NGUYỄN NGỌC HOA: AI LÀM NÊN NỖI

 

Ai Làm Nên Nỗi?

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Đối với một người Mỹ đi làm việc trung bình, hai hay ba tuần nghỉ phép hàng năm đưa gia đình đi chơi xa về mùa hè là quyền lợi nhân viên quan trọng.  Trong thời gian ấy, vợ chồng con cái cùng nhau đi du lịch, thăm viếng thắng cảnh hay địa điểm nổi tiếng, đi ngoại quốc cho biết đó biết đây, và nếu con vào lứa tuổi thiếu niên, đến các khu giải trí được ngưỡng mộ như Disneyland ở nam California hay Disney World ở Florida.  Các khu giải trí này có nhiều trò chơi và ride (các loại máy móc có ghế ngồi và chuyển động để tạo cảm giác hồi hộp mạnh mẽ cho người “đi” [hay “ride”]), mua vé vào chơi cả tuần lễ cũng chưa hết.

Tôi làm việc chưa đầy năm nên chưa có phép thường niên.  Một số bạn người Việt của tôi có cơ hội đi nghỉ hè, nhưng họ không đi viếng cảnh hay du lịch mà đi thăm bạn bè thân nhân.  Cả gia đình hay một nhóm bạn chất hết lên một chiếc xe hơi và thay nhau lái không nghỉ, chỉ ngừng lại đổ xăng và làm công tác vệ sinh.  Đến nơi, gia chủ bày sẵn tiệc tiếp đón, khách ngồi vào chén mày chén tao đến khi say túy lúy và đi ngủ.  Hôm sau, tiệc rượu lại tiếp diễn.  Vài ngày sau, khách lên đường về nhà và lái một mạch như khi đi, mệt nhoài và buồn rầu ủ ê vì vừa chia tay với bạn bè...

Anh Phức, Phiến, và thằng Sang em tôi vừa trở về sau một chuyến nghỉ hè như thế.  Anh Phức đi sang đây một mình, vợ con còn ở Việt nam, và làm việc trong xưởng dây chuyền lắp ráp của hãng chế tạo máy cày.  Phiến độc thân thực sự và làm trong hãng chế tạo trailer (nhà di động).  Thằng Sang vẫn đi làm trạm xăng và đã dọn ra ở chung với Phiến vì hết chịu đựng nổi bản tính nghiệt ngã của cha.  Phiến trạc tuổi thằng Sang, người mập mạp và tốt bụng, nhưng phải tội ăn nói bừa bãi và khoái chê bai anh Phức.  Anh quê ở làng Mỹ Lợi cách Huế chừng 30 cây số về phía đông nam, làng duy nhất nằm trong tỉnh Thừa Thiên mà dân chúng lại nói giọng Quảng Nam.  Phiến giễu cợt cách phát âm của anh qua mẩu chuyện khôi hài,
Hỏi:  Tại sao người làng anh Phức không biết ngồi xe lam hay đi xe đạp?
Đáp:  họ chỉ ngồi xe lôm và đi xe độp.
Xe lam là loại xe thùng nhỏ có ba bánh dùng làm phương tiện chuyên chở công cộng của giới bình dân.  Anh Phức làm ca đêm, ban ngày lái xe lòng vòng thăm các bà độc thân có con mà không chồng, nhưng mật ít ruồi nhiều, không dễ dầu gì lọt vào mắt xanh của họ.  Phiến chọc ghẹo anh bằng câu ca dao,
Em như cục cứt trôi sông,
Anh như con chó chạy rông trên bờ.
Anh Phức tức giận la lên,
       “Trâu buộc ghét trâu ăn!  Cái thằng Phiến này, mi ganh tị vì thấy tao đẹp trai nói chuyện có duyên được các ‘em’ mê tít thò lò.”
       “Anh có số đào hoa mà sao suốt ngày vác ‘bộ đồ nghề’ chạy rông, chẳng nên cơm cháo gì?” Phiến cười cười.
       “Mi cũng xách ‘củ cải’ chạy rông như tao chớ giỏi giang chi?”
       “Sức mấy!  Tui là trai tơ, súng ống chưa sử dụng, chưa nếm mùi đời, chay tịnh không sao.  Còn ‘ai đó’ từng trải chuyện đời mới ăn quen nhịn không quen,” Phiến phản pháo.
Chuyến nghỉ hè của ba người thực hiện được nhờ xưởng dây chuyền lắp ráp của anh Phức cho nhân công nghỉ một tuần để bảo trì máy móc.  Anh rủ Phiến và thằng Sang đi thăm gia đình người anh vợ anh ở ngoại ô Chicago thuộc tiểu bang Illinois.  Lần đầu tiên có dịp đi xa nên tuy phải xin nghỉ làm không ăn lương, Phiến và thằng Sang sốt sắng nhận lời, nhất là khi nghe nói gia đình đó có hai cô em gái trẻ tuổi độc thân – biết đâu đấy! 
Người đi xa về có thật nhiều chuyện để kể cho mấy tay nhà quê chưa có dịp ra khỏi North Dakota như tôi.  Chicago có nhiều người Việt định cư, họ liên lạc được với thân nhân trên khắp thế giới và có đầy đủ tin tức Việt nam mà nhiều tháng nay báo chí Hoa kỳ hầu như quên bẵng.  Nhờ vậy, tôi biết được những thủ đoạn cướp bóc trắng trợn và trả thù độc ác của chính quyền mới.  Như “tiếp quản” các xí nghiệp tư và các trường đại học và trung học tư, bắt dân chúng đổi tiền nhưng chỉ cho đổi rất giới hạn – số tiền mồ hôi nước mắt còn lại bị mất toi, “đánh tư sản mại bản,” đày đọa “ngụy quân ngụy quyền” đi “học tập cải tạo,” và “tịch biên” nhà cửa và tài sản của gia đình họ, v.v.  Đám dân thường sống khật khừ người không ra người bên ngoài nhà tù thì
Lao động là vinh quang,
Lang thang là chết đói,
Hay nói thì ở tù,
Lù khù thì đi kinh tế mới.
Trong khi anh Phức và Phiến ba hoa về đời sống thành phố lớn trong bữa nhậu cuối tuần, thằng Sang đi làm bù cho những ngày nghỉ.  Hơn một tuần sau ngày đi Chicago về, chiều thứ Sáu nó gọi điện thoại vào sở cho tôi,
       “Hôm nay anh cúp cua về sớm một bữa đi.  Ra ba (bar) gần trạm xăng uống bia, tui bao.  Làm cho lắm, tắm cũng ở truồng!”
Hai anh em tôi uống bia chay (không đồ nhắm) như người Mỹ.  Khi uống đủ đô (dose), thằng Sang mở lời,
       “Anh còn nhớ thằng Khắc bạn học của tui ở Tuy Hòa không?”
       “Thằng Khắc hiền hiền ngu ngu, sau khi thi đậu Tú tài II, đi sĩ quan Hải quân, và về Tuy Hòa phục vụ trong đội Hải Thuyền đóng gần bãi biển Đông Tác; anh biết nó mà,” tôi gật đầu.
       “Lúc tụi tui vừa tới nơi, ông anh vợ anh Phức bày sẵn tiệc tẩy trần, và một lô bạn Hải quân ở quanh vùng ngồi chờ.  Thằng Khắc là một trong mấy thằng Hai quần đó.”
       “Mừng mày gặp lại bạn cũ,” nhưng tôi chờ nó đi vào chuyện chính.
       “Nó dẫn theo con bồ sắp cưới, tui thấy là muốn nhảy dựng lên.  Anh tin được không, bồ nó là con Hạnh Thúy Phan Thiết?”
Mùa hè năm 1971, thằng Sang bị gọi nhập ngũ vào trường Bộ binh Thủ Đức, ra trường được chọn đi Pháo binh và gửi đi học ở trung tâm Huấn luyện Pháo binh ở Dục Mỹ, và được bổ về tiểu khu Bình Thuận ở Phan Thiết làm sĩ quan tiền sát gọi là đi đề-lô.  Ở thành phố duyên hải duyên dáng hiền hòa này, nó làm quen với Hạnh Thúy, cô nữ sinh lớp 12 trường trung học Phan Bội Châu, và dần dần tình yêu hai người lớn mạnh.  Cha mẹ nàng là thương gia giàu có, không phản đối, và cho phép nàng dự liên hoan của sĩ quan tiểu khu với em tôi vào các dịp lễ lạt lớn.
Ngày được thăng chức thiếu úy, thằng Sang hớn hở đến nhà Hạnh Thúy dự định ngỏ chuyện hôn nhân thì bị nói thẳng vào mặt là cha mẹ nàng đã quyết định gả con gái cho Trung úy Tạo, y sĩ trưởng Trung đoàn XX đóng ở Sông Mao.  Mang mặc cảm thua kém tình địch, thằng Sang đau lòng ôm mối hận tình xin ra cầm trung đội Pháo binh đặt ngoài Phan Thiết và không lai vãng về thành phố.  Ít lâu sau, dư luận tỉnh nhỏ đồn Bác sĩ Tạo bỏ rơi Hạnh Thúy để cưới cô con gái mười sáu tuổi của vị tướng tư lệnh sư đoàn và đổi về Sài gòn làm việc.  Người ta cũng vô tuyến truyền miệng Hạnh Thúy và đứa em trai “lên Đà Lạt học,” nghĩa là nàng mang bụng bầu lên đó sinh con.
Giọng nói của thằng Sang mang một chút tiếc nuối,
       “Phải công nhận gái một con trông mòn con mắt, con Thúy càng ngày càng đẹp.  Nhưng cặp với thằng Khắc cù lần lửa thì đúng là bánh bột lọc cho ngâu vọc.”
       “Sao mày không nhào dzô lại?  Thời buổi người khôn của khó dễ gì mà kiếm được người như Thúy?” tôi gợi ý.
       “Làm sao tui quên được nỗi nhục nhã đắng cay khi bị ‘em’ đá ra rìa?  Đứa con thằng Tạo ‘tặng’ cho ‘em’ trước khi quất ngựa truy phong còn đó; con Thị Mầu sao nỡ biểu Thị Kính này nuôi?”
       “Có bao giờ nói mày chuyện với Thúy về đứa bé, trai hay gái và tên gì không?”
       “Tui đâu có dư thì giờ mà hỏi thăm con hoang của thằng Sở Khanh đó,” nó nói chắc nịch.
Thằng Sang không ngờ rằng cô bé tên là Thúy Sang, do “Hạnh Thúy” và “Sang” ghép lại, và thực ra là con của nó.  Đầu tháng Tư năm ngoái (1975), khi Đà Lạt thất thủ, nàng ôm con cùng thằng em trai chạy về Sài gòn ở đỡ nhà người bà con trong Chợ Lớn.  Nàng vào trường Phú Thọ gặp tôi trước rồi mới đến nhà tìm thằng Sang.  Khi nói chuyện riêng với tôi, nàng tiết lộ nhưng bắt tôi phải cam đoan giữ kín,
“Cuối năm 1973, anh Sang đưa em đi dự tiệc tất niên Quý Sửu của sĩ quan tiểu khu, bị bạn bè chuốc rượu say nhừ, và đưa em về nhà.  Hai đứa không kềm chế được lòng mình và dâng hiến cho nhau.  Hôm sau tỉnh rượu, ảnh không nhớ cuộc ái ân đêm qua.  Khổ nỗi em ngu tận mạng, không hay mình thọ thai do cái lần đầu tiên và độc nhất đó, cho đến sau ngày ba má nhận lời cầu hôn của gia đình anh Tạo và ép em lấy ảnh.  Ảnh khám phá ra bụng bầu của em và từ hôn.”
Khi Hạnh Thúy đến nhà thăm và gặp mẹ, thằng Sang đưa nàng về và đi chơi qua đêm.  Trái với sự mong ước thiết tha của tôi, hai kẻ yêu nhau một lần nữa quay lưng lại với nhau.
      
* * *
Khoảng một tháng sau khi nói chuyện với thằng Sang, tôi được công ty gửi đi Chicago dự hội nghị về phương pháp khảo sát hệ thống điện, chuyến đi công tác xa đầu tiên của tôi.  Hội nghị từ thứ Tư đến thứ Sáu, tôi ở lại cuối tuần, lục niên giám điện thoại và hỏi tổng đài tìm số điện thoại của Hạnh Thúy, và gọi hẹn gặp nàng đi ăn tối ở phố Tàu.  Thấy tôi, nàng vui mừng chạy lại ôm khóc rưng rức; tôi hỏi,
       “Nhỏ Thúy Sang khỏe không, bây giờ biết làm gì rồi?”
       “Dạ, cháu mới biết đi lẫm đẫm và nói bập bẹ vài tiếng.  Cháu ở nhà với ông bà ngoại vì em đi làm và đi học suốt ngày,” nàng lấy khăn chặm nước mắt.
       “Thực không ngờ em và gia đình đi được sang đây.  Hồi đó, anh tưởng em sẽ đưa cháu về Phan Thiết.”
       “Ban đầu em tính vậy.  Nhưng khi về nhà người bà con thì được tin đường sá ở Phan Thiết tràn ngập xe cộ của đoàn di tản từ các tỉnh phía bắc chạy vào, chợ Phan Thiết bị cháy rụi, và tỉnh nhà trở thành tuyến địa đầu chống lại quân Cộng sản.  May quá, ba má kịp thời bỏ nhà bỏ cửa kéo mấy đứa em chạy thoát thân vào Sài gòn.  Cả nhà tụ lại một chỗ và sau đó theo tàu Hải quân di tản sang đây.”
Hạnh Thúy kể chuyện vừa qua,
       “Trong trại tỵ nạn Đồn Chaffee em gặp lại anh Tạo.  Ảnh đi một mình vì cô vợ trẻ ở nhà cha mẹ cổ và ông tướng anh hùng nhất định không rời khỏi nước và cũng không cho phép gia đình ra đi.”
       “Và anh ta ngỏ ý muốn chắp nối với em, phải không?” tôi hỏi đùa.
       “Sao anh biết hay quá vậy?” nàng tưởng tôi nói thực, “Ảnh đề nghị hai đứa xáp lại sống chung, khai là vợ chồng và bé Sang là con ảnh, và làm lại từ đầu.”
       “Sao em không nhận lời?”
       “Ảnh tưởng nhỏ Thúy ít học ngu si này ham lấy bác sĩ lắm nên đui mắt, không thấy cái dây thòng lọng thắt cổ.  Em hỏi ảnh, ‘Chừng mai mốt vợ anh lù lù qua đây thì tính làm sao?’  Ảnh tịt ngòi luôn.”
Hạnh Thúy nói về cuộc sống hiện tại,
       “Ba má đã có tuổi, ở nhà ăn trợ cấp chính phủ và giữ cháu.  Ban ngày em làm bồi bàn tiệm Tàu, buổi tối đi học Anh văn và học thi lấy bằng GED.”  GED (general equivalency diploma) là bằng tương đương với chứng chỉ tốt nghiệp trung học.
       “Nhất em rồi!  Không phải ai cũng chịu khó và có tinh thần cầu tiến như em; thằng Sang tối ngày chỉ lo ăn chơi,” tôi thành thật khen nàng, “Nhưng sao anh nghe nói em sắp lập gia đình với Khắc bạn nó?”
       “Không có đâu anh.  Bữa đó em tới giúp làm tiệc vì em là bạn thân của em gái chủ nhà.  Em biểu hai cô ấy nói vậy để chọc cho ảnh tức chơi.  Em sợ đàn ông lắm rồi anh ơi!”
Trên chuyến bay từ phi trường O’Hare Chicago về Bismarck chiều Chủ Nhật, tôi lẩn thẩn tự hỏi tại sao bé Thúy Sang lớn lên không có cha.  Lỗi tại ai?  Do cha mẹ Hạnh Thúy gây ra thảm kịch này?  Hay vì thằng Sang đã tạo ra bé mà không hay biết bé hiện hữu?  Hay tại Hạnh Thúy câu nệ, tự ái không thèm nói bé là con của nó?  Và Bác sĩ Tạo có góp phần khiến nàng “sợ đàn ông lắm rồi” không?  Chung quy, chỉ có ông Trời là dễ đổ lỗi,
Cho hay duyên số bởi trời,
       Dầu ai thêu dệt vẽ vời mặc ai.
              (Ca dao)

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 28 tháng Tư, 2021

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan