đón khách, và Lộc mời các ca sĩ nổi tiếng và đoàn du ca bạn nó đến trình diễn chùa.

Những ngày vui qua mau, tháng Tám chúng tôi ra trường.  Không hiểu vì biến động chính trị hay lý do an ninh, năm ấy Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (gồm các trường Điện, Công chánh, Công nghệ, v.v.) không tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp như mọi năm.  Tôi bất mãn bàn với Lộc,

"Đi học mười sáu, mười bảy năm và trong đời chỉ có một lần, không lý bọn mình lặng lẽ tới ký tên lãnh bằng đem về lộng kiếng?”  “Lộng kiếng” nói lái thành “liệng cống.”

Thế là hai thằng làm đầu nêu tổ chức lễ tốt nghiệp của trường Điện.  Lộc chạy bên ngoài xin giấy phép, xin tài trợ, và mời các xí nghiệp lớn; tôi bao thầu bên trong lập chương trình buổi lễ, in thiệp mời, và huy động các bạn bày biện và trang hoàng khán đài và hội trường lộ thiên.  Tôi không gửi thiệp mời cho ai nên buổi sáng cử hành lễ, đứng trong khu dành cho “thí sinh” (chưa tốt nghiệp), ngạc nhiên rơi nước mắt thấy mẹ và em Bình cười rạng rỡ ngồi trong khu quan khách.  Buổi lễ kết thúc, quan khách được mời dự buổi tiệc trà thân mật do phụ huynh một “tân kỹ sư” (vừa lãnh bằng tốt nghiệp) đài thọ.  Tôi khám phá ra phụ huynh đó không ai khác hơn mẹ và thằng Lộc đã dành cho tôi một ngạc nhiên kỳ thú – sự hiện diện của mẹ và em Bình.

Lộc được Công ty Điện lực Việt nam thu nhận làm việc tại nhà máy thủy điện Đa Nhim.  Nó về Tuy Hòa cưới vợ, gia đình nàng ở Tuy Hòa, và tôi xoay xở ra đó dự đám cưới.

* * *

Cuối tháng Tư năm 1975, gia đình tôi chen chúc với hơn bốn ngàn người khác trên chiến hạm HQ-xyz di tản ra khỏi Sài gòn.  Một buổi chiều tôi lên boong thơ thẩn nhìn quanh tìm người quen và dò la tin tức, bỗng có tiếng gọi sau lưng, “Anh!  Anh!”  Tôi quay lại thấy Thanh Xuân với nét mặt lo âu tiều tụy.  Nàng nắm tay tôi khóc thút thít,

“Anh ơi, anh Lộc và gia đình em kẹt lại trên Đà Lạt, không biết sống chết ra sao.  Em lo quá chỉ muốn trở về nhà.”

“Xuân bình tỉnh lại đi, gia đình em kẹt lại, nhưng anh biết tất cả đều bình an,” tôi an ủy nàng, “Anh vừa gặp Lộc hai tuần trước.  Sau khi Đà Lạt thất thủ, nó đưa vợ con chạy về Thủ Đức.  Bác trai đi hành quân và không có tin tức nên bác gái không muốn rời nhà mà ở lại Đà Lạt với bốn đứa em nhỏ của em.”

“Vậy thì em đỡ lo nhiều.  Em không có tin tức gia đình từ trước ngày Đà Lạt và Nha Trang mất vì anh Thành chồng em gửi em và con bé theo tàu Hải quân vào Phú Quốc lánh nạn,” nàng chỉ tay vào anh sĩ quan Hải quân đang ẵm cô bé chừng hơn một tuổi, “Ngày 30 tháng Tư, anh ấy vào tìm mẹ con em và đưa lên tàu này để ra đi.”

Trong hoàn cảnh hỗn loạn bấp bênh, tôi và Thanh Xuân mỗi người chạy một ngả.  Hơn một năm sau, tôi nhận được thư nàng gửi về Bismarck, North Dakota, nơi tôi định cư; nàng tìm địa chỉ tôi qua văn phòng giúp tìm thân nhân và đoàn tụ gia đình của hội Hồng thập tự Hoa kỳ.  Vợ chồng nàng định cư ở Seattle thuộc tiểu bang Washington.  Thư qua tin lại thăm hỏi thường xuyên, chúng tôi xem nhau như anh em, và sau năm bảy năm, những đổi thay lớn trong cuộc sống mới khiến chúng tôi “lạc mất” nhau.

Hơn 30 năm sau, tôi được tin Thanh Xuân, tin buồn:  Nàng qua đời ở Seattle sau một thời gian dài chống chõi với cơn bệnh ung thư; Thành chồng nàng đã bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn và sống trong nhà dưỡng lão.  Lộc ở Đà Lạt bay sang Seattle túc trực bên giường bệnh trong tuần lễ cuối cùng của nàng.  Tang lễ xong xuôi, nó đến nơi tôi ở.  Gặp lại nhau sau gần 40 năm xa cách, hai thằng bạn cũ mừng mừng tủi tủi, thức trắng đêm nói chuyện xưa chuyện nay, và sáng hôm sau chia tay.  Trước khi lên máy bay, nó đưa cho tôi chiếc bì thư dán kín,

“Con Xuân viết thư này ngay sau biết mình không sống thêm quá sáu tháng.   Nó dặn tao giao thư tới tay mày, nếu không đưa tận tay được thì đốt bỏ.”

Thư không nêu tên người nhận và cũng không ký tên người viết,

Sau bữa tối ngồi chịu trận nghe cha anh và ba em hứa hôn, em xem mình là vị hôn thê của anh.  Nghĩ rằng sớm muộn gì gia đình anh cũng sẽ đem cau trầu rượu đến hỏi cưới em về làm dâu.  Nhưng sáu tháng trôi qua, rồi một năm, em hết hy vọng, và ba em mất tin tưởng vào lời hứa của ông bạn già.  Rồi em gặp chồng em, được anh ấy tỏ tình yêu thương, và nhận lời cầu hôn của anh ấy.

Khi ván đã đóng thuyền, em mới gặp lại anh, lúc anh về  Đà Lạt với anh em.  Anh em tiết lộ riêng là anh bị cha từ bỏ, bỏ nhà ra đi làm kẻ không cửa không nhà, và tự lực cánh sinh.  Phải chi em kiên nhẫn đợi gặp anh hỏi cho rõ cội nguồn!

Em lớn lên ở Đà lạt, nhưng bản chất là con gái Đồng Hới.  Má em dặn gái Đồng Hới hứa là phải nhớ đời.  Vậy mà em lại bội ước.  Xin hẹn kiếp nhau sẽ giữ lời.

Em không bội ước, Thanh Xuân ơi.  Chính cha anh mới là người có lỗi, và vô tình anh làm kẻ vô tình.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngà

y 10 tháng Giêng, 2024

 ***

Con Voi và Chú Nài

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 

Tuần lễ trước lễ Tạ Ơn, tôi đi dự một phiên họp ngắn ở Austin, thủ phủ tiểu bang Texas.  Gia đình Sang (em kế tôi) và gia đình Bình (em gái duy nhất) ở Austin, và mẹ ở với Sang để giúp vợ chồng em nuôi hai đứa con gái và thằng cu út.  Nhà của cả hai em tôi đều cách trung tâm Austin khoảng 20 dặm Anh về phía bắc, trong lúc tôi ở và họp tại khách sạn Hyatt Regency bên bờ hồ Lady Bird nhìn thẳng qua khu thị tứ của thành phố.  Phiên họp chỉ kéo dài trong ba ngày giữa tuần nên tôi hẹn gặp tất cả ở nhà Bình tối thứ Tư.  Qua giọng nói của Bình trên điện thoại, tôi có thể hình dung nụ cười tủm tỉm của em,

            “Em sẽ dành cho anh một ngạc nhiên, nhưng cấm anh không được mách lẻo với chị Quỳnh Châu.  Chị ấy mà biết rồi giũa em thì đời anh te tua đó.”

Tôi họp xong trễ, từ chối lời mời đi ăn tối với bạn đồng sự, và vội vã lái xe thuê đến nhà Bình.  Giờ tan sở, đường Austin kẹt như nêm cối, tôi nóng lòng gặp lại người thân và bực bội càu nhàu một mình.  Bước vào nhà Bình, tôi lặng người khi thấy người khách ngồi ở ghế xa-lông.  Đứng dậy chào, người ấy hơi lúng túng nhưng lấy lại bình tỉnh rất nhanh.  Bình giơ tay giới thiệu,

            “Sư cô Diệu Hương.  Sư cô về trụ trì tại chùa Linh Bảo hơn một năm nay.  Nhân dịp có anh về thăm, em và mẹ nấu bữa cơm chay mời sư cô đến chơi.”

            “Ba Hoa mạnh giỏi?  Mình nghe nói Ba Hoa được hạnh phúc và thành công về nghề nghiệp nên mong gặp để chúc mừng người bạn cũ,” vị ni cô trạc tứ tuần trong chiếc áo cà sa màu lam với vẻ mặt thanh tú chắp tay.

            “Trúc Hương . . . à sư cô đi tu hồi nào mà tôi không hay?” tôi nói lắp bắp.

Trúc Hương, hay ni cô Diệu Hương, là chị của Hiệu, thằng bạn quê Tuy Hòa cùng khóa kỹ sư điện với tôi.  Nàng lớn hơn tôi năm tuổi, tốt nghiệp đốc sự trường Quốc gia Hành chánh, và hồi đó giữ chức vụ trưởng ty Hành chánh dưới quyền cha, cha giữ chức vụ cầm đầu tỉnh Phú Yên.  Mùa hè tôi về thăm nhà thì Hiệu nằm lại Sài gòn nên tôi chỉ có nàng là người bạn duy nhất trong thành phố nhỏ bé hiền hòa ấy; chúng tôi hợp tính và thân nhau.  Từng đoạn phim quá khứ quay lại trong tâm tư, tôi thẫn thờ,

“Mới đó mà đã hơn hai mươi năm!”

* * *

1.  Ba Hoa cười toe chào bác Sáu, người tài xế gia đình thân tín; bác đón chàng ở chân cầu thang chiếc DC-3 của hãng Hàng không Việt nam.  Sáu tuần lễ nghỉ hè trước mặt.  Tạm xa sách vở và cuộc sống Sài gòn xô bồ náo nhiệt.  Tha hồ tắm biển, rong chơi, và viếng thăm thắng cảnh thiên nhiên của miền duyên hải.  Được thưởng thức tài nấu nướng của mẹ, những món ăn khoái khẩu mà nghĩ tới không thôi cũng thấy thèm rỏ dãi.  Và gặp lại Trúc Hương và theo nàng tham dự những sinh hoạt thanh niên tỉnh nhà.

Thay vì chở Ba Hoa về nhà, bác Sáu đưa chàng vào văn phòng cha.  Ngồi sau chiếc bàn giấy đồ sộ, ông Thông hơi tươi nét mặt hỏi cho có lệ, “Đi đường mệt không?” và không cần nghe câu trả lời, “Dạ không,” của chàng, đi ngay vào đề,

Mi gần hai mươi tuổi rồi.  Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng; tau đã kén cho mi con gái ông Hoàng dân biểu Quốc hội tỉnh mình.  Nhà người ta giàu có, hắn là con một nên mai sau của cải sẽ về phần hai đứa bây.  Tối mai tau mời ông bà Dân biểu và con nớ ăn cơm tối với mình, mi sẽ có cơ hội tìm hiểu hắn.”

Ba Hoa hình dung cô con gái nhà giàu tỉnh lẻ.  Chuyên vòi vĩnh nhõng nhẽo và giỏi tài ăn hiếp con bé người làm.  Học hành dở dang, ăn mặc quê mùa, và suốt ngày ăn và ngủ nên khuôn mặt phĩnh phệ xấu xí.  Không nhìn con, ông Thông tiếp tục,

“Chiều ni khoan đi chơi đã, ở nhà nói chuyện với mẹ miTau đã kêu thợ chiều tới nhà hớt tóc cho mi, và mi cần mặc thử bộ com-lê đặt may sẵn, có chi không vừa ý thì biểu thợ sửa lại.”

Ông Thông chu đáo sắp xếp mọi chuyện, ngoại trừ cho Ba Hoa biết tên tuổi, học lực, hay nhan sắc của cô kia.  Về nhà, chàng thuật chuyện với mẹ, bà Thông lắc đầu chép miệng,

            “Cha mi muốn làm thông gia với ông Hoàng, chớ con nớ học hành chưa ra chi mà õng a õng ẹo, ngó phát ghét!  Tau đã chấm được một đứa cho mi.”

            “Mẹ ơi, con mới học hết năm thứ ba, công chưa thành danh chưa toại, làm sao dám nghĩ tới chuyện vợ con?” chàng phản đối.

            “Trước sau chi mi cũng phải lấy vợ thôi.  Con Hương bạn mi, tau ưng ý nhứt hạngHắn có lớn hơn mi dăm ba tuổi mà đẹp cả người lẫn nết, con nhà đàng hoàng, có học thức cao, và lại đang mần ôông nọ bà têTau chấm hắn số một trong tỉnh ni.”

2.  Tối hôm ấy, trong phòng khách nhà ông Hoàng, ông dặn dò cô con gái Ly Lan, “Làm thân con gái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.”  Nàng ngồi đối diện với cha, ông nói hùng hồn như diễn thuyết tranh cử,

            “Về môn đăng hộ đối thì khắp miền Trung, không có nơi nào xứng đáng với gia đình mình bằng gia đình ông ‘Tỉnh.’  Tương lai chính trị của ổng rực rỡ; sau này hai con và cả ba má cũng được nhờ.  Nẫu lại được ổng cưng; thương con sẽ quý dâu, con có phúc lắm đó.”

Ly Lan lợm giọng nghĩ tới bọn con ông cháu cha ỷ thế ỷ thần hiếp đáp kẻ thế cô, làm điều càn rỡ.  Thứ vô tích sự, tối ngày đàng điếm ăn chơi.  À, nhà này chắc là thiếu chữ nghĩa nên mới kiếm cô dâu có học thức như mình.  Nhưng không sao, cô sinh viên năm thứ nhất Chánh trị Kinh doanh Đà lạt tự nhủ, thế nào mình cũng có cách để thoát khỏi bàn tay lông lá của . . . con dê xồm đó.

3.  Bữa cơm chung của hai gia đình thoạt trông có vẻ thân mật và vui vẻ.  Hai ông cha nói lớn và cười to, mặc dù câu chuyện họ trao đổi chẳng có gì buồn cười.  Hai bà mẹ làm ra vẻ tâm đầu ý hợp, kề tai nhau nói nhỏ, và cười khúc khích, nhưng mắt thì nơm nớp trông chừng “hai đứa nhỏ.”  Xúng xính trong bộ com-lê mới toanh và chiếc cà vạt màu sặc sỡ, Ba Hoa cố tình đội lốt một công tử miệt vườn quê kệch và khúm núm một điều thưa hai điều dạ với ông bà Hoàng, y như một nhân vật trong tuồng cải lương phỏng theo tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.

Ly Lan quyết ý đóng vai một thiếu nữ khó thương với bộ mặt trát phấn quê kệch, môi tô son lòe loẹt kém thẩm mỹ, và mái tóc bới cao theo thời thượng như tổ quạ.  Nàng và Ba Hoa được đặt ngồi cạnh nhau và từ phút đầu tiên, nàng mở máy gắt gỏng với chàng.  Chàng chiều chuộng nàng rất mực, món ăn gì cũng gắp để vào chén của nàng, nhưng nàng để riêng ra không thèm ăn.  Nàng càng lấn lướt, chàng càng nhún nhường và giả vờ ngây ngô nói về kép Thành Được, đào Út Bạch Lan, và những gánh cải lương để nàng trả lời nhấm nhẳng và khinh miệt.

Ông bà Hoàng bối rối vì thái độ bất nhã của Ly Lan.  Ông bà Thông cũng mong cho bữa cơm chóng kết thúc để hoàn cảnh khó xử khỏi kéo dài.  Khi từ giã, Ba Hoa tiễn khách ra tận cửa xe,

            “Hai bác cho phép con hôm nào mời Ly Lan đi xem tuồng Lan và Điệp.  Gánh Thanh Minh diễn thì hay vô số.”

            “Ai thèm?  Đồ cà chớn!” đang bước lên xe, nàng ngoái lại xí một tiếng lớn.

4.  Nhờ màn đóng kịch xuất thần, Ba Hoa thoát nạn.  Nhưng chàng biết mình phải rời khỏi Tuy Hòa trước khi cha – hay mẹ – nhắm thêm mối khác.  Chàng ra bưu điện gửi cho thằng bạn thân ở Sài gòn cái điện tín mang mật hiệu giao hẹn trước, “Biển động.”  Hôm sau, bạn gửi ra bức điện tín “Vào gấp.  Thứ Hai đi tập sự hè.”  Tư dinh của ông Thông không có địa chỉ riêng, thư từ phải qua tòa Hành chánh tỉnh, và bức điện tín khẩn được trình với ông trước khi đến tay chàng.  Chính ông ra lệnh cho chàng trở lại Sài gòn chiều Chủ Nhật, không tới một tuần sau khi chàng về nhà.

Ba Hoa vô cùng ngạc nhiên khi thấy Trúc Hương đợi ở chàng phi trường Đông Tác.  Nàng đến sớm trước giờ bay với một thùng thức ăn, bánh trái, và rượu Mỹ để “bới” cho chàng mang về Sài gòn.  Trước những cặp mắt tò mò xoi mói của đám dân tỉnh lẻ, quên mình là một nhân vật quan trọng trong thành phố, nàng nắm tay chàng nói cười ríu rít và khi tiễn chàng lên máy bay, ghé mặt sát bên tai chàng,

            “Ba Hoa nhớ viết thư đều cho mình.  Không thì mình buồn lắm!”

Ba Hoa giữ lời hứa, viết thư cho Trúc Hương hàng tuần và mỗi tuần nhận được hai, ba lá thư dài với lời lẽ trìu mến của nàng.

5.  Ông Thông được đổi về bộ Tư lệnh Quân khu II ở Nha Trang, gia đình dọn về đó, và Ba Hoa cãi lời cha rồi bỏ nhà đi bụi đời.  Mùa hè 1970, lớp kỹ sư tốt nghiệp, Hiệu được nha Hỏa xa Việt nam nhận và gửi ra làm việc tại ty Ốc Lộ Nha Trang, và Ba Hoa dạy ở Đại học Minh Đức và học tiến sĩ kỹ sư.  Đồng thời, Trúc Hương từ nhiệm và về Sài gòn học cao học hành chánh.

Hàng tuần Trúc Hương và Ba Hoa gặp nhau để cùng đi ăn tối, đi uống cà-phê, đi dạo phố Lê Lợi, đi xi-nê, đến nhà bạn, v.v.  Bạn bè ai cũng cho họ là đôi tình nhân, nàng cười chúm chím không cải chính, và chàng cũng lặng thinh – vì biết có thanh minh bạn cũng không tin.  Nàng làm đồng bạn của chàng trong các dịp giao tế của trường đại học, dù biết rõ tim chàng đã in sâu hình ảnh của Quỳnh Châu, cô học trò dạy kèm cũ đang du học ở Hoa kỳ.

