NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA : TRUYỆN NGẮN THÀ TRỄ CÒN HƠN KHÔNG & BẠN BÈ CHI

 TRUYỆN NGẮN NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA

* THÀ TRỄN CÒN HƠN KHÔNG

* BẠN BÈ CHI

Thà Trễ Còn Hơn Không

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Một buổi sáng giữa tháng Ba, Bismarck đang ở giữa mùa đông và tuyết còn đóng hai bên đường, cha lên cơn liệt tim và lìa đời khi vừa 61 tuổi.  Từ bệnh viện tôi về nhà mẹ báo tin dữ và chứng kiến nỗi khắc khoải đau đớn của mẹ.  Mẹ chạm trán với cuộc thay đổi lớn lao nhất trong đời từ ngày 16 tuổi về làm dâu ông bà nội hơn bốn thập niên trước.  Nhưng mẹ lấy lại bình tĩnh và chấp nhận số phận,

Hèn chi cả tuần ni, con mắt trái của tau giựt liên hồi không dứt.  Sáng niôông già’ than mệt, tau biểu ở nhà mà cứ nằng nặc đòi đi làm.  Chừ cha mi nằm ở chỗ ?”

“Ở nhà xác của bệnh viện chờ thủ tục y tế và giảo nghiệm.”

Rứa khi vô thăm cha mi được?”

“Nhà thờ Ba ngôi Lutheran bảo trợ đã liên lạc với nhà quàn cho mình.  Nhà quàn sẽ lo tất cả, nhưng phải đợi đến ngày mai con mới biết chi tiết.”

Mẹ gọi điện thoại cho từng đứa con ở xa gọi về thọ tang.  Dường như mẹ sinh ra để đối phó với nghịch cảnh; mẹ buồn đau, nhưng không bối rối lo lắng hay than thở.  Thái độ nhẫn nhục mà cương quyết của mẹ khiến tôi nhớ lại buổi sáng tháng Chín gần ba mươi năm trước, sau khi Hiệp định Genève 1954 chia cắt đất nước được ký kết.  Hôm ấy, mẹ đưa ba đứa con trai – anh Quang mười tuổi, tôi sáu tuổi, và thằng Sang ba tuổi – rời làng quê Quảng Bình di cư vào Nam tìm cha.  Cha phục vụ trong quân đội, mẹ mất liên lạc từ nhiều tháng trước.

Mẹ nghẹn ngào từ biệt nội và dẫn anh em tôi rời khỏi ngôi nhà chúng tôi sinh ra và lớn lên.  Anh Đồng anh họ tôi vác cái rương nhỏ đi đầu; anh trạc tứ tuần, lớn tuổi hơn mẹ, nhưng kính cẩn gọi mẹ bằng mự (thím).  Mẹ ẵm thằng Sang, anh Quang xách chiếc giỏ mẹ dùng đi chợ, và tôi đi tay không lẽo đẽo sau cùng.  Lên đến đường cái, mẹ bảo anh Đồng theo đường tắt đi trước rồi dừng lại ngồi trước hiên một căn nhà đóng cửa im lìm.  Nhà ngoại nằm xéo bên kia đường, mẹ nhìn sang mắt đỏ hoe.  Mẹ dặn dò ba anh em hễ ai hỏi thì nói đi vô nhà thương Đồng Hới thăm mệ (bà) ngoại đau nặng, bắt lặp đi lặp lại

đến thuộc lòng...

Quả nhiên, trên đường có nhiều trạm kiểm soát, và ở từng chặng, chúng tôi bị cán bộ Việt Minh dữ dằn chận lại và cật vấn cặn kẽ.  Chúng tôi trả lời trót lọt; họ tin và cho phép đi qua vì chiếc giỏ của mẹ đựng toàn thức ăn.  Đi mãi đôi chân mỏi nhừ, tôi đi khập khiểng và bước chậm lại.  Để anh Quang rảnh tay dìu tôi, mẹ xách giỏ đồ ăn thay cho anh và cõng thằng Sang trên lưng.  Mặt đỏ gay, trán đầm đìa mồ hôi, mẹ mệt lả nhưng luôn miệng khuyến khích tôi,

“Gần tới rồi con, rán lên kẻo trễ tàu.”

Tôi cắn răng nhịn đau sải bước; thương mẹ quá đi!  Đi đến chiều tới cửa sông Nhật Lệ.  Anh Đồng đã tới nơi và ngóng đợi.  Trên bãi có nhiều người mang quang gánh đồ đạc chờ được bốc lên chiếc “tàu há mồm” của Hải quân Hoa kỳ đậu ở mé biển.  Anh vội vã vác rương và đỡ anh em tôi lên tàu.  Chúng tôi vừa lên boong thì tàu chạy, anh Đồng hốt hoảng phóng mình xuống biển bơi vào bờ.  Tôi mệt đừ nằm lăn ra ngủ một lèo đến trưa hôm sau.  Tàu cập bến Đà Nẵng, chúng tôi tới miền Nam.

* * *

Xưa nay cha không cất giữ thư từ hay hình ảnh; thư ai gửi đến, đọc xong cha xé vụn liệng vào thùng rác, và hình chụp cũng vậy.  Biết thế nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy sau hơn tám năm ở Hoa kỳ, cha chỉ giữ vỏn vẹn có đôi ba món giấy tờ xếp ngay ngắn trên chiếc tủ đầu giường.  Ở trang đầu cuốn sổ ghi chép, trang duy nhất có chữ viết, cha ghi địa chỉ và số điện thoại của các người bảo trợ bên nhà thờ Ba ngôi, bạn đồng sự, và ngoài ra đúng hai người Việt.  Một người là bác Cẩn bạn cha từ thuở còn để chỏm ngoài Quảng Bình bây giờ ở Los Angeles, và người kia là Huệ cháu gọi cha bằng cậu lấy chồng Mỹ và ở Illinois.  Sổ sách tài chánh của cha ít ỏi không ngờ:  Ngoài cuốn sổ chi phiếu ghi số tiền trong ngân hàng để chi tiêu và trả hóa đơn hàng tháng, chỉ có tờ hợp đồng bảo hiểm sinh mạng $10,000.  Đó là loại bảo hiểm để lo hậu sự quảng cáo trên ti-vi hàng đêm.

Hôm sau, tôi đưa mẹ đi dàn xếp việc an táng cha.  Đến nhà quàn chọn hòm và mua package (trọn mớ) bao gồm khâm liệm, thăm viếng, tang lễ, di quan, và chôn cất.  Đến văn phòng nghĩa trang chọn mua lô đất chôn và đóng tiền bảo trì hàng năm.  Tôi giải thích cặn kẽ điều kiện hơn thiệt và giá cả của mỗi option (cách lựa chọn), nhưng mẹ không thắc mắc, chỉ tay vào option mắt tiền nhất.  Khi thấy tôi hơi nhíu mày vì sợ thiếu tiền, mẹ thở ra,

            “Thôi con ơi, nghĩa tử là nghĩa tận (chết là hết)!”

Thực ra, mẹ không nói tôi cũng không dám cản.  Vì bao nhiêu năm nay mẹ đã một lòng tuân giữ triết lý tam tòng của luân lý đạo Khổng, xuất giá tòng phu (lấy chồng thì phải tùy thuộc nơi chồng).  Năm 1954, mẹ dẫn con vượt qua vĩ tuyến 17 đi tìm cha.  Vào Đà Nẵng ở trại tạm cư ít lâu, chúng tôi về nhà một người em họ của cha lấy chồng người cùng làng làm trung sĩ Công binh, o dượng được cấp nhà trong trại gia binh.  Chúng tôi ăn nhờ ở đậu nhiều tháng, tôi trải qua một trận thương hàn tưởng không qua khỏi, rốt cuộc mẹ liên lạc được với cha, và mấy mẹ con theo cha ra Huế.

Gia đình đoàn tụ, mẹ ngỡ sẽ được hạnh phúc.  Nhưng cha có vợ hầu (vợ bé) trẻ hơn mẹ; bốn mẹ con ở chung nhà với dì.  Mỗi bữa cơm là mỗi lần anh em tôi khóc thầm vì cha kiếm chuyện trách mắng và nhục mạ mẹ trước mặt dì và các con, mẹ ra sau bếp gạt nước mắt khóc một mình.  Sau đó, chính phủ Việt nam Cộng hòa ban hành luật cấm đa thê, cha là sĩ quan phải tuyệt đối tuân theo nên đành kiếm cớ đuổi dì đi.  Không có vợ hầu thì cha đi đánh bạc.  Xảy ra như cơm bữa cảnh cha đánh đập mẹ tàn nhẫn, chửi rủa tục tằn, đập phá đồ đạc trong nhà, và cuối cùng lấy súng đòi bắn để moi tiền đi đánh bạc.

Rồi anh em tôi, lúc ấy có thêm thằng Triết và em Bình (cô gái duy nhất), sống vui vẻ thỏa thích khi cha lên chức và đổi đi xa.  Mẹ một thân một mình nuôi dạy lũ con.  Cuộc sống chật vật, nhưng tinh thần thoải mái.  Chỉ có điều thỉnh thoảng cha trở về Huế, không phải để thăm gia đình con cái mà để nã tiền mẹ.  Cảnh khủng bố chúng tôi muốn quên đi lại diễn ra đến khi cha toại ý.  Cha tử tế với mẹ một đêm trước khi ôm tiền ra đi, và sau đó thằng Lâm (áp út) và thằng Trọng (út) ra đời.

Mùa hè tôi học hết lớp đệ tam (lớp 10), mẹ nhất định đưa các con vào Ban Mê Thuột ở với cha vì con không cha, như nhà không nóc.  Để “nhà có nóc,” mẹ phải hy sinh.  Cha sống kiểu chồng chúa vợ tôi, một mình cha ăn ngủ ở căn nhà trên rộng lớn, không ai – kể cả mẹ – được léo hánh nếu không được triệu lên.  Mẹ và sáu anh em tôi (anh Quang đã nhập ngũ vào trường Võ bị Quốc gia ở Đà Lạt) ăn ngủ chơi đùa và học hành trong căn nhà dưới vừa dùng làm nhà bếp chật hẹp và tù túng.  Thỉnh thoảng cha sai mẹ đi Đà Lạt thăm anh Quang hay đi Nha Trang lo công chuyện, tôi biết đó là những đêm cha đưa đàn bà về quần thảo ở nhà trên.  Có lẽ mẹ cũng biết nhưng không thể không đi.  Không ai trong gia đình dám nói “không” với cha.  Mỗi khi mẹ làm điều gì trái ý – dù nhỏ hay lớn – cha đều dở ngón khủng bố gieo rắc kinh hoàng.

* * *

Tang lễ của cha cử hành ở nhà thờ Ba ngôi theo thủ tục Cơ đốc giáo.  Năm ngoái, sau khi trải qua cuộc mổ tim thập tử nhất sinh, cha đâm ra biết ơn họ đạo, yêu cầu ông bảo trợ Gardner làm cha đỡ đầu, và xin rửa tội thành tín đồ Tin Lành.  Đám tang xong xuôi, mẹ thu xếp trả lại nhà (thuê) và dọn tới ở chung với vợ chồng tôi.  Tôi yêu mẹ vô cùng, nhưng ý niệm phu tử tòng tử (chồng chết phải tùy thuộc nơi con) ăn sâu trong tâm tưởng mẹ hoàn toàn khác với điều tôi mong ước cho mẹ.  Tôi muốn hai mẹ con sống chung với nhau vì thương yêu nhau, chứ không phải vì cần nương tựa vào nhau như trong xã hội xưa ở bên nhà.  Sau hơn bốn thập niên chịu đời đắng cay với cha, giờ đây con cái đã lớn khôn, mẹ xứng đáng được hưởng tự do và sống thanh thản theo ý riêng mẹ, không tùy thuộc ai cả.

Nhưng mẹ lại nghĩ khác.  Thí dụ, cuối tuần mẹ đến nhà bạn chơi, có khi đánh bài tứ sắc, nhưng đến khoảng bốn giờ rưỡi chiều thì nhất định đòi về, “Để phụ con vợ thằng Ba Hoa nấu nướng cho cha con hắn ăn.”  Tôi không bằng lòng, tôi nhăn nhó,

            “Mẹ đi chơi thì cứ đi chơi.  Thằng Ba Hoa có thân thì hắn lo.  Mẹ đã lo cho hắn cả đời rồi, lo chi nữa?”

Ngược lại, mẹ mong tôi thay thế vai trò của cha trong đời sống mẹ.  Thí dụ, mẹ biểu tôi dùng lời mẹ để viết thư hay viết thiệp sinh nhật cho các con và các cháu như cha lúc còn sống, tôi từ chối,

            “Sao mẹ không viết cho tụi nó?”

            Tau viết chữ xấu . . .” mẹ bất bình tự biện hộ.

            “Chữ xấu thì mẹ viết hoài sẽ đẹp.  Đứa nào chê chữ mẹ xấu thì không xứng đáng được đọc thư mẹ, mẹ đừng viết cho nó.”

Tôi tập cho mẹ viết thư, viết thiệp, đề địa chỉ, và gửi thư.  Tôi đưa mẹ ra ngân hàng mở trương mục riêng và chỉ mẹ cách sử dụng chi phiếu.  Đi mua đồ ăn trong chợ hay mua hàng trong tiệm bách hóa, tôi tập cho mẹ hỏi giá cả hay hỏi tìm món hàng muốn mua; trước đây mẹ đi học Anh văn cả năm trời và đã đi làm mấy năm trong bệnh viện.  Nói chung, tôi cố gắng tập mẹ tự làm những việc cần thiết trong cuộc sống Mỹ để sau này khỏi nhờ vả bất cứ ai.

Ngày tôi dự định tập mẹ lái xe hơi là ngày mẹ được một đứa con dâu báo tin sắp sinh con đầu lòng và khẩn khoản nhờ mẹ bay xuống giúp giùm.  Thế là mẹ hân hoan bắt đầu cuộc đời tòng tử mới:  Giúp dâu và con nuôi dưỡng cháu và chăm sóc nhà cửa trong khi vợ chồng con đi làm.  Đứa cháu này lớn lên đến tuổi đi học thì đứa cháu khác ra đời, mẹ bận rộn liền liền không ngơi.  Từ nhà đứa con này đến nhà đứa con khác, mẹ ở mỗi nơi một vài năm.  Đứa cháu nào lớn lên cũng do một tay mệ (bà) nuôi nấng nâng niu.

Người Mỹ có câu “Một nhà không thể có hai người đàn ông, và một căn nhà bếp không thể có hai người đàn bà”; sự xung khắc giữa mẹ và con dâu là điều không thể tránh khỏi.  Có lần một cô em dâu than phiền với tôi,

            “Mẹ không biết nấu ăn mà cứ lăng xăng vào bếp chỉ trỏ chuyện này chuyện nọ làm em bực cả mình.”

“Em lầm to!  Ngày trước mẹ nấu nướng đãi tiệc khi cha mời bạn bè, có khi đãi cả tổng thống từ Sài gòn ra.  Ai cũng khen mẹ nấu ăn ngon, làm sao mẹ không biết nấu ăn?” tôi cãi, rất bực mình.

“Mẹ giữ thằng cu mà không lo giữ, lại thích xía vào chuyện riêng của gia đình em khi vợ chồng cãi nhau.  Sao mẹ không biết phận mình?” cô tiếp tục oán trách mẹ.

“Em xem mẹ là mẹ chồng hay là bà vú nuôi con không công cho em?” tôi ngao ngán, cô em dâu này thật hết thuốc chữa.

Ít lâu sau “thằng cu” của vợ chồng em tôi đến tuổi đi học.  Một hôm, vợ chồng nó cãi lộn và mắng chửi nhau động tới cha mẹ hai bên, mẹ không dằn lòng nhảy vào bênh con trai.  Cô con dâu nổi tam bành đuổi mẹ ra khỏi nhà và đem va-li và đồ dùng của mẹ liệng ra đường.  Trong khi đợi em Bình đến đón về nhà em, mẹ ngồi bên lề đường khóc tỉ tê và lầm bầm tự trách,

            Tau nhẹ dạ cho vợ chồng hắn mượn hết sạch tiền.  Chừ tụi hắn cạn tàu ráo máng để giựt nợ.”

Sự biến này lại là một điều hay:  Mẹ đồng ý để mấy đứa con kia chung sức mua cho mẹ căn town house; đó là căn nhà cùng kiểu và có chung vách với hàng xóm.  Từ nay, nhà mẹ mẹ ở, không tùy thuộc ai – như tôi hằng mong ước.  Đến năm 74 tuổi mẹ mới thoát khỏi ràng buộc của tam tòng.  Thà trễ còn hơn không, mẹ sống thong dong tự tại gần 20 năm.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                          Ngày 1 tháng Sáu, 2022

***

Bạn Bè Chi!

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Hơn sáu tháng qua, tôi kiêm lãnh nhiệm vụ kỹ sư dự án trông coi dự án gọi thầu cung cấp điện dài hạn để tăng cường hệ thống sản xuất điện của công ty.  Tôi đã phối hợp việc soạn thảo và công bố cáo thị gọi thầu (request for proposals), đối đáp với các công ty định bỏ thầu (gửi đề nghị cung cấp điện), nhận đề nghị, và thẩm lượng khả năng kỹ thuật và giá cả của các đề nghị ấy.  Hôm nay, một ngày đầu tháng Ba, ở phòng hội lầu năm thường dành cho các “ông lớn” trong ban giám đốc, tôi đúc kết dự án, tường trình kết quả, và khuyến nghị chọn công ty trúng thầu trong phiên họp do ông phó tổng giám đốc Wally chủ tọa.  Tôi thuyết trình được nửa chừng thì cửa phòng xịch mở, cô thư ký Charlotte rón rén bước vào trao cho ông Wally tờ giấy nhỏ gấp làm đôi.  Ông đọc xong, hơi nhíu mày, và quay sang nói với tôi,

            Ba Hoa, anh bỏ lại mọi thứ ở đó và lập tức đến phòng cấp cứu bệnh viện St. Alexius; người ta vừa đưa cha anh đến đó.  Chúng mình sẽ tiếp tục bàn thảo khi anh lo xong công chuyện cho cha.”

Tôi ba chân bốn cẳng chạy đến bệnh viện.  Ông Nielsen mục sư chính của nhà thờ Ba ngôi Lutheran bảo trợ gia đình tôi đứng chờ trước một phòng ngăn có tấm màn kéo che kín.  Chắc hẳn cha đã chỉ định ông là người tiếp xúc trong trường hợp khẩn cấp, và nhân viên nhà thờ đã gọi điện thoại vào sở báo tin cho tôi.  Nét mặt vui đùa thường ngày biến mất, ông nghiêm nghị cho biết,

            “Sáng nay Thông đi làm thấy trong người không khỏe và xin về nhà nghỉ.  Anh lái lui lái tới mãi mà xe không ra khỏi bãi đậu.  Rồi bạn đồng sự thấy anh gục trên tay lái bất tỉnh nhân sự liền đưa vào đây.”  “Thông” là tên cha.

            “Bây giờ cha cháu ở đâu?” tôi nôn nóng hỏi.

            “Bác sĩ cố gắng làm tỉnh lại nhưng vô hiệu,” ông chỉ tay vào căn phòng ngăn.

            “Vậy ba cháu còn sống không?” tôi bám vào một tia hy vọng, mặc dù đã đoán biết cha lên cơn liệt tim; năm ngoái cha trải qua cuộc giải phẫu tim trầm trọng mà bác sĩ phải ghép đến năm bypass tức là đường vòng để tránh động mạch chạy vào tim bị tắc nghẽn.

            Ba Hoa, Thông đi rồi.  Tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát của cháu,” giọng ông Nielsen trầm xuống.

Tấm màn che bỗng được kéo mở hoác ra, hai người y công đẩy chiếc xe băng-ca chở cha ra ngoài.  Họ dừng lại và mở tấm khăn đắp cho tôi nhìn mặt.  Cô y tá đi sau xe trao cho tôi chiếc bao đựng quần áo và các vật dụng của cha và nói, “Tôi lấy làm tiếc.”  Tôi bật khóc khi y công đẩy xe rời đi tới nhà xác và ngạc nhiên với chính mình.  Tôi hồi tưởng mối liên hệ giữa cha và tôi và không tìm thấy thoáng tình cảm nào ngoài những ràng buộc của văn hóa Khổng Mạnh, các bài học luân lý, và câu ca dao “Công cha như núi Thái sơn.”  Ký ức của tôi chứa đầy cảnh tượng cha đập vỡ tan hoang đồ đạc trong nhà, chửi bới và đánh đập mẹ, và gieo rắc kinh hoàng cho gia đình để nã tiền mẹ đi đánh bạc.

Tôi lái xe cha về nhà cha mẹ.  Thấy tôi bước vào, mẹ đoán ra cớ sự và la thất thanh,

            Răng rồi, răng rồi?  Cha mi mi lái xe về?”

 Ước gì tôi có thể đánh đổi bất cứ thứ gì tôi có, kể cả tính mạng, để khỏi thấy khuôn mặt đẫm nước mắt và đôi mắt u buồn của mẹ.  Khi đau đớn và khắc khoải tạm lắng xuống, mẹ lấy lại bình tĩnh và gọi điện thoại báo tin cho những người thân ở xa; mỗi lần nói cha mất là mẹ lại khóc tức tưởi.  Ngoại trừ Trọng em út, các em tôi đều đã có gia đình.  Trọng và vợ chồng Lâm (em áp út) đang đi học ở Grand Forks trong cùng tiểu bang cách nhà chừng 150 dặm Anh về hướng đông bắc.  Vợ chồng Sang (em kế tôi) và vợ chồng Bình (cô em gái duy nhất) đang ở Texas, và vợ chồng Triết (em kế Sang) ở Louisiana.  Mẹ khóc to và lâu nhất khi báo tin cho Huệ, cô em cô cậu của tôi lấy chồng Mỹ và ở Illinois.  Huệ khóc bù lu bù loa ở đầu dây bên kia,

            “Cậu ơi là cậu, cậu là người thân duy nhất của con ở Mỹ đây.  Giờ cậu đi rồi, mỗi tuần lấy ai gọi điện thoại thăm con?”

Cuối cùng, mẹ gọi cho “mụ Cẩn” là bác Cẩn gái bạn của mẹ để báo tin và kể lể tâm sự.  Bác Cẩn trai là bạn thân của cha từ thuở để chỏm ngoài quê Quảng Bình, gia nhập quân đội cùng ngày, và học cùng khóa Võ bị Liên quân Đà Lạt với cha.  Theo tôi biết, bác là người bạn lâu dài duy nhất của cha.

* * *

Ngày tôi lên bảy, gia đình ở xóm cửa Nhà Đồ, tức là cửa Chánh Nam của kinh thành Huế.  Bác Cẩn và cha đều là sĩ quan cấp úy, và bác đóng đồn ở An Hòa cách cửa Nhà Đồ khoảng năm cây số.  Khi bác đến nhà chơi và uống bia Larue (chai bia cao) với cha, tôi lảng vảng đứng gần để nghe chuyện và bị mẹ bắt đứng hầu để cha sai vặt.  Nhờ hóng chuyện mà tôi biết khá nhiều bí mật của người lớn.  Thí dụ, mấy chú lính tài xế và hầu cận cười khúc khích kháo nhau về thói hay tằng tịu của bác.  Hôm ấy, bác ra lệnh cho anh trung sĩ dưới quyền trực đêm trong đồn rồi lẻn tới trại gia binh vầy cuộc với vợ anh ta.  Đến gần sáng hết phiên trực, anh trung sĩ vội về nhà.  Bị vợ anh ta đánh thức bất chợt, bác không kịp mặc quần áo, phóng ra cửa sau chạy một mạch về nhà tôi, và kêu cửa gọi cha.  Cha còn mắt nhắm mắt mở,

“Anh đi sớm rứa?”

            Tui chạy tập thể dục.  Sức khỏe là vàng, anh không biết răng?” bác thở hổn hển.

            “Ô, rứa áo quần anh ?” cha thấy có điều gì không ổn.

            “Hồi nãy trời nóng cổi ra cho mát, đến khi chạy tập tui quên khuấy đi mất.  Bậy vô số!” bác lúng túng chữa thẹn; dĩ nhiên cha hiểu ra và lấy áo quần cho bác mượn mặc.

Mấy chú lính nói bác Cẩn thèm của lạ vì bà vợ điên điên khùng khùng, không làm ăn gì được.  Quả nhiên, ít lâu sau, bác gái nhảy xuống sông Hương tự trầm, để lại bốn cô con gái còn nhỏ.  Bác lập gia đình lại với cô nữ trợ tá xã hội làm việc dưới quyền bác; đó là bác gái bạn của mẹ hiện nay.  (Đoàn Nữ Trợ tá hay Nữ Phụ tá của quân đội Quốc gia Việt nam được thành lập năm 1952 là tiền thân của đoàn Nữ Quân nhân của quân đội Việt nam Cộng hòa.)  Bác gái sau sinh thêm cho bác một cậu con trai và cô con gái út.

Khi gặp mặt, cha và bác Cẩn luôn luôn niềm nở lịch sự và thân thiết với nhau, nhưng sau lưng không ngừng đố kỵ, nói xấu nhau, và cho là mình giỏi và xứng đáng được tưởng thưởng hơn người kia.  Dần dần cả hai người đều được thăng chức thành sĩ quan cao cấp, làm lớn, và thuyên chuyển đi xa Huế.  Nhưng bác thường ở thế thượng phong, có chức quyền cao hơn, và khiến cha ganh tị triền miên.  Cuối cùng, cha về Sài gòn nghỉ hưu thì bác cũng về Sài gòn và thăng tiến như diều gặp gió, lên chức tướng, và được bổ nhiệm làm thứ trưởng một bộ chủ chốt của chính phủ.  Cha ham mê cờ bạc, bán gần hết xe cộ nhà cửa để trả nợ bài bạc, và lúc nào cũng cần tiền nên ngóng đợi ngày lãnh hưu bổng.  Cứ mỗi quý (ba tháng), cha mang hia đội mão (lời mẹ là mặc quân phục với cấp bậc và huy chương đầy đủ) đi lãnh tiền hưu ở nha Hưu bổng thuộc bộ Cựu Chiến binh trên đường Nguyễn Thông.

Để giữ thể diện, cha không đi tắc-xi hay ngồi sau xe Honda hai bánh tôi chở đi, nên ngày hôm trước biểu tôi sang nhà bác Cẩn mượn xe hơi lái đưa cha đi lãnh tiền.  Bác cho mượn chiếc công xa riêng của bác.  Khi tôi mang xe tới trả, bác âu yếm dặn,

            “Bất cứ khi nào cần xe, con cứ tới lấy dùng.  Nhưng nhớ đừng để cha con dùng.”

            “Dạ cám ơn bác, nhưng ngoài việc của cha, con có bao giờ cần xe hơi để đi đâu đâu.”

Thực vậy, trước đó tôi cũng có chiếc xe hơi Honda N360 anh bạn Mỹ tặng trước khi về nước, nhưng để ở nhà không dùng rồi bị cha lấy gán nợ đến hai lần.  Lần đầu cha lén lấy giấy tờ đăng bộ gán cho một chủ nợ tại sòng bài, và lần sau cha giao xe thực sự cho một chủ nợ khác.  Khác hẳn với cha, lúc nào bác Cẩn cũng ân cần đối với tôi,

            “Bác biết con vừa dạy học vừa học tiến sĩ nên rất bận rộn, nhưng khi nào rảnh, con tự nhiên ghé lại ăn cơm tối với hai bác và mấy em.”

            “Dạ . . .” tôi hiểu “mấy em” là ba cô con gái chưa chồng của bác.

               Đầu tháng Năm năm 1975, trên đường di tản, tôi gặp bác Cẩn trên chiếc thương thuyền Green Wave của Hoa kỳ chở người tỵ nạn đi từ vịnh Subic ở Phi Luật Tân đến đảo Guam.  Bác còn mặc quân phục trên cổ áo gắn sao bạc và cùng bác gái khệ nệ khiêng chiếc rương nặng, chắc hẳn đựng vàng bạc và của cải quý giá.  Bác nắm tay tôi, giọng trầm buồn,

            “Cha con kẹt lại rồi!  Ngày cuối cùng cha gọi điện thoại cho bác, nhưng bác bó tay không có cách nào giúp cha.”

            “Lúc tụi con ra đi, cha quyết định ở lại, nói ra khỏi Sài gòn bằng tàu Hải quân quá phiêu lưu và mạo hiểm,” tôi than thở.

            “Bây giờ mình ra khỏi nước, con phải coi bác như cha.  Bác cháu nương tựa vào nhau đói no cùng chịu.  Con thấy sao?”

“Bác có lòng thương tụi con như vậy, con mong ước gì hơn,” tôi cảm động khôn xiết.

Sau hai ngày hải hành, tàu Green Wave tiến vào hải cảng Guam khi bình minh đang trồi lên mặt đại dương, anh em tôi háo hức chạy lên boong (tiếng Pháp “pont”) tựa mạn tàu thưởng thức bức tranh cảnh tuyệt vời.  Lúc chúng tôi trở lại chỗ cũ để lấy hành lý chuẩn bị xuống tàu, gia đình bác Cẩn đã ra đi từ lúc nào.

Trước đó, ngày 30 tháng Tư, cha mẹ dắt díu nhau ra bến tàu, leo lên thương thuyền Viễn Đông là chiếc tàu cuối cùng rời thương cảng Sài gòn, và được nhận vào Hương Cảng tỵ nạn.  Từ thuộc địa của Anh này, cha mẹ vào Hoa kỳ và tạm trú ở trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở tiểu bang Arkansas.  Nơi đây cha gặp lại bác Cẩn; mẹ kể cha nổi giận lấy đá chọi bác vì đã bỏ rơi cha ở Sài gòn và vì không cho cha mượn tiền (cha ra đi không có lấy một chỉ vàng lận lưng), nhưng sau đó làm lành vì biết mình thất thế hơn.  Gia đình bác định cư ở Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota, và cha mẹ lên North Dakota đoàn tụ với anh em tôi.

Một hôm, cha cười chúm chím đưa cho tôi xem bài phỏng vấn bác Cẩn trên tờ Minneapolis Tribune (Minneapolis Diễn đàn) không biết ai gửi cho cha.  Bài báo đăng hình cũ bác mặc quân phục chỉnh tề và tường thuật bác đang làm busboy là phụ tá hầu bàn trong nhà hàng.  Busboy có nhiệm vụ dọn dẹp khi khách ăn xong, đặt lại dao muỗng nỉa khăn ăn mới, và không được tiền puốc-boa (tiếng Pháp “pourboire”) như hầu bàn.  Tôi phục bác sát đất:  Bác là người thức thời và sáng suốt.  Vị cựu tướng lãnh hiểu rõ ở Hoa kỳ không có nghề nào xấu và dù trong tay có vàng bạc của cải, vẫn can đảm nhận làm công việc mà phần lớn người Việt cho là thấp kém.  Nhưng tôi lầm!  Chỉ một tuần sau, bác dọn nhà về Los Angeles ở nam California vì tiểu bang này cho tiền welfare hào phóng hơn mọi nơi khác và không có “mấy thằng bảo trợ Mỹ trắng kỳ thị” ép bác phải đi làm việc.  Bác mua nhà lớn, trả tiền mặt, và gọi điện thoại cho cha nhờ tôi đứng tên làm chủ.  Tôi kiếm cớ thoái thác.

* * *

Ở nhà quàn, mẹ bỏ bộ bài tứ sắc vào quan tài để chôn theo cha.  Chỉ có Bình cô gái cưng mới dám càu nhàu,

Cờ bạc là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết, chôn chân vào cùm.  Hay ho chi mà mẹ cầu mong cha đi theo con đường cũ?”

“Cả đời ‘ôông già’ mi chỉ biết làm bạn với tụi đánh bạc.  Mong là qua bên , cha mi gặp dân tử tế hơn bọn lưu manh trong kiếp ni,” mẹ phân trần.

“Bác Cẩn không phải là bạn thân của cha sao?” tôi xen vào hỏi.

“Thằng cha nớ là tổ sư cờ gian bạc lận.  Hắn lột cha mi hết sạch sành sanh, không còn cái khố mà mang trên người.  Bạn bè chi!”

Nói về bạn bè cha, tôi liên tưởng tới câu nói của nhà thơ ngụ ngôn người Pháp Jean de La Fontaine (1621 - 1695),

Ai cũng tự xưng mình là bạn mà chỉ có đứa khùng mới tin:  Không có gì thông dụng hơn tiếng bạn, và không có gì hi hữu hơn tình bạn.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                 Ngày 18 tháng Năm, 2022


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan