KÍNH MỜI CHIA SẺ TRUYỆN NGẮN MỚI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA & 3 TRUYỆN NGẮN KHÁC

  KÍNH MỜI CHIA SẺ TRUYỆN NGẮN MỚI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA & 3 TRUYỆN NGẮN KHÁC CUA HOÀNG HẢI THỦY-LAN KHẮC-AN HÒA


Truyện ngắn mới: "Uổng Phí Đời Hoa" (Tháng Sáu 2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa

Mời đọc truyện ngắn thứ sáu trong 

loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.  

Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

           https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

          https://dconnect.co.jp/friend/

 ***

Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

6. Uổng Phí Đời Hoa

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Từ đầu thập niên 1980, chính phủ liên bang Hoa kỳ thúc đẩy cạnh tranh trong ngành hàng không thương mại bằng cách bãi bỏ quy luật kiểm soát giá cả, dịch vụ, và đường bay, và để công ty mới tự do nhảy vào thị trường.  Để thu hút khách hàng di chuyển với mục đích riêng, hãng máy bay đặt ra quy tắc muốn được hưởng giá rẻ (khoảng 60 phần trăm giá “thường”), hành khách phải ở lại ít nhất ba đêm và ngày thứ Bảy trước khi trở về điểm khởi hành.  Nhờ vậy, mỗi khi đi họp ở vùng đông bắc gần Toronto, Gia Nã Đại, tôi lợi dụng cách đặt giá ấy để bay sang Toronto mà không phải dùng tới tiền nhà.  Cô thư ký Charlotte luôn luôn tìm ra vé máy bay cho tôi đi Toronto ở lại cuối tuần rẻ hơn vé cho tôi về nhà ngay sau khi họp.

Tôi viết bài “Đố Vui Để Chọc” hàng tháng cho tạp chí Xxxx Việt ở Toronto, thỉnh thoảng viết về các khám phá khoa học hay toán học mới, cổ động cho tờ báo bằng cách mua báo dài hạn tặng bạn bè khắp Hoa kỳ, và ngoài ra, không giữ nhiệm vụ chính thức nào ở Xxxx Việt.  Tuy nhiên, người chủ trương tờ báo là Bảo chơi thân với tôi từ thời học trường kỹ sư và xem tôi như bạn đồng hành thân tín trong việc đấu tranh.  Tôi kính trọng và yêu mến các bạn Xxxx Việt về tinh thần chống Cộng tích cực, ăn cơm nhà vác ngà voi, mong được phụ giúp bất cứ việc gì trong tầm tay, và do đó thường cố tìm cách bay sang Toronto với bạn.

Lần này tôi đến Toronto chiều thứ Sáu cuối cùng của tháng Hai, nhằm kỳ họp mỗi cuối tháng mà anh em Xxxx Việt họp mặt ăn uống và thảo luận công tác cần làm cho cộng đồng tỵ nạn.  Hôm nay họp ở nhà Hiền, người phụ trách phần trị sự của tòa soạn.  Sau khi mọi người ăn xong, Bảo nhìn quanh đằng hắng dọn giọng rồi hỏi,

            “Mấy ‘ông’ có ai xem chương trình 60 Minutes phát hình hai tuần vừa rồi trên băng tần CBS của Buffalo, New York không?  Tôi nghi bên nhà sẽ có thay đổi chính trị lớn vì thằng Việt Cộng bỗng dưng đâm tử tế, bày đặt trò cởi mở, và mở cửa mời Marlos Schafer vào phỏng vấn một số nhân vật trong nước.”  CBS là tên gọi tắt của hệ thống truyền hình Columbia Broadcasting System.

60 Minutes là tạp chí tin tức truyền hình của CBS phát hình một tiếng đồng hồ mỗi tối Chủ Nhật và gồm những cuộc phỏng vấn trong đó phái viên CBS phơi bày mặt trái những sự việc mà chính phủ hay công ty lớn khắp thế giới che dấu hoặc công bố lệch lạc với công chúng.  Sinh ở Toronto và vừa dân Gia Nã Đại vừa dân Mỹ, Schafer là phái viên kỳ cựu nhất của 60 Minutes và từng làm thông tín viên CBS tại Việt nam trong thời kỳ chiến tranh.  Hiền cười nụ trả lời,

            “Nhờ anh chỉ, tui bắt băng tần CBS theo dõi kỳ phát hình thứ nhất có phỏng vấn Võ Nguyên Giáp.  Ông tướng già mặt phinh phính đáng ghét lột bỏ cái áo đại cán nhà quê thường lệ, diện vô bộ âu phục láng coóng sang như Tây, và không tỏ chút gì hối hận đã gửi bộ đội vào Nam để bị nướng trọn trong trận Tết Mậu Thân.”

            “Hiện giờ ông Giáp chẳng có quyền hành gì thực sự,” một người bạn trẻ xen vào, “Bọn đàn em cầm quyền hạ nhục bằng cách bắt ổng làm chủ tịch Ủy ban Sanh Đẻ có Kế hoạch nên dân gian có câu vè mỉa mai,

Ngày xưa Đại tướng cầm quân,

Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em.”

            “Việt Cộng chọn mặt gửi vàng mời Schafer vì thành tích nghịch lại chính phủ Mỹ của ông ta.  Hồi đó, Schafer làm cho Tòa Bạch Ốc và Ngũ giác đài một phen bối rối khi cố tình loan tin thiếu sót và bẻ quẹo vụ lính Mỹ đốt nhà dân làng Cẩm Nê,” Bảo giải thích.

Tháng Bảy năm 1965, căn cứ quân sự Mỹ ở Đà Nẵng thường bị Việt Cộng (“VC”) pháo kích, phá hủy phi cơ và gây thương tích cho lính Mỹ.  Do đó, hàng ngày các toán Thủy quân Lục chiến Hoa kỳ (“TQLCHK”) được gửi đi tuần tiễu ngoài căn cứ.  Họ thường bị du kích VC ẩn nấp trong thôn Cẩm Nê 4 bắn sẻ; đó là một trong sáu thôn của làng Cẩm Nê cách Đà Nẵng chừng 10 cây số về hướng nam.  TQLCHK đến thì VC rút, người già, phụ nữ, và trẻ em ở lại bất hợp tác và ngậm miệng như hến.  Cuối một ngày đầu tháng Tám, khoảng một đại đội VC xuất hiện tấn công dữ dội khiến bốn người lính Mỹ bị thương và một em bé thiệt mạng.  Một tuần sau, TQLCHK lại bị phục kích, hai người lính Mỹ tử trận và hơn 20 người lính khác bị thương.  Cùng kế, TQLCHK phải dùng tới giải pháp dời dân thôn đến nơi tạm trú có sẵn rồi đốt những căn lều VC đã dùng nấp bắn.  Không may, chuyến này có phóng viên Schafer đi theo săn tin.  Ông quay cảnh lính Mỹ dùng bật lửa đốt một căn lều và truyền đi khắp thế giới mà không giải thích ngọn ngành.  Quần chúng Hoa kỳ phẫn nộ – lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt nam.

Kể đến đây, Bảo cười ha hả,

            “Thằng Việt Cộng ngu ngơ không biết nghề của chàng là phơi bày mặt trái sự việc, chứ chàng không thân Cộng bao giờ.  Đã phỏng vấn ông tướng ‘cầm quần’ thì phải phỏng vấn người bất mãn chế độ là bác sĩ Vương Quỳnh Như.  Bà này can đảm thú nhận với Schafer và cả thế giới bà đã hoàn toàn sai lầm khi mù quáng đi theo Cộng sản.”

            “Bà Quỳnh Như là bộ trưởng bộ Y tế của con múa rối Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam của Hà nội, phải không anh?” Hiền xen vào.

            “Chính bà đó,” Bảo gật đầu, “Sau năm 1975, thấy rõ thực chất của con múa rối và chính sách vô nhân đạo của Hà nội đối với dân miền Nam, bà tỉnh ngộ và cực kỳ thất vọng.  Không đứng tên ứng cử vào quốc hội như được chỉ định, không nhận chức thứ trưởng bộ Y tế phụ trách phía Nam mà Hà nội đề  mộng, và nhất định xin ra khỏi đảng.  Bà nói với Schafer,

Trong thời chiến, chúng tôi sống gần nhân dân, trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay, đảng xem nhân dân là kẻ thù tiềm ẩn.”

* * *

Quỳnh Như sinh năm 1930 tại Sài gòn và là con thứ sáu và con út của một gia đình trí thức giàu có sống trong ngôi biệt thự trên đường Bà Huyện Thanh Quan ngay góc đường Hồng Thập Tự.  Bà học trung học ở trường Chasseloup Laubat (sau này gọi là Jean-Jacques Rousseau), sang Paris học y khoa, và trong thời gian ở Pháp, gia nhập đảng Cộng sản Pháp.  Tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa và sản phụ khoa, bà về Sài gòn làm việc tại bệnh viện Nhi đồng và ngoài giờ làm việc tiếp bệnh nhân ở phòng mạch tư trên đường Lê văn Duyệt.  Là VC nằm vùng với bí danh Thùy Dương, bà có  có nhiệm vụ móc nối với trí thức Sài gòn để dụ họ hoạt động cho VC.

Gia đình thượng lưu, học lực cao, nghề nghiệp thành công, và tiền của dư dả, nhưng nhan sắc trung bình nên Quỳnh Như khó lòng tìm được ý trung nhân xứng đáng trong xã hội Việt nam thời bấy giờ.  Người nghèo và kém tài hơn thì không dám với lên.  Kẻ giàu có và ngang tay thì hoặc đã có vợ hay người yêu, hoặc muốn kén chọn thiếu nữ trẻ đẹp hơn.  Không biết do tình cờ hay hữu ý, bà và bác sĩ Thụ “may mắn” gặp nhau.  Ông tốt nghiệp ở Pháp về, đã lớn tuổi nhưng còn độc thân, ăn nói lịch thiệp, và đang giữ chức vụ tổng giám đốc thông tin Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) ngang hàng với bộ trưởng.

Chẳng bao lâu, hai người trở thành đôi bạn tình thắm thiết.  Ngoài mặt, cặp tình nhân chung sống đầm ấm và hạnh phúc, nhưng bên trong, mỗi người kín đáo dùng người kia để theo đuổi mục đích riêng:  Quỳnh Như dò la bí mật của chính phủ VNCH, và ông Thụ theo dõi hành động các nhà trí thức thân Cộng.  Đệ nhất Cộng hòa đổ, ông thất thế bị đẩy lên Bảo Lộc làm trưởng ty Y tế Lâm Đồng.  Phòng không chiếc bóng, ông buồn tình cua cô nữ hộ sinh trưởng làm việc dưới quyền rồi cưới làm vợ.  Quỳnh Như khổ đau oán hờn.  Vừa bị người tình phản bội, vừa mất đi một nguồn tin tình báo quý báu và một thế lực chính trị che chở.

Khi VC tấn công Tết Mậu Thân, thấy hành tung sắp bại lộ, Quỳnh Như hoảng sợ mang vàng bạc bỏ trốn vào bưng qua ngõ Ba Thu - Mỏ Vẹt, vùng đất thuộc tỉnh Long An nằm giữa hai nhánh sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.  Từ đó đến sào huyệt VC, bà phải đi băng qua đồng Chó Ngáp, cánh đồng nằm hàng ba giữa ba tỉnh Bạc Liêu, An Xuyên (Cà Mau), và Kiên Giang, rộng đến nỗi sau khi chạy từ đầu đến cuối, chó cũng lè lưỡi ngáp vắn ngáp dài.

Quỳnh Như được đảng dán cho cái bí danh Bảy Hồng cho ra vẻ người “làm cách mạng”; “Hồng” ám chỉ đảng Cộng sản.  Bà gặp ông Nghệ, ông vào bưng cùng một đợt với bà, và hai người được “tổ chức” tác hợp thành vợ chồng.  Ông đậu bằng Tiến sĩ Khoa học (Docteur ès-sciences) về toán ở Pháp và về nước dạy trường trung học Pétrus Ký rồi làm việc cho nha Ngân sách và Tài chánh VNCH trước khi theo VC.

Có gia đình, Quỳnh Như chấp nhận rủi ro khi quyết định mang thai và sinh con ở tuổi tứ tuần.  Thời đó, ngay cả giới y khoa tây phương cũng khuyên phụ nữ 40 tuổi trở lên không nên sinh con vì sẽ sinh khó và con sẽ èo uột khó nuôi.  Phương chi trong bưng không có phương tiện y tế hay thuốc men.  Quả nhiên, cậu con trai tên Sinh qua đời khi mới tám tháng.  Giữa buổi phỏng vấn dài dòng với Schafer, mắt bà bỗng đẫm lệ,

Biến cố đau buồn nhất là cái chết của con tôi, đứa con trai độc nhất.  Chết vì bệnh sưng não, trong rừng không tìm đâu ra thuốc chữa.

Ông Nghệ sớm nhận ra sự thực và không nhận chức bộ trưởng bộ Kinh tế rỗng tuếch của cái chính phủ hữu danh vô thực.  Ông được đưa ra Bắc huấn luyện ở trường đảng để “cải tạo tư tưởng,” nhưng trong khi học, ông phân tích và chứng minh chủ nghĩa Cộng sản sai lầm từ căn bản rồi rời bỏ trường.  Nhà trí thức tỉnh mộng, nhưng đã trót phóng lao, phải theo lao.

* * *

Tháng Giêng năm 2004, theo lệnh của Hà nội, hội Nạn nhân Chất Độc Da Cam/Dioxin Việt nam và một số nguyên đơn khác nộp đơn kiện 33 công ty hóa chất chế tạo Orange Agent tại tòa án liên bang Hoa kỳ ở New York.  Orange Agent, VC dịch là “chất độc da cam,” là thứ thuốc khai quang mà Không quân Hoa kỳ rải trong rừng già dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và trên các mật khu Việt Cộng để dễ dò tìm động tịnh của chúng.  Quỳnh Như và bé Sinh có tên trong danh sách nguyên đơn, nhưng trong cuộc gặp gỡ bạn bè tại Paris vào trung tuần tháng Năm, bà cho biết,

Người ta đặt tôi vào một fait accompli [sự đã rồi].  Ghi tên tôi vào hồ sơ kiện mà không có sự đồng ý của tôi và không thông báo cho tôi biết.  Họ chỉ đến mời tôi hợp tác sau khi một ký giả Úc thấy tên tôi trong vụ kiện và xin phỏng vấn.  Tôi đồng ý gặp ký giả với điều kiện có quyền nói sự thật:  Tôi không khởi xướng vụ kiện và không muốn kiện Hoa Kỳ về “chất độc da cam.”

Dĩ nhiên cuộc phỏng vấn với nhà phóng viên Úc không bao giờ xảy ra.  Bà nói thêm,

Trong khi đảng Cộng sản bị ám ảnh về chuyện nhiễm độc dioxin, năm 1971 tôi khám nghiệm tại Pháp và được xác nhận lượng dioxin trong máu ở dưới mức trung bình.

Ngày luật sư nộp đơn khởi tố ở New York, Hà nội họp báo xuất quân rầm rộ, chắc mẩm phen này sẽ thắng lợi to.  Nhưng rồi quan tòa bác bỏ vụ kiện vì đòi hỏi của nguyên đơn không có căn bản pháp lý, và nguyên đơn không trưng bằng cớ cho thấy Orange Agent gây ra bệnh tật của nạn nhân trong đơn kiện.  Luật sư của Hà nội liền kháng án lên tòa phá án.

Hơn hai năm sau, tòa phá án nhóm để duyệt xét vụ án.  Lần này, Hà nội gửi bốn nạn nhân “chất độc da cam” Việt nam mắc bệnh hiểm nghèo sang Hoa kỳ để “tham dự điều trần.”  Điều trần về vấn đề gì, với ai, và ở đâu – không ai  nói.  Trong hệ thống tư pháp Hoa kỳ, tòa trên chỉ duyệt lại quyết định của tòa dưới, chứ không xử lại và không nghe (hear) nhân chứng.  Do đó, tòa phá án chỉ cần luật sư hai bên nộp bản cáo trạng (brief) nói rõ các sự việc và điểm luật pháp để bênh vực thân chủ mình, và đến ngày nhóm, nghe họ tranh luận miệng.  Và tòa phá án y án tòa dưới.

Lỡ lầm tin theo bọn người ngu xuẩn và gian dối, Quỳnh Như đã uổng phí đời bác sĩ tài cao.  Bà mất năm 2006 tại Sài gòn, trong sự hất hủi của chính quyền VC.

Nguyễn Ngọc Hoa

                       Ngày 14 tháng Sáu, 2023

                                                                       ***

1/ Đa thọ đa khổ _(Hoàng Hải Thủy)

2/ Câu chuyện Đạo gia: Con người có thể mang theo những gì khi chết? (Lan Khắc )

3/ Nhân sinh vô thường, sống tùy duyên mới an nhiên tự tại( An Hòa)

1/ Đa thọ đa khổ _(Hoàng Hải Thủy) 

2/ Câu chuyện Đạo gia: Con người có thể mang theo những gì khi chết? (Lan Khắc )

3/ Nhân sinh vô thường, sống tùy duyên mới an nhiên tự tại( An Hòa)

***

Đa thọ đa khổ

Hoàng Hải Thủy

 Người Tầu có thành ngữ “Ða thọ đa nhục” : Người sống lâu bị nhục nhiều. Ông cha tôi – các ông Việt ngày xưa – hay dùng thành ngữ “Ða thọ đa nhục”.


Tôi không cho là người già bị nhục. Tôi thấy người ta càng nhiều tuổi càng khổ. 

  Khổ vì không còn hưởng thụ gì được sự đời mà phải chịu những bệnh tật do già yếu sinh ra : 

***  Người già không tự lo được cho thân mình, mắt mờ, tai điếc, trí nhớ mất, sống nhờ người khác. Người già vua chúa hay cùng đinh, tỷ phú hay anh nghèo rớt mồng tơi một xu dính túi không có, kẻ quyền uy chấn động thế giới một thời hiển hách, hay anh phó thường dân cả đời cơm nhà, quà vợ, khi tuổi già đến đều có những nỗi khổ như nhau.
 
Người ta qua 60 tuổi được kể là già. Ở Việt Nam những năm 1940 – 1950 người 50 tuổi được gọi là cụ. Khổng Tử chỉ nói về Người đến tuổi 70 : “Thất thập nhi tùy tâm sở dục”. Tôi nghĩ ông muốn nói : “Người bẩy mươi tuổi muốn làm gì thì làm”. Nhưng người bẩy mươi tuổi còn làm gì được nữa. Người bẩy mươi cả Bốn Tứ Khoái đều không hưởng được, không làm được.
 
Năm nay – 2013 – tôi tám mươi tuổi. Một ngày đầu Xuân Kỳ Hoa Ðất Trích 2013, tôi viết bài này. 

Năm 2000, khi chia tay nhau lúc nửa đêm ở trước một Nhà Dành Cho Người Già Thu Nhập Thấp – Housing for Old Seniors Low Income - ở San Jose, ông bạn già của tôi nói : “Ðọc những bài viết của toa để nhớ, để thương Sài Gòn của chúng ta”. 

Ông cầm tay tôi nói : “Viết. Viết nữa. Viết đến năm toa tám mươi. Viết cho bọn moa đọc”. 

Ðêm mùa đông San Jose lạnh giá bao quanh chúng tôi khi chúng tôi từ biệt nhau, chúng tôi bắt tay nhau lần cuối.
 
Năm 2000 tôi 68 tuổi. Ông bạn HO già hơn tôi năm, sáu tuổi, tôi không biết hôm nay ông còn ở cõi đời này hay không. 

 Thời gian và không gian làm chúng tôi không biết nhau sống chết ra sao. 

Tám mươi tuổi tôi vẫn viết. Tôi không còn viết phóng tác truyện dài. Tôi viết những bài như bài này.
 
Thời gian Sống, Yêu và Viết của tôi không còn bao lâu nữa, nên với nỗi Buồn vì phải xa mãi những người tôi yêu thương, hôm nay tôi viết những dòng chữ này.

 O O o

 Tôi bị ám ảnh bởi cái Chết, tôi ghét Chết, tôi sợ Chết, tôi không muốn Chết. 

Không phải bây giờ trong tuổi già, tuổi gần đất, xa trời, tôi mới sợ Chết, tôi sợ Chết từ những năm tôi năm, sáu tuổi, khi tôi bắt đầu biết suy nghĩ.

Nhà tôi ở cuối thị xã Hà Ðông, nhà có lầu, tiếng Bắc là nhà gác, nhà hai tầng. Trên gác nhìn ra tôi thấy cánh đồng với những nấm mồ rải rác trong những ô ruộng, ở gác sau nhìn ra tôi thấy Nhà Thương Hà Ðông và bãi tha ma ở cuối Nhà Thương. Những đêm mưa tôi thấy những chấm lửa lập lòe trong bãi tha ma. Về sau tôi biết đó là những ánh đèn của những người đi soi bắt ếch. Những năm xưa ấy tôi tưởng đó là những đốm lửa ma trơi.

Năm tôi năm, sáu tuổi, mẹ tôi 27, 28 tuổi. Tôi sợ mẹ tôi chết, người ta đem mẹ tôi ra chôn ở ngoài đồng. Mẹ tôi phải nằm một mình giữa cánh đồng vắng, lạnh, cô đơn, nơi mẹ tôi nằm ngập nước, đêm đông, mưa phùn, gió bấc, mẹ tôi khổ biết chừng nào. Ðó là nguyên nhân thứ nhất làm tôi ghét Chết, tôi sợ Chết.
 
Mời bạn đọc một chuyện Sống, Yêu và Chết tôi thấy trên Internet.

* Trong phiên xử ở Tòa Án Phoenix, Arizona, bị cáo là Ông George Sanders, 86 tuổi, bị xử vì tội giết vợ. Tất cả mọi người có mặt tại tòa, từ công tố viên đến chánh án, kể cả con cháu của kẻ bị cáo, đều thấy bị cáo phạm tội giết người, nhưng tất cả đều cho rằng đây là trường hợp pháp luật nên thông cảm, thương hại, tha thứ hơn là trừng phạt kẻ có tội. Anh cháu của bị cáo George Sanders nói trước tòa :

 - Ông tôi sống để thương yêu bà tôi. Suối đời ông tôi làm mọi việc để bà tôi có hạnh phúc. Mối tình của ông bà tôi là mối tình lớn. Tôi tin ông tôi bị bắt buộc phải làm việc ấy vì yêu thương bà tôi, bà tôi chịu đau quá nhiều rồi, ông tôi không thể để bà tôi chịu đau nhiều hơn nữa.

 Ông Sanders bị bắt Tháng Bẩy năm 2012 sau khi ông nói với cảnh sát bà Virginia, vợ ông, 81 tuổi, xin ông làm bà chết. Vì ông Sanders nhận tội nên tòa án không dùng đến đoàn bồi thẩm, nhưng ông vẫn có thể bị kết án đến 12 năm tù.

 Bà Virginia bị bệnh nan y năm 1969, bà liệt bại, bà phải ngồi xe lăn. Năm 1970, ông bà sang sống ở Arizona vì khí hậu ở đây ấm nóng. Ông Sanders là Cựu Chiến Binh Thế Chiến II. Ông là người nuôi và săn sóc bà vợ. Ông nấu ăn cho bà, làm mọi việc trong nhà. Mỗi sáng ông giúp bà trang điểm, mỗi tháng ông đưa bà tới Nhà Thẩm Mỹ để bà làm tóc, làm móng tay.

 Năm tháng qua, sức khoẻ của ông Sanders suy mòn. Ông phải đặt máy trợ tim, ông không còn săn sóc chu đáo được bà. Rồi bà Virginia bị ung thư phá ra ở chân, bà phải vào một Nursing home để người ta lo cho bà sống qua những ngày tàn cuối đời. 

 Ông Sanders nói với những viên chức điều tra :

 - Ðây là giọt nước làm tràn ly nước. Virginia nhất quyết không chịu vào Nursing home. Vợ tôi tự cắt những ngón chân bị ung thối.

Ông nói :

- Vợ tôi xin tôi cho bà ấy chết. Tôi nói tôi không thể.

Vợ tôi nói :

- Anh làm được mà. Em biết anh làm được.

Sanders cầm khẩu súng lục, ông lấy khăn bông quấn ngoài khẩu súng, nhưng ông không sao bóp cò súng được. 

Ông kể :

- Vợ tôi nói : Bắn đi anh. Cho em được chết.??

Tôi nói lời cuối với vợ tôi :

- Em sẽ không cảm thấy đau.

Và :

- Anh yêu em. Vĩnh biệt em. Tôi nổ súng.

 Trước toà, người con trai của ông Sanders nói :

- Tôi muốn quý toà biết rằng tôi yêu thương mẹ tôi, tôi cũng yêu thương bố tôi như thế.

Steve Sanders, anh con, nghẹn ngào kể :

- Bố tôi yêu thương mẹ tôi trong 62 năm. 

 Những đau đớn thể xác và việc chịu đau vô ích đã làm bố mẹ tôi đi đến quyết định ấy. Tôi không kết tội bố tôi. Với tôi bố tôi là người tôi cảm phục nhất.

Ông già George Sanders chỉ nói trong khoảng một phút, giọng ông run run :

- Tôi gặp Virginia năm nàng 15 tuổi, tôi yêu nàng từ năm nàng 15 tuổi. 

Tôi vẫn yêu nàng khi nàng 81 tuổi. 

 Có nàng làm vợ là một ân phúc Thiên Chúa ban cho tôi. 

Tôi sung sướng được chăm sóc nàng. 

Tôi làm theo ý muốn của nàng. 

Tôi xin lỗi các vị vì vợ chồng tôi mà các vị phải bận lòng…!

 Ông Công tố đề nghị ông Chánh án không phạt tù giam George Sanders, ông nói tòa nên xử án treo. 

Ông Chánh án John Dilworth nói ông đặt nặng tình nhân đạo trong vụ án này. 

Ông nói :

- Bị cáo phạm tội giết người, nhưng được tòa giảm nhẹ mức án.

Ông tuyên phạt ông già George Sanders 2 năm tù treo. 

Tù treo không bị cảnh sát kiểm soát.

 O O o

 Chuyện ông bà Sanders làm tôi suy nghĩ lan man. Tôi nhớ chuyện Cái Bát Gỗ tôi đọc những năm tôi 10 tuổi. Anh con thấy ông bố già run tay, khi ăn hay đánh rơi bát cơm, bát vỡ. Anh làm cái bát bằng gỗ cho ông già ăn cơm. Ông có làm rơi bát, bát gỗ không bị vỡ. Một hôm anh thấy thằng con nhỏ của anh hí hoáy đục đẽo một cục gỗ, anh hỏi nó đục gỗ làm gì, con anh nói : “Con làm cái bát gỗ, để khi bố già, con cho bố ăn cơm”.

 Chuyện – dường như - ở trong sách Quốc Văn Ðộc Bản – đã 70 năm tôi không quên nó – nó đây là chuyện Cái Bát Gỗ - nhưng chẳng có dịp nào tôi nhớ nó. Hôm nay tôi nhớ nó. 

 ***

Từ sau năm 1975 ở Hoa Kỳ Nhà Xuất Bản Xuân Thu in lại tất cả những sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư. Nhưng sách Quốc Văn Ðộc Bản – sách có nhiều bài thật hay – thì không thấy in lại. Tôi không biết tại sao Quốc Văn Ðộc Bản không được in lại ở Hoa Kỳ. Tôi đã đọc lại tất cả những sách Giáo Khoa Thư được in lại ở Hoa Kỳ, tôi muốn đọc lại những bài trong Quốc Văn Ðộc Bản.
 
Tôi nhớ lâu rồi, từ những năm 1950 khi tôi chưa gặp Tình Yêu Vợ Chồng, tôi đọc trên trang sách nào đó lời một ông Tầu viết :
- Vợ chồng như hai con chim tình cờ cùng đậu trên một cành cây. Ðến lúc phải bay đi, mỗi con bay đi một phía.
Năm xưa còn trẻ, tôi muốn phản đối lời diễn tả trên. 

 Ông Tầu muốn nói vợ chồng là chuyện ngẫu nhiên, chẳng có tình nghĩa gì giữa vợ và chồng. 

Hôm nay tôi mới dịp viết ra lời phản đối.


Ông bác sĩ điều trị cho vợ chồng tôi mỗi tuần một ngày vào chẩn bệnh cho những ông bà già trong một Housing for Old Seniors – Housing này có nhiều ông bà già Mỹ trắng – ông nói :
- Có những cặp vợ chồng về già không nhìn mặt nhau”.
Lời kể của ông làm tôi buồn. Vợ chồng sống với nhau đến già, ở chung một nhà già – mỗi người một phòng – sắp ra nghĩa địa, sắp vào hũ sành mà thù hận nhau đến không nhìn mặt nhau ? 

 Thù hận gì dữ dội đến thế ? Những người ấy thật khổ.

Bát đại khổ não ghi Tám Nỗi Khổ Lớn của con người :
- Sinh, Lão, Bệnh, Tử : 4 Khổ ai cũng phải chịu.
- Muốn có mà không có : Khổ 5
- Có mà không giữ được : Khổ 6.
- Yêu nhau mà không được cùng sống : Khổ 7.
- Ghét nhau mà phải sống gần nhau : Khổ 8.

Có người chỉ phải chịu có 7 Khổ. Ðó là những người không yêu ai cả.
Nhiều người Việt phải chịu cả 8 Khổ. 

Ðó những người thù ghét bọn Việt Cộng mà cứ phải sống với bọn Việt Cộng.

 o O o

 Mùa thu mây trắng xây thành,

Tình Em mây ấy có xanh da trời.
Hoa lòng Em có về tươi,
Môi Em có thắm nửa đời vì Anh ?

 **

Tôi làm bài thơ trên Tháng Bảy năm 1954 ở Vũng Tầu, ngày chúng tôi yêu nhau. 

Cuộc Tình của chúng tôi đã dài trong 60 năm. 

 Cuộc Tình Vợ Chồng. 

Trong cuộc đời Tám Khổ này, nàng và tôi chỉ phải chịu có Bẩy Khổ. 

Năm 1979 nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, nhớ Nàng, tôi làm bài thơ :

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,

Hai mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.
Từ xanh đến bạc mái đầu,
Tình ta nước biển một màu như xưa.
Yêu bao giờ, đến bao giờ,
Thời gian nào rộng cho vừa Tình ta.
Hoa lòng Em vẫn tươi hoa,
Môi Em thắm đến Em già chưa phai.
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai,
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe Em.
Mặt trời có lặn về đêm,
Sớm mai Em dậy bên thềm lại soi.
Cuộc đời có khóc, có cười,
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay.
Thu về trời lại xanh mây,
Ðầy trời ta thấy những ngày ta yêu.
Càng yêu, yêu lại càng nhiều,
Nhớ Em, Anh nhắn một điều : “Yêu Em.”

 Năm 2013 tôi đổi hai tiếng trong bài thơ :

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,
Sáu mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.

 O O o

 12 giờ buổi trưa tháng Sáu, 2012, Nàng bước hụt, ngã nhào qua bốn bậc thềm cửa, nàng ngất đi. Ngồi bên nàng trong nắng trưa mùa hạ Virginia, chờ ambulance đến, nước mắt tôi ứa ra. Trong ICU – Ai Si Yu – Intensive Care Unit – tỉnh lại, nàng nói :

- Xin Thiên Chúa tha tội cho em.
Tôi nói 
- Em có tội gì ? Mà Em có tội gì, Thiên Chúa cũng tha cho Em rồi.


Nàng chỉ bị dập xương nên không bị mổ, không bị ghép xương, không phải bó bột. Về nhà nằm, uống Vitamin D, chờ vết xương nứt lành lại. Tình trạng bi đát. Nhiều người nói người trẻ khi bị nứt xương mới mong vết xương nứt liền lại, 

***  người già 70 thì vô phương. Nếu vết xương nứt không lành, nàng sẽ phải nằm mãi trên giường.***


Tôi hầu nàng ngày đêm. Gần như suốt ngày đêm, tôi xin Ðức Mẹ Maria cho nàng đi lại được. Tôi chỉ xin Ðức Mẹ cho nàng đi được từ giường ngủ vào nhà bếp, vào toilet, ra ngồi bàn ăn cơm, nàng tự tắm được. 

Bộ Xã Hội cấp cho nàng đủ thứ nàng cần dùng : Xe đẩy, gậy chống, ghế để ngồi tắm… 

 Chuyên viên y tế - therapist – đến nhà mỗi tuần ba lần, giúp nàng ngồi lên, tập đi. Một tháng sau nàng đi được.

 o O o

 Ba năm nay Nàng có tới ba, bốn lần đau nặng, hai ba lần nàng tự nhiên ngã. 

Một lần nàng hôn mê. 

Ðêm khuya trong bệnh viện, nằm trên cái canape nghe tiếng nàng thở khò khè, tôi nghĩ :
- Tiếng thở này tắt là…
Tôi cầu xin :
- Xin Mẹ cho vợ chồng con được sống với nhau 5 năm nữa.


Tôi không muốn tôi chết trước nàng, tôi không muốn nàng chết trước tôi. 

 Nàng chết trước tôi không biết tôi sống ra sao. 

 Tám mươi tuổi, tôi sống với nàng 60 năm, tôi sống dựa vào nàng. 

 Tôi sống bằng Tình Yêu của nàng.

Năm 1976 gặp lại nhau, Lê Trọng Nguyễn nói :
- Tao không biết mày có đi được không. Tao cứ tưởng mày làm USIS là mày đi được. Hôm tao gặp thằng S. ở trong khu nhà mày, tao hỏi nó mày có đi được không ? Nó nói mày không đi được. 

 Tao kêu lên : “Làm sao nó sống ? Nó sống bằng gì ? ” S. nó nói : “Nó sống bằng Tình Yêu của vợ nó”.Người bạn cùng tuổi tôi – 80 – lấy vợ cùng năm với tôi – năm 1954 – vợ chồng anh cũng sống với nhau 60 năm . Một sáng từ Cali anh gọi phone cho tôi báo tin vợ anh qua đời, tôi hỏi :

- Ðau lắm không ?
Ðau thì tôi biết bạn tôi đau nhưng tôi muốn biết anh đau đến ngần nào. Hỏi dễ, trả lời khó. Bạn tôi nói :
- Ðứt ruột, nát gan.
Lần cuối tôi gặp ông Lê Văn Ba, ông hơn tôi 10 tuổi, ông nói với tôi :
- Tôi nói với bà nhà tôi : Bà nên đi trước tôi là hơn, tôi đi trước bà, bà sẽ khổ lắm.

Năm sau ông đi trước bà. Ðứng bên quan tài ông, tôi nhớ lời ông nói. Ông bạn HO có bà vợ bại liệt, ông phải đưa bà vào Nursing Home. Ðể bà ở lại ông một mình lái xe về. Dọc đường ông run tay lái, mắt ông mờ. 

Ông đậu xe bên đường, xuống đi bộ vài vòng lấy lại tinh thần. 

Khi trở lại tìm xe, ông quên không nhớ ông đậu xe ở đâu. Ông mở cellphone gọi ông bạn đến giúp.

 O O o

 Người đời chỉ nói “Good bye”,

“See You next week, next time” là cùng.
Ðôi ta ngọc nữ, tiên đồng,
Ðôi ta Từ Thức vợ chồng Giáng Hương.
Ngàn đời vẫn nhớ, còn thương :
Em yêu, đã đến cuối đường :

“Good bye. See You next Life”.

 ***

Câu chuyện Đạo gia: 

Con người có thể mang theo những gì khi chết?
Lan Khắc

Đạo gia coi trọng nhân sinh, theo đuổi việc nhận ra giá trị của chính cuộc sống. Lý tưởng quan trọng của đạo gia chính là tu luyện trở về bản tính chân chính của con người, từ đó đắc Đạo thành tiên. Đạo gia thường chú trọng nghiên cứu về sinh mệnh, trong đó vấn đề sinh tử cũng là vấn đề quan trọng mấu chốt trong Đạo gia.

Dưới đây là một câu chuyện đạo gia kể về khoảnh khắc vừa từ giã cuộc sống của một người đàn ông. 

Lúc này anh mới nhận ra cuộc sống của mình ngắn ngủi như thế nào. Anh nhìn thấy sứ giả địa ngục đang tiến về phía mình với một chiếc hộp trên tay.

Sứ giả địa ngục nói: “Được rồi, mau đi thôi!”

Người đàn ông liền hỏi: “Nhanh như vậy sao? Tôi còn rất nhiều chuyện chưa làm xong”.

Sứ giả địa ngục trả lời: “Rất xin lỗi, nhưng thời gian của ngươi đã hết rồi”.

Người đàn ông hỏi tiếp: “Trong chiếc hộp này của ông đựng cái gì?”

Sứ giả địa ngục trả lời: “Là di vật của ngươi”.

Người đàn ông lại hỏi: “Di vật của ta à? Ý của ông là đồ, quần áo và tiền của ta sao?”

Sứ giả địa ngục đáp: “Những thứ này chưa bao giờ là của ngươi cả, chúng thuộc về trái đất”.

Người đàn ông lại hỏi: “Là ký ức của ta phải không?”

Sứ giả địa ngục đáp: “Không phải, chúng thuộc về thời gian”.

Người đàn ông đoán rằng: “Là tài năng của ta sao?”

Sứ giả địa ngục nói: “Không, chúng thuộc về hoàn cảnh.”

Người đàn ông hỏi tiếp: “Chẳng lẽ là bạn bè và người thân của ta?”

Sứ giả địa ngục đáp: “Không, chúng thuộc về hành trình mà ngươi đã đi qua”.

Người đàn ông hỏi: “Là vợ và con cái của ta phải không?”

Sứ giả địa ngục đáp: “Không phải, chúng thuộc về trái tim của ngươi”.

Người đàn ông nói: “Vậy nhất định là cơ thể của ta”.

Sứ giả địa ngục đáp: “Không, cơ thể của ngươi thuộc về cát bụi”.

Cuối cùng, người đàn ông khẳng định rằng: “Vậy chắc chắn là linh hồn của ta”.

Sứ giả địa ngục mỉm cười nói: “Ngươi hoàn toàn sai rồi, linh hồn của ngươi thuộc về ta.” 

Người đàn ông rơm rớm nước mắt nhận lấy chiếc hộp từ sứ giả địa ngục và mở ra, bên trong trống rỗng! 

Với những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, anh hỏi sứ giả địa ngục với trái tim tan nát “Chẳng lẽ ta chưa bao giờ sở hữu bất cứ thứ gì sao?” 

Sứ giả địa ngục: “Đúng vậy, trên đời này không có thứ gì thực sự thuộc về ngươi cả”. 

Người chết hỏi: “Vậy, cái gì là của ta?” 

Sứ giả địa ngục: “Mọi khoảnh khắc trong cuộc đời là của ngươi.” 

Một lời thức tỉnh người mê trong mộng ảo
Nhân sinh như mộng, trăm năm phù du, tựa như bóng ngựa trắng phớt qua khe cửa, cả đời tranh đoạt danh lợi lúc này cũng không thể mang theo, ngoài việc phải chịu thống khổ đau đớn trước khi chết, thì còn có thể lưu lại cái gì?  

Vì vậy, thay vì tranh cãi, tức giận thì hãy trân trọng những người xung quanh và học cách để thấu hiểu nhau nhiều hơn. Bởi vì thời gian để chúng ta có thể ở cạnh bên nhau sẽ mỗi ngày một ít đi, cuối cùng rồi cũng phải lìa xa. Dù gặp chuyện không vừa ý cũng đừng than thân trách phận hay chi li tính toán, cũng nên trân quý những gì mình đang có và sống trọn vẹn từng ngày.

Lan Khắc

***

Nhân sinh vô thường, sống tùy duyên mới an nhiên tự tại
An Hòa

Nhà Phật giảng rằng nhân sinh là vô thường. 

Vạn sự vạn vật luôn luôn biến đổi, đó là trạng thái bình thường nơi thế gian. Cuộc sống chính là như vậy, thời gian như nước trôi, vạn vật luôn biến chuyển, được mất vô thường, phúc họa đan xen. Hiểu được đạo lý này mới sống an nhiên, tự tại.

Có một tác giả từng viết rằng: “Nuối tiếc là chuyện bình thường, cô độc cũng là chuyện bình thường, sinh ra vốn là để nhấm nháp khổ đau, sinh ra là để nhìn rõ sự vô thường biến đổi”. Trong cuộc sống, có những người, những chuyện, một giây trước vẫn như vậy nhưng chỉ một giây sau đã đổi thay. Những thứ dù đẹp đẽ nơi thế gian, con người cũng khó mà giữ được lâu dài. Thứ cần đến sẽ đến, cần đi sẽ đi, tất cả nên tùy duyên.

Thế sự vô thường, được không nên đắc ý, mất không nên sầu bi
Trong tác phẩm nổi tiếng “Hồng Lâu Mộng” có một câu rằng: “Đang vui vẻ thì vô thường chợt đến”. Cuộc đời con người cũng như vậy, dù cả đời vinh hoa phú quý, cũng không tránh khỏi phúc họa sớm tối, sinh tử vô thường.

Vào thời Xuân Thu, Ngô Vương Phù Sai lập chí báo thù cho cha mình, đánh bại Việt Vương Câu Tiễn. Nhưng ông ta sau đó ham vui khoái lạc, cuối cùng lại bại trận dưới chính tay Việt Vương. Vì quá xấu hổ, sau khi mất nước, Ngô Vương đã tự sát.

Nhân sinh vô thường là vậy, bạn sẽ không biết được ngày mai ra sao. Thế sự vô thường, vậy nên chớ vội khinh người, chớ phụ mình, chớ khoe khoang.

Câu chuyện về nỗi nhục chui háng của Hàn Tín có lẽ ai ai cũng biết. Khi đó Hàn Tín rất nghèo, có một tên vô lại nói với Hàn Tín rằng: “Ngươi dám dùng kiếm của ngươi để đâm ta không? Nếu không dám, vậy thì ngươi hãy chui qua dưới háng của ta đi!”.

Hàn Tín đã chui dưới háng kẻ vô lại đó, đời sau ca ngợi ông là người có tâm Đại Nhẫn. Thế sự vô thường, nhiều năm sau, Hàn Tín trở thành vương hầu, còn tên vô lại kia vẫn chỉ là như thế.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết được một giây sau, sự tình gì sẽ xảy đến. Cho nên, khi gặp chuyện thất ý, chúng ta nên tin tưởng rằng không có điều gì là xấu mãi mãi. Khi gặp chuyện đắc ý, chúng ta cũng cần khắc ghi rằng, không có điều gì là tốt mãi mãi. Bởi vậy bậc trí giả thời xưa luôn giữ tâm bình thản để đối mặt với hết thảy, tiếp nhận hết thảy.

Thích ứng với nhân sinh vô thường là thể hiện của trí tuệ
Nhân sinh vô thường, thích ứng với nó mới là thái độ đúng nhất. Tô Đông Pha là một thi hào lỗi lạc nhất của lịch sử Trung Hoa thời Bắc Tống. Ông từng bị Vương An Thạch vu cáo, bị ép phải rời khỏi kinh và lưu đày sống bên ngoài. Trong thời gian bị trục xuất, Tô Đông Pha lại coi như không có gì, cùng bằng hữu hái rau quả, bắt cá, ủ rượu.

Khi bị giam ở Hoàng Châu, ông từng viết: “Trường Giang quanh co toàn cá đẹp, tre rậm đầy non ngát hương thơm”. Tuy nơi này dân cư thưa thớt, thị trấn hoang vu lạc hậu, nhưng ông vui vẻ chấp nhận, cất nhà, trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui cảnh điền viên. Trong cảnh sống lưu đày dài đằng đẵng, ông lại nảy sinh tình yêu với miền đất hẻo lánh này và dùng gần trọn thời gian để sáng tác thi ca, thư họa.

Sau đó khi bị lưu đày đến Huệ Châu, Tô Thức viết: “Ngày ăn vải thiều ba trăm quả, không ngại làm dân đất Lĩnh Nam”. Ông tự an ủi chính mình, cuộc sống dù có tệ, cũng có đồ ăn ngon để dùng. Cho dù cuộc sống có lận đận cỡ nào, ông cũng có thể không quan tâm thiệt hơn, thuận theo hoàn cảnh, thích ứng với hoàn cảnh.

Trong cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta gặp phải những khó khăn không biết giải quyết thế nào, tưởng như không thể chấp nhận được. Nhưng sau khi đã trải qua một khoảng thời gian, chúng ta bỗng nhiên lại cảm thấy mọi chuyện không phức tạp đến như vậy, mọi chuyện đều là sự sắp xếp tốt nhất.

Không có tình cảnh nào mà không thay đổi, cũng không có cuộc đời nào ngàn năm như một. Một năm bốn mùa thay đổi, thời tiết khác nhau, một đời vui buồn lẫn lộn, mọi thứ khổ đau nhất hay đắc ý nhất rồi cũng sẽ trôi qua.

Chúng ta không nên cố chấp vào được mất, chấp vào sự hoàn hảo, trăng tròn rồi cũng khuyết, vạn vật chuyển hóa, hoa tươi rồi cũng héo, nước đầy rồi cũng tràn. Mọi thứ nên thuận theo tự nhiên, tùy duyên mà sống mới có thể duy trì được nội tâm bình yên và tĩnh lặng trong thế giới vô thường này.

An Hòa biên tập

 



Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan