NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA: CŨNG MÊ MẨN ĐỜI

                                                  Cũng Mê Mẩn Đời

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Tang lễ cha cử hành ở nhà thờ Ba ngôi Lutheran theo nghi thức Tin Lành với Mục sư Nielsen làm chủ tế và nhiều người trong họ đạo tham dự.  Vòng hoa tươi và vòng hoa cườm do thông gia của cha mẹ và bạn bè của anh em tôi gửi tới phân ưu bày thành một hàng sau linh cữu đặt trước mặt giáo đoàn.  Nhà quàn thi hành chi tiết nghi lễ một cách cẩn trọng.  Lễ nhà thờ chấm dứt, trước khi di quan, chủ nhà quàn đến trao cho mẹ một cuốn album nhỏ chứa ảnh chụp các vòng hoa và hỏi ý kiến (qua tôi thông dịch),

            “Thưa bà, trong các vòng hoa này, bà muốn giữ lại vòng hoa nào?”

            “Tôi chỉ cần giữ lại vòng hoa cườm này để ở ngoài mộ ông nhà tôi,” mẹ chỉ tay vào một tấm hình và hỏi, “Các ông định làm gì với những vòng hoa kia?”

            “Nếu bà cho phép, chúng tôi sẽ mang các vòng hoa đó tặng viện dưỡng lão.”

            “Nếu vậy, ông làm ơn đem tất cả đến viện dưỡng lão.  Ông nhà tôi không cần vòng hoa bằng những người sống kia,” mẹ khoát tay.

Tối hôm đó, cả gia đình quây quần quanh chiếc bàn lớn ở nhà mẹ.  Tôi kể lại chuyện hồi sáng với lời bàn Mao Tôn Cương,

“Cả đời cha chỉ chơi hoa biết nói chứ có bao giờ thèm đếm xỉa tới hoa thực hay hoa cườm.”

Thấy mẹ háy dài tỏ vẻ không bằng lòng, Triết em tôi vội vàng cứu bồ; nó chỉ tay vào mẹ...

            “Hoa biết nói của cha đây nè – tìm đâu xa!”

            “Thằng Triết ni giỏi chót mỏ!  Miệng có quai, mắt có đuôi đích thị là cái thằng mi; con Hồng Phúc không mê tít thò lò răng được?” mẹ cười chúm chím.

Hồng Phúc là vợ của Triết.  Người thiếu nữ dáng người nhỏ nhắn nói năng hoạt bát ấy là cô giáo dạy tiểu học và theo lời Triết, “Chỉ có cái tội thích nói và nói nhiều.”  Cô không thể chỉ ngậm mà nghe mà phải cong môi cãi,

            “Mẹ nói thế chứ anh Triết cũng mê con lắm chứ.  Năm rồi, tụi con sang Montréal ở Gia Nã Đại thăm bố mợ con mới từ Việt nam sang định cư, bố mợ con nói con có phúc lắm mới được chồng thương yêu và chiều chuộng đến thế.’”

            “Chứ không phải Phúc cố tình nhỏng nhẻo, ‘Anh Triết lấy cho em Phúc cái này, anh Triết làm cho em Phúc chuyện nọ,’ để trình diễn với bố mợ à?” Triết đùa với vợ rồi giải thích với mọi người, “Đó là lần đầu tiên Phúc gặp lại bố mợ từ hồi năm 1975 di tản sang Hoa kỳ với gia đình một ông anh và cũng là lần đầu tiên tui ra mắt ông bà nhạc.”

Hồng Phúc khoe với mẹ,

            “Bố con trước làm chủ một tờ báo hàng ngày ở Sài gòn nên kho ký ức chứa vô số giai thoại hậu trường chính trị, miền Bắc cũng như miền Nam.  Gần một tuần lễ, bố con và anh Triết chuyện trò tâm đắc, và anh Triết nghe được khối chuyện xưa nay ở bên nhà.”

            “Trước khi rời Sài gòn, bố Phúc gặp ông Trần là bạn cũ từ thuở bé ngoài Bắc, hơn 30 năm mới gặp lại.  Là người chấp bút tiểu sử Hồ Chí Minh và tự truyện của một số nhân vật quan trọng của Việt Cộng (“VC”), ông Trần thuật lại cho bố Phúc nghe rất nhiều chuyện thâm cung bí sử miền Bắc,” Triết nói thêm; ở miền Bắc, “chấp bút” là viết thành văn theo ý bàn của một hay nhiều người khác.

Năm 18 tuổi Trần gia nhập đảng Cộng sản, vào nghề làm báo, và ngay từ bước đầu được Trường Chinh là tổng bí thư đảng và chủ nhiệm báo Nhân Dân dẫn dắt.  Trần được cử sang Trung Cộng học tại Đại học Bắc Kinh năm năm và trở thành một ký giả nòng cốt của báo Nhân dân và một nhà chấp bút được đảng ưa chuộng và đề cao.  Trần bất ngờ bị xuống chó khi VC chọn theo đuổi tư tưởng Mao Trạch Đông chống “chủ nghĩa xét lại,” tức là chống lại chủ trương sống chung hoà bình do Nikita Khrushchev của Nga sô đề ra.  Trần bị ghép vào tội “chống đảng” vì ủng hộ lập trường Khrushchev và không đồng ý với âm mưu của Mao là “thiên hạ đại loạn, Trung hoa được nhờ” và muốn phát động chiến tranh “đánh Mỹ tới người Việt cuối cùng.”

Trần bị đày đi “cải tạo lao động” rồi được cho làm báo trở lại nhưng với ba điều kiện:  Không được ký tên Trần; chỉ viết về nông nghiệp và không được viết về anh hùng, chiến sĩ thi đua, hay cấp ủy cao (ban chấp hành trung ương đảng); và không được ở gần thanh niên "bởi lẽ sẽ đầu độc họ."  Năm 1976, sau khi VC chiếm trọn miền Nam, Trần bị khai trừ khỏi đảng.

* * *

Năm 1953, khi VC khởi động cuộc Cải cách Ruộng đất (“CCRĐ”), Trần được giao nhiệm vụ viết bài tuyên truyền trên báo Nhân Dân.  CCRĐ chính thức nổ pháo hiệu đầu tiên ở xã Dân Chủ thuộc tỉnh Thái Nguyên nằm trên Quốc lộ 1 lên Lạng Sơn.  Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, là nhân sĩ tên tuổi thường họp với ông Hồ và các lãnh tụ khác.  Nay bà là “địa chủ phản động và cường hào gian ác, lợi dụng tiếng thân sĩ để phá hoại cách mạng và kháng chiến, và có nhiều nợ máu với bần cố nông.”  Với tư cách báo chí, Trần không được đến nơi đấu tố và phải viết bài theo lời kể của anh cán bộ do Trường Chinh cử đi mà chi tiết đã được xào nấu thêm nếm tận tình.

Để phối hợp với các bài báo của Trần, ông Hồ gửi đến bài “Địa chủ ác ghê” ký tên tắt là CB.  Trong các buổi đấu tố, ông Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh đeo kính dâm dự đến tàn cuộc.  Ông Hồ phải bịt râu để cải trang, vì bộ râu dài của ông đã trở thành nhãn hiệu độc quyền của “Bác,” Trường Chinh cấm người khác để râu dài vì,

“Anh để râu, dân cứ lầm anh là Bác, mà chào anh Bác ạ, thì anh lại cười.”

“Nhân dân” đấu tố xong, du kích giải bà Năm đi và dùng súng tiểu liên giết chết.  Một cán bộ được phái đi mua hòm, nhưng được lệnh mua hòm tồi nhất và không được tiết lộ là mua chôn địa chủ, sợ như thế sẽ đề cao uy thế địa chủ.  Chiếc hòm mua được quá nhỏ, xác bà không thể vào lọt.  Mấy tên du kích bèn đặt xác bà nằm ngang trên miệng hòm rồi nhảy lên, vừa giẫm khiến xương kêu răng rắc vừa hô,

“Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”

Cùng năm đó, trong chiến khu, Trần gặp Nông, một cô gái người Nùng khá đẹp quê ở Cao Bằng và được cho biết cô là con nuôi của ông Hồ.  Sau đó Trần lấy đại họ Hoàng ghép với tên cô làm tên tác giả của vài bài báo nhỏ.  Năm sau, Trần đi dự lớp tổng kết CCRĐ và gặp lại Nông tại khóa học.  Mỗi bữa ăn tập thể trong nhà ăn, hai người kiếm cách ngồi cùng bàn để lại cùng xuống suối rửa bát đũa và nấn ná chuyện trò.  Buổi chiều đầu tiên gặp lại, bên suối, Trần nói,

            “Sau khi gặp Nông năm ngoái, mình có ký tên là Hoàng Nông lên báo.”

Nông e thẹn đỏ bừng mặt và lóng cóng làm rơi chiếc muỗng xuống cỏ.  Trần cúi xuống nhặt và ngước lên hỏi, “Cho nhé?”  Nông cúi đầu, và Trần cất muỗng vào ba lô.  Khóa học bắt đầu chừng hơn một tháng thì ông Hồ đến nói chuyện với học viên.  Trong nhà ăn, Trần đứng đối diện với Bác, cách một bàn ăn bằng nứa dài, sung sướng ngắm Nông cười rạng rỡ đứng bên cạnh Bác, và mơ tới ngày làm con rể Bác.  Trần gần như ngã sụp khi, cuối phần thăm hỏi học viên, ông Hồ quay sang Nông ra lệnh,

            “Cô bé này về.  Chứ biết gì mà đi đấu tranh?”

Từ đó hai người không gặp nhau.  Chiếc muỗng kỷ vật, Trần giữ trong ba lô mang theo bên mình cho đến một đêm trăng mờ đi qua ải Nam Quan trên đường sang Trung Cộng du học.  Phải vứt bỏ mọi thứ mang dấu vết Việt nam để người ngoại quốc không biết có du học sinh đến Trung Cộng.  Trần hủy bỏ thư từ, sổ tay, nhật ký, ảnh, đồ dùng, và quần áo rồi bùi ngùi đặt chiếc muỗng lên đỉnh dãy cây lạc tiên (cây chùm bao) ngập bụi trắng xóa bên đường.


Một buổi chiều giữa năm 1957 Trần có việc đến dinh chủ tịch của ông Hồ.  Trước khi ra về, Trần bất thần nhớ tới Nông và hỏi mấy người lính gác đứng tuổi; họ trả lời,

“A, cô Nông ấy hả?  Lấy chồng rồi.  Chồng lái xe.  Nhưng chết rồi!”  “Lái xe” là tài xế; miền Bắc dùng luôn động từ “lái xe” làm danh từ thay vì phải nói “người lái xe” hay “tài xế” vì bắt chước tiếng Tàu vốn rất lôi thôi về ngữ pháp.

“Ố, sao trẻ thế mà chết?”

“Về quê Cao Bằng bị ô-tô đè.”

“Khổ, sao lại thế!” Trần bàng hoàng kêu lên, lúc ấy chưa biết tình tiết đồn quanh cái chết tang thương của Nông.

Thực ra Nông không phải là con nuôi ông Hồ.  Cuối năm 1954, cô và cô em họ tên Nghệ tình nguyện làm công tác hộ lý (y công) trong một đơn vị quân nhu.  Được mấy tháng thì ủy viên trung ương đảng cầm đầu cục Quân nhu đến gặp Nông nói chuyện vài lần và đầu năm sau, cho xe đón Nông về Hà Nội “phục vụ Bác Hồ."  Về Hà Nội ở trên gác căn nhà số 66 phố Hàng Bông, Nông xin cho Nghệ về theo để giúp việc cho Nông.  Theo lời Nghệ kể lại,

"Lãnh đạo không cho chị Nông ở với Bác trong chủ tịch phủ nên giao chị cho ông Trần Quốc Hoàn bộ trưởng bộ Công an ‘quản lý,’ và ông thường hay đến thăm lom.  Chị Nông sinh con trai, Bác đặt tên Trung, em có nhiệm vụ bế cháu, và chị Nông tỏ ý muốn chính thức hóa cuộc hôn nhân với Bác.”

 Không ngờ, ý muốn “chính thức hóa” là bản án tử hình của Nông.  Nhưng trước khi cho thi hành bản án, ông bộ trưởng còn tiếc của đời, nhất định phải hưởng ké thân xác của Nông.  Một hôm đến nói chuyện vu vơ một hồi, Hoàn dở trò kéo Nông vào cái phòng nhỏ định hãm hiếp.  Nông ú ớ la lên, và Nghệ hoảng sợ tru tréo.  May lúc đó ở nhà dưới có người lên tiếng xôn xao, ông sợ bỏ Nông ra và rút súng lục dọa:

"Chúng mày im mồm, không ông cho chết hết."

Hoàn xuống thang và ra xe hơi chuồn thẳng.  Mấy hôm sau ông lại đến, lên gác, đi thẳng vào phòng, và ôm ghì Nông hôn tới tấp.  Nông xô ra,

"Không được hỗn, tôi là vợ ông chủ tịch nước."

"Tôi biết bà to lắm, nhưng tính mạng bà nằm trong tay tôi," ông cười sằng sặc.

Gí súng vào ngực Nông, Hoàn rút ra sợi dây dù thắt sẵn thòng lọng tròng vào cổ cô, kéo cô lên giường, và lột hết quần áo cô ra ngắm nghía rồi hãm hiếp.  Nông xấu hổ lấy tay che mặt, ông kéo tay cô,

"Thanh niên nó phục vụ không khoái hơn ông già hay sao mà lại còn vờ làm gái?”

Tuần sau, chiếc xe com-măng-ca công an quen thuộc đón Nông sang gặp ông Hồ; com-măng-ca là xe vận tải hạng nhẹ do GAZ tức là Xưởng Xe hơi Gorkovsky của Nga sô chế tạo.  Sáng hôm sau, công an đến báo cho Nghệ biết Nông đã chết vì tai nạn lưu thông, Nghệ vội vàng vào nhà thương Phủ Doãn thăm xác chị và được xem biên bản khám nghiệm tử thi.  Bác sĩ ghi cơ thể nạn nhân không có dấu hiệu gì cho thấy cái chết do tai nạn xe hơi gây ra; khám toàn thân chỉ thấy vết nứt trên sọ, có thể đầu bị trùm chăn rồi đập bằng búa.  Nghệ vội chạy về quê Cao Bằng kể hết mọi chuyện với người chồng sắp cưới là một thương binh.  Vài tháng sau, Nghệ bị giết, xác nổi lên ở cầu Hoàng Bồ trên sông Bằng.

Tuy nhiên, không hẳn người bạn chăn gối nào của ông Hồ cũng bị kết liễu bi thảm như Nông.  Chuyện kể rằng người bạn họa sĩ thân thiết của Trần tên Kế ngày ngày đến vẽ chân dung ông Hồ.  Một chiều Kế về sớm hơn thường lệ và giải thích,

            “À, cái Lan tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ ông cụ, tớ được xua về sớm.”

Vài tháng sau, Kế lại về trễ như cũ.  Trần hỏi tại sao thì Kế nói,

            “Cái Lan không đến nữa.  Chắc máy cụ yếu.  Hay cụ muốn tống đi để tìm món lạ khác.”

“Cái Lan” là Phương Lan, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thanh Hóa.  Trông "kháu" nhất trong số các nữ cán bộ trẻ, cô được chọn để dâng lên cho ông Hồ khi lãnh đạo đảng có ý kiến là Bác cần có vợ để giải quyết sinh lý cho sức khỏe điều hòa.  Sau mấy tháng “phục vụ Bác,” cô đặt vấn đề phải có hôn nhân đàng hoàng.  Tuy không được cho làm bà chủ tịch, cô được giữ lại Hà Nội và bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Thương binh.

Bác Hồ kính yêu” cũng dâm dục, cũng khoái vầy cuộc mây mưa, và cũng lụy vì đàn bà như bao nhiêu gã đực rựa buông tuồng khác.  Cũng giống như trong câu ca dao,

Văn chương chữ nghĩa bề bề,

Thần l... nó ám cũng mê mẩn đời.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                       Ngày 22 tháng Sáu, 2022

                                              ***

Lang Thang Giữa Cuộc Đời

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Sau đám tang cha, bữa cơm chiều nay là tối cuối cùng anh em tôi sum họp đông đủ và không biết ngày nào gặp lại.  Ăn xong, Trọng (em út) và Lâm (em áp út) lái xe trở về trường để sáng mai đi học.  Sang, Triết, và Bình thì sáng mai lên đường sớm về lại Texas và Louisiana đi làm.  Để không khí bớt buồn rầu bịn rịn trước giờ chia tay, Sang (em kế tôi) nhíu mày nhìn tôi hỏi bâng quơ,

            “Ngày tui ở Tuy Hòa vô Sài gòn học đệ nhất (lớp 12) trường Thánh Thomas trên đường Trương Minh Ký Phú Nhuận, anh dạy giờ ở đó mà có biết con Diên Ái học lớp tui không?”

            “Tao là sinh viên trẻ căm mà dạy đệ tam (lớp 10) và đệ nhị (lớp 11), sợ học trò gần chết, làm sao dám để mắt dòm ngó tụi con gái đệ nhất.  Mà sao?”

            “Tháng trước, tui gặp hắn đi chợ Á đông dưới Texas.  Hắn mừng hết lớn nói gia đình mới vượt biên tới Mỹ,” Sang được trớn lái hẳn qua chuyện cô bạn học cũ.

Diên Ái là con một, cha là trung tá phục vụ trong bộ Tổng Tham mưu.  Vóc dáng cao ráo và tóc cắt ngắn, nàng đẹp và duyên dáng mặc dù không thích trang điểm.  Nàng chơi thân với hai người bạn trai là Thông và Điềm; ba người học trường Thánh Thomas, ở trong xóm chợ Ông Tạ, và cùng hát lễ trong ca đoàn nhà thờ.  Nàng đánh đàn ghi-ta (guitar) giỏi, hát hay, và thỉnh thoảng cùng hai bạn hợp lại đờn ca xướng hát.

Tháng Tư năm 1975, ba người bạn đang hoàn tất năm thứ hai đại học:  Diên Ái học chương trình sư phạm hai năm để thành giáo sư trung học đệ nhất cấp, Thông học báo chí ở viện Đại học Vạn Hạnh, và Điềm học ban đốc sự Học viện Quốc gia Hành chánh.  Sau ngày miền Nam đổi chủ, chỉ một mình nàng được tiếp tục học, vì hai trường kia đóng cửa:  Vạn Hạnh là đại học tư bị chính quyền mới tịch thu tài sản, và Quốc gia Hành chánh là nơi đào tạo công chức “Mỹ Ngụy.”  Cả Thông và Điềm đều yêu Diên Ái, nhưng không người nào dám mở lời tỏ tình.

Rồi cha Diên Ái đi “học tập cải tạo” không biết ngày về.  Cha Thông quen thân với một cán bộ ngoài Bắc vào Sài gòn thiết lập tờ báo Do Dân và nhờ ông ta đưa Thông vào nghề làm báo.  Thông làm việc dưới quyền trực tiếp của một chị cán bộ mới ở rừng ra, gặp Thông lần đầu đã mê tít.  Mẹ Điềm qua đời; bà trối lại năm 1954 cha Điềm ra Bắc tập kết chứ không phải đã mất như bà nói với mọi người.  Còn lại một thân một mình, Điềm túng thế rời Sài gòn tình nguyện đi Thanh niên Xung phong đào kinh, đắp đường, và phá rừng làm rẫy giúp dân các “vùng sâu vùng xa.”

Ở trường sư phạm, Diên Ái phải tham gia “hoạt động của trường Đoàn,” bị soi mói vặn vẹo liên tục, và có hẳn một đoàn viên miền Bắc theo sát để “nắm bắt tư tưởng.”  Khi ra trường, nàng bị chỉ định về một trường “cấp 2” (trung học đệ nhất cấp) trên Lâm Đồng.  Nếu không đi, với lý lịch con trung tá “Ngụy,” nàng kể như tàn đời:  sẽ không được cấp bằng, không được cấp phiếu mua thực phẩm và nhu yếu phẩm, và bị thông báo về phường để “quản lý và phân công lao động.”

Gạt nước mắt từ giã mẹ ra đi, Diên Ái lên xã Đạ Long huyện Đức Trọng ở miền thượng du tỉnh Lâm Đồng, dân chúng gồm phần lớn là người Thượng và một ít người Kinh bị lùa lên “đi kinh tế mới.”  Đạ Long từ trước đến nay chỉ có trường tiểu học, nay mở thêm trường cấp 2 nhưng chỉ mới có trên giấy tờ và chỉ có lớp 6; nàng là “giáo viên” đầu tiên.  Hiệu trưởng trường tiểu học là Lơng người Gia Lai vốn là du kích xã, được đi học bổ túc đến lớp 6, và nay kiêm nhiệm hiệu trưởng trường mới.  Công việc đầu tiên của nàng là cùng với dân chúng bắt tay xây ngôi trường mới.  Trường lợp mái tranh, vách phên tre, và bàn ghế tự đóng bằng gỗ tạp.  Lớp học có 15 học sinh, nàng bao thầu các môn nhân văn như văn, sử địa, và sinh ngữ, một cô giáo tiểu học được cử lên dạy toán lý hóa, và Lơng dạy chính trị.

Diên Ái được xếp ở trong khu tập thể trường tiểu học, và bốn cô giáo chia nhau căn nhà gỗ mái tôn, bàn ghế tủ giường bằng gỗ tạp tự đóng lấy.  Ba cô kia là dân Đà lạt có lý lịch giống như nàng.  Các thầy cô thay phiên nấu ăn chung, Lơng lãnh nhiệm vụ chẻ củi và gánh nước; trường nằm trên dốc cao, phải lấy nước từ cái giếng dưới chân đồi.  Vì lương tháng quá ít ỏi, thầy cô phải nuôi heo gà và trồng rau cải để có đủ thức ăn hàng bữa.  Sau sáu tháng, ngoài việc dạy học trò trong lớp, “cô tiểu thư Sài gòn” đã biết đánh tranh, lợp nhà, cuốc đất, tưới rau, nấu cám heo, và tắm heo rành rẽ như bất cứ cô sơn nữ nào trong vùng.

Diên Ái là thiếu nữ đẹp nhất ở vùng rừng núi bán khai này và vì vậy chịu điêu đứng khổ sở với tên công an xã, người nắm quyền sinh sát dân xã.  Tên này theo tán tỉnh, đùa cợt sỗ sàng, và đôi khi mang lý lịch của nàng – con “trung tá Ngụy mang nợ máu với nhân dân” – ra dọa dẫm.  Nàng cũng biết Lơng yêu nàng mà thủ phận không dám thố lộ.  Một buổi sáng Chủ Nhật, như thường lệ, nàng đi vào rừng tìm một khoảnh khắc riêng tư để cầu nguyện cho quên bớt khổ ải của cuộc sống lưu đày thì bỗng tên công an từ sau bụi rậm nhảy ra gí lưỡi dao dài vào cổ nàng,

            “Cô em đẹp quá.  Lâu quá không được chơi gái, anh hứng lắm rồi.  Khôn hồn thì chiều anh, không thì bỏ mạng.”

Diên Ái ứa nước mắt nghiến răng chịu trận.  Xong việc, tên khốn nạn vừa cài nút quần vừa cười khả ố, “Sướng không em?”  Giữa lúc đó, Lơng xuất hiện với cây mác đi rừng.  Chàng gầm lên một tiếng, cả người lẫn mác phóng tới.  Tên công an rút súng.  Cây mác vừa cắm vào ngực nó thì tiếng súng nổ.  Hai người đàn ông gục ngã nằm chết trên vũng máu.

Bị hiếp dâm cướp đoạt trinh tiết, Diên Ái về Sài gòn nằm vùi và trốn kín trong nhà, không dám nhìn mặt ai.  Càng oan nghiệt hơn là nàng mang thai, bụng mỗi ngày một lớn.  Mẹ nàng hỏi, nàng khóc bày tỏ nguồn cơn.  Mẹ đờ người thở dài,

            “Con định giữ nó?”

            “Dầu sao cũng là con con, đâu có tội tình gì?  Chúa đâu có cho phép bỏ nó mẹ ơi.”

Hai tháng sau, cha Diên Ái được “ra trại” (thả về).  Lúc ấy, mẹ nàng cho biết còn để dành hơn một chục lượng vàng, chờ chồng về mua chỗ vượt biên cho gia đình.  Vì nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng ra đi.  Nàng ôm bụng bầu năm tháng lên tàu.  Chuyến vượt biển may mắn trót lọt, họ tới trại tỵ nạn Galang ở Nam Dương.  Nhờ giỏi Anh văn, nàng làm thông dịch viên cho các phái đoàn phỏng vấn người tỵ nạn xin đi định cư và có cơ hội giúp đỡ đồng bào trong trại.  Bé Ân, con trai nàng, chào đời trong niềm vui của mẹ và ông bà.  Đơn xin định cư Hoa kỳ được chấp thuận, gia đình nàng được một nhà thờ Công giáo ở Austin thuộc tiểu bang Texas bảo trợ.  Ở đây, nàng gặp lại người bạn học cũ là Sang em tôi.

* * *

Trong khi cha mẹ hưởng trợ cấp của chính phủ và ở nhà giữ bé Ân, Diên Ái làm trợ giáo cho một trường “măng non” (preschool) dành cho trẻ em từ hai đến năm tuổi, trước khi tới tuổi đến lớp mẫu giáo hay trường tiểu học.  Nàng học lớp đêm ở Đại học Cộng đồng Austin, hai năm sau tốt nghiệp, và trở thành cô giáo chính thức.  Khi có người tò mò hỏi về bé Ân, nàng trả lời vắn tắt, “Cha cháu mất lúc cháu còn trong bụng mẹ.”  Nhiều người đàn ông độc thân muốn theo đuổi người thiếu phụ trẻ đẹp có việc làm vững chắc, đến nhà tặng quà cho bé Ân, và mời nàng đi chơi; nàng từ chối và nói thực,

            “Tôi bận rộn, còn chút thì giờ phải dành cho con.  Không dám nghĩ đến chuyện gì khác.”

Ở Austin năm năm, gia đình Diên Ái dọn về Westminster ở nam California.  Cha mẹ nàng xin được housing (nhà ở được chính phủ trợ cấp), và nàng thuê nhà ở riêng với bé Ân, mở một trung tâm giữ trẻ, và dần dần khuếch trương thành một trường “măng non.”  Nàng rất ngại giao tiếp với đàn ông độc thân người Việt.  Đến với nàng, họ chỉ nhắm tới liên hệ tình dục hay hôn nhân, trong lúc nàng khát khao tình bằng hữu thực sự như với Thông và Điềm trước đây.  Bạn bè phái nam của nàng thu hẹp vào vài người Mỹ, thân nhất là Marvin, một anh gay (tình dục đồng giới phái nam).  Đưa bé Ân đi ăn, nàng thường rủ Marvin theo, người ngoài nghĩ hai người là đôi tình nhân.

Một hôm trong khi ăn, thấy Marvin có vẻ suy tư và lo âu hơn mọi ngày, Diên Ái ân cần hỏi,

            “Marvin, bồ có chuyện gì khó khăn, mình giúp được không?”

            “Mình có chuyện rắc rối, chắc phải nhờ bồ.”

            “Bồ nói đi.”

“Ông nội mình ở Denver thuộc tiểu bang Colorado đang bệnh nặng,” Marvin do dự, “Tuần rồi mình về thăm ông vì mẹ gọi cho biết ông bị ung thư gan giai đoạn cuối và muốn gặp lại mình.  Sau bao năm cách xa, mình thấy ông già đi nhiều, cơn bệnh kinh khủng khiến ông chỉ còn da bọc xương.”

Marvin đã từng kể gia đình chàng rất giàu, ông nội chỉ có chàng là cháu duy nhất, nhưng lại cực kỳ bảo thủ và rất kỳ thị các anh gay; chàng bỏ Denver dọn qua California cũng vì lý do đó.  Diên Ái nắm tay Marvin,

            “Xin chia buồn với bồ.  Hy vọng bồ đã làm hòa để ông yên tâm nhắm mắt lìa đời.”

            “Cám ơn bồ,” Marvin siết chặt tay bạn, “Ông hứa không những sẽ bỏ qua chuyện cũ mà sẽ để lại toàn bộ tài sản cho mình nếu mình lấy vợ trước khi ông lìa đời.  Đó là chuyện mình cần nhờ bồ giúp một tay.”

            “Làm sao chúng mình có thể lập gia đình với nhau?” Diên Ái lúng túng.

            “Xin lỗi bồ nếu đề nghị này quá đường đột.  Nhưng nếu hai đứa thành hôn trên phương diện pháp lý, mình sẽ không làm tổn thương sự trong sạch của bồ mà hai đứa sẽ có khả năng tài chánh bảo đảm tương lai cho Ân.  Cuộc hôn nhân ngoài mặt này có thể chấm dứt bất cứ lúc nào; ở xứ này, ly dị dễ như chơi mà!”

Thế là “đám cưới chạy tang” cử hành, người ngoài nghĩ Marvin và Diên Ái là đôi vợ chồng lý tưởng.  Nàng và bé Ân dọn về căn nhà mới mua của Marvin, “vợ chồng” ngủ riêng, và Ân (đang học lớp 9) có phòng học phòng ngủ riêng.  Hai người chia nhau lo cơm nước và dọn dẹp nhà cửa, và cuối tuần cả nhà cùng nhau đi ăn nhà hàng như trước.  Nàng đóng góp một nửa chi phí trong nhà, Marvin nhận và bỏ hết vào quỹ đại học của Ân.  Ba năm sau, cha Marvin về hưu và gọi Marvin về cai quản cơ sở kinh doanh của gia đình.  Marvin và Diên Ái lặng lẽ “ly dị,” và Marvin chuyển quyền sở hữu căn nhà cho nàng, làm thủ tục nhận Ân làm con nuôi, và chỉ định cậu là người thừa kế.

Một phần tư thế kỷ sau ngày bỏ nước ra đi, Diên Ái trở về Việt nam tìm thăm bạn cũ.  Thông đã cưới cô sếp làm vợ, nhưng cô sớm nhận ra Thông lấy cô cốt để khỏa lấp hình ảnh Diên Ái trong tim.  Ba năm sau, họ ly dị.  Với nhiều mối tình qua đường, chàng không quan tâm đến sức khỏe và hàng đêm vùi chôn trong men rượu.  Chàng bị bệnh đái đường và huyết áp cao, mắc chứng hư thận trầm trọng, và phải giải phẫu ghép thận mà Điềm là người hiến thận.

Sau năm năm làm Thanh niên Xung phong khổ nhọc cùng cực, Điềm được thăng lên chức giám đốc và nhờ đó khám phá ra bộ máy chính quyền gồm toàn những kẻ tham nhũng, dối trá, và ăn cắp.  Chàng viết bài tố cáo và đưa cho Thông đăng lên tờ Do Dân, nhưng bị cái hệ thống gian xảo từ trên xuống dưới dùng quyền lực cả vú lấp miệng em và trả thù tới nơi tới chốn.  Nhờ cha (liên lạc được năm 1977) làm thứ trưởng bộ Kinh tế che chở nên chỉ bị cách chức mà không bị tù đày, Tiềm về làm hiệu trưởng một trường “giáo dục lao động” dùng để giam giữ thanh niên nghiện ma túy để buộc họ cai nghiện.  Chàng kết hôn với một cựu học viên của trường; cô bé gái ba tuổi mang tên “Ái” của người bạn cũ.

Đêm chia tay trước khi trở lại Hoa kỳ, Diên Ái đàn và hát cho bạn nghe,

Thà là rong rêu, lênh đênh trên biển.

Thà là chim bay vui theo tháng ngày.

Thà là mây trôi mênh mang giữa bầu trời.

Lang thang giữa cuộc đời mà vui.

(Nguyễn Tâm – “Rong Rêu”)

Lời hát buồn của Diên Ái như chuyển đạt đến bạn điều nàng chôn tận đáy lòng bao nhiêu năm nay:  Nàng là lesbian, tình dục đồng giới phái nữ.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                           Ngày 13 tháng Bảy, 2022


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: VĂN

Đăng nhận xét

Tin liên quan