SONG THAO GIÀ KHÚ ĐẾ
GIÀ KHÚ ĐẾ
*SONG THAOTám chịch hay
hơn nữa có phải là già khú đế không, hình như không ai trong chúng tôi nghĩ như
vậy tuy mỗi lần tụ họp với nhau là một kịch bản khác. Gần như toàn thể chúng
tôi đều là những vận động viên môn thể dục dụng cụ. Ông thì chơi gậy thường,
ông gậy bốn chấu, ông chơi môn đẩy cái walker,
có ông chơi nguyên chiếc xe lăn. Kềnh càng như vậy nhưng vẫn vui vì còn được
nhìn thấy nhau. Già đâu mà già! Tuổi chỉ là những con số!
Theo phép lịch
sự đương đại, người ta không nên hỏi tuổi một phụ nữ. Tôi muốn thêm vào một
chút: người ta cũng không nên hỏi tuổi một người cao tuổi. Phiền phức cho các bậc
quân tử lắm. Ngày xưa ngài Nguyễn Công Trứ khi bị gái nhí hỏi tuổi đã lách: ngũ thập niên tiền nhị thập tam. Năm chục
năm trước tớ hăm ba!
Bậc con cháu của
Uy Viễn Tướng Công ngày nay là ông Hoàng Lộc còn tổ cha hơn tiền nhân:
cứ muốn chơi ngon hơn ngài Nguyễn Công Trứ
bảy ba tuổi lập thiếp mà kể vô
ta tám mươi còn lăm le cưới vợ
một đời tròn vẫn ngạo nghễ trượng phu
Già khú đế mà vẫn em chã bởi vì ta cứ nhất định vẫn còn giơn. Già là chuyện của…tha nhân, ta vẫn không suy xuyển. Cái mặt ta ngày nào không soi gương, có già chi mô. Ông bạn xưa, trong thời covid giãn cách, hai ba năm mới nhìn thấy, ôi sao mà ông lại xuống cấp như dzậy? Trong mắt ta, chỉ có người khác già, ta không già, nói chi tới già khú đế. Ông bác sĩ họ Đỗ thiệt thà quá độ. Ông nói huỵch toẹt : “Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt.Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen...Còn ta, ta chần chờ, chểnh mảng, làm ngơ. Hãy đợi đấy. Đi đâu mà vội. Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già...khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi tính toán...Già đến đột ngột và tàn bạo. Như một cơn động đất, không cần phải hỏi han, không cần báo trước. Như một cơn bão dữ, thổi ào qua, cuốn tất cả không thương tiếc. Khi nó khú đế, nó sẵn sàng làm ta trở nên lố bịch, buồn cười, ngớ ngẩn, đáng thương. Khi nhìn quanh những người già khú đế mà còn khỏe, ta nghĩ ta chắc cũng sẽ như họ. Còn lâu! Số người như vậy rất hiếm!”...
Già thời xưa khác thời nay. Tuổi tác
nơi các cụ là cái túi kinh nghiệm sống mà người trẻ phải học hỏi để sống với đời.
Ngày nay, thế giới thay đổi tàn bạo, cứ vài năm nó lại mang bộ mặt khác, kinh
nghiệm là thứ không có chỗ xài, con người phải hối hả chạy theo để thích nghi.
Già chỉ còn là mớ tuổi nặng chình chịch đè trên vai. Anh già, nhất là già khú đế,
bị đá ra bên lề cuộc sống, chẳng còn là một con ốc trong bộ máy, chẳng còn chút
giá trị kinh tế. Đành tiếc nuối tuổi trẻ. Ông Quan Dương vớt vát:
Trước
khi anh trở thành già
Đương
nhiên cũng trẻ như là em thôi
Trước
khi bết bát quá trời
Suy
ra anh cũng một thời trai tơ
Thế
gian biến đổi đâu ngờ
Đang
ba hoa bỗng dại khờ không hay
Đang
ma giáo cỡ như vầy
Trở
thành cục bột trong tay em cầm
Hỏi
sao kỳ lạ thế em
Anh
mà biết được chết liền một khi.
Tôi đọc được một câu “danh ngôn”, không
biết của ai. “Ai cũng có tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng có tuổi già”. Phải
có phúc có phần mới được già. Vậy mà dân già vẫn có mặc cảm là ăn hại đái nát,
chẳng ra cái chi chi. Chỉ được cái sản xuất ra hơi là tài. Không biết sao mà
anh già nào cũng cứ nổ bôm bốp một cách dễ dàng. Chẳng thua chi bò. Các nhà
khoa học đã nghiên cứu và chỉ đích danh loài bò thải khí nhiều gây hại cho môi
trường. Họ chữa bệnh…thải bằng cách cho bò ăn những thực phẩm khiến không tạo
ra khí. Chưa thấy các nhà khoa học nghiên cứu về sự tum tủm liên tu bất tận của
các cụ già khú đế. Tuy cho nổ, khi thì bùm bụp lúc tỉ tê ai oán, nhưng cái sự nổ
của anh già rất vô duyên. Chẳng mùi mẽ gì! Có lẽ vì người già, cũng như chai nước
hoa, càng để lâu càng phai mùi.
Tôi có trong tay một số sách của
nhà...già học Đỗ Hồng Ngọc: “Gió Heo May
Đã Về...”, “Già Ơi... Chào Bạn”, “Những Người Trẻ Lạ Lùng”. Tập nào cũng mỏng,
mỏng như những ngày còn lại của người già. Nhưng không thấy ông bác sĩ này lý
giải về sự tự do tút tít này của mấy anh già (Tôi chỉ nói tới mấy anh già vì
phép lịch sự, các chị già chắc cũng tỉ tê như ai). Có lẽ vì ông chuyên ngành
nhi khoa! Trước năm 1975 tôi đã từng đưa con tới phòng mạch của ông nhiều lần.
Bệnh nhi đông nghẹt, la khóc điếc tai. Ông là một bác sĩ chữa bệnh trẻ em rất
mát tay. Có lẽ vì vậy ông làm lơ với sự tưng bừng ồn ào của mấy anh già. Từ đâu
mà ông nhảy phóc từ trẻ tới già, ông đổ tội cho tôi và đồng bọn, những người
mang con cháu tới phòng mạch của ông. “Tôi
đo tuổi mình qua cách xưng hô của các bà mẹ bế con đến khám bệnh. Trước đây họ
gọi tôi bằng anh, sau gọi bằng chú, rồi bằng bác, và rồi mới đây thôi, một chị
hãy còn rất trẻ đưa bé đến khám bệnh, lúc bé la khóc, chị dỗ nín đi cho ông ngoại
khám con, thì tôi mới biết mình lên đến ông ngoại rồi mà không hay”. Khi
bác sĩ đã thành “ông ngoại”, chúng ta mới được đọc những bài viết về tuổi già đặc
sắc của ông. Ông gọi là tuổi “hườm hườm”. Tôi yêu chữ “hườm hườm” này quá! Nghe
như trái còn bám víu trên cành.
Một trong những người hườm hườm là ông
Khai Trí, một nhân vật mà người Sài Gòn xưa ai cũng biết. Ông chủ trương quên
tuổi, nhất định không có cái gọi là tuổi già. Theo ông chủ nhà sách và nhà xuất
bản nằm trên đường Lê Lợi này thì hồi 20 – 30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30 –
40 thì đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ
lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn!
Khỏe re! Nhưng mấy người nghĩ được như
vậy. Thường khi chúng ta ở độ tuổi 60 trở lên, độ tuổi theo Liên Hiệp Quốc là
già, chúng ta thường quay đầu lại, tiếc cho 60 năm trước đã trôi đi mất. Tuổi
hườm hườm là một khúc quanh quan trọng của đời người. Không phải mọi người tới
tuổi 60 đều cảm thấy như nhau.
Trước hết, nam nữ cảm thấy khác nhau.
Chuyện này ai cũng đoán ra. Đang xí xọn, ăn diện bỗng thấy mình xuống cấp. Da dẻ
nhăn nheo, mắt bớt…bồ câu, thân thể hết mượt mà, đời còn chi vui. Đức ông chồng
cũng dzậy, ngớ nga ngớ ngẩn, râu tóc bạc trắng, nói năng lỗ mỗ, chẳng còn chút
phong lưu rất mực của những năm xưa. Vậy là cãi nhau tía lia. Dưới mắt đức ông
chồng, bóng hồng thướt tha năm xưa giờ đã hết hồng, lại thêm chút đanh đá khó
ưa khiến gai mắt. Cãi không lại, im đi cho nó lành khiến trầm cảm, bực bội.
Nghĩ tới thời trai trẻ huy hoàng, lịch lãm một cây mà ứa nước mắt tiếc nuối. Vậy
là stress cả hai!
Lại phải tham vấn ông bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Ông viết: “Có ít nhất bốn loại stress thường gặp ở tuổi chớm già, ấy là stress về sinh lý, do những dấu hiệu hiển nhiên của
tuổi tác mà dù ta tìm mọi cách để chối bỏ nó vẫn cứ lù lù xuất hiện, như tóc cứ
bạc, răng cứ lung lay, lưng cứ nhức mỏi. Stress về văn hóa do cách xã hội đánh giá vai trò của người già, bởi vì người
già không phải ai cũng đạt nhân như Nguyễn Công Trứ: “gót tiên đeo đủng đỉnh một
đôi dì / bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Stress về kinh tế cũng không phải là không đáng kể, đặc biệt ở vào tuổi chớm
già mà một số người công ăn việc làm không ổn định hoặc bị thất nghiệp. Và cuối cùng là stress về tâm lý, cảm thấy mình bị hẫng, bị mất đi
tuổi trẻ, chỉ còn trống vắng, chỉ còn nhàm
chán”.
Chúng ta đang ăn nhờ ở đậu nơi xứ người.
Khác phong tục tập quán, khác văn hóa, khác lối sống nên chuyện stress càng thêm trầm trọng. Thế hệ
chúng ta, nửa đời trước sống trong nước, nửa đời sau sống nơi nước người, chúng
ta dễ chơi vơi. Chơi vơi dẫn tới chới với. Đang sống trong một xã hội mà câu
“kính lão đắc thọ” được mọi người tôn trọng, chúng ta bị bỏ vào một xã hội mà sự
bình đẳng là kim chỉ nam của cộng đồng. Cái già của chúng ta mất giá trị trong
nền văn hóa mới. Trong nước, tuổi tác được kính trọng, chúng ta tự hào với tuổi
tác. Tuổi tác tỷ lệ thuận với sự kính trọng. Chúng ta tự hào khi khoe tuổi với
cộng đồng. Có khi còn ăn gian, thêm một tuổi mà ta gọi là tuổi ta.
Người già bản xứ khác hẳn. Đừng hỏi tuổi
họ, cả đàn ông lẫn đàn bà. Họ giấu tuổi, thứ chỉ dấu…già. Họ làm mọi cách để
níu tuổi trẻ: ăn mặc đúng mốt, nước hoa ngào ngạt, đi đứng thẳng thớm, cười nói
lịch lãm. Họ làm trẻ trong khi chúng ta cố làm cho già hơn. Già rồi, ăn mặc sao
cũng được nhưng nói năng phải giữ ý tứ, điệu bộ phải đường bệ, thỉnh thoảng ho
lên một tiếng cho oai.
Giới già chúng ta bị ném vào một môi
trường sống khác biệt với môi trường đáng lẽ chúng ta phải sống. Chênh vênh thiệt
chênh vênh. Chuyện nhức nhối nhất trong mỗi gia đình người Việt chúng ta nơi nước
người là chuyện đưa cha mẹ vào nhà già. Người già bản xứ coi chuyện vào nhà già
là chuyện dĩ nhiên. Tiện cho cả cha mẹ lẫn con cháu. Nhưng phần lớn các ông bà
già người Việt lại khác. Họ thất vọng tràn trề khi con cái đề nghị đưa vào nhà
già. Họ có cảm tưởng bị bỏ bê. Họ nghĩ con cái bất hiếu khi vứt các đấng sinh
thành vào nơi lạ hoắc, không ai thân thuộc, không ai sáng tối vấn an. Chỗ sống
của họ phải là trong gia đình, giữa con cháu, cơm bưng nước rót, được hầu hạ tới
bến. Họ không cần biết tới hoàn cảnh của con cái: vợ chồng đi làm từ sáng tới tối,
cháu chít đi học suốt ngày không có thời giờ hầu hạ ông bà cha mẹ như cuộc sống
trong nước.
Có người cố chấp, không chịu hiểu cho
con cháu. Nhưng cũng có người hiểu và chấp nhận. Trong bài “Câu Chuyện Của Một
Người Già Nhưng Dành Cho Những Người Chưa Già”, tác giả Tuệ Tâm đã chấp nhận. “Ngày
mai, tôi phải đi viện dưỡng lão…Không phải bất đắc dĩ, thì tôi cũng không muốn
đi viện dưỡng lão đâu. Nhưng mà từ khi sinh hoạt hàng ngày không còn có thể tự
xoay xở, mà con gái vừa làm việc bận rộn vừa phải chăm sóc cháu trai, không
rảnh để quan tâm mình, đây dường như là sự lựa chọn duy nhất đối với tôi. Điều
kiện sống ở viện dưỡng lão không tệ: một mình một gian phòng sạch sẽ, được lắp
các đồ điện đơn giản thực dụng, đầy đủ các loại phương tiện giải trí; đồ ăn
cũng ngon miệng; phục vụ rất chu đáo, bày trí xung quanh cũng rất đẹp. Sống
trong nhà, kim chỉ cái gì cũng không thiếu, rương hòm, ngăn tủ, ngăn kéo đều
đầy ắp các loại đồ dùng. Quần áo bốn mùa, đồ dùng bốn mùa, chồng chất như núi;
tôi thích sưu tầm, tem sưu tầm đã thành từng chồng lớn, ấm tử sa cũng đã hơn
mười cái. Còn có rất nhiều vật linh tinh cất giấu, nào là ngọc bích, hạt óc
chó, vật trang sức. Đặc biệt là sách, cả một mặt tường là giá sách, chật kín
đầy ắp; rượu ngon thì Mao Đài, Ngũ Lương, rượu Tây cũng phải mấy bình. Viện
dưỡng lão chỉ có một gian phòng, một cái tủ, một cái bàn, một giường, một ghế
sô pha, một tủ lạnh, một máy giặt, một TV, một bếp điện từ, một lò vi ba, căn
bản không có chỗ để lưu giữ của cải mà mình tích lũy. Trong chớp mắt, tôi đột
nhiên cảm giác được: những của cải này đều là dư thừa, chúng cũng không thuộc
về mình”.
Tác giả đã cắn răng bỏ lại tất cả
nhưng không tiếc nuối. Của cải trần gian là của trần gian, khi cần buông thì
phải buông. Một đời tích lũy, tưởng những thứ đó là ruột thịt không bao giờ rời
được nay bỗng ngộ ra những gì tưởng là của mình đều không phải là của mình. Khi
sống với chúng, mình quấn quít với chúng, nhưng khi phải rời chúng, mình cũng phải
chấp nhận buông.
Buông là một hành động không dễ gì
thực hiện nhưng là một hành động phải làm của người biết lẽ vô thường, biết sống
thuận theo lẽ trời.
Thế hệ chúng tôi, như đã nói ở trên, bỏ
rẻ ra cũng tám chịch có hơn, kể như đã hưởng đủ lộc trời. Con số đó nằm trên
cáo phó có thể được coi là con số đã trọn vẹn. Chúng tôi chừ như những mục tiêu
bắn tỉa của anh thần cầm lưỡi hái. Nay anh tỉa người này, mai anh tỉa người
khác. Trước sau cũng một ngày nào đó. Ừ thì một ngày nào đó!
Website: Website: www.songthao.com
**
-
Đăng nhận xét