TRANG TRUYỆN NGẮN QUÝ NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA & TẠ QUANG KHÔI

Không Ai Động Đến Được

Truyện ngắn mới: "Không Ai Động Đến Được" (Tháng Tám 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

Mời đọc truyện ngắn thứ mười ba

trong

loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

 Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

https://dconnect.co.jp/friend/

Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

13. Không Ai Động Đến Được

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Khác với mọi khi, tối thứ Bảy mà nhà trống vắng chỉ có một mình tôi và Quỳnh Châu.  Hai con – Ân lên bảy và Diễm Lệ lên sáu – đến nhà bạn dự tiệc sinh nhật rồi ngủ qua đêm, còn Mạc con đầu lòng thì đi học đại học ở Cambridge, Massachusetts.  Thực ra, sinh nhật là của cô bé bạn học Diễm Lệ, nhưng vì anh cô bé học cùng với Ân và mẹ cô bé là bạn Quỳnh Châu, bà mẹ nhân thể mời luôn cả hai anh em để vợ chồng tôi có được một đêm tự do, không bận bịu con cái.  Tôi nghi Quỳnh Châu và bà bạn đã to nhỏ với nhau để dàn xếp chuyện này vì trong cuộc sống bận rộn đầu tắt mặt tối ở xứ này, vợ chồng ít khi có thì giờ riêng tư dành cho nhau.

Không có bé út Diễm Lệ kén ăn và khó tính khó nết nhất nhà, chúng tôi chọn nơi ăn tối khá dễ dàng:  steak house (tiệm ăn mà món đặc biệt là thịt bít-tết) Quỳnh Châu ưng ý nhất.  Ăn tối dưới đèn mờ và trong ánh nến lung linh, vẽ vời những ước mơ tương lai cho các con, và nhắc lại kỷ niệm của những ngày tháng yêu nhau xa xưa – điều không mấy khi chúng tôi dám nói lộ liễu trước mặt con cái.

Ăn xong, chúng tôi đi xem xi-nê.  Tôi thích xem phim hành động, và Quỳnh Châu thiên về phim tình cảm nhẹ nhàng, nhưng nàng đã đọc báo và chọn xem phim Desperado (Tay bạt mạng) do hai tài tử Antonio Banderas người Tây Ban Nha và Salma Hayek người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ đóng vai chính.  Phim hành động, trong đó lồng vào mối tình say đắm của hai nhân vật chính.  Chúng tôi. . . ra về thơ thới hân hoan (mượn lời của các rạp chiếu bóng Sài gòn xưa).

Ra khỏi rạp chiếu bóng thấy còn sớm, chúng tôi rủ nhau đi ăn bánh ngọt ở café (quán ăn bình dân) mở cửa suốt đêm gần đó.  Mỗi người chúng tôi gọi một miếng bánh phó-mát nướng (cheesecake) ăn với dâu tây, Quỳnh Châu uống sữa sô-cô-la nóng, và tôi uống cà-phê.  Khách đi ăn khuya rì rầm trò chuyện, và Quỳnh Châu nhắc tôi chương trình ngoài giờ học tuần tới của con:  Hai đứa đi học bơi, Diễm Lệ tập thể dục thẩm mỹ, Ân học đàn vĩ cầm và buổi chiều sau giờ học ở lại trường tập chạy đua, v.v.  Đột nhiên, nàng dừng lại và nhìn thẳng vào mắt tôi,

“Chồng ơi, hai ba tuần nay em thấy anh lo âu và trăn trở cả đêm.  Em cầm lòng không đậu; phải chi anh chia cho em một nửa để đồng vợ đồng chồng cùng nhau lo lắng.”

“Số là bạn anh trong mấy tiểu bang quanh đây dự định hùn vốn mở công ty cố vấn về điện toán và kế hoạch điện lực.  Họ mến tài anh, mời anh tham dự, và đồng ý cho anh không phải bỏ vốn mà cũng có phần đồng đều như những người kia,” tôi giải thích.

“Em biết Việt nam mình có câu ‘phi thương bất phú,’ không mua bán thì không giàu, trong lúc ở Mỹ nếu không làm chủ mà đi làm công ba cọc ba đồng hoài thì suốt đời chỉ làng nhàng, khó mà giàu được,” nàng nôn nóng góp ý.

“Anh day trở giữa cái bệnh thích ăn chắc mặc bền, ăn ít no lâu, của ‘người An nam ta’ và tinh thần ‘có gan làm giàu,’ chấp nhận thương đau nếu thất bại, của người Mỹ.  Nhưng anh đã quyết định không dự phần vì hoàn cảnh gia đình mình không cho phép anh mạo hiểm.  Lý do là công ty mới mở, sáu tháng đến một năm sau mới có lợi tức; trong thời gian đó anh sẽ làm việc không có lương.  Ngoài ra, theo thống kê thì có đến 80 phần trăm các công ty mới mở sẽ thất bại trong hai năm đầu tiên; nếu gặp xui xẻo công ty sập tiệm, gia đình mình làm sao sống?”

Trước sự ngạc nhiên của tôi, Quỳnh Châu thở phào nhẹ nhõm và reo nhẹ,

“Hú hồn, vậy mà em tưởng chồng lo mất việc ở MDU.”  “MDU” là tên gọi tắt của Công ty Tiện ích Montana-Dakota của tôi.

Té ra vì vậy mà em phải ra công dàn trận cho vụ ‘hẹn hò’ hôm nay để hỏi cho ra lẽ,” tôi cười khà khà khiến khách các bàn chung quanh quay lại nhìn.

“Chồng nhớ bà Jane trong họ đạo nhà thờ Ba Ngôi Lutheran dạy chung với em trên trường đại học cộng đồng không?  Chồng bả có người em làm lớn trong MDU; ông đó nói anh xuýt tí nữa bị ông Bruce tổng giám đốc đuổi.  Đúng dzậy không?”  Nhà thờ Ba ngôi Lutheran năm 1975 đã bảo trợ gia đình tôi.

“Lời đồn đại thường có ít xít ra nhiều; để anh kể sự tình cho em nghe.”

Chuyện Quỳnh Châu nghe nói xảy ra tuần trước trong buổi họp do Bruce chủ tọa.  Anh sinh cùng năm với tôi, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí cùng năm tôi tốt nghiệp kỹ sư điện, và sau khi tốt nghiệp, làm việc cho nha Sản xuất Điện MDU là nha điều hành các nhà máy phát điện.  Sau đó, anh lần lượt được thăng lên chức  trưởng nhà máy điện, giám đốc nha Sản xuất Điện, phó tổng giám đốc, và cuối cùng tổng giám đốc.

Tôi dự buổi họp cấp giám đốc cao cấp với tư cách người đứng đầu nhóm hoạch định hệ thống phát điện tương lai.  Buổi họp bàn về dự án xây thêm một nhà máy phát điện chạy bằng than non (lignite) lớn trị giá gần một tỉ đô la.  Dự án được Bruce đề nghị do áp lực của thống đốc tiểu bang North Dakota, bạn thân của anh.  Ông thống đốc muốn MDU xây nhà máy để giúp phát triển kỹ nghệ than non của tiểu bang nhà; đó là một trong những điều ông hứa hẹn với cử tri khi ra tranh cử chức vụ thống đốc năm trước.  Nhưng theo sự tính toán kỹ càng của tôi, nhà máy không thực hiện được về phương diện kinh tế (economically infeasible) và sẽ rất khó lòng được các ủy ban tiện ích tiểu bang chấp thuận, cấp giấy phép, và cho phép tính tiền khách hàng; MDU phục vụ khách hàng trong bốn tiểu bang.

Giống như mọi công ty tư khác ở Hoa kỳ, MDU là at-will employer (“chủ nhân mặc ý”) có quyền sa thải hay đuổi nhân viên mà không cần lý do.  (Tuy nhiên, nếu cho đi vì một lý do nào đó thì lý do ấy phải hợp pháp và chính đáng.)  Vì vậy, nói hay làm ngược ý sếp lớn là điều tối kỵ, mất việc như chơi.  Sau khi Bruce trình bày những “điểm lợi” của nhà máy mới, không khí buổi họp căng thẳng, không ai dám phát biểu điều gì, và giám đốc sếp của tôi là Gerri và ông phó tổng giám đốc sếp của anh nhìn nhau lo lắng.

Nhưng anh kỹ sư điếc không sợ súng không thể ngậm miệng, tôi lên tiếng, lần lượt bác bỏ những điểm Bruce nêu lên, và thấy mặt anh dần dần đỏ bừng vì giận.  Khi tôi dứt lời, anh mím môi cố dằn lòng đến nỗi các đường gân máu nổi hằn trên cổ.  Mọi người nín thở chờ đợi điều sẽ xảy ra:  Anh sẽ đứng dậy, bước tới cửa phòng, và một tay mở cửa và tay kia ra hiệu cho tôi đi ra.  Show the door (“chỉ cánh cửa”) là lối đuổi khéo của các tay chủ hãng, không cần nói thêm lời nào.  Nhưng không.  Anh đứng dậy bước tới cuối phòng, rót thêm cà-phê vào chiếc mug (cốc vại), trở về chỗ ngồi ở đầu bàn, và lấy lại bình tỉnh,

“Giờ chúng ta bàn tiết mục kế tiếp [của chương trình nghị sự]!”

Nghe xong chuyện, Quỳnh Châu cuống quýt đánh nhẹ vào tay tôi, giọng hờn giỗi,

Ôông dôông này thiệt quá quắt!  Vậy mà không thèm mở miệng nói với mụ vợ dễ thương này một tiếng.”

“Anh biết chắc 100 phần trăm Bruce sẽ không đuổi anh.  Đường đường là tổng giám đốc dưới tay gần hai ngàn nhân viên, hắn ta không thể đuổi anh trước mặt bá quan văn võ chỉ vì anh phân tích phải trái lợi hại cho công ty, dù trái ngược với ý hắn.  Hơn nữa với đồng lương MDU trả cho anh, hắn ta biết sẽ không bao giờ thuê được tên kỹ sư nào giỏi và làm việc tận tụy bằng anh.”

“Em biết chồng giỏi số một rồi!  Xưa nay em vẫn chịu ngài.  Nhưng em chồng bà Jane nói ông Bruce không đuổi anh vì nể mặt ông Martin là sao?  nàng chưa an tâm.

“Bruce là kỹ sư, làm việc rất réc-lô.  Nếu hắn ta muốn đuổi anh thì mười ông Martin cũng không làm được gì,” tôi cười nhẹ; “réc-lô” do tiếng Pháp “réglo” là theo đúng quy tắc.

Martin là chủ tịch tổng giám đốc hay CEO (chief executive officer) của công ty mẹ của MDU – MDU Resources Group (MDUR) – và là sếp của Bruce.  Kể cả MDU, MDUR gồm 66 công ty nhánh lớn nhỏ với gần 30 ngàn nhân viên hoạt động ở cả 50 tiểu bang Hoa kỳ.  Tuổi trên ngũ tuần, ông vốn là nhà toán học và ngoài giờ làm việc ở văn phòng, là giáo sư thỉnh giảng dạy toán giải tích cho lớp đêm của trường đại học cộng đồng thành phố; lớp này sửa soạn sinh viên tiếp tục theo học chương trình kỹ sư ở các đại học lớn.  Tôi cũng là giáo sư thỉnh giảng tại cùng trường đại học và dạy giải tích mạch điện cho cùng lớp đó.  Vì hai môn liên hệ mật thiết với nhau, thỉnh thoảng tôi nói chuyện với ông để phối hợp chương trình giảng dạy.  Ông mến tài giải toán của tôi và mỗi khi tìm được cuốn sách toán thú vị, gửi tặng tôi qua hệ thống thư tín nội bộ công ty.  Nhân viên thấy vậy bèn kháo nhau tôi là bạn của sếp lớn.

* * *

Nhà đầu tư mua cổ phần của một công ty luôn luôn mong muốn công ty đó bành trướng nhanh để giá cổ phần là trị giá vốn đầu tư tăng nhanh; nếu không sẽ đổi sang cổ phần công ty khác.  Do đó, để thu hút vốn đầu tư, mọi công ty đều phải cố gắng tăng tiến.  Nếu thị trường hoạt động đã bảo hòa hay gia tăng chậm, như trường hợp công ty tiện ích MDU bán điện và hơi đốt, công ty mẹ “phát triển” bằng cách mua thêm công ty mới để sáp nhập vào empire (nghĩa thông thường là “đế quốc,” nhưng trong ngôn ngữ kinh doanh chỉ tập đoàn gồm công ty mẹ và những công ty nhánh) của mình.

MDUR định mua Cơ quan Điện lực Bắc California (NCPA), một công ty nhỏ làm chủ đường dây dẫn điện 115 kV (kilovolt, tức là 1,000 volt) chừng 100 dặm Anh chạy trong vùng núi phía bắc California và tải điện “thuê” cho các công ty điện lực.  Ở bước đầu, MDUR cử vài chuyên gia tài chánh và luật pháp đến trụ sở NCPA xem xét sổ sách và phương cách hoạt động, và khảo sát sơ khởi cho thấy dấu hiệu lạc quan.

Martin cho thành lập ủy ban lâm thời gồm 12 giám đốc chuyên môn, mỗi người xem xét một khía cạnh để xác định tính thực hiện được (feasibility) của dự án “phát triển” này.  Thông thường nếu liên quan đến hệ thống điện, Gerri sếp tôi sẽ tham dự, nhưng lần này anh nghỉ bệnh ba tháng nên tôi bị cử ngồi vào ủy ban thay anh.  Trong ba tuần lễ ủy ban họp ráo riết, tôi đòi thêm dữ kiện và chất vấn cặn kẽ về đường dây dẫn điện.  Biết Martin ưa chuộng dự án này, 11 thành viên kia đề nghị mua NCPA và hăng hái ký tên vào danh sách ưng thuận.  Còn lại anh kỹ sư cứng đầu cứng cổ, tôi không đồng ý và không ký.

Muốn dự án “go,” mọi thành viên ủy ban phải đồng lòng tán thành; nếu không, hội đồng quản trị công ty sẽ khó lòng chấp thuận.  Bị kỳ đà cản mũi, Martin cho gọi tôi lên trụ sở MDUR ở phía bắc thành phố và cách nơi tôi làm việc chừng năm dặm Anh.  Ông gặp tôi ở phòng hội, thay vì tại văn phòng ông, như thể để tránh tiếng chính thức hội họp.  Căn phòng lớn chỉ có ông và tôi; ông lạnh lùng mở đầu,

“Anh có gì muốn nói thì cứ nói.”

“Các giám đốc tài chánh của ông chỉ biết con số trong sổ cái mà mù tịt về tình trạng thực sự của đường dây dẫn điện, tài sản chính của NCPA.  Đường dây xây vào cuối thập niên 1930 sau cuộc khủng hoảng kinh tế với nhân công rất rẻ, và người ta dùng lừa để kéo vật liệu lên núi.  Ngày nay, hơn 55 năm sau, các trụ điện bằng gỗ thông đã quá thời hạn hữu ích và có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.  Nếu muốn sửa chữa, ta sẽ phải thuê một đội phi cơ trực thăng rất mắt tiền.”

“Anh nói tiếp đi,” ông vẫn không nêu tên NCPA.

“Dây dẫn điện họ dùng là loại dây đồng mạ thép cổ lỗ ngày nay không còn ai dùng.  Năm 1975, khi tôi mới vào làm MDU, công ty có một đoạn đường dây chừng 20 dặm Anh dùng loại dây dẫn điện đó mà ông sếp tôi ngày nào cũng than van, tranh đấu để thay cho bằng được.  Tóm lại, nếu ông muốn mua NCPA, tôi sẽ nghiên cứu nguy cơ đường dây sụp đổ, ước tính chi phí thay thế và bảo trì trong 20 năm tới, và đề nghị con số mà họ sẽ phải trả cho mình để ‘bán’ đường dây.”

Không nói không rằng, Martin đứng dậy mở cửa đi ra.  Sau biến cố này, trong công ty người ta thì thầm với nhau gọi tôi là “the untouchable guy” – anh chàng không ai động đến được.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 28 tháng Tám, 2024

 ********

Đon Kết Mt Chuyn Tình

 Tạ Quang Khôi

Cận nhìn qua cửa sổ. Bên ngoài tuyết mỗi lúc một dày. Về chiều, gió thổi mạnh, làm những bông tuyết như những cánh mai trắng bay tơi tả. Những ngày đầu tiên vừa đặt chân lên đất Mỹ, Cận rất thích ngắm cảnh tuyết rơi. Tất cả chỉ một màu trắng xóa ! Thật đẹp ! Mùa đông đầu tiên khi mới lưu lạc sang xứ người, chàng náo nức chờ tuyết rơi. Bây giờ thì tuyết không còn hấp dẫn nữa. Tuyết rơi thì đẹp, nhưng lúc tuyết tan thật dơ bẩn !


Cận buồn bã nhìn đồng hồ. Đã gần năm giờ ! Tuyết vẫn rơi, mỗi lúc một dày hơn. Nhìn nhịp độ tuyết rơi, chàng biết chàng sẽ phải về trễ. Chàng rất sợ lái xe trên đường đầy tuyết. Thật ra, về trễ đối với chàng không phải là một chuyện bất thường. Nhiều hôm, vì mải làm việc, chàng rời tòa báo vào lúc sáu giờ tối. Về đến nhà chàng cũng chỉ ngồi xem tivi một mình vì các con thường đi làm về muộn. Căn nhà trống rỗng lạnh lẽo càng làm chàng nhớ đến Hằng, người vợ thân yêu đã qua đời. Bảy năm rồi, chàng vẫn không nguôi thương nhớ. Hằng ra đi vào dịp Tết năm Mão. Ba tháng sau, chàng phải lếch thếch dắt các con chạy trốn khỏi Việt Nam. Chàng và các con làm cái giỗ đầu tiên của Hằng trên đất Mỹ.

 

Thời gian qua mau, nhưng vết thương lòng của chàng vẫn còn nguyên vẹn. Chàng yêu Hằng khi nàng mới mười lăm, tóc còn kết bím sau lưng và còn đánh truyền, đánh chắt với bạn trên hè phố. Hồi đó, chàng tương đối trải đời, từng theo kháng chiến chống Pháp, hơn nàng đúng mười tuổi. Vì nàng, chàng đã bỏ hết, cắt đứt mọi liên lạc với dĩ vãng để chiều theo ý gia đình nàng. Chàng đi học lại để tạo dựng một tương lai tốt đẹp. Bốn năm sau, hai người làm đám cưới khi nàng vừa mười chín. Sau ngày cưới ít lâu, hai vợ chồng trẻ đã phải dắt díu nhau vào Nam. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc, nhưng chỉ được có hai chục năm trời ! Kỷ niệm nàng để lại cho chàng là hai đứa con, một gái một trai. Đứa con gái giống mẹ như đúc, từ đôi mắt, miệng cười đến tiếng nói, dáng dấp. Vì thế, chàng có ý thiên vị, chiều chuộng nó hơn thằng em. Con bé cũng biết thế, nên rất thương cha. Đã hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng, dù có nhiều bạn trai. Nó thường nói :

 “Con đi lấy chồng, rồi ai lo cho ba ?  Khi đã có chồng, con phải lo tròn bổn phận một người vợ, rồi bổn phận làm mẹ khi có con.”
Chàng cảm động, mỉm cười hỏi lại :
“Bộ con định ở giá luôn sao ?  Rồi khi ba già, ba chết, ai săn sóc con ?”
Nó lắc đầu :
“Con chẳng cần ai lo hết. Ở cái đất Mỹ này, sống độc thân là sướng nhất.”
Chàng đùa :
 “Khi Chương nó lấy vợ, ba sẽ có con dâu lo cho ba.”
Nó trề môi :
 “Ba ở Mỹ lâu mà còn nghĩ như vậy là ba không thực tế. Ba có thấy con dâu nào ở Mỹ, dù là người Việt Nam, lo cho bố chồng chưa ?”
“Con đừng bi quan quá. Việt Nam cũng có nhiều người giữ được lề thói cũ hay đẹp. Với lại con cũng phải nghĩ tới tương lai của con. Ba tự lo lấy được hết.”

Cảnh gia đình của ba cha con Cận thật ấm cúng. Điều mà chàng mừng nhất là hai con chàng chưa bị Mỹ hóa.

Bên ngoài, tuyết vẫn rơi. Nhìn những bông tuyết rơi rào rạt, Cận biết gió thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Đinh ninh mình sẽ phải về muộn, chàng chán nản ngó chồng bài cao ngất trước mặt. Đó là những bài do độc giả khắp nơi gửi về và được xếp theo thứ tự ngày tháng nhận. Chàng hờ hững nhón lấy xấp trên cùng. Chàng liếc qua tên truyện và tên tác giả :”Người chiến sĩ không tên của Trần Lữ”. Truyện viết tay, tuồng chữ đàn bà. Chàng hơi ngạc nhiên về tuồng chữ vì tên tác giả rõ ràng là tên đàn ông. Chàng chợt có một ý nghĩ ngộ nghĩnh cho rằng tác giả là một anh chàng lại cái nên mới có tuồng chữ đàn bà. Chàng tò mò thử đọc xem “anh chàng lại cái” viết gì. Nhưng chỉ mới đọc hết đoạn đầu, chàng ngạc nhiên và có vẻ chú ý hơn. Chàng không khỏi thắc mắc về sự trùng hợp kỳ lạ.

 Truyện “Người chiến sĩ không tên” là truyện chàng viết gần bốn chục năm về trước. Trần Lữ cũng chính là bút hiệu của chàng hồi đó. Chàng vội vàng xem tên thật người gửi : Nguyễn thị Nam Ngọc. Cái tên hoàn toàn xa lạ. Tìm đến địa chỉ, chàng càng ngạc nhiên hơn, vì không quen ai ở tiểu bang Connecticut. West Hartford, Connecti-cut ! Lần đầu tiên chàng biết đến địa danh này.

Cận đọc lại một lần nữa truyện “Người chiến sĩ không tên”. Vẫn những non nớt, vụng về của một người mới chập chững bước chân vào nghề cầm bút. Nó là truyện ngắn đầu tay của chính chàng cách đây khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu năm, khi chàng tham gia kháng chiến chống Pháp. Những ngày xa xưa đó bỗng trở về với chàng...

Sau một thời gian đánh nhau với lính Tây trong thành phố Hà Nội, trung đoàn Thủ đô rút ra hậu phương. Cận được chuyển về công tác trong ban tình báo của bộ tham mưu liên khu 3. Tại đây, người ta giao cho chàng và một họa sĩ trẻ phụ trách xuất bản một tờ nội san viết tay :”Chiến sĩ vô danh”. Trong số đầu tiên, chàng đã viết truyện “Người chiến sĩ không tên” để ca tụng các tình báo viên hoạt động âm thầm trong bóng tối. Đó là truyện đầu tay của chàng nên ý tưởng còn thô sơ, lời văn còn vụng về, non nớt. Thế mà “Người chiến sĩ không tên” cũng được nhiều người trong cơ quan ưa thích.

Đã ngót bốn chục năm trôi qua, biết bao nhiêu lần “bãi bể biến thành nương dâu”, Cận cũng đã quên truyện đó. Nay bỗng thấy nó xuất hiện, chàng không ngạc nhiên sao được. Cái tên Nguyễn thị Nam Ngọc cũng hoàn toàn xa lạ với chàng. Càng nghĩ chàng càng thắc mắc. Trước khi xếp truyện “Người chiến sĩ không tên” sang một bên, Cận lấy bút đỏ ghi đậm hai chữ “Không đăng”.

Nửa tháng đã trôi qua mà Cận cũng không sao giải đáp được thắc mắc đó. Lúc nào nó cũng canh cánh bên lòng. Rồi chàng lại nhận được bản chụp của truyện “Người chiến sĩ không tên”. Chàng ngạc nhiên và tự hỏi :”Thế này là làm sao ?  Người gửi có dụng ý gì ?” Vẫn Nguyễn thị Nam Ngọc ! Vẫn địa chỉ ở West Hartford, tiểu bang Connecti-cut ! Sau khi suy nghĩ  kỹ,  chàng quyết định viết cho người đàn bà mang tên Nguyễn thị Nam-Ngọc một bức thư riêng. Chàng vắn tắt cho biết đã nhận được truyện và đã trả lời trên báo là không đăng được, xin đừng gửi thêm nữa. Một tuần sau, chàng nhận được thư trả lời :

 “Anh Cận,
 “Anh còn nhớ cố nhân không ?  Nếu anh chưa quên, hoặc anh lên gặp em hoặc cho phép em xuống thăm anh. Rất mong thư anh.
Em,

Lần này, Cận bị xúc động mạnh, ngẩn ngơ nhìn lá thư ngắn ngủi, không biết đáng tin hay đáng ngờ. Thật hay mơ ?  Chuyện xảy ra ngoài trí tưởng tượng của chàng. Lê Thị Bích Anh đúng là một cố nhân. Nàng là mối tình đầu của chàng và đã hơn ba chục năm không gặp lại.

Khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, những người được chuyển công tác về bộ tham mưu liên khu 3 có cả Bích Anh, một nữ cứu thương xinh xắn, duyên dáng. Nàng vốn là một nữ sinh trường Đồng Khánh, Hà Nội. Cận yêu nàng ngay lúc mới gặp và mối tình đầu của chàng đã được nàng đáp lại. Hai người quấn quít bên nhau được một thời gian ngắn, cho đến ngày Cận được gửi vào Hà Nội để hoạt động, sau một khóa huấn luyện cấp tốc về tình báo. Chàng đi và không bao giờ trở lại vì chàng đã gặp Hằng và yêu Hằng. Chàng rũ bỏ hết dĩ vãng và bỏ giở công tác được giao phó để được sống vĩnh viễn bên cạnh Hằng. Đôi khi chàng cũng chợt nhớ tới Bích Anh, nhưng chỉ coi đó là một mối tình bồng bột của tuổi trẻ. Trước khi cưới Hằng, chàng cũng nghe tin Bích Anh đã lấy người chỉ huy trực tiếp của nàng.

Nay Bích Anh bỗng xuất hiện, sau ngót bốn chục năm không liên lạc. Tại sao nàng lại ở Mỹ ?
Cận đọc lại bức thư ngắn nhiều lần nữa mà cũng không tìm ra lý do Bích Anh muốn gặp chàng. Vì thế, chàng phân vân không biết có nên gặp lại người xưa không. Cả một tuần suy nghĩ chàng cũng không quyết định được. Chàng không thể lên thăm nàng, một phần vì công việc bề bộn, phần khác chàng sợ cái lạnh của miền Bắc về mùa đông.  Mà để nàng xuống thăm thì cũng có nhiều bất tiện. Cho đến nay, dù đã ngót bốn chục năm trôi qua, chàng vẫn chưa dứt bỏ được cái mặc cảm bạc tình đối với nàng.

Vào một buổi sáng của tuần lễ thứ hai, kể từ ngày nhận được thư Bích Anh, một người đàn bà bỗng gọi điện thoại cho Cận. Câu đầu tiên, bà ta hỏi ngay :
 “Anh có nhận ra tiếng em không ?”
Dù đã mấy chục năm không gặp, Cận vẫn chưa quên giọng nói của người yêu cũ, rụt rè hỏi lại :
“Thưa...có phải là....Bích Anh không ?”
 Tiếng cười dòn vang trong điện thoại làm Cận bàng hoàng. Vẫn là tiếng cười trong trẻo của người nữ cứu thương ngót bốn chục năm về trước.
“Anh có biết bây giờ em đang ở đâu không ?”
“Ở trên Connecticut”, chàng đoán.
 “Không đâu !  Em chỉ cách anh có năm phút lái xe thôi.”
Cận ngạc nhiên :
 “Bích Anh xuống đây hồi nào ?”
Lại có tiếng cười dòn :
 “Hình như anh không muốn gặp em nên không vui khi biết em đang ở gần anh.”
Cận ngập ngừng :
 “Anh sẽ biết ý định của em khi mình gặp nhau tối nay.”
Cận lúng túng :
 “Nhưng...Nhưng...”
Bích Anh ngắt :
 “Không nhưng gì hết. Mình sẽ gặp nhau tối nay. Em sẽ đến thăm anh và các cháu nếu anh cho em biết địa chỉ nhà anh...Hay anh muốn em đến tòa báo cũng được, em sẽ đến ngay bây giờ.”
“Vậy...tôi xin mời Bích Anh đến nhà...”
Rồi chàng đành cho nàng biết địa chỉ của chàng. Ngừng một chút, chàng tiếp :
 “Nhưng...hôm nay có thể tôi sẽ về hơi trễ...”
Bích Anh đáp ngay :
 “Em sẽ ngồi nói chuyện với các cháu chờ anh.”
 “Chúng nó còn về trễ hơn tôi.”
Bích Anh nói dỗi :
“Thì em cứ đứng ở ngoài cửa.”
Rồi bỗng nàng đổi giọng, nửa đùa nửa thật :
 “Anh Cận, em báo trước cho anh hay là lần này anh đừng hòng chạy thoát. Đã ngót bốn chục năm đuổi bắt anh, em không thể để mất anh lần nữa.”

Cận nghe lòng xao xuyến. Dù sao Bích Anh cũng là người yêu đầu tiên của chàng. Sau này, chàng yêu Hằng trong tình nghĩa vợ chồng, nhưng bóng hình Bích Anh không hoàn toàn phai nhòa trong tâm tưởng chàng, thỉnh thoảng vẫn còn phảng phất hiện ra mờ mờ nhạt nhạt.
Lại có tiếng Bích Anh :
“Chị bạn em cho biết từ nhà chị đến nhà anh rất gần, đi bộ chỉ vài phút thôi. Vậy chiều nay mình gặp nhau nhé...Đừng trốn tránh em lần nữa, tội nghiệp !”
Câu cuối cùng nàng nói bằng một giọng năn nỉ, ngọt ngào khiến Cận không khỏi cảm động. Từ phút đó chàng bâng khuâng, suy nghĩ vẩn vơ, trở về với dĩ vãng xa xưa. Suốt ngày chàng không làm được việc gì nên hồn. Chàng cứ thắc mắc tự hỏi Bích Anh sang Mỹ làm gì ?  Chồng con ra sao ?  Cuộc sống hiện tại của nàng thế nào ? ...Và cả trăm câu hỏi khác nữa mà không sao giải đáp nổi.
Buổi chiều, Cận về sớm hơn thường lệ nửa giờ.
 
    * 
Cận đứng lặng yên ngắm người đàn bà trước mặt. Đúng là Bích Anh của chàng ngót bốn chục năm xưa, một Bích Anh già nua tuy vẫn còn những nét quen thuộc cũ. Nếu tình cờ gặp nàng ở ngoài đường chàng không chắc đã nhận ra. Nàng cũng im lặng ngắm chàng, rồi lên tiếng trước :
“Trông anh già hơn tuổi.”
Cận gật đầu :
“Vâng, tôi cũng biết như vậy. Khi buồn và vất vả người ta chóng già.”
Bích Anh bỗng vui vẻ hỏi :
“Nhưng mà sao anh không cho khách vào nhà  ?”
Nói xong, nàng bước luôn vào, không chờ đợi mời mọc, rồi suýt xoa :
“Đứng ngoài lâu lạnh quá.”
Cận ngượng ngùng xin lỗi về sự vô ý của mình.Khi hai người đã ngồi đối diện trong phòng khách, Bích Anh hỏi :

“Sao anh không nhuộm tóc đi cho đỡ già ?  Để đầu bạc phơ như thế thì có lợi gì ?”
Cận nhún vai :
“Chẳng lợi mà cũng chẳng hại. Tôi không cần phải giấu diếm ai hết. Tóc Bích Anh chắc có nhuộm ?”
“Vâng. Nhưng tóc em chưa bạc như tóc anh đâu, chỉ mới có ít sợi trắng thôi. Em lại nghĩ rằng việc gì mình phải khoe cái già của mình cho nó...ảm đạm cuộc đời, có ảnh hưởng đến tinh thần. Nhuộm tóc đi mình sẽ thấy mình trẻ lại và yêu đời hơn...”
“Mà Bích Anh có yêu đời thật không ?”
“Đời người ta có lúc nổi lúc chìm, nổi thì yêu đời, chìm thì chán đời. Đã có lúc em chán đời vô cùng, chỉ muốn chết cho xong...Nhưng bây giờ thì em đang yêu đời.”
Cận giữ im lặng, chỉ nhìn nàng đăm đăm. Nàng bỗng hỏi sang chuyện khác :
“Các cháu thường về lúc mấy giờ ?”
“Con Hương, con gái lớn của tôi, bao giờ cũng về khoảng bảy giờ, còn thằng Chương, em nó, thì không chừng.”Sau khi hỏi qua loa về những chuyện lặt vặt vẩn vơ, Bích Anh nhìn thẳng mặt chàng nói :

“Em biết anh đang có nhiều thắc mắc về em. Nào, bây giờ anh muốn hỏi gì em xin trả lời.”
Cận ngập ngừng rồi im lặng. Bích Anh lại nói :
“Nhìn vẻ rụt rè, e ngại của anh là em biết anh có nhiều thắc mắc lắm. Ngót bốn chục năm không có tin tức của nhau mà khi gặp lại em, anh cũng không mừng... Dù chỉ là hai người bạn không thân lắm, xa nhau lâu, tình cờ gặp lại nơi xứ lạ quê người, cũng mừng mừng tủi tủi, vì ‘tha hương ngộ cố tri’ mà. Trong khi đó, anh với em chả gì trước kia...trước kia...”
Nàng bỗng nghẹn ngào không sao nói tiếp. Cận cúi mặt im lặng. Nhưng chỉ vài phút sau, nàng đã lấy lại bình tĩnh :
“Tính cho đến ngày hôm nay chúng ta xa nhau...băm nhăm năm, tám tháng và mười bảy ngày.”
Cận thốt kêu :
“Khiếp ! Làm gì mà tính kỹ quá vậy ?”
Nàng đáp :
“Em đếm từng ngày, từng giờ, anh ạ.””
“Thế còn chồng con Bích Anh bây giờ ra sao ?”Im lặng một lát, nàng khẽ thở dài :

“Bây giờ em xin kể từ đầu...Hơi dài dòng một chút, nhưng có thế anh mới hiểu hết được.”
Cận im lặng chờ đợi. Nhưng nàng không kể ngay, lại hỏi :
“Hình như anh quên không mời khách uống nước thì phải?”
Cận giật mình, vội tìm cách tự bào chữa :
“Gặp lại Bích Anh, tôi quên hết ! Nào Bích Anh uống gì ?  Nhà có nước ngọt, nước cam...”
Nàng gạt đi :
“Xin anh cho em một cốc nước lạnh, em không quen uống nước ngọt. Thôi, anh cứ ngồi đi, để em vào tìm nước lấy.”
“Nhưng Bích Anh có biết ly để đâu mà lấy.”
“Thì em cứ lục tung lên là phải thấy chứ gì.”
Nàng vẫn có giọng tinh nghịch hồi trẻ. Chính cái tinh nghịch duyên dáng đó mà Cận mê nàng. Thoáng trong một giây, chàng cảm thấy vui được gặp lại nàng.Bích Anh vào bếp không đầy nửa phút đã trở ra với ly nước lạnh. Sau khi đặt ly nước lên bàn, nàng nhìn chàng,vui vẻ :

“Nào, bây giờ mình bắt đầu phiêu lưu trở về dĩ vãng.”
Rồi nàng cười lớn :
“Nói chuyện với nhà văn, nhà báo thì cũng phải văn chương chữ nghĩa chứ. Đừng cười em nhé.”
Cận chỉ im lặng nhìn nàng, nhưng lòng rộn lên một niềm vui khác thường. Nàng hỏi :
“Theo anh, mình nên bắt đầu từ đâu?”
“Tùy Bích Anh, vì tôi đâu có biết Bích Anh định nói những gì.”
Nàng ngập ngừng :
“Hay là... anh hỏi để em trả lời...như “làm việc” với công an. Có khi như vậy lại chóng giải đáp được những thắc mắc của anh.”
Cận phì cười :
“Bích Anh vẫn lém lỉnh, đùa nghịch như ngày xưa. Tôi không tin là Bích Anh đã ngoài năm chục, có thể có cháu nội, cháu ngoại rồi.”Bích Anh công nhận :

“Vâng, em đã có cả cháu nội lẫn cháu ngoại.  Cảm ơn Anh đã...tưởng em còn trẻ. Thế mới biết nhà văn các anh khéo nói thật. Mà em xin thú thật với anh là em chỉ mới trẻ lại khi...nắm được áo anh thôi. Lần này thì em nắm thật chắc. Trước đó, em cũng héo hắt, sầu muộn lắm. Tìm anh còn khó hơn tìm chim đấy. Nửa vòng trái đất, chứ có gần gì cho cam. Một phần cũng tại anh không lấy lại bút hiệu cũ ở Việt Nam, phần khác anh lại ít giao du, nên chẳng biết đâu mà hỏi nữa. Nhưng rồi cũng tìm ra. Hết chạy trốn rồi nhé.”
“Bích Anh tìm tôi để làm gì ?”
Nàng ngó chàng đăm đăm, ngạc nhiên :
“Anh hỏi thật hay đùa thế ?  Để làm gì ? Ô hay, em tìm anh suốt cuộc đời em để làm gì nhỉ ? Anh là nhà văn mà cũng có thể hỏi một câu...ngớ ngẩn như thế sao ?  Tuy nhiên, em cũng xin trả lời một cách nghiêm chỉnh rằng em tìm anh để...đòi nợ !”

Cận có vẻ hơi ngượng, ngồi chết lặng. Bích Anh tiếp :

“Nợ tình chưa trả mà anh.”
Chợt nàng trầm hẳn giọng :
“Anh cũng thừa biết rằng lúc nào em cũng chỉ yêu có anh.”
Cận ngó đi chỗ khác như muốn trốn tránh một sự thật.
“Vâng, nàng tiếp, em chỉ yêu có anh trong suốt cuộc đời em...dù em vẫn biết anh không còn mảy may thương yêu em.”
Cận lúng túng, ngập ngừng :
“Tôi...tôi không ngờ...”
“Anh không ngờ cái gì ? Phải chăng anh không ngờ em vẫn yêu anh, yêu như hồi chúng mình còn ở trong rừng Lương Sơn tỉnh Hòa Bình ?  Hay anh không ngờ em có thể sang đến tận Mỹ để tìm anh ?”
Cận lại bị Bích Anh dồn vào cái thế không biết nói năng làm sao. Ngay khi còn ở Việt Nam, chàng cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện nàng tìm gặp chàng, huống chi nay đã ở Mỹ.
Bích Anh buồn buồn tiếp :
“Nhắc đến rừng Lương Sơn em lại...lại giận anh. Em không ngờ anh lại chóng quên lời thề như vậy. Em biết chắc hồi đó anh cũng yêu em...không thua gì em yêu anh...”

Cận thầm công nhận chàng đã yêu Bích Anh tha thiết và đã từng thề thốt với nàng.

“Ngày đó, anh biết không ?  Khi nghe tin anh say mê một cô gái Hà Nội, bỏ cả hoạt động, cắt đứt liên lạc với tổ chức, em lồng lộn muốn vào thành tìm anh ngay. Nhưng  anh Kim đã tìm cách ngăn cản, cho người canh chừng em từng bước, vì anh ấy yêu em, biết rằng nếu để em đi, chắc chắn là mất luôn cả em.”
Cận chỉ ngó Bích Anh và vẫn im lặng. Bích Anh có giọng tha thiết :
“Sau khi mất liên lạc với anh, em bị bệnh nặng, vừa suy nhược tinh thần vừa sốt rét ngã nước, tưởng đã chết mất xác ở trong rừng. Nhờ anh Kim hết lòng săn sóc và lo lắng cho em nên em mới qua khỏi. Khi anh ấy ngỏ lời xin cưới em thì em bằng lòng ngay.  Hồi đó, em nghĩ rằng mất anh rồi thì...lấy ai cũng thế thôi...Người ta lấy em là lấy một cái xác, còn hồn em lúc nào cũng ở bên anh, dù bị anh hắt hủi.”
Ngừng một chút, Bích Anh lại nói :
“Kim hơn em những mười lăm tuổi, lại là người Tày ở vùng Cao Bằng, làm sao em có thể yêu được. Nhưng lúc đó, em không còn một chút hy vọng nào được gặp lại anh, nên cũng liều...”
Mỗi lời nói của nàng như một nhát dao chém vào tim Cận. Nỗi đau khổ của nàng càng lớn bao nhiêu thì niềm hối hận của chàng càng ray rứt bấy nhiêu.
“Anh Kim cũng biết như thế, nhưng anh ấy nghĩ rằng sự chiều chuộng, sự săn sóc tận tình của anh ấy sẽ có thể làm em quên được anh. Rồi khi nghe tin anh cưới vợ, bỏ đi Nam, em hoàn toàn tuyệt vọng. Của đáng tội, những năm sống với anh ấy cũng là những năm sung sướng.”

Cận nói :
“Thế cũng là có hạnh phúc rồi.”
Bích Anh gật đầu :
“Vâng, nếu chỉ cần chồng yêu, chồng chiều là hạnh phúc thì em có hạnh phúc với anh Kim.”
Ngừng một chút, nàng lại nói :
“Em không phải là gỗ đá, cũng không phải người vô tình. Người ta đối với mình như bát nước đầy, mình cũng phải đáp lại phần nào. Em đã tròn nghĩa vợ chồng với anh ấy.”
“Bích Anh có mấy con ?”
“Ba, nhưng anh ấy chỉ nhận có hai thôi.”
Cận trố mắt nhìn nàng :
“Thế là thế nào, tôi không hiểu.”     
“Vì...vì...đứa thứ ba anh ấy không nhận.”
Cận lắc đầu :
“Quả thật tôi vẫn không hiểu. Tại sao lại không nhận ?  Hay...”

Bích Anh bỗng phì cười :

“Anh lại nghi xấu cho em rồi. Em không phải là hạng người như vậy đâu. Với lại, người có thể đưa em vào con đường...tội lỗi thì đã bỏ em mà đi mất tăm mất tích lâu rồi.”
Ngừng một chút, Bích Anh giải thích :
“Sở dĩ anh Kim không nhận đứa thứ ba là vì anh ấy nghi là con... của anh.”
Cận dẫy nẩy :
“Con tôi ? Sao lại kỳ cục như vậy được ?”
“Đứa thứ ba em đẻ vào năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam. Năm nay cháu mới 7 tuổi và đang ở với em...Ngay giữa tháng 5 năm 75, dựa vào thế lực của chồng, em xin giấy vào Nam thăm họ hàng. Thật ra, em chẳng có họ hàng, thân thích nào ở trong Nam. Em chỉ vào để tìm anh thôi. Trước khi đi, em đã hỏi được địa chỉ của anh. Vào đến nơi em mới biết anh đã kịp chạy thoát ra nước ngoài và chị cũng mới qua đời...Tình cờ em gặp một người bạn học cũ từ thời thơ ấu, trước ở cùng phố với em, nên lắng đắng trong Saigon hơn một tháng mới về Bắc. Thấy em ở trong Nam lâu, anh Kim nghi em đã gặp anh..”
“Sao Bích Anh không nói cho anh ấy biết là tôi đã chạy ra nước ngoài ?”
“Sao lại không ! Nhưng anh ấy không tin. Rồi khi em sinh con bé Nam Ngọc, anh ấy không nhận nó là con. Có điều rất lạ là...cháu có nét giống...anh. Chính em cũng không hiểu tại sao.”
Cận lắc đầu :
“Tôi không tin là Kim nghi Bích Anh có con với tôi. Việc kiểm chứng có khó khăn gì đâu mà phải nghi bậy nghi bạ như vậy. Có thể còn có chuyện gì bí ẩn bên trong.”
Bích Anh công nhận :
“Vâng, bí ẩn đó là chính anh ấy ngoại tình. Từ lâu anh ấy lén lút đi lại với một cô cán bộ trẻ dưới quyền. Bây giờ kiếm cớ muốn bỏ em để chính thức lấy cô ta. Mới đầu em còn muốn gỡ lại danh dự bằng cách không chịu ly dị. Sau em nghĩ rằng danh dự cũng chả làm cái quái gì, tốt nhất là làm sao tìm được anh. Em hỏi dò biết anh đang ở Mỹ, em tính chuyện vượt biên. Thế là em bán đồ bán đạc, vay cào vay cấu được ít tiền, em ôm con vào Nam...Rồi bây giờ em đã mãn nguyện vì được gặp lại anh sau mấy chục năm trời xa cách. Và còn điều này đáng mừng nữa...Cả anh lẫn em đều tự do...Em muốn cho anh biết một chuyện, nhưng anh không được giận em, em mới dám nói.”

Cận dè dặt :
“Điều đó có hại gì cho tôi không ?”
“Không, chắc chắn là không hại gì đến ai, kể cả anh.”
“Vậy thì Bích Anh cứ nói.”
“Chính...chính cái tin chị đã qua đời thúc đẩy em tìm lại anh. Nếu chị còn sống, em cũng chả dại gì mà ôm con nhỏ lao đầu ra bể đâu. Anh không vượt biên nên anh không biết cái nguy hiểm của bể cả, mười phần thì chắc chết đến chín.”
Cận chợt khẽ thở dài. Chàng không ngờ Bích Anh lại liều lĩnh như vậy.
“Nhưng anh biết không ?  Lúc đó, nếu hai mẹ con em có phải làm mồi cho cá, em cũng bằng lòng vì em đã chết cho tình yêu...May là em đã tới bờ được bình an. Bây giờ nghĩ lại, em vẫn thấy sợ.”
Nói xong, nàng khẽ rùng mình. Cận gật đầu :
“Kể Bích Anh cũng liều thật. Bích Anh chết cho tình yêu đã đành, còn cháu bé chết vì sự liều lĩnh của mẹ. Bích Anh có nghĩ tới điều đó không ?”
“Em cũng có nghĩ, cháu còn nhỏ, bắt buộc em phải mang cháu theo. Nhưng Trời Phật đã thương em, không những hai mẹ con sống sót mà em còn tìm ra anh. Thế là em mãn nguyện rồi. Đó không phải là lý do em trẻ lại và yêu đời sao ?”
Câu chuyện liều lĩnh của nàng đã khiến Cận rất cảm động. Để che giấu sự cảm động đó, chàng hỏi lảng :
“Còn hai cháu lớn thì sao ?”
“Chúng nó có vợ, có chồng và con cái cả rồi.”
“Thế là Bích Anh đã lên chức bà nội, bà ngoại.”
Nàng cười :
“Thì cũng phải thôi. Tuổi anh và tuổi em nếu có cháu cũng chả sớm sủa gì.”

Cận cố lấy giọng vui đùa :
“Thì ra mình già cả rồi...Thế mà mình vẫn còn lãng mạn quá. Nghe chuyện Bích Anh, tôi cứ ngỡ tôi đang đọc một truyện tình rất lâm ly.”
Bích Anh cười :
“Truyện giữa anh và em còn lãng mạn và hấp dẫn hơn bất cứ  một tiểu thuyết tình nào khác.”
Cận nói tiếp :
“Và đang đi đến hồi kết cục.”
“Chắc là vui lắm nhỉ. Có phải người Mỹ gọi thế là ‘happy ending’ không, anh ?”
Cận gật đầu, cười :
“Chúng ta thì gọi là chuyện có...hậu.”
Bích Anh vui vẻ  nói ngay :
“Thế là anh hứa rồi nhé. Dù đã trễ, quá trễ, mà vẫn có hậu thì cũng là chuyện hay, anh nhỉ.”

Cận biết Bích Anh khéo léo buộc chàng vào, nhưng cũng không biết nên nói gì. Thật ra, trong thâm tâm, chàng cũng không khỏi cảm động trước mối chân tình của nàng. Chàng nhớ lại ngày hai người mới gặp nhau.
Hồi đó, vào đầu năm 1947, Pháp đã mở rộng vùng tạm chiếm và bộ tham mưu liên khu 3 phải rút vào một khu rừng già thuộc châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chàng yêu Bích Anh ngay khi mới gặp. Nàng có vẻ đẹp Tây phương. Đôi mắt to và nâu, lông mi dài và cong. Mũi cao dọc dừa. Miệng cười duyên dáng, quyến rũ vì một chiếc răng khểnh. Vào những buổi chiều tà, hai người thường sánh vai đi dạo trên con đường mòn ven suối. Có đêm trời sáng trăng vằng vặc họ ngồi bên nhau trên một khối thạch bàn bên bờ suối. Chàng đàn, nàng hát nho nhỏ bài “Suối mơ” của Văn Cao, chỉ đủ để hai người nghe. Mối tình của họ càng ngày càng thắm thiết và ai cũng tin rằng thế nào họ cũng sẽ tiến tới hôn nhân. Cả Cận lẫn Bích Anh cũng tin như vậy. Rồi Cận được lệnh tham dự một khóa đặc biệt về tình báo ở một bản cách xa cơ quan chính khoảng bốn chục cây số đường rừng. Khóa học kéo dài ba tháng, nhưng đến giữa tháng thứ hai chàng bị bệnh. Cơn sốt làm chàng mê man, không ăn không uống gì được. Thuốc men thiếu thốn, bác sĩ không có, các cô nữ cứu thương của bệnh xá đều bó tay. Ai cũng nghĩ rằng chàng không thể qua khỏi, thậm chí người ta đã tìm cây nhờ người Mường khoét thành một cái áo quan dành cho chàng.

 Bỗng, vào một đêm đã khuya, Bích Anh cưỡi ngựa băng rừng đến thăm chàng. Thấy nàng xuất hiện bất ngờ, mọi người đều ngạc nhiên. Khu rừng chung quanh lớp huấn luyện, về đêm, vẫn nổi tiếng có nhiều hổ. Thế mà Bích-Anh dám một mình một ngựa, tay không, đi trong đêm tối. Vừa thấy chàng trên giường bệnh, nàng bật khóc. Nàng không ngờ hai người mới chỉ xa nhau có ít ngày mà chàng trông đã thảm thương, tiều tụy đến như thế.. Nàng lấy trong túi dết ra một gói nhỏ, trao cho cô nữ cứu thương trực, dặn dò :

“Đây là thuốc sốt rét loại tốt nhất bây giờ. Gia đình tôi vừa từ Hà Nội gửi ra cho tôi. Xin cho anh ấy uống ngay, mỗi ngày ba viên.”
Rồi nàng tự tay cho Cận uống viên thuốc đầu tiên. Đến sáng, chàng đã hơi tỉnh, nhưng đôi mắt còn lờ đờ mất thần nên không nhận ra nàng. Không thể ở lại săn sóc người yêu, nàng phải trở về cơ quan lúc gần trưa. Nhờ thuốc của Bích Anh, bệnh Cận thuyên giảm nhanh chóng, dần dần chỉ còn là những cơn sốt cách nhật và ngắn.

 Khi khóa huấn luyện chấm dứt, chàng trở về cơ quan và nghỉ ngơi được một tuần. Trong thời gian nghỉ ngơi này, Cận và Bích Anh càng hiểu nhau càng yêu nhau hơn. Rồi ngày lên đường nhận công tác cũng tới. Trong giây phút chia tay, họ không ngờ mãi ngót bốn chục năm sau mới lại gặp nhau.

Cận khẽ thở dài, nói :
“Tôi vẫn đinh ninh chả bao giờ mình còn được gặp nhau nữa...Ai ngờ...”
“Em cũng nghĩ như anh...Hiệp định đình chiến mới ký kết, em đã hấp tấp vào ngay Hà Nội với hy vọng được gặp anh.  Nhưng nghe tin anh chị đã bỏ đi Nam.”
Cận hỏi đùa :
“Lúc đó, Bích Anh còn giận tôi không ?”
Bích Anh thành thật đáp :
“Giận anh thì lúc nào cũng giận...cho mãi đến lúc này...Mà yêu thì không bao giờ hết yêu...Vì thế, hồi đó, nếu có được gặp anh, em sẽ khuyên anh nên đi Nam. Anh mà ở lại thì rất nguy hiểm. Không chừng em cũng theo anh chị vào Nam luôn.”
“Lúc đó, Bích Anh đã có con chưa ?”
“Chưa. Ở ngoài hậu phương khổ lắm, không dám có con. Mãi năm 56, em mới có con đầu lòng, lúc đó em đã là giáo viên cấp 2.”
“Thì ra Bích Anh là cô giáo.”
“Mỗi lần dạy học trò tới đoạn Kiều “Tái sinh chưa dứt hương thề, Làm thân trâu, ngựa đền nghì trúc mai ” là em nhớ tới anh...Nhưng anh ơi, em chả có lỗi gì để phải làm thân trâu, ngựa...”
Cận phì cười, nói ngay :
“Kiếp sau mới phải làm trâu, ngựa, vậy kiếp này tôi làm gì ?”
Bích Anh nhìn chàng bằng đôi mắt trìu mến :
“Làm gì thì anh tự biết lấy. Nhưng em cũng xin cảnh cáo là lần này em không để anh...chạy thoát đâu. Hết đường trốn rồi, anh ạ.”
Trầm ngâm một lát, Cận nói :
“Hoàn cảnh bây giờ đã đổi khác. Chúng ta đều có con lớn...”
Bích Anh gạt đi ngay :
“Con cái không phải là trở ngại. Các cháu ở Mỹ lâu rồi, tinh thần cởi mở phóng khoáng chứ không hẹp hòi như còn ở Việt Nam.”
“Thế còn con của Bích Anh thì sao ?”
“Hai đứa nhớn ở Việt Nam không kể làm gì., con nhỏ đang ở với em, mới bảy tuổi. Cháu tên là Nam Ngọc.”
“Nam Ngọc !  Không phải tên con trai cũng không ra tên con gái.”
“Hồi cuối bảy nhăm, em đi Nam về thì có thai cháu. Em coi cháu như viên ngọc của miền Nam nên mới đặt cháu là Nam Ngọc.”
Cận cười :
“Mấy thầy cô giáo hay bày vẽ thật.  Con gái tôi là Hương vì mẹ nó là Hằng, con trai là Chương vì tôi là Cận. Chẳng cầu kỳ gì hết.”
“Ấy vì cái tên Nam Ngọc và vì cháu hao hao giống anh...”
Cận cắt ngang :
“Giống tôi ?  Bích Anh nói gì mà lạ vậy ?  Làm sao mà giống tôi được !”
“Em cũng chả biết giải thích làm sao...Có lẽ hồi có thai cháu, em nghĩ nhiều đến anh.  Bố cháu ghen ầm ĩ và không nhận cháu...”
“Càng vô lý nữa ! Bây giờ cháu ở đâu ?  Cháu có theo Bích Anh xuống đây không ?”
“Có ạ. Chỉ có hai mẹ con, đi đâu em cũng tha cháu theo.”
“Bắt cháu phải nghỉ học ?”
“Không, cháu đang nghỉ mùa đông.”
Bỗng Bích Anh nhìn đồng hồ, rồi nói :
“Gần bảy giờ rồi, em phải về để đưa cháu đi ăn.”
Cận nhìn nàng đăm đăm, dịu dàng :
“Bích Anh vẫn như ngày xưa.”
“Sao lại vẫn như ngày xưa được. Em thay đổi nhiều lắm. Hồi đó, khi gặp anh, em là một cô gái mới lớn. Bây giờ em là một bà già, có cháu nội, cháu ngoại rồi.”
“Nhưng dáng dấp, cách ăn nói của Bích Anh vẫn như ngày xưa...Vẫn duyên dáng, quyến rũ...”

Bích Anh tủm tỉm cười, nhìn người yêu bằng đôi mắt tinh nghịch hỏi :
“Anh học thói... nịnh đầm từ bao giờ thế ?”
Cận đáp một cách thản nhiên :
“Từ lúc gặp lại... em.”
Tiếng “em” chàng buông nhẹ và rất trìu mến khiến Bích Anh đỏ ửng mặt vì sung sướng, không thốt nên lời.         
Hai người im lặng nhìn nhau một lúc khá lâu, rồi Bích Anh lên tiếng trước :
“Thôi, em phải về kẻo cháu mong....”
Cận ngập ngừng :
“Em đợi anh viết cho các cháu mấy chữ, rồi anh đi với em...Anh muốn dành cả buổi tối nay cho em và cháu...”
Bích Anh hỏi lại ngay :
“Chỉ buổi tối nay thôi sao ?”
Cận nắm chặt tay nàng, tha thiết :
“Tất cả quãng đời còn lại của anh sẽ dành hết cho em...”
Bích Anh nghẹn ngào không nói nên lời, đôi mắt rưng rưng...

T Quang Khôi       

 

 


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan