TRANG GIỚI THIỆU TRẦN ĐÌNH PHƯỚC CHIA SẺ VỀ PHẪU THUẬT UNG THƯ GAN & TRƯỞNG HĐVN HUỲNH THUẬN NHÃ

 KÍNH GIỚI THIỆU TRẦN ĐÌNH PHƯỚC CHIA SẺ VỀ PHẪU THUẬT UNG THƯ GAN & TRƯỞNG HĐVN HUỲNH THUẬN NHÃ...


Vài hàng về việc Phẫu Thuật Ung Thư Gan của tôi vừa qua

Phuoc

Xin kính gửi Quý Anh Chị

Vài hàng về việc Phẫu Thuật Ung Thư Gan của tôi vừa qua. Nếu không phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời. Có thể tôi sẽ gặp nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Ca phẫu thuật sẽ gặp khó khăn vô cùng.

Xin Cảm Tạ Thượng Đế.

Kính

tdp

“Thứ Ba 26 Tháng 03, năm 2024. Con trai tôi, vợ tôi và tôi rời nhà sớm để có mặt ở UCSF (University of California San Francisco) lúc 5:30 sáng.

Lúc 7:30 sáng tại UCSF, tôi được Bác Sĩ Ajay V. Maker là một Bác Sĩ

chuyên về Ung Thư, kiêm Trưởng Khoa Ung Thư Phẫu Thuật và các cộng sự

của ông thực hiện ca phẫu thuật Ung Thư Gan của tôi.

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào nền Y Khoa hiện đại và tối tân của Hoa Kỳ, thuộc loại bậc nhất thế giới, với những  Bác Sĩ Giỏi, phát hiện căn bệnh Ung Thư Gan sớm nhờ đi xét nghiệm, siêu âm, chụp MRI thường xuyên, cùng sự độ trì của các Đấng Quyền Năng, các lời khấn nguyện của gia đình, anh chị em, con cháu, bạn bè thân thiết, sự lạc quan và những việc làm tốt của tôi trong cuộc sống hàng ngày sẽ đem lại bình an và kết quả tốt đẹp cho tôi.

 May mắn, ca phẫu thuật Ung Thư Gan của tôi thành công mỹ mãn.Tôi chỉ nằm ở phòng hồi sức 4 đêm và 5 ngày. Được các Bác Sĩ, Các Y tá và nhân viên y tế chăm sóc thường xuyên. Cạnh bên lủc nào cũng có mặt vợ con săn sóc.

 Sau khi kiểm tra đầy đủ về sức khoẻ. Tôi được Bác Sĩ cho về nhà lúc 4:00

chiều ngày 30 Tháng 03, năm 2024, để tiếp tục trị liệu tại nhà và dinh

dưỡng theo sự hướng dẫn.

 Xin Cảm Ơn tất cả sự Độ Trì của các Đấng Quyền Năng và cầu nguyện của thân nhân, bạn hữu cho tôi được tai qua, nạn khỏi. Đặc biệt, là vợ con tôi luôn luôn đồng hành để động viên tinh thần cho tôi được vững tâm trong việc chữa trị.”Tôi cho đỏ là may mắn và Hạnh Phủc cuối đời.

Trẩn  Đình Phước

Ngày 31 Tháng 05, năm 2024

Mùa Lễ Phục Sinh 2024

Bình An và Hạnh Phủc

***

Trưởng HĐVN Huỳnh Thuận Nhã

LĐT/ LĐPT/SĐ6/KQ

(Kính dâng lên Hương Hồn Cố Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ, Sư Đoàn 6 Không Quân và các đồng đội. Kính gửi đến quý Trưởng, quý anh chị em Hướng Đạo và những ai luôn luôn dành thiện cảm đặc biệt cho phong trào HĐVN.)

Sau 30 tháng 04, năm 1975. Tôi chỉ nghe tin đồn Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ thuộc Sư Đoàn 6 Không Quân, cùng một số quân nhân thuộc liên đoàn mất tích trên đường di tản bằng đường bộ rời khỏi Pleiku???

Khi được tin, tôi cầu mong đó không phải là sự thật và tôi tin rằng không có bất cứ trường hợp bi đát nào xảy ra cho Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã.

Đối với tôi, Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã là một Trưởng Hướng Đạo Việt Nam đã dạy dỗ và hướng dẫn tôi trong bước đi chập chững của những ngày đầu tiên đến với Hướng Đạo, mà cho đến bây giờ tôi không thể nào quên!

Xin được ghi lại nơi đây vài dòng kỷ niệm thời thơ ấu của tôi về Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã.

Tôi gặp Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã vào khoảng năm 1957-1958, khi tôi là sói con ở Ấu Đoàn Trần Quốc Toản, Đạo Bến Nghé – Châu Gia Định. Lúc đó Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã là Báo đen (Bagheera) trong Ấu Đoàn của chúng tôi.

Ấu Đoàn Trần Quốc Toản gồm các Trưởng: Nguyễn Huy Lượng  là Akêla, Trương Thị Tâm là Baloo (Gấu), Trưởng Huỳnh Thuận Nhã là Bagheera (Báo đen). Các Trưởng có nhiệm vụ  thay phiên hướng dẫn và huấn luyện các sói con về các kỹ năng, kỹ thuật hướng đạo,  săn mồi, học hỏi, ca hát, áp dụng luật và châm ngôn rừng.

Bagheera Huỳnh Thuận Nhã lúc nào cũng nở một nụ cười đôn hậu và không bao giờ rầy la, hay lớn tiếng với các sói con. Báo đen Nhã thường dạy các sói con những bài ca ngắn như: Cái Nhà là Nhà Của Ta, Cùng Quây Quần Ta Vui Vui Vui, Tang Tang Tang Tình Tang Tính , Trông Kìa Con Voi, Nó Đứng Rung Rinh, Một Ngón Tay Nhúc Nhích, Nhúc Nhích Này và những vũ điệu như Múa Cá Sấu, Múa Trăn…Lâu lâu  Báo đen  Nhã cũng kể truyện cho các sói con nghe. Giọng kể mang âm hưởng miền Nam nhẹ nhàng, lôi cuốn và rất hấp dẫn. Tôi vẫn không quên “Câu Chuyện Rừng Xanh“ của Văn Hào Rudyard  Kipling mà Báo đen  Nhã thường kể cho các sói con chúng tôi nghe. Câu Chuyện Rừng Xanh rất quen thuộc đối với các hướng đạo sinh ở lứa tuổi ngành Ấu (tức từ bảy tuổi đến mười một tuổi.)

Tôi cũng hồi tưởng những lần Ấu đoàn Trần Quốc Toản đi cắm trại bằng phương tiện xe lửa đến Tân An, Mỹ Tho. Chúng tôi thích nhìn hai hàng cây bên đường mỗi khi xe lửa chạy vụt nhanh qua. Thỉnh thoảng vừa hát, vừa vỗ tay, để con đường thiên  lý được thu ngắn lại. Khi xe lửa dừng lại khoảng nửa giờ ở các ga dọc đường để cho hành khách lên hay xuống xe Lúc này những người bán quà rong nhanh nhẹn nhảy lên xe vừa rao, vừa mời mua quà. Nào: khóm (thơm), mận, ổi, mít, chim Se Sẻ rô ti, mía ghim, bánh ú, bánh tét, bánh mì thịt, nước đá nhãn nhục, cà rem cây, trà đá…tạo nên không khí ồn ào, náo nhiệt giống như một cái chợ lưu động.

Đôi khi đi thăm các vườn trái cây ở Bình Nhâm – Lái Thiêu. Nơi đây trồng đủ loại cây ăn trái của miền nhiệt đới như: chôm chôm, dâu, măng cụt, mít, sầu riêng, bòn bon, mãng cầu, quần quân…Chúng tôi được chủ vườn tiếp đón rất nồng hậu và cho phép tha hồ hái ăn tại vườn.

Có lúc trình diễn văn nghệ vào dịp Trung Thu ở nhà thờ Thị Nghè, hay viếng thăm và tặng quà vào dịp Tết Nguyên Đán cho các người già, nghèo khó, bệnh tật không thân nhân nuôi dưỡng đang cô độc ở Viện Dưỡng Lão Thị Nghè.

Ấu Đoàn Trần Quốc Toản sinh hoạt hàng tuần vào mỗi buổi sáng Chúa Nhật từ 8 giờ sáng  đến 11 giờ sáng  tại Trường Tiểu Học Sao Mai, nằm dưới chân cầu Công Lý và ở vườn cao su Lê Đức. Khu vườn nằm sâu trong một con hẻm lớn, ngay góc đường Công Lý và Nguyễn Đình Chiểu, Quận Ba. Đó là một khoảng đất rất rộng, hình vòng tròn trồng toàn là những cây cao su. Chúng tôi thường hay lấy mủ chảy từ cây cao su, đem vo tròn lại làm thành trái banh nhỏ để đá, chơi trò cưỡi ngựa chuyền banh, hay ngồi vòng tròn “ Nào cùng chuyền, lớn bé anh em ta chuyền cho đều. Chuyền cho khéo, anh ơi ! Nếu sai! Nếu sai thì mời anh ra. “

Sau này, Ấu Đoàn chuyển ra họp ở công trường Hoà Bình. Nơi các Linh Mục cư ngụ, phía đối diện với Vương Cung Thánh Đường. Thỉnh thoảng các Sói Già cũng tổ chức cho các sói con chơi trò chơi lớn như học các dấu đi đường, tìm mật thư ở nơi có nhiều cây cao bóng mát. Nơi đây là một công viên có diện tích rộng nằm giữa đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes. Nhìn sang phía bên kia đường là Dinh Độc Lập.

Một thời gian sau, Bagheera Nhã từ giã Ấu Đoàn Trần Quốc Toản để lên đường nhập ngũ khoá 7 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Tốt nghiệp chọn Binh Chủng  Lực Lượng Đặc Biệt và cuối cùng  thuyên chuyển sang  Quân Chủng Không Quân. Kể từ đó các sói con không còn dịp gặp Báo đen  Nhã nữa! Khi thiếu bóng dáng Bagheera Nhã, chúng tôi cảm thấy trống vắng một hình ảnh quen thuộc mỗi lần sinh hoạt vào cuối tuần.

Rồi! cuộc sống đưa đẩy theo ngày tháng như dòng nước cuốn trôi. Tôi cũng tiếp bước chân Báo đen Nhã tình nguyện vào khoá 7/68 Không Quân. Sau khi tốt nghiệp Air Weapons Controllers ở Tyndall AFB – Florida về nước. Được nghỉ phép mười ngày. Hết hạn phép. Tôi trình diện phòng nhân viên Bộ Tư Lệnh Không Quân và nhận sự vụ lệnh ra phục vụ tại Trung Tâm 2 Kiểm Báo Sơn Trà – Đà Nẵng. Còn gọi là Panama hay Monkey Mountain (vì núi này có nhiều khỉ. Đặc biệt, trên mình chúng lông vá các màu trắng, xám. Bà con  địa phương còn gọi là con Vá Hoàng. Hiện nay chúng được xếp vào danh sách loài thú quý hiếm của thế giới, cần được bảo tồn)

Thỉnh thoảng có dịp sang SĐ1/KQ và Thành Phố Đà Nẵng để lãnh lương, khám bệnh, thăm bạn bè, mua sách báo, thưởng thức Bún Bò Bà Đào trên đường Trần Bình Trọng, mà các cô con gái của bà đều duyên dáng, dễ thương, làm mê mệt bao đấng anh hùng hào kiệt trong đó có tôi, hay đi xem xi nê ở các rạp: Trưng Vương, Kim Châu, Kinh Đô, Lido, Chợ Cồn… Các rạp này thường chiếu phim Ấn Độ, Hồng Kông, lâu lâu xen kẽ vài phim của các nước Âu Mỹ và vài nước Á Châu như Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan… Rạp nào cũng chiếu thường trực. Bất cứ lúc nào khán giả mua vé cũng vào cửa được, không phải chờ đợi lúc hết phim.

Một phim Hồng Kông do Shaw Brothers sản xuất, dưới tài đạo diễn xuất sắc của Trương Triệt. Tựa phim “Thập Tam Thái Bảo” gồm các tài tử nổi tiếng:  Địch Long, Khương Đại Vệ,Trần Quang Thái,Vương Vũ…có số thu kỷ lục, khán giả đi xem đông đảo nhất. Dân ghiền xi nê đều nhiệt liệt tán thưởng. Họ xem đi, xem lại nhiều lần vẫn không thấy nhàm chán! Cảm động và thương tâm nhất là cảnh cuối cùng. Người con trai thứ mười ba là Lý Tồn Hiếu do Khương Đại Vệ đóng rất tuyệt vời. Lý Tồn Hiếu bị hành hình bằng cách cho bốn con ngựa phanh thây. Hình ảnh phát thật chậm và vài phút sau đó phim kết thúc. Đèn trong rạp hát bật sáng lên để cho khán giả ra về thì thấy nhiều nữ khán giả đang dùng khăn tay lau nước mắt.

Một lần tình cờ, tôi gặp Bagheera  Nhã trên đường Trưng Nữ Vương. Anh đang lái xe Jeep lùn màu xanh nước biển. Tôi gọi anh. Anh dừng xe lại và nhận ra ngay chú bé sói con ngày xưa. Anh mời tôi lên xe và chở tôi đi ăn cơm trưa ở nhà hàng Thời Đại nằm trên đường Độc Lập, đối diện Nhà Thờ Lớn hay còn gọi là Nhà Thờ Chánh Toà, Đà Nẵng.

Hai anh em cùng nhắc lại những kỷ niệm lúc còn sinh hoạt ở bầy Trần Quốc Toản. Anh và tôi vừa ăn, vừa điểm danh lại các sói già và sói con ngày xưa. Bây giờ còn ai, mất ai và những ai đang trôi dạt về phương trời nào? Anh tâm sự với tôi. Anh luôn luôn vững tin Phong Trào Hướng Đạo là một môi trường giáo dục trong sáng và lành mạnh. Những anh chị em khi tham gia hướng đạo sẽ có cuộc sống tốt, biết trọng danh dự, luôn luôn sống xứng đáng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ không gian, thời gian nào nào! Anh luôn coi tôi như một đứa em, mặc dù đã bao nhiêu năm xa cách, nhưng tình huynh đệ hướng đạo vẫn thắm thiết, đậm đà như thuở nào!

Đúng là:

Một Ngày Hướng Đạo, Một Đời Hướng Đạo

Once a Scout, Always a Scout

Scout d’un Jour, Scout Toujours.

Bây giờ đã gần nửa thế kỷ trôi qua, một khoảng thời gian quả là khá dài. Sự biệt vô âm tín của Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã cùng một số quân nhân thuộc Liên Đoàn Phòng Thủ SĐ6KQ/ Pleiku vẫn còn biền biệt trong chốn hư vô.

Thôi! dù Sói Già Nhã và các đồng đội đang bềnh bồng phiêu lãng ở cõi trời vô tận nào. Cá nhân sói con này vẫn giữ mãi mãi hình ảnh một Bagheera Nhã dễ thương với nụ cười hiền hoà, thân thiện và dễ mến. Lúc nào Bagheera cũng lo lắng và săn sóc cho các sói con Ấu Đoàn Trần Quốc Toản một cách tận tình như một người anh đối với các đứa em ruột thịt, bé bỏng của mình.

Riêng tôi, trong cuộc sống có nhiều lúc gian nan, vất vả và hiểm nguy. Một đôi lúc tưởng chừng như sắp bỏ cuộc. Nhưng khi nhớ lại những gì các Trưởng hướng đạo dạy dỗ, hướng dẫn, mà trong đó có sự đóng góp của Sói Già Huỳnh Thuận Nhã. Tôi luôn luôn cố gắng vui tươi trước mọi khó khăn (điều luật thứ tám của Hướng Đạo.) Cuối cùng, thì những nghịch cảnh, dù nhiêu khê đến đâu, cũng dần dần sẽ vượt qua được hết!

Xin có vài hàng tưởng nhớ về Bagheera, Báo đen, Sói Già Huỳnh Thuận Nhã ngày xưa còn bé của tôi.

Xin được hát bài ca“Tạm Biệt”. Rồi! cũng có lúc sẽ gặp lại Báo đen Huỳnh Thuận Nhã để tiếp tục cuộc chơi dang dở.

“Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến.
  Cách xa, nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau”

Trần Đình Phước, San José, CA
(Voi Chăm Chỉ , Đạo Phiên An, Châu Gia Định)

***

 Biệt Danh (NICKNAME)

Khoá 7/68 KQ

Khoá 7/68 Không Quân có 255 SVSQ. Gồm hai ngành: 93 Phi Hành và 162 Không Phi Hành. Vì sự phát triển Không Quân VNCH và nhu cầu cấp bách. Nên tất cả Khoá 7/68 KQ được gửi lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thụ huấn giai  đoạn 1, và sau đó tiếp tục học giai đoạn 2 ở Trường Bộ Binh Thủ Đức.Tốt nghiệp mang lon Chuẩn Úy.

Ngoài Họ và Tên do cha mẹ đặt trong khai sanh, khi vừa mới chào đời. Trong khoá 7/68 KQ, có nhiều bạn được ưu ái đặt cho thêm một Nickname (biệt  danh) rất duyên dáng và dễ thương, mà đã hơn 50 năm trôi qua vẫn còn đọng trong ký ức của đa số bạn cùng khoá 7/68 KQ và tôi. Những  bạn có được biệt danh cũng đều hãnh diện và tự hào về biệt danh bạn bè đặt cho mình.

Nếu như bạn nào trong khoá không được đặt biệt danh thì coi như là một thiệt thòi và thiếu sót lớn trong cuộc đời quân ngũ. Những biệt danh đặt thường được căn cứ  theo: vóc dáng, màu da, tính tình, khả năng và vài trường hợp đặc biệt như: bị phạt dã chiến, được dưỡng sức ở cải hối thất…

Có thể liệt kê một số biệt danh của các bạn trong khoá 7/68 KQ sau đây:

- Anh Lùn, Biên Lùn, Cận Lùn, Diệm Lùn, Tú Lùn.( thiếu thước tấc )

- Cảnh Hù, Cảnh Kều.

- Dũng Mexico, Dũng Mập, Dũng Điếm (dù rất tử tế, đàng hoàng, tư cách và  trung thực. Anh được vào chung kết “The Next Comedians” và hy vọng thắng giải.)

- Đức Cốp, Đức Vịt Xiêm, Đức Chót, Đức Y Tá.

- Hải Mèo, Hải Phè, Hải Thẹo , Hải Đen.

- Hạnh Hynos, Hạnh Bạc Má.

- Hiếu Phè, Hiếu Giả Địch.

- Hoà Lậu, Hoà Thiền.

- Hùng Đít Diu, Hùng Dã Chiến, Hùng Ruồi, Hùng Râu, Hùng Tàu, Hùng

Tôn Giáo, Hùng Trâu Nước,

- Hưng Nhà Thờ - Hưng Ta Bu - Trần Văn Hưng (Thích Tâm Cự, vì hay cự nự)

- Lập Rỗ, Lập Trắng, Lập Huế.

- Long Giác Đấu, Tân Khoá Sinh  Đoàn Long.

- Mình Nhũi, Minh Cà Hùm, Minh Sụt, Minh Thối.

- Nguyên Cò, Nguyên Bi Vuông.

- Phú Bệnh, Phú Cận, Phú Tề Thiên (Vọng Cổ)

- Quí  Đầu Bò, Quí Mụn,

- Sơn Con, Sơn Tù Trưởng.

- Thân Khỉ, Thân Đại Khí , Thân Đèn Cầy.

- Thanh Cún, Thanh Lùn.

- Thành Cáo, Thành Lưỡi Lê, Thành Cậu 5 Sadec

- Thảo Hột Mít (Thảo Babilac, Thão Đại Điện), Thảo Mặt Ngựa,

- Tiên Gù, Tiên Móm.

- Tín Chữa, Tín Alamo.

- Trí Đen, Trí Nhọ Nhồi, Trí Sữa (Trí Thư Ký Đại Đội)

- Tâm Hột Le, Tâm Nhà Bếp.

- Trung Mù, Trung Chứng Chỉ ( khoe có mấy chứng chỉ Luật)

- Tuấn Fulro, Tuấn (Bokassa, Heo, Harlem, Xoắn)

 

- Ba Can Đảm, Bình Mộng Du, Bách Phè, Châu Công Công, Châu

Điên, Chính Sẹo, Công Gồng, Cường Gấu, Dân Bác Học, Dậu Gà, Đỗ Hột

Le, Đổng Da Trâu,

- Giang Thi Sĩ, Hoa Number One, Hậu Méo, Hiễn Trố, Hiệp Sĩ Say (Liêng

Hoảng Điệp), Hồng Lìn, Hoàng Giả, Hoàng Lão Tà Tà, Hợi Heo, Huân Mù,

Huấn Ma Gà,

- Khải Sữa, Kim Méo, Liêm  Già, Lộc Rỗ, Luận Lucky, Lý Xẻng, Mai Đầu

Bạc,

- Nhơn Cá Lóc, Nghĩa Giũa, Phiên Mù, Phước Biển Mặn, Phương Babilac,

Quang Vọng Cổ,  Quế Xích Lô, Quỳnh Móm,

- Tinh Kỳ Lạ, Tài Già, Tân Khoá Sinh Nguyễn Mạnh Trinh, Tân Côn Đồ,

Tấn  Lìn, Thốn Nùi, Tịnh Khùng, Tòng Jimbo, Toản Nhà Bàn, Tuân Thầy

Bói,

- Triêu Sứt, Trọng Rổ, Trực Ngựa, Tý Chuột,

-Xuân Mũi Đỏ, Xuyên (Già Củ Nùng)

- Đặc biệt, Đại Đội Trưởng cán của Đại Đội 38 KQ. Đại Úy NXĐ là 3.5

Vì  ông mang giày Bottle de Saut số rất nhỏ.

 Xin chúc mừng các bạn hân hạnh có biệt danh mà bạn bè trong khoá 7/68 KQ

thân yêu đã tặng cho mình, trong số đó có tôi (Phước Biển Mặn) là một ca sĩ

bất đắc dĩ chỉ hát duy nhất bài hát Biển Mặn của Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh

trong suốt thời gian thụ huấn ờ quân trường Quảng Trung và Thủ Đức.

Trần Đình Phước (Pbm)

(San José, California)

***

Nhớ Lại Đơn Vị mà Tôi Đã Từng Phục Vụ - Trung Tâm 2 Kiểm Báo - Sơn Trà, Đà Nẵng - KBC 6526

Kính gửi Quý Anh Chị

Kính chúc bình an.

Kính

tdp

Nhớ Lại Đơn Vị mà Tôi Đã Từng Phục Vụ

Trung Tâm 2 Kiểm Báo - Sơn Trà, Đà Nẵng - KBC 6526

- Kính dâng lên Hương Hồn Cựu Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Nguyễn Cầu và Cựu Thiếu Tá Trưởng Phòng Hành Quân Trần Văn Môn.

- Kính tặng Quý Niên Trưởng và Quý Chiến Hữu Kiểm Báo đã từng phục vụ tại Trung Tâm 2 Kiểm Báo, Sơn Trả, Đà Nẵng.

 

Tháng 07, năm 1970. Tôi và người bạn cùng khoá 7/68 KQ là HPC tốt nghiệp khoá “Weapons Controller” ở Tyndall AFB, Florida. Sau khi nghi vài  ngày. Chúng tôi trình  diện Phòng Nhân Viên Bộ TLKQ để bắt thăm chọn đơn vị.

Ông Chuẩn Úy già tên M… cho biết có hai đơn vị đang cần Sĩ Quan Điều Không (Sĩ Quan Kiểm Báo). Đó là:Trung Tâm 2 Kiểm Báo, Sơn Trà - Đà Nẵng và Trung Tâm 1 Kiểm Báo Tân Sơn Nhất. Nói xong. Ông chỉ định cho tôi được ưu tiên bắt thăm trước.

Tôi hỏi ông “Sao không cho tôi được thấy hai lá thăm viết tên hai đơn vị, trước khi yêu cầu tôi bắt?” Ông nói như ra lệnh, không có lèng èng, rề rà gì hết! Và yêu cầu tôi bắt. Tôi nghĩ trong đầu là hai cái thăm đều là Trung tâm 2 Kiểm Báo. Nếu có bắt thì đằng nào tôi cũng dính TT2 KB Sơn Trà (tôi chỉ đặt nghi vấn mà thôi!) Tôi không thể nào có cơ hội 50 %.

Cuối cùng, không một chút do dự, tôi nói với ông. Tôi không cần phải bắt thăm, bắt thiết gì nữa! Tôi đồng ý tình nguyện phục vụ Trung Tâm 2 Kiểm Báo Sơn Trà, Đà Nẵng - KBC 6526.

Ông M...hỏi tôi có gì thắc mắc nữa không? Nếu không thì chờ, để ông làm Sự Vụ Lệnh trình cấp trên kỷ cho tôi mang theo trình diện đơn vị mới. Tôi được cho nghỉ phép 10 ngày để tìm phương tiện đi Đà Nẵng. Hết thời hạn phép. Tôi ở lỳ thêm một tuần nữa!

Phi cơ C-123 vừa đáp xuống Phi Trường Đà Nẵng, nhìn những tấm vỉ sắt đang bốc khói vì cái nóng như thiêu đốt vào Tháng Bảy của miền Trung. Tôi cảm thấy trong lòng buồn man mác. Trước đó,  hơn 3 tiếng đồng hồ, tôi còn đang đứng ở Sài Gòn. Giờ đây, đã nghìn trùng xa cách, biết đến khi nào mình mới được đi phép để về thăm nhà.

Bước ra khỏi  phi cơ, tôi lê cái Sac Marin, người nhễ nhại mồ hôi đi vào hậu trạm để hỏi đường đi Sơn Trà. Tình cờ, gặp bạn PTD là bạn cùng khoá 7/68 KQ đang làm ở Trạm Hàng Không Quân Sự Đà Nẵng. Bạn D..hỏi tôi, sao lang thang đi ra đây? Tôi trả lời với bạn D... Tôi đang tìm đường và phương tiện trình diện Trung Tâm 2 Kiểm Báo Sơn Trà. Nhưng không biết đường đi đến đó. Bạn D…bèn nắm tay tôi, dắt tôi ra khỏi trạm, rồi đưa ngón tay trỏ chỉ về phía xa xa, Nơi có cái bầu tròn khổng lồ màu trắng trên đỉnh núi và nói đó là đơn vị của tôi. Tôi bèn thốt ra “Ông Bà, Trời, Phật, Chúa Mẹ ơi! Tôi đâu có muốn lên núi tu thành Tiên đâu.”Tôi cứ tưởng đơn vị tôi nằm ở một nơi dễ dàng đi lại.

Sau đó, bạn D…nói với tôi cứ từ từ trình diện, không có chi mà phải gấp gáp. Bạn D…rủ tôi ở lại chơi vài ngày cho biết Đà Nẵng. Vì khi đã trình diện rồi thì tôi ít có thời giờ ghé Đà Nẵng. Để cho tôi thêm phần nào an tâm. Bạn D…cho biết, bạn quen với CHT Trung Tâm 2 Kiểm Báo. Có gì bạn sẽ nói với ông ta một tiếng là xong ngay.

Chiều nào, khi xong công việc, bạn D.. cũng đều lấy xe Pick Up màu xanh dương của trạm Hàng Không chở tôi đi dạo cho biết phố phường Đà Nẵng, ghé nhiều nhà hàng để thưởng thức các món ngon, món lạ, đặc biệt của địa phương cho biết. Trong các món ăn mà tôi có dịp thưởng thức. Tôi chấm điểm Bún Bò Bà Đào, nằm trên đường Trần Bình Trọng là số một.

Tô bún bốc khói, nóng hổi, đầy thịt, trên mặt tô có trang điểm thêm một cái Giò Móng. Vừa ăn, vừa thổi, vừa húp, vừa cắn miếng ớt xanh ngâm giấm. Có thể nói là tuyệt vời, trên cả tuyệt vời, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.

Sau này, dù ở Sơn Trà xa xôi cách trở. Vậy mà tuần nào, tôi cũng đều ghé thưởng thức Bún Bò Bà Đào. Ăn riết thành ghiền. Tuần nào bị làm Sĩ Quan trực không ra Đà Nẵng được cảm thấy bức rức, khó chịu.

Trừ khi nào mưa gió bão bùng, không thể xuống núi được, đành phải ở đơn vị tử thủ Mì Kim Chi Đại Hàn. Có thể nói, tôi là một đệ tử trung thành của BBBĐ. Lâu lâu, bà cho thêm một cái Giò Móng, mà vẫn tính giá như thường lệ. Ăn xong, tôi thường dặn bà làm thêm cho tôi một tô mang về. Đôi lúc kẹt tiền, tôi thú thiệt với Bà. Bà vẫn vui vẻ bán thiếu, khi nào tới tháng lãnh lương sẽ trả.

Thế là! Tôi tiếp tục rong ruổi thêm một tuần ngoài Đà Nẵng.

Khi trình diện đơn vị. Trung Tá Chỉ Huy Trưởng là Dupont Nguyễn Cầu nói với tôi: Chú chưa đóng góp một tí gì cho đơn vị mà đã ba gai, bê bối, vô kỷ luật, trình diện quá trễ. Chú nghĩ sao?

Tôi trả lời.Tôi hoàn toàn nhận lỗi và tùy Trung Tá quyết định ký phạt thế nào thì tôi cũng chịu hết! Không có gì oan uổng cho tôi cả.

Ông nói “Chú như đôi giày đang được đánh bóng. Nếu bây giờ tôi ký giấy phạt chú thì chú sẽ tìm cách làm hỏng đôi giày ngay.”Tôi tin là chú sẽ không tái phạm. Thôi! Tôi cho chú cơ hội để sửa đổi.Và ông không phạt mà chỉ cảnh cáo tôi. Sau đó, ông rút trong túi ra gói Pall Mall và mời tôi. Dù không biết hút thuốc, nhưng tôi cũng cầm một điếu đưa lên miệng bập bẹ.

Ông gọi Thượng Sĩ VQN là Hạ Sĩ Quan Thường Vụ đón vi thu xếp chỗ ở cho tôi trong cư xá SQ độc thân với phòng ốc đẹp, khang trang, đầy đủ tiện nghi, vì do đơn vị Hoa Kỳ vừa rút về nước bàn giao lại.

Cuối năm đó, đoàn Văn Nghệ Chính huấn thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân do Đại Úy Trần Như Đ.. là Trưởng Đoàn đến TT2KB trình diễn giúp vui. Tôi nhớ trong đoạn có nam Ca Sĩ Anh Khoa, nữ Ca Sĩ Diễm Chi, Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu…Tôi xin lên hát giúp vui hai bài” Sài gòn Thứ Bảy và Bên Bờ Đại Duơng” làm ngạc nhiên nhiều chiến hữu Kiểm Báo trong đơn vị và Chỉ Huy Trưởng.

Thật ra, tôi có năng khiếu ca hát từ nhỏ. Tôi đã từng trình diễn trong các  sinh hoạt ở trường học, ở địa phương, Quân Y Viện, Quân Trường, lửa trại Hướng Đạo, Vườn Tao Ngộ vào Chúa Nhật ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Lâu lâu cũng góp giọng hát trên Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH, nằm gần Cầu Thị Nghè trong chương trình “Quân Nhân Vui Sống” do nữ Ca Sĩ Tâm Đan phụ trách…

Năm 1965, tôi là một trong 10 thí sinh trúng tuyển cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ do Đài Phát Thanh Sài gòn tổ chức tại rạp Quốc Thanh và Hưng Đạo. Tôi không dám đi theo con đường ca hát, vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành và làm Ba Má tôi buồn lòng.

Trong 10 thí sinh trúng cách. Hầu hết thí sinh đều xuất thân từ các lò luyện trở thành ca sĩ nổi tiếng. Còn tôi thì xuất thân từ Lò Bánh Cuốn Tráng Hơi Yên Đổ, vì Má tôi làm bánh cuốn tráng hơi đem bỏ mối cho bạn hàng bán lẻ ở  các chợ Tân Định và Đa Kao và bà con lối xóm trong vùng.

Theo tôi được biết, trong 10 thí sinh trúng cách năm 1965 chỉ có Ca Nhạc Sĩ Tấn An (đậu thủ khoa) là còn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cầm ca. Anh phục vụ trong ban văn nghệ Cảnh Sát Quốc Gia và ban đêm là Trưởng Ban Nhạc cho một phòng trà ở gần Khách Sạn Tân Bình.

Khi đơn vị chuẩn bị phát hành Đặc San mừng xuân Tân Hợi 1971. Tôi tình nguyện đảm trách. Thế là! tôi đã từ từ lấy lại được cảm tình của CHT.

Ngoài ra, khi đơn vị tổ chức tiệc tùng, công tác Dân Sự Vụ, hay bất cứ sinh hoạt gì. Tôi cũng luôn luôn xung phong trong ban tổ chức. Mỗi lần Chùa, Nhà Thờ, Trường Học quanh vùng tổ chức lễ lạc hay kỷ niệm. Họ mời đại diện đơn vị tham dự. CHT thường đề cử tôi đi thay.

Nói về khả năng chuyên môn thì các Sĩ Quan đều gần giống nhau, không cách biệt nhiều. Nhưng về các mặt hoạt động khác thì tôi có phần trội hơn họ một chút. Có lẽ nhờ sinh hoạt Hướng Đạo từ nhỏ và xuất thân từ xóm lao động, nên đã giúp tôi sự tháo vát và lanh lẹ.

Theo quy định của ngành Kiểm Báo thì cứ hai năm các quân  nhân KB phải chuyển đơn vị. Ngoại trừ, lý do có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được cứu xét cho phục vụ ở gần nguyên quán.

Đến khi phục vụ được hai năm ở Sơn Trà. Tôi làm đơn xin thuyên chuyển. Nhưng không được cứu xét. Rồi hai năm 3 tháng, hai năm 6 tháng đơn xin thuyên chuyển cũng không được giải quyết, không thấy động đậy, nhúc nhích gì hết!

Cuối cùng, tôi gặp CHT và trình bày nguyện vọng xin về Sài gòn . Ông nói. Ông đối xử đặc biệt, tốt với tôi và luôn luôn tạo cho tôi mọi thuận lợi, và tôi có nhiều cơ hội tiến thân trên đường bình nghiệp. Sao lại xin thuyên chuyển? Tôi trả lời vì muốn gần Ba Má đã lớn tuổi, muốn gần gia đình và ghi danh học lại Đại Học.

Ông đành phải đồng ý cho tôi rời đơn vị. Tôi hứa sau 2 năm phục vụ ở Sài gòn. Khi hết hạn, tôi sẽ tình nguyện trở lại phục vụ TT2KB.  Đối với tôi. Đây là đơn vị đã cho tôi những chân tình và ấm cúng nhất trong đời quân ngũ. CHT độ lượng, quân nhân trong đơn vị đoàn kết và thương yêu nhau. Trung Tâm 2 Kiểm Báo là đơn vị có  tổ chức phạn xá giúp các quân nhân độc thân có bữa ăn trưa ngon và rẻ, có hội trường, thư viện, sân bóng chuyền cho quân nhân giải trí khi xuống phiên trực, đội túc cầu để đi đấu giao hữu với các đội banh địa phương và các đơn vị bạn trong vùng.

Trung Tâm 2 Kiểm Báo, còn được gọi là Panama hay Núi khỉ (Monkey Mountain), vì nơi đây có rất nhiều khỉ sinh sống. Bà con địa phương gọi là con Vọc, hay Vá Hoàng. Bộ lông chúng có màu trắng, nâu, xám, vàng.. Chúng di chuyển từng đàn vài chục con và rất dạn dĩ. Ngoài ra, có nhiều con suối nhỏ chảy róc rách dọc theo triền núi. Trên đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ. Vào mùa hè, đường lên núi hoa Sim tím và hoa Trang đỏ nở ngút ngàn bên vách núi, trông như một bức tranh thủy mặc thiên nhiên..

Nếu không có phương tiện cá nhân. Muốn đi từ Trung tâm 2 Kiểm báo về Đà Nẵng, phải đi bộ hay quá giang xe ra ngã ba Sơn Trà, rồi đón xe Lambretta ba bánh hay xe Đò đến bến phà An Hải. Vừa bước ra khỏi bến phà là gặp ngay phố xá Đà Nẵng.

Ngày 29 tháng 03. Năm 1975. Quân Đoàn Một di tản, Đà Nẵng mất. Toàn thể quân nhân thuộc Trung Tâm 2 Kiểm Báo đều tan tác mỗi người đi một nơi. Tôi không  có cơ hội trở lại đơn vị mà tôi có nhiều kỷ niệm. Không còn gặp lại CHT, mà các quân nhân Kiểm Báo và tôi rất kính trọng.

Sau hơn nửa thế kỷ biết bao nhiêu thay đổi, đổi thay. Kẻ còn, người mất. Ít có hy vọng gặp lại nhau. Rồi một cơ duyên đưa tới.

Vào ngày 11 tháng 01, năm 2022. Tôi đã gặp lại cựu CHT của tôi tại Orange County, Nam Cali, nhưng gặp trong tang lễ của NT.

Từ San José, Bắc Cali, con trai tôi lái xe chở vợ chồng tôi phải mất hơn 6 giờ trong đêm để đi Nam Cali. Tôi đã kịp có mặt trong tang lễ. Tôi được đại diện các cựu quân nhân Kiềm Báo nói lên tâm tình và tình cảm của một quân nhân Kiểm Báo dành cho một cựu CHT.

Vậy là tôi đã giữ lời hứa gặp lại Niên Trưởng. Giờ đây, NT đang ở chốn bình yên. Còn tôi ở tuổi Thất Thập cổ lai hy. May mắn, cuộc sống không phải lo toan nhiều.Trườc sau gì, các chiến hữu KB còn lại và tôi cũng gặp lại NT trong một ngày không xa để nhớ lại các tần số 232.5, 233.8, 119.1 và tần số Guard 243.0.

Tôi không quên những gì mà NT đã hành xử với thuộc cấp, trong số đó có tôi. NT luôn luôn dùng tình cảm, sự khoan dung, độ lượng và thông cảm. Nếu quân nhân nào vi phạm kỷ luật. NT không bao giờ ký giấy phạt. NT thường kêu trình diện để nhắc nhở, cảnh cáo, khuyên bảo như một người anh đối với một đứa em em trong gia đình. Khi cần giúp đỡ gì, NT cũng đều sẵn lòng.

Vì thế! Tang lễ NT có rất nhiều cựu quân nhân Kiểm Báo tham dự. Ngay cả một số cựu quân nhân KB ở xa cũng cố gắng về đê tiễn đưa lần cuối Cựu CHT khả kính..

Hôm nay, viết lại đôi dòng để nhớ lại ngày xa xưa đó! Cũng nhờ không được bắt thăm chọn đơn vị, nên tôi may mắn được phục vụ ở một nơi có phong cảnh đẹp, thơ mộng, hữu tình, nhiều tiện nghi, quân nhân trong đơn vị biết thương yêu, giúp đỡ nhau khi hữu sự. Và đặc biệt, có một Chỉ Huy trưởng  được tất cả thuộc cấp Kính Mến.

Bây giờ, tất cả chỉ còn là kỷ niệm của một thời chinh chiến điêu linh.

Kiểm Báo Trần Đình Phước

(San Jose, California - Tháng 03, năm 2024)

 ***

Sài Gòn Thứ Bảy

Nhạc sĩ: Vũ Chương tức Nhạc sĩ Anh Bằng


NS ANH BẰNG THỜI TRẺ
Nhạc phẩm “Sài Gòn Thứ Bảy” xuất hiện vào cuối thập niên 1960 đã được các quân nhân VNCH và những người yêu của lính nhiệt liệt tán thưởng. Bài hát đã nói lên tâm trạng của một người lính được về Sài Gòn nghỉ phép vào cuối tuần, gặp lại người yêu dấu, sum họp cùng gia đình, bạn hữu và những nỗi nhớ nhung lãng mạn của đời lính phong trần, bôn ba khắp bốn vùng chiến thuật.

Ngoài ra, những khắc khoải những chờ mong của người yêu lính khi hay tin cấm quân, cấm trại 100%, khiến người yêu không được về phép cuối tuần.

Sau năm 1975, bài hát “Sài Gòn Thứ Bảy” bị chìm vào quên lãng và ngay ở hải ngoại nhạc phẩm này cũng ít được các trung tâm hay các ca sĩ cho phổ biến đến khán thính giả.

Nhạc phẩm “Sài Gòn Thứ Bảy” do nhạc sĩ Vũ Chương, cũng là nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác. Ấn phẩm số 67, được Sóng Nhạc xuất bản, số kiểm duyệt 3485 TBTTCH/BC3/XB ngày 14-11-1967.

https://drive.google.com/file/d/1q2n...7Ddy-xS0J/view

 




***








Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan