LÊ VĂN HẢI Tin Buồn: Lá Vàng “Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng” Vừa Bay Theo Gió “Mùa Thu Paris!”
TRANG VĂN THƠ LẠC VIỆT TIN ĐẶC BIỆT
LÊ VĂN HẢI
Tin Buồn: Lá Vàng “Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng” Vừa Bay Theo Gió “Mùa Thu Paris!”
Chúng tôi vừa nhận được tin buồn, từ Niên Trưởng KQ Võ Ý: Xin được thông báo đến Quý Nt, Quý Ch KQ và Quý Độc Giả, Thính Giả, yêu thơ, yêu nhạc:
Thi Sĩ KQ CUNG TRẦM TƯỞNG
Ông là tác giả “Một Hành Trình Thơ – 1948-2018” và nhiều người
biết Ông nhất, qua bài thơ “Mùa Thu Paris” đã được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, vừa
từ biệt dương thế hôm nay! Chủ Nhật, ngày 9 tháng 10 năm 2022, lúc 4 giờ 27 chiều,
giờ địa phương.
Được biết, cách đây hơn tháng, Ông bị té sưng mặt mày, phải nhập viện. Hơn tuần qua, Ông phải mổ bàng quang. Ca mổ bình an. Nhưng sau đó, Ông bị viêm phế quản, phải mang ống thở, liệt não. Sáng nay, gia đình quyết định rút ống! Tin buồn này, làm biết bao nhiêu Chiến Hữu, Bạn bè, những người thương mến, chỉ biết nhìn lá vàng rơi, trong không khí se lạnh Mùa Thu, hát lại lời thơ, tiễn Thi Sĩ bay theo gió về…Trời!
“Lên xe tiễn Em (Ông) đi
Trời mùa thu Paris
Chưa bao giờ buồn thế!…”
Ít Nét Tiểu Sử Về Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng
Cung Trầm Tưởng (sinh 1932), tên thật là Cung Thức
Cần, là một nhà thơ hiện đại Việt Nam, cuối đời định cư ở Hoa Kỳ.
Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi
(1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là Sóng Đầu Dòng.
Năm 1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại
trường Chasseloup Laubat (Sau có tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn,
Sài Gòn)
Năm 1952, sau một năm học đại học, Ông sang Pháp du học, tại
Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence.
Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước, phục vụ trong Quân chủng
Không Quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong năm này, hai bài thơ của ông
là "Mùa thu Paris" và "Vô đề" (thơ trường thiên), xuất hiện
trong tuyển tập Đất Đứng, của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm
Xuân Hồng), và đã làm người đọc, thích thú, chú ý nhất, nổi nhất trong thời
gian này!
Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn Nghệ Mới và cộng tác
thường xuyên cho các tạp chí: Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành...
Trong khoảng thời gian này, Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một
số bài thơ của Ông, đó là những bài "Mùa thu Paris", "Chưa bao
giờ buồn thế", "Bên ni bên nớ", "Khoác kín", "Kiếp
sau", "Về đây"...tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình Ca của
Ông, thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc! Đủ thấy thơ Ông, mọi người yêu thích như
thế nào!
Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Tiến sĩ khí
tượng học tại Đại học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn, tiếp tục phục vụ
trong Quân chủng Không Quân, với cấp bực cuối cùng là Trung tá (1975). Dưới chế
độ cộng sản, ông bị bắt đưa đi cải tạo 10 năm! trong 8 trại giam và thả về với
thêm 3 năm quản chế...
Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ định cư, tại Minnesota. (Xứ 10
ngàn cái hồ!)
Tác phẩm của Cung Trầm Tưởng đã in:
•Tình ca (Nhà xuất bản. Công đàn, Sài Gòn, 1959)
•Lục bát Cung Trầm Tưởng (Nhà xuất bản. Con đuông, Sài Gòn,
1970)
•Lời viết hai tay (Nhà xuất bản. Imn, Bonn, 1994; thơ tù cải
tạo)
•Bài ca níu quan tài (tác giả tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ,
2001; thơ tù cải tạo)
•Một hành trình thơ (Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ, 2012)
Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng Cũng Đã Một Lần Ra Mắt Thơ Tại San Jose.
Tối thứ Sáu 18/6/99, vào lúc 6:30 pm tại Trung Tâm Văn Hoá
2296 Quimby Road, góc đường Capitol Expressway, nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã hội
ngộ cùng giới yêu thơ thung lũng hoa vàng với tác phẩm mới của ông là Thơ Viết
Hai Tay.
Đây là lần đầu ông ra mắt tại San Jose. Hai bài thơ của ông
là Tiễn Em và Mùa Thu Paris đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thập niên 60, tạo
tên tuổi vang lừng và bài hát đó bây giờ vẫn còn nhiều người thưởng thức. Bối cảnh
nước ngoài hoa lệ với tuyết rơi mùa đông, lá vàng mùa thu, một tình yêu lãng mạn
thời tuổi trẻ pha chút gì văn minh của thủ đô Paris nước Pháp, đã gây xao xuyến
cho những người thưởng thức văn nghệ ở trong nước thời đó.
Sau 1975, thi sĩ bị ở tù Cộng Sản gần cả chục năm và theo lời của bạn bè chung tù, thì quan điểm làm thơ của Ông đã chuyển biến từ hoa mộng qua tranh đấu! chống cộng! Định cư ở tiểu bang Minnesota được mấy năm, ông vẫn tiếp tục sáng tác và cuối tuần này khách văn nghệ, sẽ nghe những vần thơ mới của ông. Một số thơ Cung Trầm Tưởng phổ nhạc cũng được hát trong buổi văn nghệ đặc biệt này.
Kết:
Theo nhà nghiên cứu T. Khuê, thì thơ Cung Trầm Tưởng thường
có giọng buồn, mang mác! Nhưng là giọng buồn nguyên thủy, gợi nỗi cô đơn hiện
sinh, khi con người nhận thức lại chính mình!
(Bài đọc thêm)
Thi sĩ Cung Trầm Tưởng và hoàn cảnh đặc biệt sáng tác, những
bài thơ được phổ thành ca khúc nổi tiếng: Tiễn Em, Kiếp Sau, Mùa Thu Paris!
Cung Trầm Tưởng là một nhà thơ rất quen thuộc từ đầu thập
niên 1960 ở Sài Gòn với thể loại thơ lãng mạn, tên tuổi ông nhanh chóng được giới
thanh niên trí thức thời bấy giờ biết đến kể khi ông trở lại Sài Gòn sau khi đi
du học ở Pháp. Nhắc đến Cung Trầm Tưởng thời đó, mọi người đều biết đến những
bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, hoặc bài thơ Chưa
Bao Giờ Buồn Thế được phổ thành bài hát mang tên Tiễn Em với các hình ảnh đậm
chất thơ: “Ga Lyon đèn vàng” và “Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế…” Ngay
cái tên của nhà thơ cũng đã ấn tượng đối với nhiều người vì chất văn học rất đậm
trong mỗi chữ: Cung Trầm Tưởng. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng Nhà thơ Cung Trầm Tưởng
tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi
(1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là “Sóng Đầu Dòng”. Năm
1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại trường Chasseloup
Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn). Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang
Pháp du học, tốt nghiệp Kỹ Sư tại Trường Võ Bị Không Quân ở Salon-de-Provence.
Đến năm 1957 thì trở lại Sài Gòn và phục vụ trong binh chủng không quân trong
được 23 năm. Tại Sài Gòn, Cung Trầm Tưởng gặp nhạc sĩ Phạm Duy, rồi họ trở
thành những người bạn thân thiết. Phạm Duy từng chia sẻ như sau: “Cung Trầm Tưởng,
một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc trong đó có
hai bài nói về mùa Thu và mùa Ðông Paris. So với nhạc tình thời đó, hai bài này
rất mới lạ cho nên được các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ
Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà. Các đài radio, các nhà xuất bản,
các hãng làm đĩa hát đua nhau phổ biến những bài thơ phổ nhạc này của chúng
tôi. Nó trở thành những tình khúc của một thời. Thời kỳ đẹp nhất của người Việt
trong thế kỷ này chăng?” Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nhạc sĩ Phạm Duy và họa sĩ Ngy
Cao Uyên năm 1959. Ảnh: huyvespa Trong số những bài thơ được phổ nhạc của Cung
Trầm Tưởng, có lẽ ai cũng biết đến 2 ca khúc Mùa Thu Paris và Tiễn Em của nhạc
sĩ Phạm Duy, phổ từ bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế: Ngôn ngữ trong 2 bài thơ này
thật ra không phải mới lạ hay phá cách để nổi tiếng, mà được giới trẻ đón nhận
một cách thích thú vì một chi tiết trước đó chưa bao giờ (hoặc hiếm khi) xảy
ra, đó là: Một chàng thanh niên Việt Nam du học có người yêu bên Pháp với tóc
vàng mắt xanh… hai người yêu nhau và chính những cuộc chia tay trên ga vắng đã
thi vị hóa câu chuyện để nó trở thành một mode mới trong đời sống thanh niên thời
bấy giờ. Bài thơ như một trang sách mới cùng những con đường lạ lẫm bên trời
Tây mở ra cho giới trẻ và đâu đó người đọc cảm thấy phần nào hả hê bù đắp lòng
tự ái dân tộc đã bị mất mát khá nhiều dưới gót giày được gọi là khai hóa văn
minh của thực dân Pháp. Mùa thu Paris Mùa thu Paris Trời buốt ra đi Hẹn em quán
nhỏ Rưng rưng rượu đỏ tràn ly Mùa thu đêm mưa Phố cũ hè xưa Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ Mùa thu âm thầm Bên vườn Lục-Xâm Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm Mùa thu nơi đâu? Người em mắt nâu Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu Mùa thu Paris Tràn dâng đôi mi Người em gác trọ Sang
anh, gót nhỏ thầm thì Mùa thu không lời Son nhạt đôi môi Em buồn trở lại Hờn
quên, hối cải cuộc đời Mùa thu! mùa thu Mây trời âm u Yêu người độ lượng Trông
em tâm tưởng, giam tù Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu! Click để nghe Thái Thanh hát
Mùa Thu Paris trước 1975 Đó là nguyên tác bài thơ mang tên Mùa Thu Paris, đã được
nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên, nổi tiếng qua giọng hát của các
danh ca Thái Thanh, Sĩ Phú. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng chia sẻ kỷ niệm về bài thơ
này: “Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì
mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời
đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp
và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm.
Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó đánh giá những kỷ niệm
đầu đời của mình”. Kỷ niệm đầu đời cùng các mối tình tóc vàng mắt xanh ấy đã là
nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ của Cung Trầm Tưởng vào thời mới lớn. Những
chiếc ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp đã từng chứng kiến biết bao
cuộc chia tay trước đó, lại một lần nữa nhìn ngắm mối tình dị chủng giữa một
chàng trai một đất nước bị trị và một cô gái tóc vàng, đại diện cho văn hóa và
nếp sống phương Tây. Hình ảnh Cung Trầm Tưởng khi đi học ở Paris, được “người
em tóc vàng” chụp. Ảnh: Jimmy show Từ một trong những lần chia ly đó, nhà thơ
Cung Trầm Tưởng đã sáng tác Chưa Bao Giờ Buồn Thế, vốn quen thuộc với khán giả
yêu nhạc bằng cái tên khác Tiễn Em – Bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: Lên
xe tiễn em đi Chưa bao giờ buồn thế Trời mùa đông Paris Suốt đời làm chia ly Tiễn
em về xứ mẹ Anh nói bằng tiếng hôn Không còn gì lâu hơn Một trăm ngày xa cách
Ga Lyon đèn vàng Tuyết rơi buồn mênh mang Cầm tay em muốn khóc Nói chi cũng muộn
màng Hôn nhau phút này rồi Chia tay nhau tức khắc Khóc đi em. khóc đi em Hỡi
người yêu xóm học Để sương thấm bờ đêm Đường anh đi tràn ngập lệ buồn em… Ôi
đêm nay Chưa bao giờ buồn thế Trời mùa đông Paris Suốt đời làm chia ly Tàu em
đi tuyết phủ Toa anh lạnh gió đầy Làm sao anh không rét Cho ấm mộng đêm nay Và
mơ ngon trên khắp nẻo đường rầy ! Trời em mơ có sao Mình anh đêm ở lại Trời mùa
đông Paris Không bao giờ có sao Trời mùa đông Paris Chưa bao giờ buồn thế!
Click để nghe Sĩ Phú hát Tiễn Em trước 1975 Tám câu đầu tiên của bài hát Tiễn
Em được nhạc sĩ Phạm Duy giữ nguyên câu chữ của bài thơ nguyên thủy, không sửa
một chữ nào, mô tả cuộc chia ly giữa 2 người dị chủng: Một sinh viên ở miền viễn
Đông và một cô gái tóc vàng bản xứ. Họ tiễn nhau trên một sân ga nhỏ nằm trơ trọi
giữa mùa đông nước Pháp lạnh lẽo, đó là “ga Lyon đèn vàng” giữa “tuyết rơi buồn
mênh mang”. Ga Lyon này không phải là ở thành phố Lyon như nhiều người tưởng,
mà có tên chính thức là Paris-Gare-de-Lyon, là một trong sáu ga xe lửa tuyến
chính lớn ở Paris – thủ đô nước Pháp. Ga Lyon đèn vàng Cầm tay em muốn khóc… Vì
sao ánh đèn sân ga lại màu vàng? Điều này cũng được Cung Trầm Tưởng giải thích,
đó là vào một buổi chiều mùa đông Paris lạnh giá, qua làn sương mù lạnh lẽo thì
ánh đèn sân ga đã trở thành vàng vọt, gợi hình tượng lãng mạn nhưng cũng thật
buồn, buồn như là tâm trạng của đôi tình nhân đang quyến luyến nhau không rời
trước giờ phút phân ly. Vì sao họ phải xa nhau, và “tiễn em về xứ mẹ” là xứ
nào? Nhà thơ kể lại: “Mùa Ðông ở Paris thời hậu thế chiēn, không khí thường bị
ô nhiễm; và phổi nàng không được mạnh, và nàng lại bị suyễn nữa, vì thế bác sĩ
khuyên là trong ba tháng mùa Ðông, nàng nên đi về miền Địa Trung Hải để hưởng
không khí trong sạch. Ba tháng xa cách, thế nhưng thời đó tuổi trẻ lắm lúc đam
mê và cũng hơi cường điệu, tôi có cảm tưởng xa nhau biền biệt, nên mới trải tâm
sự thành bài thơ”. Nàng con gái tóc vàng rời Paris tròn 3 tháng để về
Marseille, là thành phố miền Nam nhìn ra Địa Trung Hải có nắng ấm, có biển muối
mặn, tốt hơn cho sức khỏe của nàng. 3 tháng được được nhà thơ làm tròn thành
“100 ngày xa cách”. Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Tiễn Em trước 1975 Hỡi
em người xóm học Sương thấm hè phố đêm Trên con đường anh đi Lệ em buồn vương vấn.
Tuyết rơi phủ con tầu Trong toa em lạnh đầy Làm sao em không rét Cho ấm mộng
đêm nay? “Xóm học” trong đoạn này được tác giả giải thích là khu đại học ở
Paris. Họ yêu nhau khi tuổi còn rất trẻ mà thi sĩ Cung Trầm Tưởng nói đó là thời
bồng bột. Ông đã theo đuổi một cô gái tóc vàng, và nàng cũng nhiệt thành đáp lại
tình cảm, họ thường hẹn nhau ở vườn Lục Xâm (Luxembourg) với công viên ghế đá
mà nhà thơ đã nhắc tới trong bài Mùa Thu Paris: Mùa thu âm thầm Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá Không em buốt giá từ tâm Mùa thu nơi đâu? Người em mắt nâu Tóc
vàng sợi nhỏ Mong em chín đỏ trái sầu Mùa thu Paris Tràn dâng đôi mi Người em
gác trọ Sang anh, gót nhỏ thầm thì… Công viên ghế đá ở trong vườn Lục Xâm Hai
người cùng là sinh viên, cùng trọ học nơi mà ông gọi là “gác trọ”. Rồi một hôm
nàng sang gõ cửa, được ông ghi lại bằng hình ảnh thật nhẹ nhàng: Sang anh, gót
nhỏ thầm thì…, thể hiện sự bối rối, thẹn thùng của người thiếu nữ. Click để
nghe Thái Thanh hát Mùa Thu Paris trước 1975 Ngoài Mùa Thu Paris và Chưa Bao Giờ
Buồn Thế, nhà thơ Cung Trầm Tưởng còn viết tặng cho người yêu tóc vàng bài thơ
Kiếp Sau cũng đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Tác giả kể rằng bài thơ Kiếp
Sau ra đời vào thời điểm ông có ý định trở về nước, sắp phải xa người yêu, lần
này không phải là tạm thời xa cách như trong Tiễn Em, mà là phải vĩnh viễn rời
xa, cho nên ông muốn bù đắp cho nỗi buồn của người yêu: “Bù em một thoáng trời
gần, đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi! Bù em góp núi chung đồi thiêu nương đốt
lá cũng rồi hoang sơ Bù em xuôi có ngàn thơ, vẫn nghe trắc trở bên bờ sông
thương Quên thôi, bông sẽ phai hường, mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
Non sông bóng mẹ sầu u, mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu Thôi em xanh mắt
bồ câu, vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.” Chữ “Bù” trong thơ rất độc đáo và đa
nghĩa, nhưng có lẽ vì không hợp với giai điệu nên nhạc sĩ Phạm Duy đổi thành chữ
“Đền”. Click để nghe Thái Thanh hát Kiếp Sau trước 1975 Theo tác giả Thụy Khê,
chữ “Đền em” nó nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng “Bù em”, mới hiếm, mới
Việt. Chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Còn chữ “bù” chỉ có cho mà
thôi, đó là sự “lấp đầy”. Nguyên lý lấp đầy lại rất nữ tính, rất nhục cảm, rất
rất Cung Trầm Tưởng. Sau đây xin trích thêm một đoạn phân tích bài thơ, bài hát
Kiếp Sau của tác giả Thụy Khê, mà chính nhà thơ Cung Trầm Tưởng cũng khá tương
đắc: Nhạc sĩ Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy
là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức
thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú khác lạ, không giống ai:
Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao.
Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.
“Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ” Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng
hộ đối, đâu có thấy bình dân “cũng rồi” ngồi chung chiếu với quý tộc “thiêu
nương”. Rồi lại: “Thôi em xanh mắt bồ câu” Ca dao đâu viết thế. Ca dao thường
trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh… Nên khi gặp thôi
em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo. “Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu”
Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất. Tất cả những “cũng rồi”, “mà
xưa”, “nghe dường” gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, làm lỗi nhịp, làm
đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn
Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?
Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại: “Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu” Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại,
không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như
“đơm hoa kết mộng”, “sông Thương trắc trở” được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ
cách xếp câu, đảo tứ: “Bù em một thoáng trời gần, đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy
thôi! Bù em góp núi chung đồi thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ Bù em xuôi
có ngàn thơ, vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương” Những cách treo chữ: cũng rồi,
cũng ngần…, buông chữ: bù em, thôi em…, đảo chữ: mòn trông…, hoặc tạo cảnh: chiều
lu mái sầu… đều có tính cách phá tán âm thanh lục bát, phá tan nội dung ca dao
để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm
thanh và tư tưởng, một khúc điệu mới, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền
tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ. Một bài thơ khác nữa là Khoác
Kín, cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng mà Phạm
Duy đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Ðông (Phạm Duy có tài lựa những tuyệt
tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh). Khoác Kín cũng là một bài
thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt tuyết lệ của thời gian, nhỏ
trong không gian tàn tạ: “Chiều đông tuyết lũng âm u bâng khuâng chiều tới tiếp
thu trời buồn Nhớ ngày tầu cũng đi luôn, ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon”
Click để nghe Thái Thanh hát Chiều Đông trước 1975 Bài thơ thứ 5 của Cung Trầm
Tưởng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát nổi tiếng, không còn là bài tình
ca nữa, mà mang đậm chất ma mị đến rợn người, đó bài thơ Tương Phản, thành bài
hát mang tên Bên Ni Bên Nớ. Từ một bài thơ được Cung Trầm Tưởng sáng tác khi mới
18 tuổi, qua nét nhạc thượng thừa của Phạm Duy, nó trở thành bài hát vẽ thành một
bức tranh màu xám đầy tương phản của đô thành Sài Gòn trong những năm thập niên
1950. Ca khúc này mang đầy chất liêu trai, lời nhạc mông lung nhưng có thể làm
ám ảnh người nghe, nội dung bài hát bày ra hai cảnh đời mâu thuẫn, nhưng cũng từ
đó đã đề cao tình nhân ái, tinh thần tích cực và an vui hạnh phúc của con người
dù có phải ở vào cảnh nghèo túng. Click để nghe Khánh Ly hát Bên Ni Bên Nớ
Nguyên tác bài thơ mang tên Tương Phản của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, ông sáng tác
bài này vào năm 1950, khi ông sống ở vùng Dakao, khi ấy vẫn là một vùng ngoại
thành tối tăm, hoang vắng và xơ xác. Dakao ngày ấy đã được nhạc sĩ Lam Phương
mô tả là một xóm nghèo “lầy lội qua muôn lối quanh” và “gập ghềnh đường đê tối
tăm” như trong bài hát Kiếp Nghèo, hay là “vàng ánh điện câu” với hắt hiu mái
lá vách phên như trong bài Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Một đêm, từ
vùng ngoại ô nhìn về phía đô thành với đèn hoa rực rỡ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng
nhìn thấy rõ một bức tranh tương phản, giữa một bên là đô thành tráng lệ, một
bên là hoang liêu như một bãi tha ma. Từ bài thơ Tương Phản, nhạc sĩ Phạm Duy
viết thành ca khúc mang tên Bên Ni Bên Nớ với ca từ khá sát với lời thơ gốc,.
Hãy cùng đi vào chi tiết từng lời hát: Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn
về viễn phố Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá Hoang liêu về
chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa Người xa vắng người, người xa vắng người…
“Đêm chớm ngày tàn” thể hiện một bức tranh động, mơ hồ, ở đó có thể nghe cả tiếng
xe hối hả về viễn phố cuối ngày. Rồi sương rơi, đêm xuống, bên cạnh những bãi đất
dài hoang vu tối tăm và nghĩa trang buồn ở nơi xa ánh đèn phố thị này, chợt
nghe tiếng gõ guốc xa xa dồn giã, như là thanh âm của sự sống, là chút giao cảm
của đồng loại, là sợi dây mỏng manh và yếu ớt kết nối giữa hoang liêu bãi tha
ma hãi hùng này với những những rộn ràng của đô thành rực rỡ. “Người xa vắng
người” là để diễn tả những linh cảm của nhà thơ về sự phân hóa của những người
trong xã hội đang chớm hình thành. Đó là phân ly giữa người giàu và người
nghèo, người sống và người chết… Sự tương phản đó được mô tả rõ nét hơn ở đoạn
sau: Em có nghe dồn giã bước ai vất vả bóng ai chập chờn? Hồn ai cô đơn tìm về ấm
cúng Em có nghe bi ai tình ai ấp úng Thương ai lạc loài ăn mày xán lạn ngày
mai… Hình dáng kẻ ăn mày chập chờn trong đêm tối, như là một bóng ma vật vờ
trên lối nhỏ, lên tiếng ấp úng và van xin chút tình thương, lời cầu xin đó bi
ai như tiếng của oan hồn. Đó là những hình ảnh ở nơi tối tăm, nghèo nàn nhưng đầy
ắp lòng thương cảm ở “bên ni”. Tương phản với “bên nớ”, dù có những truy hoan
dài theo chuỗi cười vô tận, nhưng đó là chuỗi cười theo “vạn mảnh ly tan”: Đêm
ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười… Bên tê
thành phố tráng lệ Giai nhân nằm khoe lõa thể Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô
Có những sự tương phản ngay cả bên trong vẻ bề ngoài tráng lệ của bên tê, đó là
của những trơ trẽn giai nhân khoe lõa thể, những truy hoan lạc bước, và nhìn lại
“bên ni phố vắng” thì chỉ thấy một nỗi ngậm ngùi ngân dài… Em có nghe hồ như bước
ai gõ nhịp bước ai giang hồ? Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ Em có nghe bên ni lạnh
như bên nớ? Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong… Hai tâm linh giam
kín lại Bấm đốt ngón tay chờ đợi Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời Em ơi ngoài
kia liếp ngõ Sương rơi ngoài song khép hở Bên trong kín gió ấm ơi là tình. Đoạn
cuối của bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy “rút gọn” câu chữ cho hợp với nhạc nên ý
nghĩa không được thông suốt, thành như là bức tranh trừu tượng, ẩn hiện một
cách mơ hồ. Xin chép lại đoạn cuối của nguyên tác từ bài thơ: Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức Gõ nhịp hẹn hò In dài ngõ cụt Bóng ai giang hồ Bên nớ bên ni
đêm lạnh cả Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng Em ơi bên trong Dù chia ly đôi
phút Đồng mang nhớ đèo mong Hai tâm hồn giam kín Bốn mắt xanh bịn rịn Anh ngồi
làm thơ Anh ngồi bấm đốt con thơ ra đời Bên ngoài liếp ngõ sương rơi Bên trong
kín gió ấm ơi là tình… Ở đoạn này, vẫn là tương phản với những ly tan của “bên
nớ”, ở bên ni có những người nghèo khó, thiếu thốn, mà về tình cảm với nhau thì
luôn luôn tràn đầy. Đêm khuya gió lạnh từng cơn, dù là bên ni hay bên nớ cũng đều
lạnh cả, nhưng ở bên ni thì “Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng”, và dù “bên
ngoài liếp ngỏ sương rơi” thì bên trong vẫn “kín gió ấm ơi là tình”… Hình tượng
“bấm đốt ngón tay” được nhà thơ Cung Trầm Tưởng giải thích như sau: “Thời đó
tôi cũng có quen một cô thiếu nữ ở Huế và tôi mê lắm, cùng học trung học. Tôi
có vợ chồng một anh bạn, cùng học một trường, anh có một đứa con sắp ra đời, và
tôi là cha đỡ đầu cho đứa bé đó. Từ cảm hứng đó tôi mới làm bài này, trong có
câu “bấm đốt ngón tay chờ đợi/chờ ngày con thơ, thơ ra đời”. Có lẽ cũng vì quen
với cô thiếu nữ Huế, nên dù là một người gốc Bắc, thi sĩ dùng những chữ rất Huế
trong bài thơ này, như là “bên ni, bên nớ, bên tê”. Ca khúc Bên Ni Bên Nớ đã được
ca sĩ Julie Quang hát trước năm 1975, nhưng bài hát này chỉ thành công nhất là
với tiếng hát Khánh Ly sau năm 1975. Cô thể hiện bài hát này thành công đến nỗi
có lẽ vì vậy mà sau đó không có ca sĩ nào hát lại Bên Ni Bên Nớ nữa. Bài hát có
giai điệu mông lung, hoang hoải và đậm không khí liêu trai, hoàn toàn thích hợp
với giọng hát liêu trai – Khánh Ly.
(Nguồn tham khảo: Mặc Lâm (RFA), Đông Kha (nhacxua.vn), Thụy Khê
Đăng nhận xét