NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG: GẢ CON CHO GIẶC & NGƯỜI KHÁCH CUỐI CÙNG NƠI NHÀ QUÀN

 *KÍNH MỜI ĐỌC TRUYỆN NGẮN HAY CỦA HAI NHÀ VĂN:

   *NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG
* NGUYỄN QUANG LẬP

**

*Gả con cho “giặc” 

 Nguyễn Thị Thanh Dương

 Cô Lạc báo tin cho cha mẹ là sẽ về thăm Việt Nam cả tháng nay thì cả tháng nay anh chị Siêu mừng vui đến mất ăn mất ngủ. Phen này thì cả làng An Bình sẽ lên cơn sốt như cách đây 3 năm họ đã lên cơn khi biết cô Lạc nhà quê nhà mùa, trình độ văn hóa lớp 6 kết hôn với một ông kỹ sư người Mỹ. Nhà anh Siêu nghèo, mấy sào ruộng nhà nước chia theo tiêu chuẩn đầu người không đủ cho hai vợ chồng cầy cấy nuôi 3 đứa con, anh đi bộ đội về cảnh nhà eo hẹp nên lấy vợ trễ, con còn nhỏ. Cô Lạc lớn nhất nhà đã được bố mẹ gởi gấm theo vài người anh em họ vào thành phố Sài Gòn làm ăn. Trong làng, nhà nào cũng có người vào Nam kiếm sống nên đồng hương cũng giúp đỡ nhau nói chi là họ hàng.

Lạc xin vào làm cho một hãng nhựa tư nhân ở Chợ Lớn, ngày làm 12 tiếng, một tuần làm 6 ngày quần quật cực nhọc không thua gì làm ruộng nương nơi quê nhà.

Ăn dè để dành mỗi năm Lạc cũng tom góp được chút tiền gởi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi hai em, còn Lạc không dám mơ đến chuyện về thăm quê, bởi tiền tàu xe từ Nam ra Bắc sẽ ngốn hết những đồng tiền để dành ít ỏi ấy.

Đột nhiên người anh họ tên Chu của anh Siêu từ Mỹ về thăm quê hương, người anh họ mà anh Siêu chưa bao giờ biết mặt vì cách ngăn bởi vĩ tuyến 17 giữa hai miền Nam Bắc.

Năm 1975 từ Sài Gòn anh Chu cùng gia đình di tản qua Mỹ, sau bao nhiêu năm yên ổn cuộc sống nơi xứ người anh Chu mới thể theo lời trăn trối của người cha già trước khi nhắm mắt là hãy về thăm lại quê quán, tìm gặp người thân nơi miền Bắc.

Thấy cảnh nhà anh Siêu nhà xiêu mái dột, con cái nheo nhóc tương lai là cày thuê cuốc mướn đói nghèo, anh Chu thương cảm cho thêm quà, thêm tiền.

Chợt nhìn thấy tấm hình cô con gái lớn anh Siêu đóng khung để trên bàn, tấm hình mà Lạc đã chụp ở Sài Gòn làm kỷ niệm gởi về để cả nhà ngắm cho đỡ nhớ, trông cô hiền lành xinh xẻo nên anh Chu chợt nảy ra một ý định là kiếm chồng ở Mỹ cho cô, đó là cách giúp đỡ dài lâu và thiết thực nhất...

Anh Chu mang tấm hình cô Lạc về Mỹ. Làm cùng hãng với anh là một ông kỹ sư Mỹ tuổi trung niên độc thân và cô độc.

Hai người ngồi cạnh nhau nên thân nhau, anh Chu đã đưa hình Lạc ra và ngỏ ý muốn giới thiệu cho ông.

Chuyện cầu may mà thành sự thật, Richard mừng lắm, vì cuộc đời ông đã mấy lần ly dị, lần này lấy một cô gái quê chất phác, dòng máu Á Đông dịu dàng chắc sẽ chung thủy với ông suốt đời.

Hơn nữa, lại là một cô gái trẻ tuổi trinh nguyên và xinh đẹp, thì làm sao mà ông Richard không vui vẻ chấp nhận.

Thế là sau một thời gian trao đổi thêm thư từ hình ảnh giữa ông Richard và Lạc, có anh Chu làm thông dịch cho đôi bên, thì cả hai cùng đồng ý đi đến hôn nhân dù ông Richard lớn hơn Lạc hơn 20 tuổi, nhưng bù lại ông sẽ mang Lạc đi Mỹ, sự trao đổi cũng tương xứng, công bằng cho cả hai.

Anh chị Siêu mừng lắm, đứa con gái nhà anh lấy chồng được đi Mỹ có nằm mơ cũng chả dám, dù là người chồng lớn tuổi, nhưng còn hơn ở lại Việt Nam lấy được thằng chồng trẻ ngang vai phải lứa, cùng nông dân cày cuốc thì cái nghèo đói lại di truyền từ đời vợ chồng Lạc tới con cháu nó không biết đến bao giờ mới ngóc đầu lên nổi.

Để mong thoát cảnh đói nghèo bao nhiêu con gái quê Việt Nam phải lấy chồng ngoại Đài Loan, Đại Hàn hay Trung Quốc, mà phần nhiều là chồng già hay có vấn đề về sức khỏe, sung sướng thì ít, đau thương thì nhiều, chứ dễ gì lấy được chồng Mỹ và đi Mỹ, cái đất nước nổi tiếng to đẹp, hùng mạnh nhất thế giới.

Ông Richard và anh Chu cùng về làng An Bình. Đám cưới Richard và Lạc sẽ diễn ra ở đây.

Đột nhiên họ hàng, làng xóm thấy anh chị Siêu phát lễ hỏi như dân phố Hà Nội là trầu cau, trà sen, bánh xu xê, bánh cốm trong hộp có giấy bóng kính màu đỏ và thiệp cưới in đẹp đẽ đến từng nhà, ai cũng kinh ngạc vì quà đám hỏi to quá.

Tin Lạc sắp lấy chồng Mỹ như một quả bom vừa pháo kích vào ngôi làng bé nhỏ êm ả này.

Đám cưới diễn ra ai được mời cũng không từ chối, vì ai cũng tận mắt muốn xem mặt thằng chú rể người Mỹ của làng An Bình.

Sau đám cưới ông Richard về lại Mỹ làm giấy tờ bảo lãnh Lạc. Cả làng xôn xao bàn tán, khi thì ở trên bờ đê lúc tạm ngừng làm ruộng, khi thì trong hàng chè xanh nơi đầu làng:

– Con Lạc sắp đi Mỹ rồi. Sao số nó sung sướng thế nhỉ?

– Ôi giời, lấy thằng giặc Mỹ mà hãnh diện à? Bố con Lạc từng là anh hùng diệt Mỹ thời chiến tranh chống Mỹ Ngụy đấy nhé

– Nghe nói chồng nó là kỹ sư cơ đấy?

– Phô trương thế thôi, ai biết đâu mà kiểm chứng? Có khi là thằng Mỹ đầu đường xó chợ cũng nên?

– Chưa biết chừng nó mang sang Mỹ bán cho động mãi dâm như bọn buôn người qua Trung Quốc đấy. Phúc đâu chưa thấy, họa lại mang vào người.

Một ông có vẻ hiểu biết, phản đối:

– Đời nào có, tôi chưa nghe chuyện gái Việt Nam lấy Mỹ bị bán vào động mãi dâm bao giờ.

– Bọn Mỹ là ác lắm, việc gì chúng chẳng làm….

Ông kia tiếp tục khoe sự hiểu biết:

– Các bác không đọc báo, nghe đài à? Ta và Mỹ bây giờ là bạn rồi, có cái tàu Mỹ đến thăm Việt Nam và Hải Quân ta ra tận tàu Mỹ nghênh tiếp nữa mà.

Rồi lại có cái tàu gì to lắm, có chỗ cho máy bay đỗ và đáp cơ đấy, cũng sang thăm Việt Nam và phe ta lên tàu tham quan thích lắm.

Giọng đàn bà nhà quê đanh đá:

– Gớm, to lớn mấy cũng bị bộ đội ta diệt thời chống Mỹ rồi. Mỹ vẫn là thằng giặc thua trận.

Ông “hiểu biết” giảng giải chuyện đời miễn phí:

– Biết đâu là bàn cờ thế cuộc, chứ họ văn minh thế kia mà. Nay thời thế đã đổi khác, bạn hóa thù, thù thành bạn.

Xưa Trung Quốc là bạn hàng xóm gần gũi thân yêu của ta, như “môi và răng” môi hở thì răng lạnh, từng giúp đỡ ta trong chiến tranh. Nay bạn hại ta đấy thôi, từ chuyện kinh tế, hàng hóa đồ dùng Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam để giết chết ngành công kỹ nghệ sản xuất của ta, cả trái cây Trung Quốc như nhãn, vải, táo, cam cũng lấn chiếm thị trường nông sản Việt Nam làm thiệt hại các nhà trồng vườn, đến chuyện lấn chiếm vùng đất, vùng biển Hoàng sa, Trường Sa. Họ đã hiếp đáp, bắt giữ tàu và ngư dân đòi tiền chuộc hoặc làm chết ngư dân mình.

Một bà rụt rè lẩm bẩm:

– Ừ nhỉ, lúc này đi đâu cũng thấy hàng hóa Trung Quốc, mà nghe nói toàn là hàng độc hại. Trông mẫu mã đẹp mắt mà chết người.

Những lời dị nghị, đồn đãi không hay đã đến tai vợ chồng anh Siêu, anh chị vừa tức giận vừa xấu hổ chẳng biết đường nào mà phân bua, mà cãi..

Trong làng có bà tên Cào, tên thật của bà người ta không thèm gọi mà chỉ gọi bằng cái tên nghề nghiệp vì bà chuyên nghề đi thuyền cào tôm, cá ngoài sông.

Bà gặp chị Siêu đã mát mẻ mỉa mai:

– Sướng nhé, có con gái gả cho Mỹ rồi tha hồ mà hưởng quà đế quốc Mỹ. Nhưng con gái tôi thì không thèm đâu, thà ở làng quê này đi cào cá cào tôm như cha mẹ nó, tuy nghèo mà có tình quê hương, chẳng phải lệ thuộc thằng nước ngoài nào cả.

Chị Siêu nén giận cười gượng:

– Vâng, mỗi người một hoàn cảnh. Chúng tôi có dám mơ ước cho con gái lấy Mỹ bao giờ đâu, chẳng qua bác nó ở Mỹ muốn giúp đỡ.

Lạc được Tòa Lãnh Sự Mỹ gọi phỏng vấn và bị từ chối. Thời điểm này chính phủ Mỹ khám phá ra mấy vụ người Việt Nam và người Mỹ bản xứ kết hôn với người bên Việt Nam là “dịch vụ” lấy tiền để đưa người từ Việt Nam nhập cư vào Mỹ nên họ nghi ngờ và cho “rớt” khá nhiều.

Anh chị Siêu và Lạc lo lắm, Lạc không đi Mỹ được thì dân làng lại có đề tài mà mỉa mai châm chọc thêm cho đáng đời kẻ ham muốn gả con cho giặc Mỹ, chứ chắc gì họ buông tha?

Ông Richard đã làm đơn khiếu nại, gởi bổ sung thêm những chứng cớ cần thiết và Mỹ phỏng vấn Lạc lần thứ hai đã chấp nhận hồ sơ cho Lạc được đi Mỹ đoàn tụ với chồng.

Anh chị Siêu mừng rối rít, gọi điện hỏi thăm anh Chu là ông Richard đã “chạy” đường dây nào mà hay thế? tốn phí hết bao nhiêu tiền?

Tội nghiệp anh chị Siêu, từ cha sinh mẹ đẻ quen bị hà hiếp, bóc lột, quen phải hối lộ cho chính quyền từ phường xã tới quận huyện, từ việc lớn đến việc nhỏ, và vì trình độ văn hóa thấp, chỉ quanh quẩn ở làng quê không biết gì ngoài ruộng lúa và lũy tre làng, nên ngây thơ hồn nhiên tưởng ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này cũng ăn hối lộ tận tình như quê hương Việt Nam mình.

Anh Chu kể rằng ông Richard chẳng chạy chọt đường dây nào cả, khi có đầy đủ chứng cớ thì Mỹ phải chấp nhận cho đi.

Ngoài ra anh Chu còn kể thêm có những hồ sơ bảo lãnh đã được phỏng vấn và chấp thuận mà người bên Việt Nam vì lý do gì đó chưa muốn đi Mỹ nên chần chờ chẳng tiến hành thêm gì cả, hàng năm Sở Di Trú vẫn gởi giấy nhắc nhở họ có muốn đi Mỹ thì làm tiếp một hai bước thủ tục sau cùng.

Vẫn không có trả lời dứt khoát, cuối cùng Sở Di Trú phải gởi cho người bên Việt Nam một “tối hậu thư” hỏi có muốn đi Mỹ hay không? Nếu không thì lần này Mỹ sẽ đóng hồ sơ.

Anh chị Siêu kinh ngạc quá, ai đời quyền lợi của họ, họ không hưởng thì thôi, việc gì Mỹ phải nhắc nhở họ và hỏi đi hỏi lại mãi thế?

Ở Việt Nam, có mà cầu cạnh, đút lót cả đống tiền chưa chắc mua được sự việc như ý, dù mình có cả tỷ lý do vô cùng chính đáng.

Lạc đi Mỹ được hai năm thì tiền bắt đầu gởi về cho cha mẹ xây sửa nhà cửa, vì Lạc đã đi làm nail nên có tiền riêng tha hồ gởi giúp gia đình, người chồng Mỹ của Lạc, với đồng lương sung túc của mình, chỉ cần Lạc đẻ cho ông một hai đứa con và chung thủy suốt đời là hạnh phúc rồi.

Hàng xóm họ hàng càng bàn tán, càng vu khống nhiều hơn, dù chị Siêu đã mang ra khoe với họ những tấm hình vợ chồng Lạc và 1 đứa con của họ.

– Tiền gởi về cho bố mẹ nhiều thế này đích thực là tiền làm gái mà ra chứ của đâu sẵn thế?

– Ừ nhỉ, làm gì mà ra tiền nhanh thế nhỉ?

– Nhưng bà Siêu có khoe hình con Lạc chụp với thằng chồng Mỹ, cái thằng đã về làng cưới nó hẳn hòi mà.

Một bà gạt phăng:

– Ối giời ôi, thằng Mỹ nào trông cũng giống nhau, có khi là thằng chồng thứ bao nhiêu rồi đấy?

Những lời dèm pha này lại cố tình đến tai vợ chồng anh Siêu. Nghe những lời ganh tị mấy năm nay anh chị đã quen tai, nhưng anh chị cũng đã thấy vài kẻ trong làng thèm thuồng được như anh chị lắm, khi họ ghé vào thăm ngôi nhà 3 tầng khang trang mới xây trên cái nền đất của căn nhà xộc xệch cũ, khi họ nhìn những tấm hình Lạc đẹp đẽ từ Mỹ gởi về, và thấy cuộc sống vật chất nhà anh Siêu thong thả hẳn ra.

Một người họ hàng bên vợ anh Siêu, ở tận Hà Nội, nhà giàu có, con cái đứa thì bằng cấp đại học, đứa đang chuẩn bị thi vào đại học, mà còn mong ước gả cô con gái lớn cho người Mỹ, các em thì không thèm du học ở Anh, Úc, Gia Nã Đại, mà chỉ thích Mỹ.

Xưa nay anh chị Siêu mấy lần có dịp lên Hà Nội nào dám bén mảng tới nhà họ chơi, vì khoảng cách giàu nghèo và trình độ, nhưng từ dạo Lạc đi Mỹ, từ dạo nhà anh Siêu xây to nhất làng, thì chính người họ hàng đó đã vồn vã mời chào, nhờ thế anh Siêu mới biết được những tâm tư khát khao của gia đình họ và của nhiều người dân thành thị.

Người ta không còn căm thù người Mỹ nữa, giới trẻ đua nhau học tiếng Mỹ, các nhà khá gỉa còn cho trẻ con học tiếng Mỹ từ thuở vỡ lòng song song với tiếng Việt, các cửa hàng, dịch vụ trên phố xá từ Hà Nội đến Sài Gòn, đến các thành phố lớn nhỏ khác đều kèm theo tiếng Mỹ, con gái Việt Nam nhiều người lấy chồng Mỹ rồi, và nhờ thế anh chị Siêu mới vơi bớt mặc cảm tội lỗi gả con cho giặc Mỹ mà một số dân làng An Bình đã ganh tị và ác cảm đổ cho anh chị.

Qua con gái anh chị Siêu đã biết được một nước Mỹ tự do dân chủ, cuộc sống thoải mái..

Lạc kể mua cái ti vi về coi mấy tuần thấy không vừa ý đã đem trả lại tiệm, hay đơn giản có lần Lạc mua một cây Lê trong chợ Mỹ về nhà trồng, cây bị chết sau đó, Lạc đã gọi phone than phiền với chủ tiệm, vậy mà người ta xin lỗi và mời cô đến chọn lại cây lê khác, dĩ nhiên là không phải trả tiền lần nữa và họ cũng không cần Lạc mang bằng chứng cây lê đã bị khô chết kia.

Thật là trung thực, tin cậy lẫn nhau, một xã hội có cuộc sống, có nếp suy nghĩ như thế không biết đến đời kiếp nào Việt Nam mới bắt chước được?

Ở Việt Nam người ta mua gian bán lận, làm hàng giả, lừa đảo khách hàng vì lợi nhuận, vì lòng tham sao cho đầy túi, làm gì có chuyện mua hàng về nhà xài rồi đem trả lại?

Chúng đã không đổi cho mà còn mắng chửi té tát vào mặt. Ngay như mua vàng hôm trước, hôm sau mang ra chính tiệm ấy bán lại, chúng cũng kiếm cách ăn chận, nào là hôm nay vàng vừa mới xuống giá, nào là vàng…hao hụt, để trả giá rẻ, để lời nhiều.

Hàng hóa giả, còn có cả bằng cấp rổm nữa, những anh chị y tá có công với đảng được “đề bạt” học bổ túc chuyên môn là trở thành bác sĩ, hay con ông cháu cha học hành thì ít ăn chơi thì nhiều nhưng chạy chọt vào trường Y khoa, cũng ra trường bác sĩ như ai dù kiến thức thì chẳng bằng ai. Nên các bệnh nhân ở Việt Nam gặp nhiều ‘biến cố” chết người không có gì làm lạ.

Những chuyện đời thường của nước Mỹ mà nghe xong anh Chị Siêu còn giật mình không muốn tin, nếu không do chính con gái anh chị kể ra thì chắc chắn anh chị cho là bịa đặt, là chuyện hoang đường trên trời rơi xuống.

Anh chị dần dần cảm mến nước Mỹ, những nước thuộc thế giới tự do họ có lý tưởng của họ trong chiến tranh, Mỹ có căm thù gì dân Việt Nam đâu mà tàn ác giết hại dân Việt Nam?.

Anh chị thương thằng con rể Mỹ, nó hiền hòa, trung thực, nó đã đổi đời cho Lạc, thương yêu chiều chuộng con gái anh, đối xử tốt với gia đình nhà vợ. Người xấu người tốt ở đâu cũng có, cũng tùy người..

Anh Siêu thấy xấu hổ khi nhớ lại ngày xưa anh đã căm thù đế quốc Mỹ, hình ảnh những người lính Mỹ là tàn ác, ghê gớm, là gieo rắc đau thương cho xóm làng, nhân dân Việt Nam.

Anh đã đăng ký đi bộ đội sớm, khi chưa đủ tuổi để mong tiêu diệt kẻ thù, bằng chứng là tấm giấy khen công anh hùng diệt Mỹ của anh vẫn còn kia, vì anh đã cùng vài người khác tóm cổ được một lính Mỹ đi lạc trong rừng.

Năm ấy anh Siêu mới 18 tuổi, cái tuổi trẻ mới lớn dễ tin người, tin đời. Anh hãnh diện nghĩ mình đã lập được công trạng cho đất nước, cho đồng bào.

Ngày anh chị Siêu mong chờ cũng đã đến. Từ Mỹ vợ chồng Lạc và đứa con về thăm làng An Bình.

Anh chị thuê chiếc xe tải nhỏ ra phi trường Nội Bài đón con cháu.

Xe về làng, về nhà, mấy va ly, mấy thùng quà Mỹ được mở ra, mùi thơm thơm lạ lùng từ một phương trời xa mà cả đời anh chị Siêu chưa được biết đến.

Anh chị hoa mắt sung sướng với đủ những món quà anh chị Siêu đã dặn con gái mua cho, nào kính mát, áo vét cho anh Siêu, nào áo khoác ấm cho chị Siêu, vì mùa Đông miền Bắc dài và lạnh, rồi quà cho các em, họ hàng chú bác, đến hàng xóm láng giềng ít nhất cũng được cục xà bông hay bịch kẹo “sô cô la”, cũng được hưởng mùi qùa Mỹ.

Lần này thì dân làng tận mắt thấy mặt chồng Lạc, vẫn là ông Mỹ cách đây 3 năm. Có khác chăng là bây giờ ông Richard biết nói những câu tiếng Việt thông dụng, ai hỏi thì ông vui vẻ và thân thiện trả lời, giọng nói âm hưởng Mỹ nhưng tiếng Việt Nam ngọng ngịu của ông Richard làm mọi người cười vui.

Họ không thấy ở ông Richard một chút nào hình ảnh thằng giặc Mỹ tàn ác thời chiến tranh mà họ đã nghe qua sự tuyên truyền của đảng vẫn còn ít nhiều trong tâm tư họ nữa.

Lạc thì đổi mới hẳn ra, đẹp xinh với quần áo lụa là sang trọng, không phải là cô Lạc nhếch nhác quần đen ngắn lấc cấc với áo vải ngày nào. Còn đứa con gái của họ vừa có nét thùy mị Việt Nam vừa có nét phương tây mạnh mẽ trông thật dễ thương.

Chị Siêu mang quà của con gái đi biếu hầu như cả làng, đến nhà bà Cào, chị hơi e dè, sợ lại phải nghe những lời mỉa mai. Nhưng lạ chưa, bà Cào đã nắm tay chị Siêu, nói với tất cả niềm chân tình và rất lịch sự:

– Tôi cám ơn chị và cháu lắm. Nhờ chị nói với cô Lạc rằng về Mỹ xem có anh Mỹ nào thì làm mai cho con gái tôi với nhé, tôi còn hai đứa con gái chưa lấy chồng đây. Khổ quá, con lớn nhà tôi lấy chồng cùng thời với cô Lạc, tưởng ở lại làng để làm nghề cào lưới tôm cá cũng đủ sống rồi, ai ngờ khốn khổ chị ơi, bữa đói bữa no. Thà cứ gả quách cho giặc Mỹ… ấy chết, xin lỗi chị tôi cứ quen mồm, thà cứ gả quách cho người Mỹ như cô Lạc nhà chị mà sướng tấm thân và cả nhà được nhờ.

– Vâng, để em bảo cháu. Nhưng chẳng phải dễ đâu, bác nó ở Hà Nội có con gái vừa đẹp vừa học giỏi cũng đang kiếm chồng Mỹ cho con để xuất ngoại đổi đời mà chưa có đám nào.

Bà Cào nài nỉ:

– Thì tôi cứ dặn phòng xa thế, may ra có duyên nợ thì gặp. Chị nhớ nhé?

Chị Siêu về nhà thấy hả hê nhẹ cả lòng, bà Cào là người đanh đá mồm miệng nhất làng mà đã chịu xuống nước, nhìn vào sự thật như thế thì từ đây cả làng cũng sẽ nguôi ngoai, không ai có lý do gì để động chạm đến việc Lạc lấy chồng Mỹ, hay kết tội anh chị gả con cho giặc Mỹ nữa.

Gia đình Lạc ở làng quê An Bình chơi 4 tuần, ông Richard theo vợ đi chơi khắp làng, đến thăm họ hàng, hàng xóm. Đến nhà nào ông Richard cũng chào hỏi tử tế bằng mấy câu Việt Nam thấy mà thương.

Đến ngày trở về Mỹ, chiếc xe tải nhỏ lại được thuê chở khách Việt Kiều ra phi trường Nội Bài.

Anh chị Siêu kể cho họ hàng và những nhà hàng xóm thân rằng sang năm Lạc có quốc tịch Mỹ và sẽ làm đơn bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ định cư.

Tin này đã nhanh chóng lan ra cả làng, ai cũng nói là vài năm nữa cả nhà anh Siêu sẽ sang Mỹ đoàn tụ với con gái. Cái nhà ấy có phước to.

Có người thật tình, có người vì tò mò đến nhà anh Siêu chơi để nghe thêm chuyện. Họ thấy trên tường, nơi phòng khách trang trọng nhất, nơi mà từ hồi căn nhà cũ, trên vách tường cũ vẫn treo tấm giấy khen “Anh hùng diệt Mỹ” đóng khung, lồng kính và đã bạc màu hoen ố theo thời gian của anh Siêu không còn nữa, mà thay thế vào là khung hình mới tinh, trên bức tường cũng mới tinh, hình gia đình cô Lạc, cô với người chồng Mỹ và đứa con gái của họ, thật là đẹp và hạnh phúc chứa chan.

 Nguyễn Thị Thanh Dương

                                                                             ***

*NGƯỜI KHÁCH CUỐI CÙNG NƠI NHÀ QUÀN.

                            Ảnh minh họa

 Chị Bông chuẩn bị rời sở làm, chiều nay chị làm overtime theo yêu cầu của công việc nên 6 giờ rưỡi mới xong.

Chốc nữa chị  sẽ đến viếng bà boss Jessica tại nhà quàn Heaven, nhà quàn cách nơi chị làm khỏang 20 phút. Từ hôm bà Jessica qua đời chị Bông bận việc và quên béng đi không đến viếng bà được, hôm nay là ngày cuối cùng chị có thể viếng vì ngày mai thứ bảy gia chủ sẽ cử hành tang lễ. Chị Bông ân hận tự trách mình xao lãng để chiều nay phải đến viếng người qúa cố qúa muộn

Chị Bông thuộc loại nhát gan hay sợ ma, đến nhà qùan vào buổi chiều trễ muộn chẳng hay ho gì nhưng chị nghĩ biết đâu cũng có người bận rộn hoặc vì bất cứ lý do gì họ đến viếng bà Jessica trễ như chị và chị sẽ gặp họ ở đó.

Chị Bông nhớ lại ngày xưa còn nhỏ ở Việt Nam tuy sợ ma, nhưng tuổi mười bốn mười lăm hay nghịch ngợm, tò mò và thích “mạo hiểm”, chị và con nhỏ bạn cùng xóm tên Hợp, hai đứa thường rủ nhau, chở nhau trên chiếc xe đạp cũ  đến chơi trong nghĩa trang quân đội ở Hạnh Thông Tây Gò Vấp cách nhà khoảng hai cây số vào những buổi chiều rỗi rảnh. Nghĩa trang rộng đẹp, Hợp cũng sợ ma như chị Bông nhưng có hai người nên cả hai cùng trở nên gan dạ, hai đứa đã tung tăng đi cắm nhang cho các mộ bia tử sĩ, lấy nhang có sẵn ai đó vừa cắm trên mộ người thân của họ và chia ra các mộ khác mỗi nơi một hai que nhang cho ấm lòng người dưới mộ.

Chốc nữa cũng thế, nếu chị đến phòng viếng bà Jessica với cùng ai đó thì chẳng có gì phải sợ hãi cả..

Bà Jessica là một manager lịch sự và thân thiện với tất cả nhân viên, mỗi lần xuống shop sản xuất gặp chị Bông bà Jessica thường ân cần nói chuyện và giúp đỡ giải quyết cho chị những khó khăn của công việc khi cần, trong khi bà  supervisor xếp trực tiếp của chị Bông thì khó tính khó nết thật khó ưa.

Bà Jessica qua đời vì nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi ngoài 50 để lại niềm thương tiếc cho hầu hết bạn bè và nhân viên trong hãng. Chị Bông thương mến bà Jessica và hơn nữa là nhân viên trong hãng điều lịch sự tối thiểu khi một người cùng làm trong hãng qua đời thì không ai có thể làm ngơ không đến viếng hoặc tiễn đưa họ lần cuối cùng được..

Chị Bông vội vàng đi ra bãi đậu xe và nổ máy xe, chị muốn đi nhanh để còn về nhà lo bữa cơm chiều..Thế mà chiếc xe của chị lại dở chứng, căn bệnh bấy lâu của nó là thỉnh thoảng phải tắt máy và nổ máy nhiều lần cho máy nóng lên mới chạy được.

Cuối cùng chị cũng đã nổ được máy xe đi đến nhà quàn Heaven, chưa vào mùa Đông, trời mùa Thu tháng Mười  đã nhanh tối, mới gần 7 giờ chiều không gian đã thấm đẫm  màu hoàng hôn.

Nhà quàn nằm trên khu đất rộng đường vắng ít xe cộ qua lại bên cạnh một khu rừng nhỏ, hoàng hôn nơi đây càng trở nên thầm lặng, thăm thẳm u tối một màu.

Sắp đến ngày lễ Halloween, lễ ma qủy, không biết có ma đưa lối qủy dẫn đường không mà chị Bông lại đi viếng người chết một mình trong buổi chiều đang tàn đêm gần tới như thế này.

Khu xóm nhà chị Bông người ta đã trang trí cho ngày lễ ma qủy từ sớm, có người trang trí mặt ngoài hiên nhà thật rùng rợn, bộ xương người treo lủng lẳng,  một xác chết ngồi thù lù trong chiếc ghế cũ xiêu vẹo như từ thiên thu nào trở về, và cây hoa hồng nở những hoa màu đỏ thẫm xinh đẹp trước cửa sổ cũng biến thành kinh dị tang thương với con nhện độc to tướng giăng tơ trên cây và những giọt máu đỏ rơi xuống loang lổ tưởng như những cánh hoa Hồng đỏ rơi rụng và biến thành những giọt máu. Chưa hết, ngay trên cánh cửa nhà xung quanh là màu vải tang trắng, giòng chữ đen ngòm hắc ám ngoằn ngoèo ghi “Enter if you dare !!”.

Chị Bông đã mỉm cười thầm “này chủ nhà, nếu tôi còn là con bé sợ ma ngày xưa thì tôi cùng rủ bạn tôi cả hai cùng đẩy cửa xông vào nhà đấy, đừng có mà thách thức”

Quang cảnh khu nhà quàn làm chị Bông chợt thấy lạnh, ra khỏi xe cảm giác lạnh nhiều hơn, gió đìu hiu và lá vàng khô lác đác dưới chân làm đầu óc giàu tưởng tượng của chị nghĩ những cơn gío lạnh kia từ trong nhà quàn hắt ra, những chiếc lá khô kia là linh hồn các xác chết từ trong nhà quàn vất vưởng bay ra..

Chị tự khích lệ tinh thần mình, lẩm bẩm vài câu cho chính mình nghe:

-         Gío mùa Thu mơ màng đáng yêu việc gì mình phải sợ chứ.

-         Lá khô mùa Thu xào xạc người ta còn làm thơ  việc gì mình phải ngán chứ.

Chị ngẩng cao mặt đón gió thổi vào mặt và cố tình bước lên những lá khô. Có gì đâu, gió vẫn là gió từ đất trời bao la, lá khô vẫn là những chiếc lá khô hết thời xuân xanh thì lìa cành và vô hồn vô tri như rác như bụi.

Vào đến  cửa chính của nhà quàn, trước mặt chị là một lối đi thẳng đến một bức tường, qua khỏi bức tường ngay bên trái có một phòng khách cho người thăm viếng ngồi đợi nhưng chẳng có ai ngồi nơi đây, không biết có còn  ai đang bận viếng người chết ở bên trong không, ở phòng bà Jessica không? lúc nãy đậu xe trước sân nhà quàn chị không để ý có mấy xe, chỉ nhớ là  rất vắng vẻ, chị Bông ngơ ngác nhìn xung quanh và may qúa thấy bà nhân viên đang ngồi nơi bàn tiếp nhận ở bên phải đầu hành lang, bà ngồi khuất lấp thế này nhìn ra ngoài khung cửa thì xa nhưng chắc là rất gần những quan tài. Chị Bông rợn mình tưởng tượng nếu một trong những xác chết chợt…động đây, chợt ú ớ… bà nhân viên có kịp chạy ra ngoài sân không?

Hình như giọng bà vui hẳn lên khi thấy chị Bông xuất hiện:

-         Chào chị, tôi là Diana nhân viên tiếp nhận của nhà quàn, chị thăm người qúa cố tên gì?

Chị Bông đến gần bà nhân viên, là một khuôn mặt đàn ông, khuôn mặt vuông, to và dài với đôi hàng chân mày xô lệch không đều nhau, với chiếc mũi cao và dài qúa khổ, với đôi mắt lồi lồ lộ, với đôi môi mỏng dính giữa hai bên má chảy xệ nhưng bà có mái tóc vàng mềm mại úp quamh khuôn mặt đã giúp khuôn mặt ấy có chút nữ tính. Chị Bông thường sợ những loại khuôn mặt nửa đàn ông nửa đàn bà như bà Diana này, chưa gặp người chết chị đã sợ người sống rồi..

-         Chào Diana, tôi muốn viếng bà Jessica Andrews.

-         Mời chị đến phòng thứ hai bên trái.

Chị Bông nhìn cái hành lang theo tay bà Diana chỉ, bên phải và bên trái hành lang là những vách ngăn thành phòng, mỗi phòng là nơi đặt quan tài người chết, hành lang trước mặt chị là những quan tài và sau lưng chị là người đàn bà mang khuôn mặt đàn ông, chị bị bủa vây trong nỗi sợ hãi nhưng đã đến đây rồi chị không thể quay về, chị sẽ vào viếng bà Jessica vài phút là xong, chị cần bày tỏ lòng tiếc thương và tôn trọng người qúa cố mà chị thân mến.

Chị Bông thở mạnh lấy tinh thần bình tĩnh và tự tin, chỉ vài phút, thời gian sẽ trôi qua nhanh lắm, những lúc chị ngồi bên computer quay qua quay lại mấy tiếng đồng hồ lúc nào không hay.

Chị nện gót giày thật mạnh trên sàn nhà để khua lên tiếng kêu rộn rã và vào đúng căn phòng thứ hai cùng lúc ngoài phòng bà Diana có tiếng phone reo, bà nhân viên bốc phone và nói chuyện với ai đó.nên không gian cũng bớt im ắng lạnh lùng.

Chiếc quan tài vẫn mở một nửa, trong ánh đèn mờ ảo trên nắp quan tài một bó hoa toàn màu trắng, những hoa lá và cành hoa dài phủ xuống quan tài như ôm ấp, như chở che cho người chết bớt lạnh lẽo cô đơn..Chị Bông tin hoa lá cũng có linh hồn, biết đâu trong đêm khuya thanh vắng hồn hoa và hồn người chết sẽ là đôi bạn tri âm chuyện trò?

Chị đến bên cuốn sổ tang để trên một stand gần quan tài và vội vàng ghi tên mình với một câu chia buồn chân tình thân ái trước khi ra nhìn mặt bà Jessica.

Nhưng khi chị Bông đến gần quan tài và nhìn vào chị kinh hoàng bật kêu lên:

-         Giời ôi, sao bà Jessica lại hóa thành đàn ông thế này???!!!

Trong quan tài là một ông, mặt vuông to và dài…như bà nhân viên Diana kia.!

Có lẽ bà Diana vẫn đang mải nói phone nên không nghe thấy tiếng kêu thảng thốt của chị Bông, chị định thần nhìn lại xác chết và biết là chị bị thần hồn nhát thần tính tưởng bà Diana đã…nhập vào xác bà Jessica để hù dọa chị, xác chết nằm đây hoàn toàn là một người đàn ông, chẳng giống bà Diana.

Bây giờ chị Bông mới để ý đến một khung to dựng đứng cạnh bên stand có cuốn sổ tang, trong khung là rất nhiều hình ảnh của người chết tên Jon McCoy, hình lúc ấu thơ, lúc tuổi trẻ đến tuổi già, tiêu biểu qua từng giai đoạn vui buồn cuả cuộc đời, tấm hình ông Jon cười toe toét như đang chế nhạo chị, như đang nói rằng:

-         Chào bà Bông không quen biết, tôi tên là Jon McCoy.. Cám ơn bà đã đi lộn phòng đến thăm tôi.

Chị Bông trân trọng trả lời thầm:

- Ối ông Jon, xin ba hồn bảy vía ông tha lỗi cho sự vô ý của tôi.

Chị vì sợ hãi đến xớn xác đã vào lộn phòng, cũng là phòng thứ hai nhưng bên phải thay vì phòng thứ hai bên trái và càng xớn xác hơn khi tấm khung mang mấy chục tấm hình và tên tuổi người quá cố to lù lù ngay trước mặt mà chị không thấy cứ cắm cúi ghi vội những lời phân ưu vào sổ.

Thế là chị phải xoá tên mình và lời chia buồn đã viết trong cuốn sổ tang của ông Jon McCoy kẻo ngày mai thân nhân người chết đọc những lời này sẽ hoang mang không biết bà Bông nào lại quen với ông Jon McCoy nhà mình.và phân ưu trìu mến thế.

Lần này chị Bông vào đúng phòng thứ hai bên trái, chị cẩn thận nhìn cuốn sổ tang tên họ bà Jessica Andrews đầy đủ đàng hoàng rồi mới viết xuống.

Phòng bà Jessica cũng không một ai viếng như bên phòng ông Jon kia ngoài một mình chị Bông.

Đến bên quan tài đây mới là gương mặt hiền lành phúc hậu của Jessica người manager hãng chị.

Chị Bông chưa kịp chắp tay cầu nguyện thì chiếc cell phone trong túi áo chị reo lên, nếu bất cứ ai gọi chị trong lúc này chị đã làm ngơ và sẽ gọi lại sau, nhưng thấy tên chồng chị Bông phải nghe phone, anh Bông hỏi sao giờ này chị chưa về đến nhà, chị Bông giải thích cho chồng và nói sẽ về nhà trong vòng nửa tiếng nữa, cái tính xớn xác của chị quên không báo cho chồng biết chiều nay tan sở chị sẽ đến nhà quàn viếng bà boss đã làm phiền chị, kéo dài thêm những giây phút căng thẳng lúc chị đang đứng một mình trước mặt người chết nằm trong quan tài .

Trả lời phone chồng chớp nhoáng cho xong chị Bông vội vã chắp tay nói lời vĩnh biệt bà Jessica một cách thành tâm, nhìn mặt bà lần cuối rồi lại vội vã rời khỏi phòng.

Ra tới bàn bà Diana, bà ta đã xong nói chuyện phone từ lúc nào, bà Diana nói:

-         Ngoài trời đang mưa chị có mang dù không?

Chị Bông đi ra phía cửa chính nhìn ra ngoài ..

Mưa Thu mà chị Bông vẫn yêu thích đây mà, nhưng sao mưa lại đến vào lúc này, vào nơi này?. Chị thấy màn mưa giăng giăng trắng mờ và nhớ tới da mặt bà Jessica đã được trang điểm bôi phấn trong quan tài lúc nãy.

 Chị Bông vào với bà Diana, thất vọng trả lời:

-         Tôi không ngờ là trời sẽ mưa, không mang dù và không áo ấm

-         Vậy chị ngồi đây một lát nhé.

Bà Diana thân thiện mời, bà lấy một chiếc ghế cho chị Bông ngồi nghỉ chân chờ mưa và bà kiếm chuyện nói chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại của bà:

- :Thời tiết thay đổi bất thường, có những ngày Đông trong mùa Thu, gío thật lạnh, có nơi còn có tuyết nữa…

- Vâng

- Nhưng mùa Thu bao giờ cũng đẹp..

- Vâng.

Chị Bông trả lời hững hờ cho xong vì đang sốt ruột muốn trời tạnh mưa để về nhà. Bà Diana thong thả nói tiếp làm như chị Bông sẽ ngồi đây lâu dài để nghe bà kể chuyện đời xưa::

-         Tôi đã có một thời thơ ấu cho đến khi tuổi đôi mươi với những kỷ niệm mùa Thu thật đẹp tại tiểu bàng Utah nơi tôi sinh ra. Ngày đó………

Rõ ràng bà Diana muốn khơi chuyện để cầm chân chị Bông trong nhà quàn này cho có thêm hơi người sống, cho vơi bớt cô đơn và sợ hãi những người chết

Những nhân viên làm việc trong nhà quàn thường là người gan dạ, coi xác chết như vật dụng vô tri chứ không lo sợ hồn ma bóng quế như thường tình người đời, nhưng cũng có lúc họ yếu bóng vìa, cũng biết sợ như bà Diana lúc này.

Một người bạn chị Bông bảo lãnh gia đình người anh sang Mỹ, thời gian dài chưa xin được việc làm anh trai chị rất nôn nóng và khao khát có việc, anh muốn làm bất cứ công việc gì để kiếm tiền, nhưng khi có người giới thiệu anh vào làm việc vặt trong nhà qùan, hút bụi, lau chùi và di chuyển đẩy những quan tài từ phòng nọ sang phòng kia khi cần, công việc chỉ có thế với đồng lương cao gấp rưỡi công việc lao động hãng xưởng mà anh ta cũng từ chối vì…sợ ma, mặc dù ở Việt Nam anh từng lăn lóc cả ngày lẫn đêm trong rừng sâu núi thẳm ở miền Trung đi tìm trầm, đối diện với hoang vu, với bóng tối và bao hiểm nguy rình rập như thú dữ và nhất là bọn cướp sẵn sàng tấn công giết người tìm trầm để chiếm đoạt những khúc trầm hương qúy gía ..

Vậy bà Diana đây thật là can đảm, giá mà bà Diana có …nhường công việc này cho chị Bông, mỗi ngày chỉ ngồi nơi bàn tiếp nhận, công việc nhàn rỗi lãnh lương cao chị cũng không bao giờ làm, thà rằng thất nghiệp không có tiền và ngồi nhà ăn mì gói sướng hơn..

Chị Bông có lần xem video cảnh chợ búa miền Tây ở Việt Nam, chợ có chuyên những mặt hàng cung cấp cho nhà hàng làm món đặc sản như chuột, rùa, tắc kè và nhiều nhất là rắn. Chị  thấy bà bán rắn trong chợ, người phụ nữ này đã thọc tay vào thùng chứa đầy rắn để giới thiệu với khách hàng, những con rắn uốn lượn, trườn mình, quấn quýt, soắn suýt vào nhau và vào cánh tay chị ta mà chị vẫn tỉnh bơ nhẹ nhàng gỡ chúng ra như người ta gỡ chiếc lá khô dính trên vai trên áo.

Bây giờ gặp bà Diana chị càng nể bà Diana gan dạ hơn bà bán rắn kia. Chị Bông không muốn nghe bà Diana kể chuyện ngày xưa, chị đi vào thực tế:

-         Mấy giờ nhà quàn đóng cửa hả bà Diana?

Bà Diana nhìn đồng hồ tay:

-         Tám giờ, mà bây giờ mới 7 giờ rưỡi.

-         Sao nãy giờ tôi không thấy ai đến viếng nhỉ? chẳng lẽ tôi là người khách cuối cùng nơi nhà quàn?

-         Chắc thế, vì trời đang mưa, chẳng ai muốn viếng nhà quàn lúc tối và trời mưa thế này đâu. Thường thì đông người viếng vào ban ngày cho tới 5-6 giờ chiều, sau đó thì lai rai là những người bận rộn ban ngày không đến được, trước khi chị đến có vài người khách vừa rời khỏi, trong số đó có 2 người viếng bà Jessica Andrews của chị.

Chị Bông thấy tiếc, gía mà xe chị nổ máy ngay thì chị đã viếng bà Jessica cùng lúc với 2 người kia đỡ sợ biết bao. Chị Bông lập lại:

-         Tôi là người khách cuối cùng nơi nhà quàn.

Chị Bông rùng mình khi biết giờ này chỉ có chị và bà Diana trong nhà quàn và không xa là những chiếc quan tài nằm trong mỗi phòng có ánh đèn mờ chập chờn soi khung hình chân dung người chết, có hình mặt nghiêm trang, có hình mặt mỉm cười và ánh mắt đăm đăm nhìn người dối diện, đôi mắt như còn sống, như có hồn, tưởng như mình quay mặt đi ánh mắt vẫn tinh quái ngó theo ở sau lưng, Bên cạnh những khung hình ấy là bó hoa tang hương thơm quyện lẫn mùi người chết thành mùi thơm huyền bí và lạnh lẽo.

Nếu ngay lúc này bà Diana, người có khuôn mặt đàn ông chợt nhìn trừng trừng vào mặt chị và nhếch môi cười, bà chẳng cần nói năng gì cả cũng đủ làm chị Bông lăn đùng ra chết ngất ngay tại chỗ chứ không kịp nhấc chân chạy thoát nữa.

Chị Bông lại là người khơi chuyện để bà Diana bận rộn, không có thì giờ…toan tính hù dọa  như chị Bông đã tưởng tượng::

-         Bà làm ở đây bao lâu rồi?

Bà Diana được dịp nói về mình:

-         Tôi đã làm việc cho vài nhà quàn, nhưng ở nhà quàn này gần 10 năm. Ban đầu tôi học 4 năm đại học về môi trường khí tượng nhưng không tìm được việc, sau nghe bạn bè nói những việc liên quan đến nhà qùan dễ xin việc lương lại khá cao nên tôi học về Funeral Assìstant, bây giờ tôi đã lớn tuổi làm công việc tiếp nhận này cho nhàn hạ.

Chị Bông lại có thêm kinh ngiệm về những ngành học, nhiều người chọn những ngành nghe thật kêu và cao siêu nhưng không dễ xin việc là thế, vừa tốn tiền mượn nợ trong suốt 4 năm học vừa phí đi 4 năm của tuổi trẻ để rồi phải học sang ngành nghề khác, lại mượn thêm nợ, nợ cũ nợ mới chồng chất có khi cả  đời trả chưa xong.

Bởi thế chị Bông vẫn quan niệm cha mẹ nên đóng góp ý kiến và hướng dẫn con cái chọn ngành nghề khi vaò đại học, dĩ nhiên tùy theo khả năng của nó, tuổi trẻ mới lớn thường ngông cuồng bốc đồng có khi chọn lưạ không chín chắn.

Bà Diana nói hầu hết những việc trong nhà qùan đều phải có license, kể cả trang điểm xác chết công việc tưởng như bất cứ phụ nữ nào cũng làm được, nhưng không có license thì chẳng ai thuê..

Chị Bông đi ra ngoài cửa chính thấy trời đã bớt mưa nên vào chào bà Diana:

-         Tôi phải về đây, chồng con tôi đang đợi tôi về cho bữa cơm chiều đã quá muộn..

Bà Diana biết không thể giữ khách lâu hơn nên cùng đứng dậy tiễn chân chị ra tới cửa, thêm được khoảnh khắc nào bên người thứ hai bà Diana sẽ cảm thấy yên tâm khoảnh khắc ấy còn hơn là ngồi im nơi bàn làm việc bên cạnh những xác chết đếm thời gian trôi qua từng phút từng giây trong buổi tối mưa rơi quạnh quẽ...

Chị Bông đi bộ ra chỗ đậu xe ngay phía trước mặt nhà quàn, trời đã chập choạng tối, đi được vài chục bước chị bất giác quay đầu lại nhìn bà Diana lần nữa, bà vẫn đứng ở đó chưa chịu vào trong, bóng dáng bà đứng chênh vênh nơi cửa dưới ánh đèn vàng trông bà vàng vọt như một bóng ma.

Chị Bông không dám nhìn lâu, chỉ sợ bà Diana bất chợt nổi hứng bước lững thững theo chị ra xe nên chị Bông bước thật nhanh và chui tọt vào xe, quay các cửa kính lên kín mít rồi lock lại ngay.

Bây giờ chị cảm thấy sung sướng, an tâm và an toàn, chẳng sợ gió lạnh, chẳng sợ bà Diana nếu bà dở chứng quái quỷ, chẳng sợ ma cho dù các xác chết trong nhà quàn kia có bỗng dưng vùng dậy chạy ra đây chị cũng sẽ kịp thời nổ máy và vọt đi như những lần chị đã đạp ga cho xe vượt qua đèn vàng trước khi đèn vàng chuyển sang màu đỏ..

Chiếc chìa khoá xe tra vào ổ, máy lại không nổ ngay y như lúc chị khởi hành từ hãng để đến đây, chiếc xe lại đỏng đảnh ăn vạ, điều này ít khi xảy ra và điều này chị đã biết từ lâu mà chưa có thì giờ đem xe đến shop sửa chữa vì xe vẫn chạy ngon, để bây giờ chị phải bực mình hì hục vơí nó, cứ vặn chìa khóa vào, rút chìa khóa ra và cho vào vặn tiếp, trong khi màn mưa Thu nhẹ nhàng vẫn bao quanh tầm mắt chị, vẫn bao quanh những khung cửa kính xe

Không lẽ vì ngày Halloween.gần kề và vì chị Bông đi viếng người chết nên chiếc xe dở chứng trêu chọc chị từ lần đi cho đến lượt về ?

Bỗng chị Bông rợn người, cảm giác lạnh chạy dọc theo xương sống lưng, chị linh cảm có ai đó đang nhìn, đang theo dõi từng cử chỉ của chị vật vã với chiếc xe, chị ngẩng phắt mặt lên và kinh hãi thấy bên khung cửa kính ghế hành khách bên phải chị một khuôn mặt đang áp vào vẻ hối hả và giục gĩa

Máy xe chưa nổ, chị Bông có đạp ga để vọt đi cũng bằng thừa, ai bảo lúc nãy chị tưởng tượng nếu các xác chết vùng dậy chạy ra đây. Trời ơi, linh thiêng đến thế ư??

Nhưng chị đã nhận ra khuôn mặt to vuông và dài như đàn ông và mái tóc vàng óng ả của bà Diana dù mái tóc đã thấm nước mưa làm khuôn mặt bà bơ phờ như người vừa trúng gío..

Bà Diana đập vào cửa kính xe, nói to:

-         Mở cửa, mở cửa…

Không thể bỏ chạy, không thể ngồi im trước sự giục gĩa của bà Diana chị Bông đành hạ cửa kính xe xuống chừng  nửa gang tay đủ nghe bà Diana nói:

-         Chị để quên chiếc cell phone này.

Bà đưa chiếc cell phone qua khe hở cửa kính, nhìn thấy chiếc cell phone quen thuộc của mình chị Bông mới tin bà Diana là thật chứ không phải là ma, chị quay cửa kính xuống thấp hơn nữa và lịch sự:

- Cám ơn bà Diana, đây là cell phone của tôi..

Bà Diana không dấu được vẻ sợ hãi còn vương vấn trên nét mặt:

-         Chỉ còn mình tôi ngồi canh những xác chết thì tôi giật bắn người khi nghe tiếng phone reo inh ỏi trong phòng xác, chẳng lẽ tiếng phone reo lên từ cõi chết? chẳng lẽ ma qủy hiện về gọi phone cho nhau? Và chẳng lẽ xác chết nào đó còn mang theo cell phone về bên kia thế giới để xài tiếp? tiếng reo không chịu ngừng nghỉ đến nỗi tôi tưởng như các người chết sắp sửa bước ra khỏi quan tài tìm tôi trách mắng đã để tiếng phone reo ầm ĩ làm phiền giấc ngủ trăm năm của họ, tôi phải lần mò vào trong các phòng và tìm thấy cái cell phone nơi phòng bà Jessica, tôi biết ngay là của chị bỏ quên nên chạy vội ra kẻo chị về mất.

Chị Bông áy náy nhìn bà Diana và giải thích về sự xớn xác của mình:

-         Lúc nãy trong khi tôi vào viếng Jessica thì chồng tôi gọi, tôi nói chuyện xong vội  để cell phone xuống ghế cạnh quan tài để cầu nguyện và vĩnh biệt với người qúa cố rồi quên mất.

Bà Diana cũng giải thích:

-         Thú thật với chị tôi là người phụ nữ gan dạ, tin vào khoa hoc chẳng biết sơ ma qủy là gì, nhưng cũng không tránh khỏi có những lúc vẫn yếu lòng sợ hãi bâng quơ kể từ khi tôi vào làm việc tại nhà quàn. Chiều nay nhà quàn vắng khách trời lại u ám muốn đổ mưa, thấy có chị vào thăm tôi đã vui lắm, cũng may chị đã bên tôi hơn nửa giờ đồng hồ.

Chị Bông khích lệ bà Diana:

-         Không sao đâu Diana, mưa Thu trong một buổi chiều muộn rất đẹp như bà đã một thời tuổi trẻ từng yêu thích và có kỷ niệm với mùa Thu. Với lại cũng sắp đến giờ bà về nhà…

Chị Bông nói ngon lành thế chứ trong lòng chị chỉ muốn có cánh bay ra khỏi nơi này càng sớm càng tốt,. bà Diana lại thấy vui vì những lời chị Bông:

-         Ừ, tôi không nên sợ hãi mới phải, có ma qủy gì đâu, chỉ tại lòng mình mà thôi.

Chị Bông nhìn lại cái cell phone và mỉm cười cho bà Diana thêm vui:

-         Và tại cái cell phone vô duyên của tôi nữa, nãy tôi nói với chồng khoảng nửa tiếng nữa sẽ về nhà không ngờ trời mưa tôi ở lại lâu hơn nên chồng tôi đã sốt ruột gọi lại để thăm chừng và làm bà hết hồn...

Bà Diana mỉm cười và giục:

-         Chị về đi, lái xe cẩn thận nhé, chúc chị về nhà bình an

-         Cám ơn bà Diana, chúc bà buổi tối an vui.

Chị Bông nổ máy xe, lần này máy nổ ròn rã, chị lùi xe và giơ tay vẫy chào bà Diana lần nữa.

Xe ra khỏi khuôn viên nhà quàn Heaven, ngôi nhà quàn và khu rừng Thu tối om mỗi lúc một xa và khuất hẳn trong lòng phố xá.

 Chị Bông quay kính xe xuống một chút để hít thở làn gío và mưa của mùa Thu hắt vào, lòng thanh thản niềm vui vì đã thực hiện xong buổi gĩa từ bà Jessica, ngày mai đám tang bà sẽ cử hành chị không đi tiễn đưa được nhưng những lời chị thân ái nói với bà chiều nay chắc linh hồn bà đã cảm nhận và bà Jessica sẽ yên nghỉ nơi mộ phần với những tình cảm của gia đình và bè bạn  đã dành cho.

Đường phố đã lên đèn từ lâu, chiếc xe chị Bông đi trong thành phố, đi trong làn mưa Thu .Bây giờ chị Bông mới thấy mưa Thu trong ánh đèn lung linh huyền ảo thơ mộng và đẹp biết bao

                  Nguyễn Thị Thanh Dương

                                                                                ***

*Chuyện bắt phi công

Nguyễn Quang Lập

 Hồi chiến tranh dân Quảng Bình mê nhất hai thứ, một là đi kiếm dù, hai là bắt phi công. Dù có hai loại, dù pháo sáng là dù trắng và dù phi công là dù đỏ. Dù pháo sáng là chủ yếu, không đêm nào máy bay Mỹ không thả pháo sáng, vì thế không đêm nào dân Quảng Bình không nhặt được dù. 

Thỉnh thoảng vẫn nhặt được dù phi công, dù này quí hiếm vô cùng, ai nhặt được dù này còn mừng hơn bắt được vàng. Thật là như thế, một chỉ vàng hồi này chỉ 80 đồng, trong khi một cái dù đỏ phi công có thể bán 300 đồng, có khi lên tới 500 đồng.

Dù là thứ vải rất bền và đắc dụng, làm vỏ chăn cũng tốt, may áo quần cũng hay, đặc biệt làm rèm che, làm  phông màn thì quá đẹp. Đám cưới nào có ba bốn cái dù vừa làm mái che rạp vừa làm phông màn gọi là đám cưới sang. 

Thà rằng cắt tóc đi tu/ cưới xin không có tấm dù ra chi. Những chiếc dù trọn vẹn rất hiếm, thường khi có một chiếc dù rơi xuống thì cả mấy trăm người tay dao tay câu liêm nhào tới xâu xé, may lắm mới kiếm được một rẻo.

Có khi chẳng kiếm được rẻo nào, còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Những chiếc dù trọn vẹn thường nhặt nơi rừng rú xa xôi, hoặc vận đỏ rơi trúng đầu, nửa đêm khuya khoắt thiên hạ ngủ cả, chiếc dù rơi trúng nhà mình.            

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fthantrinhomhue.files.wordpress.com%2F2021%2F05%2F1-11.jpg%3Fw%3D252&t=1630627109&ymreqid=56521256-8d9e-419d-1cda-2d0242014f00&sig=4TJKrh4TId6Kc3oZ3HW6.g--~D

Bắt phi công không được dân chúng hồ hởi phấn khởi như đi kiếm dù nhưng cũng rất hấp dẫn. Ai bắt được phi công sẽ được huyện đội thưởng một con bò, lại được giấy khen bằng khen, được đi báo cáo thành tích, được báo tỉnh chụp ảnh đưa tin rất oách. 

Mình nhớ anh cu Cá ở Ba Đồn ở quê mình là người dân đầu tiên của tỉnh Quảng Bình bắt được phi công. Thường khi máy bay cháy, phi công Mỹ nhảy dù thì dân quân, bộ đội đã bố trí sẵn để chụp cổ chúng rồi, dân khó lòng “ tranh phần” với dân quân, bộ đội.            

Nhưng thỉnh thoảng phi công nhảy dù trong đêm không ai nhìn thấy, hoặc gió thổi dù bay lạc hướng phán đoán của dân quân, bộ đội thì khi đó dân mới bắt được. Anh cu Cá do đoán được hướng dù rơi mà bắt được phi công. Chuyện anh cu Cá bắt phi công mình đã kể rồi, không kể nữa.

Mình nhớ năm 1967, ở làng Thuận Bài có một anh chuyên nghề mò cua bắt cá ở Sông Gianh, tên gì không nhớ nữa. Nhà anh nghèo, vì nghèo quá mà không sao cưới được vợ. Yêu nhau ba bốn năm rồi nhưng hễ đặt vấn đề cưới xin là tắc tị.

Đừng nói mổ heo mổ bò, chỉ cần sắm cái giường cưới  cho tử tế nhà anh cũng không có khả năng. Anh chầu chực bắt phi công để kiếm một con bò cưới vợ nhưng hai ba năm trời không cách sao bắt được. 

Một hôm bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cảng Gianh bắn cháy một chiếc F4H, thằng phi công nhảy dù rơi tõm xuống giữa sông Gianh. Một cuộc tranh giành phi công giữa bộ đội, dân quân với máy bay Mỹ xảy ra rất ác liệt suốt cả buổi chiều.

Máy bay Mỹ mười mấy chiếc thi nhau quần nát một vùng rộng lớn bốn xung quanh sông Gianh, rồi đem máy bay trực thăng từ Hạm đội 7 bay vào nhằm trục vớt thằng phi công. Trực thăng bay thấp thế nhưng không ai làm gì được vì quanh nó có cả đàn phản lực vừa bắn rốc két vừa thả bom bảo vệ.             

Không phải một chiếc trực thăng mà ba chiếc, một chiếc trục vớt phi công, hai chiếc bay kèm hai bên, hễ thấy  ai đưa thuyền hay bơi ra sông là chúng bắn như như vãi đạn. Mọi người tính bó tay, để mặc cho thằng phi công được cứu thoát. 

Khi đó anh ở trong làng Thuận  Bài vừa bò vừa chạy ra, nhảy xuống sông, lặn chừng ba hơi thì đến giữa dòng. Khi  chiếc trực thăng thả thang dây xuống, thằng phi công vừa túm lấy thì anh này cũng vừa nhô lên, túm lưng quần thằng phi công kéo xuống. 

Anh vừa bơi vừa kéo thằng phi công vào bờ. Mấy chiếc trực thăng đều thấy cả nhưng không dám bắn, bắn thì chết luôn thằng phi công. Anh bắt thằng phi công giải đi, còn tụt quần vỗ đít chĩa về phía mấy chiếc trực thăng, nói vơ Đế quốc Mỹ…khu ( đít) tau đây nời.  

Nghe nói huyện đội xét anh này  có công lớn, thưởng  cho anh hai con bò với ba trăm đồng, chẳng những đủ tiền cưới vợ mà còn làm được mái nhà tranh. Nhà báo tìm đến hỏi anh, nói vì sao đồng chí vượt qua lửa đạn để bắt phi công Mỹ. 

Anh nói bá cáo vì tui cần tiền cưới vợ. Nhà báo “ mớm cung”, nói khi đó lòng căm của đồng chí rực cháy phải không. Anh nhăn răng cười, nói bá cáo tui quen biết chi hắn mà căm thù.

Hồi sơ tán ở làng Đông, nhà mình ở đầu làng, từ đấy cứ đi ngược lên phía Tây Bắc, băng qua rặng trâm bầu là gặp một cái bàu sen cực rộng, rộng đến nỗi đứng bên này bờ cứ tưởng mặt trời chui lên từ bờ bên kia. 

Bên kia bàu là một xóm nhỏ, có mấy túp lều tranh cất tạm, núp dưới rặng trâm bầu, xưa gọi là Xóm Bàu, bây giờ ai cũng gọi là Xóm gái hoang.  Ba người đàn bà ở đấy không phải gái chửa hoang, họ là những người đàn bà ế chồng. 

Một chị tên là Đóc Xấu, cao quá không ai lấy. Một chị tên Mai bị thương ở cổ, tụt lưỡi không nói được, nói gì cũng dá da da… dá da da, thành thử đàn ông ai cũng chê. 

Một chị tên Cà bị tây hiếp, chán đời không thèm lấy ai nữa, chị là người lớn tuổi nhất, năm 1968 đã hơn bốn mươi tuổi, vẫn gọi là Mụ Cà. Cả ba kéo nhau ra đây dựng nhà lập trại ăn ở với nhau như chị em, vô cùng thân thiết.

Một đêm, bộ đội dưới cảng Gianh bắn trúng máy bay, chiếc F105 cháy rùng rùng, đâm đầu xuống chân núi sau làng Trung Thuần, dân các làng sung sướng reo vang. Ba chị cùng nhảy cà tẩng, lấy soong nồi gõ ầm ĩ. Chợt nghe cái bụp phía bàu sen, ngó ra thì thấy một cái dù đỏ xoè rộng trên bàu. 

Ba chị sướng rêm, lội ra ngay. May tối hôm đó hình như mọi người mải xem máy bay cháy, không để ý, chẳng thấy có ai chạy ra, ba chị lần đầu được một cái dù trọn vẹn, lại dù đỏ, sướng ngây ngất. 

Cuốn xong dù thì thấy một cái đầu nhô lên, ba chị rú lên chực bỏ chạy. Cái đầu nói rốp rít xốp xít, ba chị nhìn lại, hoá ra là thằng phi công Mỹ, họ cứ đứng trơ nhìn  nhau. 

Mụ Cà sực tỉnh chĩa dao vào thằng Mỹ, nói dơ tay lên. Thằng Mỹ nói rốp rít xốp xít. Mụ Cà dơ dao đe, nói cha tổ mi, tau nói mi dơ tay lên. Thằng Mỹ cứ đứng trơ, nói rốp rít xốp xít. Chị Đóc Xấu nói bộ đội dặn khi mô bắt phi công Mỹ phải nói bút dò nó mới dơ tay lên. 

Thực ra bộ đội dặn phải nói put your hands up nhưng chị Đóc Xấu quên, hi hi. Mụ Cà nói mi nói đi, chị Đóc Xấu hô to bút dò bút dò! Mặt thằng Mỹ đực như ngỗng ỉa. Chị Mai thấy thế liền vung hai tay lên, nói dá da da… dá da da! 

Thằng Mỹ dơ hai tay lên liền. Mụ Cà, chị Đóc Xấu trố mắt ngạc nhiên, nói con Mai nói chi mình  cũng không hiểu mà thằng Mỹ hiểu liền. Mụ Cà chỉ tay vào xóm, trợn mắt với thằng Mỹ, quát dá da da … dá da da! Thằng Mỹ vội vàng đi vào xóm liền. Mụ Cà cười he he he, nói tưởng răng, tiếng Mỹ dễ òm!

Ba chị được huyện đội thưởng một con bò, họ dắt về làng mổ bò khao cả làng. Làng xóm xúm lại khen ngợi, nói giỏi hè giỏi hè. Mụ Cà vênh mặt lên, nói phải biết tiếng Mỹ mới bắt được phi công, nỏ phải chuyện chơi. Làng xóm xúm lại hỏi, nói tiếng Mỹ ra răng nói nghe coi. Mụ Cà nói è he dễ òm, dá da da… dá da da. He he.

Rút từ Chuyện đời thường vớ vẩn

                                                            ***

 

 

 


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan