KQ LÊ VĂN HẢI MỪNG LỄ TẠ ƠN & NHÓM MÕ NHÂN ÁI VỚI KHÁCH KHÔNG NHÀ
KQ LÊ VĂN HẢI MỪNG LỄ TẠ ƠN & NHÓM MÕ NHÂN ÁI VỚI KHÁCH KHÔNG NHÀ
Mừng Lễ Tạ Ơn Với Khách
Không Nhà (Homeless)
Hòa thượng Thích Tuệ
Sỹ vừa viên tịch
***
Nhóm Mõ Nhân Ái, Đánh
Dấu 29 Năm Mừng Lễ Tạ Ơn Với Khách Không Nhà (Homeless). Nhưng Bất Ngờ Năm Nay,
Trời Giúp Thành Công Lớn!
*Khách Không Nhà (Homeless) được đối xử như Thượng Khách! Ăn có ghế ngồi! vừa nhâm nhi ly cà phê nóng hổi, vừa dùng bữa ăn thịnh soạn , lại còn được nghe nhạc hòa tấu sống, với dàn nhạc khá lớn, trên 10 nhạc công!
*Còn được sinh hoạt với nhiều tiết mục vui mừng Lễ. Quà tặng, quần áo, túi ngủ, vớ, bình gas, thực phẩm khô ê hề, mỗi người cũng được tặng một bao lì xì!
Tạ Ơn Trời!
-Hôm qua, Thứ Năm
ngày 24 tháng 11, chính thức là ngày Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ! (Happy Thanksgiving Day!)
Trời quang đãng, không có mưa, ấm áp thật đẹp.
Khách Không Nhà
(Homeless) rất hân hoan sung sướng, với khuôn mặt rạng rỡ, trong buổi cơm Mừng
Lễ Tạ Ơn 2023.
Tạ Ơn Người!
Nhưng độc đáo, thú vị hơn cả, hay hơn nữa, Quý Khách Không Nhà vừa ngồi ghế dùng bữa, vừa được nghe những bản Thánh Ca êm ái của của một ban hòa tấu, với gần trên 10 nhạc công người Hàn Quốc. Đây cũng là một nhóm thiện nguyện hợp tác với Nhóm Mõ Nhân Ái, cùng chung tay xoa dịu, đem đến cho những tâm hồn nghèo khổ bằng âm nhạc.
Sau khi ăn xong, tất cả khách không nhà, cùng tham dự một sinh hoạt đặc sắc mừng ngày Lễ, ai cũng háo hức, xếp hàng chờ lãnh. Gồm rất nhiều quà, còn được tặng bao lì xì! trong đó có chút tiền mặt, để mua những vật dụng cần thiết trong cuộc sống.
Tạ Ơn Đời!
Đây là những sinh hoạt truyền thống rất độc đáo tình người của Nhóm Mõ Nhân Ái, bao nhiêu năm nay (Năm nay là năm thứ 29) thực hiện “của cho không bằng cách cho!” Mang không khí ấm áp hạnh phúc như người thân trong gia đình đến với họ, như một món quà an ủi tinh thần.
Nhóm hoạt động vui buồn, sống chết với họ đã lâu, nên hiểu tâm trạng cô đơn đến cùng cực vào những ngày lễ cuối năm, nhìn nơi đâu cũng thấy hình ảnh vui tươi hạnh phúc, còn mình thì chung quanh không có người người thân, ngoài trời thì giá lạnh, một chỗ trú mưa, trú nắng cũng không, nên rất nhiều người tủi thân, tìm đến cái chết trong thời gian này!
Đặc biệt, Nhóm Mõ Nhân Ái, không phải là Hội Đoàn lãnh bất cứ tài trợ của chính phủ, để làm công tác nhân đạo này. Tất cả thành viên đều hy sinh thiện nguyện, bỏ công bỏ của.
Nhân mùa Tạ Ơn, xin được gởi lời Cảm Tạ đến tất cả Quý Anh Chị Em thiện nguyên viên, Quý Ân Nhân yểm trợ giấu mặt, nhờ tấm lòng của Quý Vị, mà Nhóm đã đi qua được con đường dài như thế!
Xin Trời Cao trả công bội hậu, đổ nhiều ơn lành xuống Quý Vị và Gia Đình.
Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn 2023!
***
Tin Buồn! Cách đây 4 tiếng, từ BBC: Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vừa viên tịch! Người bị CSVN từng kết án tử hình!
(Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ)
-Cách đây 4 giờ: Hòa
thượng Thích Tuệ Sỹ, người từng bị chính quyền CSViệt Nam kết án tử hình, lãnh
đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - một tổ chức tôn giáo không được
chính quyền Việt Nam công nhận, vừa qua đời.
Báo Giác Ngộ xác nhận
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch lúc 16 giờ ngày 24/11/2023, thọ 81 tuổi.
Hòa thượng Thích Tuệ
Sỹ vốn nổi tiếng là một nhà tu hành uyên bác, là dịch giả của nhiều bộ kinh, luật,
luận, tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị.
Ông thông thạo nhiều
ngoại ngữ, là nhà thơ, dịch giả và từng có nhiều hoạt động được cho là bất đồng
với chính phủ CHXHCN Việt Nam.
Nhà thơ, thiền sư
Tuệ Sỹ là một trong những tên tuổi trẻ có uy tín nhất trong những danh tính nổi
bật của văn học miền Nam giai đoạn 1963-1975, theo các tài liệu sau này
công bố ở hải ngoại.
Nhà văn Viên Linh
từng viết về uy tín của thầy Tuệ Sỹ trên lĩnh vực Phật học và Triết học ở
Viện Đại học Vạn Hạnh:
“Trong các nhà tu
hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả,
nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách sáng lạn."
Giai đoạn sau 1975
Trong số các sự kiện
gây chấn động Phật giáo Việt Nam thời gian trước là việc ông bị bắt năm 1984,
sau đó bị chính quyền CS Việt Nam tuyên án tử hình năm 1988, với tội danh
"âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".
Cũng trong năm này,
ông cùng bảy người Việt khác được Tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng
nhân quyền Hellmann-Hamett Awards.
Thời điểm tháng
9/2022, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận vai trò lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống Nhất, thay Hòa thượng Thích Quảng Độ, người viên tịch vào ngày
22/02/2020. Đây là giáo hội không được nhà nước công nhận.
Trên mạng xã hội, nhiều
người bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Một số
người trích đăng lại một đoạn trong ‘Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế’ của
ông:
“Nhẫn nhịn đời nhưng
không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không
tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho
mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí
tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình
đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên
ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng..."
Các quan điểm nói
trên không được báo chí chính thống CSViệt Nam thừa nhận và đăng tải.
Báo Giác Ngộ chỉ
giới thiệu đóng góp của ông về mặt học thuật, triết học và Phật
học và không đề cập đến phần hoạt động khác:
"Hòa thượng
Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác, thông thạo nhiều loại cổ ngữ lẫn
sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần
trọn cuộc đời, Hòa thượng dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình cho việc
phiên dịch và chú giải kinh điển, đặc biệt là tạng kinh A-hàm. Các dịch phẩm nổi
bật của Hòa thượng đã được xuất bản chính thức, đến với độc giả trong và ngoài
nước."
BBC sẽ đăng thêm
các bài về Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Phật giáo Việt Nam trong
những ngày tới.
Nhân Mùa Tạ Ơn, Happy Thanksgiving! Nhắc Lại 6 Giá Trị Tuyệt Vời Của Mỹ, Cho Dù Các Quốc Gia Khác, Có Tiền Tỷ Cũng Không Mua Được!
1. Ca sĩ nổi tiếng Madonna, từng nhổ nước bọt vào mặt một bà cụ, lập tức tòa án Liên bang phán quyết, cô phải bồi thường 5 triệu đô-la! Mỹ cho bà lão.
Quan tòa nói, sở dĩ mức
phạt nặng như vậy, không phải bởi miếng nước bọt đó, đã mang đến tổn thương lớn
ngần nào cho bà cụ. Lý do là với những người có tiền như ca sĩ Madonna, nếu chỉ
phạt bồi thường từ 5 đến 50 ngàn đô-la, lần sau cô ấy chắc chắn sẽ tái phạm. Có
thể cô ấy cũng sẽ gây tổn thương cho biết bao người khác nữa.
2. Ở Mỹ, không có một hãng truyền thông nào thuộc về chính phủ. Bởi vì pháp luật nước Mỹ quy định, không thể lấy tiền của dân chúng, để dát vàng, đánh bóng cho lãnh tụ, mà lừa mị, mê hoặc dân chúng.
Kênh truyền thông duy
nhất mà chính phủ Mỹ bỏ vốn làm chủ, là đài phát thanh VOA của Mỹ, nhưng nó
không được phép phát sóng trên đất Mỹ! Trong con mắt của người Mỹ, dư luận nên
phải là tự do, nhiều nguồn, muôn hình muôn vẻ, thậm chí là mâu thuẫn, chống đối
lẫn nhau. Đó mới là Tự Do Ngôn Luận!
3. Nước Mỹ coi trẻ em là tài sản quý báu của quốc gia, trẻ em được pháp luật che chở cẩn thận. Nếu bạn không có tiền gửi con ở nhà trẻ, chính phủ sẽ chi trả, hoặc không có tiền mua sữa bột, chính phủ cũng sẽ chu cấp. Ngoài ra còn có nhiều chính sách đặc biệt trợ cấp cho phụ nữ mang thai, sản phụ thu nhập thấp và trẻ em chưa đến 5 tuổi.
Các gia đình thu nhập
thấp có thể nhận được bữa cơm dinh dưỡng sáng và trưa miễn phí. Nếu bạn không
có tiền thuê nhà, chính phủ sẽ chi trả, hơn nữa, quy định trẻ nhỏ cần phải có
phòng ngủ riêng. Ở nước Mỹ, bạn sẽ không bao giờ bắt gặp hình ảnh trẻ em đi xin
ăn. Tuyệt vời không?
Có một bà mẹ mải mê bận
rộn việc nhà, nhất thời không để ý trông con. Đứa con chẳng may ngã xuống bể
bơi chết đuối. Trong lúc người mẹ đang đau khổ không thôi, thì bất ngờ nhận được
giấy triệu tập của tòa án!
Lý do mà tòa án đưa
ra vô cùng đơn giản, bà đã không làm hết trách nhiệm của một người giám hộ, nên
sẽ phải đối mặt với việc bị tuyên án. Điều đó cũng giúp cảnh tỉnh ý thức chăm
sóc con trẻ cho hàng triệu người mẹ khác.
Người Mỹ quan niệm, một
đứa trẻ trước hết thuộc về bản thân nó. Đứa trẻ đó mang theo vô số quyền lợi sống,
vốn có trong xã hội này. Không kể là bản thân nó có ý thức được hay không, không
kể là nó có thể lớn lên thành người hay không, xã hội này có tầng tầng pháp luật
để bảo vệ sự sống của nó!
4. Ở nước Mỹ, người dân có bệnh thì bệnh viện cần phải điều trị trước, sau đó mới gửi hóa đơn viện phí đến nhà bệnh nhân. Nếu bạn không gánh nổi khoản tiền trị liệu, thì các tổ chức từ thiện, hoặc chính phủ sẽ ‘ra mặt’ giải quyết. Trong trường hợp người nghèo khó, chỉ vì không có tiền chi trả viện phí, mà bệnh viện phải, ngưng điều trị, thì những người có liên quan, sẽ bị chất vấn và nhận sự chế tài, trừng phạt của pháp luật.
5. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai (nổ ra vào tháng 3/2003), quân Mỹ huy động lực lượng quân sự lớn mạnh tấn công tầm xa trong sa mạc. Quân đội của nhà độc tài Saddam Hussein binh bại như núi đổ, nhếch nhác bỏ chạy. Lúc này, trong cát bụi mịt trời, một chiếc xe vận tải của quân Mỹ, mất phương hướng, lạc vào trận địa của quân địch.
Người lái xe là một nữ
quân nhân tên Lira, bị thương và bị địch bắt giữ làm con tin để uy hiếp quân Mỹ.
Cô bị nhốt ở một nơi hẻo lánh bí mật và bị canh giữ sít sao. Vì để cứu Lira,
quân Mỹ đã huy động đội đột kích Hải Báo, tấn công mãnh liệt khiến quân địch mất
phương hướng, hoảng loạn tan vỡ.
Chỉ trong thời gian mấy
phút, quân Mỹ đã giải cứu thành công Lira. Cô nhanh chóng được đưa về hậu
phương điều trị. Chiến tranh kết thúc, Lira cùng với hai binh sĩ Mỹ từng bị bắt
giữ khác trở về quê nhà và được chào đón như những người anh hùng. Quân đội Mỹ
là thế đấy, họ sẳn sàng hy sinh cả một tiểu đội, để cứu một đồng đội!
6. Điều được giảng trong “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ không phải là quần thể, cộng đồng, quốc gia, thậm chí không hề giảng đến dân chủ. Điều được giảng là 3 quyền lợi lớn cho cá nhân: quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Ba quyền lợi này đều là quyền lợi của cá nhân, không phải là quyền lợi của quần thể hay quốc gia.
Những quyền lợi này
có được ngay từ khi công dân Mỹ vừa mới sinh ra, chứ không phải do ai ban tặng.
Mặt khác, những quyền lợi này có thể bảo vệ cá nhân, khiến họ không phải chịu đựng
sự xâm hại của bất cứ ai. Chỉ có kiến lập trên cơ sở quyền lợi cá nhân, mọi người
mới có thể có được một xã hội tự do chính nghĩa, tôn nghiêm và bình đẳng.
Như ai đó đã nói một
câu gần như là chân lý: “Nước Mỹ tuy không phải là Thiên đường, nhưng là một
nơi đáng sống nhất trên quả đất này!”.
Thank You America!
Mùa Tạ Ơn, Viết Về Quê Hương Thứ Hai!
Cám Ơn Nước Mỹ, Cám
Ơn Cuộc Đời!
(Lê Xuân Mỹ)
Tác giả, là con của
một sĩ quan tù cải tạo, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại
trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
****
-Như trong bài hát
" Khóc một dòng sông" của nhạc sĩ Đức Huy, " Cũng may thời
gian qua vun vút không như Sài Gòn", quay qua quay lại cũng đến ngày về
hưu. Mới đó thấm thoát cũng đã trôi qua hơn 20 năm trên nước Mỹ này.
Gần 70 năm cuộc đời với
bao nhiêu gập ghềnh sóng gió. 25 năm dưới chế độ Cộng Hoà, 23 năm với Cộng
Sản và 21 năm trên một miền đất thật xa quê nhà. Những quảng đời với những xúc
cảm thật khác nhau. Những ngày hạnh phúc thời Việt Nam Cộng Hoà, những năm
tháng tủi nhục sau 1975 và thời gian an bình trên xứ người. Kỷ niệm nhiều không
kể xiết. Có những giây phút rất muốn giữ lại trong trí nhớ nhưng cũng có những
khoảnh khắc muốn quên nhưng không thể nào quên được.
Đã đi qua hết ¾ của
cuộc đời. Đã đến lúc phải dừng lại những đam mê, những tham vọng, những toan
tính. Thanksgiving là ngày tôi chọn để "gác kiếm, qui ẩn". Một ngày rất
dễ nhớ cho một quyết định đặc biệt và quan trọng của đời người.
Vê hưu chính là lúc
nhìn lại chặng đường đã qua để chuẩn bị một cuộc sống sắp tới. Nếu ví đời người
như thời gian với 4 mùa, thì tôi đang bắt đầu những tháng ngày mùa đông. Nhìn lại
không phải để hối tiếc mà để nói với đời một tiếng cám ơn, mặc dầu thế hệ chúng
tôi thật sự không may mắn. Sinh ra trong những năm 1950-1951, cho đến ngày mất
nước, thời gian thanh bình quá ngăn ngủi. Nhưng cũng trong nhờ vậy chúng tôi mới
cảm nhận hết được nỗi bất hạnh của những ngày còn ở lại quê nhà, để tự mình chứng
kiến, trải qua những đau khổ tột cùng và do đó mới thấy hết cái giá trị của sự
tự do và hạnh phúc nơi quê nguời.
Ở xứ Mỹ này có rất
nhiều ngày để nhớ: lễ mẹ , lễ cha, lễ độc lập, lễ tình nhân...Ngày lễ nào
cũng có một ý nghĩa rất riêng, nhưng có lẽ Thanksgiving là một ngày ưa
thích nhất của tôi. Bởi vì không có gì ý nghĩa hơn là lúc nhắc ta nhớ đến
những ơn nặng nghĩa sâu. Nhớ để cám ơn đời, cám ơn người.
Trên tất cả xin được
nói lời cám ơn nước Mỹ, cám ơn miền đất không phải nơi tôi sinh ra nhưng chắc
chắn sẽ ôm ấp tôi những ngày còn lại. Cám ơn một đất nước có thể không phải là
thiên đường nhưng chắc chắn không là địa ngục. 21 năm sống trên đất nước này,
có nhiều điều rất thích nhưng cũng có những việc không bằng lòng. Vẫn còn đó những
bất công, vẫn còn đó khoảng chênh lệch quá mức giữa giàu nghèo. Không chiến
tranh nhưng vẫn có những bất an của súng đạn. An nhàn nhưng vẫn còn những nỗi
lo của những ngày hưu trí. Những băn khoăn về bảo hiểm...Những điều không vừa
lòng vẫn còn nhiều lắm, nhưng để ghét, để rời bỏ đất nước này như lần giã biệt
quê nhà 21 năm về trước, chắc chắn sẽ không bao giờ vì với tôi, với gia đình
tôi, nước Mỹ là ân nhân.
Và có lẽ chỉ những ai
sống trong hoàn cảnh của gia đình tôi, những người con của một sĩ quan Cộng Hoà
chết trong trại cải tạo, ở lại lây lất trong một thành phố đầy thù hận suốt mấy
mươi năm mới hiểu hết được cái ý nghĩa của cảm kích, ý nghĩa của ân huệ, của tự
do và tình người.
Những năm sau này, mặc
dầu vẫn còn quá nhiều người nghèo khổ tại quê nhà, nhưng cũng có những người bằng
những cách khác nhau trở nên giàu có. Đi ra nước ngoài để chơi, để định cư là một
việc không quá khó khăn. Nhiều người thích đất nước này nhưng cũng có không ít
xem miền đất này như một nơi tạm dừng chân. Có người bạn tôi tuyên bố: Việt Nam
sướng hơn nhiều, tội gì định cư ở đây. Mỗi người có một hoàn cảnh, chỉ có điều
khi tôi thắc mắc hỏi: "ông chê sao ông qua đây mua nhà, tốn tiền chạy
chọt cho con cháu học rồi ở lại luôn". Hình như không có thằng bạn nào trả
lời.
Tôi nhớ có lần thằng
bạn thời trung học từ Úc qua thăm, đem cho tôi bảng danh sách những thành phố
đáng sống nhất trên thế giới. Hắn nói Melbourne của Úc đứng nhất nhì gì đó, rồi
đến Canada, Na Uy... và hình như không có thành phố nào của Mỹ trong 10 hạng đầu.
Hắn nói y tế Mỹ không bằng Úc. Cuối cùng hắn phán một câu xanh rờn. Có dịp mày
qua Úc chơi sẽ biết. Tôi thì chưa có dịp đi Úc chỉ biết, nó có 2 đứa con trai,
cả hai đứa đều sang Mỹ học, tốt nghiệp ra làm việc và định cư luôn tại Cali.
Bạn tôi nhiều đứa sau
này ở lại Việt Nam, làm ăn khấm khá, năm nào cũng qua Mỹ chơi.
Hắn nói ở Việt Nam sướng
hơn, nhưng con cái thì toàn ở Mỹ. Nhiều người ở đây ba bốn mươi năm nói
"nghỉ hưu về Việt Nam dưỡng già". Nói thì nói vậy chứ chuyển từ
" dự định" đến "thực hiện" chắc đến hết đời người vẫn chưa
xong.
Mà thôi nói cho vui,
ai về thì về,chứ biểu tôi rời bỏ nước Mỹ, không bao giờ. Sẽ không bao giờ tôi rời
bỏ đất nước này bởi vì quên làm sao được cái nghĩa tình của những ngày đầu khốn
khó.
Nhớ lại những ngày đầu
tiên chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi về sống tại Tulsa. Một thành phố nhỏ bé thật
hiền hoà, tuy không có nhiều người Việt Nam như Cali nhưng tình cảm thật
đậm đà. Luôn nhớ đến những chăm sóc thật thân tình của những người Việt và cả của
những người bản xứ đối với một gia đình đang còn lạ lẫm trên thành phố này. Nhà
thờ Việt Nam đem cho những thùng áo quần, nhà chùa đem cho những đồ dùng, nồi
cơm điện, nhà thờ Tin Lành đem cho đồ chơi cho hai cháu nhỏ. Những người hàng
xóm đem từng món ăn. Những ngày đầu chưa có xe ở tạm nhà em gái, có một mục sư
cùng xóm mỗi ngày chở đi làm giấy tờ, đi xin trường cho các cháu, tìm việc làm
cho hai vợ chồng.
Giáng sinh đoàn tụ đầu
tiên của đại gia đình chúng tôi thật ấm áp mặc dầu bên ngoài trời mưa tuyết.
Tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh của bà người Mỹ già nhà đối diện. Nửa đêm đội mưa
gõ cửa nhà chúng tôi để chỉ đưa một dĩa bánh cokkies nóng hổi kèm theo lời chúc
"Merry Christmas and Happy New Year". Không bao giờ chúng tôi quên được
tình cảm của những người láng giềng dành cho chúng tôi trong thời gian đầu định
cư. Ngay cả khi về ở với mẹ tôi trong khu low income Meadow, thời gian đầu vợ
chồng con cái ít khi ra khỏi nhà nhất là vào ban đêm. Cái khu toàn người
nghèo, lợi tức thấp đủ mọi sắc dân. Một ít gia đình người châu Á còn toàn là
người Mễ và Mỹ đen. Nhìn bộ dạng mấy ông bà to lớn, hay tụ tập thành từng nhóm
quanh khu xóm, cười nói ồn ào, nên cũng hơi sợ. Nhưng ở lâu lại thấy mến cái hiền
lành và tốt bụng. Có lần trên đường đi làm về, tôi bị trượt xe dạt vào lề vì đường
đông đá sau mưa tuyết, phải nhờ ông Mỹ hàng xóm ra kéo xe về giùm. Ở một
thời gian rồi cũng quen dần cái nhộn nhịp và ồn ào của xóm nghèo nhưng cũng rất
nghĩa tình này. Có lần mưa đá làm lũng một lỗ thật lớn trên mái nhà phòng ngủ.
Nước vào đầy nhà từ mái. Qua hàng xóm cầu cứu báo hại nửa đêm 2 tay Mỹ đen cởi
trần trùng trục leo lên mái hì hà hì hục lấy tăng che tạm cho khỏi dột. Sau này
dọn nhà đi chỗ khác nhưng cứ thấy nhớ cái khu Meadow, lâu lâu lại
chạy về thăm lại mấy ông bà hàng xóm.
Sau này vì cuộc sống
vì nỗi khao khát được làm việc trong một công ty kỹ thuật lớn, có công việc phù
hợp tôi di chuyển qua San Jose . Mặc dầu chưa bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn của
mình sau gần 20 năm sống trên miền đất phía Bắc Cali này, nhưng tôi luôn nhớ về
thành phố hiền hoà nhỏ bé đó. Tulsa như Huế quê ngoại của tôi, trầm lắng, dễ
thương và nghĩa tình.
Không chỉ Tulsa, San
jose cũng đối xử với tôi thật ấm áp. Người Việt Nam đông, bạn bè nhiều, khí hậu
tuyệt vời, Silicon valley cũng giống như thành phố Sài Gòn nhộn nhịp của tôi những
năm trước 1975. Nơi bắt đầu lại của tôi và cũng là nơi đã cứu sống mẹ tôi không
biết bao nhiêu lần.
Về sống với gia đình
tôi khi bệnh của mẹ trở nặng. Mẹ vừa bị alzheimer, vừa bị tiểu đường, vừa cao
huyết áp, vừa cao mở. Nói chung ở cái tuổi 76 khi mẹ vê đây, mẹ có đủ thứ bệnh.
Nhờ khí hậu ấm áp, bác sĩ Việt Nam nhiều, vấn đề theo dõi bệnh dể dàng, sức khoẻ
mẹ cũng đở hơn. Nhưng ở cái tuổi già thì những rũi ro, biến chứng cũng càng nhiều.
Mẹ ra vào nhà thương không biết bao nhiêu lần.
Có lần đang ngồi coi
tivi, cảm thấy hơi mệt nằm xuống sofa, mặt mày tái mét. Đo đường xuống dưới 40.
Chưa kịp cho ăn ngọt thì mắt dại ra, mẹ gần như coma. Gọi cấp cứu. May mà chỉ 5
phút xe emergency tới ngay trước cửa nếu không là đi luôn.
Có lần áp huyết tăng
cao (chắc là nửa đêm mở tủ bếp ăn hết chén mắm khoái khẩu), lại xỉu. Lại 911 cấp
cứu. May mà tại xứ này chứ ở Việt Nam như mẹ vợ tôi thì ra đi từ lâu. Nội cái đợi
xe cấp cứu vô được cái xóm nhỏ, qua hai ba cái chợ chồm hổm đầu đường chắc là
không kịp với cái ông thần chết đang đứng chờ chực cạnh giường.
Phải công nhận với những
người ở cái class lưng chừng như tôi thì mới lo chứ với những người già không
tài sản như mẹ tôi, nước Mỹ đúng là thiên đường. Hàng tháng có tiền già,
vô bệnh viện, tiền thuốc men không tốn một xu. Mà thuốc đâu phải rẽ. 13 loại
thuốc. Vừa uống vừa chích. Nhìn cái giá thuốc chính phủ phải trả thay cho bệnh
nhân là đủ chóng mặt. Chưa kể khi vào bệnh viện, nhìn cái bill bảo hiểm trả cho
bệnh viện là xỉu.
Nội cái chi phí chữa
chạy cái chân gãy của mẹ chắc cũng mất toi số tiền dành dụm của tôi trong suốt
20 năm trên đất Mỹ. Cũng nhờ vậy dù nhớ nhớ quên quên mẹ vẫn còn sống với chúng
tôi cho đến hôm nay.
Cám ơn đất nước này
và cám ơn cuộc đời đã cho tôi sống những thời gian với đầy đủ cung bậc của cảm
xúc. Những vô tư của tuổi nhỏ, những lãng mạn của một thời mới lớn, những hạnh
phúc của tháng ngày đoàn tụ và tự do. Dù không mong muốn nhưng cũng phải cám ơn
cuộc đời đã cho tôi nếm được nỗi đớn đau của những chia xa trong những tháng
ngày đen tối. Nỗi cô đơn của những ngày lưu lạc xa quê. Để rồi là những hạnh
phúc của những lần gặp lại mẹ, anh em và bạn bè .
Xin được cám ơn ba,
người sĩ quan chế độ Cộng Hoà chết trong trại cải tạo. Không có ba, không
có những hy sinh của cha ông, đồng đội, bạn bè, chúng con đã không có những
tháng năm thanh bình. Và khi cuộc chiến kết thúc, ba vẫn kịp đánh đổi mạng sống
cùng với những tháng ngày bi thảm trong trại cải tạo để cho mẹ và các con, các
cháu của ba cơ hội qua miền đất tự do này. Bao nhiêu năm ba vẫn luôn theo dõi
và phù hộ gia đình chúng tôi.
Cám ơn mẹ, người đàn
bà vĩ đại đã dành hết tuổi thanh xuân và đời mình cho chồng cho con. Người
đàn bà goá chồng ở tuổi 49, một mình với 9 đứa con còn nhỏ dại, lăn lóc để tồn
tại qua những nhiểu nhương và hận thù. Người vợ của một sĩ quan thua trận, vượt
qua từng ngày, trải qua từng bữa, cuối cùng cũng đem được toàn bộ gia đình đến
bến bờ tự do.
Xin được cám ơn em,
đã cùng tôi vượt qua bao gập ghềnh sóng gió. Em đã luôn cạnh tôi trong những giờ
phút bi thảm cũng như những khoảnh khắc yêu thương. Mới đó mà chúng ta đã ở bên
nhau trọn vẹn 43 năm. Bắt đầu bằng một đám cưới với chiếc nhẫn đính hôn 1 phân
vàng và thiệp mừng đám cưới là tấm giấy "mời" đi kinh tế mới vào ngày
hôm sau, em đã cùng tôi nếm đủ mùi vị của gian khổ, cay đắng và tủi nhục. Vẫn
luôn nhớ mãi cái chặng đường đã qua đó. Cám ơn tình yêu của em.
Còn phải cám ơn nhiều
nhiều nữa. Cám ơn tình nghĩa bạn bè. Cám ơn tấm lòng những đứa cháu. Cám ơn những
đứa em. Cám ơn những đứa con lương thiện của tôi. Trong những ngày cuối thu của
miền Thung Lũng Silicon, đứa con trai đầu của một người tù chết trong trại cải
tạo năm nào đã không còn trẻ nửa. Đang bước vào tuổi" Thất thập cổ
lai hy", rổi sẽ có ngày sẽ nhớ nhớ quên quên như mẹ. Nên trong cái ngày
Thanksgiving này không thể nào không viết, không thể nào không nói những lời cảm
ơn.
Sẽ chưa phải là lần
cuối cùng, xin được nói tiếng cám ơn Việt Báo và Viết Về Nước Mỹ. Việt Báo đã
làm một nhịp cầu cho chúng tôi được trải lòng qua những mẫu chuyện đời. Những
câu chuyện thật đời thường nhưng nếu không được ghi, kể lại có lẽ rồi sẽ đi vào
quên lãng. Có lẽ sẽ mất hút đâu đó trong cái trí nhớ đang già nua của tôi. Nhờ
Việt Báo, qua những bài viết về cuộc đời, tôi đã tìm gặp lại những người bạn,
những người thân đang lưu lạc khắp nơi. Như những mãnh vỡ của quê hương được
góp nhặt để ghép lại thành một quê nhà thứ hai trên xứ người. Nhờ vậy
chúng tôi sẽ không bao giờ mất đi quê hương Việt Nam yêu dấu.
(Lê Xuân Mỹ
San Jose,
Thanksgiving 2019)
Những Ngày Đầu Tiên Đến Nước Mỹ
(Phùng Văn Phụng)
Tác giả Phùng văn
Phụng, định cư tại Mỹ theo diện HO đã13 năm.
*
Mới đến Mỹ chừng một
tháng bà xã tôi đã cự nự:
- Tôi đã bảo đi Mỹ mà
làm gì, ở nhà buôn bán rần rần, đang sung sướng, bây giờ qua đây, ngồi
" trông ngốc " trong phòng này như ở tù." Bà xã tôi than phiền
như vậy.
Tôi cứng họng không
biết trả lời ra sao"
Bà xã nói tiếp:
- Đi lên Tulsa ở tiểu
bang Oklahoma với Hồng Thu, kiếm chuyện gì làm ăn, vô hảng nào cũng được chứ ở
đây làm gì để sống đây"" Bà xã tôi cự tôi, đòi lên tiểu bang miền
Bắc, ít người Việt, nhiều hảng xưởng may ra dễ tìm việc làm, có chỗ nào, hảng nào
mướn, làm gì cũng được.
Tất cả chúng tôi gồm
có sáu người, hai vợ chồng bốn đứa con, hai trai, hai gái chen chút trong
"apartment" hai phòng ở đường Town Park thành phố Houston, Texas ; cuối
tháng lảnh tiền trợ cấp của chánh phủ Mỹ trả tiền mướn phòng và nhận "
food tem " để đi chợ cũng chỉ vừa đủ chi dùng trong tháng. Sau 8 tháng hết
trợ cấp thì sống làm sao đây" tiền đâu trả tiền mướn nhà, tiền đâu mua thức
ăn, trả tiền điện thoại v.v."
Đó là câu hỏi thường
xuyên trong đầu óc các thành viên trong gia đình tôi trong những ngày bước chân
lên đất Mỹ .
*
Khi tôi được trả tự
do từ trại tù Nam Hà đầu năm 1983, tôi đã nộp đơn chui qua tòa Đại sứ Mỹ ở Thái
Lan để xin tỵ nạn, bà xã tôi và thím tư mỗi lần gặp tôi cứ chọc quê tôi và nói
đùa rằng: "lo làm ăn không lo chỉ lo chuyện mò kim đáy biển".
Tôi cũng có cảm tưởng như thím tư tôi nói nhưng hy vọng vẫn nhen nhúm dầu rất
nhỏ trong lòng tôi cũng như vợ và các con của tôi đang sống trong khó khăn, cực
nhọc và tôi thì đang bị mất quyền công dân. Từ năm 1983 tới năm 1990 đa số bà
con cho rằng thành phần đi "cải tạo" về, những người được thả từ
trong tù, trong trại cải tạo mà được đi Mỹ là chuyện "mò kim đáy biển."
Cho nên khi tất cả
gia đình chồng vợ và các con đã lên được máy bay và khi máy bay cất cánh rồi
vào cuối năm 1993, tôi mới biết rằng gia đình tôi thực sự được đi Mỹ, rời khỏi
quê hương yêu dấu nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên thành người.
Ai mà không khỏi đau
lòng khi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, xa cha mẹ, xa bà con, dòng họ, xa anh chị
em ruột thịt, xa bạn bè thân thương, xa những học trò cũ hàng ngày thường gặp mặt.
Vậy mà phải rủ bỏ tất cả để ra đi. Đang buôn bán làm ăn, công việc đang trôi chảy
phát đạt, phải sang lại cho người em ruột.
Tại sao phải dứt
khoát ra đi" Tại sao không ở lại khi đang làm ăn được" Quyết định nào
cũng có những khó khăn và quyết định ra đi càng khó khăn gấp bội. Nếu được đối
xử tử tế, bình thường như bao nhiêu người dân khác thì đâu có ai phải bỏ nước
ra đi. Người dân miền Nam còn không được đối xử bình thường, được xem như kẻ bị
trị bởi người cùng nòi giống, huống hồ là người đã từng chống đối lại họ.
*
Một hôm phòng bên cạnh
có người cần khiêng đồ đạc trong nhà như bàn ghế, tủ giường v.v lên xe để di
chuyển. Họ thấy gia đình tôi có hai cháu thanh niên nên gọi đi khiêng đồ đạc
giúp. Tôi mới khiêng được mấy lần đã thấy nôn nao trong bụng, muốn ói vì khiêng
nặng không quen. Hôm đó được mấy chục đô la coi như lần đâu tiên kiếm tiền ở nước
Mỹ bằng nghề khuân vác.
Chú thím tư cùng người
cháu bà con là người bảo trợ, đã đi xin các bạn bè giường ngủ để ở hai
phòng, có máy truyền hình cũ ở phòng khách cho nên khi vào nhà ở đường Town
Park đã thấy rất ấm cúng.
Hình dung lại trước
khi ra đi, sáng thứ bảy, đến sở nhà đất để lấy giấy tờ chứng nhận không thiếu
thuế, phải đợi cho đến chiều tối khi giấy tờ họ đã có, để ở trên bàn nhưng họ
không chịu đưa, cho nên phải ngồi ngoài sân mà đợi. Họ đòi tiền mà tôi không biết
và lúc đó thật ra cũng không dám đưa vì có thể bị họ cho rằng mình đưa hối lộ sẽ
làm khó dễ giữ mình ở lại thì phiền phức vô cùng. Nhưng cuối cùng rồi
cũng phải chi cho họ một ít tiền mới lấy được giấy tờ để lên máy bay vào
ngày hôm sau. Tôi nhận được giấy báo đình chỉ chuyến bay ngày thứ năm vì
không có giấy chứng nhận không có chủ quyền nhà. Tới tối thứ bảy tôi mới lấy được
giấy chứng nhận này. Trong mấy tháng trước khi ra đi vì quá lo lắng, tôi bị bịnh
cảm liên tục, không ăn uống được phải uống thuốc thường xuyên mà cũng không hết.
Qua một chuyến đi dài
lần đầu tiên đến Mỹ tôi cứ suy nghĩ miên man qua Mỹ làm sao mà sống đây"
Mình không có nghề nghiệp chuyên môn nào cả, muốn trở lại nghề dạy học cũng phải
mất bốn hay năm sáu năm nữa học lại Anh văn, học lại chuyên môn về giáo dục, mà
mình cũng đã hơn năm mươi tuổi rồi sau khi học ra trường chắc gì ai mướn mình
đi dạy đây"
Tôi suy nghĩ: mình
chưa bao giờ lái xe hơi, làm sao học lái và chạy xe đây."
Cháu Trung con anh
Xin chở áo quần, đồ đạc lỉnh kỉnh từ phi trường Hobby về bằng xe truck. Hôm đi
đón có anh Độ bạn cũ ở quận 8 Sài gòn, vợ chồng chú tư và các con, vợ chồng Lẫm
và các con, đến quán Ba Lẹ có thêm Đoàn Hữu Đức là cháu thầy Đoàn văn Nghĩa,
thường gọi là ông Đốc Nghĩa (thầy dạy Pháp văn của tôi lớp 6, lớp 7 ở trường
trung học Cần Giuộc khoảng năm 1957-1958 ), lúc đó tôi mệt quá sau cuộc hành
trình dài hơn 24 giờ đồng hồ. Thấy bà con đông đảo đến đón, thật là đượm tình
nghĩa anh chị em, bạn hữu quá sức tưởng tượng của tôi.
Khi vào căn nhà do Lẫm
mướn cho ở đường Town Park là một chung cư có nhiều dãy nhà sát liền nhau, xung
quanh đa số là người Mỹ da đen chỉ có một ít người Mễ làm cho tôi thấy lo âu, cảm
thấy hơi sợ.
*Đi tìm trường học
Anh văn.
Mới qua Mỹ chưa có xe
hơi phải đi bằng xe bus. Từ nhà muốn đến trường phải đi bộ một đoạn đường khoảng
một cây số mới tới được đường chính là Bellaire rồi từ đó đón xe bus đi đến đường
Cookin mới có lớp ESL. Có người bạn cho biết có trường dạy Anh văn miễn phí nếu
xin trợ cấp của chánh phủ ở gần đường Chimney Rock và Gulfton. Tôi không biết
rõ trường nằm phía nào nên khi xuống Bellaire tìm được Gulfton rồi thay vì đi
bên phải một đoạn đường ngắn là đến trường Đại học cộng đồng, tôi đi về phía
trái cùng với con trai là Quốc đi hơn nửa giờ mà không tìm được trường đến nỗi
Quốc mệt quá, cự nự, đành phải tìm đường trở về nhà.
Muốn đi học tiếp để
có thể nói được tiếng Anh nên tìm trường để học. Học ESL cùng với các em, các
cháu khoảng chừng ba mươi tuổi chỉ cần vài tháng các em nói tiếng Anh khá
nhanh, còn tôi viết thì đúng văn phạm nhưng nói thì cứ ngọng, có nói được câu
nào cho trôi chảy đâu. Phân vân giữa đi học tiếp và đi làm. Đi học thì có thể
xin vay tiền đóng học phí nhưng không làm ra tiền để trả " bill ". Nếu
bây giờ học lại phải mất mấy năm nữa, già rồi ai mướn đây" Làm sao làm ra
tiền để có cuộc sống ổn định".
* Làm cho tiệm
grocery
Tôi đi tìm việc làm,
nộp đơn ở tiệm fast food "Jax in the Box" ở đường Gessner, nộp đơn ở
hảng làm điện tử, ở hảng sản xuất vàng, vào chợ Auchun nộp đơn xin bán hàng hay
làm bất cứ nghề gì cũng được nhưng ở đâu người ta cũng không nhận. Lý do tuổi
đã lớn trên năm mươi, không có " back ground " quá khứ làm việc ở Mỹ,
nói tiến Anh không thông thạo, không có nghề gì chuyên môn. Cùng với con gái là
Uyên Phương đi nộp đơn ở hảng K.Tec, hảng làm điện tử, con gái được nhận đi
làm, còn tôi thì không. Đi nộp đơn ở hảng chuyên làm vàng mà chú tư đang làm hảng
cũng không nhận.
Đành đi fill hàng cho
tiện Grocery ở đường Dairy Asford. Sáng sớm mặc áo lạnh đi bộ từ nhà ra bến xe
bus khoảng hai dặm, đứng đợi xe bus chừng 10, 20 phút, xe bus chạy khoảng 15
phút, xuống xe bus, lại đi bộ khoảng hai dặm đến chỗ làm. Bửa nào gặp mưa gió,
trời lạnh mùa đông, gió rít từng cơn, gió rét căm căm mới thấy nỗi lòng nhớ
nhung quê hương, nhớ bà con, nhớ ba má, anh chị em bạn bè v.v. của người xa xứ.
Rồi khi vô chỗ làm cần phải đeo kính để đọc tên của món hàng, sắp xếp hàng hóa
lên kệ tủ, nên làm khá chậm chạp không bằng những người trẻ không đeo kính. Do
đó anh Vương, chủ tiệm bảo: "Sao chú làm chậm quá vậy, mai về nghỉ
đi."
Tôi làm cho tiệm
Grocery khoảng hai tuần lễ thì mất việc.
* Đi làm tiệm sang
băng nhạc.
Bà xã thấy tôi không
có chuyện gì làm nên nhờ người quen giới thiệu đi làm ở tiệm sang băng nhạc ở
trong khu chợ Hồng Kông 1 ở đường Gessner. Nghề máy móc tôi đâu có biết vì gốc
gác là thầy giáo chỉ biết đi dạy học mà thôi. Khi sang băng dĩ nhiên rất chậm
chạp thời gian làm việc từ 10 giờ sáng cho đến 8 giờ tối. Tiền lương mỗi tháng
được trả là 600 đô la. Ngày đầu tiên tôi đến làm việc đã được em của bà
chủ hay là em của ông chủ" hạch sách ngay.
Anh ta nói: " Ở
Việt Nam sướng quá mà qua đây làm gì cho khổ." Đi qua đây chỉ có nước đi
làm công, làm mướn chứ làm được gì"
Tôi tức lắm nhưng
không muốn tranh luận với anh này làm gì. Khi thấy tôi lớ ngớ đứng không
biết làm gì thì anh ra lịnh ngay:
"Anh phải lau
bàn ghế,lau tủ cho sạch sẽ đi chớ ".
Tôi vội vả cầm khăn
lau bàn ghế, lau tủ kiếng, sau một lúc anh bắt tôi sang băng cải lương, phim
chưởng, phim Trung Quốc để cho mướn.
Anh đâu có hiểu rằng
tôi ra đi là vì tôi không thể sống với Cộng Sản được. Tôi là kẻ từng chống đối
với chế độ, một con người bị để ý, canh chừng. Làm sao sống được khi mình luôn
luôn bị nghi ngờ, bị thường xuyên theo dõi. Một lần tôi đến thăm anh Ngọc, trước
cũng ở trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến thì công an khu vực đã hỏi anh Ngọc:
" Ông Phụng đến nhà anh làm gì đó. Có âm mưu gì không"" Anh Ngọc
sợ quá bảo : "Thôi anh đừng đến thăm tôi nữa, công an khu vực hỏi
thăm tôi về anh đó. Hắn hỏi anh đến đây là gì, bàn tính, âm mưu chuyện gì
"
Một số bạn bè sĩ quan
thường đến thăm tôi thì công an khu vực hỏi thăm ông bảy Bích là tổ trưởng ở
sát bên nhà: " Anh thấy ông Phụng thế nào." Tại sao nhiều sĩ quan chế
độ cũ cứ đến thăm và theo ông thì ông Phụng này có tính toán chuyện gì chống đối
nhà nước không"
Ông tổ trưởng phải trả
lời là ông Phụng có giấy tờ đi Mỹ rồi còn tính toán chuyện gì nữa. Nói như vậy
nhưng anh công an khu vực có tin điều đó không"
Lúc nào tôi cũng lo
âu, hồi hộp không biết bị bắt lại bất cứ lúc nào. Thường xuyên tôi bị theo dõi.
* Đi bán bảo hiểm
Tình cờ nói đúng hơn
là Thiên Chúa sắp xếp, tôi gặp ông Đoàn Hữu Đức vừa mới mở văn phòng Đoàn
Agency nên rất cần người. Tôi đã phải thi 8 lần mới đậu bằng "group
one" để được bán bảo hiểm. Mất gần một năm trời mới xong bằng và được tiểu
bang chấp nhận cấp giấp phép hành nghề. Đoàn Hữu Đức là cháu ông Đốc Nghĩa, dạy
pháp văn trường trung học Cần Giuộc.
Những ngày đầu đi
làm, đi bán bảo hiểm là một thách đố lớn. Nhiều khi bị trời mưa tầm tả cũng phải
cố gắng đến nhà bà con vì mình lỡ hẹn rồi. Có khi đến nơi rồi tìm không ra nhà
dưới trời mưa không dứt hột, cũng phải đi kiếm địa chỉ của khách hàng, vì Apartment
ở khu làng Park Place phòng này sát với phòng kia nhưng cách một dãy nhà thành
ra tìm không ra. Kiếm nhà không được, đi dưới trờì mưa đến cây xăng gần đó dọc
Freeway South45 và đường Broadway, bỏ 25 cents vào điện thoại công cộng để
hỏi anh chỉ giùm căn nhà đó chỗ nào". Sau khi anh bạn mình chỉ thì mình mới
biết rằng mình cũng vừa đứng ở chỗ đó vậy mà không thấy được số nhà vì lúc đó
trời đang mưa mà ban đêm, trời lại tối nữa. Sau khi bán đươc anh chương trình bảo
hiểm 25,000 đô la, hảng đã thuận đem "policy" là sổ hợp đồng hay giao
kèo đến cho anh thì anh lại không nhận, công của mình đã trở thành vô ích,
nhưng lâu lâu mới gặp trường hợp như thế chứ nếu ngày nào cũng như vậy chắc đã
bỏ nghề đã từ lâu.
Tôi có cái hẹn vô nhà
người khách hàng để giới thiệu chương trình bảo hiểm nhân thọ. Tôi đang giải
thích nhu cầu bảo hiểm cho người con vừa mới mua nhà, nếu có mệnh hệ nào thì vợ
làm sao có tiền để trả nợ nhà. Tôi chỉ mới hỏi vài câu và vừa mở máy
computer ra; người cha từ bên kia đường bước qua lớn tiếng nói với người con:
" Mầy đi qua đây ăn cơm. Không được mua bán gì hết. Đến đây để lường gạt
con tao hả"."
Thấy không khí có vẻ
căng thẳng, tôi gấp máy computer lại, bước ra khỏi nhà, mở cửa xe sẵn có mấy tờ
báo trên xe, tôi lấy hai cuốn báo đem đến cho người này.
- Cháu
xin gởi bác hai tờ báo này "
- Đi đi , đi
đi tao kêu cảnh sát bắt mầy bây giờ, đến đây để dụ dỗ, gạt gẫm con tao hả.""
. Lần đầu tiên tôi bị cự nự dữ dội như vậy. Hết sức tức giận nhưng tôi cố gắng
tự trầm tỉnh, mở máy xe, hít thật dài hơi và tự nhủ: " tự nhiên bị hiểu lầm,
bị cự nự vô lý, nếu mình giận ông này mình cũng điên như ông ấy vậy. Thôi bỏ
qua đi. Tai nạn nghề nghiệp mà. Tuy nhiên phải mất hơn mười phút tôi mới lấy lại
được bình tỉnh mà lái xe về văn phòng.
Một lần khác ghé nhà
một người quen do anh Tommy làm nghề bán xe hơi giới thiệu, vừa bước vô nhà, mới
hỏi thăm sơ sơ về hoàn cảnh gia đình, bà vợ đứng ở bếp đang nấu ăn, nói lớn tiếng:
- Mấy thằng bán bảo
hiểm là những thằng lường gạt, tôi mua bảo hiểm mấy năm trước ở Cali, bây giờ
tăng giá, lúc mua nó không nói. Tôi đã bỏ rồi không đóng tiền nữa. Toàn là những
đứa lường gạt."
Vì mới vào nghề bảo
hiểm tôi chẳng biết phải trả lời thế nào, cứng họng, vội bỏ tài liệu vào cặp và
rút êm ra khỏi nhà anh chị này mà trong lòng tức tối lắm vì chị quơ đủa cả nắm
ai làm nghề bảo hiểm đều xấu xa cả. Chị ấy chửi mình mà mình chẳng biết trả lời
ra sao.
* Kết: Tạ Ơn.
Hơn mười ba năm trôi
qua từ tháng 11 năm 1993, hiện tôi đã và đang sống trong nghề bảo hiểm hơn 12
năm. Có ba cháu lập gia đình. Có ba cháu ngoại và một cháu nội. Bà xã tôi dứt
khoát không muốn về Việt Nam ở luôn nếu có về chỉ muốn ở một, hai tháng như đi
du lịch mà thôi vì các con, các cháu đều hiện sống ở Houston, Texas.
Tạ ơn Thượng Đế ban
gia đình của con, các con, các cháu đều khỏe mạnh và bình an. Xin cám ơn nước Mỹ,
chánh quyền và người dân Mỹ đã chấp nhận gia đình chúng tôi đến định cư ở quốc
gia này như là một quê hương thứ hai của tôi.
Tạ Ơn Đời Tạ Ơn Người!
(Thảo Lan)
***
Tác giả tên thật
Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình
ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện
cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia.
***
-Một mùa thu nữa lại
đến với chúng ta. Lá trên cây đã bắt đầu đổi màu để biến những hàng cây xanh lá
ngày nào thành một bức tranh hỗn hợp nhiều sắc màu. Vài cơn gió lành lạnh lại bắt
đầu thổi về để các nghệ sĩ bỗng cảm thấy rạo rực niềm cảm hứng sáng tác. Chả mấy
chốc chúng ta sẽ đón mừng ngày lễ Tạ Ơn với món gà tây truyền thống của người
dân Mỹ. Ngày lễ Tạ Ơn có truyền thống rất lâu đời từ các năm tháng những người
di dân châu Âu đầu tiên đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Có lẽ tôi cũng không cần
thiết viết nhiều về truyền thống và lịch sử của ngày lễ Tạ Ơn này vì hầu hết
chúng ta, những nguời sống tha hương tại Hoa Kỳ, hay cả những người sống ở quê
nhà hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới ít nhiều đều đã biết đến. Những nguời đến
đây lập nghiệp từ năm 1975 đã từng đuợc đón tiếp hơn 43 cái lễ Tạ Ơn. Đối với
những đồng bào đến định cư tại đây theo diện ODP, con lai hay HO thì cũng đuợc
trải qua rất nhiều mùa lễ. Số người đến sau này thì ít nhiều cũng được biết đến
truyền thống ngày lễ qua người thân của mình.
Theo văn hóa Việt Nam
từ ngàn xưa chúng ta có truyền thống nhớ ơn công lao những bậc tiền nhân. Điều
này được thể hiện qua các câu ca dao tục ngữ như: "Ăn quả nhớ kẻ trồng
cây", "Uống nước nhớ nguồn". Đối với các đấng sinh thành thì
"Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy
ra". Chúng ta coi trọng các ngày giỗ kỵ vì đó là dịp để con cháu bày
tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến các bậc cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cùng tất cả
những người đã khuất. Đối với Trời đất thì chúng ta lập bàn thờ thiên mà về sau
này do cuộc sống được đô thị hóa nên chỉ còn thấy ở một số nhà ở miền quê hay
vùng ngoại ô. Tuy nhiên có lẽ không người Việt nào không biết đến phong tục
cúng Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp và mâm cơm cúng giao thừa hằng năm. Đây
không những là dịp cho chúng ta cầu mong một năm mới tốt lành mà còn là lúc để
chúng ta tạ ơn trời đất đã che chở phù hộ cho chúng ta trong suốt năm vừa qua.
Nói đến lễ Trời đất
thì không thể không đề cập đến lễ tế Nam Giao của các vị vua ngày xưa. Lễ tế
Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất thời xưa của nước ta vì chỉ nhà vua mới
có quyền làm lễ tế. Mục đích của lễ tế Nam Giao là nhằm cầu cho quốc thái, dân
an, thiên hạ thái bình. Tuy nhiên lễ tế này còn nhằm khẳng định vị thế và tính
chính thống của nhà vua tuân theo mệnh Trời cai trị thần dân và cầu xin Trời đất
gia ân, gieo mưa thuận gió hòa, tránh các thiên tai để mọi người đều được bình
an, hạnh phúc
Ngoài truyền thống tưởng
nhớ công ơn các bậc tiền nhân và Trời đất ra, người Việt chúng ta cũng thường
còn biết ơn nghĩa phân minh như lời người xưa từng dạy "Làm ơn chớ nên nhớ.
Chịu ơn chớ nên quên". Tuy nhiên, phải nói là chúng ta rất hà tiện khi xử
dụng tiếng nói cám ơn trong đời sống hàng ngày nhất là đối với những người thân
trong gia đình. Không như người Mỹ thường xuyên nói câu thank you, chúng ta ít
khi nào nói cám ơn với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em. Đặc biệt là rất hiếm trường
hợp cha mẹ nói cám ơn với con cái. Tôi còn nhớ ngày xưa khi các con tôi đến tuổi
đi học có lẽ các cháu được thầy cô dạy cách ứng xử (manner) nên đã áp dụng ngay
khi về nhà. Mỗi lần khi có dịp làm cho tôi một việc gì các cháu thường thắc mắc
với tôi rằng, "Tại sao bố không nói cám ơn". Điều này cũng làm tôi
suy nghĩ ít nhiều. Mình thường dạy dỗ cho các con biết nói tiếng Việt và cố gắng
giữ gìn được bản chất văn hóa Việt Nam, nhưng lại không biết dung hòa cái hay của
văn hóa Tây Phương thì sẽ khó thuyết phục được thế hệ con em sinh sau đẻ muộn ở
đây. Không khéo lại đẩy chúng đến gần với văn hóa Tây phương hơn thì hỏng mất.
Nói đến sự khác biệt
về văn hóa trong cách ứng xử thì cũng phải nói đến sự phân biệt trong cách đối
xử của một số người Việt chúng ta ở đây. Trong khi đa số chúng ta hòa nhập với
xã hội Mỹ và đối xử với người bản xứ một cách thật lịch thiệp thì chúng ta lại
không áp dụng được cách đối xử đó với những người đồng hương. Vài năm về trước
có một lần tôi ghé vào tiệm thực phẩm Á đông quen thuộc của người Việt ở đây.
Phía trước tôi là một anh thanh niên Việt Nam đang mở cửa tiệm bước vào. Ngay
sau anh là một người Mỹ da trắng. Mặc dù chỉ đứng đến vai ông ta, anh thanh
niên đã lịch sự đứng giữ cửa mời người Mỹ vào trước và cúi rạp đầu nói,
"You're welcome" khi được cám ơn. Khi đó tôi cũng vừa bước tới. Báo hại
cho tôi cứ tưởng bở rằng mình cũng có quốc tịch Mỹ nên cũng sẽ được đối xử bình
đẳng như người Mỹ da trắng kia nhưng không ngờ anh thanh niên thản nhiên quay
lưng hất cửa bỏ đi làm tôi xém tí nữa bị cánh cửa đập vào mặt.
Để khỏi bị lạc đề cho
phép tôi được trở lại với ý chính. Xin bỏ qua vấn đề tín ngưỡng vì tùy theo mỗi
tôn giáo mà mỗi người chúng ta có một đấng thiêng liêng khác nhau để thờ phụng
và tạ ơn, cũng như có các triết lý khác nhau để lý giải sự việc. Trong cuộc sống
hàng ngày có vô khối lý do để ta cảm thấy cần phải tạ ơn cuộc đời và tạ ơn con
người. Vài năm về trước tôi có nhiều dịp đi công tác thăm các hãng xưởng ở
Trung Quốc. Nhiệt độ giữa mùa hè ở thành phố Shenzhen thuộc tỉnh Quảng Đông thường
xê dịch vào khoảng 90-100 độ F. Bên trong các xưởng máy chỉ có hệ thống quạt
gió chứ không có máy điều hòa không khí như ở các nước Tây phương. Nhiệt độ
nóng tự nhiên ngoài trời cộng với hơi nóng từ các máy đúc nhựa phát ra và độ ẩm
cao đã khiến cho nhiệt độ trong xưởng có thể vọt lên trên 110 độ F. Thông thường
chúng tôi chỉ làm việc dưới xưởng 1, 2 tiếng là phải quay về khu văn phòng có
máy lạnh để họp và cũng để nghỉ giải lao tránh nóng. Nhìn những công nhân mà đa
số là phụ nữ phải làm việc liên tục từ 8 đến 12 tiếng dưới môi trường như vậy
đã khiến tôi liên tưởng đến bản thân tôi khi còn làm thợ cơ khí ở Việt Nam của
hơn 30 năm về trước. Và mỗi lần như thế tôi lại thầm cám ơn cuộc đời, cám ơn Trời
đất đã khiến tôi không phải ở vào hoàn cảnh như những người phụ nữ Trung Hoa
kia hoặc ít ra không phải tiếp tục kéo dài cuộc sống của tôi như trước kia ở Việt
Nam. Tất nhiên đã cám ơn cuộc đời tôi phải cám ơn cả con người. Có lẽ nếu ông
bà tổ tiên không để lại phúc đức cho con cháu thì dễ gì cuộc đời tôi được như
ngày nay. Nếu hai đấng sinh thành không dạy dỗ hướng dẫn và làm gương sáng thì
cũng dễ gì tôi được như thế này. Mặc dù nhìn lên thấy mình chẳng bằng ai nhưng
ít ra trong cuộc sống này còn vô khối người lầm than khổ cực hơn mình rất nhiều.
Nơi tôi ở tại miền
Đông Nam tiểu bang Virginia hàng năm vẫn có những cơn bão thổi qua. Nhẹ thì chỉ
là những cơn mưa dầm dề ảnh hưởng bão rớt. Nặng thì có thể phải bỏ tiền sửa chữa
nhà cửa hoặc thậm chí bị bắt buộc di tản. Cuối tháng 8 năm 2011, cơn bão Irene
đi qua khiến tôi mất một món tiền nhỏ để mướn thợ lắp lại những miếng ngói
(shingle) trên nóc nhà bị bão thổi bay mất. Do hướng gió cũng như căn nhà ở vị
trí cul de sac trống trải, nhà tôi là căn duy nhất trong khu bị thiệt hại bởi
cơn bão này. Buổi sáng hôm sau ngay khi cơn bão đi qua, lúc đi quanh nhà nhặt
những mảnh ngói rơi rụng khắp vườn trong khi các nhà hàng xóm đều lành lặn
trong lòng tôi đã nhen nhúm một chút ganh tị. Nhưng ý nghĩ này chỉ thoáng qua
trong chốc lát vì tôi chợt nhớ ngay đến bản tin buổi chiều hôm trước khi đài
truyền hình đưa tin một em bé 11 tuổi ở thành phố lân cận đã thiệt mạng khi một
cây đổ đè vào căn apartment nơi em đang ở. So với sự mất mát của người cha, người
mẹ khóc con mình cùng những mất mát khác do cơn bão gây ra thì một vài miếng
ngói của tôi chỉ như một hạt cát trong số cát của sông Hằng. Và một lần nữa tôi
lại cảm ơn cuộc đời, cảm ơn đất Trời, cảm ơn ân đức tổ tiên và những người đã
khuất.
Có lẽ chẳng cần chờ đến
ngày lễ Tạ Ơn hàng năm, nếu để ý ta sẽ thấy trong cuộc sống mỗi ngày có vô khối
lý do để chúng ta phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn con người. Hàng ngày khi ta thức
giấc mở mắt đón chào một ngày mới, hãy cám ơn cuộc đời đã cho ta được vui sống
thêm một ngày. Khi đọc tin tức về 39 người mất mạng trong container trên đường
đến Anh, hãy cám ơn cuộc đời ta không nằm trong con số 39 người đó. Để rồi khi
nghĩ đến bao nhiêu người khác đã thiệt mạng trên con đường đi tìm tự do trước
kia, tôi lại tạ ơn trời đất vì mình may mắn không cùng chung so phận với họ để
còn được hít thở bầu không khí tự do.
Xin cám ơn ông hàng
xóm đã chào "good morning" khi tôi mở cửa xe chuẩn bị lái đi làm sáng
nay. Lời chào của ông đã khiến tôi phấn khởi liên tưởng đến một ngày làm việc
may mắn nhiều thuận lợi vì niềm tin xa xưa "ra ngõ gặp trai". Xin cám
ơn cấp trên đã chia sẻ những vấn đề trong công việc của ông khiến tôi biết được
ai cũng có những khó khăn không riêng gì bản thân mình. Cám ơn các nhân viên đã
có lời hỏi thăm gia đình tôi, nhờ vậy tôi cảm thấy không khí làm việc trở nên ấm
cúng hơn. Cám ơn các con đã vui mừng chạy ùa ra đón tôi trở về nhà khiến một
ngày làm việc căng thẳng bỗng trở nên nhẹ tênh. Cám ơn vợ tôi đã cơm nước chu
đáo cho tôi được một bữa cơm nóng sau giờ làm việc và đưa đón các con tôi đi học
để tôi có thể yên tâm làm việc. Cám ơn các bạn bè cũ đã cho tôi những giây phút
sống lại một thời của tuổi ấu thơ. Cám ơn các nhà văn, nhà báo đã cho tôi những
áng văn, bài viết hay, những lời khuyên vàng ngọc. Cám ơn các nhà thơ đã cho đời
những lời thơ trải chuốt lãng mạn. Cám ơn các họa sĩ đã cho tôi các bức tranh đẹp
nhiều màu sắc. Cám ơn các nhạc sĩ đã cho tôi những tuyệt tác âm nhạc và cám ơn
các ca sĩ đã truyền tải những tuyệt tác đó đến tai tôi. Cám ơn các vị lương y đã
chăm sóc sức khỏe cho tôi và người thân chúng tôi. Xin cám ơn tất cả các độc giả
đã chịu khó bỏ chút thời gian ra đọc những bài viết của tôi. Xin cám ơn cả những
ai đã phê bình, chỉ trích tôi. Chính nhờ vậy mà tôi có thể thấy được khuyết điểm
của mình. Cám ơn các anh chị em tôi về mọi thứ. Nhờ có họ tôi mới thấy mình được
hạnh phúc hơn bao nhiêu người khác trong gia đình con một. Tất nhiên không thể
nào quên được cám ơn cha mẹ tôi. Công đức dạy dỗ cũng như tấm gương đạo đức của
ba mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của chúng con sau này. Và cũng xin
cám ơn đấng sinh thành ra vợ tôi do đã tin tưởng trao gửi cho tôi cô con gái
cưng. Cuối cùng tôi xin được chấm dứt bài viết này bằng lời của cố nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn. "Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã
cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời".
(Thảo Lan)
Thanksgiving-MÕ NHÂN
ÁI
https://nhinrabonphuong.blogspot.com/2023/11/mung-le-ta-on-voi-khach-khong-nha.html
Chúc những ngày an vui
http://macphuongdinh.blogspot.com
Đăng nhận xét