6.  Đầu năm 1972, khi trường học đóng cửa để sinh viên nghỉ tết Tết Nhâm Tý, Trúc Hương không về Tuy Hòa ăn tết với gia đình vì,

            “Mình làm sao về ngoải sum họp với nẫu mà ba ngày tết để Ba Hoa ở đây thui thủi một mình.”

Tối 23 tháng Chạp, Trúc Hương mời Ba Hoa làm partner đi dự dạ tiệc tất niên tại nhà bà giáo sư thân nhất của nàng ở trường Quốc gia Hành chánh, bà là một viên chức cao cấp của chính phủ.  Cuối tiệc, chủ nhà bày một trò chơi thử nghiệm tâm lý khá thịnh hành ở tây phương, tách rời khách đàn ông và đàn bà thành hai nhóm, và đưa họ vào hai phòng riêng biệt.  Từng người đàn ông bị bịt mắt dắt sang phòng có các bà các cô đứng hàng ngang im lặng ngửa tay đưa ra phía trước.  Người đàn ông phải sờ vào các bàn tay rồi đoán xem tay nào của vợ hay partner của mình.  Hơn phân nửa các ông có gia đình đoán sai tay vợ, và Ba Hoa không may mắn gì hơn vì không quen thuộc với bàn tay Trúc Hương.

Kẻ đoán sai phải tạ tội bằng cách hôn vợ hay partner trước mặt khách dự tiệc.  Trong tiếng hoan hô cổ võ của họ, Ba Hoa và Trúc Hương hôn nhau lần đầu tiên – như đôi tình nhân.  Lúc hai đôi môi rời nhau, mặt nàng đẫm nước mắt vì sung sướng.  Mặt đỏ bừng vì rượu, hai người say men tình đi thêm một bước, hôn nhau lần thứ hai rồi lần thứ ba, và vượt qua ngưỡng cửa say mê.  Suốt hai tuần lễ sau đó, họ tiếp tục say đắm thụ hưởng mối liên hệ tình cảm mới tìm thấy.  Những lần dạo phố tay trong tay, những vòng tay khắng khít âu yếm, và những nụ hôn thắm thiết không muốn dứt.  Như trong phim lãng mạn tây phương.

Mồng bảy Tết, kỳ nghỉ tết chấm dứt, Ba Hoa bàng hoàng tỉnh giấc mộng du và đau đớn tự trách mình đã lợi dụng lòng tin yêu của Trúc Hương và đồng thời không xứng đáng với tình yêu của Quỳnh Châu.  Sau một đêm thức trắng, chàng viết cho Trúc Hương,

Tôi yêu mến Trúc Hương là người bạn thân thiết và người chị tinh thần cao quý.  Hai tuần qua, mình đã trải qua những thời khắc tuyệt vời với nhau, nhưng về phía tôi, chắc chắn đó không phải là tình yêu.  Để khỏi tiếp tục rơi vào hố thẳm lầm lỗi, từ nay tôi sẽ không gặp Trúc Hương.

Thư gửi qua bưu điện về nhà trọ Trúc Hương.  Một tuần sau, chàng nhận được thư trả lời,

Để mình kể cho Ba Hoa một chuyện.  Ngày đó có một chú nài hết lòng chăm sóc một con voi con.  Nài yêu voi đến nỗi có thể hy sinh đời mình cho voi, dù biết chắc một ngày voi lớn lên trở thành cương dũng, sẽ quật ngã mình.  Ngày đó đã đến.  Nài lúc nào cũng thương voi và không bao giờ giận voi.  Có điều thiếu voi, cuộc sống của nài sẽ không còn ý nghĩa.

Từ đó, con voi và chú nài tách biệt.  Không gặp nhau cho đến hơn hai mươi năm sau.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                Ngày 27 tháng Mười Hai, 2023


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan