ĐỖ NHƯ ĐIỆN: NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG

 ĐỖ NHƯ ĐIỆN: NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG


Năm Thìn Nói Chuyện Rồng

Đỗ Như Điện

Năm 2024 là Giáp Thìn. Thìn là Rồng.

Trong khoa tử vi tướng số theo cách tính tuổi ở Việt Nam thì Thìn xếp hàng thứ năm sau chú Mẹo là mèo và trước Tỵ là rắn. Như thế, đã có sự phân biệt rồng và rắn rõ rệt, nên ở đây ta nói chuyện rồng theo quan niệm Á Châu cho rõ ràng cụ thể hơn.

Nếu hiểu long cùng họ với xà tức là rắn, thì ý nghĩa long đã bị xuống cấp và chẳng có gì để nói. Các bạn trẻ thấy chữ long, đừng vội hiểu là dài, là lâu, vì đây là chữ Việt Nam. Dĩ nhiên rồng hay long có thân mình dài thật. Đàng này hiểu Long hay Rồng như một sinh vật lạ lùng, thì chúng ta có nhiều chuyện để làm vui độc giả nhân dịp đón xuân con rồng năm 2024 này.

Nhớ lại hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần sắp có mưa, tôi thích chạy ra đê ở đầu làng, nhìn về chân trời phía tây để chờ xem rồng hút nước làm mưa. Khi thấy những tảng mây đen cuồn cuộn kéo tới, và thấy một vệt đen ngòm chạy từ không trung xuống, càng gần đất càng tỏa rộng ra như cái loa kèn. Cậu tôi bảo rồng đang hút nước, sẽ có mưa lớn, thế là cậu cháu ba chân bốn cẳng chạy cho mau vể nhà trước khi bị rồng phun nước xuống. Quả thật mỗi lần thấy hiện tượng ấy, thế nào cũng có mưa như xối, nên tôi càng tin đó là rồng hút nước thật.

Có lần tôi được theo dì tôi lên Nam Định, lần đầu tiên được nhìn tận mắt cái ôtô giống như con bọ hung đen, đã lấy làm thích chí lắm, nhưng lý thú hơn cả là được ngắm nghía cái xe phun nước của sở vòi rồng. Đám trẻ con ở tỉnh chúng nó chỉ cho biết có mấy người lính đội nón sắt màu đỏ bơm nước bằng tay cầm, cứ người bên này nâng lên thì người bên kia đè xuống, còn hai ba người lính khác thì hướng cái vòi rồng về phía ngọn lửa để nước phun ra. Tôi suy đoán người ta đã nhìn thấy con rồng thật, rồi bắt chước chế ra xe vòi rồng để phun nước. Con rồng thật chắc phải lớn lao vô cùng vì nó có thể hút nhiều nước làm mưa có khi làm lụt cả làng.

Ở làng tôi có những cỗ kiệu trạm trổ hình rồng, sơn son thiếp vàng rất đẹp để rước trong các ngày lễ lớn của họ đạo. Cũng có một cỗ kiệu sơn đen để di chuyển quan tài từ nhà mồ ra nghĩa trang. Đòn khiêng kiệu nhìn giống như hai con rồng dài thượt, mỗi bên phải cần 8 người phu khiêng, khi di chuyển cứ tưởng như con rồng đang đi tới.

Vào những dịp Tết Âm Lịch và Tết Trung Thu, trẻ con chúng tôi nô nức, sung sướng được xem các đội múa rồng, con rồng giả dài ngoằng trèo thật tài tình lên tới đỉnh một cây tre cao ngất, để nuốt những chuỗi tiền thưởng của các nhà giàu mời đến múa lấy hên đầu năm.

Một kỷ niệm tôi không khi nào quên, là được đi xem thuyền rồng của “Đức Quốc Trưởng Bảo Đại”. Tôi nhớ vào năm 1951 khi thuyền rồng đi trên sông Ninh Cơ ở phía đông làng tôi, ngược lên hướng bắc, bác tôi đã đặt tôi ngồi trên vai ông để được nhìn cho rõ. Tôi còn nhớ thuyền sơn trắng vẽ rồng vàng, có cờ quạt và lính đứng trên thuyền, mà tôi chẳng nhìn thấy “Đức Quốc Trưởng” đâu, vì thuyền đi cách bờ đê đến nửa cây số. Mấy người lớn chỉ trỏ nói với nhau rằng “Đức Quốc Trưởng” mặc hoàng bào, nhưng ngài không đứng trên mạn thuyền, vì e có du kích bắn lén.

Khi lớn khôn có dịp đi đó đây, tôi thấy đền đài, lăng tẩm chỗ nào cũng có hình bóng rồng, nhất là trên nóc các chùa chiền, đình miếu thường có “lưỡng long chầu nguyệt”, hoặc trên các cây cột vẽ hình rồng, như tại Tòa Thánh Cao Đài ở Tây Ninh.

Tóm lại rồng là một hình ảnh quen thuộc với người Việt chúng ta, quen đến độ hầu như ai cũng biết, chẳng cần tìm hiểu gốc gác ngọn nguồn từ đâu mà có.

Khi còn nhỏ tôi thường nghe những người lớn phân lọai các sinh vật trên mặt đất theo thứ tự lớn nhỏ như sau: “Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”, long cùng loại với xà, tức là trăn rắn, là họ hàng loài bò sát, đứng hàng thứ ba sau chim và cá. Ngày nay không còn thấy giống chim khổng lồ đâu cả, chỉ còn các con cá voi, là loài sinh vật lớn sống dưới biển. Kế đến là những chú voi ở vùng nhiệt đới, còn trăn rắn thì có con dài đến 10 mét, nhưng không nặng bằng voi.

Bên trời Âu Mỹ, rồng được gọi là dragon, nhưng danh từ dragon bao hàm nhiều loại bò sát, từ khủng long có thân mình to lớn nay đã tuyệt chủng, đến nhiều loại nhỏ xíu như con thằn lằn có mao có cánh, hay con rồng đất chỉ bằng ngón tay.

Trong 4 quốc gia có nền văn hoá gần giống nhau, ta quen gọi là “tứ đồng văn” gồm Tàu, Nhật, Đại Hàn và Việt Nam, thì rồng là biểu tượng của vua chúa. Rồng là quốc huy của Tàu. Phù hiệu hình rồng cũng chỉ về hoàng tộc. Việt Nam cũng có chung truyền thống ấy. Không biết có phải từ khi Hán Cao Tổ là Lưu Bang trảm xà khởi nghĩa, tường thuật trong truyện “Hán Sở Tranh Hùng” và đã giành được thiên hạ, mà từ đó có truyền thống rồng là biểu hiệu của vua chúa? Về phía Tàu, câu hỏi này xin dành cho các bậc tiền bối trả lời. Còn về phía Việt Nam ta thì hầu như ai cũng biết biểu tượng Rồng chỉ nguồn gốc dân tộc ta.

Rồng hay long chỉ vua nên chữ long rất quen thuộc với chúng ta, chẳng hạn mặt vua gọi là long nhan, gặp vua thì gọi là diện kiến long nhan. Áo vua là long bào, mình vua là long thể, giường của vua là long sàng….

Gần đây trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của giới trẻ, tôi đã được nghe các câu đố, vừa để mua vui và cũng giúp các bạn trẻ hiểu thêm tiếng Việt nữa, như hỏi mắt vua là gì? Lập tức có người đáp “long nhãn”. Tai vua là “long nhĩ”, râu vua là “long tu”, óc vua là “long não”, miệng vua là “long khẩu”! ? Nhưng nếu có bạn nào tinh nghịch và láu lỉnh hỏi ngược lại, vậy chứ “long đào” là gì, tôi dám chắc sẽ có bạn trả lời ngay là “girl friend” của vua chẳng biết chừng. Còn rất nhiều chữ khác ghép vào trước hoặc sau chữ Long để có những cách diễn dịch ngộ nghĩnh vui vui.

Rồng trong truyền thuyết dựng nước:

Ai trong chúng ta cũng đã đọc lịch sử nước nhà, và biết rằng mở đầu lịch sử dân tộc từ gần 5000 năm trước, ta đã nghe đến huyền thoại Lạc Long Quân, biểu tượng Rồng và Âu Cơ biểu tượng Tiên, là cha mẹ sinh ra trăm con, đó là tổ tiên trăm họ, gọi là Bách Việt ngày nay. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang đó là Vua Hùng thứ nhất tức là Quốc Tổ mà chúng ta vẫn làm lễ giỗ hàng năm vào ngày mồng 10 tháng Ba Âm Lịch. 18 đời Hùng Vương của Họ Hồng Bàng kế tiếp nhau, đã khai mở giang sơn lớn mênh mông từ Động Đình Hồ, khoảng giữa nước Tàu ngày nay chạy dài xuống tận phương nam, nên Rồng là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt. Người Việt hãnh diện chúng ta là con Rồng cháu Tiên từ đó.

Tôi quan niệm cha Rồng mẹ Tiên chỉ là biểu tượng vật tổ “Totem” của dân tộc ta. Rồng ở đây có một ý nghĩa linh thiêng, cao cả hơn là hình ảnh tưởng tượng hay một sinh vật có thật trên địa cầu này. Theo sự tin tưởng trong dân gian, thì rồng là một linh vật vượt trội hơn mọi sinh vật khác, trừ con người. Vì Rồng có khả năng và sức mạnh vô địch; rồng có thể “hô phong hoán vũ”, “khạc ra lửa, mửa ra khói”…. Rồng có thể sống trong đất, dưới nước, trên bộ và cả trên không, tức là bao gồm khả năng của các sinh vật khác cộng lại. Rồng biểu tượng cho sức mạnh, uy quyền. Tiên mang ý nghĩa xinh đẹp kiều diễm thanh tao, quyền phép, do đó hai nhân tố ấy kết tụ thành tổ tiên của một tộc, thì dân tộc ấy phải trổi vượt hơn các dân tộc khác. Đó là niềm hãnh diện của chúng ta. Mặc dầu các hình rồng Việt Nam không thấy có cánh như các hình rồng của Âu Mỹ, nhưng rồng có thể cất cao trong không gian nhờ sức thiêng nhiệm màu nào đó để có mây nâng gió đẩy, nên ta thường nghe thấy câu nói cửa miệng “lên như rồng gặp mây” như “diều gặp gió” để chỉ sự thăng tiến, thành đạt của một nhân vật nào đó như kiểu Bill Gates, hay Elon Musk ở Hoa Kỳ.

Rồng trong lịch sử nước ta:

Ngoài huyền thoại dựng nước cha rồng mẹ tiên, còn có rất nhiều giai thoại liên quan đến rồng.

Chuyện kể rằng Vua Đinh Tiên Hoàng lúc còn niên thiếu tức cậu bé Đinh Bộ Lĩnh, đã cùng với bọn trẻ chăn trâu tập hợp thành nhóm, đi đánh các nhóm trẻ ở các làng khác, rồi đã giết lợn của mẹ ăn khao quân. Chú của Lĩnh là Đinh Dự đuổi đánh, Lĩnh chạy đến bờ sông, thì chú Dự cũng vừa tời, trong lúc nguy cấp ấy, có con rồng vàng hiện lên làm như cầu phao cho Lĩnh chạy qua sông. Dự thấy thế thất kinh vứt bỏ dao mà chạy. Lĩnh đã chạy sang Giao Thủy, thuộc Nam Định ngày nay. Sau Đinh Bộ Lĩnh đã có công dẹp loạn Mười Hai Sứ Quân, thống nhất giang sơn, đóng đô ở Hoa Lư.

Năm 1010 Vua Lý Thái Tổ thấy kinh đô lúc ấy ở đất Hoa Lư quá chật hẹp, ngài có ý muốn thiên đô về Đại La Thành. Vua nói với quần thần: “… Đại La thành kinh đô xưa của Cao Biền, ở trung tâm đất nước, có địa thế hiểm yếu như rồng bò hổ phục, bốn phương sum họp, người và vật đông đảo, thật là chỗ kinh đô quí nhất của đế vương. Trẫm muốn chọn chỗ địa lợi ấy làm kinh đô, ý các khanh nghĩ thế nào?”. Bầy tôi đều thưa: “Bệ hạ nói đến điều ấy thật là lợi cho thiên hạ muôn đời”. Tháng 7, mùa thu năm ấy, triều đình dời từ Hoa Lư về Đại La Thành. Thuyền đi gần đến nới, vua thấy có rồng hiện lên, nên Ngài đổi tên Đại La ra Thăng Long. Thành Thăng Long có tên từ đó.

Vùng Nũng Sơn gần Thăng Long xưa gọi là Long độ, tức là (rún rồng); dân chúng tin rún ấy sâu xuống đến tận lòng đất. Tháng 6 Năm Kỷ Tỵ (1029) đời vua Lý Thánh Tông, ở nền điện Kiều Nguyên bỗng có con rồng hiện lên; nhà vua bảo những người xung quanh: “Nền điện đã bỏ hoang phế mà nay có rồng hiện lên, ý chứng ấy là nơi quí địa, dựng nên cơ nghiệp đế vương chăng?” Rồi vua cho dựng điện Thiên An trên nền ấy, hai bên tả hữu là điện Tuyên Đức và điện Diên Phúc. Sân trước gọi là sân rồng, phía sau là điện Trường Xuân, trên điện có gác Long Đồ. Ngoài cùng là tường bao bọc gọi là Long Thành. Đến tháng 3 năm Nhâm Thìn (1052) vua cho đúc một quả chuông lớn đặt ở sân rồng trước điện Thiên An. Nếu trong dân có điều gì oan ức không được cứu xét thì đánh chuông ấy để thấu đến tai vua (Lý Thái Tông).

Tháng 6, mùa Hạ năm Ất Tỵ, vua Lý Nhân Tông đi Ứng Phong, ngự giá đến Lợi Nhân, có con rồng vàng hiện lên ở nhà hành cung, cung nữ và hoạn quan đều trông thấy; Trường Lạc Thánh Từ hoàng hậu có thai, đến ngày sinh thì mơ thấy rồng vàng sa xuống phòng, rồi hạ sinh thái tử Tăng, sau là vua Lê Hiến Tông (1497-1504), là một trong những vị minh quân nhà Lê.

Ngoài những tước hiệu vua chúa như Lê Long Đĩnh, vua Gia Long… còn vô số cá nhân được cha mẹ đặt cho tên gọi hoặc tên đệm bằng chữ Long, với thầm mong con mình sẽ có đời sống uy quyền vương giả; trong số ấy chắc cũng có những người ăn nên làm ra như cha mẹ mong muốn, và dĩ nhiên cũng có những con “rồng đất” cố vươn mà không sao cất mình lên nổi.

Rồng với địa danh.

Ở rải rác khắp Bắc Trung Nam trên dải đất Việt, ta có thể kể đến hàng trăm nơi mang tên Long. Khi chọn tên cho một tỉnh thành, quận hạt… chắc chắn tổ tiên ta không quên dựa vào một truyền thuyết nào đó về vùng đất ấy; hoặc giả muốn nơi ấy sẽ trở thành một vùng với những nét đặc thù. Vì vậy Long đã đi vào rất nhiều địa danh trên đất nước: Từ Vịnh Hạ Long, một kỳ quan tuyệt đẹp của nước ta. Đến Long Môn, ở huyện Phong Khê nơi có nước chảy mạnh, có giống cá anh vũ ngược dòng nước, vượt qua cửa Vũ Môn thì hoá rồng. Cầu Long Biên ở Bắc Việt. Vào Nam ta có Long Khánh, Long Thành, Long An, Vĩnh Long, Long Xuyên, Long Hải, Long Điền, Long Giao, Cửu Long Giang, Kim Long, Phước Long, Bình Long… còn rất nhiều nơi khác nữa.

Rồng trong dân gian:

Người bạn đến thăm nhau, chủ nhân được bạn đến thăm tỏ ý khiêm nhường liền mở lời: “Gớm, sao hôm nay rồng lại đến nhà tôm!” để có ý nói bạn là rồng, cao sang quyền quí, thế mà hạ cố đến thăm kẻ hèn này… Trong khoa tướng số, tôi nghe rằng (nhưng tôi không tin) những người sinh năm thìn (rồng) thì thế nào cũng gặp vận may và có cuộc sống vương giả? Trong khoa phong thủy, tức là khoa nghiên cứu về môi trường sinh thái, phương hướng nhà ở, cơ sở làm ăn, nơi kinh doanh thương mại, mồ mả, ruộng vườn… thì nhiều người tin rằng mồ mả tổ tiên mà táng nơi hàm rồng, hay long mạch, thì con cháu phát tài thịnh đạt, quyền quí. Nhưng khi xẻ sông khai mương mà chẳng may chạm vào long mạch, thì đó là điềm xui xẻo cho cả đời. Tóm lại rồng đã đi vào tâm não và cuộc sống của dân tộc.

Rồng trong văn thơ:

Trong kho tàng văn chương bình dân, ta cũng tìm thấy một số câu đề cập đến rồng. Nhìn rồng hút nước để tiên đoán mùa màng:

Rồng đen lấy nước được mùa,
Rồng trắng lấy nước thời vua đi cày.

Dân ca Quan Họ Bắc Ninh có bài tả người vợ chiều chồng, ví nàng như cây quế, nhưng chàng vẫn muốn leo thêm nhiều cây khác nữa, nhưng nàng vẫn chiều, vì chàng là “rồng”!?…:

Rồng leo cây quế
Rồng sang cây liễu
Rồng trèo cây mơ
Ngựa ô yên khấu
Chân giậm bằng vàng
Chân hứng bịt bạc
Bộ nhạc đồng đen
Dây cương nhuộm thắm
Tôi sắm cho chàng
Một bộ quần áo
Cho chàng ăn chơi.

Một anh chàng nọ, vốn có tính nói quanh nói co, khi tán gái thì khoe khoang vung vít, nhưng lại thiếu khôn ngoan, gặp nàng tiểu thơ kiều diễm nhưng có mắt tinh đời, sau vài lần gặp gỡ, nàng bèn bái bai, và tặng chàng một câu thật ý nhị mà cũng đau cả đời:

Rồng nằm bể cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi.

Anh tưởng anh là Rồng, nhưng anh sống trong chẹt đá, mà không sao ra khỏi. Anh cũng chẳng khác khúc gỗ trôi sông, lâu ngày thấm nước, thế là cuộc đời chìm nghỉm xuống đáy sông, như thế mong gì gần được em, chứ đâu chỉ bởi điềm chiêm bao:

Rồng nằm chẹt đá, ná nọ chờ chim,
Gỗ trôi sông, gỗ nặng gỗ chìm,
Anh xa em vì bởi nằm điềm chiêm bao!

Cũng một cung cách như anh chàng trên, tưởng mình là rồng, nhưng chỉ có một cọng rong biển vắt ngang, thế là chàng rồng nằm cứ chịu trận để cho cuộc đời dần dần trôi vào tuyệt vọng, chỉ biết oán than con cá đối nhỏ xíu, mà chẳng hề có một mảy may chủ động vùng lên thoát khỏi cái thế ngủ mê ấy:

Rồng nằm giữa biển rồng than,
Trách con cá đối, nằm ngang mình rồng.

Cũng một cách hát mỉa mai loại rồng đất, rồng giả nhu sau:

Rồng nằm rồng nép bên lăng,
Chim quyên cắn trái ngòai đàng đem dâng.
Mở lời chào bà chủ trong cung,
Dạo chơi đàn địch tay bưng chén vàng.
Bước chân vô lối nhẹ nhàng,
Trai nam nhân chào trước, các nàng chào sau.
Người nào suông sẻ đứng đâu?
Nói cho tôi biết, cất câu tôi hò.

Trong cuộc sống chung đụng giữa xã hội, có người khôn kẻ dại, người nhanh kẻ chậm đó là lẽ thường. Nhưng giữa vợ chồng sống chung mà có nhiều bất hoà, đến nỗi một trong hai người phải than rằng:

Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.

Thì chắc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt rồi, vì không có sự tôn trọng nhau, quí mến cả cái “ngu” của người bên cạnh mới phải lẽ chứ!

Trai Huế vào cưới gái Miền Nam, nơi có Đồng Nai, Nhà Bè, Cửu Long, có ruộng vườn, tưới gội bởi những lớp phù sa màu mỡ, làm nên cuộc tình thơ mộng bền chặt, đầy ắp tình như nước giòng sông. Người trai được đón mời trong câu hò âu yếm của miền nam, tựa như kẻ lạc loài tha phương tìm được bến dựa.

Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai,
Nước sông trong sao lại chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.

Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du cũng đã dùng biểu tượng rồng để chỉ Từ Hải. Khi Kiều gặp Từ Hải, chàng ngỏ lời muốn kết nghĩa tóc tơ, Kiều đã đáp lại:

“Thưa rằng “lượng cả bao dung,
Tấn dương được thấy mây rồng có phen”,

Rồi khi hai người đã tâm đầu ý hợp nên duyên thi:

Trai anh hùng gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.

Khi Từ Hải bị chết oan, tương lai đầy hy vọng chan chứa của Kiều hoàn toàn sụp đổ, nàng đã quyết định chọn sông Tiền Đường làm nơi kết liễu đời mình:

Giữa dòng nước dẫy sóng giồi,
Trước hàm rồng cá gieo mồi thủy tinh.

Vì dưới đáy dòng nước ấy là chốn thủy tề có diêm vương ngự trị, có giao long chờ sẵn, để sớm giúp nàng về bên kia cõi âm nhanh chóng.

Rồng trong Kinh Thánh:

Âu châu nói chung và trong Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo nói riêng, rồng hay mãng xà, coi là sức mạnh của thần dữ, của tội lỗi và ma quỉ, tuy nhiên cách diễn tả hình thù và hoạt động cũng không khác rồng Á Châu bao nhiêu. Ở đây tôi chỉ nhắc vài trường hợp trong Kinh Thánh đề cập đến rồng:

Sách tiên tri Daniel, ở chương cuối cùng có tường thuật như sau: “Bấy giờ có một con mãng xà lớn (great dragon) được dân Babylon sùng bái, vua Cyrus của Ba Tư lúc ấy nói với Daniel rằng: “Người không thể nói đây không phải là một vị thần hằng sống! Vậy hãy thờ lạy ngài đi!” Daniel thưa: “Hạ thần thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của hạ thần, vì Người mới là thần hằng sống. Phần ngài, tâu đức vua, nếu ngài cho phép, thần sẽ giết con mãng xà này mà chẳng cần gươm đao hay gậy gộc.” Vua nói: “Ta cho phép nhà ngươi.” Ông Daniel lấy nhựa dẻo, mỡ và lông thú nấu tất cả với nhau, vo thành những viên, rồi ném vào miệng con mãng xà. Ăn xong con trăn liền nổ bụng chết. Daniel nói đó là thứ các người sùng bái đó. Nghe thế, dân Babylon giân dữ, họ hợp nhau chống lại nhà vua và nói: “Nhà vua đã trở thành người Do Thái mất rồi! Ông đã phá hủy tượng thần Bel, giết xà thần và hạ sát tư tế.” Họ đến gặp vua và nói: “Yêu cầu vua nộp Daniel cho chúng tôi, nếu không chúng tôi sẽ giết vua và cả hoàng gia nữa.” Vua bị dồn ép quá mức đành phải nộp Daniel cho họ”.

Vì trước đó Daniel đã chỉ cho Vua sự việc các tư tế xây đền thờ tượng thần Bel, trong đền có cửa ngõ bí mật, để các tư tế ăn tất cả các của cúng, rồi nói dối vua và dân chúng rằng thần Bel đã dùng các cuả cúng ấy. Sự việc bại lộ, vua đã giết các tư tế và cho phép Daniel phá tượng thần. Mặc dầu Daniel là dân Do Thái, nhưng trong thời gian ấy dân Do Thái làm nô lệ cho Babylon.

Trong sách Khải Huyễn của Thánh Gioan (John), chương 12 viết như sau: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiên trên trời: đó là một con mãng xà đỏ như lửa (rồng đỏ), có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi con mãng xà đứng chực sẵn trước mặt người Nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh xong là nó nuốt ngay người con. Bà đã sinh được một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Nữ thì vào sa mạc, tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Bà một chỗ ở…..

Bấy giờ có giao chiến trên trời: Thiên thần Micae và các thiên thần khác giao chiến với con mãng xà. Con mãng xà và đồng bọn của nó không thắng được các thiên thần. Con mãng xà bị tống ra, đó là con rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỉ hay satan, tên chuyên mê hoặc thiên hạ…..” .

Tiếp theo chương 13 ông viết: “Bấy giờ tôi thấy một con thú từ dưới biển đi lên, no có mười sừng và bảy đầu, trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa. Con thú tôi trông thấy thì giống như con báo, chân nó như chân gấu, mõm như mõm sư tử. Con mãng xà (rồng đỏ) ban cho nó quyền năng và ngai báu của mình. Một trong các đầu của nó dường như đã bị giết chết, nhưng vết tử thương của nó đã được chữa lành. Bấy giờ toàn thể cõi đất thán phục và đi theo con thú. Họ thờ lạy con mãng xà vì nó đã ban quyền hành cho con thú….”

Thánh Gioan là vị tông đồ trẻ nhất trong nhóm 12 người được Đức Giêsu tuyển chọn. Ông đã viết Tin Mừng số 4 và Sách Khải Huyền, những gì ông viết là do thị kiến nên được coi là cuốn sách tiên tri sau cùng trong bộ Kinh Thánh. Ông mất khỏang năm 102 AD.

Trong kinh doanh thương mại, nhãn hiệu rồng đã được cả Đông Tây dùng đến một cách phổ thông. Ta đã nghe đến những con rồng Á Châu để chỉ các nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Hồng Kông và Singapore. Mặc dầu vậy, con Đại Bàng Dollar của Chú Sam đánh cho mấy con rồng ấy trọng thương, con thì sứt móng, con trầy vảy, con thì đứt râu, nay thì đã khá bình phục, và trở nên bạn hữu thân thiềt với Đại Bàng.

Bên xứ ta có nhãn hiệu “Rồng Vàng Bảo Chứng” trên nhiều mặt hàng ở thương trường. Tại Mỹ có hàng trăm công ty lớn nhỏ lấy nhãn hiệu rồng (dragons) để chứng tỏ sức mạnh và tính bền bỉ để quảng bá cho sản phẩm hay dịch vụ của họ.

Tóm lại, rồng không phải chỉ ở Á Châu hay Việt Nam, mà rồng đã có trong lịch sử nhân loại khắp đông tây kim cổ. Ngày nay có rất nhiều người đã bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu về giống vật này, tuy nhiên, những kết quả chưa đưa đến một kết luận nào cụ thể.

Tại Âu Mỹ thì họ xếp loại sinh vật này vào chung nhiều giống gần nhau như kỳ đà, thắn lằn, kỳ nhông, rồng đất, rồng biển…. nhiều loại có cánh bay được. Những loại lớn như khủng long không còn thấy nữa, nhưng những sinh vật nhỏ, chẳng có gì là linh thiêng cả thì có vô số loại.

Ta phải công nhận một điều, đó là cách diễn tả về con vật này cả đông tây đều có nhiều điểm giống nhau, chẳng hạn bên Mỹ có loại hoa gọi là dragonhead (Dracocephalum và Physostegia), hoặc hoa phong lan có tên là Dragons mouth (Arethusa bulbosa), cây Dracaena gọi là Dragon tree. Giống cá chuồn (Pegasus papilio) gọi là dragonfish. Còn Việt Nam ta lại có cây xương rồng, có đậu rồng.

Khoa tử vi tướng số rất xa xưa, trong ấy đã nói đến rồng. Vậy dựa vào đâu để người ta đặt tên có tính biểu tượng rồng như thế? Nếu từ thời thượng cổ không có một sinh vật có hình dáng lạ lùng khác thường, cộng thêm những điều do trí tưởng tượng của con người thêm thắt, từ thời đại này sang thời đại khác diễn tả lại, để chúng ta có một con rồng như hình vẽ ngày nay.

Hy vọng khoa khảo cổ với những kỹ thuật tân tiến ngày nay, sẽ tìm ra để cống hiến cho chúng ta nhiều dấu tích chính xác hơn về rồng, để câu chuyện rồng được thêm phong phú, ly kỳ hơn vào mỗi 12 năm tới.

Đỗ Như Điện

 


Tags: BIÊN KHẢO
Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan