Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa Sẽ Không Lớn Nổi Thành Người

Sẽ Không Lớn Nổi Thành Người

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Trong ba năm sau cùng tôi ở Sài gòn, người bạn gần gũi nhất là thằng Kim.  Hai thằng biết nhau từ thời học đệ thất (lớp 6) trường Hàm Nghi Huế và về sau là bạn cùng lớp ở trường Cao đẳng Điện học.  Bốn năm học kỹ sư, nó là con mọt sách, ngày đêm chỉ biết học và học, trong lúc tôi chuyên môn cúp cua đi dạy trường tư, nhưng vì tật ưa tán ma tán mãnh mà bạn bè nghĩ là đi chơi với đào và phong cho danh hiệu “dân chơi cầu Ba Cẳng.”  Thằng Kim tốt nghiệp thủ khoa (tôi đậu thứ nhì) và có thêm bằng Cử nhân Toán ở Đại học Khoa học Sài gòn.  Nó được giữ ở trường dạy lại, trong khi tôi đi đánh thuê lập phòng thí nghiệm và dạy ở hai phân khoa của viện Đại học Minh Đức, một đại học tư.

Khi thời hạn hoãn dịch vì lý do học vấn chấm dứt, thằng Kim nhập ngũ, vào trường Bộ binh Thủ Đức huấn luyện quân sự, và khi ra trường, được biệt phái về dạy lại.  Trong chín tháng quân trường, dù thể xác và tinh thần bị thử thách cam go, nó vẫn dành thì giờ và đầu óc làm luận án cao học.  Đêm đi trực gác nằm dưới giao thông hào, nó trùm poncho bật đèn pin làm toán.  Sáu tháng sau khi “đi lính” về, nó đậu bằng Cao học Toán.

Hai năm sau ngày ra trường, tôi về trường Điện dạy lại, làm giảng nghiệm viên trong ban Điện như thằng Kim, và có dịp biết rõ về nó hơn.  Cha mất sớm, nhà nghèo lại đông em, nó là con lớn phải giúp mẹ nuôi em ăn học.  Tôi cố gắng giúp nó có chuyện làm thêm lợi tức:  Là trưởng phòng Máy Điện của Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức, tôi giúp thiết lập chương trình giảng dạy của trường và mời thằng Kim dạy các giảng khóa sở trường của nó.  Đồng thời, một đại học tư khác là viện Đại học Vạn Hạnh mở thêm phân khoa Khoa học Ứng dụng đào tạo kỹ sư và mời tôi dạy, tôi lấy cớ bận rộn giới thiệu nó thế chỗ.  Ngoài ra, một người bạn tôi mở trường dạy luyện thi vào các trường chuyên khoa như kỹ sư, y khoa, và kiến trúc và đặt tôi viết sách toán luyện thi.  Tôi thu góp các đề thi toán đã ra trước đó, giao cho thằng Kim viết phần bài giải, và chia đôi tác quyền. 

 Cuối tháng Tư năm 1975 tôi bỏ bạn bỏ trường bỏ nước ra đi.  Tháng Sáu, thằng Kim đi “học tập cải tạo,” bị tù ba năm, và khi mãn hạn tù, được về trường Điện dạy lại.  Vài năm sau khi cuộc sống ổn định ở North Dakota, tôi liên lạc với thằng Kim và thỉnh thoảng gửi biếu nó một ít tiền.  Đều đặn như thế được ba bốn năm thì một hôm tôi nhận được thư nó mang lời lẽ khác lạ và xưng hô “tôi bạn” thay vì “mày tao” như mấy chục năm nay,

Bạn cần tăng gia nỗ lực gửi tiền về để cấp cho học bổng cho sinh viên, giúp trường mua dụng cụ, và giúp nhà nước kiến thiết quốc gia . . .

Đồng thời, hầu hết những người Việt tỵ nạn Cộng sản trên thế giới đều nhận được thư xin tiền của thân nhân và bạn bè bên nhà với giọng điệu như nhau.  Ở Hoa kỳ, tại những nơi có đông người Việt, văn phòng nhận chuyển tiền về Việt nam mọc lên, và tiệm bán hàng hóa trưng bài ba thùng đồ – thùng “A,” thùng “B,” và thùng “C” – nhận gửi về Việt nam.  Mỗi loại thùng chứa một số thuốc men và hàng hóa nhất định với giá 100 đô la, cộng thêm cước phí 20 phần trăm.  Ở Sài gòn, Việt Cộng (“VC”) cũng có những thùng đồ y hệt như thế, phát cho người nhận tại trạm nhận đồ Phạm Đăng Lưu (con đường trước là đại lộ Chi Lăng Phú Nhuận), và cho cán bộ đón ở cửa ra, mua lại thùng đồ, trả bằng tiền Hồ Chí Minh, và bưng lại vào bên trong chờ người nhận mới.

Trong một báo cáo hàng năm với WHO, Cơ quan Y tế Thế giới của Liên hiệp quốc, Hà nội muối mặt phúc trình trẻ sơ sinh Việt nam nay chỉ dài 21 phân rưỡi, ngắn đi một phân từ 22 phân rưỡi, nhục nhã thú nhận chế độ kinh tế “bao cấp” kiểu Cộng sản thất bại cùng tận khiến các bà mẹ thiếu ăn lúc mang thai.  Mặt khác, văn công Hà nội đẩy mạnh ra ngoại quốc khí cụ chính yếu của kế hoạch moi tiền “Việt kiều” (nay mang nghĩa mới nghe khá chướng tai là người Việt sống ở hải ngoại):  bài hát “Quê Hương” phổ nhạc từ bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” của Đỗ Trung Quân.  Theo lời thi sĩ, bài thơ được sáng tác để tặng con gái một người bạn vừa lên một và không hề có câu cuối như trong bài hát,

Quê hương là chùm khế ngọt

cho con trèo hái mỗi ngày

quê hương là đường đi học

con về rợp bướm vàng bay.

. . .

Quê hương mỗi người chỉ một

như là chỉ một Mẹ thôi

quê hương nếu ai không nhớ

sẽ không lớn nổi thành người.

VC ước lượng có 2.7 triệu Việt kiều, trong đó 80 phần trăm sống sung túc ở các quốc gia tự do, và xem họ là những con bò sữa béo bở tha hồ vắt ra tiền.  Với câu hát cuối, VC chỉ trỏ hăm he, “Nếu không nhớ gửi tiền về thì sẽ không lớn nổi thành người.”

* * *

Đầu năm 2005, tôi và Quỳnh Châu có việc về Việt nam và gặp lại thằng Kim trong buổi họp mặt bạn bè tại một nhà hàng ở bến tàu Sài gòn.  Nó vẫn dạy trường Điện và cho biết sáng hôm sau, Chủ Nhật, trường có buổi lễ phát học bổng cho sinh viên.  Quỳnh Châu quyết định chúng tôi sẽ dậy sớm vào trường Điện dự lễ và tặng học bổng mới cho sinh viên.


            Sau ba mươi năm xa cách, tôi bồi hồi trở lại ngôi trường thân yêu và đến địa điểm làm lễ là Giảng đường Lambert, giảng đường xưa kia tôi hay dùng dạy các cua lý thuyết.  Trên bục giảng dùng làm sân khấu, một cán bộ trạc ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi, có lẽ là “hiệu trưởng” trường, đứng điều khiển chương trình.  Không có thằng Kim hay giáo sư nào khác tham dự.  Quan khách chỉ có vợ chồng tôi và vợ chồng anh Lương, và vì vậy dù chúng tôi đến dự không báo trước, Quỳnh Châu cũng được sinh viên trao tặng một bó hoa tươi dành cho quan khách. 

Tôi biết anh Lương từ đầu thập niên 1970.  Lớn hơn tôi một con giáp, anh sinh ở miền Bắc và năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam.  Anh đậu thủ khoa kỳ thi tuyển vào trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật mà trường Điện là một phần, nhưng không học hết năm đầu vì được học bổng của chính phủ Nhật Bản sang Nhật học điện tử tại Học viện Kỹ thuật Đông Kinh, viện đại học lớn nhất của Nhật.  Tốt nghiệp tiến sĩ điện tử, anh làm chuyên viên nghiên cứu cho công ty Điện Kỹ nghệ Matsushita mà ở tây phương người ta biết đến qua thương hiệu “Panasonic” và được báo chí Nhật xếp vào 100 nhà bác học giỏi nhất nước Nhật.

Trong thời gian đi học, anh Lương quen và yêu thương cô bạn cùng trường Sachiko con một giáo sư dạy trong trường, cô cũng yêu anh thắm thiết, và hai người thề non hẹn biển sẽ nên duyên vợ chồng.  Khổ thay, Nhật là một xã hội thủ cựu, và người Nhật khư khư theo truyền thống cổ xưa, tự hào mình là dân Nippon là xứ mặt trời mọc, và không chấp nhận hôn nhân dị chủng.  Phương chi anh là dân xứ nhược tiểu đắm chìm trong chiến tranh mà trong thế chiến thứ hai Nhật có thời chiếm đóng.  Dĩ nhiên, cha cô không chấp thuận cuộc hôn nhân của hai người.

Cùng kế anh Lương mới phải nhờ ân sư Yachi đến cầu hôn.  Là người đỡ đầu luận án tiến sĩ của anh, giáo sư Yachi mến tài và yêu thương anh như con.  Với truyền thống kính trọng thể diện của người Nhật, cha Sachiko không thể từ chối lời thỉnh cầu của vị giáo sư đồng nghiệp và cũng là bạn thân của ông.  Ông chấp thuận cho hai người thành hôn nhưng, “Sau đám cưới, tôi sẽ từ Sachiko và xem như không hề sinh ra đứa con gái ngỗ nghịch.”  Thế là cô gạt lệ vĩnh biệt gia đình và đất nước theo chồng về Việt nam xây lâu đài hạnh phúc.

Về Sài gòn, anh Lương được bổ nhiệm làm giáo sư dạy ban Điện tử của Đại học Khoa học Sài gòn, nơi tôi làm luận án tiến sĩ kỹ sư nên dù anh không dạy tôi, theo tôn ty trật tự tôi gọi anh bằng “thầy.”  Tháng Tư năm 1975 miền Nam đổi chủ, anh Lương vẫn giữ chân giáo sư như cũ, nhưng cuộc sống của anh chị và hai đứa con trai trở nên khổ sở cùng cực.  Năm sau, nhờ chị Sachiko là công dân Nhật, gia đình anh về Nhật, và anh trở lại làm việc cho Matsushita trước khi được mời làm giáo sư tại Đại học Hosei ở Đông Kinh, một đại học tư nổi tiếng về hai ngành luật và chính trị học.  Công việc giảng dạy và nghiên cứu của anh thành đạt, gia đình anh hạnh phúc, và chị Sachiko theo bổn phận của đàn bà Nhật rất mực thương yêu chiều chuộng chồng và chăm lo dạy dỗ con cái.  Cho đến khi anh trở thành nạn nhân của chính sách bòn rúc Việt kiều của VC.

Anh Lương bị bọn du học sinh VC ở Nhật dụ dỗ đi quyên tiền của các trường đại học, quỹ tài chánh, và nhà hảo tâm để gửi về VIệt nam với danh nghĩa giúp các trường đại học – tương tự như lời lẽ trong thư thằng Kim.  Để chắc ăn, Hà nội chỉ định cô du học sinh Ánh Thu theo “làm việc” sát cánh với anh, và chẳng bao lâu nhà khoa học tăm tiếng bị tuổi trẻ và nhan sắc của cô mê hoặc và trở thành một thứ VC nằm vùng.  Tiếp theo, anh lìa bỏ người vợ hiền đã vì anh hy sinh gia đình và tổ quốc, đưa anh thoát khỏi địa ngục đỏ, và nuôi dạy con anh nên người, để chung sống với cô gái không đáng tuổi con anh.

Mùa hè năm 2003, anh Lương về hưu trở về Việt nam sinh sống, mua một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp, nhà có khoảnh vườn phía trước khoảng 20 mét vuông, và được chính quyền VC mời ra “vinh danh” tới tấp.  “Vinh danh” là chữ mới, đặt ra với sự kém hiểu biết về ngữ pháp, dùng chỉ việc tôn vinh “những người Việt nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và có nhiều đóng góp cho đất nước.”  Anh được trao tặng bằng khen của ủy ban nhân dân thành phố, huy chương của hội khoa học kỹ thuật, giải thưởng Vinh danh Nước Việt, v.v.  Mỗi lần vinh danh anh và mấy chục con cừu non ngây thơ ở ngoại quốc được mời về Sài gòn, VC chỉ tốn một tờ giấy làm bằng khen, nhưng thổi phồng lên thành biến cố nức lòng trọng đại để dụ hoặc Việt kiều gửi tiền về, hay mang tiền về Việt nam du lịch.

Thời kỳ vinh danh đi qua, trái chanh đã vắt hết nước, và anh Lương va chạm với sự thực phũ phàng khi anh muốn sửa nhà để sân trước có hòn non bộ và chiếc cầu nhỏ bắc ngang tương tự như nhà Nhật Bản.  Trong một lần đi lãnh bằng khen, anh đã đề cập chuyện này với cán bộ chóp bu của thành phố và được ông ta ừ à qua loa.  Tưởng thế là yên chuyện, anh đi mua một đống vật liệu gỗ đá chở về nhà và gọi thợ đến xây.  Không ngờ, công an phường đến hỏi giấy phép xây cất.  Không có.  Anh nói gì thì nói, công an sai người dỡ xuống và phạt tiền rất nặng.  Như từ trên trời rớt xuống đất, anh đau như hoạn mà không biết than van với ai nên viết thư kể công và phàn nàn gửi tới các báo.  Lời kêu ca của anh chẳng khác gì tiếng kêu trong sa mạc, không ai đoái hoài tới, ngoài một người bạn tôi; anh bạn đó scan bài báo và post lên mạng cho thiên hạ xem chơi.

* * *

Trong căn văn phòng nhỏ là một phần của phòng Học vụ ngày xưa, Quỳnh Châu làm thủ tục tặng mười học bổng, mỗi học bổng 100 đô la, cho sinh viên trường Điện.  Chúng tôi định dùng khoản tiền đó đi xem Hà nội và vịnh Hạ Long, nhưng đêm qua quyết định không đi.  Trong lúc chờ nàng, tôi miễn cưỡng nói chuyện với vợ chồng anh Lương.  Vị cựu giáo sư 70 tuổi nhắc đi nhắc lại thành tích đậu đầu vào trường Công nghệ gần nửa thế kỷ trước – và chỉ có thế.  Ánh Thu vợ anh chưa tới tứ tuần, dáng người hơi đẫy đà, và ăn nói hỗn hào trịch thượng khiến tôi bực bội.  Dù nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi, chị ta nói gần như ra lệnh,

            “Anh gọi anh Lương bằng ‘thầy’ thì theo đúng phép tắc phải gọi tôi bằng ‘cô.’”

            “Dạ chị nói đúng, vợ thầy thì phải gọi bằng ‘cô.’  Nhưng tôi đã có cô Sachiko rồi, sorry!”

 Tôi không mong muốn gặp lại anh Lương.  Vì nghĩ tới anh, tôi muốn đổi “quê hương” trong câu áp chót của bài hát “Quê Hương” thành ra “ân tình kia,”

ân tình kia nếu ai không nhớ

sẽ không lớn nổi thành người.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                            Ngày 17 tháng Tám, 2022

***

Tôi Viết Báo

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Tháng Bảy, Bắc Mỹ vào giữa mùa hè, tôi được cử đi cuộc dự hội thảo về một chương trình điện toán tinh vi gọi là Mô hình Hệ thống Điện (viết tắt là PSS/E) dùng để khảo sát các hệ thống điện lớn.  Công ty cố vấn tạo lập PSS/E cấp môn bài thương mại cho các công ty điện lực sử dụng và hàng năm tổ chức cuộc họp mặt để người sử dụng và chuyên viên viết PSS/E trao đổi ý kiến với nhau.  Năm nay (1985), cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày tại khách sạn Holiday Inn gần phi trường Quốc tế Pearson ở ngoại ô Toronto, Gia Nã Đại.

Vài năm trước, có lần tôi tình cờ đi qua Gia Nã Đại khi đi thăm vườn Hòa bình Quốc tế nằm giữa biên giới Hoa kỳ - Gia Nã Đại, gặp một nhóm người Việt tỵ nạn định cư ở Brandon thuộc tỉnh Manitoba, và ham vui đi theo họ sang Brandon ăn nhậu và ngủ lại một đêm.  Việc đi lại giữa hai nước rất dễ dàng.  Đến biên giới, dù bằng đường bộ hay đường hàng không, du khách chỉ cần xuất trình bằng lái xe hay giấy khai sinh để chứng tỏ mình cư ngụ ở Hoa kỳ hay Gia Nã Đại.  Nhưng du khách vào Gia Nã Đại thường bị hỏi là có mang theo rượu và thuốc lá trên mức cho phép hay không.  Gia Nã Đại đánh thuế rất cao vào hai món này, gọi là “sin tax” tức là thuế đánh vào các món hàng “tội lỗi,” và sự chênh lệch giá cả đáng kể giữa hai nước khiến bọn con buôn mang lén từ Hoa kỳ sang bán lấy lời. 

Toronto mùa hè đẹp yên bình, người ta trồng và trưng bài hoa khắp nơi, và dân chúng thì hiền hòa thân thiện.  Vào phòng hội khách sạn dùng làm nơi hội thảo, tôi ngạc nhiên khi gặp anh Phương đại diện cho hãng Houston Lighting & Power cung cấp điện độc quyền cho vùng đô thị Houston thuộc tiểu bang Texas; đây là lần đầu tiên tôi gặp người đồng hương trong một hội nghị về điện.  Trông lớn hơn tôi vài ba tuổi, dáng người nhỏ bé, anh rụt rè không bắt chuyện với ai, trong khi tôi ba hoa với mấy người bạn Mỹ quen biết.  Cả ngày hôm đó, anh cắm cúi ghi chép và không phát biểu lời nào, nhưng tôi bị lôi cuốn vào cuộc bàn cãi về phương pháp giải mạch điện của PSS/E.  Đến cuối ngày, tôi mới có dịp hỏi thăm anh,

            “Anh học kỹ sư ở đâu và có về Việt nam làm việc không?”

            “Tôi du học Tân Tây Lan rồi về nước làm cho Điện lực Việt nam hơn ba năm.  Năm 1975 mất nước, gia đình tôi di tản bằng xà lan và tàu Hải quân Mỹ và ban đầu định cư ở Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma.  Tôi về Houston làm cho công ty điện lực hiện tại được ba năm nay,” anh có vẻ bằng lòng với công việc.

            “Anh đã có cháu nào chưa?” tôi thấy tay trái anh đeo nhẫn.

“Tôi lập gia đình với cô bạn quen thân hồi Sài gòn, mất tin nhau khi hai gia đình thoát ra khỏi nước riêng rẽ, liên lạc lại được khi ở trong trại tỵ nạn, và cuối cùng tái ngộ ở Oklahoma.  Chúng tôi có một cháu trai lên ba.”

Tôi và anh Phương ngồi ở lobby (căn phòng lớn dùng làm phòng khách của khách sạn), anh đợi bà con đến đón về nhà thăm viếng, và tôi chờ đến giờ hẹn ăn tối với mấy người bạn Mỹ.  Một thanh niên có lẽ nhỏ hơn tôi một hay hai tuổi, thân hình vạm vỡ, dáng đi mạnh dạn, và vẻ mặt nhân hậu bước vào nháo nhác nhìn quanh.  Anh Phương đứng dậy chào và giới thiệu,

            “Anh Ba Hoa bên Mỹ sang đây họp như tôi, còn đây là anh Hiền anh chú bác của vợ tôi.  Anh Hiền trước là Không quân và năm 1979 vượt biên tới Gia Nã Đại.”

            “Cả nhà đang nóng lòng coi mặt dượng.  Phải giỏi giắn lắm mới lọt vô được mắt xanh kén chọn của cô em nhà chú tui!” Hiền cười với anh Phương rồi quay sang tôi, “Tui nghe tiếng anh lâu rồi!  Anh Bảo nói tới anh luôn; ảnh nói hồi đi học anh học giỏi không ai bằng, mà ba gai chỉ thua Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký.”

Thuở học trường kỹ sư, tôi và Bảo chơi với nhau rất thân.  Bảo học công chánh, tôi học điện, và năm đầu hai thằng học chung các lớp khoa học cơ bản.  Tôi ở trọ nhà người bà con của Bảo, nhà ở trong một ngõ hẻm ngắn, và ngôi nhà đồ sộ của Bảo nằm ngay đầu hẻm ngoài đường.  Buổi sáng, Bảo đứng trên sân thượng nhà chàng khum hai bàn tay làm loa gọi tôi dậy rồi lấy xe Lambretta chở tôi đi ăn sáng ở tiệm phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ trước khi hai thằng cùng nhau đến trường.  Ông cụ Bảo là bác Vân, một nhà giáo đức độ và nhà soạn sách giáo khoa nổi tiếng, xem tôi như người trong nhà.  Mỗi dịp giỗ tết, bác đều gọi tôi đến dự, ngay cả sau khi Bảo tốt nghiệp, đi du học Nhật Bản, và học cao học ở Học viện Kỹ thuật Đông Kinh là viện đại học lớn nhất của Nhật.

Trong thời gian đi du học, Bảo nghỉ hè về Việt nam thăm nhà và thành hôn với Hạnh Tuyết, đám cưới tôi làm phù rể, và sau đó nàng theo chồng sang Nhật.  Sau tháng Tư năm 1975, vợ chồng Bảo xin nhập cư Gia Nã Đại và đến Toronto đoàn tụ với hai bác Vân và anh chị em trong gia đình.  Từ đó, tôi hầu như viết thư hàng tuần cho Bảo và bác Vân.

Tôi hỏi Hiền,

            “Hiền hay gặp Bảo lắm hay sao?”

            “Đúng vậy.  Nhóm bạn trẻ chống Cộng ở Toronto tụi tui ấn hành nguyệt san Xxxx Việt, một tạp chí đấu tranh văn học nghệ thuật, và dùng tờ báo làm phương tiện hoạt động cộng đồng.  Anh Bảo làm chủ nhiệm lo giao dịch bên ngoài; tui lo phần trị sự, bao thầu mọi chuyện lớn nhỏ trong tòa soạn,” Hiền hãnh diện.

            “Bảo hăng say hoạt động từ thời sinh viên ở Việt nam, sang Nhật cũng vậy, và giờ tiếp tục chí hướng ở Gia Nã Đại,” tôi thán phục bạn mình.

            “Tối nay anh Bảo bận công chuyện cho tờ báo nên chưa gặp anh được.  Tứ hải giai huynh đệ, tiện đây mời anh tới nhà tui dùng cơm cho tui được tiếp đãi khách phương xa.”

Sự niềm nở của người bạn mới gặp khiến tôi cảm động, nhưng nén lòng tham ăn từ chối,

            “Cám ơn Hiền, tối nay tôi có việc quan trọng phải làm.  Hẹn một dịp khác.”

            “Không sao đâu anh Ba Hoa.  Có duyên sẽ gặp lại, không nên miễn cưỡng,” Hiền cười hiền khô.

Tôi không nhận lời ăn cơm khách nhà Hiền vì sau khi ăn cơm tối với bạn Mỹ, tôi cần về phòng khách sạn gọi điện thoại cho Quỳnh Châu.  Không những mỗi đêm đi công tác xa tôi đều gọi cho nàng và bé Mạc, Mạc đợi nói chuyện với tôi rồi mới đi ngủ, mà hôm nay là kỷ niệm 20 năm ngày tôi gặp nàng lần đầu, thuở nàng là cô bé ngây thơ 13 tuổi như trong thơ Nguyên Sa,

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?

Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba.

Tôi đã đặt hàng hoa giao đến tận nhà tặng nàng bó hồng nhung, loại hoa nàng ưa thích.  Nhưng lời cảm kích từ miệng tôi thì không thể thiếu.

* * *

Sáng ngày họp thứ hai, hầu hết mọi người đều trả phòng khách sạn và mang hành lý vào phòng hội để khi cuộc hội thảo gần kết thúc hay kết thúc, sẽ lật đật chạy ra phi trường bay về nhà.  Tôi ở lại thêm một đêm, vì nếu rời Toronto chiều hôm ấy, dừng lại hai nơi, và qua ba chặng đường bay, không thể về đến nhà cùng ngày mà phải ngủ đêm dọc đường.  Buổi chiều đi làm về, Bảo lái xe đến đón tôi tới nhà Bảo thăm hai bác Vân rồi cùng với Hạnh Tuyết đưa tôi đi ăn tối ở tiệm Tam Ngư trên đường Spadina ở phố Tàu Toronto.  Chúng tôi nói chuyện vui như pháo tết, lâu lắm tôi mới thấy lòng mình thanh thản như thế.  Đợi ăn tráng miệng xong, Bảo nghiêm nghị cho tôi biết,

            “Thằng Kiệt bị ung thư gan vừa mất ở Montréal, để lại chị Hà và hai cô con gái nhỏ.  Tôi gửi vòng hoa điếu tang và ghi thêm tên ông.”

            “’Kiệt Cổ’ học cùng lớp công chánh với Bảo ấy à?  Từ ngày tôi quen với Bảo, lúc nào cũng thấy nó kè kè sau lưng Bảo như cái đuôi.  Bảo làm gì nó cũng làm y hệt như thế, và ngay cả việc đi du học Nhật Bản và sang Gia Nã Đại định cư nó cũng copy nguyên con.  Sao mấy năm gần đây tôi ít nghe Bảo nói đến nó?”

            “Một thời gian sau khi đến Nhật, tôi và nó dần dần xa nhau,” Bảo xúc động nhớ lại người bạn vừa qua đời.

Như gia đình Bảo, năm 1954 gia đình Kiệt từ ngoài Bắc di cư vào Nam.  Bác Vân theo đuổi nghiệp nhà giáo, và ông cụ Kiệt làm công chức lên đến chánh sự vụ một sở của bộ Thông tin thời Đệ nhất Cộng hòa.  Năm 1960, vừa nghe tin Đại tá Nguyễn Chánh Thi đứng lên đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm, ông vui mừng gỡ tấm hình ông Diệm treo trên tường xuống.  Cuộc đảo chánh thất bại, ông bị thất sủng và chỉ được giao các công tác vặt vãnh như đi treo cờ và giăng biểu ngữ ca ngợi chính sách của Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) ngoài đường phố.

Kiệt có người anh lớn tên Triệu.  Triệu học giỏi và đậu vào trường Đại học Sư phạm, nhưng lại thân Cộng, chuyên đi biểu tình chống chính phủ, và ban đêm cùng đồng bọn đi gỡ biểu ngữ xuống để phá rối.  “Ban ngày cha giăng lên, ban đêm con gỡ xuống.  Cha làm thầy, con đốt sách,” tôi hay cười mỉa Kiệt.  Tết Mậu Thân (1968), Triệu theo Việt Cộng ra bưng rồi bị quân VNCH đi tảo thanh bắn chết.  Gia đình Kiệt oán hận VNCH từ đó.

Bảo và Kiệt cùng sang Nhật du học.  Đông Kinh đầy dẫy bọn sinh viên ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản, chúng múa gậy vườn hoang tuyên truyền nịnh bợ cho Việt Cộng mà chính phủ Nhật cố tình làm ngơ.  Bảo tổ chức nhóm sinh viên chống Cộng, đi biểu tình, ra bản tin liên lạc, và hợp tác với Tòa Đại sứ VNCH để phản công lũ Việt Cộng nằm vùng.  Kiệt đâm ra xốn xang bất mãn, bắt đầu rời xa Bảo, và không còn nấp bóng dưới nách bạn như trước.  Chơ vơ lạc lõng, Kiệt rơi vào vòng tay êm ái của chị Hà.  Chị là con một của một gia đình giàu có ở Sài gòn, sang Nhật học cắm hoa đã gần 10 năm, và đang nóng lòng chờ duyên.  Chị lớn hơn Kiệt ít nhất là một con giáp,

Nghe kể đến đây, tôi cười xều xào nói với Hạnh Tuyết vợ Bảo,

            “Nghe tin cuộc tao ngộ đôi đũa lệch đó, tôi tức cảnh sinh tình đặt cho nó cái tên Kiệt Cổ, tức là Kiệt chuộng đồ cổ.  Nó xa quê hương nhớ mẹ hiền, níu áo chị Hà cho đỡ nhớ mẹ già như chuối bà hương!”

            “Ông Ba Hoa này thật khéo ví von!” Bảo cười khà rồi quay sang nói với vợ, “Phần còn lại thì em biết rồi, mình đã dự đám cưới thằng Kiệt ở Đông Kinh.  Theo ca dao thì nó là kẻ may mắn,

Có phúc lấy được vợ già,

Sạch cửa, sạch nhà lại ngọt cơm canh.

Tối hôm đó, trước khi chia tay, Bảo hẹn hôm sau đến ăn sáng với tôi ở khách sạn rồi đưa tôi ra phi trường; tôi sẽ rời Toronto bằng chuyến bay 11 giờ sáng.  Cuối bữa ăn sáng, Bảo lấy ra mấy số báo Xxxx Việt đã phát hành đưa cho tôi,

            “Ông có tài viết hơn tôi.  Ngày đi học, ông từng làm báo sinh viên; lúc đi dạy, ông viết cua (bài giảng) viết sách; và lúc đi làm, ông viết bài khảo cứu.  Chúng tôi đơn độc và cần thêm những bàn tay góp lửa đấu tranh.  Ông là bạn tôi, ông phải viết cho tờ báo.”

Trên đường về, trong thời gian chờ đợi ở phi trường và ngồi trên máy bay, tôi viết một bài ngắn gồm một số câu đố vui khoa học kèm theo lời phi lộ,

Nhân dịp ghé thăm Toronto vì công việc, tôi gặp lại bạn thân là Yyyy Bảo, chủ nhiệm báo Xxxx Việt.  Hơn mười năm nay mới gặp lại nhau, vui mừng kể sao cho xiết.  Sau những giờ phút hàn huyên tâm sự, Bảo đề nghị tôi viết bài cho Xxxx Việt.  Trong lúc vui mừng tràn ngập, một phần vì nể bạn, tôi hứng chí nhận lời.  . . .

Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, đành đem mớ kiến thức học hỏi được trong mấy mươi năm qua để độc giả Xxxx Việt mua vui chốc lát.  . . .

 Về đến nhà, tôi gửi ngay bài viết cho Bảo.  Chàng vẽ hình cho câu đố vui, chạy vào số Xxxx Việt sớm nhất, và đặt tên và khai trương một mục mới:  “Đố Vui Để Chọc” do Ba Hoa phụ trách.  Có lẽ Bảo lấy ý từ chương trình truyền hình “Đố Vui Để Học” do trung tâm Học liệu bộ Quốc gia Giáo dục thực hiện và phát hình hàng tuần cuối thập niên 1960.

Thế là tôi bước vào nghiệp viết báo.  Hãnh diện đóng góp vào tiếng nói người Việt chống Cộng ở hải ngoại.  Cho đến mười năm sau, khi Xxxx Việt đình bản.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                      Ngày 24 tháng Tám, 2022


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan