NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA GIỚI THIỆU LOẠT TRUYÊN NGẮN MỚI CỐ QUỐC THA HƯƠNG-KẺ MẶT DÀY

NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA GIỚI THIỆU LOẠT TRUYÊN NGẮN MỚI CỐ QUỐC THA HƯƠNG-KẺ MẶT DÀY

Truyện ngắn mới: "Kẻ Mặt Dày" (Tháng Bảy 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

Mời đọc truyện ngắn thứ mười một

của

loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

 Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

https://dconnect.co.jp/friend/

Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

11. Kẻ Mặt Dày

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Đầu tháng Chạp năm 1994, tôi đi họp ở Palo Alto, California, một thành phố nhỏ ở bắc California mà dân chúng nổi tiếng trí thức vì mật độ PhD cao nhất Hoa kỳ.  Quỳnh Châu “tình nguyện” đi theo “để chồng có bạn” vì nàng có nhiều người quen ở vùng này từ những năm học Đại học Stanford trước năm 1975.  Tôi họp xong, chúng tôi lái xe sang San Jose, thành phố được mệnh danh “Thung lũng Hoa Vàng” và thủ phủ của cộng đồng người Việt bắc California.  Nơi đây có một số cựu sĩ quan trước phục vụ ở Tiểu khu Phú Yên dưới quyền cha, hồi đó cha giữ chức vụ cầm đầu tỉnh Phú Yên.  Hầu hết các chú bị đày đọa trong trại tù “cải tạo” của Việt Cộng (“VC”) nhiều năm và cùng gia đình sang Hoa kỳ theo diện H.O. vài năm gần đây.

Tôi đến thăm chú Duy là sĩ quan tùy viên của cha và gần gũi với gia đình tôi, và nhờ chú mời các chú thím khác đến dự buổi họp mặt ở nhà hàng Hương Giang để tôi và Quỳnh Châu được thay mặt cha mẹ bày tỏ lòng kính yêu đối với chiến hữu của cha.  Hơn hai chục người đến họp mặt ăn tối.  Sau khi mọi người vui vẻ nâng ly nhập tiệc, chú Duy trìu mến nhìn tôi,

“Mày không biết chứ hồi đó các chú phục mày sát đất.  Tụi tao không những nể mày học giỏi, mà còn bái phục tài viết tiếng Anh như gió của mày.”

Ảnh giỏi làm sao chú?” Quỳnh Châu tò mò hỏi.

“Người ta kể một hôm Ba Hoa về nhà nghỉ hè, thằng thông dịch viên của ‘ông già’ đi phép mà ‘anh’ cần viết lá cám ơn thằng tướng Mỹ cầm đầu bộ Chỉ huy Trợ giúp Quân sự MACV đang mãn hạn về Mỹ.  ‘Anh’ cho gọi nó ra văn phòng và ngồi đợi với cô thư ký tên Hương.  ‘Anh’ vừa nghĩ lời thư vừa đọc bằng tiếng Việt cho Hương ghi chép với dự định cô sẽ đánh máy lại, giao cho nó mang về nhà dịch ra tiếng Anh, và đợi một hai ngày sau nó mang bản tiếng Anh ra cho cô.  Không dè, ‘anh’ đọc vừa xong và ra hiệu cho nó và Hương ra ngoài thì nó đứng dậy đưa tập giấy cho Hương, ‘Tôi dịch xong rồi, chị làm ơn đánh máy để cha ký.’  Khiến cho cả tòa [Hành chánh] Tỉnh [Phú Yên] rúng động!”  “Ông già” hay “anh” mà chú Duy nói là cha.

Thực ra, hôm ấy tôi gặp may một cách tình cờ:  Đêm trước, tôi thức khuya vật lộn với mấy cuốn tự điển Việt-Anh và Anh-Việt và cố gắng mài giũa bức thư viết cho anh bạn Mỹ đang học cao học ở Đại học California Berkeley; trước đó, anh phục vụ ở Ban Mê Thuột trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế và học tiếng Việt với tôi.  Do đó, các câu tiếng Anh cha muốn viết cho ông tướng Mỹ, tôi đã nghiền ngẫm nằm lòng mới vài tiếng đồng hồ trước.

Thấy mọi người trong bàn tiệc nhìn mình, tôi nói lảng bằng cách nêu lên mẩu tin nghe bàn tán xôn xao mấy ngày qua,

“Cháu nghe báo chí và đài phát thanh Việt ngữ loan tin phiên xử ‘Mặt trận kiện báo chí’ gay cấn tại tòa Hòa giải Rộng Quyền quận Santa Clara ở San Jose đây.  Các cô chú có ai đi xem không?” “Mặt trận” là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt nam, một tập hợp gồm một số tổ chức chính trị và võ trang do cựu Phó Đề đốc Huỳnh Công Mai lập ra năm 1980 với mục đích khôi phục đất nước từ tay VC.

“Cả đám tụi tao kéo nhau ‘ra tòa’ để nghe lời khai của nhân chứng và tìm hiểu chuyện Mặt trận mà ai cũng tưởng đã chìm vào quên lảng,” chú Duy chìa tay chỉ mọi người.

“Trong vụ xử đó, ai kiện ai chú?” Quỳnh Châu xen vào hỏi.

“Ba thằng đầu não của Mặt trận lôi ba thằng nhà văn nhà báo ra tòa.  Để chú kể cho cháu và Ba Hoa nghe.”

Những năm đầu sau ngày thành lập, nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của người Việt tỵ nạn, Mặt trận lập chiến khu ở Thái Lan và phát động "đấu tranh Đông tiến."  Trong cuộc hành quân Đông tiến giữa năm 1987, ông Mai bị trọng thương và tự sát.  Mặt trận bắt đầu phân hóa, các viên chức cao cấp dấu kín tin ông Mai tuẫn tiết và tiếp tục gây quỹ kháng chiến, nhưng dùng tiền vào việc kinh doanh riêng.

Mùa thu 1990, ký giả Lê Tú của tạp chí Văn nghệ Tạp sự ở Hoa Thịnh Đốn và bà vợ bị bắn chết trước nhà sau khi ông viết nhiều bài báo châm biếm và đả kích thậm tệ Mặt trận.  Tuy cục Điều tra Liên bang FBI và cảnh sát địa phương điều tra mà không tìm ra manh mối, nhà biên khảo nổi tiếng Cung Thái Giao viết ba bài bình luận đăng trên Văn nghệ Tạp sự quy kết Mặt trận là thủ phạm.  Ông còn viết hồi ký vạch rõ nội bộ lam nham của Mặt trận, cuốn hồi ký được nhà Văn Hiến ở Houston, Texas do Vũ Ngọc Chinh làm chủ xuất bản.

Bị chạm nọc, ba tay khoa bảng cầm đầu Mặt trận bèn thuê luật sư kiện Giao, chủ báo Văn nghệ Tạp sự, và Chinh về hành vi phỉ báng mạ lỵ và đòi bồi thường $550,000.  Ba tay đầu não đó sẵn tiền quyên góp của đồng bào, tha hồ vung phí để dằn mặt bọn nhà văn nhà báo nghèo, và ngu xuẩn tin rằng sẽ thắng kiện trong môi trường tự do ngôn luận và tự do báo chí của Hoa kỳ.  Kết quả là bồi thẩm đoàn tuyên phán bên bị thắng, ba anh sếp sòng bị một phen nhục nhã vì chuyện tai tiếng của Mặt trận bị phơi bày trước dư luận.




Kể đến đây, chú Duy cười hãnh diện,

“Tao dự phiên tòa là để ủng hộ thằng Chinh, nó là bạn cùng khóa 16 trường Bộ binh Thủ Đức với tao.  Tụi tao cùng đại đội từ lúc nhập học cuối tháng Sáu năm 1963 đến lúc ra trường tháng Sáu năm 1964, kể cả ba tháng học bổ túc kế hoạch Phát triển Bình định Nông thôn.  Ra trường, tao đi Bộ binh, về Tiểu khu Phú Yên, và rồi làm việc dưới quyền ‘ông già’; nó đi Pháo binh trú đóng ở miền Tây và năm 1975 mang lon đại úy làm pháo đội trưởng.”

“Thì ra bạn chú là nhà văn Vũ Nguyên, tác giả của hơn 20 tác phẩm trước năm 1975 được sinh viên tụi cháu nồng nhiệt đón nhận như Đời Pháo thủ, Mây Trên Đỉnh Núi, và Tiếng Khóc Vào Đời,” tôi reo lên.

Ổng viết về đề tài gì anh?” Quỳnh Châu vỗ tay tôi.

“Nhân vật chính trong truyện Vũ Nguyên đều là quân nhân, nhưng tác giả không thực sự viết về đời lính chiến mà mô tả tình cảnh các người lính phải ngụp lặn trong xã hội nhiễu nhương của cuộc chiến tàn bạo.  Anh còn nhớ ông sính dùng thành ngữ ‘ngáp không che miệng’ để diễn tả sự chán chường hay bất cần đời, hầu như trong cuốn nào ông cũng dùng vài ba lần.”

* * *

Vũ Ngọc Chinh sinh năm 1942 ở Hải Dương và năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam, ban đầu sống ở Đà Nẵng và sau vào Sài gòn.  Năm 1963, trong khi học Đại học Văn khoa, ông bị động viên vào trường Bộ binh Thủ Đức, trở thành sĩ quan Pháo binh, và bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng ký sự chiến trường Đời Pháo Thủ xuất bản năm 1967.

Tháng Tư năm 1975, Chinh di tản sang Hoa kỳ; định cư ở Eau Claire, Wisconsin; ghi danh học Đại học Wisconsin-Eau Claire; và chỉ hơn hai năm sau, tháng Chạp năm 1977, đậu bằng Cao học Sử học.  Sau đó, dọn tới Madison thủ phủ tiểu bang ghi danh học tiến sĩ ở Đại học Wisconsin-Madison và được cấp học bổng Fulbright sang Pháp thu thập tài liệu và nghiên cứu lịch sử Việt nam cận đại.  Sau gần bảy năm miệt mài, tháng Mười năm 1984, ông đậu bằng Tiến sĩ Sử Thế giới Đối chiếu với luận án “Political and Social Change in Viet-Nam Between 1940 and 1946 (Thay đổi Chính trị và Xã hội tại Việt nam Giữa Năm 1940 và Năm 1946)” chú trọng đặc biệt vào “những việc làm và tầm quan trọng của chính phủ Trần Trọng Kim.”

Chinh ở lại trường dạy với tư cách trợ giáo, nghiên cứu hậu-tiến sĩ, và được cấp học bổng Fulbright trở lại Pháp nghiên cứu lần thứ hai.  Nhờ hai chuyến đi Pháp, ông tìm thấy và đưa ra một số tài liệu chưa từng được công bố như:  hai lá thư viết tay của Hồ Chí Minh ký tên Nguyễn Tất Thành đề ngày 15/9/1911 viết từ Marseille gửi cho tổng thống Pháp và bộ trưởng bộ Thuộc địa xin vào học École coloniale (trường Thuộc địa) ở Paris mà không được chấp thuận; giấy giá thú của ông Hồ và cô Nguyễn thị Minh Khai thành hôn ở Mạc Tư Khoa; và thư đề ngày 14/9/1958 của thủ tướng VC Phạm Văn Ðồng gửi thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai công nhận biên giới quốc gia do Trung Cộng vẽ, với những dấu chấm (chỉ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) ở vùng biển phía Nam.

Cuối thập niên 1980, Chinh dọn về Houston, Texas, mở nhà xuất bản Văn hiến, làm báo, sáng tác văn chương, và viết bài đăng báo về lịch sử Việt nam thời đại cận kim.  Nhiều bài “nghiên cứu lịch sử” của ông bị đồng bào hải ngoại  chống đối.  Thí dụ, năm 1996 ông viết về một bức thư bằng tiếng Pháp của một người nào đó ký tên Petrus Key cầu khẩn quân Pháp đến “giải cứu cho những người An nam theo đạo Thiên chúa ở Nam kỳ,” cho rằng tác giả bức thư là Petrus Ký (Trương Vĩnh Ký), và kết tội nhà học giả làm tay sai cho Pháp.  Một số nhà nghiên cứu đã ra công chứng minh “khám phá” này sai lầm, nhưng – như trong mọi cuộc tranh cãi trên báo – ông khư khư giữ quan điểm của mình.  Không thèm chấp nhận ý kiến của đối phương vì cho rằng ở hải ngoại chỉ có ông mới xứng đáng được gọi là sử gia.

Giữa thập niên 1990, Chinh học trường Luật Đại học Houston và năm 1999, tốt nghiệp Juris Doctor (bằng Luật sư).  Juris Doctor gốc La tinh nghĩa là “tiến sĩ luật,” nhưng thực ra chỉ là bằng chuyên nghiệp cấp cho sinh viên đã hoàn tất ba năm học trường Luật để hành nghề luật sư.  Khác hẳn với bằng Tiến sĩ Luật khoa – PhD in Juridical Science – để làm việc trong lãnh vực nghiên cứu đòi hỏi thời gian học dài lâu hơn.  Tinh thần hiếu học của nhà sử gia thật đáng phục, nếu ông không đánh rơi lòng ngay thực của nhà trí thức, thổi phồng “Juris Doctor” thành “Tiến sĩ Luật khoa,” và chai mặt tự phong cái danh hiệu “Lưỡng Khoa Tiến sĩ” hão.

* * *

Mùa thu 2005, tôi theo Quỳnh Châu đi Boston, Massachusetts dự một khóa hội thảo giáo dục tại Đại học Massachusetts tại Boston, một cơ sở giáo dục thiên tả và thân Cộng thường được gọi là UMass Boston.  Nàng gặp lại người bạn thân cũ là Công đang làm nhân viên nghiên cứu cho Trung tâm William Joiner (“TTWJ”), cái mũ mới của ban Chính trị học UMass Boston.  TTWJ được đồng bào hải ngoại biết đến qua vụ kiện Nguyễn Hải Lượng cuối năm 2002; ông là cựu sĩ quan Việt nam Cộng hòa và sinh viên cao học tại UMass Boston.

TTWJ nhận tài trợ của Quỹ Rockefeller ở New York để thiết lập học bổng nghiên cứu diaspora (cộng đồng lưu tán) người Việt tỵ nạn tại Hoa kỳ.  Điều nực cười là trong số bốn học giả được TTWJ chọn cấp học bổng, đã không có một người tỵ nạn nào mà lại có mặt hai học giả Hà nội từng được chính phủ VC trọng dụng.  Lượng không thể im hơi lặng tiếng bèn đứng ra vận động cộng đồng phản đối nhưng vô hiệu.  Ông hô hào người tỵ nạn khắp thế giới đóng góp để thuê luật sư đệ đơn kiện TTWJ kỳ thị tuổi tác và “nguồn gốc quốc gia,” nói nguồn gốc quốc gia mình là Nam Việt nam.  Ra tòa, vụ kiện bị quan tòa bác bỏ vì một chi tiết luật pháp căn bản:  Lượng không nộp đơn xin học bổng nên không có “tư cách kiện.”

Công tiện dịp mời chúng tôi dự buổi tường trình kết quả nghiên cứu “ngành học diaspora” của những học giả được TTWJ cấp học bổng năm vừa qua.  Bốn dự án được trình bày nhưng có năm diễn giả, vì một dự án do hai người đảm nhận.  Bốn diễn giả từ Việt nam qua, duy có một người ở Hoa kỳ là Chinh.  Sau vụ kiện Nguyễn Hải Lượng, TTWJ không bị sứt mẻ nhưng muốn tránh tiếng kỳ thị bèn thí cô hồn một học bổng cho nhà sử gia, xem như đại diện dân tỵ nạn.  Khách tham dự gồm có tôi, Quỳnh Châu, và vợ của Chinh.  Phía TTWJ gồm có Công và ba giáo sư ban Chính trị học UMass Boston.

Tôi chắc mẩm thế nào đám VC và thân Cộng cũng sẽ lé mắt với tài học và kiến thức uyên bác của Chinh.  Nhưng không, phần trình bày của ông chỉ mất có ba phút.  Ông thản nhiên cho biết dự án đòi hỏi phải về Sài gòn vào Thư viện Quốc gia tham khảo tài liệu, nhưng khi ông về đó, chính phủ VC không cho ông vào.  Thế là hết.  Làm như TTWJ dâng tiền cho vợ chồng ông đi Sài gòn chơi một chuyến.

Nhìn những cặp mắt khinh thị của bọn TTWJ và vẻ mặt nhâng nhâng của Chinh, tôi xấu hổ muốn độn thổ.  Hiển nhiên da mặt của ông dày hơn của tôi nhiều.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 24 tháng Bảy, 2024

 *****

 Công Chúa và Kẻ Bán Than

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Ngự Bình, cô “công chúa” duy nhất trong nhà, sinh ở Huế sau trận lụt năm Ất Mùi (1955).  Ngày đó, mẹ và bốn thằng con trai – anh Quang, tôi, Sang, và Triết – ở trong xóm Cửa Nhà Đồ cùng với thím Lam và chị ở.  Thím là vợ mới cưới của chú Lam em họ cha; cha và chú phục vụ trong quân đội và đóng đồn xa.

Suốt hai tuần cuối tháng Chín, bầu trời xám xịt, mây thấp, và những cơn mưa như trút nước đổ ập xuống.  Nước sông Hương đục ngầu chảy cuồn cuộn, và mực nước mỗi ngày một dâng cao.  Buổi chiều hôm ấy, nước sông xăm xắp tới mặt đường; mẹ, thím Lam, và chị ở ra sức đưa đồ đạc trong nhà lên cao.  Quá nửa đêm, tôi bị đánh thức và mơ màng nhìn quanh thấy nước dâng lên gần tới mặt tấm phản tôi nằm ngủ với anh Quang và Sang, guốc dép và đồ vật nổi lều bều trong nhà, và một chiếc nôốc (ghe nhỏ có mui) áp mũi vào sát phản.  Mẹ ra lệnh cho chị ở,

Mi đưa mấy đứa đi với hai bác Hoát tránh lụt, đợi nước rút mới về!  Bác Hoát hàng xóm cạnh nhà tôi là công chức sở lục lộ hồi hưu.

Răng thím với chị Lam không đi?” chị ở hỏi lại.

Tau với thím nớ còn nhà cửa đồ đạc phải coi, đi răng được?”

Đứng dưới sàn nhà, nước ngập ngang bụng, thím Lam bưng chiếc đèn dầu soi đường cho mẹ ẵm Triết trao cho mụ Hoát rồi giục giã,

Đi mau lên kẻo Mệ nuốt chừ!  Mẹ nói “Mệđể kiêng tên Hà bthần làm chủ sông.

“Mẹ không đi thì con ở nhà phụ mẹ,” anh Quang hiểu ra và phản đối.

“Con là chim đầu đàn phải đi mà lo cho em.  Vài ngày thôi con à!” mẹ năn nỉ anh tôi.

Chiếc nôốc chèo đi trong bóng đêm, tôi ngủ thiếp đi.  Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng và nôốc đã đậu lại.  Nước lặng.  Biển nước màu vàng đất che phủ mọi vật, chỉ chừa lại đọt (ngọn) cây và mái nhà.  Tôi gọi với hỏi ông Hoát,

“Đây là chỗ ?  Mình làm chi ở đây ôông ơi?”

“Vườn nhà ông Bính; mình đậu nôốc chờ nước rút.”  Nhà ông Bính là một dinh cơ rộng lớn gần cầu Bạch Hổ, cách nhà tôi không tới nửa cây số.




Suốt đêm trằn trọc, anh Quang bồn chồn lo lắng nhưng cố trấn tĩnh dạy tôi và Sang lấy que tre làm cần câu cá, nhưng chỉ được một lát là hai đứa tôi chán, bỏ cần câu qua một bên, và thò tay xuống nước vọc chơi.  Nhưng làm gì thì làm, thằng Bé (tên ở nhà của tôi) bảy tuổi nhớ mẹ quá chừng!  Nước dâng lên thêm một ngày nữa là tới đỉnh và sáng hôm sau từ từ rút xuống.  Trời mưa xối xả khi chúng tôi về đến nhà; ông Hoát nói,

“Mưa xối bùn, hết lụt rồi.  Mấy đứa bây phải cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho mẹ và thím bây được bằng an.

Quanh nhà bùn đất và cành cây nằm la liệt, và bên trong bàn ghế tủ giường lấm bùn nghiêng ngã chỏng chơ.  Mẹ huy động chị ở, anh Quang, và cả thằng Bé quét dọn bùn và phơi phóng vật dụng.  Ở phòng trong phía sau nhà, mẹ và thím Lam lấy các xấp giấy bạc 100 đồng in hình Quốc trưởng Bảo Đại bị thấm nước trong cái rương lớn ra, trải từng tờ trên nia để hong khô, dùng bàn ủi than ủi phẳng trước khi bó thành xấp như trước.  Thì ra, mẹ và thím Lam ở nhà để bảo vệ tiền bạc của cải trong nhà.

Mẹ kể đêm, sang đêm thứ ba của cơn lụt, Trời Phật đáp ứng lời cầu khẩn của mẹ và thím Lam: Nước dâng tới rầm thượng dưới mái nhà thì ngừng lại.  Mẹ vui mừng nói với thím,

Chị em mình có mang mà dầm nước lụt thì đẻ con gái.”

Thiệt không?  Răng chị biết?” thím bẽn lẽn hỏi lại.

“Ông bà mình nói rứa!  Thím có mang con so lại càng ứng nghiệm.

Quả nhiên, đầu năm 1956 thím Lam sinh con gái đầu lòng đặt tên là Hương.  Một tháng sau, Ngự Bình của mẹ ra đời.  Hai cô em tôi mang tên sông Hương và núi Ngự Bình, hai thắng cảnh vẽ nên phong cảnh hữu tình của cố đô.

* * *

Ngày ở Huế, tôi thường bị giao cho công tác chự (giữ) em vì mẹ nói, Thằng Bé cẩn thận, chịu khó, và chiều em hơn thằng anh hắn.”  Năm Bình lên ba lên bốn, tôi vừa trông em vừa chơi với Hương, thằng bạn thân ở gần nhà.  Nó học cùng trường và ngang lớp, nhưng không cùng lớp, với tôi và cũng mê đọc truyện như tôi.

Vì thói mê truyện, tôi tự học cách đóng lại sách cũ bằng cách cắt giấy cứng làm bìa, dùng đinh đục lỗ, và lấy kềm cắt dây kẽm làm kim đóng sách.  Bà con họ hàng ai có sách cũ đều đem cho tôi, thay vì liệng bỏ.  Những cuốn sách đó thường mất cả bìa trước, bìa sau, và trang tựa đề.  Tôi ra công chế biến thành cuốn sách tươm tất và cất giữ trong cái thư viện tí hon gồm truyện Tàu, võ hiệp, trinh thám, phiêu lưu mạo hiểm, và tình cảm xã hội.  Kho truyện của tôi thay đổi hằng ngày vì tôi đem truyện đi đổi với của mấy đứa khác, và nhờ đó đọc được nhiều truyện đã xuất bản mặc dù không có tiền mua.

Ngoài giờ học, tôi và Hương đi đổi truyện và mang theo Bình.  Khi phải đi bộ xa, ban đầu Hương ôm sách, tôi cõng em trên lưng, và em thích chí cười nói bi bô.  Một lát sau tôi mỏi vai thì đổi phiên:  Tôi ôm sách, nó cõng Bình, và em cũng vui vẻ bằng lòng.  Các bạn đổi truyện thường nghĩ chúng tôi là ba anh em, và nhờ em xinh xắn dễ thương mà đôi khi hai thằng được nhường cho phần hơn trong cuộc thương lượng đổi chác.

Mười mấy năm sau, cha mẹ gửi Bình từ Nha Trang vào Sài gòn học trường nữ trung học Gia Long và ở với tôi trong nhà cư xá Bắc Hải.  Lúc đó tôi đã tốt nghiệp kỹ sư điện và đi dạy, và Hương đã tốt nghiệp kỹ sư canh nông trường Cao đẳng Nông Lâm Súc.  Ngày học đại học, nó học giỏi và được một ông bạn ba nó đang làm lớn trong bộ Canh nông ngắm nghé gả con gái.  Ra trường nó làm đám cưới, và tôi đóng bộ làm phù rể.  Tiệc cưới linh đình tổ chức ở nhà hàng Bát Đạt trên đường Đồng Khánh trong Chợ Lớn, tôi và Bình – bấy giờ là nữ sinh lớp 11 – được mời lên sân khấu chụp hình với gia đình cô dâu chú rể, và chú rể thuật lại chuyện cõng em đi đổi truyện cho quan khách nghe.

* * *

Cha mẹ ở Nha Trang, Sang đi lính, Triết đi du học, và trong nhà cư xá Bắc Hải chỉ có tôi và Bình và chú Hạ tài xế kiêm đầu bếp nấu ăn.  Ban ngày Bình đi học và tôi đi làm, buổi tối hai anh em thường đi chơi với nhau.  Ngồi ở yên sau chiếc Honda, em theo tôi tới nhà bạn hay đi ăn nhậu và kiên nhẫn ngồi nghe bọn người lớn (hơn) tán gẫu chuyện trên trời dưới đất không mấy liên quan đến em.  Tuy nhiên, ở nhà, cô nữ sinh Gia Long nói năng nhỏ nhẻ là chủ nhà thực sự.  Em nắm giữ việc chi tiêu và sai sử chú Hạ lái xe hơi đưa đón em đi học, chở em đi mua sắm, hay đưa em đi giao dịch cho mẹ.  Em lo hết công chuyện kinh doanh của mẹ ở Sài gòn.  Càng ngày, tôi và em càng gần nhau và có lối suy nghĩ tương tự như nhau.

Cuối năm học lớp 12, Bình thi Tú tài, kỳ thi quan trọng đầu đời của em được cho theo lối trắc nghiệm.  Lối thi này được thực hiện lần đầu tiên ở Việt nam và bị báo chí gọi mỉa là “Tú tài IBM” vì, ngoại trừ bài luận, các bài thi đều được chấm bằng máy điện toán của hãng IBM (International Business Machines Company).  Kỳ đầu được tổ chức vào ngày 26 và 27, thứ Tư và thứ Năm cuối cùng của tháng Sáu năm 1974.  Bình thi ở hội đồng Gia Long, trường của em.  Hai tuần sau có kết quả, em đậu Bình.

Bình học ban C (Văn chương và Sinh ngữ) nên nghề nghiệp tương lai khá giới hạn:  học xong đại học hầu như chỉ đi dạy học.  Tháng Tám em nộp đơn xin thi vào ban Anh văn (ngoại ngữ chính của em) của Đại học Giáo dục thuộc viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức mà tiền thân là ban Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật.  Ban này được thành lập từ năm 1962, trực thuộc nha Kỹ thuật Học vụ, không chính thức là trường cao đẳng như trường Cao đẳng Điện học của tôi, và lúc đầu mỗi năm chỉ nhận mười sinh viên.  Năm 1972, ban được phát triển thành Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ với trường sở ở Thủ Đức.  Năm 1974, trung tâm trở thành Đại học Giáo dục của viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, cùng với Đại học Kỹ thuật trong đó trường Điện là một “Ngành” (ban).

Bình đậu vào Đại học Giáo dục, thành giáo sinh ban Anh văn, và hãnh diện làm bạn đồng môn Bách khoa Thủ Đức với ông anh:  Tôi nhập môn trước “tiểu sư muội” chín năm.  Hằng ngày em dậy sớm nhờ Trọng em út lấy xe Honda PC đưa ra trước rạp hát Long Vân gần bùng binh Ngã Bảy Sài gòn đón xe lô đi học.  Xe chạy dọc theo đường Phan Thanh Giản ra xa lộ Sài gòn - Biên Hòa khoảng mười cây số tới Thủ Đức và ngừng trước cổng trường đại học, em đi băng qua sân trường là tới lớp.

 Mới hôm nào là một em bé kháu khỉnh tôi cõng đi chơi, Bình trở thành một thiếu nữ mười tám mỹ miều với mái tóc dài xõa ngang lưng, chiếc mũi dọc dừa, và nụ cười duyên dáng không biết từ lúc nào.  Tôi chợt nhớ ra hơn một năm qua em không còn thủ thỉ tâm sự chuyện học hành hay bạn bè ở trường với tôi, và thỉnh thoảng tôi bắt gặp nụ cười ngượng ngập của vài chàng sinh viên đến nhà chơi và lễ phép đứng dậy chào khi tôi tình cờ đi qua phòng khách.  Đặc biệt, bạn tôi là Hòa hình như cũng đang si tình em, nhưng không dám hé môi.

Hòa người Phú Yên là em một người bạn học đệ nhất (lớp 12) cùng với tôi ở Ban Mê Thuột.  Thân hình cao lớn chắc chắn và mặt sạm nắng, Hòa đỗ bằng Cử nhân Vật lý ở Đại học Khoa học Sài gòn và sau khi tốt nghiệp, được nhận làm giảng nghiệm viên phòng Vật lý của Đại học Minh Đức cùng với tôi.  Chàng kính trọng và nghe lời tôi, và tôi yêu mến tính tình chất phác của chàng được biểu hiện trong giọng “Nẫu” Phú Yên cao và trong cất lên ở cuối câu nghe thật thân thiết và gần gũi.  Qua niên khóa thứ hai, Hòa mất việc, nhưng chúng tôi gặp nhau thường xuyên ở lớp cao học điện tử của Đại học Khoa học.  Biết chàng nhà nghèo, vào Sài gòn trọ học mà dạy kèm tư gia không đủ sống, tôi nhường cho chàng giờ dạy ở trường trung học tư.  Hằng tuần tôi ghé lại nhà trọ, mời chàng đi uống cà-phê hay đi ăn nhậu, và nếu về khuya, rủ ngủ lại nhà tôi.

Sau ngày mất nước năm 1975, tôi và Hòa biệt tin nhau gần 15 năm.  Năm 1990, gia đình chàng được bảo lãnh sang định cư ở nam California.  Chàng sống hòa thuận với vợ là Dung người cùng quê và thuộc gia đình giàu có.  Chàng rất “nể” Dung, không bao giờ dám cãi lời vợ.  Khi tôi đi du lịch hay công tác ở nam California, vợ chồng Hòa mời tôi ở lại nhà và tiếp đãi tử tế.  Chàng hỏi tôi số điện thoại Bình và thỉnh thoảng gọi thăm em.  Lúc này, với bằng Cao học Điều dưỡng, em làm giám đốc điều dưỡng cho một hệ thống bệnh viện ở Austin, Texas và có hơn 300 nhân viên dưới quyền, và gia đình sống hạnh phúc.

Trong lần ghé thăm Hòa cuối thập niên 1990, tôi rủ chàng đi dự họp mặt với vài người bạn cựu giảng viên Đại học Minh Đức, một trong những lần hiếm hoi không có Dung đi cùng.  Bị bạn ép uống bia, Hòa hơi quá chén và đâm ra nhiều lời.  Trên đường về, chàng trút tâm sự,

“Anh biết không, ngày đó tui thương cô Bình hết sức.  Về nhà anh ngủ đêm và được trò chuyện với cổ là những lúc sung sướng nhất đời tui.”

“Vậy sao?” tôi hỏi vô thưởng vô phạt.

Tui suy nghĩ cả năm trời rồi quyết định ôm mối tình câm chớ không cho anh biết,” giọng chàng buồn tênh.

“Tại sao?” tôi thầm cám ơn chàng đã tránh cho tôi một hoàn cảnh khó xử; tôi biết hồi đó Bình xem chàng thuần túy là bạn thân của ông anh.

Tui biết mình thân thế quê mùa nghèo hèn và không xứng đáng với cổ.  Cổ là công chúa; tui là thằng bán than, sao dám ngước mặt vói lên trời?”

Tôi giữ kín nỗi niềm tâm sự của Hòa.  Khốn nỗi, tôi không phải là kẻ duy nhất mà chàng thố lộ tâm tư.  Trong mấy lần tôi trở lại sau đó, Dung hay hỏi tôi những câu xóc óc buộc tôi vào thế phải xác nhận chị thông minh và tài giỏi hơn tôi.  Như thể chị dùng tôi làm bung xung để đua tranh với bóng ma của quá khứ.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 26 tháng Sáu, 2024

******

Truyện ngắn mới: "Công Chúa và Kẻ Bán Than" (Tháng Sáu 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

Mời đọc truyện ngắn thứ mười

của

loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

 

Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

https://dconnect.co.jp/friend/

Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

NGƯỜI TÌNH CHU VĂN AN

Ngày 5 thắng 9 năm  2024

Thưa Quý thân hữu,  Trên Email,Xin phép forward

.Bài Email kể lại Truyện tình  một Chàng   trai Chu văn An của Saigon ngày xưa.

Cá nhân tôi không được  như thế.,Những năm hoc tại Chu văn An,cắm đầu vào học,

hoc và hoc,mải  tới năm 1959,đi hoc tại Khoa Hoc, trên đường nhìn vào Trường Nguyễn Bá Tòng  và nghĩ hoc sinh Nguyễn Bá Tòng,là lạ  và vui thật,  giá như được làm quen.

Ngày ấy chỉ nghe  tiếng là có Trường Nữ Trung Hoc Trưng Vương trên đường Nguyễn

Bỉnh Khiêm,  nhưng chưa biết, làm sao để đến ,,  Tôi, vốn Nông dân , và nhà quê  thật.

Có lẽ,măc cảm là  sinh viên  nghèo ,đi Xe đạp và Xe Mobilette màu vàng.

Bây giờ  có thời gian  đi coi Olympic 2024 Paris cũng có thể được ,nhưng làm sao đi.

Mong có nhiều emails nói về những ngày thân yêu ấy     Vui là chánh.

Cám ơn tác giả Email này ,tôi forward .        NND 24 BBTD

 On Thursday, September 5, 2024 at 07:55:45 AM PDT, 'Dinh Hung Ngo' via CVA60s <cva60s@googlegroups.com> wrote:

 ********

 Người Tình Chu Văn An

Lê Thị Nhị

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những người tình để nhớ, để thương, để sầu, để hận!

May mắn cho tôi, tôi chỉ có một người tình để nhớ: Người Tình Chu Văn An. Hay nói cho đúng hơn, người tình của tôi là học sinh trường Chu Văn An ở Saigon, hồi tôi mười lăm, mười tám.

Mối tình của chúng tôi không nồng cháy, ngang trái, lâm ly bi đát, tràn đầy nước mắt như một số những cuộc tình khác. Tình của chúng tôi nhẹ nhàng như cánh bướm non, tươi vui như buổi sáng mùa Xuân với nắng vàng, gió nhẹ, chim hót líu lo trên cành.

 Năm mươi năm qua đi…Chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau tiếng “Yêu”! Nhưng bằng những sự săn sóc, cảm thông, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, chúng tôi biết, chúng tôi luôn luôn có nhau trong trong tâm hồn, mặc cho vật đổi sao dời và cả khi hai chúng  tôi đều có “nửa kia” lù lù bên cạnh.

Anh là anh của bạn tôi, hơn tôi hai tuổi. Anh đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu. Anh có lối nói chuyện và tán gái ấm ớ như bao nhiêu  chàng trai Chu Văn An khác.

Một mẫu người lý tưởng như thế mà tôi lại để vuột mất khỏi tầm tay kể cũng là một điều lạ! Bạn bè bảo tôi ngu! Nhưng tôi cho rằng

 tôi và anh có duyên  mà không có nợ! Hoặc là trong tận đáy lòng, tôi bị ảnh hưởng bởi hai câu thơ của Hồ Dzếnh:“ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”, nên tôi đã giận hờn anh vì một lý do rất mơ hồ, rồi…hai người hai ngả xe bông!

 Đám cưới anh, tôi không đi dự. Ở nhà, tôi ngồi trước bàn học, viết nghuệc ngoạc trên tờ giấy trắng bốn câu thơ của một thi sĩ nào đó ( hình như là Lệ Khánh?):

 “Đám cưới nhà ai chắc phải vui?

Xe hoa đáng nhẽ để tôi ngồi

 Và bao nhiêu rượu cho tôi uống

 Say ngã bên thềm xác pháo rơi.”

Đám cưới của tôi, anh đưa tôi đi mua  sắm đủ mọi thứ, cứ như là một ông anh thứ thiệt! Có một lúc, anh ghé tai tôi thì thầm: “ Cô ngu lắm! Cô làm hỏng hết mọi chuyện!’’ Chúng tôi ít đi chơi riêng với nhau mà thường đi chung với các bạn. Đi đến đâu, chúng tôi cũng ồn ào, cười nói như vỡ chợ!

 Những buổi chiều thứ Bẩy, chúng tôi cùng các bạn đi dạo phố Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ… La cà vào các hiệu sách: Khai Trí, Việt Bằng, Tự Lực và lượn qua nhà hàng La Pagode, Givral để nhìn vào xem có nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng nào ( PhạmĐình Chương, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền…) đang ngồi khật khù ở đấy. Đây là một yêu cầu của những cô em gái, các anh bất đắc dĩ  phải chiều mà thôi vì các anh cũng biết ganh tị chứ!

 Tất nhiên, chúng tôi không dám bước chân vào các nhà hàng ấy.Nơi đó không phải là thế giới của chúng tôi. Chúng tôi kéo nhau vào hiệu kem Mai Hương, ngồi chuyện trò và ngắm kẻ qua, người lại trên hè phố.

 Lâu lâu, có tiền, chúng tôi học làm sang, rủ nhau phóng xe Velo Solex ra xa lộ, đi Thủ Đức ăn nem hoặc đi Biên Hòa ăn đầu cá hấp-

 Hình ảnh nữ sinh Saigon thời thập niên 60, mặc áo dài trắng, đội nón bài thơ với quai nón màu đỏ hoặc tím ngồi trên chiêc Velo solex mảnh mai, đen bóng, chạy trên đường phố, chắc quý vị còn nhớ?

 Những lần đi xa như thế, các ông anh Chu Văn An của chúng tôi mặt mày tươi rói, nói cười huyên thuyên, tưởng như không bao giờ hết chuyện!

 Các anh vui, vì một lý do rất dễ hiểu, bọn con gái chúng tôi không dám lái xe xa, phải ngồi đằng sau, ôm eo các anh.

 Thế là các anh có dịp trổ tài làm…anh hùng xa lộ! Thỉnh thoảng, bất ngờ, các anh cho xe chạy thật nhanh khiến chúng tôi phải hét ầm lên và ôm chặt các anh hơn!  Chúng tôi hét lên vì sợ thì ít, vì vui thì nhiều! Chúng tôi nào có phàn nàn gì về trò chơi nghịch ngợm, dễ thương như thế.

Chúng tôi cũng thích đi chèo thuyền ở Phú Lâm, Tân Thuận.Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè, con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên sông với những đám lục bình hoa tím, với những lùm cây thấp lòa xòa soi bóng nước. Những bài hát, có những câu hợp tình, hợp ý,

được các anh tranh nhau hát để ngầm…tán chúng tôi: “ Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời…”,  “ Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh…” Yêu ai, yêu cả một đời…”, “ Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về”

 Anh của tôi thì không thèm hát, anh đọc thơ: “ Yêu hết một mùa Đông. Không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng. “ ( Lưu Trọng

 Lư), “ Gió thổi mùa Thu hương cốm mới. Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.” (NguyễnĐình Thi)

 Hôm nào tôi bằng lòng đi riêng với anh thì anh vui lắm! anh bảo: “ Hôm nay anh trúng số!”. Tôi nói : “ Em với anh đi riêng như vậy, em sợ người ta hiểu lầm!” Anh nheo mũi cười: “Người ta hiểu đúng chứ hiểu lầm cái gi?”

 Rồi được dịp, anh dậy dỗ tôi đủ thứ chuyện, ra dáng bậc đàn anh lắm: “Lần sau, đi chơi buổi tối như thế này, cô phải mang theoáo len nhé. Cô ốm, không ai lo cho cô được đâu!” “ Anh chàng H. nham nhở lắm! Cô nên tránh nói chuyện với nó.” “ Sắp đến kỳ thi rồi, cô phải học hành chăm chỉ, anh muốn cô phải đỗ kỳ này! Cô không thi đỗ thì… ( Anh bỏ lửng câu nói ở đây)

 Những lần ra miền Trung cứu trợ bão lụt cũng để lại trong tôi những điều đáng nhớ. Vào những ngày ấy, chúng tôi quên hẳnmối tình

 con! Chúng tôi “ôm” mối tình lớn! Chúng tôi cùng nhau say sưa nói về quê hương, dân tộc. Tình hình đất nước…

 Anh chưa bao giờ khen tôi đẹp. Nhưng lần nào gặp nhau, anh cũng ngắm tôi, gật gù bảo: “ Cô mặc màu áo này đẹp lắm!” hoặc: “ Màu tím làm nổi bật nước da trắng của cô” Hoặc: “Mắt cô giống mắt của Audrey Hupburn.”

 Mỗi lần đi với anh, anh cứ tỉnh tỉnh nắm tay tôi suốt buổi, lâu lâu lại siết nhẹ một cái. Đôi khi anh choàng tay, ôm ngang lưng tôi, kéo sát vào anh. Anh hôn lên mái tóc tôi, thì thầm: “Cô mới gội đầu bằng bồ kết phải không?”

Những lần đi dự những buổi dạ vũ gia đình, tôi chỉ thích ngồi ngắm mọi người dập dìu trong tiếng nhạc, dưới ánh đèn mờ ảo.Tôi thường nhắc anh  mời các bạn tôi nhẩy. Lâu lâu, có bản Slow, anh kéo tôi ra cho bằng được, anh bảo: “ Cô không thích nhẩy thì chỉ cần tập cho anh  một điệu Slow này  thôi cũng được.” .Quà cáp anh cho tôi, thật đặc biệt! Không phải là nước hoa, son phấn đắt tiền mà là những thứ hằng ngày tôi thích. Khi thì gói ô mai, khi thì vài quả ổi, quả cốc, ly thạch, chè Hiển Khánh Đa Kao.

 Anh  mua cho tôi hầu hết những bản nhạc mà tôi ưa thích. Thơ tình của các tác giả nổi tiếng, anh chép cho tôi nguyên cả một tập giấy pelure màu xanh lơ nhạt, đóng gáy da, chữ mạ vàng cẩn thận. Thỉnh thoảng lại có những trang anh vẽ hình ảnh rất đẹp: Một cô gái tóc dài xõa ngang vai, ôm cặp sách đi dưới hàng phượng vỹ đỏ thắm. Một con thuyền nhỏ thấp thoáng trên sông. Một cành mai vàng rực rỡ

 Di tản sang Mỹ, Anh ở miền Tây, tôi ở miền Đông. Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên qua điện thoại. Nói chuyện với nhau, lâu dần trở thành một nhu cầu của chúng tôi. Nhất là những khi chúng tôi có chuyện vui buồn, cần có người để chia sẻ.

 Có một lần, tôi buồn lắm! Anh bảo: “ Anh sẽ sang thăm cô. Anh cho cô năm ngày, muốn hành hạ anh sao cũng được!”

 Đến tiểu bang tôi ở, anh thuê xe từ phi trường, lái  thẳng về khách sạn rồi mới gọi cho tôi, vẫn cách nói như ra lệnh:

- Anh đang ở khách sạn, gần nhà cô. Một tiếng nữa, cô đến anh, mình đi ăn trưa. Anh đã lên Net, tìm được nhà hàng rất lý tưởng! Anh sẽ không đưa cô đi ăn tiệm Việt Nam đâu! Lý do rất dễ hiểu, anh không muốn chúng mình gặp bạn bè bà con. Anh chỉ dành thời giờ cho cô thôi!

Anh đón tôi dưới phòng khách của khách sạn với nụ cười và giọng nói ấm áp:

- Cô vẫn thế! Không thay đổi nhiều.

Tôi đùa:

- Anh có cần mượn kính lão của em không? Có đến mười mấy năm rồi mình mới gặp nhau mà anh bảo em vẫn thế! Không thay đổi nhiều.

Anh nheo mắt:

- Thì anh nói cho cô vui mà! Chứ thật ra, chúng mình là lão ông, lão bà cả rồi! Cô xem này, tóc anh …đi chơi hết rồi!

Tôi cũng cười:

- Anh thấy da em nhăn giống quả táo tàu không?

Anh và tôi cười xòa, cùng bước vào thang máy để lên phòng anh ở.

 Ra khỏi thang máy, chúng tôi nắm tay nhau đi trên lối hành lang nhỏ, có trải thảm màu đỏ thẫm. Anh nhìn tôi mỉm cười hóm hỉnh:

- Cô muốn anh đưa cô đi ăn hay muốn gì khác?

Tôi cũng cười:

- Ghé phòng anh một chút thôi, rồi mình đi ăn ngay. Phòng anh…có chuột đấy! Em sợ lắm!

Anh nheo mắt nhìn tôi cười:

- Anh nhớ là cô sợ chuột và sợ cả anh nữa, đúng không? Nhưng  anh hứa với cô, anh sẽ không lộn xộn, lôi thôi gì hết. Anh biết cô vẫn thích anh ăn mặc vét tông, cà vạt đàng hoàng mà!

Trong năm ngày anh đến thăm tôi, ngày nào chúng tôi cũng đi thăm các thắng cảnh, đi ăn trưa, ăn tối ở những nhà hàng rất sang, rất đặc biệt hoặc lái xe vòng vòng trên khắp các con đường rợp bóng cây cao. Anh  bảo: “ Anh mê cây xanh ở tiểu bang này! Nơi anh ở, ít cây cối lắm! Khi đi làm, nhiều khi anh phải đi qua những vùng sa mạc, nắng chang chang và nóng như lửa!

 Những lúc chúng tôi ngồi bên nhau trên xe, anh hát nho nhỏ những câu hát mà ngày xưa anh và các bạn anh vẫn hát để ngầm tán nhóm bạn gái chúng tôi. Anh cũng không quên đọc những câu thơ mà gày nào anh đã đọc cho tôi nghe: “ Yêu hết một mùa Đông.

 Không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng”, “ Gióthổi mùa Thu hương cốm mới.Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”. Rồi anh hỏi tôi  có nhớ tên tác giả những bài hát, bài thơ đó không?

 Ngoài những bản nhạc, bài thơ mang nhiều kỷ niệm, anh còn hỏitôi: “ Cô có thích bài hát You Are My Sun Shine không nhỉ? Anh

 thường hát bài ấy cho mấy đứa con của anh, khi chúng còn bé, anh hát cho cô nghe nhé!

 Hỏi, nhưng anh không cần tôi trả lời. Anh thì thầm hát bên taitôi. Tôi nhắm mắt lại như thiu thiu ngủ. quá khứ mộng mơ, hiện tại êm đềm khiến tôi biết tôi là một người hạnh phúc.

 Tôi hạnh phúc, bởi vì trong cuộc đời, tôi đã may mắn có một Người Tình Chu Văn An để nhớ, để thương, để an ủi tôi  trong những cơn

 sóng gió đời.

Tôi nghĩ rằng, ở một nơi nào đó, những người bạn gái năm xưa của tôi, cũng có được niềm hạnh phúc như tôi, và có khi, hơn cả tôi, vì họ thực sự có nhau trong cuộc sống. Còn tôi, suốt đời: “ Tôi chỉ là người em gái thôi…” của một chàng Chu Văn An có lối nói chuyện  và tán gái…ấm ớ như bao nhiêu chàng trai Chu Văn An khác.

 *****

 

 

--

 

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan