Câu Chuyện Quan Vân Trường
Câu Chuyện Quan Vân Trường
Tại Cung
Trời Đao Lợi cứ ba trăm năm một lần, đều có vị bồ tát tên Mục Kiền Liên lên đây
thuyết pháp. Đã có rất nhiều vị thượng thủ, nhân những buổi thuyết pháp này mà
chứng được đại thừa, phá bỏ hồ nghi, mê chấp, yêu thích thiền định Ba-La-Mật mà
thoát sanh về các cung trời cao hơn để từ đó tu chứng quả vị Bồ Tát hoặc A La
Hán, Thanh Văn Duyên Giác hoặc Bích Chi Phật. Sau khi thuyết pháp xong, Bồ Tát
Mục Kiền Liên toan vén mây để trở về thì Quan Vân Trường bước tới, níu áo, nhỏ
nhẹ thưa:
-Xin Bồ
Tát hãy thong thả để cho Vân Trường này thưa thỉnh đôi lời.
Bồ Tát Mục Kiền Liên quay lại, ngạc nhiên nhìn Quan Vân Trường rồi hiền từ hỏi:
-Vân Trường
à. Ta lên đây thuyết pháp tính ra đã được 1800 năm. Ta thấy nhà ngươi chỉ ngồi
chăm chú nghe. Nay vì duyên cớ gì mà nhà ngươi thưa thỉnh ta đây?
Quan Vân Trường sau một vài giây đắn đo, đáp:
-Tôi có
chuyện này muốn nhờ Bồ Tát. Với sức thần thông, Bồ Tát có thể giúp tôi trở về
thăm thế gian một lần được chăng? Lâu lắm rồi tôi muốn biết sự đời ở dưới đó
như thế nào...
Bồ Tát Mục Kiền Liên nghiêm trang nói:
-Vân Trường
à. Với sức thần thông của ta, việc đưa người trở về nhìn lại cõi thế là chuyện
dễ dàng. Thế nhưng nhà ngươi vốn xông pha chém giết nơi trận mạc đâu có hiểu
chuyện đời như thế nào. Hơn thế nữa, cõi thế là cõi Diêm Phù Đề mà Đức Phật mô
tả trong Kinh Pháp Hoa như là một nhà lửa tam giới, tham-dục bùng cháy từng giờ
từng phút. Nơi tâm tính con người quay đảo cho nên ta sợ ngươi không sao chịu nổi
những chuyện chướng tai gai mắt khôn lường ở dưới đó.
Khẽ vuốt chòm râu dài, Quan Vân Trường ngửa mặt lên trời, cười ha hả, đáp:
-Bồ Tát,
tôi quá ngũ quan trảm lục tướng, lấy đầu Nhan Lương, Văn Xủ như trở bàn tay, một
mình phó hội Giang Đông như vào chỗ không người, xông pha trăm trận, gươm kề cổ
không biến sắc, Hoa Đà dùng dao cắt nạo máu mủ, xương thịt mà vẫn điềm nhiên uống
rượu thì xá gì những chuyện nhố nhăng ở trần gian.
Vẫn với nụ cười hiền từ, Bồ Tát Mục Kiền Liên nói:
-Vân Trường
à, ngươi chớ tự thị.
Để ta nói
cho ngươi biết.
Xông pha
vào mũi tên hòn đạn. Thấy quân thù không nao núng
mà hăng say tiến lên …đại loại như thế gọi là huyết dũng. Thấy chuyện bất bình
không phải chuyện mình mà can thiệp. Trọng nghĩa kinh tài. Trung quân ái quốc…đại
loại như thế gọi là khí dũng. Giận hờn không lộ ra mặt, thắng không kiêu, bại
không nản. Vinh hoa phú quý coi nhẹ. Được thua vẫn vững như bàn thạch. Chỉ vì
hoài bão mà đi tới…đại loại như thế gọi là thần dũng. Từ bỏ cung vàng điện ngọc,
giã từ bao nhiêu cực phẩm, cực quý, tiện nghi của thế gian, trừ sạch
tham-sân-si, phá bỏ tự ngã, không mê chấp, diệt hẳn ái- dục, tâm đại định, lòng
từ bi chiếu sáng như mặt trăng, mặt trời.
Đây là
Bi-Trí-Dũng của chư Phật và Bồ Tát. Xét cho cùng ra, lòng can trường của ngươi
mới chỉ liệt vào hàng khí dũng mà thôi. Do đó ta e ngươi không sao chịu nổi những
chuyện đảo điên, khen chê, quái đản của thế gian.
Dù nghe Bồ Tát Mục Kiền Liên biện giải thế Quan Vân Trường vẫn cứ nằng nặc:
-Bồ Tát cứ
để tôi thử một lần cho biết. Tôi hứa với Bồ Tát là không nổi máu sân-si cho dù
gặp chuyện chướng tai gai mắt như thế nào đi nữa.
Biết tính khí Quan Vân Trường và cũng là dịp để Vân Trường học hỏi thêm về tính
nhẫn nhục, Bồ Tát Mục Kiền Liên nói:
-Được rồi
ta sẽ đưa ngươi đi. Nhưng ngươi chớ nổi cáu với chuyện đảo điên của thế gian
nhé.
Bằng sức thần thông, Bồ Tát Mục Kiền Liên đưa Quan Vân Trường tới thăm một khu
thương mại đông đúc nhất của Hồng Kông. Vào thời điểm này Hồng Kông đã được
chuyển giao cho Hoa Lục nhưng sinh hoạt làm ăn buôn bán không có gì đổi khác. Tại
các tiệm bán lợn quay, mì, hủ tíu, tỉm-sấm, nhà hàng, tạp hóa, siêu thị, nữ
trang, văn phòng bán bảo hiểm, vé máy bay, bán đồ kỷ niệm, bán trái cây, bánh kẹo,
giầy dép, băng nhạc, tiệm chụp hình, tranh ảnh, văn phòng các bác sĩ, nha sĩ,
tiệm thuốc tây, tiệm chụp hình, tiệm uốn tóc, mỹ viện, mỹ phẩm, ông thầy phong
thủy, thày thuốc đông y, chuyên viên xoa nắn, thậm chí cả các ngân hàng, văn
phòng địa ốc…cũng đều có một cái trang sơn màu đỏ. Tượng của Quan Công, mặt đỏ
râu dài, tay cầm thanh long đao dưới luồng ánh sáng bập bùng tỏa ra từ mấy chiếc
đèn đỏ đã tạo cho cái trang và nhất là bức tượng đầy vẻ huyền bí, uy
nghi. Sau khi dạo một vài vòng, nhìn vào một rừng những cái trang đó, Quan Vân
Trường vuốt râu cười ha hả, nói:
- Bồ Tát
có thấy không? Đâu đâu người ta cũng trưng bày và thờ phượng hình tượng của Vân
Trường này. Xét ra tôi còn nổi tiếng hơn cả huynh trưởng tôi. Bao nhiêu nhân vật
lẫy lững của thời Tam Quốc như Khổng Minh, Bàng Thống, Tào Tháo, Chu Du, Lữ
Mông, Lữ Bố, Tư Mã Ý cũng không thể sánh bằng Vân Trường. Sao Bồ Tát lại nói
lòng người ở chốn thế gian này đảo điên?
Nói đến đây Quan Vân Trường lại đắc chí, vuốt râu ngửa mặt lên trời cười ha hả.
Thấy vậy Bồ Tát Mục Kiền Liên nhỏ nhẹ nói:
-Vân Trường
à, ngươi chớ tự thị. Ngươi chỉ nhìn thấy chỗ này mà không biết được chỗ kia. Hình
tượng của nhà ngươi quả thật được thờ phượng lan tràn ở đây. Nhưng không phải họ
thờ phương vì tôn kính những đức tính của nhà ngươi đâu. Ta thật sự không hiểu
vì duyên cớ gì mà trần gian, nhất là người Tàu lại biến ngươi - một võ tướng
trung cang, nghĩa khí thành một ông thần tài, tức là một ông thần dẫn khách
hàng đến cho những con buôn đang làm chủ các cửa tiệm kia. Còn tại các đại học,
các trung tâm văn hóa, các thư viện, nếu ngươi có dịp đến đó thì chẳng một ai đề
cập đến nhà ngươi, chẳng ai trưng bày hình ảnh của nhà ngươi cả? Có chăng chỉ
là một vài giây phút đọc tiểu thuyết để giải khuây mà thôi. Ta hỏi thật, bản
thân nhà ngươi có khả năng hoặc thần lực nào để kéo hay dụ khách hàng đến cho
các tiệm - chẳng hạn như tiệm bán lợn quay, bánh bao kia không?
Nghe Bồ
Tát hỏi vậy, đang cao hứng, mặt Vân Trường xụ hẳn xuống, nói như muốn nổi cáu:
-Sao Bồ
Tát hỏi thế? Lúc còn sống, nếu có phép thần thông thì Vân Trường này đâu có bị
Lữ Mông chém đầu? Sau khi chết rồi, may nhờ sư cụ giảng giải, Vân Trường được
thoát sanh về Cung Trời Đao Lợi, hơn 1800 năm rồi chẳng hề đi đâu, làm sao có
khả năng dẫn mối, dẫn khách hàng đến cho bọn con buôn ở dưới trần gian này? Chà
chà, bọn này nhục mạ Vân Trường quá đỗi! Ta vào sinh ra tử để khuôn phò Hán thất
chứ đâu phải đứng đây để canh giữ cửa tiệm cho các ngươi!
Nói rồi Quan Vân Trường săn tay áo, sấn tới toan đạp đổ mấy chiếc trang thờ ở mấy
cửa tiệm. Rất may là Bồ Tát Mục Kiền Liên đã ngăn kịp rồi hiền từ nói:
- Vân Trường
không được làm thế. Thôi chúng ta đi khỏi nơi đây. Ta sẽ dẫn nhà ngươi đi tới một
chỗ khác để nhà ngươi có dịp tìm hiểu thêm về tâm tính bất thường của thế giới
này.
Rồi bằng sức thần thông, chỉ trong chớp mắt, Bồ Tát Mục Kiền Liên đưa Quan Vân
Trường tới Khu China Town của Thành Phố San Francisco. Người Trung Hoa, dù di
cư qua Tân Thế Giới làm phu đắp đường xe lửa lúc tóc còn quấn đuôi sam, vẫn còn
giữ mãi cổ tục như lúc ở Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến v.v…Giống như các khu
thương mại ở Hồng Kông, khắp nơi tràn đầy trang thờ Quan Vân Trường. Một bà Tàu
đang sửa sang lại lễ lạc bao gồm vài cái bánh, nải chuối và ly nước lạnh. Sửa
xong bà cầm ba cây nhang, kính cẩn đưa lên đầu. Óc tò mò nổi lên, Quan Vân Trường
tiến tới, đứng bên cạnh để xem bà Tàu này nói gì. Bằng một giọng cung kính, khẩn
thiết, bà Tàu lâm râm khấn vái:
“Kính
lạy Quan Ngài! Ngộ cắn rơm cắn cỏ kính lạy Quan Ngài! Cái tiệm hủ tíu của ngộ
nó ế khách quá...”
Nghe tới
đây thì Quan Vân Trường đã phần nào hiểu được tự sự, máu nóng nổi lên, Vân Trường
túm lấy vai của bà Tàu lắc mạnh, nói:
- Hầy à!
Nị đừng có nói nữa! Ta không giúp được nị đâu!”
Thế nhưng
bà già Tàu vì không nghe được tiếng nói của Vân Trường cho nên vẫn tiếp tục khấn:
- Cái tiệm
hủ tíu trước đây ngộ mua một trăm ngàn. Nay thời giá là hai trăm ngàn. Nếu Quan
Ngài giúp ngộ bán được hoặc sang được thì ngộ sẽ cúng Quan Ngài một con heo
quay!”
Nghe tới đây thì Quan Vân Trường nộ khí xung thiên, giận dữ bước tới đạp tung
cái trang, quát lớn:
- Bá ngọ
cái nị! (*) Ông nội ngộ cũng không bán được cái tiệm hủ tíu này cho nị! Ngoài
ra nị tham quá trời mà! Nị lời một trăm ngàn mà chỉ cúng ngộ có một con lợn
quay thôi! Cúng xong rồi lợn quay vẫn thuộc về nị ! Ngộ có ăn được đâu? Thôi đừng
làm chuyện điên khùng nữa!
Trước tình thế bất ngờ như vậy, Bồ Tát Mục Kiền Liên không còn cách nào hơn là
đưa ngay Quan Vân Trường trở lại Cung Trời Đao Lợi.
♦ ♦ ♦
Dù đã về tới nơi, dù đã nghe lời khuyên giải, râu Quan Vân Trường vẫn còn dựng đứng lên vì tức giận. Kể từ đó, mỗi lần nghĩ đến chuyện trần gian, Quan Vân Trường hết sức ngán ngẩm, thấm thía lời dạy của Bồ Tát và không bao giờ muốn quay trở lại cái thế giới kỳ lạ này.
Đó là một
thế giới ảo mộng, khống chế bởi thần quyền, còn trí tuệ thì lu mờ. Vạn pháp
quay đảo, luân hồi, lui tới. Chúng sinh lao vào trận đồ Tham-Ái-Dục như thiêu thân, nhận lấy rồi
bỏ đi, tin đó rồi ruồng bỏ đó, thương đó rồi ghét đó, khen đó rồi chê đó, tôn
thờ đó rồi phỉ báng đó, lòng hận thù thì lớn hơn cả vũ trụ còn tình
thương thì chưa chứa đầy tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Tất cả đều quay như chong chóng trong cái trục
gọi là Vô Minh.
Đào Văn
Bình
(Trích
tuyển tập Mê Cung xb năm 2019, Amzon phát hành)
(*) Ngày
xưa khi các vị sư tức giận không “mắng chửi”thô tục như chúng ta mà dùng
hai chữ “bá ngọ”.
Đăng nhận xét