Trúc Giang: Nghệ sĩ Kim Cương là Việt Cộng nằm vùng?

 Nghệ sĩ Kim Cương là Việt Cộng nằm vùng

Trúc Giang MN thân tặng thầy Trịnh Huy Trường, Giáo sư Trung học Võ Khoa Thủ Đức

 Trúc Giang MN

1*. Mở bài

Trước kia dư luận đồn đoán, nào là Kim Cương là thượng tá công an Việt Cộng, nào là Kim Cương là Việt Cộng Nằm Vùng, nhưng không có nhân chứng trung thực, khách quan.

Một nhân chứng là nghệ sĩ thân cận của Kim Cương, thuật lại những chi tiết, trong việc trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Tuấn Khanh, xác nhận những đồn đoán trước kia là chính xác. Nhân chứng trung thực đó là nghệ sĩ Kim Tuyến.

Kim Cương là Việt Cộng nằm vùng, đã giúp cho cộng sản cướp đoạt miền Nam, áp bức bóc lột người dân, đưa đất nước đến chỗ sắp bị diệt vong, mà sao lại dám nói là mình yêu nước?” (Nghệ sĩ Kim Tuyến)

Nói đến Kim Cương thì không thể quên được nhà thơ đặc biệt, đó là Bùi Giáng, với 40 năm cuộc tình điên dại.

2*. Kim Cương đúng là Việt Cộng Nằm Vùng

2.1.      Nghệ sĩ Kim Tuyến trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Tuấn Khanh

        



                    Kim Tuyến                                      Kim Cương

“Kim Cương là Việt Cộng nằm vùng đã giúp cho cộng sản cướp đoạt miền Nam, áp bức bóc lột người dân, đưa đất nước đến chỗ sắp bị diệt vong, mà sao lại dám nói là mình yêu nước ?”.(Nghệ sĩ Kim Tuyến)

Trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Tuấn Khanh, nghệ sĩ Kim Tuyến tường thuật như sau: “Sau ngày 30-4-1975, đài phát thanh kêu gọi quân, cán chính phải đến trình diện tại nhiệm sở của mình. Tôi đến trình diện tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.

Sau đó, đến họp tại Hội Nghệ Sĩ. Rất đông các cô chú và anh chị nghệ sĩ tân cổ, tụ tập bên hông trụ sở và phía sân sau. Khi thấy tôi và nghệ sĩ Tùng Lâm ngồi trò chuyện, chị Kim Cương ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi nói “Chị ơi em buồn quá”. Chị Kim Cương kéo đầu tôi ngã vào vai chị, một tay vuốt tóc vỗ về:

“Đừng buồn em, chị em mình rồi sẽ được giải phóng ra khỏi bốn bức tường”. Tôi sững sờ nhìn chú Tùng Lâm.

Chị Kim Cương nói lớn “Mọi người vào trong, đến giờ họp rồi. Chị nắm tay tôi, kéo tôi theo chị vào phòng họp. Chị ngồi vào đầu bàn chủ tọa. Chị dõng dạc tuyên bố: “Ngày xưa bọn Thiệu Kỳ bán nước còn hiện diện trên quê hương ta, tôi phải núp dưới danh nghĩa Làng Cô Nhi Long Thành. Hôm nay chúng ta đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Tôi ra lệnh cho anh Nguyễn Đức (nhạc sĩ) lập những tiểu tổ để chúng ta thành lập Biệt Đội Văn Nghệ …”. Chú Tùng Lâm nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi: “Tuyến, khóc nữa đi con, mầy khóc nữa đi con”...

Tôi thất vọng não nề. Trong khi chị Kim Cương thao thao bất tuyệt, tôi không còn nghe hay không muốn nghe gì nữa cả. Trời ơi, thần tượng sụp đổ! Kim Cương là Việt Cộng nằm vùng, đã giúp cho cộng sản cướp đoạt miền Nam, áp bức bóc lột người dân, đưa đất nước đến chỗ sắp bị diệt vong, mà sao lại dám nói là mình yêu nước ?.

Nói thêm về Làng Cô Nhi Long Thành.

Trong hồi ký của KALE (Lê Anh Kiệt) có tựa đề “17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo”, một chức sắc của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH, thuật lại như sau: “Từ 1968 đến 1971, một tên Việt Cộng tên là Tư Sự, núp dưới lốt áo tăng lữ Phật Giáo, đã sáng lập và điều hành cái gọi là “Làng Cô Nhi”.  Hắn ta dùng cô nhi để quyên tiền cho VC, nhất là tiền của các tổ chức từ thiện nước ngoài.  Hắn cùng đồng bọn chứa vũ khí để chống lại bất cứ ai có ý định xâm nhập vào làng. Trong giai đoạn này, chính quyền Nam Việt Nam đã rất khó khăn để giải quyết tình hình. Nếu tấn công vào “Làng” thì có nghĩa là chính quyền đã tấn công trẻ con.  Nếu không thì càng lúc càng nguy hiểm cho chính quyền.

Có một lần tôi đã đến Làng Cô Nhi dưới danh nghĩa là phóng viên của nhật báo “The Saigon Post”. Trẻ con đầu trọc, chân đất, phải làm việc trên cánh đồng dưới nắng nóng của mặt trời, và chúng chỉ được ăn chay vào mỗi bữa ăn trưa theo như quy định của tăng lữ Phật Giáo”. (Hết trích)

Kim Cương về Làng Cô Nhi Long Thành tức là về cái ổ Việt Cộng để được đồng chí Tư Sự bảo vệ. Điều nầy cũng chứng tỏ Kim Cương là “Việt Cộng Nằm Vùng”.

Dư luận cho rằng Kim Cương đã được Việt Cộng móc nối trong những lần lưu diễn với GS Trần Văn Khê ở Pháp và hải ngoại. Chính Nguyễn Thị Bình đã móc nối Kim Cương trong khi bà Bình dự Hội đàm Paris thời gian 1968-1973.

2.2.      Những chi tiết xác định Kim Cương tích cực phục vụ Việt Cộng.

1). Kim Cương được ban thưởng danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân.

Muốn đạt được danh hiệu nầy phải có danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú.

Thành tích và điều kiện.

a.    Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước

b.   Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc.

c.   Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên.

Nghệ Sĩ Nhân Dân là danh hiệu cao nhất do Nhà nước trao tặng.

2). Kim Cương được đưa vào làm ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc

Kim Cương được cho vào làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) khóa VII. Ủy viên Văn hóa Xã hội của MTTQ nhiệm kỳ 2009-2014.

3). Vài nét về tiểu sử Kim Cương


           
              Nghệ sĩ Kim Cương                  Nghệ sĩ Bảy Nam

Tên thật: Nguyễn Thị Kim Cương
Sinh ngày: 25 tháng 1 năm 1937

Tên cha: Nguyễn Phước Cương (bầu gánh Đại Phước Cương)

Tên mẹ: Nguyễn Thị Nam (Nghệ sĩ Bảy Nam)

Tôn giáo: Phật giáo, Pháp danh: Từ Huệ

Kim Cương thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, là cháu nội của vua Thành Thái.

Năm 1923, Vua Minh Mạng làm bài thơ 20 chữ gọi là Đế Hệ Thi, dùng để làm những chữ lót khi đặt tên cho con cháu các thế hệ sau.

 “Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh”.

 Gia Long: Nguyễn Phúc Ánh. Minh Mạng: Nguyễn Phúc Đảm. Thiệu Trị: Nguyễn Phúc Miên Tông, Tự Đức: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, Bảo Đại: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, Vua Hàm Nghi: Nguyễn Phúc Ưng Lịch, Vua Khải Định: Nguyễn Phước (Phúc) Bửu Đảo. Thành Thái: Nguyễn Phúc Bửu Lân.

 3*. Mối tình 40 năm của thi sĩ điên khùng Bùi Giáng đối với nghệ sĩ Kim Cương


3.1.     

Thi sĩ Bùi Giáng

1). Tiểu sử

Trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử của nhà văn, nhà báo Vương Trùng Dương, xuất bản năm 2015, “Tiểu sử tự ghi của Bùi Giáng” như sau:

-        Năm 1926. Được bà mẹ đẻ ra đời.

-        Năm 1928. Bị té bể trán. Vết thẹo còn nguyên.

-        1933. Bắt đầu đi học ABC.

-        Năm 1940. Về Quảng Nam chăn bò.

-        Năm 1955. Ở Sài Gòn. Khởi sự viết về Nguyễn Du. Vài nhận xét về Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, Chinh Phụ Ngâm…

-        Từ năm 1962. Những tập thơ Mưa Nguồn và nhiều bài thơ khác.

-        Năm 1965. Cháy nhà. Mất trụi bản thảo.

-        Năm 1969. Dịch Martin Heidegger và nhiều tác phẩm ngoại quốc khác.

-        Năm 1969. Bắt đầu điên rực rỡ.

-        Từ năm 1970. Lang thang du hành Lục Tỉnh. Gái Châu Đốc. Gái Chợ Lớn khiến bị bịnh lậu….

 2). Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên Biên Hòa?

Một người thân cận với Bùi Giáng là ông Nguyễn Thanh Hoài, còn giữ những cuộn băng cassette thu lời của Bùi Giáng, trong đó có việc ông bị đẩy vào nhà thương điên Biên Hòa.

Câu chuyện như sau. Những bản thảo công trình biên soạn suốt ba năm về Chuyện Kiều và những vấn đề khác, bị cháy rụi trong cuộc hỏa hoạn tại nhà ông ở đường Phan Thanh Giản. Ông nói: “Tao tiếc quá, buồn quá nên bỏ hết, rong chơi khắp lục tỉnh. Sông nước, kinh rạch chỗ nào có dịp thì tao đến.

Khi trở về, tòa Đại sứ Pháp và Tòa đại sứ Đức ở Sài Gòn mời tao đến để hỏi thăm. Họ nói nếu tao cần sách thì họ sẽ mang đến tặng, không đòi một đồng nào cả. Nhưng nhà cháy rồi, lấy sách về không có chỗ để nên tao cám ơn và từ chối. Thế nhưng hai tòa đại sứ đó đã gởi đến cho tao mấy thùng sách quý của những tác giả nổi tiếng của họ trên khắp thế giới.

Vì không có chỗ để nên tao đến gặp ông chủ nhà xuất bản VT (tạm giấu tên) để tặng lại cho ông, nhưng ông ta không nhận, và nói nếu anh không có chỗ để thì tôi chỉ giữ giùm, khi nào anh cần thì tôi giao lại cho anh.

Không lâu sau đó, tao kẹt quá, không có tiền ăn cơm bình dân và uống la de con cọp chai lớn, nên tao đến gặp ông chủ nhà xuất bản xin nhận lại sách đã gởi.

Ông chủ không giữ lời hứa, nhất định không trả. Tao nổi điên, chửi cho một trận rồi ra về. Bước ra ngoài đường, tao thấy chiếc xe hơi kiểu Nhật sang trọng của ông chủ. Tức quá, tao lượm một cục đá xanh ném thẳng vào chiếc xe, ai dè nó bể kiếng, chiếc xe bạc triệu đồng.

Ông điện thoại cho thằng em ruột của tao làm sĩ quan quân đội của ông Thiệu để mắng vốn và đến chở tao về.

Thằng em ruột của tao với đứa con gái út của nó cho rằng tao điên. Ngày hôm sau, nó nói chở tao đi Vũng Tàu nghỉ ngơi vài ngày. Nào ngờ, nó chở tao vào nhà thương điên Biên Hòa để gởi tao. Có nói gì thì mấy thằng cai ngục cũng không tin”.

Nguồn gốc điên của Bùi Giáng chính thức xuất xứ từ đó. Từ nhà thương điên Biên Hòa mà ra.

Ông viết:

“Gặp người tôi tưởng người điên

Gặp tôi, tôi tưởng tôi điên như người”

3). Sự nghiệp văn chương của thi sĩ Bùi Giáng

             Bùi Giáng mang chiếc giày của Kim Cương

Bùi Giáng đã để lại cho nền văn học 581 bài thơ và 4 bài dịch.

a.    Những tác phẩm phục vụ cho học sinh trung học.

Thời giang đầu khi mới vào Sài Gòn, từ năm 1957 đến 1959, Bùi Giáng viết những bài phục vụ cho học sinh trung học gồm những tác phẩm văn học như Chuyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm và Lục Vân Tiên.

b.   Bùi Giáng-Nhà thơ tài năng kỳ dị

Trong cuộc tọa đàm kỷ niệm 15 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng (1998-2013) ngày 14/9, các giáo sư và học giả trình bày những khía cạnh khác nhau của thi sĩ, nhưng tất cả đều đồng ý, Bùi Giáng là một nhà thơ tài năng kỳ lạ, một nhà nghiên cứu triết học sâu sắc, một nhà phê bình văn học uyên thâm, một dịch giả tài hoa.

Thi sĩ Bùi Giáng đã để lại cho văn học nước nhà gần 60 tác phẩm thuộc 4 lãnh vực như thi ca, bình giảng văn chương, nghiên cứu triết học và dịch thuật.

Những tác phẩm như: Mưa Nguồn (1962), Trăng Châu Thổ (1969), Ngày Tháng Ngao Du (1971)…Hầu hết những tác phẩm của ông được tái bản nhiều lần.

c.    Bùi Giáng viết sách với tốc độ kinh hồn.

Người ta thấy ông suốt ngày rong chơi nhàn nhã, bia rượu uống say liên miên, thế nhưng khi nhà xuất bản cần thì chỉ vài ngày sau, ông đã mang đến cả năm bảy chục trang sách.

3.2. Mối tình 40 năm điên khùng của Bùi Giáng đối với Kim Cương.

  1). Đạp xe cầu hôn người đẹp

 Trong hồi ký, Kim Cương thuật lại.

 Tôi gặp ông lần đầu lúc 19 tuổi, thời còn theo đoàn cải lương của má. Thật ra, ông chú ý đến tôi trong đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy.

Một hôm Thùy bảo tôi: “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”. Tôi trả lời: “Ừ, thì mời ổng tới”.

Hóa ra là ông, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có bất cần đời như sau này. Ông thường lui tới nhà tôi chơi, vài lần mời tôi đi uống cà phê nhưng nhất định phải đi bằng xe đạp do ông chở, chứ không chịu đi bằng bất cứ phương tiện nào khác.

Một hôm ông trịnh trọng cầu hôn tôi. Tôi thấy thái độ của ông không được bình thường nên tôi đều né tránh.

 Vài lần sau, ông thở dài nói với tôi: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”.

 Tôi ngần ngừ: “Thưa ông, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng hay...”.

Tưởng ông nói chơi, ai dè làm thiệt. Ông đùng đùng dắt ngay đứa cháu tới, mà đứa cháu đó chỉ... mới 8 tuổi.

Thời gian qua, thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm tôi. Mặc kệ tôi đang yêu ai, đang thất tình ra sao, thậm chí đang sống chồng vợ với người nào, ông đều không quan tâm.

 2). Hồn nhiên và vô điều kiện

 Trong những lúc ông điên nhất, quên nhất, không còn lưu lại một chút gì trong trí nhớ, kể cả thơ ca và kiến thức, nhưng tên tôi vẫn được ông gìn giữ. Tên tôi được ông gọi đi gọi lại bất cứ khi vui khi buồn, bất cứ khi hạnh phúc, khi đau đớn.

Chưa một lần nào ông sàm sỡ bằng hành động hay lời nói. Xưng hô vẫn cứ tôi và cô một cách nghiêm túc và chững chạc. Một tình cảm xuất phát thật hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện.

Trong đầu ông hình như chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất - đó là địa chỉ và số điện thoại nhà của tôi.

Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay làm “chim bay, cò bay” la hét làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Mẫu thân của tôi là Kim Cương, nhà ở số...đường Hoàng Diệu, điện thoại 844...”.

Thế là công an réo gọi tôi để đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông té bị thương, người ta chở vô bịnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.

Bịnh viện lại réo tôi đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vào quậy cả đám cưới nhà người ta, tôi bị người ta gọi điện đến đưa ông về.

Thậm chí có một buổi, ông xuất hiện trước nhà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh. Tôi hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu nhưng ông không chịu.

Ông nói: “Chừng nào cô chịu đi chung trên một chiếc xích lô với tôi thì tôi mới đi”. Tôi đành phải gọi một chiếc xích lô đi cùng ông, vừa ngồi xe vừa nghe ông nói chuyện trên trời dưới đất không một cảm giác đau đớn nào. Những lúc tỉnh táo, ông nói với tôi: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”.

 3). Như là một định mệnh

 Kim Cương đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Bùi Giáng. Câu chuyện tình đơn phương này có một cái gì đó như định mệnh, như một biểu tượng đẹp, buồn và xót xa. Đối với Bùi Giáng, Kim Cương là "thiên hạ đệ nhất mỹ nhân". Và chàng thi sĩ trung niên đã yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng, cảm động.

 4*. Nghệ sĩ Kim Cương đối với Bùi Giáng

 Kim Cương cho biết: “Tôi rất trân trọng tài năng của ông nhưng phải nói thật, là ông điên rất nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc. Suốt 40 năm ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, nhưng ngược lại tôi đối với ông như một chỗ dựa tinh thần. Bất cứ lúc nào, nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt”.

Tháng 8 năm 1998, Bùi Giáng bị té gây chấn thương sọ não. Ngày 7-10-1998 qua đời tại Sài Gòn.

 Bên linh cửu của Bùi Giáng, Kim Cương thưa rằng: “Tôi xin cám ơn anh ba điều. Một là cám ơn anh đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương độc đáo. Thứ hai là cám ơn anh đã dành cho tôi một tình yêu suốt 40 năm không suy suyển, không so đo tính toán. Thứ ba là cám ơn anh đã cho tôi một bài học rằng dù bất cứ ai, dẫu điên hay tỉnh, giàu hay nghèo đều phải có một tình yêu để nương tựa”.

 Đối với ông, tôi nâng niu trong lòng một ân tình sâu thẳm, rất trang trọng dành riêng cho ông.

5*. Kết luận

 Dưới chế độ độc tài, tham nhũng và 10 năm nghèo đói, ăn bo bo dài dài, khiến cho những người ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản sáng mắt ra. Tự xấu hổ với lương tâm. Có lẽ người nghệ sĩ Việt Cộng nằm vùng nầy cũng thuộc về diện đó, nên đã chuyển hướng, làm công tác từ thiện.

Nói đến Kim Cương thì không thể quên thi sĩ Bùi Giáng. Bùi Giáng là một nhà thơ có tài, nhưng lối sống không bình thường nên người ta gọi là khùng, điên.

Mà khùng thật, vì đã theo đuổi một mối tình đơn phương suốt 40 năm, trường kỳ chinh phục mà đối tượng không đáp ứng, xem như chỉ thương hại mà thôi. Có lẽ trong thành phần văn, thi sĩ chưa có một cuộc tình đặc biệt nào như thế.

 Trúc Giang MN

Minnesota ngày 29-5-2020

Tags: NHÂN VẬT
Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: TẢN MẠN

Đăng nhận xét

Tin liên quan