KÍNH GIỚI THIỆU THƠ THI SĨ TRẦN QUỐC BẢO & DỊCH GIẢ VỚI BÀI VIẾT LỜI TIỄN BIỆT & TIỂU SỬ HT THÍCH TUỆ SỸ VỪA VIÊN TỊCH

 KÍNH GIỚI THIỆU THƠ THI SĨ TRẦN QUỐC BẢO & DỊCH GIẢ VỚI BÀI VIẾT LỜI TIỄN BIỆT & TIỂU SỬ HT THÍCH TUỆ SỸ VỪA VIÊN TỊCH

Chào Biệt

HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ

Thơ Trần Quốc Bảo

  Chào Biệt

HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ (*)

 

Mây lãng đãng trôi thuyền về cõi mộng

Giọt sương tan, Người thật đã đi rồi!

Vượt trần gian, đáo bỉ ngạn trùng khơi

Một sát na, rực ánh vàng tinh tuyết

 

Gió ngậm ngùi ru lời kinh tống biệt

Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng (**)

Huê đăng Người sáng Pháp hoa Kim cang

Đón án Tử bởi cộng quyền hung dữ

 

Mười bảy năm tù, Ngục trung mĩ ngữ

An nhiên cười với gan thạch tánh không

Với ngọn đèn khuya, với ánh lửa hồng

Say A tỳ Đạt ma Câu xá luận

 

 Đứng sừng sững giữa quỉ ma tệ tận

Dáng uy nghiêm dũng lực, đỉnh Trường sơn

Cặp mắt từ bi hiền hậu chẳng oán hờn

Thân vững trụ như Phật Ân bảo tháp

 

Thuyền Phật sự gặp suy thời bão táp

Người hi sinh ra đứng mũi chịu sào

Nhận Ấn Viện trưởng Tăng Thống tối cao

Khơi đuốc tuệ hướng thuyền theo chính đạo

 

Than ôi!...  Ngày 9 tháng 10 năm Quí Mão

Tức dương lịch 24 tháng 11 năm 2023

Người đã nương theo cánh hạc vút xa

Lòng thiện nhân nỗi tiếc thương chất ngất

 

Mây lãng đãng rước Hồn về cõi Phật

Giọt sương tan, Người viên tịch thật rồi!

Tiễn biệt Thầy, trầm niệm khói chơi vơi

Nguyện Hương Linh Vĩnh An Miền Tịnh Lạc

Tâm Hương Đảnh Lễ!

Thành Kính Bái Biệt.

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia

Địa chỉ điện thư của tác giả:

quocbao_30@yahoo.com

*** 

(*) Kính mời đọc Tiểu Sử Thầy Tuệ Sỹ 

(**) “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng” là 2 vế của 1 câu đối nằm trong bản “Di Chúc Tang Lễ” do chính Thầy Tuệ Sĩ viết. Xin đọc Lời Bàn (tạm coi như giải nghĩa) -

 ***

VẪN CÒN ĐÓ ĐÔI MẮT TINH ANH

Vo Thi Nguyen

 


Bạn hiền thương!

Bạn và tôi, hai ta đã xao xuyến khi nghe tin Thầy Tuệ Sỹ đã ra đi! Tuy hiểu rõ Thầy đâu thể ở lại với chúng ta mãi mãi, nhưng chúng ta đã bồi hồi, tiếc thương vì không phải Phật giáo Việt Nam chỉ mất đi một đại thụ, một học giả uyên bác về Phật Pháp Nguyên Thủy và Đại Thừa, mà vì chúng ta cũng mất đi một vị Thầy khả kính, rất tinh thông triết học Tây phương, văn chương, âm nhạc và thi ca.

Hai ta cùng đọc “Di chúc tang lễ” của chính tay Thầy viết. Bạn với tâm hồn đa cảm đã chú ý đến 2 câu đối:

“Hư không hữu tận

Ngã nguyện vô cùng”

Và bạn hỏi tôi nghĩ sao về câu đối ấy, tôi hiểu nó như thế nào?

Bạn ơi! Mình không rõ hai câu thơ đó chỉ là câu đối, hay được trích từ trong bài thơ nào đó của Thầy đã từng sáng tác. Nếu từ trong bài thơ, mình cần biết trọn bài thì mới có thể bắt được “nẻo ý” của tác giả.

Thôi bây giờ mình cứ thử trả lời bạn, cho mình bắt đầu bằng câu thứ hai trước nhé!

“Ngã nguyện vô cùng” tương đối dễ hiểu. Nguyện tức là ước nguyện, chí nguyện, thường muốn nói chí nguyện độ đời, độ chúng sanh của Thầy … thì không bao giờ kết thúc (vô cùng).

Các vị cao tăng, bồ tát, họ cũng phải chịu quy luật của thiên nhiên là “Thành, Trụ, Hoại, Diệt”. Tuy xả bỏ xác thân, nhưng họ luôn nguyện ước được trở về lại cõi ta bà để tiếp tục chí nguyện họ đã một lần theo đuổi.

Thế còn câu thứ nhất nên hiểu ra sao? Thú thực là giảng từng chữ thì được, nhưng mình cũng chưa hiểu hết nghĩa lắm, vì khó nhất là chữ “hư không”.

“Hư” giống như trong “hư danh, vô thực” / “hư cấu”, … có nghĩa là “không có thật”.

Còn “không” là gì? Chả lẽ như là “không gian”? Nhưng thường thì chữ KHÔNG trong nhà Phật được hiểu theo nghĩa khác, rất quan trọng! Ý nói tất cả các pháp đều rỗng (E: emty/ F: vide/ D: leer). Rỗng hay trống không cái gì? Mình phải nói cho rõ trống rỗng cái gì à nha! Vì một cái ly rỗng, không có nước, nhưng lại ĐẦY không khí!

KHÔNG đây là: vạn pháp trống rỗng, không có một khả năng tự nó một mình có mặt được, mà thuật ngữ Phật Học hay gọi là “không có tự tánh riêng biệt”.

Đơn giản nhất là thí dụ này: khi nhìn vào một bông hoa, ta thấy bông hoa được kết tạo bởi những-yếu-tố-không-phải-là-bông-hoa, như mặt trời, đất, nước, người trồng hoa, vân vân. Chỉ cần lấy đi một trong các yêu tố đó thôi thì sẽ không có bông hoa nữa. Đó là “Tánh Không” của vạn pháp. Ngoài ra, Tánh Không đó còn cắt nghĩa được 2 tính chất quan trọng của vạn pháp là “vô sanh, bất diệt” và “vô thủy, vô chung”!

Chưa tra tự điển Phật Học, mở tự điển Đào Duy Anh ra thì “hư không” được giải nghĩa là “trống không”. À! Vậy ta không được chia chẻ 2 chữ ra như lúc đầu mình đã làm (sai)!

Trở lại câu đối thứ nhất (“Hư không hữu tận”).

Cái “trống không” đó có (“hữu”) kết thúc/chấm dứt (“tận”). Ủa? Sao kỳ vậy? Mới nói “Vạn pháp đều rỗng, đều trống không” và “vô thủy, vô chung” mà?? Sao lại chấm dứt được???

À, ngay cả cái sự “trống rỗng” cũng chịu luật “vô thường”, nghĩa là không thể bất biến được, nên cũng có sự chấm dứt??? Bản thân của Thầy Tuệ Sỹ cũng là một sự “trống không” mà? Và cái “trống không” đó (Đất, Nước, Gió, Lửa tạo nên hình hài Thầy) chấm dứt (Nôm na là chết đi) Nhưng chí nguyện của Thầy thì bất tận, “vô cùng”, không kết thúc.

Nếu đó là 2 câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ thì Thầy cũng … can đảm thật, vì chí nguyện có lớn lao, cao cả cách mấy, người tu hành rất ngại chữ “ngã”; ít “dám” nhận cái gì đó thuộc về mình! Vì đâu có cái “ngã”, vì cái tôi (ngã) cũng chỉ là tập hợp của ngũ (5) Uẩn. Uẩn có thể hiểu là phạm trù; 5 Uẩn là Sắc (thân), (cảm) Thọ, (Tư) Tưởng, (Tâm) Hành, (Ý) Thức) , mà Uẩn nào cũng cùng chung định luật Vô Thường, nên sẽ có lúc tan rã. Cái sai hay khổ của chúng ta là có một nhận thức sai lầm (wrong perception) về cái tôi là một-thực-tại-riêng-biệt và nhiều thứ ta cho rằng thuộc-về-tôi (Ngã sở)

Ấy chết! Mình không muốn lan man và lạm bàn, khoe khoang kiến thức với bạn đâu. Hôm nay, mình có đọc kỹ lại di chúc của Thầy. Thầy dùng chữ “hư không” rất rõ ràng:

“Tro bụi nhục thân đem đi rải ra Thái Bình Dương, để được tan theo biển bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không”

Vậy chữ “cõi hư không” ở đây chắc có nghĩa là không gian, một cõi nào đó. Và cõi ấy có sự chấm dứt (Hư không hữu tận)

Bạn thấy đó, mình vẫn chưa thực sự hiểu trọn vẹn! Nhưng có hề gì? Ngay cả di ngôn cuối cùng của Thầy cũng để lại cho chúng ta biết bao cảm hứng, thúc đẩy ta suy tư, ngẫm nghĩ.

Nếu bạn thích, mời bạn cùng tham gia hành trình khám phá về những điều ấy!

ChùaLá, 26/11/2023, Nttk mời độc giả bốn phương cùng góp ý

Vo Thi Nguyen

 ***

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

TIỂU SỬ

HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào;

Thân phụ: Cụ ông Phạm Văn Phận, Pháp danh Trung Thảo, Thân mẫu: Cụ bà Đặng Thị Chín, Pháp danh Diệu Chánh,

Đồng nguyên quán xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, Trung phần Việt Nam.

Thuở nhỏ Thầy thường được theo mẹ đi chùa làng gần nhà, là nhân duyên để đến lúc Thầy chỉ muốn ở chùa không về nhà nữa. Năm 1952, do chạy giặc, Thầy được cha mẹ gởi lên chùa hành điệu hầu sư phụ là Hòa thượng khai sơn chùa Trang Nghiêm, làng Tân An, tỉnh Paksé, Lào. Năm 1954, 9 tuổi, Thầy chính thức được thế phát xuất gia tại chùa này. Đến năm 12 tuổi, vị Trụ trì chùa nhận thấy khả năng và thiên tư đặc biệt của người học trò này, đã khuyên gia đình nên đưa Thầy về Việt Nam để rộng đường tu học. Năm 1960 Thầy trở về Việt Nam, sống xa gia đình tại chùa Bồ đề, một ngôi chùa nhỏ gần cầu Gia Hội, Huế. Hành trang Thầy lúc đó là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chữ Hán Thầy luôn giữ bên mình, đến năm 1968 do biến cố Tết Mậu thân mới bị lạc mất ở chùa Từ Đàm, Huế. Chú của Thầy là Hòa thượng Thích Trí Quang, một nhà lãnh đạo nổi danh của Phật Giáo trong thập niên 1960, lúc ấy cũng đang sống tại Huế.

Tuy vậy với bản tính độc lập, Thầy đã một mình giong ruổi qua các địa phương: Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Tiền Giang và các tỉnh miền Nam, tự lập và sống nương nhờ các tự viện lớn nhỏ. Năm 1961, 16 tuổi, Thầy thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại Sài Gòn. Năm này, Thầy thọ an cư Sa-di giới đầu tiên tại chùa Phật Ân, tỉnh Tiền Giang cùng với thầy Trí Minh. Sau cùng Thầy được Hòa thượng (viết tắt là HT) Thích Trí Thủ nhận về thiền viện Quảng Hương Già-lam ở Gò Vấp, Sài Gòn. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Ðẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964, học tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Phân khoa Phật học niên khóa 1965. Với các bài viết về Thế Thân (Vasubandhu), về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận, HT Thích Đức Nhuận là người đầu tiên phát hiện tài năng của người tu sĩ trẻ, đã giới thiệu Thầy vào Viện ĐH Vạn Hạnh. HT Thích Mãn Giác phó Viện trưởng lúc đó đã đề nghị Viện trao bằng Cử nhân cho Thầy, nhưng Thầy xin phép được từ chối.

Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Ðại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu Phật học và những khảo luận Triết học có giá trị cao như Ðại Cương Về Thiền Quán, do Đại lão HT Thích Đôn Hậu giới thiệu, Liên Hoa ấn quán in 1967, Triết Học về Tánh Không (An Tiêm xuất bản, Saigon 1970), v.v… Sau đó Thầy kiêm Xử lý Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học này (niên khóa 1972-1973). Thầy tinh thông chữ Hán, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng, thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Thầy cũng đọc hiểu tiếng Ðức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T. Suzuki bản Việt ngữ tập 2 và 3 là do Thầy dịch, in và tái bản nhiều lần từ 1972 đến 1975.

Năm 1973, HT. Thích Trí Thủ thấy Thầy mãi lo việc nghiên cứu và giảng dạy, Ngài đã đốc thúc Thầy chuẩn bị thọ Đại giới Tỳ-kheo, và Sa-di Tuệ Sỹ đã chính thức thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang năm 1973, với HT. Đàn đầu Thích Phúc Hộ, HT. Yết-ma Thích Giác Tánh, Giáo thọ sư HT. Thích Trí Nghiêm, Thích Huệ Hưng.

HT. Tuệ Sỹ không chỉ uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Ðại Thừa, Thầy còn tinh thông triết học Tây phương, văn chương, thơ, âm nhạc. HT nghiên cứu thẳng từ nguyên tác của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng của Trung quốc như Tô Đông Pha, Lý Hạ, Đỗ Phủ… Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học, HT đã viết tác phẩm đầy thi vị: ‘Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng’ (Ca Dao xb, Sài Gòn, 1973). Về âm nhạc, HT chơi đàn guitar, violon, piano, thổi sáo. Thầy tìm hiểu âm nhạc dân tộc, lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương. HT làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn và các tiểu luận triết học, phê bình văn học đặc sắc, phần lớn đăng trên các tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975) tại Sài Gòn. Đồng thời HT cũng là Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng của Ðại học Vạn Hạnh. Tập thơ đặc sắc bằng chữ Hán, ‘Ngục trung mị ngữ’ được HT làm trong tù sau năm 1975, và các tập thơ ‘Giấc mơ Trường sơn’, ‘Những điệp khúc cho dương cầm’, ‘Thiên lý độc hành’ sau này đã được dịch ra Anh, Pháp, Nhật ngữ, phát hành rộng rãi tại hải ngoại.

Từ trẻ HT đã thuộc lòng các bộ Kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Thắng Man, Duy-ma- cật… Duy-ma-cật sở thuyết là bộ kinh nêu cao tinh thần sống đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách. Có thể nói, tư tưởng Bồ-tát đạo trong kinh này và bộ kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Thầy. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, HT đã viết giảng luận “Huyền thoại Duy-ma-cật”, và đi theo hình mẫu lý tưởng này, HT đã không ngại dấn thân phụng sự, và ngài đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh ôn hòa cho các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Năm 1973 HT về Nha Trang làm Giám học Phật học viện Trung phần (tức Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức), do HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Năm 1975, HT Tuệ Sỹ đang phụ trách giảng dạy tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang. Sau biến cố 30/4/1975, cơ sở này bị đóng cửa, HT về ẩn cư tại một miếng rẫy chùa ở ven rừng Vạn Giã, cách Nha Trang chừng 60 km.

Ðến năm 1977, HT vào Sài Gòn lánh nạn ở chùa Tập Thành quận Bình Thạnh. Năm 1978, HT bị nhà cầm quyền bắt giam 3 năm không xét xử (tội cư trú bất hợp pháp), cuối năm 1980 thì được phóng thích.

Do hoàn cảnh mấy năm lang thang và ở tù, nhận thấy giới thể bị ảnh hưởng, có thể không thanh tịnh, HT được thọ lại Đại giới Cụ túc tại Quảng Hương Già-lam năm 1982 do HT. Thích Trí Thủ làm đàn đầu, HT. Thích Trí Quang làm tôn chứng, HT. Thích Trí Tịnh làm tuyên luật sư.

Từ năm 1980 đến 1984, HT làm Giáo thọ sư cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già-lam do Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Tháng 4/1984, HT lại bị bắt cùng Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ mà hai thầy tự biện hộ cho mình, nhà cầm quyền đã kết án TỬ HÌNH hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Do sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy xuống còn 20 năm khổ sai, đem giam HT tại Xuân Lộc, Đồng Nai, sau đó chuyển riêng HT ra trại A-20 tỉnh Phú Yên. Tháng 10/1994, với sự phản kháng trong tù, HT bị nhà cầm quyền tách đưa ra trại giam Ba sao, miền Bắc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã được Tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền (Hellman-Hammett Awards) cùng với 7 nhà đấu tranh khác vào ngày 03/8/1998.

Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng, cùng với một số người khác. Trước đó, HT đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc HT ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước “xin khoan hồng”, HT đã trả lời nội dung: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.” Công an thuyết phục: không viết đơn thì không có lý do để thả được. HT đã khẳng khái đáp: “Đó là việc của các ông; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối.” Và Hà Nội đã phải trả tự do cho HT vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày Thầy không ăn và tiếp theo cả không uống, tổng cộng 14 ngày. Hòa thượng Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, bên ngoài không biết. Thấy sức khoẻ HT suy sụp nhanh chóng, chính quyền đã vội đưa bác sĩ vào xin điều trị, và đưa Thầy ra khỏi trại giam.

Ngày 02/9/1998, lúc 10 giờ 45, Hòa thượng Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam. Ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên xe với sức khỏe rất yếu sau khi tuyệt thực trong tù, HT không chịu nổi nên được đưa xuống ga Nha Trang, về tạm ở Phật học viện Hải Ðức. Ít lâu sau công an lại ra lệnh HT phải về chùa Già Lam ở Sài-gòn, không được phép ở Nha Trang. Hòa thượng từ chối, viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói “một là tôi tự do ở đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất nước này”. Tin này lập tức được loan truyền trên báo chí hải ngoại thời đó.

Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù khắc nghiệt khắp nam trung bắc. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể thay đổi được một người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mình đã lựa chọn, và vẫn giữ được lòng thanh thản bao dung không chút oán hận của Thầy.

Tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN.

Năm 2002, với trách nhiệm Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là quyền phục hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm tôn giáo Thích Tuệ Sỹ tại tòa án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là tấm gương sáng, là niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc.” Ðối với Hòa thượng Tuệ Sỹ, sức mạnh của Phật giáo không phải là Chính trị, mà là Văn hóa và Xã hội, trong đó Giáo dục có vai trò rất quan trọng. Nhưng công cuộc giáo dục này phải do Giáo hội độc lập đề ra, không thể chịu sự kiểm soát hay áp đặt của bất cứ thế lực nào, thì mới mong đào tạo ra những thế hệ tăng ni có tài đức để phụng sự xã hội, xứng danh trong hàng Tăng Bảo.

Tiếp đến, đầu tháng 3/2003, Hòa thượng Tuệ Sỹ khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, từ nơi bị quản thúc tại Quảng Hương Già-lam, Thầy đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang ra Hà Nội chữa bệnh và chuẩn bị gặp Thủ tướng đương thời là ông Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết việc đã đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975, cũng như sự cấm đoán, quản chế không xét xử bản thân Hòa thượng cùng với HT. Thích Quảng Độ và một số Tăng ni, Phật tử khác. Trong dịp này, đại diện ngoại giao của 6 nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ tại Hà Nội đã chủ động tìm gặp Hòa thượng Tuệ Sỹ, mời Hòa thượng đến thăm, làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội. Họ đón Hòa thượng đi một mình, không có thị giả, người phiên dịch.

Ngày 01/10/2003, Hòa thượng đã cùng nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Sau Đại hội này, hai vị Đại lão Hòa thượng cũng như Hòa thượng Tuệ Sỹ và một số Tăng ni tham dự đã bị nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên với tinh thần ‘uy vũ bất năng khuất’, Hòa thượng đã sát cánh cùng nhị vị HT Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTN Hải ngoại tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu trong cùng năm 2003. Chính Đại hội này đã công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo hội trong nước và hải ngoại, và toàn thể Tăng ni Phật tử đã suy tôn Đại lão HT Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN.

Năm 2008, đức Đệ Tứ Tăng thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang viên tịch. Ngôi vị được trao lại cho Đại lão HT Thích Quảng Độ truyền thừa, là Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN.

Từ đây, Hòa thượng Tuệ Sỹ được yên tâm dành hết thời gian và sức lực cho công việc trước tác, phiên dịch Phật ngôn, và đào tạo từng nhóm tăng ni đủ trình độ nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển sau này. Trong thời gian này HT đã hoàn thành phiên dịch, hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm, kinh Duy-ma-cật sở thuyết, bộ Luật Tứ phần, các bộ Luận Thành Duy Thức, A-tì-đạt-ma Câu-xá, và nhiều trước tác khác…

Tháng 03/ 2019, Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN dự tri thời chí, biết sức khỏe không còn nhiều, Ngài đã mời HT Thích Tuệ Sỹ đến gặp tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn để phú chúc di ngôn và ấn tín của Viện Tăng thống GHPGVNTN, ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch.

Đến tháng 02/2020 Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu. Lúc này, HT Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh tại Nhật Bản và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid, không thể về nước.

Tháng 10/2020 ngay khi có lại các chuyến bay thương mại, Hòa thượng là một trong số người đầu tiên về nước, dù lúc đó các bác sĩ Nhật Bản khuyên nên ở lại chữa trị, nếu không thì cuộc sống không thể kéo dài quá 6 tháng.

Qua năm 2021, đại dịch Covid bùng phát trở lại ở châu Á trong đó có Việt Nam, mà nặng nhất là Sài-gòn. Với sự phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền, mọi dịch vụ y tế lúc đó bị đình trệ ngoại trừ việc chữa bệnh Covid, tuy nhiên Hòa thượng vẫn kiên trì mạnh mẽ chống chọi cơn bạo bệnh để hàng ngày vẫn ngồi bên bàn dịch Kinh, hiệu đính các tác phẩm, tổ chức sắp xếp thư mục cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn học thuật quốc tế.

Tháng 11/2021 Ngài chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Hoằng pháp, quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng do chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống GHPGVNTN đã thành lập từ năm 1973 nhưng sau đó bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều chướng duyên khác.

Ngày 03/12/2021 Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời chính thức được thành lập theo Thông bạch số 11/VTT/VP. Từ đây, công việc phiên dịch, hiệu đính, chứng nghĩa chuyết văn và tổ chức in ấn được đẩy mạnh, thảy thảy đều theo quy củ đã định, để cuối cùng hình thành 29 tập đầu tiên được khởi in trong năm 2022, với công đức dự phần của các bậc Tôn túc cho đến Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, đặt nền móng cho công trình Đại Tạng Kinh VN chính thức được tiếp nối từ Hội nghị Toàn thể Hội đồng Phiên dịch Tam tạng tháng 10/1973.

Qua năm 2022:

Ngày 21/8/2022, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN đã suy cử HT. Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm trách vụ Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống.

Tiếp ngày 22/8 tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài-gòn, đã cử hành Lễ truyền trao ấn tín và khai ấn Viện Tăng Thống cho Hòa thượng.

Từ đó, Hòa thượng đã dành hết thời gian và sức khỏe còn lại để chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính, chứng nghĩa cho các dịch phẩm của hàng hậu bối.

Những ngày cuối đời, từ giường bệnh, Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp, dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN cũng như công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng, sau đó đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, vào lúc 16:00 giờ, ngày 24 tháng 11 năm 2023, nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, trụ thế 79 năm, hạ lạp 41.

Sự ra đi của Hòa thượng không chỉ là mất mát lớn lao của GHPGVNTN mà còn là niềm đau chung của Phật giáo Việt Nam, cũng như là sự khuất bóng đáng tiếc của một anh tài tinh hoa Dân tộc; nhưng di sản Văn hóa, Giáo dục to lớn mà Hòa thượng để lại xứng đáng làm tư lương tối thiết cho hành giả và học giả muôn đời sau.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Sài Gòn ngày 24/11 năm 2023.

Môn đồ Pháp quyến

Nguồn : Hội Đồng Hoằng Pháp

( Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN )

 ***

" Cúc Hoa " Trần Quốc Bảo dịch thơ thiền, của Thiền Sư Huyền Quang

Cúc Hoa

Huyền Quang

菊 花

 

忘 身 忘 世 已 都 忘

坐 久 茫 然 一 塌 涼

歲 晚 山 中 無 歷 日

菊 花 開 處 即 重 陽

 

玄光禪師

Cúc Hoa

 

Vong thân vong thế dĩ đô vong

Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương

Tuế vãn sơn trung vô tích nhật

Cúc hoa khai xứ tức trùng dương

Huyền Quang Thiền Sư  (1)

***

Bản dịch của Trần Quốc Bảo

Cúc Hoa

Không thân không thế ấy không lường

Ngồi lạnh trầm tư giữa một giường

Trong núi năm cùng ngày chẳng biết

Cúc hoa nở, báo tiết Trùng dương (2)

Trần Quốc Bảo

(1) Huyền Quang  là một Vị Cao Tăng (Thiền Sư). Sinh thời vào đời Nhà Trần (1225-1400) - Sư người làng Vạn-tải, đất Vũ-Ninh (nay là Gia-bình, Bắc-Ninh), lên 9 tuổi đã biết làm thơ văn. 19 tuổi đi tu. Sư Huyền Quang là Tổ thứ 3 của Phái Trúc-lâm ở nước ta.

(2) Trùng dương  là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch (còn gọi là Trùng cửu).

Năm nay, ngày Trùng dương, 9/9 ;  nhằm (dương lịch) ngày 23 October 2023 mới vừa qua.

 ***

" Chiếc Nón Sắt Trên Bia Mộ " - Thơ Trần Quốc Bảo

Chiếc Nón Sắt Trên Bia Mộ

Thơ Trần Quốc Bảo

***

Chiếc Nón Sắt Trên Bia Mộ

Anh đi rồi, chiếc nón sắt để lại,

Úp trên bia mộ, kỷ vật cuối cùng.

Hiện trên nón, những dấu tích kiêu hùng!

Của người chiến binh, địa đầu tuyến lửa!

 

Tấm vải bọc ngoài, rằn ri da hổ,

Mầu oai phong, của Binh Chủng Nhảy dù!

Bốn Vùng Chiến thuật, lũ giặc cộng nô,

Thoáng bóng cọp, là kinh hồn bạt vía!

 

Quanh sườn nón, có một vài lũng khía,

Ấy dấu đạn thù, bắn xớt qua đầu!

Lằn đạn trượt nghiêng, nhờ nón quay mau,

Cứu sống lính, trong đường tơ kẽ tóc!

 

Đường hành quân, vượt núi rừng khó nhọc,

Đầy bi-đông, song nước chẳng đủ dùng.

Mỗi khi đi ngang, khe suối hồ sông,

Trữ nước tạm thời, nhờ chiếc nón sắt.

 

Lương thực hành quân, gạo sấy luôn sẵn,

Rưới chút nước vô, có thể ăn liền.

Tuy nhiên dừng quân, được chốn bình yên,

Dùng nón sắt nấu bữa cơm chắc bụng!

 

Với chiếc nón sắt, lính xài đa dụng,

Úp xuống thành ghế, thoải mái ngồi trên.

Khi thèm hút thuốc, sợ lửa lóe lên .

Che nón sắt, rít một hơi… mê mẩn!


 
Này, nhìn kỹ trên vành nón lính trận,

Thấy ghi nắn nót, “Tên Một Loài Hoa”

Tên Người Yêu, hoặc tên Vợ ở nhà,

Nằm trên nón, trong tim người chiến sĩ!

 

Xin chào Anh!... Chào nón sắt hoen rỉ,

Hồn linh thiêng, xin phù hộ Quê Hương!

Truyền lại cháu con, dũng khí kiên cường,

Một ngày không xa, vùng lên cứu Nước!

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia

Địa chỉ điện thư của tác giả:

quocbao_30@yahoo.com

  • Dâng Lời Tạ Ơn    Thơ Trần Quốc Bảo

    *** 

    Dâng Lời Tạ Ơn

    Chúng tôi, người Việt tha hương,

    Tỵ nạn cộng sản, đến phương trời này.

    Tạ Ơn Thượng Đế an bài,

    Độ trì trên đoạn đường dài tử sinh!

     

    Phúc ân toàn vẹn gia đình,

    Được dung thân chốn an bình ấm no.

    Tạ Ơn Thế Giới Tự Do!

    Tình thương nhân loại đã cho tràn đầy!

     

    Bước chân lưu lạc tới đây,

    Ơn Người mở rộng vòng tay đón chào!

    Cảnh nhà, vận nước lao đao…

    Ơn Người tiếp nhận chung vào cùng quê.

     

    Ra đi, tay trắng ê chề!

    Giúp nhau cơm áo chẳng nề quản chi.

    Giúp nhau cuộc sống phát huy,

    Giúp nhau ngạo nghễ Quốc Kỳ tung bay!

     

    Dìu nhau qua cơn mê này,

    Bình minh trở lại, những ngày an vui!

    Đại Ân Nhân, bốn phương trời,

    Chúng tôi xin Tạ Ơn Người muôn năm !!!

    Trần Quốc Bảo

    Richmond, Virginia

    Địa chỉ điện thư của tác giả:

    quocbao_30@yahoo.com

       ***
  •  


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan