SỐ ĐẶC BIỆT TÂN NIÊN 2024 KÍNH GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA TRUYỆN NGẮN: HAI THẰNG HAI NẺO

 KÍNH GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA TRUYỆN NGẮN: HAI THẰNG HAI NẺO



Truyện ngắn mới: "Hai Thằng Hai Nẻo" (Tháng Mười Một 2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa

  • Hoa Nguyen

Mời đọc truyện ngắn thứ mười tám

trong

loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

 Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

 https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

https://dconnect.co.jp/friend/

 Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 18. Hai Thằng Hai Nẻo

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Hàng năm cứ vào khoảng 30 tháng Tư, tôi và Ân lại liên lạc với nhau.  Ngày đó Ân là sinh viên học với tôi và nay làm việc cho công ty hàng không Boeing ở Everett, Washington.  Ngoài đôi lời thăm hỏi thường tình, chúng tôi buồn bã nhắc lại những diễn biến bi tráng của tháng Tư đau thương ở Sài gòn cũng như tại Đại học Kỹ thuật (“ĐHKT”) thuộc viện Đại học Bách khoa Thủ Đức.  Viện đại học thành hình năm 1973 và gồm bảy phân khoa khác nhau, cả cũ lẫn mới, mà ĐHKT là một.  ĐHKT trước là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật gồm các trường Cao đẳng Công chánh, Cao đẳng Điện học, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Việt nam Hàng hải, và Cao đẳng Hóa học, và năm 1975 vẫn còn tọa lạc ở khuôn viên Phú Thọ.  Trong hệ thống tổ chức mới, Cao đẳng Điện học – trường Điện của tôi – được gọi là Ngành Điện.

Ân là đại úy Không quân được quân đội gửi tới học kỹ sư điện ở trường Điện.  Anh lớn hơn tôi hai, ba tuổi, đô con cao lớn trắng trẻo, chăm học, và lễ phép.  Trong hai năm học giải tích mạch điện với tôi, anh tỏ ra có khả năng và không thua kém các bạn sinh viên trẻ cùng lớp.  Anh thuộc lớp đệ tứ niên được chấm đậu và cấp bằng tốt nghiệp chiều ngày 28 tháng Tư trong phiên họp bất thường của hội đồng giáo sư Ngành Điện mà tôi với tư cách trưởng phòng Giáo sư vụ triệu tập và chủ tọa.

Phiên họp kết thúc, trong lúc các sinh viên khác vây quanh anh giáo sư trưởng phòng Học vụ bồn chồn hỏi việc lãnh phiếu điểm và văn bằng, Ân đứng riêng chăm chú nhìn tôi đến khi tôi trở về văn phòng và bước khuất sau cánh cửa.  Ngay sau đó, tôi rời trường bỏ nước ra đi, theo tàu Hải quân trôi giạt sang trại tạm trú Orote Point trên đảo Guam.  Giữa tháng Sáu, bất ngờ tôi gặp lại Ân ở cuối chuyến bay Northwest Orient từ Guam sang nam California để vào trại tỵ nạn Trại Pendleton; anh đi với cô sinh viên học cán sự điện ở trường Đại học Trung cấp.

Sáu tuần lễ sau, Ân và cô bạn đến lều tìm tôi,

“Tụi tui đến chào từ giã thầy để sáng mai đi tiểu bang Washington định cư.”

“Chúc anh chị may mắn trong cuộc sống mới,” tôi siết chặt tay Ân.

“Là quân nhân, tui đã ngưỡng mộ tinh thần chống Cộng của thầy.  Ai cũng biết trường mình có cả đống Việt Cộng nằm vùng; vậy mà từ đầu tháng Tư, trong những buổi nói chuyện với sinh viên, thầy dám vạch rõ tội ác của tụi Cộng sản miền Bắc và tuyên bố sẽ ra đi bằng mọi giá vì không thể sống chung với tụi nó.  Tui và hai anh bạn sinh viên quân nhân sợ tụi nó làm thịt thầy nên đã thay nhau kín đáo mang súng làm gác đờ co [tiếng Pháp ‘garde du corps’] cho thầy.  Nhất là sau vụ thầy rượt đuổi ông Tuấn, phá vỡ dự định đón chào Việt Cộng của ông ta.

Tuấn làm phụ tá khoa trưởng ĐHKT, anh cùng trang lứa và là chỗ quen biết với tôi.  Sáng thứ Bảy 26 tháng Tư, tôi vào trường mà lòng trĩu nặng.  Cộng quân đang năm ngả tiến về Sài gòn, Quốc hội bàn chuyện đổi thay tổng thống, và thủ đô trong cơn hấp hối.  Một nhóm người đứng tụ tập lố nhố trước Ngành Điện, trường tôi nằm ngay sau cổng chính của khuôn viên ĐHKT.  Tuấn đứng giữa đám đông thúc giục sinh viên lên giảng đường khiêng bục giảng và bàn ghế xuống làm sân khấu.  Nhìn thấy tôi, anh mừng rỡ,

Ba Hoa ra lệnh cho sinh viên giùm.  Tôi biểu mà họ không nghe.”

“Để làm gì?” tôi gằn giọng hỏi.

“Phe bên kia sắp vào rồi.  Phải dựng diễn đài chào mừng họ.  Đây là cơ hội cho mình lập công chuộc tội,” anh phấn khởi trả lời.

“Đ. m. thằng trở cờ, ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản!  Mày mà không cút đi thì tao đánh chết cha mày.”

Tôi giận dữ dùng ngôn ngữ hạ lưu, quên mất mình là giáo sư đứng trước mặt sinh viên.  Tôi xắn tay áo nhào tới; Tuấn sợ hãi bỏ chạy.  Tôi nghe tiếng hoan hô đằng sau lưng – tiếng của Ân và bạn anh.  Đó là lần cuối cùng tôi gặp mặt Tuấn.

* * *

Tuấn sinh năm 1947 trong một gia đình có chín anh em trai.  Thời chiến tranh giữa thập niên 1940, ba mạ anh từ Huế tản cư ra một làng quê Quảng Trị sát biên giới Lào - Việt nghèo khó và hẻo lánh đến nỗi, theo cách nói của người Huế, chó ăn đá, gà ăn muối.  Nơi đây, Tuấn sinh ra, gia đình nghèo đói, và bữa cơm nào cũng độn khoai sắn.  Tuấn kể, “Tôi học vỡ lòng ở đình làng, trẻ con bẻ cành lá quét bụi rồi ngồi học dưới đất.”  Sau đó gia đình anh hồi cư về sống ở Huế.

Tuấn cùng học đệ thất (lớp 6) nhưng khác lớp với tôi ở trường trung học Hàm Nghi Huế.  Trong bốn năm trung học đệ nhất cấp, Tuấn không học giỏi nhất lớp, nhưng được thầy cô thương yêu vì nhà nghèo và hạnh kiểm tốt, trong lúc tôi tứ thời có tên trong bảng phong thần gồm những đứa nghịch ngợm phá phách.  Cuối năm đệ tứ (lớp 9), Tuấn lãnh phần thưởng danh dự toàn trường, mặc dù anh chỉ đứng thứ nhì trong lớp anh, một trong năm lớp đệ tứ của trường.

Sau khi đậu Trung học Đệ nhất cấp, tôi và Tuấn lên đệ tam (lớp 10) trường Quốc Học.  Trường có 13 lớp đệ tam ban B (Khoa học Toán), B1 đến B6 là lớp Pháp văn “sinh ngữ” (ngoại ngữ) chính, và B7 đến B13 Anh văn “sinh ngữ” chính.  Tôi học đệ tam B3, và Tuấn B7.  Trong lớp B3, tôi và thằng bạn thân nhất là Công tự hào học giỏi nhất trường.  Giờ ra chơi, hai thằng dắt nhau đi quanh sân trường luận anh hùng.  Tuấn và những học sinh đệ tam có tiếng học giỏi khác đều bị xếp vào cao thủ hạng ba, nhưng không có hạng nhất hay hạng nhì.  Vì tôi và Công không chắc ai giỏi hơn ai.  Mùa hè cuối năm đệ tam, tôi theo gia đình vào Ban Mê Thuột và học hai năm trung học còn lại ở thành phố cao nguyên đất đỏ.  Cuối năm đệ nhất (lớp 12), ở Quốc Học Công lãnh phần thưởng danh dự toàn trường, và như thể điền vào chỗ tôi trong giới cao thủ, Tuấn đậu thủ khoa kỳ thi Tú tài II ở hội đồng Huế.

Tuấn được cấp học bổng Colombo đi Úc du học.  Tôi cũng được cấp học bổng Colombo đi du học Gia Nã Đại, nhưng không may bị mất học bổng, phải ở nhà, vì thuở trung học Ban Mê Thuột phá phách khiến ông hiệu trưởng thù vặt và báo cáo láo tôi dùng học bạ giả để xin học bổng.  Tuấn sang Úc học ngành khoa học hàng không, tốt nghiệp kỹ sư hạng danh dự, và đáng lẽ phải về nước, xoay xở ở lại học tiến sĩ.  Ở Úc, anh lập gia đình với Liên Kim; nàng đi du học một lượt với anh, học ngành giáo dục, và đậu bằng Tiến sĩ Giáo dục.  Hai người có con trai đầu lòng ở Úc, và khi con lên bốn, Tuấn hoàn tất học trình và đưa vợ con về quê hương.

Liên Kim làm việc ở Tổng cục Phát triển Đầu tư, và Tuấn được bổ nhiệm về ĐHKT.  Về trường giữa niên khóa, anh tạm thời giữ nhiệm vụ phụ tá khoa trưởng trong khi chờ xếp lớp dạy niên khóa tới.  Cuối tháng Ba năm 1975, khi các tỉnh miền Trung lọt vào tay Việt Cộng, anh nhóm họp “ủy ban cứu trợ” nhằm tìm cách giúp đỡ sinh viên mất liên lạc với gia đình ngoài Trung.  Ủy ban họp tất cả hai lần, và tôi đại diện Ngành Điện tham dự.  Không ai có ý kiến phải làm gì vì ủy ban không có lấy một xu hay một mảy may phương tiện để thực hiện bất cứ việc gì.  Tôi về trường Điện, dùng khả năng tài chánh của gia đình mình, và rán sức giúp sinh viên túng thiếu sống qua được bữa nào hay bữa đó.

* * *

Ngày 30 tháng Tư, tiếng súng chưa ngừng hẳn thì Tuấn đã có mặt tại sân trường ĐHKT để hân hoan đón tiếp “ban Quân quản.”  Các cán bộ chân ướt chân ráo trong rừng ra “tiếp quản” ĐHKT và bắt giáo chức tập trung ở rạp hát Thống nhất trên đường Thống nhất để học tập chính trị 30 ngày.  Những bộ óc tinh hoa của miền Nam, bây giờ là bên thua cuộc, biết phận ngồi im thin thít nghe các cán bộ i tờ rít rêu rao như con vẹt những bài tuyên truyền láo khoét.  Tuy nhiên, Tuấn khấp khởi mừng thầm vì không những anh không phải đi trình diện “học tập cải tạo” mà còn được cho trở lại trường dạy học.

Chẳng bao lâu, túng bấn gian nan ập lên đầu mọi gia đình miền Nam.  Sau đợt đổi tiền đầu tiên, Tuấn lãnh lương 75 đồng một tháng, ngang hàng với tên trung úy công an khu vực.  Lương không đủ sống, vợ chồng anh lần hồi bán tài sản dành dụm trong hơn chín năm du học.  Nữ trang, quần áo ấm, máy ảnh, máy chữ, máy hát, tạp chí cũ, v.v. lần lượt ra đi.  Để kiếm thêm tiền cho gia đình chi dùng, Liên Kim đi dạy kèm Anh văn ở tư gia, có nơi ở xa phải đạp xe đi  đến mười cây số.  Ở trường đại học, sau mỗi kỳ nghỉ tết hay nghỉ hè, nhiều giáo sư đồng nghiệp của anh biến mất.  Họ đã vượt biên vì nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng ra đi.  Dù biết vợ con chịu khổ sở cùng cực, Tuấn vẫn giữ lòng trung kiên và nhất quyết trụ lại quê nhà với mạ và anh chị em anh.

Con trai Tuấn sinh ra ở Úc, là công dân Úc, và năm 1992 được sang Úc học.  Đồng thời, Tuấn được học bổng chương trình Kinh tế Fulbright sang Hoa kỳ học Cao học Quản trị Công quyền (Master of Public Administration hay MPA) tại trường Hành chánh Kennedy thuộc Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts.  Chương trình MPA giảng dạy phương cách thiết lập và thi hành chính sách của chính phủ ở các cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương.  Mọi chính sách đều có hai mặt tốt xấu lợi hại, nhà quản trị công quyền cần dung hòa để tìm giải pháp tối ưu cho xã hội.  Thời gian này cũng là lúc tôi trở lại đại học lần thứ hai trên đất Mỹ, học lớp đêm của Đại học North Dakota để lấy bằng MPA, và say mê học hỏi những điều mới mẻ thú vị.

Tuấn về nước với bằng MPA của đại học danh tiếng nhất Hoa kỳ, một nước tự do dân chủ theo chủ nghĩa tư bản với nền kinh tế thị trường.  Anh không thể và sẽ không bao giờ có cơ hội áp dụng kiến thức MPA tại Việt nam, một nước độc tài chuyên chế mà quyền hành tập trung trong tay một nhóm nhỏ ít học, ngu dốt, và quyết định chính sách quốc gia theo tiêu chuẩn đảng trên hết, hay không theo tiêu chuẩn nào cả.  Do đó, anh nhận đứng ra lập chương trình dạy kỹ thuật hàng không tại trường Đại học Bách khoa (tên mới của ĐHKT).  Phấn đấu vượt qua những khó khăn và thiếu thốn, anh là giảng viên duy nhất của “bộ môn” (ban) này trong hai năm đầu tiên và khi chương trình thành hình, được bầu làm “chủ nhiệm” (trưởng ban).  Tuy nhiên, anh bị cách chức “chủ nhiệm bộ môn” ba tháng trước khi hết nhiệm kỳ mà không biết lý do.

Năm 60 tuổi, Tuấn về hưu.  Anh tham gia các hoạt động giáo dục ở hai đại học tư Hoa Sen và Văn lang và thỉnh thoảng công khai phê bình trên báo chí những chính sách kỹ nghệ hàng không thiển cận và ngu xuẩn của Hà nội.  Thí dụ, anh phản đối dự án xây phi trường Long Thành ở Biên Hòa, hay nêu rõ lý do không nên xây phi trường tại một số thành phố nhỏ.  Đó là những dự án bất khả thi về nhiều phương diện.

Việc làm đáng kể nhất của Tuấn là khởi xướng chương trình “Vì Ngày Mai Phát triển” của báo Tuổi Trẻ bắt đầu từ năm 1988.  Trước sau chương trình đã tặng 60,000 học bổng cho học sinh và sinh viên.  Trong những năm sau này, anh kêu gọi bạn bè và học trò cũ ở ngoại quốc đóng góp vào chương trình “Tiếp Sức Đến Trường” tặng học bổng cho sinh viên vừa lên đại học ở Huế và tỉnh Thừa Thiên, cái nôi của đời anh.  Khi có người hỏi Liên Kim anh về hưu làm gì cho hết ngày, nàng trả lời, “Ảnh vận động xin tiền cho học bổng.”

Đầu thập niên 2020, tôi tình cờ biết tin Liên Kim qua đời sau ba năm chống chõi với bệnh ung thư, và gửi điện thư chia buồn với Tuấn.  Anh viết trả lời, cám ơn và nói,

Tôi vẫn nhớ Ba Hoa từ lúc học Hàm Nghi và đến lúc dạy ở trường Điện.  Cuối tháng Tư năm 1975, Ba Hoa còn đến nhà rủ tôi đến chỗ hẹn để đi, nếu muốn.  Có phải hồi đó trực thăng đón Ba Hoa trong trường Phú Thọ không?

Không hiểu vì sao Tuấn lại nghĩ ngày đó tôi giữ một vai trò bí mật nào đó, của sở Trung ương Tình báo Hoa kỳ CIA chẳng hạn, quan trọng đến nỗi trực thăng phải vào tận trường đón đi di tản.  Hai thằng hai nẻo, tôi thấy không cần cải chính nên không trả lời.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 8 tháng Mười Một, 2023

 


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan