SÔ ĐẶC BIỆT TẾT GIÁP THÌN KÍNH GIỚI THIỆU NHIỀU TRUYỆN NGẮN HAY CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA
SÔ ĐẶC BIỆT TẾT GIÁP THÌN KÍNH GIỚI THIỆU NHIỀU TRUYỆN NGẮN HAY CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA
Mời đọc truyện
ngắn thứ mười lăm
trong
Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":
https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html
https://dconnect.co.jp/friend/
***
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa
Mark đậu kỹ sư tại Đại
học Minnesota ở Minneapolis. Hồi đó, ban ngày anh đi học, ban đêm lái tắc-xi
kiếm sống, và nay đang học lớp đêm trong chương trình cao học kỹ thuật điện.
Anh là người Mỹ duy nhất tỏ thái độ lễ phép theo lối đông phương với tôi.
Khi đưa cho tôi một vật gì, anh cầm hai tay và hơi cúi đầu xuống. Mỗi khi
tôi yêu cầu anh làm điều gì, anh nghiêm nghị trả lời, “Yes, Sir!” Ban đầu,
tôi tưởng anh đùa, nhưng ít lâu sau hiểu ra: Anh kết hôn với Miki, cô bạn
học cùng trường cha mẹ là người Nhật và đang làm việc cho hãng luật. Ở
Minneapolis, Mark tình nguyện đưa đón tôi ở phi trường và làm tài xế đưa tôi đi
đó đây nên tôi thường ăn tối với vợ chồng Mark và trò chuyện với anh như bạn
tâm giao.
Mark có hoài bão lớn,
không muốn nằm gí ở MAPP tương đối ít có cơ hội thăng tiến. Anh nghĩ ra
cách tạo danh tiếng cho mình để dễ kiếm chức vụ cao hơn trong kỹ nghệ điện lực:
viết bài khảo cứu gửi đăng trên IEEE Transactions, tạp chí kỹ thuật xuất
bản định kỳ của IEEE (Hội Kỹ sư Điện và Điện tử thế giới). Tạp chí này rất
kén chọn và chỉ đăng những bài khảo cứu có giá trị, thường từ 15 đến 20 phần
trăm các bài nhận được, nên anh cần tôi. Anh tham khảo với giáo sư ở Đại
học Minnesota, đề nghị đề tài khảo cứu, và cùng tôi phác thảo cách thức nghiên
cứu.
Tôi đệ trình dự án để
ủy ban chính thức đứng ra thực hiện. Với thẩm quyền của MAPP, Mark gửi data
request (thư yêu cầu cung cấp dữ kiện) đến các công ty hội viên, họ có bổn
phận thu thập và cung cấp dữ kiện mà MAPP đòi hỏi. Có đủ dữ kiện cần thiết,
anh làm việc ngày đêm và cuối tuần để tính toán và phân tích – một công việc
không phải dễ dàng hay đơn giản – và trình bày kết quả. Ủy ban duyệt lại,
thêm ý kiến, và sau cùng hoàn tất và ấn hành phúc trình kỹ thuật chính thức của
Tổ hợp MAPP.
Dựa vào phúc trình
này, Mark viết bài khảo cứu và gửi đến IEEE Transactions; tác giả là các
thành viên của ủy ban với tên Mark (thư ký) hay tôi (chủ tịch) thay nhau đứng
trước, tức là tác giả chính. Bài của chúng tôi thường được chọn đăng với
lời khen ngợi của hội đồng tuyển chọn. Trong lịch sử MDU, tôi là nhân
viên duy nhất của công ty có bài đăng trên tạp chí kỹ thuật có uy tín
khắp thế giới này. Do đó, khi tôi có bài được chọn đăng và muốn trình bày
ở hội nghị IEEE tổ chức nửa năm một lần, kỳ mùa hè và kỳ mùa đông, công ty sẵn
lòng gửi tôi đi dự và đài thọ chi phí di chuyển và ăn ở cho suốt một tuần lễ.
Tháng Mười năm 1987,
tôi dự hội nghị IEEE kỳ mùa đông ở Vancouver, Gia Nã Đại; lần đầu tiên tôi đến
thành phố tuyệt đẹp, khoảng khoát, và có hơn một nửa dân số là dân tứ xứ
này. Hội nghị khai mạc suôn sẻ sáng thứ Hai, nhưng cuối ngày Mark báo cho
tôi một tin đáng lo: Thị trường chứng khoán sụp đổ, trong một ngày chỉ số
Dow Jones tụt xuống 508 điểm hay 22.6 phần trăm (mức suy sụp lớn nhất trong lịch
sử), và đồng Mỹ kim mất giá hơn 30 phần trăm so với đồng Gia kim. Số tiền
tôi mang theo để trả khách sạn và ăn uống chỉ còn 70 phần trăm so với hôm trước.
Suốt tuần, tôi lo ngay ngáy sợ không đủ tiền nên ăn uống rất dè xẻn và ban đêm
không dám gọi điện thoại viễn liên quốc tế (tính vào hóa đơn khách sạn) cho Quỳnh
Châu như thường lệ. Dĩ nhiên, tôi cũng . . . quên mang quà ngoại quốc về
cho nàng và bé Mạc. Đó là lần cuối cùng tôi dự hội nghị IEEE.
Khoảng một năm sau,
Mark gọi điện thoại báo tin sẽ rời MAPP để làm việc cho Viện Nghiên cứu Điện
năng (EPRI) ở Palo Alto, một thành phố nhỏ ở bắc California nổi tiếng trí thức
với mật độ PhD cao nhất Hoa kỳ. EPRI là một cơ quan độc lập được các công
ty điện lực và cơ quan chính phủ tài trợ để nghiên cứu phương pháp giải quyết
các trở ngại kỹ thuật hiện tại trong ngành điện lực. Mark tháo vát, chịu
khó, và thấu đáo nên được thăng chức nhanh, chẳng bao lâu làm giám đốc mại dịch
có nhiệm vụ quản cố và cấp môn bài sử dụng sản phẩm của EPRI.
EPRI nổi tiếng trên thế
giới nhờ đi tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển các chương trình điện
toán tân kỳ, nổi bật nhất là Hệ thống Giải tích sự Bành trướng Hệ thống Phát Điện
(EGEAS) gồm năm chương trình điện toán liên kết với nhau. EGEAS có thể
dùng để tìm giải pháp tối ưu cho hệ thống phát điện của một công ty điện lực lớn:
trong vòng 20 hay 30 năm tới, nên xây nhà máy điện loại nào, công suất bao
nhiêu, vào thời điểm nào, v.v. để đáp ứng thích hợp nhu cầu dùng điện của khách
hàng với tổn phí thấp nhất.
Ở MDU, tôi dùng EGEAS
để hoạch định hệ thống phát điện tương lai và tuy không còn gặp Mark ở MAPP, gặp
lại anh trong các cuộc hội thảo hàng năm về EGEAS do EPRI tổ chức. Cuối mỗi
cuộc hội thảo, trước khi chia tay, chúng tôi cố gắng dành cho nhau một buổi tối
để hàn huyên tâm sự. Một dịp như thế xảy ra vào mùa hè cuối thập
niên 1990 ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tôi cùng anh đến nhà hàng The Salt
& Pepper Line bán hàu sống và đồ biển nấu theo kiểu New England, ngồi ăn ở
sân gỗ có lan can nhìn ra sông Potomac, và nghe anh kể chuyện đi công tác Hà nội.
* * *
Mùa thu năm trước,
qua tòa Đại sứ Hoa kỳ tại Hà nội, chính phủ Việt Cộng bắn tiếng muốn mua EGEAS
để dùng trong việc “quy hoạch.” EPRI không mấy sốt sắng về chuyện để hạt
châu sản phẩm trí tuệ của mình lọt sang thế giới Cộng sản, nhưng vì bộ Ngoại
giao Hoa kỳ thúc giục, phải gửi Mark sang Hà nội thăm dò và quyết định có nên
bán EGEAS cho Tổng Công ty Điện lực Việt nam (“TCTĐLVN”) hay không. Mark
đã đi qua nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Hà nội là lần đầu. Như mọi
khi, anh xem mục “Traffic Regulations” (Luật lệ lưu thông) của quốc gia sắp tới
trong sách hướng dẫn du lịch. Thường mục này liệt kê những điều như:
lái xe theo chiều lưu thông bên tay phải, được phép quẹo phải lúc đèn đỏ,
cấm bấm còi trong khu dân cư sau 9 giờ đêm, v.v. Nhưng khi nói về Hà nội,
sách ghi ngắn gọn,
Traffic
Regulations: None (chẳng có gì cả)
Thật vậy, buổi sáng đầu
tiên từ trong khách sạn bước ra lề đường, Mark chóng mặt với dòng xe cộ chạy
như mắc cửi. Phần lớn là xe gắn máy và xe đạp, có vài chiếc xe
hơi, và mạnh ai nấy chạy và bóp còi tin tin liên tục mà không cần ai
nghe. Ai nấy đều mặt lạnh như tiền, nhìn thẳng về phía trước, và không mảy
may đếm xỉa tới anh chàng ngoại quốc đang lính quýnh giợm bước xuống đường nhiều
lần. May thay có thằng bé ôm chồng báo đến mời anh mua. Anh ra hiệu
nói sẽ mua hết chồng báo, nếu nó dắt anh sang bên kia đường. Anh trả cho
nó số tiền tương đương với năm đô la và không lấy báo.
Đầu tiên, Mark họp với
người đàn ông trung niên, ăn mặc chững chạc, và có chức tước dài ngoằng mà anh
“dịch” ra là phó tổng giám đốc (“PTGĐ”) kỹ thuật của TCTĐLVN và một số kỹ sư dưới
quyền ông ta. Họ biết tiếng Anh, không giỏi, nhưng đủ để hai bên hiểu
nhau. Mark trả lời thỏa đáng mọi câu hỏi về EGEAS và cuối cùng đưa ra giá
môn bài như sau. Ở Hoa kỳ, EPRI định giá dựa trên hai yếu tố: công
ty lớn hay nhỏ (dựa theo tổng số công suất phát điện), và công ty là hội viên
EPRI (đóng niên liễm hàng năm) hay không. Với một công ty nhỏ; nếu là hội
viên, EPRI tính $10,000; và nếu không phải là hội viên, EPRI tính
$50,000. EPRI dự định sẽ đặc biệt tính giá sau với TCTĐLVN. Mark rời
Hà nội, trong cặp có tờ letter of intent (thư giao hẹn mua) do ông PTGĐ
ký.
Tuy nhiên, sau đó Hà
nội trở mặt, cò kè bớt một thêm hai. Đồng thời, bộ Ngoại giao Hoa
kỳ làm áp lực đòi EPRI giảm giá với lý do Việt Cộng là nước chậm tiến, thiếu
ngoại tệ, cần tiền mua thêm máy và dụng cụ điện toán để chạy EGEAS, v.v.
EPRI nhân nhượng và bớt giá xuống $25,000. Sau khi hai bên thỏa thuận về
mọi điều khoản giao ước, để xác nhận, EPRI gửi bằng điện thư bản hợp đồng không
có chữ ký cho ông PTGĐ TCTĐLVN. Mark trở lại Hà nội với hai bản hợp đồng
chính thức in trên giấy mang chữ ký của PTGĐ EPRI, sếp của anh.
Ông PTGĐ TCTĐLVN chỉ việc ký vào cả hai bản, gọi là execute the contract
(thi hành hợp đồng), một bản ông giữ và một bản giao cho Mark. Anh sẽ
trao cuộn băng từ tính chứa những chương trình điện toán EGEAS và một bộ dữ kiện
mẫu, và việc giao dịch sẽ kết thúc.
Nhưng sự đời ở Hà nội
không giản dị như thế. Vừa đến trụ sở TCTĐLVN, Mark được mời ra một nhà
hàng rất sang trọng để ăn trưa với hơn ba chục nhân viên TCTĐLVN; họ chiếm trọn
cả nhà hàng, không cho tiếp thực khách khác. Sơn hào hải vị ê hề; bia và
rượu mạnh rót tuôn ra như nước lã, nhưng Mark từ chối không uống vì EPRI cũng như
những công ty Hoa kỳ khác cấm ngặt uống rượu trong khi làm việc. Sau bữa
tiệc trưa gần ba tiếng đồng hồ, Mark được đưa về họp riêng với người đàn ông trạc
ngũ tuần, gầy gò, và mang chức tước dài lòng thòng tương đương với tổng giám đốc
TCTĐLVN với sự hiện diện của thông dịch viên và ông PTGĐ. Ở đây, mọi đối
thoại đều qua thông dịch viên; ông sếp sòng nói,
“Chúng tôi quyết định
sẽ trả các anh $50,000, thay vì $25,000 như đã thỏa thuận. Nhưng đó là số
tiền ghi trong hợp đồng. Thực tế, các anh sẽ nhận được $25,000.”
“Nhưng . . .,” Mark lắp
bắp; anh hiểu là chính phủ Việt Cộng sẽ chính thức xuất quỹ $50,000, và bọn người
thối nát sẽ giữ lại $25,000 chia nhau bỏ túi.
“Tôi biết Hoa kỳ có
luật cấm ngặt nhân viên nộp tiền hối lộ cho viên chức nước ngoài để đạt được
hay duy trì công chuyện làm ăn,” ông PTGĐ cười nụ giải thích, “Trước hết, các
anh không hối lộ; tiền của chúng tôi, chúng tôi giữ lại mà thôi. Thứ hai,
các anh không hề ra công tìm kiếm công chuyện làm ăn; chính chúng tôi tìm đến
các anh.”
“EPRI có thể không bị
truy tố bởi Đạo luật về Tập tục Thối nát tại Ngoại quốc năm 1977 như ông nói,”
Mark lấy lại bình tỉnh, “Nhưng nếu hợp đồng ghi $50,000 mà tôi chỉ mang về
$25,000 thì chính tôi không những sẽ mất việc mà còn bị tù về tội biển thủ hay
gian lận sổ sách. Tôi rất tiếc không thể tuân lời.”
“Nếu vậy, anh có quyền
về tay không. Nhưng nói cho anh biết, chúng tôi sẽ có cách để có chương
trình điện toán đó,” ông sếp sòng nói chắc nịch.
Ông Việt Cộng không
nói suông. Lúc Mark ra phi trường Nội Bài bay về Mỹ, hành lý của anh bị
khám xét kỹ lưỡng, và cuộn băng từ tính chứa EGEAS bị tịch thu “vì lý do an
ninh.”
* * *
Tôi thủng thẳng bưng
ly Coca-Cola lên miệng uống chờ đoạn kết. Tôi không tin một người thông
minh có tài xoay xở như Mark lại để cho bọn Hà nội cướp giật lưu manh như thế.
Anh cười cười,
“Tôi nhớ anh luôn
luôn nói Cộng sản là bọn người gian xảo nhất trần đời nên trước khi đi, dàn xếp
với bộ Ngoại giao nhờ gửi cuộn băng EGEAS và sách hướng dẫn sử dụng về tòa đại
sứ ở Hà nội bằng tín hàm ngoại giao. Vi-Xi ký hợp đồng và trả tiền
sòng phẳng thì mới tiền trao cháo múc.”
“Còn cuộn băng bị
chúng cướp thì sao?”
“Cuộn băng đó, tôi
mang theo mình để làm cảnh. Nó chỉ chứa bộ dữ kiện mẫu để chạy thử.”
Tôi hình dung bộ mặt
tiu nghỉu của mấy anh Việt Cộng tham nhũng khi biết mình bị tổ trác.
Thấy Mark là người đàng hoàng tử tế nên cứ tưởng bở!
Nguyễn Ngọc Hoa
***
Truyện ngắn mới:
"Người Đẹp Trong Tranh" (Tháng Mười 2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa
Hoa Nguyen
<hoavnguyen47@gmail.com> wrote:
Mời đọc truyện
ngắn thứ mười sáu
trong
loạt truyện "Ra
Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.
Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":
https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html
https://dconnect.co.jp/friend/
Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.
***
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày tôi là sinh viên trường kỹ sư dạy kèm cho cô nữ sinh Gia Long thùy mị dễ thương Quỳnh Châu, nàng hay kể những buổi hẹn hò hứng thú của Giáng Lê bạn nàng và họa sĩ Nguyên Đài nổi tiếng. Có lẽ nàng kể để kín đáo khuyến khích tôi tiến xa hơn về mặt tình cảm, nhưng tôi giả bộ ngu ngơ không đáp ứng. Trong khi Giáng Lê công khai sa mê Nguyên Đài bằng mối tình cuồng nhiệt, tôi yêu Quỳnh Châu bằng mối tình câm, không dám và không thể thố lộ. Vì chỗ dạy kèm là phương tiện sinh sống và tự ái thanh niên không cho phép tôi lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi để chiếm quả tim cô học trò ngây thơ. Vả lại, nàng là em bạn tôi, tỏ tình mà không được đáp lại thì không những khổ đau vì tình mà còn mất bạn. Sau gần chín năm làm quân tử gàn, tôi xăm mình tỏ tình lần đầu tiên bằng cách xin bàn tay nàng, và một tháng sau, chúng tôi lấy nhau, cưới hỏi cùng ngày. Giáng Lê và Nguyên Đài đã nên duyên vợ chồng từ lâu.
Nguyên Đài sinh năm
1939 ở phố Thu Xà tỉnh Quảng Ngãi và là con trưởng trong một gia đình sáu anh chị
em. Ông chọn bút hiệu “Nguyên Đài” một cách tinh nghịch và lạ đời:
lật tự điển cầu âu hai lần, lần đầu bắt gặp chữ “Nguyên,” và lần sau bắt gặp chữ
“Đài.” Ông lớn lên ở Sài gòn, theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Gia Ðịnh,
rời trường trước khi tốt nghiệp, và là hội viên sáng lập và tổng thư ký hội Họa
sĩ Trẻ Việt nam (“HHSTVN”) thành lập năm 1965. Đến với HHSTVN, ông mang
theo tầm vóc của một họa sĩ từng có tác phẩm trong nhiều cuộc triển lãm cá nhân
và chiếc huy chương bạc đoạt được trong cuộc triển lãm Hội họa Mùa Xuân
1961. Ngoài lãnh vực hội họa, ông viết văn và làm thơ, cho xuất bản tập
truyện ngắn Sợi Tóc Ngàn Năm, và giữ phần trình bày và minh họa các tác
phẩm tiền chiến do nhà xuất bản Cảo Thơm in lại. Giữa những hoạt động sôi
nổi, ông bất thần quay về sống ở Quảng Ngãi để, theo lời ông, trốn quân dịch và
tránh né ái tình.
Trước đó, có lần
Nguyên Đài mang tới phòng triển lãm bức tranh ưng ý nhất trong số hơn một trăm
bức tranh đã vẽ tựa là “Chân Dung của Lê.” “Lê” ở đây có lẽ là người đàn
bà mà ông về Quảng Ngãi trốn lánh vì lúc này Giáng Lê còn là cô bé học lớp 1 tiểu
học. Mười năm sau, do định mệnh đẩy đưa, Giáng Lê và Quỳnh Châu tò mò lạc
bước vào phòng triển lãm của Trung tâm Văn hóa Pháp đang chưng bày tranh các họa
sĩ trong HHSTVN. Hai cô mải mê xem tranh cả buổi; trên đường về, Quỳnh
Châu bình phẩm,
“Hội ‘Họa sĩ Trẻ’ mà
sao thấy toàn ông già, ông nào ông nấy già cúp bình thiếc?”
Giáng Lê đâm ra mê
tranh Nguyên Đài rồi yêu luôn tác giả, bất chấp sự chênh lệch đáng kể về
tuổi tác. Dù bị gia đình cấm đoán, cô thường trốn học và bỏ đi
lễ nhà thờ để đến nơi hẹn hò với ông. Ông đưa cô đi ăn phở bình dân, uống
nước mía lề đường, và lặng yên nhìn cô hồn nhiên ăn uống. Họ cùng nhau đến
phòng triển lãm La Dolce Vita trong khách sạn Continental, nơi trưng bài những
tác phẩm do HHSTVN tuyển chọn. Cô riu ríu theo ông ra quán cà-phê vỉa hè ở
góc đường cạnh phòng triển lãm, quán La Pagode ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự
Do, hay quán cà-phê Givral ở góc đường đối diện với khách sạn Continental để ngồi
trong màn khói thuốc dày yên lặng nghe ông và đôi ba anh bạn nghệ sĩ nói huyên
thiên về tác phẩm đang hay sắp thành hình. Cô đến căn gác trọ của ông và
ngoan ngoãn ngồi làm mẫu cho ông vẽ. Bức tranh ấy được ông quý báu nâng
niu trong suốt quãng đời còn lại.
La Pagode là nơi lui tới ưa chuộng của ký giả và văn nghệ sĩ Sài gòn, hầu hết thích phô trương và ngồi ngắm thiên hạ mà lại nghèo nên đến quán chỉ mang theo (hay chỉ có) số tiền vừa vặn đủ trả cho thức uống sẽ gọi. Một chiều Chủ Nhật, Giáng Lê trốn đi lễ nhà thờ đến La Pagode với Nguyên Đài, có bạn ông là thi sĩ Trần Anh Tuấn. Cô gọi món sữa tươi độc đáo của quán và uống cạn ly khá nhanh, nhà thơ làm màu hỏi cô có muốn uống thêm không, và cô thích sữa nên ngây thơ dạ. Áng chừng đến giờ tan lễ, cô giục Nguyên Đài ra về, nhưng ông cứ lần chần, không gọi bồi tính tiền. Sau này cô khám phá ra vì ly sữa uống thêm mà ông phải ngồi làm va li trong quán, trong khi bạn ông hớt hơ hớt hải chạy qua nhà sách Khai Trí bên đại lộ Lê Lợi tìm người quen hỏi mượn tiền.
Giống như nàng Giáng
Kiều trong truyện Bích Câu Kỳ Ngộ từ trong tranh bước ra làm vợ chàng
thư sinh Tú Uyên, Giáng Lê bước ra khỏi gia đình làm vợ Nguyên Đài. Họ sống
rất hạnh phúc và có ba đứa con tuyệt vời: cu Bi, bé Búp, và bé Sài
gòn. Sau năm 1975, nghệ thuật hội họa thực sự không còn đất sống, ông xoay
qua làm tranh sơn mài bán cho du khách và xuất cảng, tương đối đủ sống. Vợ
chồng ông có khả năng thỉnh thoảng mời vài ba người bạn văn nghệ sĩ nghèo xác
xơ đến nhà họp mặt và chia xẻ bữa cơm chiều đạm bạc. Những dịp gặp nhau,
cả bọn cùng nhau đờn ca xướng hát và ngâm thơ cho quên bớt cuộc sống nhọc nhằn
của thời kỳ bao cấp, và nàng mãi mãi là “người đẹp trong tranh” trong
lòng bạn bè văn nghệ sĩ.
Nguyên Đài và gia
đình vượt biên và định cư tại San Diego ở nam California. Cuối thập niên
1990, ông qua đời năm 60 tuổi, khi các con bắt đầu khôn lớn và Giáng Lê, người
bạn đời tri kỷ trong 25 năm dài, còn là một thiếu phụ trung niên trẻ
đẹp. Mãn tang chồng, nàng gặp điêu khắc gia và họa sĩ Phan Thái Trang
cùng trang lứa và quyết định đi thêm bước nữa. Có một điều không được như
ý: Anh ở tận bên Gia Nã Đại. Nàng phải rời San Diego, xa con, và
sang xứ “đất lạnh tình nồng” cho cuộc sống lứa đôi mới.
* * *
Trang sinh năm 1955 tại
làng Long Cang bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc tỉnh Long An và sống với ông bà nội.
Từ ngày còn bé, anh đã có khiếu dùng đất sét nắn đồ chơi và các vật chung
quanh. Năm lên tám, anh theo ông bà tản cư lên Sài gòn, học trung học ở
trường Pétrus Ký, và ngoài giờ học, học thêm kỹ thuật vẽ. Anh thi đậu
vào trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Gia Ðịnh và mất sáu năm mới tốt nghiệp vì năm
1975, khi Việt Cộng vào, trường sở đóng cửa hai năm cho sinh viên học tập chính
trị. Vài tháng sau khi ra trường, anh tìm đường vượt biên, đến trại tỵ nạn
Songkhla ở Thái Lan, được Gia Nã Đại tiếp nhận, và định cư ở Toronto. Ở
đây, anh không ngừng vẽ tranh và nắn tượng và được nhiều người biết tiếng,
nhưng đó chỉ là nghề tay trái. Nghề chính là trang trí nhà cửa, và anh
khá thành công về mặt tài chánh.
Ngày đến với Giáng
Lê, Trang lận lưng hai tờ giấy giá thú hết hiệu lực với hai bà vợ người Việt.
Bà thứ nhất sống ở Hoa kỳ với cô con gái. Bà thứ hai sống ở Toronto, có
hai đứa con trai, và sau khi ly dị, đi học lấy bằng dược sĩ rồi kết hôn với một
người đàn ông gốc Trung Đông. Trang tỏ ra là người đàn ông cứng cỏi và có
bản lĩnh: giận hai bà mẹ bẩy gan, không đếm xỉa tới ba đứa con, và không
thèm cấp dưỡng cho chúng. Anh rước cô dâu mới về dinh là ngôi nhà
lớn trên đồi ở thị trấn nghỉ mát mùa hè East Gwillimbury cách Toronto khoảng 60
cây số về hướng bắc. Ngôi nhà do anh tự xây và trang trí, mặt tiền dựng cột
điêu khắc giống như trụ đền Parthenon ở Athens, thủ đô Hy Lạp; đền xây vào thế
kỷ thứ năm trước Tây lịch và trước kia dùng thờ nữ thần Athena.
Trong cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ, Trang nổi tiếng nhờ tác phẩm “Thuyền Nhân.” Đó là tượng mẹ bồng con bằng đồng lớn bằng người thực dựng ở đài tưởng niệm “những người đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do” ở Ottawa, thủ đô Gia Nã Đại, vào ngày 30 tháng Tư năm 1995. Hai mươi năm sau, Trang và 12 nhân sĩ người Việt khác ở vùng Toronto đứng ra vận động xây cất một tượng đài thuyền nhân quy mô để tri ân nhân dân Gia Nã Đại đã nhận lãnh và đùm bọc thuyền nhân trong mấy mươi năm qua. Trong đơn xin đất và giấy phép ở Mississauga, một thành phố lân cận của Toronto, nhóm người này dùng hình của pho tượng để bàn bằng thạch cao của anh để mô tả tượng đài. Tuy nhiên, không ai thích mẫu tượng này vì nét mặt của hai vợ chồng và đứa con trai trong tượng trông ghê rợn như thể họ đã chết bạo chết thảm. Nhưng anh cương quyết, “Tôi là nghệ sĩ đã cảm xúc như vậy. Nó phải như vậy, không thể đổi khác.”
Sau nhiều tháng tận lực
làm việc, nhóm vận động được thành phố Mississauga chấp thuận và dành cho khoảnh
đất trước thư viện Burnhamthorpe để làm tượng đài. Khi họ nhóm họp cộng đồng
để bầu ban quản trị Ủy ban Vận động Xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân (“UBXDTĐTN”)
để phân nhiệm, gây quỹ, và xúc tiến xây cất, Trang không tham dự. Anh nói
UBXDTĐTN đã dùng mẫu tượng của anh để xin đất và giấy phép và do đó bắt buộc phải
dùng mẫu tượng đó. Anh lại đòi giá trên trời – 150,000 Gia kim, vượt xa
khả năng gây quỹ của UBXDTĐTN. Hơn nữa, anh nhất định bán tượng chứ không
bán tác quyền và sẽ dành quyền đúc thêm tượng đem bán cho nơi khác. Chính
quyền thành phố Mississauga không chấp nhận điều này vì theo hợp đồng và giấy
phép, cộng đồng Việt nam sẽ cho đứt tượng đài, kể cả pho tượng đồng, làm quà tặng
cho thành phố. Do đó, ủy ban bác bỏ đòi hỏi của anh.
Anh khiếu nại với
thành phố Mississauga và tự nhận mình, không phải UBXDTĐTN, là đại diện hợp lệ
của cộng đồng, nhưng chỉ mất công toi vì không thể chứng minh khả năng gây quỹ
xây cất tượng đài. Anh uất ức quậy tùm lum, gửi bài đăng trên các
báo Việt ngữ và post bài lên website cũ của nhóm vận động đầu tiên
trách mắng UBXDTĐTN, và trở thành black sheep (“con cừu ghẻ”) của cộng đồng.
Đường ta, ta cứ đi, UBXDTĐTN tiến hành bằng cách mở cuộc thi mẫu tượng và
trao giải 30,000 Gia kim cho tác phẩm xuất sắc nhất sẽ dùng cho tượng đài.
Trang đặt hy vọng vào
một dự án khác mà anh cho là sáng giá hơn tượng đài Mississauga nhiều.
Trong hơn mười năm, một nhóm nhân sĩ người Việt ở nam California vận
động gây quỹ thành lập Nghĩa trang Biên Hòa Hải ngoại (“NTBHHN”). Một người
cầm đầu ủy ban vận động xây dựng là bác sĩ và ca sĩ Chung
Trinh, một người hâm mộ Trang hết mình. Qua nhiều lần
gây quỹ trên đài truyền hình và trong các buổi đại nhạc hội, cuối năm 2012 ủy
ban mua được khu đất 55 mẫu Anh ở gần Adelanto, một thành phố ở nam California
thuộc vùng sa mạc Mojave, để làm đất nghĩa trang. Adelanto cách Los
Angeles khoảng 85 dặm Anh về hướng đông bắc.
Theo chương trình dự
trù, NTBHHN sẽ tái tạo pho tượng “Thương Tiếc” của điêu khắc gia Nguyễn Thanh
Thu ở Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa trước năm 1975, dựng nhiều tường đá đen khắc
tên các chiến sĩ đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, và tạc tượng năm vị tướng tuẫn
tiết ngày 30 tháng Tư năm 1975: Nguyễn Khoa Nam, Phạm văn Phú, Lê văn
Hưng, Trần văn Hai, và Lê Nguyên Vỹ. Nếu và khi hoàn tất, dự án này sẽ
là ngón đòn song chỉ chọc sâu vào cặp mắt của Hà nội.
Trang bay xuống San
Diego gặp Chung Trinh để thảo luận dự án NTBHHN. Ông này rất bi quan về
việc gây quỹ và cho biết ủy ban vận động cao tay lắm là trả được một phần
rất nhỏ giá tiền anh đòi cho việc thực hiện công tác điêu khắc.
Trong khi nhà điêu khắc quá lục tuần thất vọng tràn trề, một người
đàn bà khoảng dưới 40 tuổi tìm cách làm quen với anh và cho biết đã hâm mộ tài
năng của anh từ lâu. Nàng ở Đà Nẵng sang Hoa kỳ du lịch, khá đẹp, độc
thân, và ăn nói duyên dáng. Nàng hết lòng chiều chuộng và dâng hiến, và rủ
anh về Sài gòn sống cho . . . sướng đời. Anh ừ liền cái rụp
và bay thẳng từ San Diego về Sài gòn, không thèm trở lại Gia Nã Đại. Ngôi
nhà to lớn ở East Gwillimbury, anh nhờ người anh ruột bán giùm. Hớn hở
đút đầu vào vòng dây thòng lọng êm ái của Hà nội.
Giống như nàng tiên
Giáng Kiều trong tích xưa, Giáng Lê không thể bước vào lại trong tranh.
Nàng bay về chốn cũ, giận căm kẻ phàm phu tục tĩu, và sống lại những ngày thần
tiên hạnh phúc của một kiếp xa xưa.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 18 tháng Mười, 2023
***
Truyện ngắn "Đôi
Bạn Đôi Đường" (Tháng Giêng 2014) -- Nguyễn Ngọc Hoa
Mời đọc truyện
ngắn thứ mười bảy
trong
loạt truyện "Ra
Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.
Truyện ngắn "Đôi Bạn Đôi Đường" được viết cách đây đúng mười năm, đã phổ biến vài lần trước đây, và cũng đã được nhiều thân hữu ưa thích, nhưng chúng tôi đã ngần ngại không dùng trong các Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa bởi lẽ truyện ngắn này dài hơn giới hạn 2,500 chữ mà chúng tôi tự đặt ra cho các truyện ngắn được ấn hành của mình. Nay xin có một ngoại lệ vì người bạn chúng tôi, nhân vật chính trong câu chuyện kể lại, vừa qua đời tháng Mười vừa qua. Để tưởng niệm một người bạn thân trên 60 năm qua.
https://dconnect.co.jp/friend/
Trước thềm năm mới,
xin chúc quý thân hữu và quý quyến một năm Giáp Thìn dồi dào sức khỏe, đầy
may mắn, và thịnh vượng.
***
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa
Giữa tháng Mười, thời tiết North Dakota chớm vào cuối thu và buổi sáng se lạnh. Đã đến lúc vợ chồng tôi về Texas tạm trú qua mùa đông. Tôi háo hức vì sắp gặp người bạn thân là Công ở Dallas nằm trên đường di chuyển bắc - nam. Tôi gọi Công trên điện thoại di động,
“Mày đang ở đâu? Tuần sau tao ghé
Dallas, gặp nhau được không?”
“Tau đang ở Wichita Falls, cách nhà
chừng ba tiếng đồng hồ,” Công điềm đạm trả lời, khác hẳn giọng
nói hấp ta hấp tấp của tôi.
“Khi nào về nhà?”
“Không biết, nhưng chắc còn lâu lắm,” vẫn
cái giọng trầm đều, không cảm xúc.
“Mày làm gì ở đó?”
“Tau đang ở chùa,” Công ngập ngừng.
“Không lẽ mày đi tu?”
“Đúng vậy, tau đã xuất gia bốn tháng
trước.”
Tôi không ngạc nhiên mà chỉ ngỡ ngàng trước
cái tin đột ngột. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Công nửa đùa nửa thật,
“Chừ mi phải gọi tau bằng ‘thầy’ xưng ‘con’ đàng hoàng đó nghen.”
“Mày tu chứ tao có tu đâu mà ‘thầy’ với
‘bà’!”
“Nhưng ‘mày tau’ với sư là không kính
trọng tam bảo,” lần này Công nói thật, cương
quyết như trong bao lần tranh luận trước đây.
Tôi lúng túng nhưng không chịu thua,
“Năm mươi mốt năm nay, tao chỉ biết mỗi một
cách xưng hô với mày.”
“Nhưng chừ mi nói chuyện với sư!”
“Thôi chúc mày mau thành chánh quả.
Hẹn gặp sau,” tôi cúp điện thoại mà không biết mình buồn hay vui.
* * *
Đầu niên khóa 1962-63, tôi và Công được xếp ngồi cạnh nhau ở dãy
bàn đầu lớp đệ tam (lớp 10) B3 trường Quốc Học Huế. Biết tiếng nhau từ trước vì cùng đứng đầu bảng trong kỳ thi Trung
học đệ nhất cấp, chúng tôi thân nhau từ ngày đầu tiên. Tôi lên từ trường (trung học đệ nhất cấp) Hàm Nghi trong Thành Nội, trong lúc Công từ lớp đệ tứ (lớp
9) cuối cùng ở Quốc Học sau đó
chỉ còn đệ nhị cấp (đệ
tam trở lên). Trong
số mười ba lớp đệ tam ban B (Khoa học Toán), B1
đến B6 là lớp Pháp văn “sinh ngữ” (ngoại ngữ) chính, B7 đến B13 Anh văn “sinh ngữ” chính.
Công gầy mà chắc chắn, khuôn mặt khắc khổ,
giọng Huế trầm và chậm rãi mà cương quyết. Kém Công một tuổi,
tôi mang khuôn mặt búng ra sữa, láu táu và ồn ào, cãi với ai
thì nhất định cãi đến kỳ cùng. Công quê ở Phú Lộc gần núi Túy Vân, sống ở
Huế từ lúc sinh ra, và
được nung đúc thành một Phật tử thuần thành; cha làm công chức, rất gần gũi với con. Tôi sinh ở ngoài vĩ
tuyến 17 di cư vào Nam,
học tiểu học ở trường công giáo khi gia đình di chuyển khắp miền Trung, và rất ít khi sống gần
cha là một sĩ quan cao cấp đang đóng đồn ở Ban Mê Thuột. Buổi
chiều sau giờ học, tôi thường theo Công lên chùa học đạo với thầy;
Công say mê nghiên cứu Phật pháp, và tôi hay chất vấn thầy làm sao đạo
Phật áp dụng vào đời.
Hai đứa đều học giỏi, giỏi toán hết chỗ
chê. Giờ ra chơi, chúng tôi dắt nhau đi quanh sân trường luận anh
hùng. Những học sinh đệ tam có tiếng học giỏi như thằng Đình
cùng lớp B3, thằng Tuấn
B7, thằng Kim B9, v.v. đều bị xếp vào cao thủ hạng ba, nhưng không
có hạng nhất hay hạng nhì. Vì tôi và Công không biết ai giỏi hơn!
Đệ tam là lớp ăn chơi vì không phải
năm thi và chương trình học không liên quan trực tiếp đến lớp thi là
đệ nhị (lớp 11) và đệ
nhất (lớp 12). Tuy
nhiên, tôi và Công ngày đêm thi nhau học gạo chết bỏ, cố gắng
hơn bạn để mong đạt tới danh hiệu “cao thủ hạng nhất,”
mà ngoài mặt làm bộ nhởn nhơ
ta đây không thèm học.
* * *
Biến cố Phật giáo năm 1963 đã đưa cuộc đời tôi sang một ngả rẽ khác. “Luông tuồng và lóc
lách” (lời của mẹ),
tôi tham dự các hoạt động của
tập thể Phật tử Huế và
chứng kiến mọi diễn biến trong ngày Phật đản ấy. Vì những điều tai nghe mắt
thấy không phù hợp với những điều “mấy thầy” tuyên bố hay chính phủ
thông tin, trong những ngày kế tiếp tôi gân cổ cãi nhau với người lớn
về những sự kiện thực sự xảy ra và nhiều lần bị đe dọa. Lo
sợ cho sự an toàn của thằng bé, mẹ đi tới một quyết định quyết
liệt: đưa gia đình vào Ban Mê Thuột ở với cha.
Xa mặt nhưng không cách lòng, tôi và Công viết
thư cho nhau hàng tuần, thiết tha như đôi tình nhân. Mở đầu thư
bằng tiếng gọi trìu mến,“Công thương,” tôi thường thuật những chuyến
thám hiểm vào rừng núi Ban Mê Thuột buồn muôn thuở bụi mù trời;
những sinh hoạt trong lớp nam nữ học chung, điều mà ở Huế không có;
và các bạn cùng lớp lớn tuổi hơn và mến chuộng anh học trò thông
minh nhất nam tử nói tiếng Huế trọ trẹ khó nghe. Ngoài
những lời lẽ nhớ bạn, Công kể những lần về làng đưa cô bồ ra
đụn cát ngồi bên nhau trò chuyện và ngắm trăng, hay lên chùa Túy Vân
thọ giáo và xin thầy cho quy y nhưng thầy không đồng ý khuyên nên sống
ngoài đời phục vụ thế gian.
Tuy nhiên, phần chính của những bức thư dày
cộm với chữ nhỏ lăn tăn trên hơn một chục tờ giấy mỏng là đề toán
đưa ra để đố bạn và bài giải cho các bài toán đố trước, như các
nhà toán học Âu châu đầu
thế kỷ 18 thách thức nhau
chứng minh những bài toán nan giải.
Để theo kịp bạn, tôi xin cha cho người về
Sài gòn tìm mua tất cả sách toán, cả sách giáo khoa lẫn sách bài
giải, bày bán trong nhà sách. Tôi làm hết toán, lựa ra những
bài khó nhất, thay đổi cho phức tạp hơn, loại bỏ các câu hỏi trung
gian tác giả dùng để hướng dẫn cách giải, và chỉ chừa lại câu hỏi
cuối cùng làm thành đề toán gửi về Huế cho Công.
Sách bán trên thị trường không có nhiều
toán khó, tôi nhờ đến tàng lâu các là kho sách cổ bằng tiếng
Pháp thừa hưởng của các ông chú bác họ, sách họ học thời Quốc Học
còn là trường Khải Định. Ngoài một số sách thông dụng, bí
kíp võ học của tôi là bộ sách giáo khoa của François Brachet và
Jean-Auguste Dumarqué, gọi tắt là “cuốn Brachet,” ấn bản 1932. Ông chú tặng tôi bộ sách mà
dặn đi dặn lại,
“Toán Brachet khó điếc lỗ tai; mi đừng
phí thì giờ nhiều, không có lợi mô!”
Chú tôi nhầm – bộ sách Brachet rồi cũng hết
toán khó! Cuối cùng
viện đến độc chiêu là cuốn sách toán có bài giải bằng tiếng Pháp xưa thật là xưa, mất bìa
và mấy trang đầu tiên nên không biết tên tác giả và năm ấn hành; chỉ
biết là toán khó cả họ không ai dám rớ tới. Anh tôi học trên
hai lớp, thấy tôi nghiền ngẫm cuốn sách này, le lưỡi phục lăn,
“Tau mà hiểu được bài toán mô
trong nớ thì tau xế liền!” “Xế” tiếng lóng nghĩa là chết.
Cuộc tranh tài kéo dài suốt hai năm đệ nhị
và đệ nhất; tôi học bài và làm toán hầu như 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi chưa giải
được bài toán, tôi ghi hay vẽ lại trên tờ giấy, xếp bỏ túi; rảnh
rỗi mở ra xem, và nhiều khi cách giải hiện lên trong giấc ngủ.
Trong lúc tôi sống an bình và yên tâm học
tập ở cao nguyên, Công bị xáo trộn bởi những cuộc biến động chính trị ở miền Trung,
học sinh sinh viên xuống đường bãi khóa liên miên. Trong kỳ thi Tú
tài II ở Nha Trang (Ban Mê
Thuột tỉnh nhỏ không có hội đồng thi) tôi đậu ưu mà ở Huế Công đậu bình thứ, kết
quả khiêm nhường nhưng chứng tỏ khả năng của Công không thua kém tôi.
* * *
Cuối năm đệ nhất, Công viết, “Tau thấy trong các ngành học, kỹ sư điện là ngành
dùng toán cao nhất.” Đó là ngành Công lựa chọn, và tôi không có lựa chọn nào
khác. Tôi xin cha nhờ người về Sài gòn nộp đơn thi vào trường
Cao đẳng Điện học. Mẹ thắc mắc,
“Răng con không nộp đơn thi vô các
trường khác?”
“Dạ như trường mô?” tôi bực bội hỏi
mẹ.
“Trường Y khoa hay Nông Lâm Súc chẳng hạn.”
“Con không thích học mấy ngành nớ.”
“Nhưng lỡ con thi vô trường nớ không
đậu thì răng?”
“Răng mà rớt được?”
“Biết mô đó, học tài thi phận mà con!”
“Nếu không vô được trường Điện, con ghi danh
học toán ớ Đại học Khoa học; trường ni không thi tuyển,” tôi bướng bỉnh như
mọi khi.
Trong số 25 học sinh được chọn vào vào ban Kỹ sư Điện, tôi xếp hàng thứ ba. Tôi tức mình ấm ức cho đến
khi biết hai người đứng trên tôi đã có “chứng chỉ” Toán Đại cương hay Toán Lý Hóa trong chương trình
cử nhân khoa học. Công đậu hạng mười, thấp hơn tôi vì bài thi có
môn vật lý là sở trường
của tôi. Ngạc nhiên nhất là tên hai thằng đệ tam B3 khác cũng xuất hiện trên “bảng vàng”:
Đình đậu hạng 18 và Phan (ngày trước không được xếp vào hàng cao thủ)
đậu chót; ngoài ra không còn ai
ở Huế. Chắc hẳn nhờ sự thi đua học hành với Công mà hai đứa
này giỏi hơn, đủ để trúng tuyển.
Bọn sinh viên chân ướt chân ráo chúng tôi mong
chờ buổi học giải tích, môn toán chính, đầu tiên với giáo
sư Thế. Ông là trưởng ban Khoa học Cơ bản có nhiệm vụ giảng dạy
kiến thức tổng quát mà sinh viên kỹ sư ngành Điện, Công chánh,
và Công nghệ đều học chung. Dạy luyện thi tú tài nổi tiếng
khắp Sài gòn và là tác giả bộ sách toán trung học bán rất chạy, ông
được sinh viên ngưỡng mộ và xưng tụng là “cây đại thụ của ngành toán
học áp dụng Việt nam.”
Còn bỡ ngỡ với giảng đường đại học, tôi
lật lướt qua tập cua (cours, tức là bài giảng) in ronéo (một
kỹ thuật in bằng cách
đánh máy trên giấy sáp gọi là stencil, ráp lên máy quay ronéo,
và dùng mực in thành nhiều bản) và lơ đãng nghe giáo sư giảng bài. Chương Dẫn Nhập gồm những
ý niệm cơ bản đặt nền tảng cho môn học – dễ òm! Bài giảng kết thúc, sinh viên
mừng rỡ vì sắp được ra về sớm. Bất ngờ, Công lễ phép đưa tay
lên,
“Thưa thầy, con thấy những ý niệm trong
chương này không đồng nhất.”
Ban đầu tươi cười nghe Công trình bày lập
luận của mình, mặt giáo sư dần dần đổi sang màu đỏ ửng. Công
vừa dứt lời, ông chỉ mặt lớn tiếng,
“Anh đọc những sách nhảm nhí về các tà
thuyết toán học. Lập luận của anh là do mấy nhà toán học Đức
đi sai đường vào cuối thế kỷ 19 đưa ra.”
Giáo sư mắng một tràng dài; Công ấp úng không
nên lời thì thằng bạn rắn đầu nhảy vào cứu bồ. Tôi đưa
tay xin phát biểu,
“Thưa thầy, con biết chắc nó chỉ học bài của thầy chứ không hề đọc sách vở
nào khác. Thầy mắng mà không giải thích nó sai ở chỗ nào.”
Có tiếng xầm xì biểu đồng tình của Đình
và Phan (đệ tam B3 ủng hộ phe ta!) cùng vài sinh viên khác ngồi sau lưng
tôi. Giáo sư nổi giận, chĩa mũi dùi sang chàng anh hùng rơm điếc
không sợ súng,
“Anh tên gì, học ngành nào?”
Giáo sư ghi tên tôi và ra lệnh,
“Ngồi xuống, không được hỗn láo!”
Nói xong, ông xếp sách vở vào cặp, lẳng
lặng bước ra. Giảng đường gần chín mươi sinh viên im phăng
phắc. Tôi biết những ngày khó khăn của mình bắt đầu.
Thực vậy, vào giờ hỏi bài (hàng tuần sinh viên được chia thành
những nhóm nhỏ, mỗi nhóm được một vị giáo sư hay giảng viên sát
hạch khả năng) tôi được
giáo sư Thế chiếu cố tận tình với những bài toán khó
nhất, thường không có trong tập cua cho sẵn.
Học đại học mà bị thầy trù là kể
như tiêu đời! Tôi
biết vậy nên cậy vào
chiến lược cũ: lùng kiếm trong các nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, Xuân Thu
đường Tự Do, và American Bookstore đường Nguyễn Huệ mua hết sách toán
đại học bằng tiếng Việt, Pháp, hay Anh. Sách Sài gòn không có
nhiều nhưng đủ cho tôi bận rộn trong hai tháng đầu tiên.
Mặt khác, tôi xin cha đánh điện sang Paris
nhờ ông chú họ kỹ sư vào khu La-tinh vét sạch sách bài giải toán, mới lẫn cũ, dành cho lớp
Toán Cao đẳng (Mathématiques
supérieures) và lớp Toán
Đặc biệt (Mathématiques
spéciales) là hai lớp
chuyên dạy toán cho sinh viên luyện thi vào các trường lớn của Pháp
như trường Bách khoa, trường Cao đẳng Sư phạm, trường Cầu Cống, trường Cao đắng Điện học, v.v. Trình độ
toán của hai lớp này ngang hàng với hai năm đầu trường kỹ sư.
Nhờ hai năm khổ luyện ngày đêm, học mờ
người, và làm hết toán trong đống sách tiếng Pháp, bị giáo sư quay
đến nơi đến chốn mà chưa lần nào tôi bị bí. Công nhàn nhã
học giải tích như đùa bỡn; thỉnh thoảng chất vấn khiến
giáo sư Thế bối
rối và hẹn lần sau giải đáp, có khi quên mất luôn.
Giáo sư Thế đã biên soạn và
ấn hành Giải tích Đệ nhị Niên, cuốn sách Việt ngữ duy nhất
về toán áp dụng cao cấp và là niềm hãnh diện sâu xa của ông.
Cuối năm học thứ hai, khi chúng tôi sắp rời ban Khoa học Cơ bản về
trường ĐIện học chuyên môn, ông gặp riêng Công,
“Tôi định tái bản cuốn Giải tích nếu
hè này anh giúp tôi hiệu đính; chúng mình đứng tên chung.”
“Cám ơn thầy cho con cộng tác, nhưng con đang
bận rộn nghiên cứu kinh Pháp hoa của nhà Phật,” Công trả lời không do dự; kinh Pháp
hoa, tức là kinh Diệu pháp Liên hoa, là bộ kinh Đại thừa quan trọng
nhất và chứa đựng những quan điểm chủ yếu của Phật giáo Đại thừa.
* * *
Sau khi tốt nghiệp, Công đi Hoa kỳ học cao
học điện toán, một ngành
tương đối mới mẻ, và tôi ở trong nước dạy học và sửa soạn luận án
tiến sĩ kỹ sư về truyền sóng. Xa nhau nửa vòng trái đất và
nghiên cứu hai lãnh vực khác biệt nhưng ngựa quen đường cũ, chúng tôi trao đổi toán đố như trước.
Tôi phát biểu các hiện tượng
truyền sóng thành bài toán, và Công thách tìm các công thức lập
đi lập lại (iterative formula)
trong khoa giải tích số trị để thảo chương vào máy điện toán và tính kết quả bằng số.
Tháng Tư năm 1975 bỏ nước ra đi, tôi trôi giạt về North Dakota làm kỹ sư kế hoạch cho
công ty tiện ích; Công đã ở Dallas từ mấy năm trước, vừa học tiến sĩ
vừa làm việc trong nha Nghiên
cứu Điện toán của hãng Texas Instruments, một hãng điện tử lớn bậc
nhất thế giới. Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại viễn liên
hàng tuần, và mỗi kỳ nghỉ hè tôi lái xe xuống Texas thăm bạn.
Công làm việc mà hàng ngày tà tà xách cặp
đi học, cuối tháng vào sở lãnh lương. Qua các tạp chí kỹ
thuật, tôi biết Công đang hoàn tất lý thuyết nền tảng cho phương pháp
thảo chương mới mà nhờ đó máy điện toán Dòng Dữ kiện (Dataflow computer, tên do Công đặt ra) có
thể thực hiện được. Các nhà nghiên cứu bấy giờ gọi phát
minh này là “Máy Điện toán Công” (“Công’s Computer”). Đó chính là
hệ thống điều hành của những máy siêu điện toán ngày nay.
Một đêm hè năm 1978, xuống thăm Công tôi giúp bạn duyệt lãm bài
thuyết trình hôm sau Công trình bày với Hội đồng Quản trị Texas
Instruments. Tối hôm sau, không nghe Công đề cập tới cuộc họp ban
ngày, tôi dọ hỏi,
“Hôm nay thuyết trình ra sao?
“Cũng được,” Công miễn cưỡng trả lời.
“Sao mày được vinh hạnh mời ra hội
đồng quản trị?”
“Bọn hắn trả tiền cho tau đi
học PhD cốt để dùng kết quả công trình nghiên cứu đó,” Công uể oải
nói.
“Dĩ nhiên. Mình làm công, ăn cơm chúa
múa tối ngày mà!”
“Bọn hắn cần biết dự án máy điện
toán Dòng Dữ kiện có khả thi hay không trước khi chấp thuận ngân sách
chế tạo và đưa ra thị trường.”
“Rồi mày nói sao?”
“Dự án thực hiện được, nhưng hiện tại tau
bận chuyện riêng nên không có thì giờ nghiên cứu thêm.”
“Sao bỏ qua cơ hội bằng vàng như vậy?”
“Mi thấy đó, tau đang nghiên cứu
viết sách chứng tỏ Phật giáo không những là tôn giáo dân chủ hoàn
hảo mà còn là triết lý vô cùng khoa học. Thì giờ mô mà
lo chuyện bao đồng!”
Lặng người nhưng tôi cố vớt vát,
“Hay là mày để ra một hai tuần viết ra dự án nghiên cứu đó cho tao?”
“Để làm chi?”
“Tao thuê luật sư lấy bằng sáng chế.
Cầm bằng sáng chế trong tay là mình giàu to, thằng IBM không mua
thì thằng khác cũng giành mua. Nó không chế để bán
thì cũng mua cất giữ cho thằng khác khỏi chế. Sau đó,
mày không cần đi làm, dành thì giờ nghiên cứu đạo Phật.”
“Đừng xúi tau vướng vào tam chướng – tham sân si, ba điều trở ngại cho việc cởi bỏ oan nghiệt.”
Tôi nổi giận lớn tiếng,
“Chính mày mới là sân si – giận và ngu tối. Riêng về ‘tham’ thì đây không phải là tham lam lấy của người, kéo nhà người khác
về làm chuồng heo mình, mà là ‘tối đa hóa lợi nhuận’ theo thuyết
kinh tế của Adam Smith.”
“Kinh tế tư bản khiến người giàu càng giàu
hơn, kẻ nghèo càng nghèo thêm?” Công cười mỉa.
“Mày lầm rồi! Khi mọi người được phép hưởng lợi
nhuận do công sức của mình làm ra, cái ‘tham’ ấy là động lực khiến họ làm việc hăng
say, cố gắng phát minh sản phẩm tân kỳ và hữu ích, và không ngừng
cải tiến phương cách làm việc để có hiệu quả hơn và sản phẩm tốt và rẻ hơn. Nhờ
cái ‘tham’ Adam Smith,
người nghèo cũng được hưởng lợi ích mà mức sống cao hơn.”
Trở về đề nghị của mình, tôi cố gắng một
lần nữa,
“Bỏ qua chuyện lợi danh, hoàn tất dự án
nghiên cứu là mày đóng
góp kiến thức mới cho nhân loại và giúp việc cải thiện đời sống
của mọi người, giàu cũng như nghèo.”
“Tau không màng thế sự; mi là Phật tử lầm đường, đừng ép tau
tơ vương vào cõi trần tục,” Công nói chắc như đinh đóng cột.
* * *
Hai tuần trước khi tôi lên đường, trận bão
tuyết đầu mùa đến sớm bất chợt, đi kèm với cơn lạnh giá chưa từng
có trong hơn ba mươi năm. Các tiểu bang miền Trung-Lục địa chuyên
về nông nghiệp và chăn nuôi bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng
nề. Hàng chục ngàn con bò bị chết cóng, và hoa màu vụ mùa thu
hư hại hoàn toàn.
Cảnh vật tiêu điều khiến con đường bắc - nam quen thuộc trở nên dài lê thê. Qua
khỏi South Dakota đến Nebraska, những cánh đồng bắp chết khô thành rơm
rạ xám xịt liên tiếp nối đuôi nhau ở hai bên hàng trăm dặm
đường. Cuối ngày thứ hai, đến chặng cuối của đồng bằng trồng
bắp ở Kansas, tôi ngừng xe bước xuống ruộng, rưng rưng nước mắt nhìn
những trái bắp dài mang những hạt bắp đầy đặn nám đen nằm lẫn trong
lá và thân cây cháy khô.
Tôi không xót xa cho nông gia Mỹ vì họ được
chính phủ trợ cấp, được mùa hay mất mùa thì lợi tức vẫn ngần
ấy. Năm được mùa, thị trường thặng dư mà không bán được bắp
thì chính phủ thu mua giữ trong kho dự trữ và sau đó mang viện trợ
cho các xứ nghèo. Năm mất mùa, không những không có thực phẩm
viện trợ mà giá thực phẩm tăng lên khắp toàn cầu khiến cho các xứ
nghèo càng không đủ tiền mua. Hậu quả của trận thiên tai vừa qua
là năm tới sẽ có thêm hàng chục hay hàng trăm ngàn người ở các nước Phi Châu chết đói vì
thiếu ăn.
Trên quãng đường còn lại, tôi chợt nhận ra
sự khác biệt giữa Công và tôi, hai Phật tử với hai lối suy tư khác
biệt. Bạn tôi “kính trọng tam bảo” – Phật, Pháp,
và Tăng, tôi nghĩ đến “chúng sinh” – tất cả sinh vật. Đối với
tôi, tam bảo mà không phục vụ chúng sinh thì
tôi thà làm kẻ lầm đường.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 16 tháng Giêng, 2014
Đăng nhận xét