Giáng sinh 2022 và năm mới 2023 - Mời đọc truyện Nguyễn Ngọc Hoa Online (Tập Truyện I đến VIII)

 Giáng sinh 2022 và năm mới 2023 - Mời đọc truyện Nguyễn Ngọc Hoa Online (Tập Truyện I đến VIII)

 

Sun, Dec 18 at 11:42 a.m.

Nhân dịp Giáng sinh 2022 và năm mới 2023, mời quý thân hữu đọc (hay đọc lại) những truyện ngắn trong Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa I đến VIII đã phổ biến và ấn hành từ đầu năm 2013 đến nay.  Có hai cách để đọc tám tập truyện (192 truyện ngắn) này:  Một là đọc các tập truyện dưới dạng Flipbook, và hai là đọc các tập truyện đó (hay từng truyện ngắn riêng rẽ) dưới dạng  Adobe Acrobat .pdf.  

 Nếu dùng dạng Flipbook, quý thân hữu được cái lợi thế là chỉ cần có cái link đã thiết lập sẵn là có thể đọc nguyên cả cuốn sách, không cần download hay lưu trữ bất cứ hồ sơ nào; muốn chuyển cho người khác đọc, cũng chỉ cần chuyển cái link đó là xong; và có thể dùng như bản di động đọc trên điện thoại di động.  Tuy nhiên, đọc Flipbook với máy điện toán có màn ảnh nhỏ hay điện thoại di động có thể có phần bất tiện là không thấy rõ cả trang.

 Các thân hữu đã quen thuộc với các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa post lên mạng dưới dạng .pdf trước đây, có thể vào các link ở phần dưới e-mail này để download từng truyện ngắn hay cả tập truyện để lưu trữ.  Làm ơn download và đọc trên máy điện toán của quý thân hữu, đừng đọc trực tiếp trên Google drive.

 Sau đây là links Đọc Flipbooks và links Download Bản .pdf.  Chúc quý thân hữu và quý quyến một mùa Giáng sinh 2022 vui tươi và hạnh phúc và một năm 2023 an lành và thịnh vượng.

 LINKS Đọc FLIPBOOKS

 Tập VIII – Loạt truyện “Theo Ngọn Mây Tần”:

         Flipbook * Trời Cao Đất Dày - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa VIII (2022)

Tập VII – Loạt truyện “Đất Khách Quê Mình”:

          Flipbook * Trả Lại Nụ Cười - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa VII (2021)

Tập VI – Loạt truyện “Đời Phiêu Ngụ”:

          Flipbook * Không Bỏ Bạn Lại - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa VI (2020)

Tập V – Loạt truyện “Bước Đổi Đời”:

          Flipbook * Những Tích Tắc của Số Phận - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa V (2019)

Tập IV – Loạt truyện “Tuổi Trưởng Thành”:

          Flipbook * Nhìn Từ Trong Tháp Ngà - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa (2018)

Tập III – Loạt truyện “Dạo Vào Đời”:

          Flipbook * Thà Làm Đứa Con Bất Hiếu - Tập Truyện Nguyễn Ngoc Hoa III (2017)

Tập II – Loạt truyện “Thuở Học Trò”:

          Flipbook * Bùn Đỏ Bụi Hồng - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa II (2016)

Tập I – Loạt truyện “Thời Thơ Ấu”:

          Flipbook * Cơn Giận Con, Nỗi Đau Mẹ - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa I (2016)

 LINKS Download Bản .pdf

 Tập VIII – Loạt truyện “Theo Ngọn Mây Tần”:

          Bản .pdf * Trời Cao Đất Dày - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa VIII (2022)

Tập VII – Loạt truyện “Đất Khách Quê Mình”:

         Bản .pdf * Trả Lại Nụ Cười - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa VII (2021)

Tập VI – Loạt truyện “Đời Phiêu Ngụ”:

          Bản .pdf * Không Bỏ Bạn Lại - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa VI (2020)

Tập V – Loạt truyện “Bước Đổi Đời”:

          Bản .pdf * Những Tích Tắc của Số Phận - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa V (2019)

Tập IV – Loạt truyện “Tuổi Trưởng Thành”:

          Bản .pdf * Nhìn Từ Trong Tháp Ngà - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa IV (2018)

Tập III – Loạt truyện “Dạo Vào Đời”:

          Bản .pdf * Thà Làm Đứa Con Bất Hiếu - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa III (2017)

Tập II – Loạt truyện “Thuở Học Trò”:

          Bản .pdf * Bùn Đỏ Bụi Hồng - Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa II (2016)

Tập I – Loạt truyện “Thời Thơ Ấu”:

          Bản .pdf * Cơn Giận Con, Nỗi Đau Mẹ - Tập Truyện Nguyễn NgọcHoa I (2016)

  ***

https://botayvk.com/wp-content/uploads/2022/12/13.-Nguoi-Dan-Ba-Dang-Kinh-Nguyen-Ngoc-Hoa-07-Sep-2022.pdf

 Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa I đến VIII

 https://botayvk.com/wp-content/uploads/2022/12/14.-Nguoi-Dan-Ba-Sau-Cua-So-Nguyen-Ngoc-Hoa-28-Sep-2022.pdf

     ***

Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Trong màn đêm, chiếc xe chở bốn người lướt nhanh ra khỏi trung tâm thành phố Toronto và theo xa lộ Queen Elizabeth Way (QEW) chạy về hướng nam.  QEW là con xa lộ dài khoảng 140 cây số nối Toronto với bán đảo Niagara giáp giới Hoa kỳ và mang tên Hoàng hậu Elizabeth vợ Vua George đệ Lục; bà là mẹ của Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị (1926 – 2022).  Trên bầu trời tối đen lác đác mấy vì sao lấp lánh, và mặt trăng tròn e thẹn ẩn mình sau đám mây mỏng.  Các tia đèn pha thưa thớt của dăm ba chiếc xe chạy ngược chiều ở phía xa lộ bên kia và ánh đèn thấp thoáng từ những thị trấn xa xa không đủ soi sáng cảnh vật hai bên đường.

Ở băng trước, Ngôn vừa lái xe vừa chuyện trò ríu rít với cô bạn gái Bách Thu ngồi bên cạnh.  Đôi bạn sinh viên trẻ người Huế nhiệt thành ủng hộ tạp chí Xxxx Việt chống Cộng, hâm mộ người chủ trương tờ báo là Bảo bạn tôi, và tình nguyện thay Bảo đưa tôi đi đó đây trong thời gian tôi sang thăm Toronto vì Bảo bận rộn lo việc in số Xxxx Việt tới cho kịp ngày phát hành.  Tôi ngồi băng sau với anh Tấn anh họ của Bách Thu, anh là giáo sư vật lý ở Đại học Alabama tại Tuscaloosa thuộc tiểu bang Alabama, Hoa kỳ.  Nhân sang Toronto dự hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Đại học Toronto, anh được Bách Thu rủ tới dự buổi họp mặt hàng tháng của nhóm Xxxx Việt.  Hóa ra anh Tấn là người quen của tôi; vừa được giới thiệu, anh chỉ mặt tôi cười khà,

       “Tau nghe tiếng nhà toán học Ba Hoa phụ trách mục ‘Đố Vui Để Chọc’ mấy bữa ni mà không ngờ hắnthằng Bé hoang như giặc Bá Vành thời xửa thời xưa.  Mới đó mà đã một phần tư thế kỷ!”  “Thằng Bé” là tên ở nhà của tôi hồi đó.

       “Ngày tôi học lớp nhất (lớp 5), anh hay đến nhà tôi chơi với anh Quang.  Anh nổi tiếng khắp xứ Huế về tài học gạohọc băng, ai cũng phục lăn,” tôi mừng rỡ bắt tay anh; “học gạo” là học chăm chỉ hết mức, và “học băng” là học nhảy lớp.

       “Năm 1970, trước khi đi Mỹ du học, tau nghe tin thằng Quang hy sinh đền nợ nước, nhưng không thể lên Ban Mê Thuột đưa đám nên chỉ nhớ hắn trong lòng.  Bữa ni may gặp mi ở xứ Gia Nã Đại đất lạnh tình nồng.”

Anh Tấn người làng Vân Cù, tục gọi là làng Bún vì dân làng chuyên nghề làm bún, thuộc quận Hương Trà và cách Huế khoảng 10 cây số về phía tây bắc.  Làng không có trường học, gia đình anh thuê một ông thầy thi rớt Tiểu học, nuôi ăn ở, và dùng nhà thờ họ làm lớp học dạy trẻ con trong họ.  Nhờ đó anh học nhì nhằng, làm được toán đố dễ, và viết được các bài chính tả ngắn.  Khoảng năm 1957, anh lên Huế theo học thầy Trình.  Thầy dạy học trò tiểu học tại gia, các lớp lớn nhỏ đều ngồi lúc nhúc trong một gian nhà rộng.  Anh Tấn xin học để thi Tiểu học, và sau khi hỏi sức học của anh, thầy quyết định,

       “Thôi chẳng cần học lớp ba (lớp 3) và lớp nhì (lớp 4) làm chi.  Cho vô lớp nhứt (lớp 5) với đám ‘Chợ Xép’ ngồi dãy bàn cuối, cuối năm đi thi Primaire (bằng Tiểu học) luôn.”

Học lớp nhất thì oai lắm, nhưng anh Tấn phải học chết bỏ mới đủ sức theo kịp bài vở.  Cuối năm, anh đậu Tiểu học rồi sửa soạn thi vào đệ thất (lớp 6) trường Hàm Nghi.  Không may, anh chưa đủ sức tranh đua với học sinh giỏi nên không đậu và sẽ phải đi học trường tư.  Hết lớp cho anh học, nhưng thầy khuyên,

       “Đừng học đệ thất, băng lên đệ lục (lớp 7) luôn.”

Vậy là anh Tấn vào trường Bình Minh ở chân cầu Thanh Long gần nhà tôi học đệ lục, học cùng lớp với anh Quang (cũng thi vào trường công rớt và băng đệ thất), và thường đến nhà chơi với anh em tôi.  Anh Tấn học hết năm đệ lục, thầy Trình lại cố vấn,

       “Con sáng dạ và học được.  Năm tới băng đệ ngũ (lớp 8) học đệ tứ (lớp 9) để thi Diplôme (bằng Trung học Đệ nhất cấp) luôn.”

Anh Tấn nghe lời chuyển sang học đệ tứ trường Nguyễn Du gần cầu Đông Ba và thi đậu Trung học Đệ nhất cấp.  Thừa thắng xông lên, anh chuyển sang trường Bán Công gần ty Bưu điện Huế băng đệ tam (lớp 10) học đệ nhị (lớp 11) và thi đậu Tú tài I.  Cuối cùng, anh được nhận vào trường công là trường Quốc Học học đệ nhất (lớp 12) và cuối năm thi đậu Tú tài II.  Nếu không kể thời gian học không tính lớp ngoài làng Bún, anh rút ngắn 12 năm tiểu và trung học còn vỏn vẹn có năm năm.  Anh vào Sài gòn học Đại học Khoa học, tốt nghiệp cao học vật lý, được học bổng đi Hoa kỳ lấy bằng Tiến sĩ, và ở lại dạy Đại học Alabama từ trước năm 1975.

Chúng tôi đang ngồi trên xe đi xuống thác Niagara, một chuyến đi chơi thác ban đêm hoàn toàn ngẫu hứng.  Hồi tối, khi buổi họp mặt của nhóm Xxxx Việt gần tàn, tôi tình cờ đề cập tới bản tin khí tượng nghe thấy trên ti-vi hồi sáng:  Đêm nay trăng tròn, và nửa đêm từ vùng thác Niagara, sẽ thấy mặt trăng tròn vo – tròn 100 phần trăm.  Ngôn hừng chí đưa tay nhìn đồng hồ rồi rủ tôi,

       “Đêm rằm trăng sáng, sao mình không xuống thác Niagara ngắm trăng một phen?”

       “Đi thì đi, sợ gì?  Nhưng chú nhớ sáng mai anh phải về Mỹ và sẽ nhờ chú làm tài xế đưa ra phi trường, máy bay cất cánh khoảng 11 giờ,” tôi hớn hở reo lên.

       “Từ đây xuống thác Niagara đi không tới hai tiếng đồng hồ.  Lúc về, anh còn dư thì giờ để chi cho tụi em ăn sáng trước khi từ giã Tố Lủn Tố,” Ngôn cười ngỏn ngoẻn; “Tố Lủn Tố” là tiếng Quảng Đông gọi Toronto, đọc theo theo âm Hán Việt là Đa Luân Đa.

       “Tau đi chơi thác với mi cho vui và cũng có chuyện để xuống chỗ nớ,” anh Tấn vỗ vai tôi.


          * * *

Chỉ mới hơn bốn giờ mà trời đã tờ mờ sáng.  Mặt trời bắt đầu ló dạng ở phương đông.  Ráng hồng ửng đỏ phía chân trời hứa hẹn một ngày nắng đẹp.  Một ngày mới xuất hiện, mang lại sinh khí cho hoa lá cỏ cây.  Đi thăm thác Niagara đêm trăng rằm, bốn người chúng tôi bừng tỉnh lại sau gần một đêm không ngủ.  Ngôn tỉnh như sáo sậu, hướng dẫn cả bọn ra xe,

       “Chúng mình lên đường về Toronto.  Quý vị nào thấy buồn ngủ thì tự nhiên ình xuống làm một giấc cho khỏe người.”

“Ình” là tiếng Huế nói với con nít có nghĩa là nằm.  Nhưng không ai muốn ình, chúng tôi còn tiếc nuối trầm trồ nhắc lại cảnh trăng rằm trên đầu thác đẹp như mơ.  Xe chạy qua thành phố Niagara Falls, mặt đường ươn ướt vì sương đêm.  Tôi thấy bảng hiệu của một quán ăn bên đường và cười khan,

       “Lãng mạn chưa:  quán ‘Love Boat’ – thuyền tình cặp bến nơi nao!  Thác Niagara là địa điểm lý tưởng để những đôi vợ chồng mới cưới hưởng tuần trăng mật có khác.”

       “Và cũng là nơi để mấy tay to gan lớn mật trổ tài liều mạng cho thiên hạ lé mắt chơi.  Có nhiều người đi trên dây căng ngang qua thác hay ngồi trong thùng tô-nô thả rớt hơn 50 thước từ ngọn thác xuống hạ lưu.  Thật là khùng!” Ngôn nói thêm.

       “Chú Ngôn nói ai khùng, những cặp vợ chồng mới cưới hay những tay đi dây và ngồi thùng tô-nô?” anh Tấn cười nụ xen vào, “À, trên đường về ta ghé lại St. Catherines có tiện không?”

St. Catherines là thành phố lớn nhất vùng Niagara, nằm dọc theo sông Niagara, và cách Toronto khoảng 50 cây số về phía nam.  Tôi cười khì trêu anh Tấn,

       “Tôi là dân điên nặng (điện) ưa mát dây ẩu, nhưng bây giờ biết thêm dân vật lý như anh còn bốc đồng hơn.  Thời buổi này làm chi có chuyện người yêu trong mộng chong đèn khuya, thức đến năm giờ sáng, và đợi chàng tới thăm mà không báo trước?”

       “Tau nói muốn ghé lại St. Catharines chớ có định thăm ai .  Ba mặt sáu tai, ai nấy đều nghe rõ, phải không ?” anh Tấn cười xòa nói với lên đằng trước, “Mình đang đi trên xa lộ QEW, chú Ngôn xem ra exit 44, theo đường Niagara, và rẽ sang đường Queenston giùm anh.”

Xe dừng lại xéo bên kia đường với một căn nhà màu trắng có thảm cỏ rộng phía trước; đèn trong nhà bật sáng từ lúc nào.  Anh Tấn mở cửa bước xuống, cố trấn tĩnh, và ngoái lại,

       “Chú Ngôn cho anh mười phút.  Chạy một vòng rồi quay lại đón, hay chờ ở đây cũng được.”

Ngôn lặng im không đáp, vẫn để máy xe nổ, và bật sang đèn mắt mèo.  Anh Tấn chậm rãi đi về phía căn nhà màu trắng.  Lạ thay, khi tới trước nhà, anh chỉ ngừng lại một phút, nhìn vào trong, và tiếp tục rảo bước trên vỉa hè. Trong nhà, một bóng đàn bà xuất hiện sau lớp màn cửa sổ, dáng người đứng bất động.  Anh Tấn trở lại, khuôn mặt nhợt nhạt nhưng tươi tỉnh,

       “Thôi mình đi!  Cám ơn cô Bách Thu và hai chú đã chờ ông anh già bất kham ni.  Để bù lại, trên đường về anh sẽ kể ngọn ngành cho nghe.”

Đối với lớp người tuổi trẻ hai mươi năm trước thì đấy là một chuyện tình cổ điển.  Lãng mạn và mộng mơ như “nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát” trong thơ Nguyên Sa.  Nhưng cũng đơn sơ và đằm thắm như mắm cà rau muống.  Tấn và Huyền Nga cùng học Đại học Khoa học Sài gòn.  Đôi bạn quen thân từ thuở bé, từ làng Bún lên Huế rồi vào Sài gòn, và mối tình trưởng thành trong sự thương yêu gắn bó của hai gia đình.  Ngoài giờ học họ đi đâu cũng có nhau và lựa ý chiều chuộng nhau trong mỗi cử chỉ, từng câu nói.  Bạn bè đã quen mắt với cảnh chàng và nàng ngồi học bài với nhau dưới gốc cây trong sân trường đại học.  Chỉ cần nhìn hai người, ta có thể tưởng tượng ra cuộc sống lứa đôi đầm ấm và hạnh phúc của họ trong tương lai.  Chàng có tiếng chăm học ở ban Vật lý, và nàng là sinh viên xuất sắc bên ban Toán.  Các giáo sư nức nở ngợi khen nàng là một nhà toán học có nhiều triển vọng.  Nhưng nàng không xem đó là điều quan trọng và nói với người yêu,

       “Em đi học để sau này dạy con, cho anh rảnh tay lo việc lớn.”

Vài năm trước gia đình nàng đã di chuyển về Vĩnh Long, nàng vẫn trọ học ở Sài gòn và thỉnh thoảng về thăm nhà.  Tình hình chiến sự mỗi ngày một sôi động, và Quốc lộ 4 nối Sài gòn với các tỉnh miền Tây, nhất là chặng Mỹ Tho - Vĩnh Long, hàng ngày bị đặt mìn và đắp mô.  Cuối kỳ nghỉ hè năm đó, chiếc xe đò đưa nàng trở lại Sài gòn cán phải mìn và nổ tung.  Nàng may mắn thoát khỏi tay tử thần nhưng trọn cánh tay phải bị nát ngướu, phải cưa bỏ gần đến vai.  Những ngày nằm trong bệnh viện Đồn Đất là quãng đời đau thương nhất của người con gái tài hoa.  Chàng vẫn say sưa bàn chuyện hôn nhân,

       “Ba mạ muốn mình làm đám cưới sau khi sức khỏe em phục hồi.  Có sớm hơn chương trình mình dự tính, nhưng không những để ba mạ vui lòng mà anh còn muốn sống bên em sớm ngày hay ngày nớ.”

Nàng không đáp và gắng gượng làm mặt vui.  Ngày rời bệnh viện, nàng thông báo một quyết định bất ngờ:  Nàng sẽ sang Tây Đức giải phẫu chỉnh hình rồi tiếp tục việc học bên đó.  Nàng nghẹn ngào trong nước mắt,

       “Quên em đi anh.  Tấm thân tật nguyền này không xứng đáng để anh hy sinh cả một tương lai xán lạn.”

Ngày nàng rời bệnh viện là lần cuối cùng hai người gặp nhau.  Chàng đến nhà nàng xin gặp, nhưng người nhà cương quyết chối từ.  Ngay cả ngày giờ nàng lên đường xuất ngoại, chàng cũng không được cho biết.  Nàng biến mất hẳn khỏi cuộc đời chàng.  Cho đến hai mươi năm sau, đôi bạn xưa vui mừng gặp lại nhau trong hội nghị khoa học vừa qua.  Nàng và chồng, một khoa học gia người Đức, đều là giáo sư viện Đại học Toronto và đồng tác giả một công trình khảo cứu trình bày tại hội nghị.  Nàng vẫn tha thiết và dịu hiền như ngày nào,

       “Suốt hai mươi năm qua, lúc nào em cũng nghĩ đến anh và hằng mong Trời Phật phù hộ cho anh được hạnh phúc bên chị và các cháu.”

Chàng lặng người rưng rưng nước mắt nói thầm, “Cám ơn em đã vì anh mà hy sinh.  Nhưng anh vẫn sống một mình, đợi chờ người yêu muôn thuở.  Anh hằng tin, tình đôi ta chân thành, Trời Phật sẽ đưa em trở về với anh.”  Nghĩ thế nhưng không nói ra, chàng nuốt nước bọt và cố nhoẻn miệng cười,

       “Các cháu sẽ hãnh diện khi biết anh từng là bạn thân của một nhà khoa học tăm tiếng.”

Tôi đoán ra người đàn bà sau cửa sổ là chị Huyền Nga và hiểu thấm thía câu nói của nhà triết học, toán học, khoa học, và ngoại giao người Đức Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716),

Yêu chính là tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                      Ngày 28 tháng Chín, 2022

 ***

Người Đàn Bà Đáng Kính

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Trong những lần đi họp xa hàng tháng, tôi dùng thì giờ ngồi đợi ở phi trường và ngồi trên máy bay để viết bài cho mục “Đố Vui Để Chọc” của tạp chí Xxxx Việt ở Toronto, Gia Nã Đại, thay vì đọc sách hay làm việc sở như trước.  Chỉ cần tập giấy ghi chép màu vàng, cây bút chì bấm, và cây bút tẩy (để xóa bút chì) là ngồi ở đâu tôi cũng có thể múa bút chuyện trò với độc giả.  Mở đầu bài viết bằng một truyện ngắn với lời đối thoại vui nhộn để đưa tới đầu đề bài toán đố chính, tôi trình bày lời giải bài toán, các bài toán tương tự, và lịch sử vấn đề toán học liên hệ.  Cuối bài, tôi viết thêm đôi ba câu “đố vui để cười” mà giải đáp sẽ đưa ra vào kỳ tới.

Tôi trở lại Toronto vào một buổi chiều mùa đông.  Mùa này ngày ngắn, trời đã tối mịt mặc dù chỉ mới sáu giờ chiều khi tôi ra khỏi khu kiểm soát quan thuế và di trú ở phi trường.  Bảo bạn tôi, người chủ trương tờ Xxxx Việt, đứng đón với nụ cười nghiêm trang cố hữu,

“Kỳ này ông sang nhằm tối thứ Sáu cuối tháng, anh em tổ chức họp mặt ăn uống và thảo luận công tác cần làm cho cộng đồng tỵ nạn.  Nhờ đó ông sẽ gặp hầu hết mọi người.”

Lúc tôi và Bảo đến nhà Hiền, người phụ trách phần trị sự của tòa soạn, khoảng tám chín người đã tụ tập ngồi quanh chiếc bàn lớn trong phòng khách.  Tôi đã gặp Hiền trước đây; chàng niềm nở kéo tay tôi tới giới thiệu,

       “Nhà toán học Ba Hoa phụ trách mục ‘Đố Vui Để Chọc’ được độc giả mến chuộng nhờ tài diễn tả các bài toán khó điếc lỗ tai thành chuyện khôi hài ai cũng khoái.”

       “Anh Ba Hoa ở đây, còn chị Chích Chòe ở đâu?” một người lên tiếng hỏi đùa.

       “Ngoại trừ mục ‘Thư Đi Tin Lại’ của Phương Trâm, Ba Hoa là người nhận được nhiều thư ái mộ của nữ độc giả nhất.  Bộ ngu hay sao mà vác cái rơ-moóc theo làm kỳ đà cản mũi?” Hiền trả lời, nhưng cốt để ghẹo tôi.

Người vừa hỏi là Luật dáng người nhỏ thó và trông nhỏ hơn tôi vài tuổi; Luật tiếp tục hỏi tới,

       “Nghe danh không bằng mắt thấy tai nghe.  Anh Ba Hoa cho tụi tui nghe liền một câu đố vui được không?”

       “Luật muốn nghe thật à?” tôi tủm tỉm cười, “Vậy các bạn có biết một chàng trẻ tuổi đẹp trai, hào hoa phong nhã, và ăn nói lịch sự ở Toronto gọi là gì không?”

       “Gọi là gì?” Hiền cũng nóng lòng muốn biết.

       “Là . . . du khách – như tôi đây, chứ gì nữa!” tôi trả lời, cố nín không cười.

Tôi nhìn quanh rồi hỏi Bảo,

       “Sao không thấy Phương Trâm?  Tôi thấy hình trên báo và mong gặp người thật.”

       “Cô ấy tên thực là Hồng Thu, hôm nay bận việc không đến được.  Hình trên báo là hình cô em của Hiền còn ở Việt nam để mà mắt mấy thằng Việt Cộng nằm vùng; chúng nó sẽ không biết Phương Trâm là ai mà theo quấy rầy phá thối,” Bảo nghiêm nghị giải thích.

       “Đương sự không có mặt thì tôi xăm mình kể cái giai thoại học tiếng Pháp:  Thời trung học, tôi hay khuyên đùa các cô tên Phương Thanh, Phương Thảo, hay Phương Trâm không nên viết tắt tên mình.”

       “Ông Ba Hoa thật nhiễu sự, sao thế?” Bảo có vẻ bực mình, nhưng tò mò.

       “Vì viết tắt thành ‘PT,’ đọc là ‘pê tê,’ là chữ ‘péter’ tiếng Pháp nghĩa là đánh rắm.  Dùng chữ này để tự xưng thì còn đâu cái duyên dáng mỹ miều của phái nữ?”

 

Bảo cho biết Luật viết truyện ngắn rất dí dỏm, làm thơ tếu có hạng, có khiếu tiểu xảo, và giúp Bảo đắc lực trong các hoạt động chống Cộng của cộng đồng.  Luật ở chung nhà với nữ văn sĩ Thảo Quỳnh mới nổi tiếng nhờ có bài đăng thường xuyên trên Xxxx Việt.  Tên thực là Quỳnh, chị làm nghề trang điểm cho cô dâu, phụ nữ đi dạ hội, v.v. rất phát đạt.  Cuối buổi họp mặt, Luật nói với tôi và Bảo,

       “Chẳng mấy khi anh sang đây, chị Quỳnh mời anh và anh Bảo đến nhà ăn cơm cho chị được đãi khách quý từ bên Mỹ qua.”

* * *

Hôm sau tôi đi theo Bảo khi chàng chạy quanh lo việc ấn hành số báo tới.  Ăn cơm nhà vác ngà voi làm báo chống Cộng, tiền bạc không có, và trăm bề thiếu thốn, nhóm Xxxx Việt phải khắc phục khó khăn và chia nhau làm hàng chục công tác lớn nhỏ để biến những bản thảo viết tay như bài viết của tôi thành cuốn báo 128 trang trang nhã.  Bảo ghé lại nhà Hồng Thu để đưa thư độc giả cho “cô Phương Trâm” viết trả lời.  Người thiếu phụ trạc ba mươi tuổi có mái tóc dài ngang vai, vẻ đẹp hiền hậu, và đôi mắt buồn sống với bà mẹ và hai đứa con trai, đứa lớn mười tuổi và đứa nhỏ lên tám.  Nàng người Nha Trang, thành phố dừa xanh cát trắng hiền hòa tôi từng xem là quê nhà thứ hai,

       “Từ bé đến trưởng thành, em sống với gia đình ở Nha Trang.  Tiểu học và trung học đều học trường đạo, và năm 1972 bắt đầu học Đại học Duyên hải.  Đến tháng Ba năm 1975 mới dọn vào Sài gòn ở khu Ngã Bảy đường Lý Thái Tổ.”

       “Hà hà, học khóa đầu tiên của Đại học Duyên hải thì Thu cũng là . . . giáo gian như anh.  Lúc đó, trường chỉ có các lớp sư phạm:  lý hóa-vạn vật, Anh văn, và Pháp văn.  Em học ngành nào?” tôi reo lên.

       “Em học ban Anh văn, tốt nghiệp mùa hè năm 1974 trong số 139 người, và đậu cao nên được về dạy đệ nhất cấp ở trường Huyền Trân là trường Nữ trung học Nha Trang mới đổi tên.  Nhà em ở góc đường Phước Hải và Lạc Long Quân gần nhà thờ Núi, tức là nhà thờ chính tòa; anh là dân Nha Trang chắc chẳng lạ lùng chi,” với giọng Nha Trang nhỏ nhẹ êm tai, nàng đã xem tôi là người đồng hương.

       “Hồi đó nhà anh ở ngoài cầu Xóm Bóng và nằm giữa tháp Bà và hòn Chồng ở Đồng Đế,” tôi nhớ về Nha Trang và quay sang Bảo giải thích về Đại học Duyên hải; ngày trường thành lập thì chàng đã đi Nhật du học.

Đầu thập niên 1970, trong khi cuộc hòa đàm diễn ra ở Paris, Việt Cộng chỉ xăm xăm xua lính ngoài Bắc vào Nam đánh giết và thí mạng thì chính phủ Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) ráo riết thực hiện kế hoạch kinh tế hậu chiến để tái thiết quốc gia khi hòa bình được tái lập.  Trong kế hoạch đó, việc huấn nghệ cho quân nhân khi họ giải ngũ trở về đời sống dân sự thành những chuyên viên trung cấp mọi ngành là nhu cầu thiết yếu.  Do đó, chính phủ VNCH thành lập các trường đại học cộng đồng với sự tham gia đóng góp, xây dựng, và quản trị của địa phương:  Đại học Tiền giang ở Mỹ Tho đặt trọng tâm vào nông nghiệp (1971), Đại học Duyên hải ở Nha Trang hướng về nông ngư nghiệp (1972), Đại học Quảng Đà ở Đà Nẵng (1974), và Đại học Long Hồ ở Vĩnh Long (1975, chưa hoạt động).

Công việc Bảo vừa tạm xong thì vừa đến giờ hẹn với chị Quỳnh.  Chị cao lớn, hơi đẫy đà, và cao hơn “chú Luật” nửa cái đầu.  Tôi không thể đoán chừng chị bao nhiêu tuổi vì từ mái tóc đến bộ mặt, chị dùng quá nhiều mỹ phẩm để trang điểm.  Hai cô con gái khoảng mười tám, mười chín tuổi của chị ra chào tôi và Bảo rồi rút lên gác.  Chúng tôi ăn tối trong phòng khách, và các món ăn Bắc sửa soạn công phu, nhưng tôi không thấy ngon miệng.  Dáng điệu và ngôn ngữ của chị Quỳnh quá kiểu cách, Luật mất tự nhiên và không còn đùa tếu như hôm qua, Bảo trở nên dè dặt ít nói, và tôi chỉ mong ăn xong rồi về nhà Bảo.  Trên đường về, tôi cười nhẹ với Bảo,

       “Tôi thấy chị Quỳnh đánh phấn mặt dày hơn cả geisha Nhật Bản, chắc phải dùng bay thợ hồ trét lên?”

       “Người ngoài chưa ai thấy mặt thật của chị ấy.  Nếu ai đến nhà sáng sớm, chị chưa kịp trang điểm thì không bao giờ mở cửa.  Có lần một người bạn thân vào nhà bất thình lình, chị trở tay không kịp bèn chui cửa sổ ra trốn bên hông nhà,” Bảo không biết tôi hỏi đùa.

Về lại North Dakota, theo nghi thức xã giao thông thường của người Mỹ, tôi viết gửi chị Quỳnh tấm thiệp Thank You nhỏ để “cám ơn chị đã đãi một bữa ăn ngon và cho một buổi tối tuyệt vời.”  Một tuần sau, vào hai giờ sáng (ba giờ sáng ở Toronto), chuông điện thoại đánh thức tôi dậy.  Tưởng là cú gọi khẩn cấp, tôi nhổm dậy nhấc ống nói.  Nghe tiếng xôn xao ở đầu dây bên kia, tôi nhận ra tiếng của Luật,

       “Luật hả, có chuyện gì quan trọng không mà gọi vào giờ này?”

       “Xin lỗi anh, gọi lầm số,” Luật bối rối trả lời rồi gác máy.

Không thể nào gọi lầm số.  Khi gọi tôi, trước hết Luật quay số “1” (để gọi viễn liên) rồi area code “701” của North Dakota (area code của Toronto là “416”) và sau đó mới đến số “123-4567” của tôi.  Nếu gọi nội trong vùng đô thị Toronto, chỉ cần quay bảy con số chính.  Sau đó ít lâu, tôi không còn thấy bài của Luật và truyện ngắn của Thảo Quỳnh xuất hiện trên báo.

Hai năm sau, trong một chuyến viếng thăm Toronto khác, tôi tháp tùng Hiền lên phố Tàu Toronto xem dân cho biết sự tình.  Mỗi ngày ngoài giờ làm việc, Hiền mang bên vai chiếc túi vải lớn mà anh em gọi là “bị Cái bang” đựng vài chục số báo vừa phát hành để phân phát cho các tiệm đăng quảng cáo và đồng thời thu tiền quảng cáo và lấy quảng cáo mới.  Tôi vui miệng kể cho chàng nghe vụ Luật gọi lầm số giữa đêm khuya.  Hiền nói ngay,

       “Thằng Luật nhỏ hột tiêu cái gì cũng biết, không kêu lộn đâu.  Chả ghen với anh đó.”

       “Tôi có làm gì đâu mà nó ghen?” tôi giật mình ngạc nhiên.

       Chả nhỏ người mà sung sức, đêm đêm cong lưng phục vụ cho bà Quỳnh đô con phốp pháp.  Được cơm no bò cỡi sướng quá nên chả nơm nớp sợ người khác rinh mất cái mỏ chì.  Anh biết không, bao nhiêu truyện ngắn Thảo Quỳnh từ trước đến giờ đều do chả tâng công viết và ký tên bả gởi đăng báo.  Bả giỏi tài dùng bút chì kẻ lông mày chớ có biết viết lách gì đâu.”

Điều Hiền nói khiến tôi tò mò thêm,

       “Thằng Luật không có vợ con gì cả hay sao?”

       “Vợ con chả sờ sờ ra đó; vợ thì đẹp gái, và hai đứa con trai khôn ngoan lễ phép.  Cô Thu nhà mình chớ ai!”

       “Sao mà đến nỗi đó?” tôi la lên, nhớ lại đôi mắt buồn của Hồng Thu.

       “Năm 1974, chả là quân nhân Hải quân, cổ là cô giáo vừa tốt nghiệp Đại học Duyên hải, và họ gặp nhau yêu nhau rồi lấy nhau.  Năm 1979, hai người đã có hai đứa con khi chả đi vượt biên một mình qua Gia Nã Đại.  Sau khi thành ngoại kiều thường trú, chả làm giấy tờ bảo lãnh vợ con và bà má vợ.  Rồi không biết ma đưa đường quỷ đưa lối làm sao mà rớt vô tay mụ Võ Tắc Thiên dâm đãng!”

Tôi lại có thêm câu hỏi khác,

       “Vậy chồng bà Quỳnh đâu?”

       “Ông chồng là sĩ quan Việt nam Cộng hòa, năm 1975 đưa vợ con di tản sang Gia Nã Đại.  Bả rêu rao ổng bỏ bê gia đình theo vợ nhỏ, nhưng người biết chuyện nói ngày trước ổng đi đánh giặc bị thương thành ra yếu sinh lý, không đủ sức cung phụng cho bà vợ đến tuổi hồi xuân, và bị bả kiếm cớ đuổi ra khỏi nhà.”

       “Không trách chi thằng Luật sa vào bẫy,” tôi thở dài.

       “Ngày cô Thu đưa hai đứa con và bà má đến Toronto, cơ quan xã hội chưa kịp tìm nhà ở nên thằng Luật đành bấm bụng đưa cổ về nhà chả và cũng là nhà bà Quỳnh ở tạm.  Bốn người ngủ trong phòng của một cô con gái bả, và – anh tin được không – chả ngang nhiên ôm bả nằm ngủ phây phây trong căn phòng ngủ chính.  Bà má và mẹ con cổ cắn răng chịu đựng đến khi có nhà chính phủ để dọn đi.  Từ đó chả từ luôn vợ con, không thèm đoái hoài đoái quở.”

Tôi lắc đầu chưa thể tin lời Hiền,

       “Bây giờ đôi uyên ương đũa lệch đó ra sao?”

       “Để hội đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ, cô Thu phải kiện thằng Luật ra tòa, nêu địa chỉ cư ngụ, và đòi hỏi chả cấp dưỡng cho con.  Vợ tui thương mẹ con cổ nên hăng hái ra tòa làm chứng.  Chả bị động ổ liền tức tốc dọn ra khỏi nhà bà Quỳnh.  Bị mất Lao Ái đồ nghề bự tổ nái, bả nổi tam bành gọi điện thoại chưởi vợ tui một trận tơi bời hoa lá rồi bỏ Toronto qua Mỹ ở.  Riêng chả thì trốn chui trốn nhủi đâu đó trong vùng Toronto này,” Hiền cười không ra tiếng.

Tôi rời Toronto mà trong lòng ghi thêm một người đàn bà đáng kính – Hồng Thu.  Sống chật vật về vật chất, gặp tình đời đen bạc, nàng vẫn ngẩng đầu lên cao, giữ vững tinh thần đấu tranh, và phản ảnh ý chí chống Cộng của Xxxx Việt qua lời lẽ dịu dàng mà quả quyết khi trả lời thư độc giả.  Cám ơn “cô Phương Trâm.”

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                      Ngày 7 tháng Chín, 2022

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan