NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA Mỗi Năm Hai Thước Vải Thô

 Mỗi Năm Hai Thước Vải Thô

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Hàng năm cứ đến tháng Tư là tôi nhớ nhà đến ngẩn ngơ.  “Nhà” ở đây là trường tôi – trường Cao đẳng Điện học, ngôi trường gắn liền với đời tôi trong suốt mười năm sống ở Sài gòn.  Tôi học ở đó.  Ra trường rồi cũng trở về dạy ở đó.  Cho đến ngày mất nước bỏ xứ ra đi.  Tôi giã biệt ngôi trường thân yêu chiều 28 tháng Tư năm 1975.  Hôm ấy trời nắng nhạt nhòa, Sài gòn trong cơn hấp hối, và tôi vội vã vào trường tìm khắp mà chỉ thấy năm anh bạn ngồi ủ ê than thở sau bữa tiệc trưa khóc đất nước đang tan rã từng giờ.  Cả năm người đều như tôi là giảng nghiệm viên và xuýt xoát dưới ba mươi; mỗi sáng nếu không có giờ dạy, chúng tôi thường rủ nhau sang cư xá Lữ Gia phía bên kia đường Nguyễn văn Thoại ăn sáng uống cà phê và vui đùa chuyện trò.

Tôi gọi bạn tập hợp ở phòng Giáo sư, với tư cách trưởng phòng Giáo sư vụ hiện có thẩm quyền cao nhất, triệu tập phiên họp bất thường của hội đồng giáo sư, và chỉ định Minh trong số năm người đó làm thư ký buổi họp.  Minh là trưởng phòng Học vụ chịu trách nhiệm về giấy tờ sổ sách và là người tiếp xúc hàng ngày với sinh viên.  Hội đồng chấm đậu và cho lên lớp các lớp đệ nhất đến đệ tam niên, và chấm đậu và cấp bằng Kỹ sư cho các lớp đệ tứ niên kỹ sư điện và điện tử.  Sứ mạng hoàn tất trong một tiếng đồng hồ.  Sau đó tôi ra đi, bỏ lại sau lưng mười năm hoa niên sôi nổi...

Minh tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp về nước sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết.  Chàng xin việc ở Công ty Điện lực Việt nam và được nhận làm ở ty Điện lực Cần Thơ, nhưng mẹ không cho làm vì không muốn xa con ở ngoại quốc mới về.  Mùa thu, chàng nộp đơn xin dạy ở trường Cao đẳng Điện học, được thu nhận, và được cắt đặt vào ban Điện của tôi.  Người dong dỏng cao và khuôn mặt lịch sự, chàng ăn nói lưu loát và lễ phép.  Ngày chàng trình diện nhận việc, anh giáo sư trưởng ban Điện giao công việc khởi đầu khá nhẹ nhàng,

            “Anh trước học trường Tây, mới ở Pháp về, và chưa nắm vững danh từ kỹ thuật Việt ngữ.  Tạm thời ngồi đọc sách và nghiên cứu trong ba tháng.”

Tôi chào đón người bạn đồng sự mới và rủ sang cư xá Lữ Gia ăn sáng để làm quen.  Thấy chàng hơi ngần ngại, tôi vội vàng nói,

            “Tôi biết Minh mới nhận việc chưa có lương nên sẽ bao ăn sáng cho đến tháng sau, khi bạn lãnh lương tháng đầu tiên.”

Thế là chúng tôi kết bạn với nhau.  Chơi thân với Minh, tôi cảm phục trí thông minh, tài nhớ dai, và khả năng làm tính rợ nhanh như điện của chàng.  Chàng giống tôi ở điểm không nể sợ ai một khi đã nắm chắc mình đúng, mặc dù tôi có phần ương gàn nhiều hơn.  Đầu năm sau, chàng được giám đốc trường Điện là anh Bá cử làm trưởng phòng Học vụ.  Anh Bá là đàn anh của tôi; anh tốt nghiệp kỹ sư điện, đi Hoa kỳ học cao học và tiến sĩ điện toán, và trở về trường dạy rồi được bổ nhiệm làm giám đốc.  Trong chức vụ mới, Minh tỏ ra có tài tổ chức, khéo léo điều khiển nhân viên, và nhất là hết lòng lo cho sinh viên.  Như mấy năm trước, năm ấy nha Động viên của bộ Quốc phòng gửi thông tư và mẫu đơn hoãn dịch vì lý do học vấn về trường trễ, phòng Học vụ vừa hoàn tất hồ sơ xin hoãn dịch cho sinh viên thì giấy hoãn dịch hiện tại của họ hết hạn.  Họ đến cầu cứu với Minh.  Chàng gọi điện thoại xin gặp thiếu tướng giám đốc nha Động viên, mượn chiếc xe Lambretta của một anh bạn đồng sự, chất hồ sơ hoãn dịch lên giữa ghế và tay lái, chạy lên nha Động viên ở đường Gia Long, và gặp đại tá chánh văn phòng.  Ông ta nói,

            “Giáo sư cứ để hồ sơ lại đó, thiếu tướng sẽ ký, và ngày mai giáo sư đến lấy.”

Minh không chịu và nhất định đợi gặp thiếu tướng giám đốc để xin ký ngay,

            “Thanh niên đi ngoài đường rất dễ bị hỏi giấy tờ hoãn dịch, sinh viên chúng tôi có thể bị bắt vào trại nhập ngũ mà giấy tờ hết hạn không phải lỗi của họ.”

Đứng trước phòng Học vụ chờ Minh mang giấy hoãn dịch về, sinh viên vỗ tay hoan hô thầy Minh chịu chơi.  Minh thường gặp anh Bá tại văn phòng công ty Sài gòn Điện toán trên đường Bùi Chu và trước nhà thờ Huyện Sĩ để đưa giấy tờ của trường cho anh ký.  Đó là công ty cố vấn dịch vụ điện toán tư do anh Bá lập ra và làm chủ, ngoài nhiệm vụ giáo sư và giám đốc trường Điện.  Tại đây, Minh có dịp gặp gỡ Mai Thanh, cô quản lý văn phòng xinh đẹp và dịu dàng, và mối thầm kín nảy nở, tình trong như đã mặt ngoài còn e.

Một hôm nhân sinh nhật Mai Thanh, Minh mang tặng nàng bó hoa hồng với tấm thiệp ghi “One Light Year,” nghĩa đen là một quang niên là đơn vị trong ngành thiên văn chỉ khoảng cách mà ánh sáng di chuyển trong một năm.  Chàng không biết trước đây Mai Thanh là bạn học cùng lớp ở Gia Long với Quỳnh Châu vợ tôi, đôi bạn gái này hay gặp nhau rỉ rả tâm sự lòng thòng, và dĩ nhiên hai cô giao cho tôi nhiệm vụ giải mã,

            “Này nhé, ‘One’ trong tiếng Anh là số một, viết theo số La Mã là I, tức là chữ ‘I’ nghĩa là ‘tôi.’  Còn ‘Light Year’ thì dễ quá, chỉ cần viết tắt thành ‘L.Y.’  Mật mã bí hiểm dàng trời của ông bạn anh là lời tỏ tình:  I Love You!”

Minh và Mai Thanh hẹn hò và đưa nhau đi xi-nê, chàng mời nàng tham dự các buổi sinh hoạt sinh viên ở trường, bọn học trò tinh ý gọi nịnh nàng bằng “cô” nghe ngọt xớt, và nàng e thẹn một cách thích thú.  Sau một thời gian, bỗng hai người hết gần gũi nhau.  Minh tâm sự chàng tự ý rút lui sau khi khám phá ra nàng đạo Công giáo mà mẹ Minh là người sùng đạo Phật, chàng không muốn làm mẹ buồn lòng.  Nhưng chàng không biết gia đình nàng còn chống đối mối tình của hai người dữ dội hơn.  Gần Tết Ất Mão (1975), Minh tình cờ gặp nàng ở chợ hoa đường Nguyễn Huệ, nàng rụt rè đi bên người chồng trung úy phi công hào hoa, và Minh tay trong tay cô vợ mới cưới đi xem hoa.

* * *

Sau ngày 30 tháng Tư, miền Nam đổi chủ, và cán bộ Việt Cộng trong rừng ra tiếp nhận trường Đại học Kỹ thuật (“ĐHKT”) thuộc viện Đại học Bách khoa Thủ Đức mà trường Điện là một phần.  Họ bắt giáo chức và nhân viên ĐHKT tập trung ở rạp Thống nhất trên đường Thống nhất trong 30 ngày để học tập chính trị.  Trên sân khấu, anh cán bộ i tờ rít ba hoa chích chòe ca bài “Nhân dân ta anh hùng đánh Mỹ cút Ngụy nhào,” “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng,” “Tư tưởng Hồ Chí Minh đỉnh cao trí tuệ,” v.v.  Bên dưới, các nhà khoa học và kỹ thuật của phe thua cuộc biết phận ngồi im thin thít.  Dân chúng lúc này chí khổ vì bị bắt đổi tiền và đi học tập,

Năm đồng đổi lấy một xu

Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy.

Nhưng khi cán bộ khoe khoang “đảng và nhân dân ta nhân đạo và khoan hồng,” Minh giơ tay,

            “Nếu vậy, xin hỏi tại sao Tết Mậu Thân 1968, các ông chôn sống mười ngàn người ở Huế?”

Tên cán bộ tái mặt, không dè có tên giáo sư “Ngụy” dám cả gan nêu lên câu hỏi phạm húy, và gượng gạo,

            “Điều này quá phạm trù của tôi.  Tôi sẽ xin ý kiến ‘trên’ và trả lời cho anh sau.”

Câu trả lời không bao giờ tới.  Trong thời gian này, báo và “đài” đảng ngợi ca rùm trời lời tuyên bố xanh rờn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, người có quyền hành cao nhất nước, “Trong mười năm tới, mỗi gia đình sẽ có một chiếc ô-tô.”  Được lệnh khai triển câu nói này, nhưng biết tỏng đồng chí lãnh đạo đã khoác lác tận mạng, cán bộ bèn xuống cấp ô-tô thành tủ lạnh và phịa ra con số cụ thể thật lớn, lớn ngoài sức tưởng tượng của anh ta,

            “Mười năm nữa, mỗi gia đình sẽ có một chiếc tủ lạnh.  Đảng đã lập ra nhà máy có khả năng mỗi năm sản xuất 100 ngàn chiếc tủ lạnh để phân phát cho nhân dân.”

Minh giơ tay xin phát biểu,

            “Dân số nước ta cả hai miền Nam Bắc hiện có chừng 60 triệu dân, lấy trung bình mỗi gia đình năm người thì cả nước có 12 triệu gia đình.  Nếu mỗi năm phân phát 100 ngàn chiếc tủ lạnh thì phải mất đến 120 năm, không kể dân số mỗi ngày một tăng.  Tủ lạnh chỉ dùng tối đa khoảng 10 năm là hư.  Trong thời gian 120 năm đó, những tủ lạnh phân phát trước đã tiêu đời từ đời nảo đời nào, xin hỏi làm sao đảng đạt chỉ tiêu kế hoạch?”

Một lần nữa, cán bộ hứa sẽ xin ý kiến “trên,” và câu trả lời không bao giờ tới.  Ngày cuối của khóa học, một chuyên viên dầu khí đưa ra viễn ảnh anh ta tin chắc sẽ làm bọn giáo sư “Ngụy” lé mắt,

            “Dưới biển Đông nước ta có dầu lửa nhiều vô tận.  Để so sánh, dầu của ta là con voi thì tổng số dầu của các tất cả nước Ả Rập trên thế giới chỉ là con tem.  Con tem dán trên đít con voi!”

Không ai vui mừng vỗ tay hoan hô, nhưng Minh – lại Minh – giơ tay,

            “Xin hỏi dữ kiện vừa nói lấy từ nghiên cứu khoa học nào.  Cán bộ cho biết đã được đào tạo ở đâu, tới học vị nào, và từng nghiên cứu dầu khí ở đâu.”

Cán bộ tiết lộ dữ kiện trọng yếu đó do “trên” đưa xuống và khi bị hỏi gặng, thú thực thời thanh niên học hết cấp 1 (tiểu học) thì đi bộ đội và nhờ công trạng chiến đấu, được đi học bổ túc (không phải học chính quy là đến trường học đàng hoàng) đến cấp 3 (trung học đệ nhị cấp) mà ở miền Bắc chỉ có đến lớp 10.  Trong thời kỳ chống Mỹ, anh là sĩ quan trong đoàn chở xăng tiếp tế từ Bắc vào Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Phòng Học vụ của Minh được thay thế bằng phòng Tổ chức gồm cán bộ ngoài Bắc vào.  Trưởng phòng là chị Dung, người cầm cân nảy mực và quyết định mọi hoạt động trong trường.  Chị và chị phó phòng ở cùng tổ nhận thực phẩm và nhu yếu phẩm gồm sáu người với Minh và ba nhân viên người miền Nam khác.  Chính quyền mới thực hiện chế độ bao cấp, độc quyền mua bán và phân phối mọi thứ hàng hóa, cấm tư nhân trao đổi mua bán, và do đó gây ra cảnh lầm than chưa từng có ở miền Nam.  Hàng hóa vô cùng khan hiếm và thỉnh thoảng được đặc biệt phân phối đến cơ quan làm việc.  Một hôm, tổ được phân phối khẩu phần cá hàng tháng là một con cá dài chừng hai tấc.  Mọi người nhìn nhau phân vân, không biết làm sao chia.  Minh đề nghị cắt con cá thành sáu khúc rồi bốc thăm chọn, nhưng chị Dung phản đối,

            “Xã hội chủ nghĩa không bốc thăm mà làm việc trên căn bản tự nguyện.”

            “Vậy thì tốt quá, xin chị Dung và chị phó phòng tự nguyện lấy khúc đầu xương xẩu và khúc đuôi ít thịt giùm.”

            “Tôi không tự nguyện,” cả hai chị lắc đầu quầy quậy; gia đình họ cũng đói dài người như mọi người.

Đành theo cách phản xã hội chủ nghĩa của Minh.  Rồi đến ngày phân phối vải may mặc.  Tiêu chuẩn là mỗi năm mỗi gia đình được hai thước vải phẩm chất rất xấu,

Mỗi năm hai thước vải thô,

Lấy gì che kín cụ Hồ em ơi?

Tổ sáu người nhưng chỉ có 11 thước rưỡi vải về tới vì cán bộ trung gian đâu đó ăn chận và xén bớt.  Nếu chia ra, một phần vải hầu như không thể may thành thứ gì ra hồn.  Mọi người đưa mắt nhìn Minh, chàng đưa ra cách giải quyết,

            “Đem ra chợ trời bán lấy tiền chia đều nhau.  Khỏi thắc mắc!”

            “Không được, đó là đường lối phản cách mạng của bọn đế quốc tư bản,” chị Dung quắc mắt lắc đầu.

            “Hoặc là chị tự nguyện nhường lại cho tụi tôi, hoặc là chị cắt phần mang về nhà.  Còn lại, tụi tôi bán lấy tiền chia nhau,” Minh không chịu thua.

Rốt cuộc, đế quốc tư bản thắng.  Những cuộc đụng độ như thế xảy ra hàng tháng.  Cho đến hơn ba năm sau, bí thư trường Đoàn là chóp bu của cơ quan trước đây là ĐHKT và chị Dung được tin Minh nộp đơn xin xuất ngoại đi Gia Nã Đại đoàn tụ gia đình.  Họ gọi Minh lên và ra lệnh cho chàng “làm đơn xin nghỉ việc.”  Lần đầu tiên, chàng ngoan ngoãn tuân theo và khi thôi việc, được trả trọn hai tháng lương.

Năm 1990, tôi gặp lại Minh ở Toronto, Gia Nã Đại.  Chàng kể chuyện thời bao cấp khốn khó và cười khà,

Có áo mà chẳng có quần

Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ?

Có đói mà chẳng có no

Lấy gì độc lập, tự do hỡi người?

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                Ngày 20 tháng Bảy, 2022

                                                     ***

Dang Tay Nối Lại Biển Xa

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Từ giã ngôi trường Cao đẳng Điện học thân yêu chiều 28 tháng Tư năm 1975, tôi mang theo nét mặt buồn bã tuyệt vọng của bạn đồng sự trong buổi họp giờ thứ 25 của hội đồng giáo sư chấm đậu, cho lên lớp, và cấp bằng cho sinh viên.  Trong số bạn đó, ba người – Thành, Kim, và Đăng – học cùng khóa kỹ sư với tôi.  Bốn thằng đã từng chia xẻ vui buồn của thời sinh viên sôi nổi rồi cùng tụ về trường góp phần truyền thụ kiến thức cho sinh viên đàn em.  Chúng tôi là giảng nghiệm viên, cấp giáo sư thấp nhất, nhưng lòng nhiệt thành, nỗ lực học hỏi, và khả năng dịch đúng đắn danh từ kỹ thuật Pháp và Anh ngữ sang Việt ngữ để giảng dạy đã đặt chúng tôi vào hàng nhân viên giảng huấn nòng cốt của trường.

Trong buổi họp, mặt đỏ gay, Thành dạy ban Viễn thông nói cười ngả nghiêng và than buồn ngủ.  Chắc hẳn chàng đã uống cả chai bia “33” trong bữa tiệc trưa khóc cuộc ly tán gần kề.  Thời đi học, đến năm đệ tứ niên mà Thành còn nguyên xi, chưa nếm qua mùi tình ái, và anh em rủ rê thế nào đi nữa, vẫn một mực lắc đầu.  Chàng cao lớn bô trai, học khá, giỏi nghề nhiếp ảnh, và giỏi nhu đạo – lên tới đai đen.  Hiền lành như con gái, chàng nói chuyện với bạn không bao giờ mày tao mà xưng hô bằng tên:  Thành thế này, Thành thế nọ, hay Ba Hoa làm giùm Thành cái kia.  Mấy thằng xấu mồm cho rằng chàng chỉ thích con trai và khi nói tên thường thòng thêm tiếng “PD.”  Pê-đê do tiếng Pháp “pedéraste” là kẻ kê gian, tức là người tình dục đồng giới phái nam làm tình theo kiểu gà trống đạp mái.  Thằng Hữu, cây nói tục của lớp, bèn sáng tác mẩu chuyện khôi hài,

Khi đi chơi với thằng Thành, nếu lỡ làm rơi cái ví thì chịu khó vừa đi vừa đá về nhà và đóng cửa rồi mới nhặt lên.  Vì khom người cúi xuống nhặt thì đặt mình vào tư thế con gà mái, rất nguy hiểm!

Tôi hay gặp Thành bàn chuyện học hành vì chàng còn là bạn đồng môn ở Đại học Khoa học Sài gòn, hai thằng làm luận án tiến sĩ kỹ sư với lãnh vực khảo cứu liên hệ với nhau.  Đầu năm 1975, hai thằng theo Minh trưởng phòng Học vụ đưa sinh viên lớp đệ tứ niên sắp ra trường đi quan sát nhà máy thủy điện Đa Nhim và đập nước Đơn Dương.  Công trình điện lực lớn nhất Việt nam này nằm trên Quốc lộ 11 từ Đà Lạt đi Phan Rang và ngay dưới chân đèo Ngoạn Mục (thường gọi bằng tên tiếng Pháp Bellevue).  Cuộc du khảo hàng năm đó là truyền thống của sinh viên trường Điện mà hồi đó tôi góp phần tổ chức và hình thành đầu tiên.

Trong thời gian ở Đà Lạt, đoàn du khảo được đặc biệt cho tạm trú ở Lycée Yersin, ngôi trường trung học với tòa nhà màu gạch đỏ và tháp chuông hình cây viết đứng sừng sững trên ngọn đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương.  Sau khi đi Đa Nhim, chúng tôi thăm viếng viện Đại học Đà Lạt, lò Nguyên tử Đà Lạt, và ty Điện lực Đà Lạt.  Nhưng biến cố mong đợi nhất là đêm sinh hoạt giao tình với sinh viên Đà Lạt mà phần lớn là dân kẹp tóc từ các cư xá nữ sinh viên viện Đại học Đà Lạt.  Đối với dân húi cua Phú Thọ thuộc hạng mọt sách và cù lần nhất nước, đây là cơ hội ngàn năm một thuở để tiếp xúc với nguồn điện tích khác dấu.  Giữa sân trường, từng cặp nam nữ sinh viên xen kẽ nắm tay nhau bước quanh ánh lửa trại bập bùng để nối vòng tay lớn; tiếng hát thiết tha và hùng tráng vang vang trên đồi cao vắng lặng,

Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mặt đất bao la, anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt nam.

(Trịnh Công Sơn – “Nối Vòng Tay Lớn”)

Trong cảnh hùng vĩ gợi cảm, với tâm hồn xao xuyến vì tình hình chính trị sôi động, con tim nam thanh nữ tú hòa hợp một cách tuyệt diệu, và kết quả là sau này tám cặp sinh viên Điện - Đà Lạt nên duyên vợ chồng.  Đêm hôm đó, trong phòng ngủ trên lầu dãy lớp học hình vòng cung, Thành xúc động kể lể nỗi niềm tâm sự với tôi.  Thuở sinh viên, tôi hay được bạn bè vấn kế mỗi khi gặp trúc trắc về chuyện tình ái lăng nhăng.  Cái nghệ thuật làm Bà Hạnh Thuần của tôi là chịu khó lắng nghe, hỏi cặn kẽ những điểm khúc mắt, và theo phương pháp gậy ông đập lưng ông, dùng ý muốn thầm kín của chính đương sự mà chỉ nẻo.  Bà Hạnh Thuần là người phụ trách mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” của tuần báo Văn nghệ Tiền phong, nhưng ai cũng biết hầu hết những “bà” phụ trách các mục giải đáp tâm tình trên báo là đàn ông ký tên phụ nữ.

Người yêu trong mộng của Thành học luật.  Chàng mất hơn hai năm để vượt qua con đường đi vào tình yêu có trăm lần thương có vạn lần buồn:  Ban đầu tìm cách gặp nhau nói chuyện trời trăng mây nước theo lối tình trong như đã, mặt ngoài còn e.  Rồi thì cầm tay cầm tiếc lai rai và thỉnh thoảng thư từ lẩm cẩm theo kiểu Kim Trọng - Thúy Kiều.  Nay cục diện mùi mẫn đã có phần tiến bộ hơn:  lâu lâu chờ dịp vắng người, mắt la mày lét trông trước ngó sau, Thành có thể a-la-xô (tiếng Pháp “à l’assaut” là nhào tới) mi nàng một phát và sướng rên cả người.

Tối hôm trước ngày theo đoàn du khảo đi Đà Lạt, Thành đến nhà nàng từ giã.  Nhân bố mẹ nàng đi vắng và các em nàng ngồi cả trên gác học bài, chàng thừa cơ ôm nàng mi một quả thật dài, dài bằng con đường từ Sài gòn ra cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, Thành tự nhủ.  Hai kẻ tay mơ trong chuyện tình tự lính quýnh mất thăng bằng ngã xuống chiếc ghế xa-lông dài.  Mối thắc mắc nặng trĩu trong lòng Thành là,

            Ba Hoa à, lúc ấy thân hình Thành đè lên người em.  Thành chưa kịp đứng dậy thì bỗng nhiên cảm thấy bàn tay em nắn nắn cái ấy của Thành.”

            “Thật vậy không?  Hay Thành bị ẩn ức sinh lý rồi tưởng tượng ra?” tôi hỏi lại, không cười.

            “Không thể nhầm lẫn vì em làm lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba.  Thành sợ quá nhổm dậy chạy nhanh ra cửa.  Ba Hoa nghĩ trong trường hợp như thế thì Thành phải làm sao?”

            “Đúng là Thành . . . Nguyên Xi!  Cô ấy sờ chim Thành thì Thành cứ việc sờ lại chim cô ấy, có đi có lại mới toại lòng nhau.  Có vậy mà cũng lo lắng cho khổ đời trai trẻ!” tôi rán nín cười.

* * *

Tháng Sáu năm 1975, Kim và Đăng là sĩ quan biệt phái phải đi “học tập cải tạo” trong trại Trảng Lớn ở Tây Ninh trước là căn cứ của Sư đoàn 25 bộ binh.  Thời Việt nam Cộng hòa, giáo chức đại học được động viên tại chỗ, nghĩa là nhập ngũ vào trường Bộ binh Thủ Đức huấn luyện quân sự và khi ra trường với cấp bậc chuẩn úy, được biệt phái về trường giảng dạy.  Chuẩn úy biệt phái về dạy học nhưng vẫn được bộ Quốc phòng lưu tâm, 18 tháng sau tự động cho lên thiếu úy.  Đối với nhà cầm quyền mới, chuẩn úy chưa phải là sĩ quan nên không phải đi tù cải tạo mút mùa, nhưng thiếu úy bị mắc míu, và Kim và Đăng đi tù sơ sơ có ba năm.

Trường Điện biến thành “khoa Điện,” mọi hoạt động đều do phòng Tổ chức gồm cán bộ từ ngoài Bắc vào điều khiển.  Trưởng phòng là một chị cán bộ tên Dung, và phó phòng là một chị trẻ hơn, khi nói chuyện không phân biệt được âm en-lờ (“l”) và en-nờ (“n”) – chị lói nhiều mà nàm không bao nhiêu.  Chị Dung lớn hơn Thành chừng vài ba tuổi, chưa có gia đình, và luôn luôn phô trương cái bằng Phó Tiến sĩ tốt nghiệp ở Nga sô của chị cho thiên hạ biết.  Chị đặc biệt ưu ái Thành, anh chàng độc thân dễ tính, thích hòa đồng với người chung quanh, và không thèm bon chen kèn cựa về mấy thứ vật chất vặt vãnh, dù thời bao cấp ai cũng đói mờ người.

Ở miền Bắc, chương trình trung học chỉ đến lớp 10 là hết.  Hệ thống giáo dục hoàn toàn đặt trên căn bản “hồng hơn chuyên,” và học sinh và sinh viên phải học tập chính trị và tham gia công tác lao động nhiều hơn học văn hóa.  “Hồng” chỉ trình độ giác ngộ cao về chủ nghĩa Cộng sản, và “chuyên” chỉ trình độ chuyên môn cao.  Vì vậy, kiến thức chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp đại học miền Bắc còn kém hơn học sinh đậu Tú tài II miền Nam.  Một ít sinh viên được chọn gửi ra nước ngoài học cao học, nhưng nước Cộng sản nào cũng thế, “hồng hơn chuyên,” nên nghiên cứu sinh Việt Cộng học hành vô cùng lam nham, giỏi buôn lậu hàng hóa ngoại quốc hơn là học hành.  Nếu so số năm học đòi hỏi, phó tiến sĩ tương đương với cử nhân miền Nam, nhưng so kiến thức chuyên môn, các ông bà phó tiến sĩ khó lòng sánh bằng sinh viên đệ tam niên thời “Ngụy” của Thành.

Ngoài số giáo sư “Ngụy” đi tù cải tạo, những người còn lại tìm cách vượt biên khi có cơ hội – nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng ra đi.  Một số cán bộ giảng dạy được gửi từ Hà nội vào để tăng cường cho ban giảng huấn, nhưng hầu hết chỉ có khả năng vào lớp nhai đi nhai lại các bài học chính trị theo lệnh của “trên.”  Do đó, Thành bị cắt đặt dạy thêm môn Giải tích Mạch Điện, giảng khóa tôi từng phụ trách.  Tôi viết một bộ sách về ngành này và cho ấn hành vào đầu năm 1975.  Nhưng rồi gần một ngàn tập sách Giải Tích Mạch Điện còn thơm mùi mực xếp thành chồng ngay ngắn trong văn phòng tôi bị những thanh niên mang băng đỏ trên cánh tay hăm hở mang ra giữa sân trường, dồn thành đống vun cao, và châm lửa đốt.  Để tiêu hủy “tàn tích đồi trụy của Mỹ Ngụy”!

Thiếu sách vở tham khảo, Thành phải dùng ghi chép từ thời sinh viên học môn này và dạy theo trí nhớ.  Khoảng một năm sau, một ông anh họ làm giáo sư ở Đại học Tổng hợp Hà nội vào Sài gòn thăm gia đình Thành.  Chàng thật thà than thở về tình trạng đói tài liệu giảng dạy, ông anh rất thông cảm và khi về Hà nội gửi tặng cuốn sách Mạch Điện tân tiến nhất của miền Bắc:  Cuốn sách dịch từ nguyên tác tiếng Nga phát hành năm 1946, tức là một năm trước khi Thành ra đời.  Bộ sách Giải tích Mạch Điện của tôi đã được viết dựa trên tài liệu khảo cứu và sách giáo khoa ấn hành ở Hoa kỳ và Pháp đầu thập niên 1970.

Thành làm như vô tư không biết đến những mời mọc, quyến rủ, và hứa hẹn của chị Dung.  Cho đến bảy năm sau, chàng và gia đình nộp đơn xin đi Gia Nã Đại đoàn tụ gia đình.  Chàng bị gọi lên và ra lệnh “làm đơn xin nghỉ việc.”

* * *

Năm 1989, tôi và Quỳnh Châu sang thăm Toronto, Gia Nã Đại và gặp lại Thành; người bạn cũ vẫn còn độc thân.  Ngẫu nhiên, Quỳnh Châu gặp lại cô bạn học cũ ở trường Gia Long là Lãm Thúy.  Nàng sang Gia Nã Đại du học, tốt nghiệp chưa kịp về nước thì miền Nam thất thủ, và vẫn độc thân.  Chúng tôi giới thiệu hai kẻ sồn sồn đơn chiếc với nhau, đi chơi chung, và ăn Halloween với họ trong buổi tối cuối cùng ở Toronto.

Halloween, ngày 31 cuối cùng của tháng Mười, là tết nhi đồng của Bắc Mỹ.  Trẻ em hóa trang đi từng nhà xin kẹo với câu nói “Trick or treat!” ý nói hãy cho tôi kẹo, nếu không tôi sẽ nghịch phá.  Người lớn cũng thừa dịp tổ chức dạ hội hóa trang vui chơi hay hóa trang đi nhông nhông ngoài đường cho thiên hạ chiêm ngưỡng.  Chúng tôi không hóa trang nhưng đi xem người, khách bộ hành đi tấp nập trên đường Yonge (đọc giống như “young”) là phố chính của Toronto.  Kiểu hóa trang thịnh hành của đêm Halloween ấy là mặt nạ và y phục đen bóng in hình con dơi của batman, vì phim Batman vừa trình chiếu ngoài rạp đầu mùa hè.  Khúc đường phố khoảng hai cây số lúc nhúc cả trăm “thằng bất mãn” (“bat man” bỏ dấu đọc theo tiếng Việt)!

Mặc dù xem ra trong lòng đã ưng chịu, Thành và Lãm Thúy còn giữ kẽ, đi cạnh nhau mà vẫn giữ một khoảng cách vững dạ.  Tôi ra hiệu cho Quỳnh Châu, hai đứa bước lại kéo hai bàn tay của Lãm Thúy và Thành đặt vào nhau.  Tôi cười khà khà,

            “Phải đan vào nhau, tay trong tay như thế mới chia đúng véc-bờ.  Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đến cổng nhà trời thì lại mi nhau.”  “Véc-bờ” (tiếng Pháp “verbe”) là động từ.

Trong bầu không khí nhộn nhịp vui tươi của đêm Halloween, bất giác bốn người chúng tôi hừng chí nối tay nhau, vừa đi vừa nhảy cẫng trên đường phố, và cất tiếng hát to,

Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà . . .

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                Ngày 3 tháng Tám, 2022

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan