LÊ VĂN HẢI GIỚI THIỆU CƠ SỞ THI VĂN CỘI NGUỒN KÍNH MỜI THAM DỰ CHIỀU SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 14-10-2023

 Giới Thiệu Chiều Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật (Thứ Bảy Tuần Này): Ra Mắt Tác Phẩm Dòng Chảy 2, Của Tác Giả Tôn Nữ Áo Tím.

Trân Trọng Kính mời

Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, Giới Thiệu Chiều Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật, Độc Đáo, Hiếm Có: Ra Mắt Tác Phẩm Dòng Chảy 2, Của Tác Giả Tôn Nữ Áo Tím.

Vào lúc: 1.30PM Chiều Thứ Bảy 14/10/2023

Tại: Vietnamese American Community Center. 2072 Lucrettia Ave, CA 95122 SAN JOSE

 Thưa Quý Vị và Các Bạn yệu mến chữ nghĩa,

 Trước 75, cây bút Nữ, đã hiếm, đếm trên đầu ngón tay, hướng chi ra đến Hải Ngoại, thì hoàn toàn… vắng bóng!

Vì không có tác giả, nào có thể sống bằng ngòi viết cả! có đam mê viết ra, cũng không kiếm ra…người đọc!

Nhất là từ khi có máy vi tính, nhấn “con chuột” đọc miễn phí, cả tuần không hết! thì người viết, phải tự an ủi mình “đã mang lấy nghiệp vào thân!”

Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, do Nhà văn Song Nhị, Diên Nghị sáng lập, sinh hoạt chữ nghĩa gần 30 năm nay, in ấn gần 60 tác phẩm, của các thành viên, thân hữu, hàng tháng xuất bản đều đặn Tạp Chí Nguồn, thời gian gần đây, cũng phải chậm lại! vì càng ngày, càng kiếm không ra …độc giả!

Nhưng “hiện tượng” cây bút nữ Tôn Nữ Áo Tím, hoàn toàn khác biệt! khác lạ, đến ngạc nhiên!

 Dòng Chảy 1, ra mắt đầu tiên, đã có gần 200 người tham dự! con số kỷ lục! cho một buổi RMS. Cả ngàn cuốn sách, tiêu thụ hết trong vòng vài tháng!

Và tác giả Tôn Nữ Áo Tím, trở thành tên tuổi ăn khách nhất của Tạp Chí Nguồn!

Chính vì những kết quả đáng khích lệ này, mà Đòng Chảy 2 tiếp tục ra đời, và sẽ được trình làng vào Thứ Bảy tuần này!

 Có gì đặc biệt không, nghe sao mà hấp đẫn thế?

Có chứ, nguyên bìa Tác phẩm, là tấm tranh độc đáo của Họa sĩ Đào Hải Triều, Nhà văn Diên Nghị nói về tác phẩm, Nhà văn Song Nhị nói về tác giả, được hổ trợ của toàn Ban Du Ca Bắc Cali, với những tiếng hát hay nhất miền Thung Lũng Hoa Vàng, còn có sự hiện diện của Nhà thơ Chinh Nguyên, Anh Huỳnh Anh, Chị Tịnh Tâm của Hội thân hữu Đồng Khánh, MC chương trình là xướng ngôn viên đài Radio, mà trong vùng ai cũng biết, tiếng nói thỏ thẻ, duyên dáng của Vân Yến!

 Xin được nhắc lại, chiều ra mắt tác phẩm DÒNG CHẢY 2 của tác giả Tôn Nữ Áo Tím, tại 2072 Lucretia Ave, San Jose CA 95122 (VACC) Vietnamese America Community Center. Lúc 1:30 PM, chiều Thứ Bảy (tuần này) ngày 14 tháng 10 năm 2023.

 Đây phải là một buổi chiều sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật độc đáo, ý nghĩa nhất của Mùa Thu năm nay.

 
Trân Trọng Kính Mời

 Phải đến với Dòng Chảy 2, để có đúng với nhận xét của Nhà văn Huy Phương không? “…Tôn Nữ Áo Tím là một người kể chuyện tỉ tê, chừng mực, với văn phong trong sáng, cẩn trọng. Tác giả đi sát với tâm lý của nhân vật cùng giới tính, đã đưa chúng ta cùng với nhân vật đi khắp ba miền đất nước..”

 Nhân đây, Kính mời Quý Vị trôi theo Dòng Chảy với 2 truyện ngắn và những sáng tác văn nghệ nhé:

 Dấu xưa – Tôn Nữ Áo Tím

 Huế đang độ vào thu. Cái gió se thắt pha chút ấm áp của mùa hè còn sót lại, làm cho không khí trở nên dễ chịu. Thời tiết có môt cái gì đó thâm trầm, sâu lắng! Dễ động lòng thi nhân. Hương bâng khuâng thả bộ theo con đường Lê Lợi dọc bờ sông. Nàng đi từng bước nhẹ nhàng như đang trông ngóng, chờ đợi một điều gì đó… từ sâu trong tiềm thức. Vài chiếc xích lô đạp chầm chậm theo cái ngoái nhìn xoi mói của chủ: “Bà ni chắc ở mô xa về, không giống ở Huế ”. Họ không nói gì mà chỉ đạp theo và chờ đợi lời gọi của khách. Họ không dám mời, vì chừng như họ thấy một điều gì đó trong từng bước chân của Hương, chậm chạp, vô định.

Hương đep, cái đẹp của người đàn bà ở độ tuổi lưng chừng, không căng cứng mạnh mẽ như con gái 18, mà có một nét quyến rũ bởi sự mỏi mệt, xa xăm hằn lên khóe mắt. Tóc nàng bới cao lên đằng sau khoe chiếc cổ trắng ngần dưới khuông mặt trái soan thanh tú.

Hương có vẻ đẹp nhẹ nhàng, quý phái, mang đậm nét cổ kính của con dân đất thần kinh. Nàng thả mắt về phía sông Hương, con thuyền rồng chở khách du lịch đang nổ máy xành xạch, để lại những lằn sóng, khuấy động mặt nước.

Con sông ấy đã ôm ấp, chất chứa cả một khoảng đời thơ ấu của nàng .

Tiếng mời khách của chú đạp xích lô làm Hương hơi khó chiu:

“Dạ, bà đi mô lên xe con chở đi?”

“Tôi muốn đi bộ”.

“Bà đi từ dưới nớ lên đây rồi mà chưa mỏi chân à?

A! thì ra chú xích lô này đã theo Hương từ khách sạn Morin. Nàng mỉm cười không nói. Hương không muốn ai phá vỡ dòng suy nghĩ của mình ở những giây phút này, những phút giây của sự trở về, tìm lại. Nàng đang cố tìm lại dấu vết của những ngày xưa thân ái trên con đường tràn ngập áo trắng vào những lúc tan trường. Mớ kỉ niệm những tưởng đã bị vùi chôn với khoảng thời gian của nửa đời người đăng đẳng, đã được Hương bới trở lại theo từng bước chân lặng lẽ, âm thầm. Hương nhẩm đọc một câu của nhà văn Thanh Tịnh: “…Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này bỗng dưng thấy lạ ….” (Hôm nay tôi đi hoc). Con đường của tuổi 18 tung tăng với ngày hai buổi đến trường, và nay cũng con đường này, sau 40 năm dài lặng lẽ, Huế đã khác xưa nhiều, đã lạ đi rất nhiều. Hương chậm lại ngước mắt trông lên tòa nhà đồ sộ: Thư viện đại học Huế, đã được sửa đổi xây dựng lại hoàn toàn, không giống ngày xưa . Nơi đây đã cất giữ biết bao nhiêu kỉ niệm thời sinh viên của Hương và bạn bè. Nơi  qui tụ những mẫu người mà Hương thường gọi là “con mọt sách”.

 Tiếng cười nói của hai em nữ sinh, đi ngang qua trước mặt, không khác gì một đôi chim đang véo von… Đã lâu rồi Nàng không còn nhớ giọng nói với những âm sắc rất đặc trưng của Huế, mô, tê, răng, rứa, cái ni nì, cái nớ tề, tau có biết chi mô nờ…. Còn nhiều những từ rất riêng của Huế. Vâng, rất riêng vì chỉ có Huế, chỉ có chất giọng của những người sinh ra và lớn lên ở Huế mới thể hiện được hết cái cá tánh đáng yêu của các O Huế.  Cái dịu dàng, nũng nịu rất sâu lắng của Huế… đã khiến biết bao chàng trai điêu đứng si mê…

Hương vẫn đưa những bước chân đều đặn dọc theo lề đường Lê Lợi, Nàng dừng bước rất lâu trước cổng trường Đồng Khánh mà bây giờ được đổi tên là Hai Bà Trưng. Xa hơn một tí, cổng trường Quốc-Học cũng vẫn bình yên, kiên trì thách thức “…ngàn năm đợi…”. Nàng miên man nghĩ về những mối tình của em ĐK, anh QH…. Có mấy người thành đôi! Trong lòng Hương trào dâng một nỗi tiếc nuối về khoảng thời thơ mộng ngày nào của Nàng và Hướng:

“Chiều ni Hương được nghỉ 2 giờ chót.

“Rứa đi ăn chè nghe.

“Chè chỗ mô chừ?

“Chè Cồn hí

“Ừ, Hương thích ăn chè Bắp.

 “Hay chè ông Thân?

“Thôi, chè ông Thân lỡ gặp chị.

 Hương rất sợ chị cả. Trong gia đinh, mấy anh em, ai cũng nể nang và một mực vâng lời chị. Chị Cả tuy nghiêm trang nhưng rất  thương yêu đám em còn trong độ tuổi phá phách. Bởi thế cho nên ngoài giờ học, việc đi chơi là một điều khó đối với gia đình Hương. Những cuộc hẹn hò của Nàng và Hướng, trong sáng và giản dị của tuổi học trò, cũng không nằm ngoài khuôn phép của gia đình. Hương nhớ có lần trong giờ học thêm môn toán, hai đứa đã nghịch ngợm chuyền cho nhau những mảnh giấy viết vội:

“Đằng nớ có biết vì răng đây thích đó không?

“Học giỏi

“Sai.

“Đẹp trai.

“Xí, còn khuya!

“Rứa thôi thì chịu.

Thật ra Hương thích Hướng vì một điều rất đơn giản, tên của hai đứa đều có cùng họ, cùng chữ lót, và cùng vần H. ở đầu. Thi cử hai đứa luôn được ngồi cạnh nhau, Hướng đã giúp Nàng rất nhiều trong những lần thi học kỳ của khóa. Hương không dám dùng chữ thương, cũng chẳng dám viết chữ yêu, vì những từ đó như có điều gì húy kị cho nàng ở cái tuổi mà học hành là chính. Đó là qui tắc bất di bất dịch của gia đình.

Một cơn gió thổi mạnh từ phía bờ sông.. Hương thấy lạnh, nàng đưa tay rút cái trâm cài xuống. Mái tóc chảy dài ôm kín đôi vai. Những sợi tóc đen huyền phất phơ theo chiều gió, trông nàng trẻ hẳn lại. Đố ai biết được nàng đang bước dần đến tuổi sáu mươi. Một chiếc xe honda chạy trờ tới, tài xế nhanh nhẩu:

“Chị đi mô, lên tui chở cho mau?

 Anh tài xế này không kêu Hương là bà như mấy chú chạy xích lô. Tiếng chị làm cho Hương cảm thấy mình trẻ lại. Nàng liếc mắt nhìn người tài xế. Màu đỏ của chiếc xe đập vào mắt Hương, cái màu xe của Hướng ngày xưa vẫn chạy. Không chút do dự, nàng nói rất nhanh:

“Anh cho tôi đi một vòng qua vài con đường ở đây.

“Chị ở xa mới về?

Hương dạ rất nhỏ và cẩn thận lên xe, nàng miên man nghĩ về chiếc xe này của gần 40 năm trước. Chiếc xích lô từ lâu vẫn kè theo Hương có vẻ bực tức:

“Bà đi xích lô có phải sướng hơn không?

 “Đi xe ôm làm chi cho mệt.

Hương vẫn biết thế, nhưng người ta không hiểu được vì sao Nàng lại chọn phương tiện này. Nàng trầm tĩnh:

“Lâu quá mới trở về, bữa ni Huế sạch sẽ và đẹp quá!

Anh lái xe trả lời một cách vui vẻ:

“Nhờ Festival đó chị.

 Xe lăn bánh theo những con đường mà ngày xưa nàng và Hướng vẫn thường đi. Hương ngồi sau, tựa vai vào tấm lưng mảnh mai gầy guộc của Hướng. Lúc nào Hướng cũng mặc áo chemise trắng, quần sậm màu, dáng vẻ thư sinh, dễ mến. Nàng nhớ có lần đi học, nửa chừng xe đạp bị bể bánh, Hướng đã nhanh nhẹn mang xe đi sửa, và chở Hương đến trường để kịp giờ vào lớp. Họ nói huyên thuyên, lối trò chuyện của tuổi học trò, vô tư như tờ giấy trắng… Cho đến ngày cả hai đứa cùng vào đại học, cùng chung một giảng đường, cùng chụm đầu vào nhau để cân bằng một phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm… Những kỉ niệm hỗn độn tranh nhau nhảy múa trong đầu Hương…

“Anh ngừng lại đây cho tôi xuống.

Hương rảo mắt một vòng, nàng rất xúc động trước những đổi thay của Huế, những căn nhà với lối kiến trúc cầu kỳ… Đây là Bưu Điện, kia là nhà in Thanh Bình… Nàng ray rứt, như tiếc nuối một điều gì đó:

“Ở đây hồi đó có tiệm bánh pâté chaud,  chừ họ chuyển đi mô rồi?

Nàng hỏi anh tài xế hay đang tự hỏi mình! Nhìn ánh mắt ngơ ngác xa xăm của khách, Anh tài xế biết được rằng đã lâu lắm vị khách này mới trở về thăm Huế.

“Còn mô nữa, họ dẹp lâu rồi chị ơi!

 Hương bồi hồi nhớ lại mùi vị thơm ngon của những chiếc bánh pâté nóng hổi, sau những buổi học, nàng và Hướng vẫn thường chia nhau, vừa ăn vừa đi bộ qua cầu Trường Tiền.

Hương thong thả đi trở về khách sạn Morin. Trời đã về chiều, mặt trời  bắt đầu lười biếng, tìm chỗ nghỉ ngơi, để nhường lại cho chị Hằng soi xét… Hôm nay trăng tròn, Nàng hớn hở chờ đợi để được thưởng thức, nhìn ngắm một tác phẩm mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Ánh trăng tỏa sáng xuống mặt nước sông Hương lăn tăn gợn sóng, tạo nên một tấm thảm óng ánh, trông rất nên thơ. Huế với sông Hương, núi Ngự, với Vĩ Dạ, Vân Lâu… tất cả đã đi vào lòng con dân nước Việt. Đã khơi mào và làm thăng hoa biết bao nhiêu tâm hồn văn, thi, nhạc sĩ… Và cũng chính vì chất thơ ấy thấm sâu vào lòng đất Huế, vào vị ngọt của dòng Hương, nên gái Huế đã mang một nét quyến rũ rất duyên. Đủ để làm say mê, điêu đứng biết bao tâm hồn mà nhà thơ Thu Bồn đã phải thốt lên như một lời thú tội:  “Anh trở về hóa đá phía bên tê …”

 Hương ngả đầu tựa lưng vào chiếc ghế dựa, trong cái tĩnh mịch của bóng đêm, nàng chờ đợi để được ngắm chị Hằng. Sự yên lặng bị phá vỡ bởi một hồi chuông điên thoại reo vang. Hương nhìn vào số điện thoại rất xa lạ, không phải của Huế, cũng không phải củaSaigon.. Nàng ngần ngừ nhấc máy:

“Allo!

Giọng của một người đàn ông:

“Hương, phải Hương không?

Nàng lấy làm lạ về cách hỏi chuyện thẳng thừng, không đầu không đuôi của ai đó:

“Dạ, thưa phải, tôi là Hương đây.

Hương ngập ngừng trong dọ dẫm bâng khuâng. Ai đây mà biết mình?  Đầu dây bên kia im lặng một lúc. Nàng hỏi tiếp:

“Dạ, xin lỗi, tôi đang được tiếp chuyện với ai đây ạ?

Rồi bất ngờ, Nàng nghe một tràng cười mừng rỡ từ đầu dây bên kia:

“Hướng, Hướng đây Hương ơi.

Hương nghe cái tên Hướng từ một nơi chốn xa xôi nào đó, vọng về, nhảy múa như một quả banh lăn lóc trên sân cỏ kí ức, Nàng hỏi:

“Hướng à, phải Nguyễn Đình Hướng không?

“Ừ, Hướng đây

“Ủa, ở chỗ mô, răng biết số mà gọi rứa?

 Sự vui mừng trộn lẫn với nỗi ngạc nhiên thú vị. Bao nhiêu điều muốn hỏi, muốn biết… đang cùng một lúc chen nhau ra khỏi cái đầu bé nhỏ của Hương.

“Hướng đang ở Phú-Khánh.

Lâu quá, cái tên Phú Khánh đã lu mờ trong trí nhớ, nàng hỏi một cách vội vã:

“Phú-Khánh là chỗ mô?

Tiếng Hướng từ đầu dây bên kia, cũng vội vàng hấp tấp như sợ có một ai đó chực chờ cắt đứt đường dây điện thoại:

“Phú Khánh, Nha Trang. Nhà của Hữu-Nhân.

Hữu-Nhân là em trai của Hương, Nàng rơi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

 “Ủa sao lại ở nhà của Nhân? Mà ở Nha Trang làm gì?

Hướng cắt ngang vì Anh đoán biết được điều Hương muốn hỏi:

“Đi công tác ở Nha Trang từ hơn một năm nay.

“Ở đâu mà tới đó công tác?

“Thụy Sĩ .

“Làm chi  mà đi tới Thụy Sĩ lận?

Hướng cắt ngang câu chuyện:

“Thôi, được rồi, khi nào Hương vào Sài-Gòn?

Hương thật sự bàng hoàng trước những dấu yêu xưa đang trở về giữa hiện thực đời thường chứ không phải trong kí ức xa xăm:

“Sáng mai .

“Chuyến bay mấy giờ?

“Không, Hương đi xe lửa.

“Răng không đi máy bay cho nhanh?

Như có một cái gì đó thôi thúc, réo gọi: “Mau lên Hương, thời gian bây giờ đối với mi là vô giá, từng phút, từng giây trôi qua không còn như những giây phút của ngày hôm qua…”  Nghĩ vậy, nàng liền trả lời:

“Ừ,  để Hương cancel vé xe lửa, có gì sẽ cho Hướng biết giờ đến Tân Sơn Nhất.

“Được rồi, mai Hướng đón, bây giờ phải đi đây.

“Rồi, mai gặp.

 Hương chậm rãi nhấn nút end của điện thoại. Nàng thấy đầu óc trống trơn, khô cứng bởi sự việc vừa xẩy đến một cách quá bất ngờ, không nằm trong dự tính. Nàng chìm dần vào giấc ngủ sau một ngày lang thang khắp các ngõ ngách của Huế….

Trong giấc ngủ sâu, Hương vẳng nghe tiếng gõ cửa phòng. Nàng thức giấc và nhận ra trời đã sáng từ lâu. Vội vàng sửa lại mái tóc, Hương khoác lên mình chiếc áo choàng và hé cửa:

“Chào bà, bà ngủ ngon không ạ ?

 Hương cám ơn và rất ngạc nhiên đưa tay đón nhận bó hoa hồng và tấm thiệp từ người bồi phòng:  “Welcome Hương to Vietnam“. Ký tên “Hướng“. Nàng trở về, yên lặng ngồi xuống chiếc ghế kê ở cạnh giường với những suy nghĩ ngổn ngang… Mắt không rời những bông hoa đỏ thắm, rực rỡ. Đã bao nhiêu năm trong cuộc đời, đây là lần đầu tiên nàng nhận một món quà đặc biệt từ tay một người bạn khác phái: “Hoa hồng”. Tâm tư nàng lắng xuống một cách lạ thường! Một sự nguôi lạnh, vô cảm… cho dù mới hôm qua trái tim nàng đã lao xao lỗi nhịp. Hương thầm nghĩ: “Đêm qua là đêm qua, mọi sự đã được khép lại, và bây giờ là hiện tại, để chuẩn bị cho một ngày mai …”

***

 Phi trường Tân Sơn Nhất ồn ào, nhộn nhịp, mọi người chen chúc nhau… khác hẳn với các phi trường ở Mỹ. Hương lẫn vào đám người cùng đi ra. Nàng nhìn quanh rất nhanh, một tấm biển nhỏ ghi vỏn vẹn bốn chữ thật lớn, đậm nét, nổi bật lên nền giấy trắng, vừa đủ cho mọi người nhìn thấy “Mrs. Nguyễn Tử Đinh Hương”. Đó là một người đàn ông trong bộ đồng phục lái tắc- xi.  Hương đi về phía người cầm tấm  biển, lặng lẽ gật đầu chào:

“Chào ông, tôi là Đinh Hương đây.

“Dạ, chào bà. Xin bà theo tôi ra xe.

 Vừa nói vừa nhanh nhẹn đón lấy túi hành lý trên tay Hương. Nàng bước đi với những vui lo lẫn lộn…. Sau gần 40 năm, không biết bây giờ Hướng đã như thế nào? Từ đằng xa, một người đàn ông mang kính râm,  cầm bó hoa đưa cao vẩy vẩy . Nàng nhận ngay ra Hướng. Trong phút chốc, nàng nghe nóng ran cả người. Tự nhiên hai người ở hai phương trời cách biệt, đứa ở Âu, đứa ở Mỹ, lại gặp nhau ở trời Á. Hướng bước nhanh về phía Hương trao bó hoa, họ chào nhau bằng cái “hug” thân thiện. Cả hai cùng xúc động nhìn nhau, im lặng… Họ không nói, nhưng trong mỗi ánh nhìn đều ẩn chứa một điều gì đó của nuối tiếc, ưu tư. Thời gian qua mau quá! Thoắt một cái, khi gặp lại thì tóc đã bạc, da đã mồi. Họ ưu tư cho ngày mai, có còn được gặp lại nhau, hay đây là lần cuối cùng để rồi một trong hai đứa, ai sẽ là người được buông xả, trở về với gió cát, và ai sẽ làm người còn lại, hít thở bụi trần gian… Hương nhìn Hướng, vẫn nụ cười ngày xưa, chỉ khác ở bộ râu mép và bộ dáng cao mập, làm cho Hướng trở nên bệ vệ. Nàng mở lời hóm hỉnh:

“Hướng trông như một “big boss”.

“Hương vẫn không thay đổi gì nhiều, bây giờ chúng ta đi ăn nghe.

Hướng nói người tài xế cho xe về ngả tư Nguyễn-Huệ, Lê-Lợi. Hương mê mãi nhìn phong cảnh bên ngoài, Sài Gòn đã thay đổi quá nhiều! Đường sá rộng rãi hơn, cây xanh rải rác hai bên đường, và xe cộ cũng gia tăng một cách đáng kể. Hướng vẫn ngồi im lặng, anh không muốn cắt đứt dòng suy nghĩ của Hương trong lúc này. Người mà từ rất lâu mới được tìm về với quê hương của mình. Nàng quay sang và bắt gặp cái nhìn ấm áp của Hướng:

“Tính cho đi ăn ở mô đây?

“Nhà hàng Caravel. chỗ đó làm đồ ăn ngon và lịch sự.

Xe vừa ngừng, Hương mở cửa bước xuống. Trong khi Hướng đang tất tả chạy qua để mở cửa cho Nàng theo đúng phong cách lịch sự của đàn ông đối với phụ nữ. Thấy vậy Hương cười:

“Quen một mình ri rồi Hướng ơi! Chờ đợi người khác giúp thì mất thì giờ lắm.

 Hương cười, nàng nhìn nụ cười của Hướng, trong thoáng chốc, Hương mơ hồ thấy được một điều gì đó mà số phận đã gắn liền cho mỗi một cuộc đời, theo giờ khắc mà họ sinh ra, và Nàng sợ không dám nghĩ… Hương rảo mắt nhìn qua bùng binh Sài Gòn. Tất cả như một cuốn phim đang quay trở về rất chậm trong kí ức của Nàng…. Ngày xưa nơi đây là rạp chiếu bóng Rex, bây giờ là khách sạn. Ngày xưa, kia là nhà sách Khai-Trí, bây giờ là hiệu sách Fahasa….  Nhiều thứ ngày xưa của Hương bây giờ đã không còn như xưa nữa, đã thay đổi hoàn toàn. Hướng cắt đứt dòng suy nghĩ của Nàng:

“Bây giờ Hương muốn đi ăn hay đi dạo phố một vòng rồi ăn?

Hương cười, và nói rất thật:

“Ăn đã, đói lắm rồi, sau đó hãy tính tiếp.

 Bao nhiêu lâu, cuộc sống đơn lẻ đã tạo cho Hương một cá tính độc lập mạnh mẽ. Trong công việc cũng như trong cách suy nghĩ… Nói và làm rất nhanh. Bạn bè vẫn khen Hương có sự nhạy bén trong cách tiếp nhận nền văn minh nước Mỹ. Hướng nhìn ngắm bộ dáng của Hương mang đầy phong thái một phụ nữ phương tây:

“Hương đến Mỹ lúc nào?

Chưa nhận được câu trả lời, Anh hỏi tiếp:

“Đang học, sao tự nhiên nghỉ? Ai cũng hỏi.

Hương quay sang nhìn Hướng,

“Người ta hỏi gì?

“Bọn họ nói Hướng đã làm gì mà Hương bỏ đi?

Hương cười xòa:

“À, thì ra tụi nó cũng biết chúng ta là một đôi.

Hương tò mò:

“Hai Bác ra sao? Gia đình vẫn thường chứ?

Hướng hỏi như để thỏa mãn những điều Anh muốn biết mà thời gian đã vô tình xây lên một bức tường chia cách hai đứa. Hương đăm đăm nhìn vào khoảng không của sân thượng nhà hàng Caravel:

“Ba Mạ Hương đã không còn, anh em thì lưu lạc tứ xứ: Huế, Sài Gòn, Úc, Canada, Mỹ.

Hướng hỏi liên tục như thể Anh là một luật sư đang hỏi cung:

Hương nhìn vào đôi mắt của Hướng, lúc này không bị che lấp bởi cặp kính râm. Bây giờ nàng mới thấy rõ toàn bộ khuôn mặt người bạn của cái thuở xa lơ xa lắc ngày xưa. Đôi mắt đượm một nét u buồn và chấp nhận. So với  ngày ấy, nó vô tư và trong sáng biết chừng nào!

 Huơng không trả lời những câu hỏi của Hướng.Thật ra Nàng không muốn khơi lại những đau thương và bất hạnh đã xẩy đến với mình. Cái thuở mà: ”Đôi dép cao su dẫm nát đời tuổi trẻ, Chiếc mũ tai bèo che kín cả tương lai.” Nàng nói bâng quơ sang chuyện khác:

“Hướng biết không, ở Mỹ, chuyện riêng tư của một người là điều tuyệt đối bất khả xâm phạm. Mỗi người cho dù là vợ chồng hay con cái, ai ai cũng có quyền giữ cho mình một cái gọi là góc riêng tư, và mọi người phải tôn trọng cái thế giới riêng tư của nhau như thế. Lúc đầu Hương lấy làm lạ, vì đôi khi cha mẹ muốn kiểm soát con cái là một điều tế nhị và nhạy cảm, không như ở Việt-Nam. Thế nhưng về sau Hương thấy đúng, vì có vậy thì tuổi trẻ ở đó mới biết tự lập và dễ thành công.

Họ vừa ăn vừa chuyện trò với nhau. Màu đỏ của rượu vang thấm dần vào câu chuyện:

“Hướng thế nào? Gia đình vẫn ở Huế?

“Ừ,  Ba Hướng mất rồi.

Hương chia xẻ:

“Còn Mẹ là điều hạnh phúc nhất của đời người.

Anh nói tiếp:

“Đem vợ con đi vượt biên, chỉ mình Hướng được sống.

“Nghĩa là những người kia không còn?

Hương im lặng, thẩn thờ theo cái gật đầu của bạn:

“Oh my God !

 Hương bàng hoàng và nghe nhói lên trong tim nỗi đau của bạn. Nỗi buồn sâu sắc được ẩn giấu trong nụ cười và trên đôi mắt của Hướng bây giờ Hương mới nhận ra. Hướng nói huyên thuyên như muốn trút đi những tâm tư buồn nản, chất chứa bấy lâu trong lòng:

“Sống một mình ở Thụy Sĩ buồn quá! Lấy vợ, bây giờ cũng được hai con.

Hương tò mò:

“Người vợ của Hướng bây giờ có quen biết ở Việt-Nam không?

“Không, cô ấy là du học sinh, lấy đại cho có bạn.

Hương tròn mắt ngạc nhiên:

“Lấy đại? Lấy vợ sao lại gọi là lấy đại?

Hướng cười, nụ cười có một tí gì chua chát:

“Ở Thụy Sĩ lúc bấy giờ người Việt-Nam rất ít.

Hương hiểu thêm một ít về cuộc đời của bạn mình. Nàng cảm thông:

“Cho nên bây giờ cứ bay đi bay về trên biển để nhớ những người thân quá cố.

Hướng im lặng, xa xăm:

“Hương bây giờ làm gì?

Nàng vừa nói vừa dương đôi chân mày lên một cách tự hào:

“Làm bà ngoại.

 Hướng ngạc nhiên khi thấy Hương vẫn còn quá trẻ so với độ tuổi để làm bà. Thời gian là một dòng chảy của con sông, không bao giờ ngừng. Khi nó phủ mờ, xoa dịu được mọi nỗi đau thương của con người, nó trở thành một liều thuốc. Nhưng ngược lại, thời gian làm tàn phai nhan sắc của con người thì nó trở thành một kẻ thù. Không ai có thể giữ được thời gian, nó có ngừng lại với chúng ta hay không, thì đó là điều rất khó, mà do tự mỗi người, theo cách riêng để giữ. Hướng  nhận ra một điều là Hương đã biết cách để níu giừ thời gian. Trên khuôn mặt và hình dáng của Nàng, thời gian không còn là một kẻ thù đáng sợ.

“Hướng không nghĩ là Hương đã có cháu. Mới đó mà….

 Anh bỏ lửng câu nói, tay vân vê ly rượu, lơ đãng nhìn vào khoảng không. Từ sâu trong tiềm thức, cả hai người họ đều có cùng một nỗi đau phát sinh từ cái ngày định mệnh của tháng tư năm 75. Hương đã quá yếu đuối, không đủ sức để vứt bỏ chiếc mũ tai bèo trùm kín cả cuộc đời nàng. Mất Mẹ, Hương mất tất cả, mất luôn cái tuổi trẻ đang thênh thang rộng mở trước mặt Nàng.

“Ông xã Hương thế nào?

“Đã không còn.

Nàng không nói gì thêm về Kiên, một sĩ quan trong Quân đội Việt-Nam Cộng-Hòa. Anh đã chối bỏ chế độ khắc nghiệt trong trại tù cải tạo. Trốn ra ngoài, Kiên đã sống vất vưởng với mớ giấy tờ, tên tuổi của một người khác. Hương chấp nhận lấy Kiên nghĩa là Nàng đã rộng mở đôi tay để cứu rỗi cho một con người hoàn toàn không còn đất để sống. Nhưng với thời gian, Nàng chợt nhận ra một điều: Cuộc sống vợ chồng rất khó tồn tại nếu không có tình yêu. Và Nàng đã cố gắng… cho đến ngày Hương trở thành góa phụ. Kiên ra đi do những vết thương trong cuộc chiến và thêm vào đó, những vết thương từ những ngày tháng học tập cải tạo của trại tù Hoàng-Liên-Sơn. Cũng từ ngày đó, Nàng trở nên lặng lẽ, thờ ơ với mọi điều xẩy đến chung quanh. Nàng tìm vui qua công việc và đặt toàn bộ niềm tin yêu, hy vọng vào các con. Bây giờ, Hương đang sung sướng để đón nhận những trái “hạnh phúc” mà Nàng đã gieo trồng từ lúc con Nàng còn rất bé. Vâng, Nàng hạnh phúc vì Nàng biết mình đang sống trong vòng tay yêu thương của con cái, như ngày xưa nàng đã từng yêu thương, bảo bọc chúng.

 Họ nói chuyện và hỏi thăm nhau trong một chừng mực nào đó. Cả hai người không ai muốn khơi dậy nỗi đau của bạn mình. Thức ăn đã cạn nhưng cuộc chuyện vẫn đầy ắp những điều chưa nói hết….

 Sau bữa cơm tối, Hướng đưa Hương đến một phòng trà ở đường Trương Định, quận nhất. Ở đây họ cùng thưởng thức những bản nhạc tiền chiến rất xưa. Âm thanh vừa đủ nghe, để không làm gián đoạn cuộc chuyện trò của hai người. Hương nhớ lại:

“Hồi đó Hướng vào Sài Gòn là đi chơi hay làm gì?

Vâng, hồi đó, cái hồi đó của hơn 30 năm trước, mà Hương tưởng như mới năm ngoái, năm kia.

Phải chăng khi con người càng lớn tuổi, kí ức về những chuyện ngày xưa càng trở nên sâu đậm, khó phai mờ.

“Hướng đi Thực tập ở Công Ty Giấy và Hóa Phẩm Đồng Nai, Biên Hòa, sau ngày ra trường.

Hương ngạc nhiên:

“Sao đi chi xa dữ vậy?  Đà-Nẵng cũng có mà.

“Tính vào cho gần Hương.

 Hương mơ hồ nhớ lại những giây phút ở Sài Gòn, hai đứa cùng ríu rít bên nhau, rất vô tư trong sáng. Lúc đó, Nàng không hiểu một tí gì về tình yêu. Nàng không đủ thông minh để nhận ra rằng với  thời gian dài đăng đẳng như thế, với khoảng cách xa xôi vời vợi của Huế và Sài Gòn như thế, mà Hướng vẫn tìm đến với Nàng… Ấy vậy mà Hương đã để vuột mất khỏi đôi tay của mình một tình yêu chân thật, để rồi hai người, Nàng và Hướng, đã phải chơi vơi, nuối tiếc cho suốt cả chặng đường còn lại của cuộc đời . Đến phút giây này, Nàng mới hiểu ra hết mọi lẽ. Thời gian có thể làm thay đổi con người và vạn vật. Nhưng tình yêu thật sự luôn tồn tại và sống mãi trong trái tim của họ.

“Gần Hương à? Vậy sao không thấy tín hiệu gì hết?

Hướng cười lớn:

“Tại Hương không để ý chứ. Có buổi tối ở nhà chị Ngọc, Hướng thật muốn ôm Hương vào lòng….

Hướng nói thao thao như một lời thú tội. Anh dạn dĩ bày tỏ tình yêu của mình, dù quá muộn. Hương hơi giựt mình, nàng điềm tĩnh, lắc đầu:

“Phải chi lúc đó Hướng có gan nói ra sự thật…, cuộc đời chúng ta có lẽ đã đổi khác. Cơ hội sẽ không bao giờ lặp lại lần thứ hai cho một đời người.

Trên sân khấu, lời hát cất cao:

 “….Bàn tay đã như xanh xao, đan cuộc tình mù lòa trọn đời mình. Ta vẫn thương người yêu dấu cũ, dù hồn chơi vơi, dù nhạc buông lơi tàn rồi. Người còn mai sau, thôi… lạc kiếp…. mãi chờ nhau. “ (*) .. Vâng, thôi thì hãy chờ nhau cho hết kiếp này! Hương nghe như có chút đắng cay của buổi chia phôi ngày nào vang vọng lại. Từng giọt đắng nhỏ xuống cuộc đời, cùng với  những tiếng nấc đang âm ỉ…. Chỉ còn đêm nay thôi, ngày mai Hương lại quay về với miền đất lạ. Nơi đó có một mái ấm hạnh phúc riêng của nàng… Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm giữ mãi trong tim, sẽ thành những đóa hoa bất tử.

 (*) Lời trong nhạc phẩm “Từ giọng hát em” của Ngô Thụy Miên.

 Nhớ tham dự! Chiều ra mắt tác phẩm DÒNG CHẢY 2 của tác giả Tôn Nữ Áo Tím, tại 2072 Lucretia Ave, San Jose CA 95122 (VACC) Vietnamese America Community Center. Lúc 1:30 PM, chiều Thứ Bảy (tuần này) ngày 14 tháng 10 năm 2023.

GIỮA HAI BỜ YÊU THƯƠNG – Tôn Nữ Áo Tím

 (Truyện ngắn)

 Thu đứng yên trước tấm kính rồi xoay trở ngắm nghía mình thật lâu. Nàng mặc chiếc áo bà ba màu khói hương. Không biết từ lúc nào, nàng yêu thích cái màu lam ấy. Từ một chiếc áo dài, Thu cắt bỏ hai vạt và sửa lại thành chiếc áo bà ba. Hôm nay nàng đi nhận việc làm.

Thu thương chiếc áo dài nguyên sơ từ lâu nàng vẫn mặc trong suốt thời gian làm việc ở một ngân hàng của chế độ cũ. Bao nhiêu chiếc áo bấy nhiều ân tình, kỉ niệm một thời vàng son với khung trời tự do hạnh phúc. Còn đâu những tà áo dài xinh xinh trên phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Còn đâu con đường Tự Do dập dìu xe cộ… “Đồng Khởi đến rồi, mất Tự Do” ư ? Thu man mác một nỗi buồn dấu kín trong lòng. Tất cả đều bị đổi thay. “Đổi đời”, hai chữ đó Thu vẫn nghe người ta nói. Lúc đầu có hơi lạ tai, nhưng bây giờ nàng đã hiểu ra tất cả. “Đổi đời”, một sự đổi thay khủng khiếp, đổi thay toàn bộ cuộc sống của con người, từ tinh thần đến vật chất, nhà cửa, xe cộ… mất, mất trắng. Bao nhiêu lần đổi tiền, bao nhiêu lần đánh tư sản… Tất cả có còn lại gì đâu! Thu chỉ giữ lại được chiếc xe đạp là phương tiện duy nhất cho mình. Ngồi trên xe đạp, nàng không  sao quên được những giây phút hạnh phúc trên chiếc ô tô cùng chồng rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn, Gia Định…“Hãy bằng lòng với những gì hiện có nghe Thu, hiện tại là present, vàpresent cũng có nghĩa là một món qùa”, nàng tự nhắc mình như thế.

Ngừng xe trước cổng trường, Thu ngập ngừng nhìn lên tấm biển “Trường Mẫu Giáo Mầm Non Phường 7”. Nàng từ từ dẫn xe đạp vào sân trường và đi thẳng về phía văn phòng, Thu gặp một cô nhân viên dáng người nhỏ thó, gương mặt có vẻ rất nghiêm khắc, Thu lễ phép:

     -  Dạ, chào cô, em xin gặp cô hiệu trưởng.

Cô nhân viên hướng cặp mắt về phía Thu. Cô nhìn Thu từ đầu đến chân, biểu lộ một sự tò mò rõ rệt, cô nói rất nhanh:

     -  Cô Hiệu Trưởng đang tiếp khách, ngồi chờ.

Một lát sau, theo hướng chỉ tay của cô nhân viên, Thu đi từ đầu dãy hành lang xuống, phải ngang qua những lớp học. Nàng thấy các em học rất ngoan. Lớp thì  đang học chữ, lớp thì đang học hát, lớp thì các em đang chăm chú nghe cô giáo kể chuyện. Thu hiểu được một điều, làm cô giáo mầm non không dễ, phải biết đủ các trò, hát múa, vui chơi, kể chuyện... Thu thấy vui vì biết rằng mình sẽhạnh phúc nếu cuộc đời  được gắn liền với những nụ cười hồn nhiên, trong sáng, những vòng tay bé nhỏ thơ ngây của các em.

Đến trước cửa phòng Hiệu Trưởng, Thu gõ nhẹ mấy tiếng, nàng nghe tiếng trả lời sắc bóng của một giọng Bắc:

     -  Vào đi.

Thu nhẹ nhàng mở cửa. Hiệu Trưởng là một phụ nữ còn rất trẻ. Nàng khẽ cúi chào:

     -  Chào cô, em là Song Thu, em đến nhận việc làm.

     -  Vâng, chúng tôi biết rồi. Ai giới thiệu chị về đây?

Thu ngỡ ngàng trước câu hỏi thẳng thắn của cô Hiệu Trưởng:

     -  Không sao, chị không muốn nói cũng được. Thông thường nếu biết được người giới thiệu thì chúng tôidễ làm việc hơn.

Nghe câu nói của cô Hiệu Trưởng, Thu rất ngạc nhiên. Nàng nhớ lại dưới chế độ cũ, đi xin việc chỉ cần một lá đơn rồi người ta xét… Ngoài ra không phải quen biết gì ai cả. Còn bây giờ phải có quen mới dễdàng, ngược lại thì không. Họ sợ điều gì khi họ là những người thắng cuộc. Thu nghĩ như thế và không ngần ngại, nàng nói:

     - Dạ, cô Phượng giới thiệu..

     - Cô Phượng làm trên phòng tổ chức quận?

Thu gật đầu dạ nhỏ:

     - Chị và chị Phượng có bà con?

Đi xin việc không cần trình độ kiến thức, không phải xét trực tiếp qua đơn xin việc mà chỉ đơn giản qua “bà con quen biết”:

     - Dạ không bà con gì cả, chỉ là hàng xóm láng giềng.

Cô Hiệu Trưởng nhìn Thu bằng ánh mắt lạ lùng có chút ngờ vực.

 Tình cảm giữa Thu và Cô Phượng chỉ đơn giản là tình hàng xóm, giữa hai người phụ nữ có hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Chị là con của một cán bộ tập kết ngoài Bắc vào, có quyền thế, được  cấp một căn trong khu chung cư, đối diện nhà Thu. Còn Thu là người đã trải qua một thời gian làm việc dưới chế độ cũ. Một hôm chị Phượng ngõ ý muốn giúp Thu một việc làm vì thấy Thu là người có trình độ. Nàng nhẹ nhàng:

     - Chị giúp em được một công viêc nuôi con thì còn gì quý hơn. Em cám ơn chị.

Nàng cảm thấy hạnh phúc theo những giờ khắc đợi chờ. Một tuần sau nàng đi nhận nhiêm sở. Thu mang ơn chị Phượng kể từ ngày hôm đó. Sự giúp đỡ của chị Phượng đơn thuần chỉ là lòng nhân đạo. Mặc dù chị biết Thu là vợ của sĩ quan đi học tập cải tạo. Chị không nhận một chút thù lao  nào hết. Chị sống và lớn lên ở Bạc Liêu, nơi có tiếng là ruộng cò bay thẳng cánh. Và chị hiểu được tâm tư của những con người miền Nam sau ngày 30 tháng 4, nhất là những phụ nữ như nàng. Và chị rất cảm thông.

 Cô Hiệu Trưởng xem rất lâu bộ hồ sơ của Thu rồi giới thiệu Thu với một cô giáo đang dạy các em ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp một, 5 tuổi:

     - Đây là chị Thu, trên quận mới đưa về, sẽ là bảo mẫu cho lớp em.

Thu nhìn chăm vào cô giáo, nhìn nụ cười đầy ắp thiện cảm của cô và Thu thấy vui theo. Cô Hiệu Trưởng  quay sang Thu:

     - Cô Thiếu Linh đây sẽ chỉ việc cho chị làm nhé.

Nàng cám ơn cô hiệu trưởng rồi theo cô Linh vào lớp. Kể từ hôm đó Thu trở thành một nhân viên trong hệ thống giáo dục mầm non của quận. Công việc của Thu là chăm lo giờ ăn giác ngủ cho các em.

Tiếng chuông reo báo hiệu giờ học buổi sáng đã chấm dứt. Học sinh các lớp chuẩn bị làm vệ sinh, rửa tay để ăn trưa và ngủ. Các em xếp hàng tuần tự nhận phần cơm của mình rất ngoan. Đang phân phối thức ăn cho các em, Thu chợt ngừng tay ngạc nhiên khi nghe một bé trai nói:

     -  Cô ơi, con chỉ ăn cơm không. Con không muốn ăn thịt.

     -  Vì sao? Thịt ngon nè con. Con phải ăn thịt thì mới mau lớn chứ.

Thu cố dỗ dành nhưng cậu bé cứ lắc đầu không chịu. Kể từ hôm đó, Thu đặc biệt để ý đến em học sinh ấy. Nàng có trao đổi với cô giáo Linh:

     -  Em đó là Lân, mồ côi mẹ, đang ở với bố, cũng tội lắm chị.

Thảo nào Thu thấy có một cái gì đó ngơ ngác, tội nghiệp toát lên khuôn mặt bé. Lân lầm lì, ít nói, ngồi đâu thì cứ bất động, không vui đùa, phá phách như những em khác. Từ đó Thu để mắt đến bé Lân nhiều hơn. Nàng chú ý đến em chỉ vì em còn quá nhỏ mà thiếu tình thương của mẹ.

 Giữa không gian yên tĩnh của giấc các emnghỉ trưa, Thu lặng lẽ nhìn qua cửa sổ. Cây bàng với cành lá xum xuê tỏa bóng mát cho cả dãy hành lang. Nàng hy vọng cuộc sống sẽ  được êm ả từ đây. Thu tin mình sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc bên đám trẻ nhỏ vô tư, trong sáng. Tất cả… như những trang giấy trắng mà Thu là người cầm bút vẽ lên những đường nét, dẫn dắt cho các em có những thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày.

Thời gian cứ trôi qua rất nhanh. Thu trở nên thân thiện với các em hơn. Ngày ngày Thu đến trường thật sớm để đón trẻ và cũng ra về thật trễ khi các em đã được trả hết về cho phụ huynh. Tình yêu nghề nghiệp lớn dần trong Thu kể từ những giây phút đó. Nàng hiểu được nỗi nhọc nhằn khốn khó của phụ huynh khi phải gởi con vì công ăn việc làm, vì miếng cơm manh áo… Thu hiểu được những tâm trạng của từng hoàn cảnh nơi mỗi con người mà do số phận họ phải cưu mang. Nhất là những bà mẹ tất tả ngược xuôi nuôi con và lo thăm nuôi chồng bị cầm tù ở các trại tập trung xa xôi hẻo lánh ngoài Bắc. Niềm cảm thông được phát khởi bởi sự đồng cảm sâu sắc từ trong tiềm thức của những con người sống lưng chừng giữa hai chế độ. Thu hiểu được điều đó vì chính nàng là người trong cuộc, là người phụ nữ giữa muôn ngàn người phụ nữ có chồng là sĩ quan của chế độ cũ bị tù đày.

 Buổi chiều, cơn mưa giông thình lình đổ xuống, hơi đất bốc lên mùi hăng hắc thật khó chịu! Đã quá rồi giờ trả trẻ, cả trường chỉ còn lại ba em chưa được phụ huynh đến nhận, trong đó có bé Lân, lớp Thu. Thằng bé ngồi thẫn thờ bên cạnh Thu, đưa mắt nhìn ra cửa trong cảm giác mong ngóng đợi chờ. Thu ôm bé vào lòng, với tất cả tình thương như một bà mẹ, nàng hỏi bé:

     -  Con ở nhà với Nội hay Ngoại?

Nhìn đứa bé lắc đầu, Thu hỏi tiếp:

     -  Không có ai ở với con hết sao?

Lần này bé Lân mới chịu mở miệng:

     -  Trong nhà chỉ có Ba và con thôi, không có ai hết.

     -  Ai nấu cơm cho hai bố con ăn?

     -  Ba.

Thu im lặng mường tượng cái cảnh gà trống nuôi con. Rồi sẽ đến lúccó một người thứ ba xuất hiện. Từ đó sẽ nảy sinh cảnh dì ghẻ con chồng, con anh con tôi, rồi biết bao nhiêu phiền toái xảy đến cho những đứa con cùng cha khác mẹ… Nghĩ đến đó, Thu ôm chặt bé Lân vào lòng.

Khi tiếng xe honda của bố bé Lân vừa trờ tới thì đó cũng là người phụ huynh cuối cùng của lớp Thu. Anh rối rít xin lỗi về sự chậm trễ, bắt cô giáo phải ngồi chờ lâu. Nhìn nét mặt của người đàn ông trạc độ ngoài 40, Thu thấy phảng phất nét khắc khổ, xa xăm. Nàng bắt chuyện:

     -  Hôm nay cháu lười ăn, chỉ một chén cơm trắng và không muốn ăn thịt, anh về cho cháu ăn cơm thêm, sợ cháu đói.

     -  Thú thật với cô, từ ngày mẹ cháu qua đời, cháu thay đổi hẳn tính nết. Tôi thì quá bận rộn công việc. Hai cha con chỉ ăn cơm phần ngoài tiệm.

 

Tags: NHÂN VẬT
Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: TẢN MẠN

Đăng nhận xét

Tin liên quan