*THÁNG 5 DÀNH CHO MẸ, VĨNH BIỆT PHI NHUNG THƠ TRẦN QUỐC BẢO

 THÁNG 5 DÀNH CHO  MẸ, VĨNH BIỆT PHI NHUNG THƠ TRẦN QUỐC BẢO

*Phi Nhung, Bà Mẹ có 24 con (1 con ruột và 23 con nuôi)

** 

VĨNH BIỆT PHI NHUNG       Thơ Trần Quốc Bảo

Ôi thôi! Ca khúc hết rồi!

Cung đàn dứt nhịp, em rời vô trong

Màn nhung buông xuống… là xong!

Tiếc thương để lại trong lòng thế nhân.


 Nổi trôi tuồng lớp phù vân

Phi Nhung “Con Sáo”, trên sân khấu đời

Giọng “Bông Điên Điển” tuyệt vời (*)

Lời ca nồng ấm, như lời Quê Hương!

Trái tim đầy ắp yêu thương

Em san sẻ khắp bốn phương “Tình Người” !

Hăm ba (23) em bé mồ côi,

Gọi Nhung là “MẸ”… Chao ôi!... nghẹn ngào !!!

  

Sài Gòn đại dịch Cúm Tàu

Cướp đi sinh mạng biết bao nhiêu người.

Em đi cứu trợ nhiều nơi,

Hi sinh tiếp tế, tươi cười nấu ăn

 

Thiện tâm như một “Hiền Nhân”

Đáng yêu như một “Thiên Thần Từ Bi”

Ai ngờ … Em nhiễm Covid!

Than ôi!... Đại dịch, cướp Phi Nhung rồi!

 

Phi Nhung nghỉ hát về Trời

Tiếc thương xúc động bồi hồi biệt em

Chúc Hồn siêu thoát Cõi Tiên

Phiêu diêu hưởng phước bình yên vĩnh hằng!

Phi Nhung… Thôi!... Vĩnh biệt em!!!...

            Trần Quốc Bảo

                 Richmond, Virginia

            Địa chỉ điện thư của tác giả:

         quocbao_30@yahoo.com

 ***

MẸ NHƯ TƯỢNG ĐÁ ...

Bao năm khóc cạn lệ rồi!

Hương tàn khói lịm, Mẹ ngồi héo hon!

Mẹ già có chín người con,

Qua cơn binh lửa, chẳng còn một ai!

 

Mẹ mất, ba cậu con trai,

Thằng Hai, hải chiến chết ngoài Hòang Sa!

Thằng Tư, tử trận Đông Hà!

Thằng Năm chết ở Sơn La trại tù!

 

Mẹ mất, con gái bốn cô,

Mậu Thân, bị bọn giặc Hồ thủ tiêu!

Bốn cô gái Huế mỹ miều,

Xác vùi chung, tại Nguyệt Biều bãi dâu!

 

Mẹ già chưa hết thương đau,

Gửi hai con út, lên tầu vượt biên.

Than ôi! Biển cả vô biên,

Con tầu mất tích ngoài miền xa khơi!

 

Khóc than cạn lệ khan lời,

Như dao cắt ruột, tơi bời héo hon!

Mẹ già có chín người con,

Qua cơn binh lửa, chẳng còn một ai

 

Bữa ăn, cơm độn ngô khoai,

Chín bát, chin đũa… gọi hoài Vong Linh!

- “Các con ơi!...hãy thương tình.

Về đây… kẻo mạ một mình bơ vơ! ”

 

Khói hương tắt tự bao giờ,

Mẹ như tượng đá, ngồi chờ Vong con!

 

          Trần Quốc Bảo

                  Richmond, Virginia

            Địa chỉ điện thư của tác giả:

          quocbao_30@yahoo.com

           ***

HẠNH PHÚC TÌM ĐÂU ?   

Tôi vừa coi đọan phim ngắn, (*)

Một nàng xinh xắn, cụt cả hai tay

Chao ôi! Bất hạnh… nghiệt thay!

Thân tàn phế, đến mức này, vì sao?

Hàng ngày, sinh hoạt thế nào?

Hai tay không có, xiết bao phiền hà!

Hạnh phúc, nàng tìm đâu ra?

Đời nàng hẳn những xót xa quây tròn!

Thế mà nàng có một con,

Cho nên tôi nghĩ, “khổ” còn gấp đôi!

Ai ngờ… tôi đã lầm rồi!

Thật ra, nàng sống cuộc đời vui tươi!

 
Đôi chân hoạt động tuyệt vời!

Đảm đang mọi chuyện, như người có tay.

Nấu ăn rửa chén… thật tài!

Thương con chăm sóc, khó ai sánh tày!

Nhìn bà Mẹ trẻ cụt tay,

Vui cùng con nhỏ suốt ngày, bằng chân

Lòng tôi xúc động vô ngần,

Phục người Hiền Mẫu tinh thần cương kiên!

 

Thân hình mảnh dẻ tật nguyền

Mà nàng hạnh phúc vô biên dạt dào!

“Hạnh phúc không ở trên cao,

Hạnh phúc đến với người nào thiện tâm!”

          Trần Quốc Bảo

                  Richmond, Virginia

            Địa chỉ điện thư của tác giả:

          quocbao_30@yahoo.com

 **

Chén Trà Hàn Thi Đường Thi

Nguyễn Văn Thông đọc:

“Hàn Thi, Đường Thi Tuyển Dịch” của Trần Quốc Bảo

 --o--

 Hồi nhỏ thuở mới lên trung-học ở bên nhà, tôi mượn được bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Đọc mê vô cùng, mê các nhân-vật tốt của phe ta là ngũ hổ tướng-quân, mưu cao đánh giỏi, trăm trận trăm thắng; mê ân sâu nghĩa nặng của tình vua tôi và bạn hữu. Nhờ đó sự tưởng-tượng của tôi về bối-cảnh của Chinh Phụ Ngâm Khúc trong chương-trình học làm cho tác-phẩm trở nên tuyệt-vời và gần-gũi. Tôi không nhớ mình được bao nhiêu điểm ở những bài bình-giảng về tác-phẩm nhưng biết là mình cảm-nhận hơn, học thơ thuộc hơn.

 Tuy vậy, khi đọc về các trận đánh dù đã trở thành điển-tích trong thơ văn, thấy tác-giả tả rất ngắn, chỉ khoảng ít dòng hoặc vài đoạn, tôi tiếc tài múa thanh-đao của Quan Công, cú đâm xà-mâu của Trương Phi hay đường giáo của Triệu Vân... Về sau được đọc Cô Gái Đồ Long của Kim Dung mới thấy đã! Tuy nhiên, tôi đã nhận-biết được giá-trị riêng của mỗi thể loại.

 Khi nhận được tác-phẩm Hàn Thi, Đường Thi Tuyển Dịch của Thi-sĩ Trần Quốc Bảo, một con người được nhiều người quí-mến lẫn cảm-phục trong thơ văn và đời thường, tôi mở ra thấy tác-phẩm này rất khác với những tác-phẩm thơ trước đó của ông. Từ những đề-tài trong cuộc sống đến các sự-kiện hoặc biến-cố trong cuộc đời binh-nghiệp, ông vẽ lên những bức tranh sống-động, gần-gũi và đánh-động. Và điều lấp-lánh quí-giá trong đó luôn là một dư-âm khao-khát tình người và sự thiện-hảo. Những bài thơ ấy cho người đọc một cảm-xúc tràn đầy của một toàn cảnh đầy màu-sắc và đủ hương-vị.

 Ở Hàn Thi, Đường Thi của ông, hầu hết các bài đều ngắn hoặc rất ngắn. Nhiều bài có bốn câu, có bài chỉ có hai. Đọc xong, người thưởng-ngoạn ngửa mặt lên nghe dư-vị thấm trên đầu lưỡi và chầm chậm trôi vào lòng. Thì ra nhạc hay ở dư-âm, trà ngon ở dư-vị. Nghe một bản nhạc, chẳng cần phải là một nhạc-sĩ, chỉ cần thấy cung-điệu ấy vang mãi trong lòng thì ta bảo bản nhạc ấy hay. Thơ và nhạc có nhiều điểm chung vì cả hai đều có âm và điệu. Văn cho ta ý, nhưng thơ và nhạc dệt ý thành giai-điệu, tạo sự rung-động đến toàn con người.

 Tuyển-dịch Hàn Thi và Đường Thi, Nhà thơ Trần Quốc Bảo dọn cho chúng ta những chén trà trong khung-cảnh thời xa-xưa của các hàn-sĩ ngồi đối ẩm, bình thơ bên gốc mai, khóm trúc, cạnh bờ ao hay dưới chân một ngọn núi biếc.  Các cụ của chúng ta không phải uống trà để giải-khát như bác nông-phu cần một tô nước chè xanh sau một đỗi gánh gồng dưới nắng chang chang. Các cụ thưởng-thức hương-vị trà từ những chén mắt trâu, gan gà đang bốc khói ngào-ngạt. Ta thử trịnh-trọng nâng một chén xem sao:

Tứ Thời                                           Bốn Mùa

Xuân du phương thảo địa               Xuân thăm miền cỏ thơm

Hạ thưởng lục hà trì                        Hạ ngắm hồ sen biếc

Thu ẩm hoàng hoa tửu                   Thu uống rượu hoàng hoa

Đông ngâm bạch tuyết thi.              Đông ngâm thơ bạch tuyết

(Cổ thi, khuyết danh)                       (Trần Quốc Bảo dịch)

Không có chút vốn-liếng nào về hán-văn nhưng tôi đoán nhiều bạn đọc cũng cảm thấy hương thơ ngào-ngạt ở bản việt-văn. Giai-điệu của bản Việt-văn đối với tôi nghe thánh-thót du-dương như trước-tác chứ không phải văn dịch. Quí bạn đọc có thể bắt gặp điều ấy ở toàn tác-phẩm chứ không phải chỉ một vài bài. Xin đan-cử một bằng chứng nữa ở một bài của Mãn Giác Thiền Sư mà tôi ưa-thích từ thời trung-học. Bây giờ nghe bài của Trần Quốc Bảo lại thấy mình thích hơn.

 Xuân đi, trăm hoa rụng                        Xuân đi muôn cánh hoa rơi

Xuân đến, trăm hoa cười                      Xuân về hoa nở khoe tươi muôn mầu                                      
Trước mặt, việc đi mãi                         Ngắm nhìn thế sự qua mau

Trên đầu, già đến rồi                            Tháng năm chồng chất hay đâu tuổi già

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết       Hết xuân chớ tưởng hết hoa
Đêm qua sân trước một cành mai.        Một nhành hoa nở đêm qua trước thềm.

(Ngô Tất Tố dịch)                              (Trần Quốc Bảo dịch)

Nhà thơ Trần Quốc Bảo vừa tròn sinh-nhật 90 mà ông vẫn chăm-chỉ làm thơ, vẫn trải lòng, vẫn ưu-tư viết cho bạn-hữu, con cháu và hậu-thế. Có tuần ông làm bài thơ về lòng biết ơn, tuần khác cho các em thiếu-nhi, có khi về một trận đánh trong đời binh-nghiệp, có lúc về một suy-niệm tôn-giáo. Đọc thơ ông, người ta thấy ông trẻ hơn tuổi đời rất nhiều.

Không biết các thi-sĩ của chúng ta khi bước lên hàng tiên ông là trở về với cổ-thi hay không, chỉ biết rằng lẽ thường, trẻ hướng về tương-lai, già nhìn lại quá-khứ. Nghĩ thế thì tôi thấy mình không còn trẻ nhưng vẫn chưa già thì không biết nhìn đi đâu. Cảm ơn Thi Sĩ Trần Quốc Bảo là một trong những người gìn vàng giữ ngọc cho tiếng mẹ của chúng ta. Ông như một cụ đồ đang lau chùi bộ lư-hương của gia-tộc và giảng-dạy cho con cháu ý-nghĩa của các đường hoa-văn trạm-trổ, và lòng hiếu-nghĩa với tổ-tiên.

 Người ta ca-tụng nước Nhật đang sống trước thời-đại vì những sáng-chế kỹ-thuật tân-tiến về người máy, tầu điện tốc-hành và những tiện-nghi cuộc sống chưa thấy có trên thế-giới. Vậy mà bước chân đến Nhật, người ta sẽ ngạc-nhiên vì bên cạnh những tân-tiến thì dân-chúng vẫn sử-dụng gáo gỗ để múc nước trong phòng tắm, gáo đốt tre để múc nước pha trà, vẫn thích làm hàng rào bằng thân tre, vẫn đi guốc gỗ và dép cỏ bện. Họ vẫn thích lấy khăn trắng trùm đầu cả khi làm việc trong thành-phố như công-nhân hàng trăm năm trước. Trong văn-tự, người Nhật có chữ riêng nhưng vẫn sử-dụng khoảng vài nghìn chữ hán kèm thêm cách phát-âm bằng tiếng Nhật, rõ là phức-tạp. Tuy nhiên, điểm son trong văn-hoá của họ là lưu-giữ cái cũ trong khi tiếp-nhận cái mới.

 Qua các thời-đại, chúng ta thấy càng rõ tiếng Việt và chữ quốc-ngữ đơn-giản và trong-sáng. Học-giả Hoàng Văn Chí đã so-sánh tiếng Nhật và tiếng Việt. Ông nói, đơn-giản là mức-độ tinh-tế của sự phát-triển. Kỹ-thuật càng phát-triển càng trở nên đơn-giản dễ sử-dụng. Cảm ơn các văn, thi-sĩ Việt Nam đã đóng-góp làm cho tiếng Việt và chữ Việt phát-triển trong-sáng, phong-phú và tinh-tế.

Cảm ơn thi-sĩ Trần Quốc Bảo đóng góp cho vẻ đẹp, nét thanh-tao, ý-niệm tròn-đầy của chữ quốc-ngữ trong bối-cảnh bị đe-doạ đổi cách viết và thay lối phát-âm cho giống tiếng tàu của người cộng-sản Việt Nam. Cảm ơn ông làm công-việc biết ơn của kẻ hậu-thế dành cho các vị tạo ra chữ quốc-ngữ trong khi có nhóm người vô ơn xỉ-vả các vị bằng chính chữ viết do các ngài sáng-tạo. Phường ăn cháo đá bát đang bị chính đồng-bào mình loại-trừ dù chúng đang là kẻ nắm quyền. Cái quyền ấy chúng cũng biết là đang vuột khỏi bàn tay chúng bằng cách này hay cách khác.

Nguyễn Văn Thông

12/2019

 


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: THƠ

Đăng nhận xét

Tin liên quan