Vợ tôi
Bảo Huân
Câu chuyện dài mà tôi muốn kể lể là chuyện tôi sợ vợ. Cho
đến giờ phút nầy, tôi vẫn không hiểu, tại tôi nhu nhược (như lời mắng nhiếc của
mấy thằng bạn), hay tại bản chất yêu chuộng hoà bình của tôi, lúc nào cũng muốn
giữ cho cửa nhà êm ấm.
Năm nay tôi bốn mươi sáu tuổi, cầm tinh con heo. Vợ tôi bốn
mươi ba, cầm tinh con cọp. Có lẽ, vì cái vía “ông ba mươi” của vợ tôi, nên
tôi phải sợ. Hơn nữa, tôi lại là người luôn tin rằng, số trời đã định,
nên tôi thường không dám kêu ca. Nhưng không dám kêu ca, không có nghĩa là vui
lòng sống trong cái cảnh bị khủng bố gần như hàng ngày. Tôi vẫn thầm oán trách
trời xanh mỗi khi chứng kiến vợ người ta ngọt ngào với chồng. Thấy mà phát ham,
nghĩ lại thân phận mình sao hẩm hiu quá đỗi.
Thật ra, trước kia, tình cảnh đâu có tệ như vậy. Tôi nhớ,
gia đình tôi đã có một thời rất hạnh phúc, rằng là phu xướng, phụ tuỳ. Nhưng, kể
từ ngày thằng con lớn bắt đầu quậy ở cái tuổi “teenage”, chúng tôi hay cãi
nhau, mà tính tôi hay nhịn, ít hờn giận. Thế là vợ tôi, được đằng chân, lại lân
đằng đầu, lấn từng bước… từng bước thầm. Cho đến hôm nay thì tôi thua trắng
tay!
Mỗi tuần, vợ bỏ vào ví tôi mười đồng. Cuối tuần còn
nguyên, thì bà khen giỏi tằn tiện, nếu xài hết, bà không tiếc lời phê phán:
– Anh ăn cơm nhà phủ phê (ăn thì có no, chứ làm gì mà phủ
phê), có bia, có nước ngọt ê hề trong tủ lạnh (mỗi tháng mua được có một thùng
bia chứ mấy, mà cứ nói như là hàng đống bia chất trong nhà kho). Ði làm thì có
cơm nhà đem theo, xăng thì trả bằng “credit card”, vậy thì làm gì mà hết tiền?
Chị Linh, bạn tôi nói, anh Bốn – chồng của chị – một tuần xài không hết năm đồng
bạc (Trời ơi! ngó xuống mà coi, ông Bốn phải gió nào đó hại người dưng mà)...
Tôi cũng giữ một “credit card”. Dĩ nhiên, tôi được quyền
xài, nhưng mà khi trả “bill”, thì bà kiểm tra thật kỹ từng mục và tôi có bổn phận
phải trả lời, mua cái gì? để làm gì? Có lần, bà mua một món hàng ở đâu đó rồi
quên, khi “bill” về, cứ tra khảo tôi mua cái gì? Tôi không mua thì làm sao biết.
Thế là, tôi bị mang “nỗi oan Thị Kính”. Mãi đến sau này, khi nhớ ra, bà
cười cái khì là xong chuyện, chứ đâu thèm nhớ lúc đay nghiến, chì chiết tôi là
kẻ tiêu hoang, xài phí. Từ đó, tôi quyết định chỉ dùng “credit card” đổ xăng,
chứ không dùng để “cà” bất cứ món gì cho thêm chuyện.
Bà được cái nấu ăn dở không ai bằng. Nhưng liệu hồn, đừng
có lẹ mồm, lẹ miệng, khen bún riêu bà A đúng điệu, hay món tôm hấp tỏi bà
B nhậu bắt lắm. Trước mặt bạn bè, nghe tôi khen, bà cũng khen theo để chứng tỏ
mình là người tế nhị và lịch sự. Nhưng chờ khi có dịp, bà sẽ móc ngoéo “Bún
riêu người ta nấu ngon thì xách gói qua bên đó ăn đi” (có ai cho ăn đâu mà nói
nhảm). Vậy là cả tuần sau tôi chỉ được thưởng thức một món độc nhất vô nhị.
Trưa – gà kho sả. Chiều – sả kho gà! Nếu mai đây có tiệc tùng ở nơi nào, mà bạn
tình cờ thấy một người đàn ông với bộ râu mép cụp đuôi, ngồi làm thinh, rụt rè
mỗi khi nhón đũa gắp thức ăn, là tôi đó. Bây giờ, khôn ngoan hơn, nên tôi không
dại gì mà mở miệng, khen ai nấu ngon trước mặt bà lần nữa.
Vợ tôi lại thêm cái bệnh thích chưng diện nên, chịu khó
đi “shopping” và mua sắm khá rộng tay. Ở Mỹ cũng đã hai mươi năm rồi chứ ít
sao, vậy mà bà ăn mặc không giống ai. Thân hình thì chẳng còn thon thả gì, lại
thêm thiếu bề cao, nhưng cứ thích khoác vào người những chiếc áo đầm phùng xòe
với cái nơ tổ bố, khi thì nằm phía trước, khi thì ở phía sau thắt lưng, lúc lại
ở ngang hông, đi qua đi lại, ngắm nghía trong gương, với ánh mắt mãn nguyện.
Tuy vậy, vẫn chưa hoàn toàn tự tin, nên dịu dàng xin ý kiến của tôi.
– Anh thấy em mặc bộ nầy đẹp không?
Vốn là người thẳng thắn, thấy sao nói vậy, nên tôi nhận
xét thật thà:
– Ðẹp, nhưng sao nhiều ren thế này, trông giống… con
turkey!
Khó mà tưởng tượng câu phát biểu thiếu suy nghĩ của tôi
(quên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói) đã biến đổi một khuôn mặt tươi tắn, hớn hở
trước đó vài phút, thành một hình ảnh hãi hùng… Mặt bà đỏ bừng, mắt trợn ngược,
hai hàm răng rít lại:
– Ừ! chỉ có con Thơ mặc đẹp, còn mụ nầy hả, già rồi, nên
giống con turkey. Thứ đàn ông thay dạ, đổi lòng, đi kiếm con Thơ mà ngắm nó
đi.
Bà cởi chiếc áo đầm xé làm hai (không hiểu sao đôi tay của
bà, giờ phút đó lại trở nên dũng mãnh đến thế). Hỡi trời, chỉ có cái áo mà trí
tưởng tượng bà phong phú như thế đó. Nghĩ lại, cũng là lỗi của tôi. Cách đây
lâu lắm, tôi lỡ dại khen cô Thơ, bạn đồng nghiệp của bà, khi nhìn thấy cô ấy mặc
chiếc áo gần giống như thế trong một bữa tiệc tất niên (vì cô ta còn trẻ,
dáng người dong dỏng cao, thích hợp với kiểu áo này). Không ngờ bà để bụng, chờ
dịp khai hỏa. Ðúng là cái miệng ăn mắm, ăn muối, cứ lỡ lời cho mang hoạ!
Tôi lại có bệnh thích viết nhăng, viết cuội. Sang đây, mười
mấy năm làm việc miệt mài, không có cơ hội đụng đến chữ nghĩa, năm vừa rồi, thằng
bạn học ngày xưa, rủ rê tham gia sinh hoạt Hội cựu học sinh C.V.A, tôi mới đóng
góp tài năng trong đặc san Xuân bằng một truyện ngắn. Tài viết văn của tôi được
xếp vào loại có tầm cỡ (bạn bè nói thế), nên từ đó tôi nuôi mộng trở thành “nhà
văn” lúc xế chiều. Tôi bắt đầu tập tễnh sáng tác, và một truyện ngắn của
tôi được chọn đăng trên tờ báo địa phương. Niềm hạnh phúc chưa kịp trọn vẹn thì
một ngày thứ Bảy, vừa thức dậy, gặp ngay khuôn mặt đằng đằng sát khí với tờ báo
trên tay. Giọng bà chua như ly nước chanh quên bỏ đường:
– Ông hẹn với nó hồi nào, ở đâu? Ông cho nó bao nhiêu tiền?
Ðồng tiền mồ hôi nước mắt của tôi, vậy mà ông đem cho con bồ nhí của ông hả?….
Tôi há hốc miệng, chẳng biết bà nói gì. Ðến chừng hỏi ra
mới biết, truyện ngắn của tôi đăng trên báo với những tình tiết éo le,
gay cấn mà tôi đã dùng trí tưởng tượng phong phú để dựng nên, tình cờ bà đọc được
(Lạ nhỉ! có khi nào bà đọc báo đâu, hay do “con mẹ lẻo mép” nào đó đưa bà xem,
kèm theo những lời lẽ xuyên tạc, rồi bà tưởng là chuyện thật của tôi). Vậy là từ
đó, mỗi khi tôi vào máy “computer”, bà thường hay lui tới để tiện bề kiểm soát.
Ðó là chưa kể, có khi mấy thằng bạn phải gió, chuyển đến email của tôi các quảng
cáo địa điểm, danh lam thắng cảnh của các công ty du lịch, thì lập tức
tôi sẽ được đưa lên ghế điện để điều tra:
– Ông định đi du hí với con nào?.
Ới trời, chỉ một bà thôi cũng đủ tan nát cuộc đời, lòng dạ
nào mà mơ đến ai nữa.
Cho đến khi viết những dòng nầy, tôi vẫn là nạn nhân của
những cuộc “khủng bố” dai dẳng. Nhiều khi lại nghĩ, thà bất ngờ bị bỏ thây vì
bom tự sát ở Giê-ru-sa-lem, còn hơn mỗi ngày, mỗi giờ phải “cố yêu người mà sống”.
Bạn thân mến,
Nghe chuyện người mà ta cũng thấy xốn xang. Nếu ông bạn nầy
là người thân của tôi thì khó thoát khỏi những câu sỉ vả thậm tệ “Sao anh nhu
nhược quá vậy? Sao anh không cứng rắn hơn. Sao anh không ngồi xuống nói chuyện
phải trái với vợ, để đem lại bầu không khí êm ấm cho con cái được nhờ…”.
Chắc rằng, ông đã nghe những câu khuyên giải như thế, từ những người thân của
ông, khi họ biết chuyện. Nhưng ông đã thua trắng tay và tôi nghĩ rằng ông sẽ
thua cho đến ngày có người vấn khăn tang khóc ông. Số kiếp thì thôi đành! Ông
đã kết thúc câu chuyện bằng câu hát của nhạc sĩ Vũ Thành An “Hãy cố yêu người
mà sống” thì tôi cũng xin được cất giọng an ủi ông “Lâu rồi đời mình cũng qua”
.
Qua câu chuyện nầy, có lẽ bạn và tôi sẽ nhìn lại chính cuộc
sống gia đình mình. Sự tương kính, tin tưởng lẫn nhau mới chính là chất keo, gắn
bó tình yêu để xây dựng hạnh phúc. Chừng nào còn dùng đến sự kiểm soát, theo
dõi như “công an đi bắt quân gian” thì cứ tin rằng, gia đình đang bên bờ vực thẳm.
Cái lối đay nghiến, kềm kẹp, nghi ngờ của bà vợ có giữ được ông chồng không? Chắc
chắn trăm ngàn lần không? May mà ông bạn trên đây cam lòng nghêu ngao cất tiếng
hát “Hãy cố yêu người mà sống…” nên gia đình mới còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Khi nào người đàn ông còn ôm trong lòng niềm ân hận
vì đã trót làm chồng của người đàn bà như thế, thì chừng đó, niềm hạnh phúc của
ông ta là nắm được một cơ hội để bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình.
Bảo Huân
Đăng nhận xét