MINH DI: PHÊ BÌNH LICH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM (5)

 TẠP CHÍ DÂN VĂN

DANVAN MAGAZINE

Email: danvanmagazin@gmail.com

BẢN TIN CỦA TẠP CHÍ DÂN VĂN

(XIN TIẾP TAY PHỔ BIẾN THẬT RỘNG RÃI - CHÂN THÀNH CẢM TẠ.)

(Bài này đã được TCDV đăng tải lần thứ 1, ngày 21.11.2011, lần 2, ngày  17.09.2014, lần 3, ngày 11.12.2022, theo yêu cầu của nhiều độc giả.)

 Nhờ anh KHA TIỆM LY chuyển bài PHÊ BÌNH này đến các tờ báo trong nước, và qúy Văn Hữu tại Quốc Nội. Đây là một bài viết về lãnh vực VĂN HỌC - HỌC THUẬT, chắc không là điều “cấm kỵ” trong nước? (TCDV).

-------------------------------------------------

Kính thưa quí Độc giả các Diễn Đàn,

Từ hơn 32 năm nay, TCDV chủ trương và cổ võ việc phê bình văn học, học thuật, vì một cuốn sách “viết sai, dịch sai” sẽ di hại các thế hệ sau. Văn phong phê bình là của người viết, TCDV tôn trọng người phê bình và người “bị” phê bình, mong rằng người bị phê bình có óc cầu tiến và phục thiện để sửa chữa các “sai sót” khi tái bản tác phẩm...

Vừa nghỉ hè tại Tây Ban Nha trở về, chúng tôi nhận được bài phê bình thứ 4 này của Anh Minh Di (Châu Úc), xin gởi lên các Diễn Đàn.

TCDV cũng sẵn sàng đăng tải các “phản bác” của người “bị” phê bình.

Hôm nay, một điều thú vị, người “bị” phê bình là một tu sĩ Phật Giáo đã hoàn tục.

Bài phê bình này dài khoảng 54 trang DIN A4, để các Diễn đàn đăng được trọn vẹn, nên TCDV chia ra thành nhiều kỳ.

Như thường lệ, quý vị nào cần ngay cả bài, xin liên lạc với TCDV, chúng tôi sẽ gởi đến hầu Quý vị.

Trân trọng,

Germany, 21.11.2011, lần thứ 1, đăng lần thứ 2, 17.9.2014, đăng lần thứ 3, ngày 11.12.2022, theo yêu cầu của nhiều độc giả.

-       Chủ Nhiệm TCDV,

-       Điều Hợp Viên DĐ Ngôn-Ngữ-Việt.

Lý Trung Tín

--------------------------------------------------------

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam. Phê bình (5).

01 – 54 (58).

Tới bài Phê bình thứ 4 này tôi phê bình tập 3 của bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát.

(KỲ 1)

Khi phê bình tới Tập 3 thì điều này không có nghĩa rằng những sai lầm trong Tập 2, và cả Tập 1, đã được nêu ra hết, không còn gì để nói! Lấy vài thí dụ:

Ở Tập 2 (trang 236), Lê Mạnh Thát viết:

        “Về huyện An Thuận, Nguyên Hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 15a1-3 mô tả: “Huyện vốn là huyện đất Cư Phong đời Hán. Nhà Ngô đổi là Di Phong, lại chia đặt thêm huyện Thường Lạc thuộc quận Cửu Chân. Tùy Khai Hoàng năm thứ 10 (590) đổi làm hyện Ái Châu, năm thứ 16 (596) đổi làm huyện An Thuận. Hoàng triều nhân theo”.

Về huyện An Thuận ở đoạn trên, Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí chép như sau:

- An Thuận huyện. Hạ. Tây bắc chí Châu cửu lý.

Bản Hán Cư Phong huyện địa, Ngô cải vi Di Phong, hựu phân trí Thường Lạc huyện - thuộc Cửu Chân Quận. Tùy Khai Hoàng thập niên cải thuộc Ái Châu, thập lục niên cải vi An Thuận huyện. Hoàng triều nhân chi.

        /  Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí. Qu. XXXVIII. Lãnh Nam đạo 5. An Nam  /.

- Huyện An Thuận. Cấp Hạ. Châu trị ở phía Tây bắc 9 dặm.

Vốn là đất của huyện Cư Phong đời Hán, Ngô triều đổi tên là huyện Di Phong, lại phân một phần (của huyện Di Phong) lập huyện Thường Lạc - thuộc Quận Cửu Chân. Vào năm thứ 10 Niên hiệu Khai Hoàng Tùy triều đổi lại, cho thuộc Ái Châu, tới năm thứ 16 đổi thành huyện An Thuận. Hoàng triều (của ta) giữ y như vậy.

[Phụ chú. Thời Đường phân Huyện ra 7 cấp: Xích, Điện, Vọng, Khẩn, Thượng, Trung, Hạ.

Xích huyện là huyện trực thuộc Kinh đô. Điện huyện là những Thành ấp ở kế bên Kinh đô.

Còn các cấp Vọng, Khẩn, Thượng, Trung, Hạ thì tùy dân số nhiều, ít, đất đai tốt xấu, mà phân đẳng cấp.

Tham khảo: Thông Điển. Qu. XXXIII. Chức quan 15. Châu Quận - Hạ. Huyện lệnh.

                    Văn Hiến Thông Khảo. Qu. LXIII. Chức quan 17].

Ta thấy, huyện Thường Lạc tới năm thứ 16 Niên hiệu Khai Hoàng Tùy triều đổi lại, cho thuộc địa hạt Ái Châu, nhưng Lê Mạnh Thát dịch sai là “đổi làm huyện Ái Châu”.

Cần nói thêm: Quận Cửu Chân tức Ái Châu, cả 2 chỉ là một, chỉ đổi tên thôi! Nói rõ hơn ở đây chỉ là đổi danh xưng Quận thành Châu về mặt Hành chánh mà thôi.

Cũng về Địa lý Hành chánh, Lê Mạnh Thát viết:

        “Cũng Nguyên Hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 15a8-9 và 15b2 cho biết: “Huyện vốn là đất huyện Cư Phong đời Hán. Nhà Tấn chia đặt Tân Ngô. Tùy Khai Hoàng năm thứ 10 (590) cắt đất huyện Nhật Nam thuộc Ái Châu. Hoàng triều nhân theo. Biển ở phía đông của huyện 70 dặm”.

(LSPGVN Tập 2, cuối trang 235 đầu trang 236).

Nguyên văn đoạn trên của Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí như sau:

- Nhật Nam huyện. Hạ. Bắc chí Châu tam thập lí.

Bản Hán Cư Phong huyện địa, Tấn phân trí Tân Ngô huyện, Tùy Khai Hoàng thập niên tích trí Nhật Nam huyện, thuộc Ái Châu, hoàng triều nhân chi.

Tạc Sơn tại huyện Bắc nhất bách tam thập lí. Tích Mã Viện chinh Lâm Ấp trở phong ba nãi tạc thử sơn loan vi thông đạo, nhân dĩ vi danh.

Hải, tại huyện Đông thất thập lí.

        /Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí. Qu. XXXVIII. Lãnh Nam đạo 5. An Nam  /.

- Huyện Nhật Nam. Cấp Hạ. Châu trị ở phía Bắc huyện 30 dặm.

Vốn là huyện địa Cư Phong đời Hán, Tấn triều phân ra lập huyện Tân Ngô; năm thứ 10 Niên hiệu Khai Hoàng Tùy triều phân lập huyện Nhật Nam, thuộc Ái Châu, Hoàng triều (của ta) giữ y như vậy.

Tạc sơn ở phía Bắc huyện 130 dặm. Xưa Mã Viện đi đánh nước Lâm Ấp, gặp sóng gió trở ngại nên đục núi ở vịnh biển làm đường lưu thông, nhân đó mà đặt tên là Tạc Sơn.

Biển ở phía Đông huyện 70 dặm.

Nguyên tắc trích dẫn: - Nếu lược bỏ một câu, hay nhiều câu của một đoạn trích dẫn thì những gì lược bỏ phải được chấm, chấm……

Thế nhưng, đối chiếu Nguyên tác và đoạn trích dẫn trên đây của Lê Mạnh Thát ta thấy giữa câu “hoàng triều nhân chi” và câu “Hải tại huyện Đông thất thập lí” của nguyên tác có 2 câu “Tạc sơn…… nhân dĩ vi danh- Lê Mạnh Thát đã lược bỏ 2 Câu sau này mà không chấm chấm…… Đoạn Lê Mạnh Thát lược bỏ tôi dịch và gạch bên dưới.

Trích dẫn như trên sẽ làm người đọc không có tài liệu Lê Mạnh Thát sử dụng nghĩ rằng các câu văn nằm liền nhau.

Tóm lại, cả 2 đoạn trích dẫn trên đây của Lê Mạnh Thát nếu không sai vì dịch sai cũng không thông căn bản về nguyên tắc trích dẫn (phương pháp làm việc).

Sau hết, sau Bài này tôi tạm thời quyết định trong thời gian tới sẽ không phí thời giờ để phê bình một cuốn sách có quá nhiều sai lầm như bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam.

Trước khi chép lại vào CD tôi đã duyệt lại những Bài phê bình trước đây, coi có những chỗ nào sơ sót, lầm lẫn hay không.

Và tôi đã tìm ra 2 chỗ:

(1). Lầm lẫn. Lầm lẫn về Tọa độ của địa danh Tỉ Ảnh (Tỉ Cảnh).

Bài Phê bình 1 ghi Tọa độ của Tỉ Ảnh:

Kinh độ 106o 25’.

Vĩ độ 17o 46’.

Bài Phê bình 3 ghi:

Kinh độ 106o 34’.

Vĩ độ 17o 40’.

Tức về Kinh độ sai số giữa 2 bài là 9’, và về Vĩ độ6’.

Tới đây tôi cẩn thận đo lại thì con số chính xác về Tọa độ của Tỉ Ảnh là:

Kinh độ 106o 26’.

Vĩ độ 17o 42’.

Khổng Tử chỉ nói có cái tai, chỉ nói “nhĩ thuận” - nhưng tai tôi lại “nghễnh ngãng- mà không nói con mắt, mắt già “ngờ nghệch”, có cái thước đo ngang rồi lại đo dọc, và li và phần mấy li chia tới chia lui, bên đây lệch một chút, bên kia lạc một ít…… mà sai!

Xin điều chỉnh lại cho đúng. 

Bản đồ Lịch sử tôi sử dụng ở đây là:

~ Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. (Đệ nhị Sách) Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ.

Tây Hán thời kỳ. Bản đồ 35 – 36: Giao Chỉ Thích Sử Bộ.

Bản đồ có tỉ lệ 1 / 4,900,000.

Mỗi ô vuông trên Bản đồ có cạnh là 44 mm, mỗi ô = 2o.  

Tỉ Ảnh nằm trong khoảng Kinh độ 106o đến 108o. Vĩ độ 16o đến 18o.

Kinh độ của Tỉ Ảnh từ 106o đo từ Tây qua Đông được 9.5 mm.

Vĩ độ của Tỉ Ảnh từ 16o từ Nam lên Bắc đo được 37.5 mm - tức từ Bắc đo xuống Nam là 6.5 mm, tức 15.5 mm đo từ Vĩ độ 17o (ở giữa ô) Nam lên Bắc tới vị trí Tỉ Ảnh.

Ngoài ra, cũng trong Tập Bản Đồ Lịch sử kể trên, địa danh Tỉ Ảnh cũng được ghi trong Bản đồ thời kỳ Đông Hán, Bản đồ 63 – 64: Giao Châu Thích Sử Bộ.

Tiện đây tôi xin giới thiệu Bộ “Bản đồ Lịch sử” nêu trên. Đây là một Bộ Bản đồ Lịch sử giá trị liên quan Cổ sử Việt Nam.

Bộ Bản đồ Lịch sử này gồm 8 Tập:

(1). Nguyên thủy xã hội. Hạ. Thương. Chu. Xuân Thu. Chiến Quốc thời kỳ.

(2). Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ.

(3). Tam Quốc. Tây Tấn thời kỳ.

(4). Đông Tấn Thập Lục Quốc. Nam Bắc Triều thời kỳ.

(5). Tùy. Đường. Ngũ Đại thời kỳ.

(6). Tống. Liêu. Kim thời kỳ.

(7). Nguyên. Minh thời kỳ.

(8). Thanh thời kỳ.

Bộ Bản đồ này được vẽ theo kỹ thuật vẽ Bản đồ ngày nay, nghĩa là có Tỷ lệ xích, và có Kinh độ, Vĩ độ.

Xuất bản lần đầu tiên (Sơ bản) năm 1982, năm 1996 in lần thứ 3. Tôi có cả 2 Ấn bản.

Có 2 loại Ấn bản, Bản bìa mỏng (Bình trang Bản) và Bản bìa cứng (Tinh trang Bản).

Chúng ta lệ thuộc Trung Quốc từ năm 111 trước Tây lịch đến năm 938 Tây lịch, tức từ khoảng giữa thời Tây Hán (206 tr. Cn - 25 Cn) đến giữa thời Ngũ Đại (907 - 960).

Trong khoảng 1049 năm lệ thuộc này Địa lý Hành chánh của ta tức Địa lý Hành chánh của Trung Quốc, những kiến thức về Địa lý cổ của ta được vẽ lại rõ trong 4 Tập bản đồ từ Tập (2) đến Tập (5) trên đây.

Nghiên cứu Địa lý và Lịch sử cổ Việt Nam thì đây là Bộ Bản đồ không thể thiếu.

Cách đây mấy năm, có một ông bên Pháp viết về biên giới Việt Nam và Trung Quốc cổ khi nói về Động Như Tích thời Triệu Tống (960 - 1279), vì không thông Địa lý cổ, ông ta viết rằng “địa vực của Như Tích không thể xác định cụ thể”.

Căn cứ Bản đồ Lịch sử thời Tống (Tập 6), tôi chỉ rõ ra vị trí của Động Như Tích với cả Kinh độ lẫn Vĩ độ thì ông ta vặn vẹo hỏi rằng Tọa độ của Như Tích tôi lấy ở đâu ra?

Thiệt tức cười, những người nghĩ một cách tự mãn rằng kiến thức của mình đã đầy cho nên những gì mình không biết thì cho rằng không ai biết hết!

Những người như kể trên tôi thấy, và tôi nghĩ nhiều người cũng thấy, rất nhiều trên các Diễn đàn.  

(2). Sơ sót. Dịch thiếu.

Trong bài Phê bình 3, phần [Phụ chú] (trang 16, 17) về Luật sư Trí Hoằng, khi trích dẫn đoạn “Đại Đường Tây Vực Ký” tự thuật về Thế Thân (Vasubandhu) Bồ Tát tôi đã sơ ý không dịch câu đầu của đoạn trích dẫn:

- Vô Trước giảng đường cố cơ Tây bắc tứ thập dư lí chí cố Già lam, Bắc lâm Cắng Già hà, trung hữu chuyên Toát đổ ba cao bách dư xích, Thế Thân Bồ Tát sơ phát Đại Thừa tâm xứ.

Thế Thân Bồ Tát tự Bắc Ấn Độ chí ư thử dã……

- (Từ) nền cũ của giảng đường của Vô Trước, theo hướng Tây bắc, đi hơn 40 dặm thì đến một ngôi Chùa cổ, mặt Bắc Chùa day ra Sông Hằng, bên trong (tường rào) Chùa có Tháp miếu, xây bằng gạch cao hơn 100 thước, đây là nơi Bồ Tát Thế Thân mới bắt đầu phát tâm Đại Thừa.

Lúc Bồ Tát Thế Thân từ Bắc Ấn Độ tới đây……

 

Xin bổ túc đoạn dịch thiếu dẫn trên.

Sau cùng:

+ Ngày 27 / 2, năm 2006, bạn thân tôi, anh Lê Hòa Huyền Thanh Lữ (không còn nữa) gởi cho tôi một Bài viết 14 trang của Lê Mạnh Thát nói về bài thơ “Thiệu Long Tự” của Thẩm Thuyên Kỳ (? - ?) đời Đường.

Sau đó tôi viết bài “Chỉ Một Phần Của Một Bài Viết”, phê bình bài viết 14 trang kể trên của Lê Mạnh Thát.

Sau này, khi mượn được Bộ LSPGVN tôi mới hay Bài viết nói trên của Lê Mạnh Thát là một phần (từ trang 201 đến trang 217) trong Tập 2 của Bộ LSPGVN, được trích ra làm một bài viết riêng.

Và như vậy Bài phê bình năm 2006 nói trên của tôi chính là Bài phê bình đầu tiên trong loạt bài Phê bình Bộ LSPGVN. Và bài này đây là Bài thứ 5.

                                                                           #

Bài này phê bình một phần trong Tập 3 của bộ “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam”.

Phần này Lê Mạnh Thát tự thuật về cuộc chiến giữa Lý triều (1009 - 1215) Việt Nam và triều Bắc Tống (960 - 1127) bên Trung Quốc, vào cuối năm 1075 (năm Ất Mão), và đầu năm 1076 (năm Bính Thìn), rồi sau đó là vào cuối năm vừa kể.

Tài liệu chủ yếu Lê Mạnh Thát sử dụng để viết Phần này là bộ Sử thư hết sức trứ danh chép về thời kỳ Bắc Tống, bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, của Sử học gia Lý Đáo (1115 - 1184) triều Nam Tống (1127 - 1279).

Có điều, ở đây người ta vẫn thấy cái “thông lệ” của ông Lê Mạnh Thát khi trích dẫn các tài liệu, Sử liệu Hán văn! “Thông lệ” này là trong hầu hết các trường hợp trưng dẫn ông Lê Mạnh Thát chỉ cho biết Sách đó, sách đó “cho biết” như vậy, như vậy...... không dẫn nguyên văn, nhất là những đoạn quan trọng, hoặc những đoạn cần phân tích thêm để làm rõ nghĩa câu văn, từ đó ý của tác giả...... có hơn là cho biết Quyển thứ (mấy), và ở tờ nào (a, b, c......) của Sách.

  CUỘC TIẾN CHIẾM CÁC CHÂU KHÂM, LIÊM VÀ UNG CHÂU NĂM 1075.

Lê Mạnh Thát viết:

        “Trước hết Vương An Thạch cho lệnh tổ chức lại quân đội vùng biên giới…… Tiếp đến, họ Vương bổ nhiệm tên hiếu chiến Thẩm Khởi coi Quế Châu kiêm luôn chức Kinh lược sứ Quảng Tây và cho phép y “từ nay nếu ở Quảng Tây có vụ việc biên giới, sẽ theo lệ Thiểm Tây, để ty kinh lược được xử trí rồi tâu sau”, như Tục tư trị thông giám trường biên 242 tờ 14a đã ghi. (1073). Thẩm Khởi là kẻ đã tuyên bố: “Giao Chỉ là đồ hèn mọn, không lẽ gì là không lấy được”.

(LSPGVN. tr. 118).

Tra lại Quyển CCXLII (242) Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” thì không thấy chỗ nào chép câu “từ nay nếu ở Quảng Tây có vụ việc biên giới, sẽ theo lệ Thiểm Tây, để ty kinh lược được xử trí rồi tâu sau” ở đâu hết! Quyển CCXLII này có đoạn chép:

- “Hi Ninh lục niên.

Nhị nguyệt. Ất Hợi sóc……

Tân Sửu. Quyền Đạc Chi Phó sứ, Hình Bộ Lang Trung, Tập Hiền Điện Tu soạn Thẩm Khởi vi Thiên Chương Các Đãi chế, tri Quế Châu”.

- “Năm thứ 6 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 2. Mồng 1 ngày Ất Hợi…….

Ngày Tân Sửu. Quyền Phó sứ Đạc Chi, Lang Trung Bộ Hình, Tu soạn Tập Hiền Điện Thẩm Khởi (được chỉ định) làm Thiên Chương Các Đãi chế, trấn nhiệm Quế Châu.

[Phụ chú. Ngày Ất Himồng 1 tháng 2, tính lần tới, ngày Tân Sửu là ngày 27 tháng 2]. 

Sau đoạn dẫn trên cho đến hết Quyển CCXLII (Quyển 242) không có chỗ nào ghi chép câu (in đỏ, gạch dưới) mà Lê Mạnh Thát viết ở đoạn dẫn trên!

(BỘ “Tư Trị Thông Giám” của Sử học gia Tư Mã Quang (1019 - 1086) - biên soạn vào khoảng đầu triều Bắc Tống (960 - 1127) - chỉ chép đến hết thời Ngũ Đại (907 - 960).

Sử học gia Lý Đáo (1115 - 1184) thời Nam Tống (1127 - 1279) tiếp theo đó đã bỏ ra 40 năm để biên soạn Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, là Bộ Sử nghiên cứu tinh tường nhất về thời kỳ Bắc Tống, hơn bất cứ Bộ Sử nào soạn về cùng thời kỳ này!

Và sau cùng, đến Thanh triều (1644 - 1911), Sử học gia Tất Nguyên (1730 - 1797) lại biên soạn Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám”. Bộ Sử thư này lại chép thêm 1 giai đoạn nữa, nối tiếp từ thời kỳ  Nam Tống [1127 - 1279] đến hết triều Nguyên [1279 - 1368]. Bộ này ghi chép rất sơ lược.

Để phân biệt, Sử học Trung Quốc đã giản lược gọi Bộ Sử của Lý Đáo là “Trường Biên”, và Bộ Sử của Tất Nguyên là “Tục Tư Trị”). 

Lê Mạnh Thát viết:

        Tục tư trị thông giám trường biên 272 tờ 7b cho biết ngày 23 tháng giêng năm Bính Thìn (1 / 3/ 1076), sau hơn 40 ngày đánh phá với việc dùng thang dây, bao đất, cùng các phép hỏa công, thổ công, v.v..., quân ta đã lọt vào thành và làm chủ hoàn toàn”.

(LSPGVN. tr. 128).

 + “Thang dây” mà Lê Mạnh Thát nói ở đoạn trên, bộ “Trường Biên” ghi là “vân thê”.

Vân thê không phải là “thang dây” như Lê Mạnh Thát dịch sai!

Sau đây là hình cái “vân thê”.

                                     Vân Thê.

 Dẫn từ Vũ Kinh Tổng Yếu. Tiền Tập (Qu. X. Công thành pháp. trang 437, 438).

Đinh Độ (990 - 1053) và Tăng Công Lượng (998 - 1078) thời Bắc Tống (960 - 1127).

Cứ coi hình thì rõ ngay “vân thê” (thang mây) có phải là “thang dây” hay không - như Lê Mạnh Thát, do không biết vân thê là cái chi, nên dịch đại là “thang dây”.

Như hình vẽ cho thấy, loại Thang này được gắn trên xe, và xếp gọn lại được, trong xe có chỗ cho một số quân binh.   

Cứ coi hình là đủ rõ, có lẽ không cần giải thích thêm!

Ở trang 124 Lê Mạnh Thát dịch 1 đoạn từ Bộ “Đại Việt sử lược”, trong đó có một câu: Ta tạo thang bay để lên thành. Giặc kia dùng đuốc lửa, thang bay không thể đến gần”.

Bộ “Đại Việt Sử Lược Lê Mạnh Thát dẫn trên đây tức Bộ “Việt Sử Lược”.

Đoạn dẫn trên Việt Sử Lược chép như sau:

- “Ngã vi phi thê dĩ lâm thành, bỉ thi dĩ hỏa cự, phi thê bất năng cận”.

                                 /  Việt Sử Lược. Qu. II. Nguyễn kỷ. Nhân tông  /.

(Phụ chú. Trần triều khi cướp ngôi triều Lý bắt người h đổi thành họ Nguyễn.

Tham khảo: An Nam Chí Lược. Qu. XII. Lý thị Thế gia). 

Đoạn trên đây Trần Quốc Vượng (trong nước) dịch như sau:

- “Ta làm phi thê (thang mây) để trèo lên thành; kẻ kia đem dùng hỏa cự (đuốc lửa), phi thê không thể đem đến gần”. (trang 101).

Coi 2 đoạn dịch văn  trên đây của 2 ông Lê Mạnh Thát và Trần Quốc Vượng tôi thấy rõ rồi chẳng ông nào biết đích xác hình thù của cái dụng cụ công thành gọi là “phi thê” nó ra làm sao, cho nên một ông thì dịch là “thang bay” và ông kia thì dịch là “thang mây”.

Trần Quốc Vượng dịch “phi thê” là “thang mây” cho thấy ông được học giới trong nước gọi là “nhà sử học” này không biết là còn 1 thứ thang nữa gọi là “vân thê” (vân = mây).

Dịch “phi thê” là “thang mây” thì Trần Quốc Vượng dịch “vân thê” là cái gì đây?

+ Câu “bỉ thi dĩ hỏa cự” Trần Quốc Vượng dịch là kẻ kia đem dùng hỏa cự (đuốc lửa)”.

- Chữ “” dịch là “đem dùng”, chữ đem dư thừa, một chữ “dùng” là đủ rồi; hoặc dịch là “lấy” cũng được.

- Tiếng “hỏa cự” chú thích thêm tiếng “(đuốc lửa)”, thừa chữ lửa, vì lẽ nói “đuốc” tức có lửarồi, có ai mà không hiểu, lẽ nào lại có đuốc nước?

Trần Quốc Vượng sợ người ta nói mình không rành chữ Hán cho nên “nhà sử học” này dịch kiểu dịch từng chữ một như vậy? Mỗi ngôn ngữ có một tinh thần riêng, do đó, dịch từng chữ nhiều lúc rồi hóa dư thừa, thậm chí có lúc ngớ ngẩn!

Như vậy, đoạn văn dẫn trên của Việt Sử Lược - để đúng tinh thần tiếng Việt, và cũng không xa rời ý của nguyên tác, có thể dịch như sau:

- “Quân ta lấy thang cập vách thành (để leo lên), giặc dùng đuốc để đối phó, (bởi vậy) ta không thể đưa thang lại gần thành được”.

Thang ở đây dùng để leo lên thành, chữ “phi” nhằm diễn cái ý lên cao mà thôi, bởi vậy không cần phải dịch. Nếu cần thì ghi nguyên chữ là phi thê rồi giải thích.

(Phi thê Hình 1 và 2, TCDV chụp vào email này không được, quý vị nào muốn xem, chúng tôi gởi qua email riêng.)

                                                      Phi Thê. Hình 1

Dẫn từ Vũ Kinh Tổng Yếu. Tiền Tập (Qu. X. Công thành pháp. trang 442).                                             

                                    Phi Thê. Hình 2.                                                                       

2 loại phi thê: Niệp đầu phi thê (hình bên trái) và Trúc phi thê (hình bên phải).

Dẫn từ Vũ Kinh Tổng Yếu. Tiền Tập (Qu. X. Công thành pháp. trang 443).

Lê Mạnh Thát viết:

        “Cuộc chiến tranh Hoa Việt năm 1075-1076 bắt đầu nổ ra. Đại Việt sử ký toàn thư 3 tờ 8a6-9a1 đã chép sự kiện này vào giữa tháng hai và tháng tám của năm Ất Mão Thái Ninh thứ tư (1075):…… (LSPGVN. tr. 122).

        ....... Đại Việt sử lược 2 tờ 15b9-16a10 lại chép sự kiện này vào mùa thu tháng chín năm Giáp Dần Thái Ninh thứ hai (1074):…… (LSPGVN. tr. 123).

        Phía tư liệu Trung Quốc, chủ yếu là Tống sửTục tư trị thông giám trường biên, đều thống nhất là cuộc tấn công thật sự bắt đầu vào tháng 9, chính xác là ngày 15 Giáp Tuất, như Tục tư trị thông giám trường biên 268 tờ 10b đã ghi. Tháng 9 này thì phù hợp với Đại Việt sử lược, nhưng về năm thì không phải thuộc Giáp Dần mà là Ất Mão (1075) như Đại Việt sử ký 3 toàn thư tờ 8a5 đã chép. Đúng vào ngày đó 700 quân ta đã tới đánh Cổ Vạn. (LSPGVN. tr. 125).

[+ 700 quân. Lê Mạnh Thát viết chưa chính xác, chính xác là “hơn 700 người”].

Bộ Trường Biên (Qu. CCLXVIII) chép:

- “Hi Ninh bát niên.

Cửu nguyệt, Canh Thân sóc……

Giáp Tuất……

Thị nhật Man tặc thất bách dư nhân khấu Cổ Vạn Động.

(Cứ thập nhất nguyệt, thập nhất nhật tấu)”.

- Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 9, mồng 1, ngày Canh Thân.

Ngày Giáp Tuất……

Ngày này giặc Man hơn 700 người đánh phá Động Cổ Vạn”.

(Căn cứ tấu văn ngày 11 tháng 11)”.

 Lê Mạnh Thát viết về các quan chức Trung Hoa bị quân Giao Chỉ giết:

        “Rồi sau đó, một loạt các quân bộ từ phía biên giới nước ta đã ào ạt tiến qua đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hành Sơn và các châu Tây Bình, Châu Lộc của Quảng Tây. Các viên quản hạt Vĩnh Bình là Tô Tá và Thái Bình là Ngũ Cử cùng chúa trại Hành SơnLâm Mậu Thăng tất cả đều bị giết, như Tục tư trị thông giám trường biên 273 tờ 4b đã ghi.  Từ đấy, họ thẳng tiến nhắm hướng Ung Châu để đến vây hãm”. 

(LSPGVN. tr. 125).

Lê Mạnh Thát cho biết là sự kiện Tô Tá ở Trại Vĩnh Bình và Ngũ Cử ở Trại Thái Bình bị giết được ghi trong “Tục tư trị thông giám trường biên 273 tờ 4b”.

Tôi xin dẫn lại những ghi chép về sự kiện kể trên trong bộ Trường Biên của Lý Đáo để thấy rõ vấn đề hơn:

- “Hi Ninh bát niên.

Thập nhị nguyệt Kỷ Sửu……

Đinh Dậu. Giao Chỉ vi Ung Châu……

Sơ, Thẩm Khởi Kinh Lược Quảng Tây, vọng ngôn bị chỉ, mưu thảo Giao Chỉ, hựu thiện phủ nạp Ân, Tĩnh Châu Nùng Thiện Mỹ cập ư Dung, Nghi Châu cương trí thành trại sát nhân dĩ thiên số. Giao nhân chấn nhiễu!

Chiếu Lưu Di đại Khởi, ký sử chiêu tập chi, nhi Di canh nãi vọng ý triều đình, hữu công thủ mưu, dục dĩ câu kỳ lập dị vi công! thủy khiển quan nhập khê động điểm tập thổ đinh vi bảo ngũ, thụ dĩ trận đồ, sử tuế thời tứ tập. Kế mệnh chỉ sử nhân đốc diêm vận chi hải tân tập chu sư, ngụ giáo thủy chiến. Cố thời Giao nhân dữ Châu, Huyện mậu dịch nhất thiết cấm chỉ chi!

Ư thị Giao Chỉ ích nhị, đại tập binh đinh mưu nhập khấu. Tri Ung châu Tô Hàm tư tri kỳ thực dĩ thư để Di thỉnh bãi sở hành tam sự như cố vô sử Giao nhân hưng sư hữu danh!
Di bất thính, phản di văn hặc Hàm thư nghị, hựu trách lệnh bất đắc triếp ngôn biên sự!

Ư thị Giao nhân quả đại cử chúng hiệu bát vạn. Thập nhất nguyệt để hải ngạn, vị tuần nhật hãm Khâm, Liêm nhị Châu, phá Ung chi Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Lục, Cổ Vạn tứ Trại.

         /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXI. Thần tông  /.

- “Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng Chạp, mồng 1, ngày Kỷ Sửu……

Ngày Đinh Dậu Giao Chỉ vây Ung Châu……

Buổi đầu, khi Thẩm Khởi về trị lý Quảng Tây thì vọng ngôn là nhận chiếu chỉ Triều đình để mưu tính việc đánh Giao Chỉ, bên cạnh đó lại tự ý chiêu nạp phủ dụ Nùng Thiện Mỹ ở Ân Châu, Tĩnh Châu, và cho lập thành, trại ở ven Dung Châu, Nghi Châu, giết hại cả ngàn người. Người Giao Chỉ do đó kinh hoàng, chấn động!

Triều đình ra Chiếu chỉ cho Lưu Di về thay Thẩm Khởi, hy vọng Lưu Di chiêu tập được dân Giao Chỉ, nhưng rồi Lưu Di lại giải thích sai lạc ý triều đình hơn nữa, với ý định gây chiến tranh, nhằm lập được công trạng kỳ lạ. Trước hết, Lưu Di sai quan đến các vùng Khê động kiểm tra, tập họp trai tráng trong vùng, tổ chức thành đội ngũ, dạy trận đồ, và bắt học tập quanh năm. Tiếp đến, sai người đốc thúc dân chở muối tới các hải cảng và cho tụ họp chiến thuyền lại để dạy thủy chiến. Tất cả mọi việc giao dịch, buôn bán giữa người Giao Chỉ và các Châu, Huyện trước đây đều cấm chỉ.

Cho nên người Giao Chỉ càng thêm nghi ngờ, điều động đông đảo quân binh mưu tính vào cướp phá! Tri châu Ung Châu là Tô Hàm dò la biết được sự tình xác thực cho nên gởi thư cho Lưu Di xin bãi trừ 3 biện pháp kể trên, tái lập tình trạng trước đây, đừng để cho người Giao Chỉ có cớ mà động binh!

Lưu Di không nghe, trái lại gởi văn thư kết tội Tô Hàm có những nghị luận cản trở công việc, đồng thời khiển trách, lệnh cho Tô Hàm không được bàn về sự vụ Biên thùy!

Y như rằng, sau đó người Giao Chỉ điều động đại quân, quân số là 80,000 người! Vào tháng 11 quân Giao Chỉ cập bờ biển, để chưa được 10 ngày thì vây hãm được 2 Châu Khâm, Châu Liêm, và hạ được 4 Trại là Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Lục, Cổ Vạn thuộc Ung Châu!

 Trước đó một Quyển (Quyển CCLXX), Bộ Trường Biên chép:

- “Hi Ninh bát niên.

Thập nhất nguyệt, Kỷ Vị sóc……

Mậu Dần. Giao Chỉ hãm Khâm Châu, hậu tam nhật hựu hãm Liêm Châu.

Khâm Châu thập nhị nguyệt nhị thp nht tấu đáo, Liêm Châu thập nhị nguyệt nhị thp nhị nht tấu đáo”.

           /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXX. Thần tông  /.                  

- “Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 11, mồng 1 ngày Kỷ Vị (Mùi)……

Ngày Mậu Dần. Giao Chỉ hạ thành Khâm Châu, sau đó 3 ngày lại hạ Liêm Châu.

Khâm Châu thất thủ thì đến ngày 20 tháng 12 Tấu văn báo việc này mới về tới triều, Liêm Châu thất thủ thì đến ngày 22 tháng 12 Tấu văn báo việc này mới về tới triều”.

 

Ngày mồng 1 tháng 11 là ngày Kỷ Vị, tính lần tới, ngày Mậu Dần ghi trên là ngày 20.

3 ngày sau ngày Mậu Dần nói trên là ngày Canh Thìn, ngày 22 tháng 11.

Quyển CCLXX (270) ghi là ngày 20 tháng 11 Giao Chỉ hạ thành Khâm Châu, và sau đó 3 ngày, ngày 22, lại hạ thành Liêm Châu.

Quyển CCLXXI (271) chép là tháng 11 năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh quân Giao chỉ cập bờ biển Trung Quốc, để chưa đầy 10 ngày đánh hạ 2 Châu và 4 Trại.

Nối kết sự kiện lại thì có thể thấy không mấy khó là quân binh Giao Chỉ rồi cập bờ biển vào khoảng ngày 15, 16 tháng 11 năm Ất Mão (1075).

Lúc bấy giờ Tô Tá là đồng Quản hạt Binh giáp của Trại Vĩnh Bình, trong khi Ngũ Cử là đồng Quản hạt Binh giáp của Trại Thái Bình; và như thế thì 2 quan chức này đã tử trận  sau ngày Liêm Châu thất thủ, tức sau ngày 22 tháng 11, năm Ất Mão (năm 1075).

Từ đó có thể thấy Lê Mạnh Thát nói sự kiện Tô Tá, và Ngũ Cử, bị giết đựợc chép trong Quyển CCLXXIII (Lê Mạnh Thát ghi số Á rập là 273) của Bộ Trường Biên là hoàn toàn sai lạc. Vì lẽ quyển CCLXXIII của Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” ghi chép những việc xảy ra trong tháng 2 năm Bính Thìn (1076) niên hiệu Hi Ninh thứ 9, tức hơn 2 tháng sau khi Tô Tá và Ngũ Cử tử trận!

Và câu Từ đấy, họ thẳng tiến nhắm hướng Ung Châu để đến vây hãmđặt vào thời điểm ghi chép của Quyển CCLXXIII bộ Trường Biên do đó cũng sai luôn! 

Nói rõ ra Lê Mạnh Thát đâu thật sự đọc bộ Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên như ông ta ghi nào là tờ 2a, tờ 3c, nào là tờ 4d, 5f…..… chi chi đó, để người đọc rối mắt mà tin tưởng rằng ông ta đọc kỹ bộ Sử thư này!

Phần đầu Quyển CCLXXIII này có 2 Danh sách truy tặng 1 số quan chức ở Quảng Tây tử trận vào cuối năm trướcđầu năm này (chẳng hạn Trương Thủ Tiết tử trận ngày 4 tháng Giêng năm Bính Thìn), Tô Tá và Ngũ Cử nằm trong danh sách 1. Ai đó đọc, và cung cấp cho Lê Mạnh Thát, Lê Mạnh Thát cứ thế mà chép lại, không kiểm lại!

(2 danh sách những quan chức ở Quảng Tây tử trận này liệt kê ở một đoạn sau).

 (KỲ 2)

Sau cùng, trong đoạn văn của Lê Mạnh Thát trích dẫn trên đây tên gọi “Hoành Sơn” đã viết sai là “Hành Sơn”; chữ “Hoành” này nghĩa là “ngang”, như nói “tung hoành”.

Có điều là ở trang 129 Lê Mạnh Thát lại ghi đúng là “Hoành Sơn”; việc này cho thấy sự thiếu cẩn trọng Lê Mạnh Thát trong nghiên cứu. 

Sự thiếu cẩn trọng này của Lê Mạnh Thát còn thấy qua việc ghi tên sách tham khảo và quyển thứ của sách…… chẳng hạn:

Ở trang 119, Lê Mạnh Thát dẫn tập bút ký “Tốc thủy kỷ văn” của Tư Mã Quang kể việc tiến sĩ Từ Bá Tường xin làm nội ứng cho Giao Chỉ. Lê Mạnh Thát viết là việc này được chép ở quyển “13” (Quyển Mười ba) của tập Bút ký kể trên.

Ở trang 129, nói về việc Giao Chỉ đốt thành Ung Châu rồi rút về, Lê Mạnh Thát cũng lại dẫn “Tốc thủy kỷ văn” và nói việc này ghi ở Quyển “3” (Quyển Ba) của tập Bút ký.

Thực ra, 2 sự việc trên đây đều được ghi chép ở Quyển XIII (13) của tập Bút ký kể trên của Tư Mã Quang, tập “Tộc Thủy Ký Văn”. Và ở đây lại thấy thêm một sai lầm nữa của Lê Mạnh Thát về Tên tập Bút ký: chữ Tộc (Tôc + dấu nặng) đọc sai là Tốc (Tôc + sắc) và chữ (Ky + sắc) đọc sai là Kỷ (Ky + hỏi).

 Minh Di án:

Phần ghi chú in chữ nhỏ trong đoạn ghi chép của Quyển CCLXX Bộ Trường Biên dẫn trên đây cho biết là Tấu văn báo sự việc Khâm Châu, Liêm Châu thất thủ về tới triều là các ngày 20 và 22 tháng 12 năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh (1075).

Thế nhưng, ở Quyển CCLXXI, phần Chính văn Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên lại ghi khác với ghi chú nói trên.

Xin dẫn ra đây để tham khảo. 

 Lý Đáo, tác giả Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, chép:

- “Hi Ninh bát niên.

Thập nhị nguyệt Kỷ Sửu……

Đinh Vị. Thượng thủy văn Khâm Châu hãm, Quảng Tây Kinh Lược Ty tấu chí dã……

Kỷ Dậu. Quảng Tây Kinh Lược Ty ngôn Giao Chỉ hãm Liêm Châu”.

            /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXI. Thần tông  /.     

- “Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 12, mồng 1 ngày Kỷ Sửu……

Ngày Đinh Vị (Mùi) nhà vua mới được tin Khâm Châu thất thủ, đây là Tấu văn của Ty Kinh Lược Quảng Tây đã về tới triều.

Ngày Kỷ Dậu. Ty Kinh Lược Quảng Tây báo cáo Giao Chỉ hạ được thành Liêm Châu”.

 Mồng 1 tháng 12 là ngày Kỷ Sửu, tính lần tới:

Ngày Đinh Vị (Mùi) là ngày 19 tháng 12.

Ngày Kỷ Dậu là ngày 21 tháng 12.

Sai biệt giữa ghi chúChính văn về thời điểm Tấu văn của Ty Kinh Lược Quảng Tây báo việc Khâm Châu và Liêm Châu thất thủ về tới triều là 1 ngày cho cả 2 trường hợp:   

Chính văn ghi rằng Tấu văn Khâm Châu về tới triều ngày 19 tháng 12, ghi chú lại nói là ngày 20 tháng 12.

Chính văn nói Tấu văn Liêm Châu về tới triều ngày 21, ghi chú nói ngày 22 tháng 12.   

 

2 danh sách truy tặng các quan chức Trung Quốc tỉnh Quảng Tây tử trận đề cập ở trên nằm trong mục những ghi chép ngày mồng 4 (ngày Canh Dần) tháng 2, đầu năm thứ 9 Niên hiệu Hi Ninh, tức năm 1076.

Danh sách quan chức Trung Quốc tử trận như sau:

+ Danh sách 1.

1). Trang Trạch Phó sứ, Quảng Nam Tây Lộ (Quảng Tây) Đô giám Trương Thủ Tiết là Thành Châu Đoàn luyện sứ.

2). Cung Bị Khố phó sứ, Ung Châu Tả giang Đề cử Binh mã Tặc đạo Ôn Nguyên Dụ là Hoàng Thành sứ.

3). Hải Châu Đoàn luyện sứ.

4). Nội điện Thừa chỉ, Hồ Nam Đô giám Trương Tạp.

2 người kể trên, truy tặng Hoàng Thành sứ.

5). Hoành Sơn Trại chủ Lâm Mậu Thăng là Hoàng Thành sứ.

6). Ân Châu Thích sử.

7). Đông đầu Cung phụng quan, quyền Ung Châu, Tân Châu đồng Tuần kiểm Hứa Dự.

8). Vĩnh Bình Trại đồng quản hạt binh giáp Tô Tá.

3 người kể trên, truy tặng Tả Tàng Khố sứ. 

9). Tây đầu Cung phụng quan Ung Châu Giám áp Nùng Nhật Tân.

10). Liễu Châu, Tượng Châu, Tân Châu đồng Tuần kiểm Vương Trấn.

11). Nghi Châu Giám thuế, quyền Thái Bình Trại Giám áp Quách Vĩnh Nguyên.

3 người kể trên, truy tặng Văn Tư sứ.

12). Tả ban Điện trực, Thái Bình Trại đồng quản hạt binh giáp Ngũ Cử.

Truy tặng Tả Tàng Khố phó sứ.

13). Hữu ban Điện trực, khâm Châu Đê Trác Trại chủ Trương Thủ.

Truy tặng Văn Tư phó sứ.

14). Tam ban Sai sứ, Khâm Châu Như Tích động Tuần phòng Ngũ Hoàn.

15). Tiền Kinh Lược ty Chỉ huy Lưu Thăng.

2 người kể trên, truy tặng Nội điện Thừa chế.

16). Tam ban Tá sai Đô kiềm hạt ty Chỉ huy Khang Minh.

17). Điện thị Sài Tề.

18). Kinh Lược ty Chỉ huy Phong Tự Nguyên.

3 người kể trên, truy tặng Nội điện Sùng ban.

Những người trên đây giai dĩ Quảng Tây dữ Giao tặc chiến tử sự cố dã!”.

 + Danh sách 2.

1). Cung bị Khố sứ, Quảng Tây Đô giám Vu Tân.

Truy tặng Diệu Châu Quan Sát sứ.

2). Tây Kinh Tả Tàng khố Phó sứ.

3). Kinh Lược ty Chuẩn bị Sai sứ Trương Hoán.

2 người kể trên, truy tặng Hoàng Thành sứ.

4). Hoài Châu Phòng Ngự sứ.

5). Cung Bị khố Phó sứ, tri Liêm Châu Lộ Khánh Tôn.

2 người kể trên, truy tặng là Hoàng Thành sứ.

6). Thư Châu Đoàn luyện sứ.

7). Nội điện Thừa chế, tri Khâm Châu Trần Vĩnh Linh.

2 người kể trên, truy tặng Hoàng Thành sứ.

8). Trung Châu Thích sử.

9). Khâm Châu, Hoành Châu đồng Tuần kiểm Lương Kỳ.

2 người kể trên, truy tặng Hoàng Thành sứ.

10). Đức Châu Thích sử.

11). Dung Châu, Bạch Châu Đô Tuần kiểm Phan Nhược Cốc.

2 người kể trên, truy tặng Hoàng Thành sứ.

12). Ân Châu Thích sử.

13). Đông đầu Cung phụng quan.

14). Liêm Châu Duyên hải Tuần kiểm Lý Trọng Tuân.

3 người trên truy tặng Tả Tàng khố Sứ.

15). Tây đầu Cung phụng quan Liêm Châu Giám áp Chu Tông Thích.

16). Quyền Khâm Châu Giám áp Văn Lương.

2 người kể trên, truy tặng Văn Tư sứ.

17). Tam ban phụng chức Khâm Châu Giám áp Ngô Phúc.

18). Kinh Lược ty Chỉ sứ Lý An.

2 người kể trên, truy tặng Tây Kinh Tả Tàng khố Phó sứ.

19). Tá chức Khâm Châu duyên hải Tuần kiểm Tưởng Cấn.

20). Quyền Liêm Châu, Bạch Châu đồng Tuần kiểm Thẩm Tông Cổ.

2 người kể trên, truy tặng Cung Bị khố Phó sứ.

21). 22). Điện thị Khâm Châu Chỉ sứ Tống Đạo, Đinh Toại.

23). Liêm Châu Chỉ sứ Ngô Tông Lập.

3 người kể trên (21. 22. 23), truy tặng Nội điện Sùng ban.

24). Khâm Châu Kiềm thư Quân sự Phán quan.

25). Đại lý Tự thừa Lương Khắc Phụ.

2 người kể trên, truy tặng Tư nông Thiếu khanh.

26). Quân sự Suy quan Lý Hoàn, truy tặng Tỉ bộ Lang trung.

27). Tư hộ Tham quân Tiền Thế Kinh truy tặng Giá bộ Viên ngoại lang.

28). Tư lý Tham quân Lưu Xương Tông.

29). Tiền Uất Lâm Châu Tư lý Tham quân Tào Khả.

30). Liêm Châu huyện, Hợp Phố huyện Chủ bạ Lương Sở.

3 người kể trên, truy tặng Tỉ bộ Viên ngoại lang.

31). Khâm Châu Giám thuế nhiếp châu Âu Dương Diễn.

32). Liêm Châu Tư hộ Tham quân Thái Tiếp.

33). Tư lý Tham quân Trần Gián.

3 người kể trên, truy tặng Ngu bộ Viên ngoại lang.

Những người trong danh sách trên giai vị Giao tặc sát hại cố dã!”.

Cộng 2 danh sách là 18 + 33 = 51 người.

 Ngoài thời điểm tử trận của Tô Tá ở Trại Vĩnh Bình, Ngũ Cử ở Trại Thái Bình mà theo Lê Mạnh Thát nói là được ghi chép ở quyển 273 của bộTrường Biên”, cũng liên quan Quyển CCLXXIII này của “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” có 1 điểm cũng cần nói sau đây:

Lê Mạnh Thát viết:

       Tục tư trị thông giám trường biên 273 tờ 4b chép việc tên tướng coi Khâm Châu là  Trần Vĩnh Linh, khi quân ta tiến đánh vẫn chủ quan bày rượu uống, sau bị giết cùng với các viên Giám áp Văn LươngNgô Phúc, Tuần kiểm Tưởng Cẩn, Giám thuế Âu Dương Dẫn và các viên chỉ sứ Tống Đạo, Đinh Toại. Viên tướng coi Liêm Châu là Lỗ Khánh Tông cũng bị giết với tri huyện Hợp Phố là Lương Sở, Giám áp Chu Tông Thích, Chỉ sứ Ngô Tông Lập.

       Đạo quân chiến thắng ở Liêm Châu tiến thẳng lên phía đông bắc, tiến chiếm Bạch Châu. Viên tuần kiểm châu này là Thẩm Tông Cổ bị giết, như Tục tư trị thông giám trường biên 273 tờ 5a đã ghi”.

(LSPGVN. tr. 125, 126).

Trước hết, kiểm lại thì thấy 10 Quan chức tử trận tại Quảng Tây Lê Mạnh Thát ghi lại ở đoạn trên đều nằm trong danh sách truy tặng thứ 2 tôi đã dẫn ở trên. Đã biết đây chỉ là danh sách những quan chức đã chết ở các thời điểm khác nhau được truy tặng, nhiều người đã tử trận vào tháng 11 năm trước, tức năm 1075, khi Khâm Châu và Liêm Châu thất thủ.

Quyển CCLXXIII này chép việc xảy ra vào tháng 2 và tháng 3 năm 1076, do đó, để cho rõ hơn Lê Mạnh Thát phải nêu ra điểm này. Người có Bộ “Trường Biên” thì biết được trong khi những người không có bộ Sử thư này trong tay rồi sẽ nghĩ (sai lầm) là tất cả những quan chức nói nói trên đều tử trận vào năm 1076.

 Tiếp đến, trong Quyển CCLXXIII Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” không có đoạn nào “chép việc tên tướng coi Khâm Châu là Trần Vĩnh Linh, khi quân ta tiến đánh vẫn chủ quan bày rượu uống” cả!

 Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” tôi hiện có là Ấn bản 20 cuốn, sách có khổ là 20.25 cm x 13.90 cm.

(Đây là Bình trang bản, bìa mỏng.

Lại có Tinh trang bản, bìa cứng, gộp 2 cuốn lại thành một, chỉ còn 10 cuốn).

 Quyển CCLXXIII nằm trong cuốn 11, từ trang 6674 tới trang 6697, tức 24 trang. Nêu rõ như vậy để cho thấy số trang của Quyển này không nhiều để có thể đọc sót.

Tôi lại duyệt các Quyển CCLXX, CCLXXICCLXXII, là các Quyển ghi các việc xảy ra trong các tháng 11 [tháng Khâm ChâuLiêm Châu thất thủ], tháng 12 năm 1075, và tháng Giêng năm 1076 để coi có Quyển nào chép Trần Vĩnh Linh “bày rượu uống” như Lê Mạnh Thát đã viết như đã dẫn hay không? - Tuyệt nhiên không!

 Ở trang 127 LSPGVN Lê Mạnh Thát viết:

       “Theo Tục tư trị thông giám trường biên 271 tờ 6b thì quân của Lý Thường Kiệt và Tông Đản đã hội về Ung Châu vào ngày mười tháng chạp năm Ất Mão, tức ngày 18 tháng giêng năm 1076 và bắt đầu vây hãm thành. Viên coi Ung Châu là Tô Giàm tuy là một quan văn, nhưng đã có một thời gian ở vùng Quảng Tây khá lâu và đã coi thành này được năm năm. Khi đại quân ta tới, y ngoan cố kiên quyết tử thủ. Để tử thủ, y tiến hành một số biện pháp.

Trước hết, y cho liên lạc với Quế Châu xin viện binh…… Tiếp đến, y tìm cách củng cố tinh thần chiến đấu của quân và dân trong thành. Nhằm làm gương, y không cho di tản gia đình ra khỏi thành và bắt quả tang tên đại hiệu Dịch Tích muốn trốn, đem chém bêu đầu thị uy.

        “Do thế cuộc chiến ở Ung Châu xảy ra rất quyết liệt và thảm khốc, phải kéo dài trên 40 ngày. Cuối cùng, do quân ta vây quá chặt, Tô Giàm phải dùng thư vấn trong sáp ong, cho người ngậm trốn ra khỏi thành đến Quế Châu. Khi tên Đề kiểm hình ngục Tống Cầu nhận được thư......”.

 + Bộ Trường Biên chép về thời điểm vây Ung Châu như sau:

- Hi Ninh bát niên.

Thập nhị nguyệt, Kỷ Sửu……

Đinh Dậu. Giao Chỉ vi Ung Châu.

       /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXI. Thần tông kỷ  /.

- Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 12, mồng 1, ngày Kỷ Sửu……

Ngày Đinh Dậu. Quân Giao Chỉ vây Ung Châu.

 

Ngày mồng 1 là ngày Kỷ Sửu, tính lần tới, ngày Đinh Dậungày mồng 9.

Nếu thực sự đọc Bộ Trường Biên thì sao Lê Mạnh Thát lại có thể sai như vậy?

Còn về ngày Ung Châu thất thủ Lý Đáo cho biết:

- “Hi Ninh cửu niên.

Xuân chinh nguyệt Mậu Ngọ sóc……

Canh Thìn……

Thị nhật Giao tặc hãm Ung Châu”.

    /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXII. Thần tông kỷ  /.

- “Năm thứ 9 Niên hiệu Hi Ninh.

Mùa Xuân, tháng Giêng, mồng 1 ngày Mậu Ngọ……

Ngày Canh Thìn……

Ngày này giặc Giao Chỉ hạ thành Ung Châu”.

 Từ ngày Mậu Ngọ tháng Giêng tính lần tới, ngày Canh Thìnngày 23 tháng Giêng.

Như vậy, từ ngày Đinh Dậu (mồng 9) tháng Chạp năm Ất Mão (1075) Giao Chỉ bắt đầu vây thành Ung Châu tới ngày Canh Thìn (ngày 23) tháng Giêng năm Bính Thìn (1076) hạ được thành này, thời gian trải 44 ngày.

 + “đại hiệu Dịch Tích”.

Bộ “Trường Biên” Qu. CCLXXI chép như sau:

- “Đại hiệu Địch Tích Âm dục xuất bôn, Hàm sử nhân phục môn ngoại kiêu kì thủ dĩ tuấn”.

- “Chức Đại hiệu Địch Tích Âm muốn trốn khỏi Thành, Tô Hàm sai người phục ở ngoài cổng thành bắt chém đem bêu đầu trên đầu thành”.

 Tên của chức Đại hiệu này là Địch Tích Âm, Lê Mạnh Thát ghi sai là “Dịch Tích”, sai cả số chữ của Tên lẫn tên Họ: Tên gồm có 3 chữ, không là 2 chữ; và Tên họ là “Địch” chứ không phải là “Dịch”.

 + Viết “Đề kiểm hình ngục” thì sai chữ “kiểm”, đúng là “điểm”, “Đề điểm Hình ngục”.    

Đề điểm Hình ngục là tên gọi vắn tắt của “Đề điểm Hình ngục Công sự”, giản lược nữa thì gọi “Đề hình”.

Đặt ra vào sơ kỳ thời Triệu Tống (960 - 1279), ở địa phương nhiệm vụ của chức này là coi về Tư pháp, Hình sự và Giám sát, đồng thời còn kiêm cả việc nông tang.

Riêng ở địa hạt Biện Kinh (Kinh đô của triều Bắc Tống [960 - 1127]) thì chức này được gọi là “Đề điểm Khai Phong Phủ giới”, nhiệm vụ lo về trị an, thị trường, sông rạch..... và qua tới thời Nam Tống (1127 - 1279) đổi gọi là “Đề điểm Kinh điện Hình ngục”.

Thời Kim triều gọi là “Đề Hình Sứ”, sau đổi gọi là “Án Sát Sứ”.

Chức quan này, dưới 2 triều Minh (1368 - 1644), Thanh (1644 - 1911), ở các tỉnh được gọi là “Đề hình Án Sát sứ”.

Kết thúc phần về chiến sự ở Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu, Lê Mạnh Thát viết:

       “Chiến thắng Khâm, Liêm, Ung đã được Pháp Bảo Hải mô tả lại một cách hào hùng trong văn bia chùa Linh Xứng…… Và chiến thắng này đã chấm dứt vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của Vương An Thạch”.

(LSPGVN. tr. 129).

Lê Mạnh Thát viết về Lịch sử mà bất thông Lịch sử!

Lê Mạnh Thát rồi có đọc Lịch Sử Trung Quốc hay không mà ba hoa, khoác lác nói rằng chiến thắng cuối năm 1075 (Khâm Châu và Liêm Châu), và đầu năm 1076 (Ung Châu) của Giao Chỉ rồi đã chấm dứt vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của Vương An Thạch?  

Vương An Thạch từ chức vì vấn đề nội tình Chính trị của Tống triều.

Vương An Thạch giữ quyền điều hành Quốc gia từ năm Kỷ Dậu (1069). Nhằm cứu vãn tình thế ngày một xuống dốc của Tống triều ông đã đề ra 1 số biện pháp cải cách được mệnh danh là “Biến Pháp”, hay còn gọi là “Tân Pháp”, nhưng Vương An Thạch đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của một số đại thần, cũng như một số học giả bảo thủ, tiếng tăm phải nói rất lớn đương thời như Văn Ngạn Bác (1006 - 1097), Lữ Hải (1014 - 1071), Lữ Công Trứ (1018 - 1089), Sử gia Tư Mã Quang (1019 - 1086) và 2 anh em Triết Học gia Trình Hiệu (1032 - 1085), Trình Di (1033 - 1107)……

Cần nói thêm ở đây là những người phản đối Tân Pháp hầu hết đều những người có tiếng tăm danh vọng thời ấy, trong triều, ngoài triều đều kính ngưỡng, coi họ là những bậc học thức, đạo đức, vì vậy sự thi hành Biến pháp đã gặp phải rất nhiều lúng túng và trở ngại!

Về các vấn đề Chính trị thời đó những người phản đối “Biến Pháp” thực ra đã chẳng có ý kiến nào trác tuyệt cả. Những gì họ công kích Vương An Thạch phần lớn rồi dựa trên tính khí, hay nói rõ hơn, những người này rồi chỉ “đối Nhân” chứ không “đối Sự”. Lý do chủ yếu phản đối của họ là Tân Pháp sách nhiễu dân, Pháp tắc tổ tông không thể bỏ… chứ họ không có bất cứ một cải cách Chính trị nào.

Sử đã gọi những người tán đồng Biến Pháp là Tân Đảng, và bên kia là Cựu Đảng.

2 Đảng đã công kích nhau kịch liệt suốt thời gian Vương An Thạch nắm quyền, nhưng cuối cùng Vương An Thạch đành ôm hận rời khỏi Chính trường.

Sự đối đầu giữa Tân và Cựu càng trở nên gay gắt hơn một phần là do nơi cá tính của Vương An Thạch cao ngạo, cố chấp…… Người nào phản đối ông ông đều cho là hạng không đọc sách, là hạng phàm tục! Vì vậy những người trước kia tán thành Biến Pháp và có ý trợ lực Vương An Thạch, như Trình Hiệu chẳng hạn, rốt cục bước qua bên kia!

Ngoài ra, học giả là Sử gia Tiền Mục (1895 - 1990) còn có cái nhìn mới lạ về vấn đề khi nhận định rằng tranh chấp Tân Đảng và Cựu Đảng ở đây còn là một tranh chấp có tính cách địa phương, giữa người miền Nam và người miền Bắc Trung Quốc!

Thực vậy, thuộc Cựu Đảng phần lớn là người ở phương Bắc Trung Quốc, trong khi đó người miền Nam chiếm đa số trong Tân Đảng.

Với một Cương vực rộng lớn như Trung Quốc, 2 miền Nam / Bắc, do các điều kiện về địa hình, khí hậu, vật sản…… có những khác biệt mà phong tục, tập quán xã hội, và cả tánh tình, phong cách, của dân cư 2 miền đã sẵn những nét bất đồng! Từ đó mà cách suy nghĩ, tư tưởng, thái độ, phong cách ngôn luận....... cũng không giống nhau, bởi vậy một khi tiếp xúc thì 2 bên rất dễ sinh đụng chạm, để cuối cùng tranh chấp Chính trị, ở một góc độ nào đó, đã biến thành tranh chấp Địa phương!

 

Nắm quyền được 6 năm, từ năm Kỷ Dậu cho đến tháng 4 năm Giáp Dần (1069 - 1074) Vương An Thạch bị bãi chức. Qua tháng 2 năm sau, năm Ất Mão ông được phục chức nhưng tới ngày 23 (Bính Ngọ) tháng 10 năm Bính Thìn thì lần nữa bị bãi chức. Lần này Vương An Thạch từ bỏ Chính trường trở về sống ẩn dật hết 10 năm cuối cuộc đời.

Tóm lại, Vương An Thạch không được nắm quyền chính trị nữa là vì Tân Pháp của ông không đạt được những hiệu quả như mong muốn, từ đó áp lực nặng nề của Cựu Đảng càng nặng hơn, dẫn tới việc xin từ nhiệm của ông. Việc bãi nhiệm Vương An Thạch đã chẳng khởi nguồn từ sự kiện Tống triều thất trận ở Khâm Châu, Liêm Châu - nhất làUng Châu - như Lê Mạnh Thát vì thiếu kiến thức Sử học nên nói bậy!

Chính sách thất bại đương nhiên kéo xuống theo người tạo lập ra chính sách, và được giao quyền hạn để thực thi chính sách! Đây là trường hợp của Vương An Thạch.

(Về tranh chấp giữa Tân Đảng / Cựu Đảng, cái hay, chỗ dở của Biến Pháp, cũng như nhận định của các Sử gia tiếng tăm hiện đại:

Tham khảo:

~ Lữ Tư Miễn (1884 - 1957).

Trung Quốc Thông Sử.

Đệ thập tam Chương - Bắc Tống đích tích nhược.

~ Tiền Mục (1895 - 1990).

Quốc Sử Đại Cương.

Đệ tam thập tam Chương - Tân, Cựu Đảng tranh dữ Nam, Bắc nhân tài).

Trong phần “CUỘC TIẾN CHIẾM CÁC CHÂU KHÂM, LIÊM VÀ UNG NĂM 1075”, từ trang 116 tới trang 146 của bộ “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam”, Lê Mạnh Thát nhiều lần dẫn bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”.

Nếu Lê Mạnh Thát có đọc bộ Sử thư vừa kể thì lẽ nào Lê Mạnh Thát lại không biết là ở Quyển CCLXXIV (Qu. 274) đã chép ngày 23 (Bính Ngọ) tháng 10 năm Bính Thìn Tống  Thần tông (1048 - 1085; tại vị: 1067 - 1085) thuận cho Vương An Thạch từ nhiệm.

Từ ngày Ung Châu thất thủ, ngày 23 tháng Giêng năm Bính Thìn (1076), cho tới ngày Vương An Thạch từ chức, ngày 23 tháng 10 cùng năm, là tròn 9 tháng.

Nếu chiến thắng Ung Châu, như Lê Mạnh Thát “oang oang” khẳng định trong đoạn văn đã dẫn, đã chấm dứt vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của Vương An Thạchthế thì tại sao  Tống Thần tông đã không có một sự khiển trách nào, trái lại, vẫn giữ Vương An Thạch tại chức Tể tướng?

Nếu Lê Mạnh Thát thực sự đọc Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” thì lẽ nào lại không biết sự kiện trên? thì Lê Mạnh Thát giải thích sao về sự kiện sau một thất trận nặng nề như Ung Châu mà Vương An Thạch, như Sử đã chép, vẫn an nhiên tại chức trong một thời gian phải nói là khá lâu như thế?

Sau đây là một đoạn nói về cư xử của Thần tông với Vương An Thạch:

- “Vương An Thạch dĩ tật cư gia, thượng khiển trung sứ lao vấn, tự triêu chí mộ thập thất phản, y quan mạch trạng, giai sở sử hành thân sự tấu.

Ký dũ, phục cấp giả thập nhật, tương an hựu cấp tam nhật. Hựu mệnh phụ thần tức kỳ gia nghị sự.

Thời hữu bất phủ Tân pháp giả An Thạch dục thâm tội chi, thượng “bất khả”, An Thạch tranh chi viết “bất nhiên Pháp bất hành!”.

Thượng viết:

~ Văn dân gian dịch phả khổ Tân pháp!

An Thạch viết:

~ Kỳ hàn, thử, vũ, dân do oán tư, thử khởi túc tuất dã!

Thượng viết:

~ Khởi nhược tính kỳ hàn, thử, vũ chi oán dịch vô gia?

An Thạch bất duyệt, thoái nhi chúc tật. Thượng khiển sứ ủy miễn chi nãi xuất……

Thượng dịch hỉ An Thạch chi xuất, phàm sở tiến nghĩ giai thính; do thị An Thạch quyền ích trọng!”.

     /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXX. Thần tông kỷ  /.

- “Vương An Thạch bệnh ở nhà, Vua cho người của triều đình đến thăm hỏi, từ sáng tới tối 17 lần, coi mạch trạng y quan chẩn đoán ra sao, mọi việc đều phải chạy ngay về đích thân tâu lại.

Chừng đã hết bệnh vua lại cho 10 ngày nghỉ phép, lúc sắp bình phục hoàn toàn lại cho thêm 3 ngày nữa. Lại ra lệnh cho các quan phụ chánh tới nhà ông để bàn công việc.

Bấy giờ có người không đồng ý Tân pháp, (Vương) An Thạch muốn khép tội nặng, vua nói “không được”, An Thạch cãi, nói “không vậy thì Pháp không thi hành được!”

Vua nói:

~ Nghe nói dân chúng cũng rất khổ vì Tân pháp!

An Thạch nói:

~ Trời lạnh buốt, nóng cháy, mưa lũ dân than thở oán hận cũng còn được, (thế nhưng) sự (phản đối) này lẽ nào lại đáng cứu giúp sao!

Vua nói:

~ Lẽ nào ngay đến những cảnh trời lạnh buốt, nóng cháy, mưa lũ rồi cũng không được than thở, oán hận sao?

An Thạch không vui, lui ra, sau đó thì lấy cớ bệnh (không vào triều). Vua sai người đến nhà thăm hỏi, khích lệ thì An Thạch vào triều lại……

Vua cũng vui An Thạch chịu vào triều, (cho nên là) những kế sách An Thạch đưa lên vua đều nghe theo; do đó quyền hạn của An Thạch càng lớn hơn!

[Phụ chú. Việc nói trên được ghi trong Mục những ghi chép ngày Bính Tuất (ngày 28) tháng 11 năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh (1075), sau khi Khâm Châu, Liêm Châu thất thủ vài ngày].

 Ở một đoạn khác:

- “Quí Tỵ……

Thị nhật, chiếu Quản câu Đông Phủ sứ thần bất đắc lệnh Vương An Thạch gia thuộc hành lý xuất Phủ. Dĩ An Thạch cố từ cơ vụ dã!”.

     /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXIII. Thần tông kỷ  /.

- “Ngày Quí Tỵ……

Ngày này, vua ra chiếu lệnh chức Quản câu tại Đông Phủ không được để người nhà Vương An Thạch dọn hành lý ra khỏi Phủ. Đây là do Vương An Thạch (cứ) cố xin miễn hết mọi trách vụ quan trọng!”.

[Phụ chú. Ngày Quí Tỵ nói trên là ngày mồng 7 tháng 2 năm Bính Thìn (1076).

Quản câu ở đây tức như viên Quản lý lo liệu mọi việc ở Đông Phủ.

Về Đông Phủ, sẽ nói ở phần sau].

 (KỲ 3)

Lại ở một đoạn khác:

- “Giao Chỉ chi vi Ung Châu dã, Vương An Thạch ngôn ư thượng viết:

~ Ung Châu thành kiên, tất bất khả phá!

Thượng dĩ vi nhiên.

Kí nhi thành hãm thượng dục triệu lưỡng Phủ hội nghị ư Thiên Chương Các, An Thạch viết:

~ Như thử tắc văn dũ chương, bất nhược chỉ tựu Đông phủ!

Thượng tòng chi”.

        /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. CCLXXIII. Thần tông kỷ  /.

- (Lúc) Giao Chỉ vây Ung Châu, Vương An Thạch nói với vua:

~ Thành Ung Châu vững chắc, (giặc) rồi không phá được đâu!

Vua cho là phải.

Sau khi Thành hãm vua muốn triệu tập 2 Phủ họp bàn ở Thiên Chương Các, An Thạch nói rằng:

~ Nghe tin như thế này thì đã rõ lắm rồi, chi bằng chỉ họp bàn ở Đông Phủ thôi!

Vua theo lời Vương An Thạch”.

[Phụ chú. Việc trên đây được ghi lại ngày 15 (ngày Tân Sửu) tháng 2 năm Bính Thìn (1076).

Lưỡng Phủ (còn gọi Nh Phủ) tức chỉ 2 Cơ quan Trung Thư TỉnhKhu Mt Vin, là 2 Cơ quan nắm trọn guồng máy điều hành Quốc gia.

Trung Thư Tỉnh gọi là Đông Phủ, là chỗ làm việc của Tể tướngTrung Thư.

Khu Mật Viện gọi là Tây Phủ, là chỗ làm việc của Khu Mt Sứ.

Văn Ngạn Bác (1006 - 1097), đã nhắc ở đoạn trước, người phản đối kịch liệt Tân Pháp, từng là Đồng Bình Chương Sự (Tể tướng) kiêm Khu Mt Sứ, là chức quan đứng đầu Khu Mật Viện.

Khi nói với Tống Thần tông chỉ nên họp ở Đông Phủ thì Vương An Thạch muốn sự việc thu hẹp trong nội bộ Cơ quan mình mà thôi, để Cơ quan khác dính vào thì lùm xùm thêm!].  

Qua những gì trưng dẫn trên đây có thể thấy sau việc Tống triều thất trận ở Ung Châu Vương An Thạch vẫn được trọng dụng và tin cậy.

Nếu thật sự có đọc Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” ông Lê Mạnh Thát hẳn phải biết những việc giữa Vương An Thạch và Tống Thần tông tôi dẫn trên đây! Và nếu biết thì chắc chắn rồi Lê Mạnh Thát đã không kết luận rằng Chiến thắng Ung Châu của Giao Chỉ đã chấm dứt vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của Vương An Thạch.

Nếu đi ngược lên, ở cuối Quyển CCXLII (Qu. 242) có đoạn chép như sau:

- “Hi Ninh lục niên……

Nhị nguyệt. Ất Hợi sóc……

Nhâm Dần……

Tiên thị Vương An Thạch dĩ bệnh yết cáo di tuần nãi cầu giải cơ vụ, thả nhập đối thượng diện hoàn kỳ chương, An Thạch cố cầu bãi, thượng bất hứa, viết:

~ Khanh mỗi cầu bãi, trẫm tẩm thực bất an, trẫm tất hữu đãi ngộ khanh bất chí xứ, thả thứ trẫm, khởi Tuyên Đức Môn sự phủ?”.

      /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCXLII. Thần tông kỷ  /.                      

- Năm thứ 6 Niên hiệu Hi Ninh……

Tháng 2. Ngày Ất Hợi mồng 1……

Ngày Nhâm Dần……

Lúc đầu, Vương An Thạch vì bệnh xin nghỉ phép trọn 10 ngày, (để tiếp đó) thì xin được giải bỏ hết mọi trách vụ quan trọng; tới khi vào gặp vua để trình bày sự việc này thì vua tận mặt trả lại tấu văn xin từ chức của Vương An Thạch, (nhưng) Vương An Thạch vẫn cố nài xin giải nhiệm, vua không chấp thuận, nói rằng:

~ Ông cứ xin từ chức làm trẫm ăn ngủ không yên, hẳn là trẫm đãi ngộ ông có chỗ nào không trọn vẹn, xin thứ lỗi cho trẫm, có phải đây là vì sự việc ở Cổng Tuyên Đức mà ra hay không?”.

[Phụ chú. Ngày Ất Hingày mồng 1, tính tới thì ngày Nhâm Dầnngày 28.

V Tuyên Đức Môn. Ngày 14 tháng Giêng năm Quí Sửu (tức năm 1073) Vương An Thạch theo Tống Thần tông đi coi Hội hoa đăng, cỡi ngựa vào Cổng Tuyên Đức thì Vệ sĩ hét cản lại, đánh bị thương ngựa của Vương An Thạch. Vương An Thạch giận lắm, xin bắt giải đám vệ sĩ về Phủ Khai Phong để trị tội, lại xin đuổi 1 nội thị (hoạn quan) ở Ngự Dược Viện. Những thỉnh cầu của Vương An Thạch vua đều chấp thuận. Vương An Thạch vẫn chưa nguôi. Chức Ngự sử Thái Xác đưa sớ lên nói:

~ Nhiệm vụ của quân Túc vệ chỉ là để hộ vệ vua mà thôi, Tể tướng xuống ngựa không phải chỗ phải nơi, vệ sĩ phải la hét. Vậy mà quan chức Phủ Khai Phong nhìn vào uy thế của Tể tướng để rồi thi hành luật pháp không đúng, đánh gậy phạt 10 Vệ sĩ, [như thế thì] từ đây về sau Vệ sĩ nào mà dám làm nhiệm vụ của mình đây? ~

Vua cho lời của Ngự sử Thái Xác là đúng, sự phải quấy trong vụ quan Tể tướng cỡi nga vào Cổng Tuyên Đức rốt cục vua không truy cứu. Trong vụ này 2 quan chức của Phủ Khai Phong là Phán quan Lương Ngạn Minh, Thôi quan Trần Thâm mỗi người phải nộp phạt 10 cân đồng.

Việc này chép lại vào ngày Đinh Sửu (mồng 3) tháng 2 năm nói trên, Quyển CCXLII dẫn trên].

Lòng kính ngưỡng, sự tin cậy của Tống Thần tông với Vương An Thạch thấy rất nhiều trong Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”. Những đoạn tôi trưng dẫn trên đây về những sự việc liên quan Tống Thần tông và Vương An Thạch chỉ là một số thí dụ đủ cho thấy, và thấy rất rõ, Lê Mạnh Thát đã không thực sự đọc bộ Sử thư đã kể, dù rằng trong tự thuật về cuộc Chiến tranh giữa Lý triều / Tống triều cuối năm Ất Mão (1075) và đầu năm Bính Thìn (1076) độc giả thấy rất nhiều lần Lê Mạnh Thát trưng dẫn và viết rõ rằng Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” Quyển này nói thế này, thế này…. và Quyển kia nói thế kia, thế kia…… chỉ nêu Quyển thứ mà không dẫn nguyên văn. Từ đó kết luận của Lê Mạnh Thát về việc mất chức của Tể tướng Vương An Thạch rốt cuộc chỉ là một sự suy đoán sai sự thực, không có chỗ đứng, một suy đoán hỏng cẳng!

                  CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC NĂM 1077.

Mở đầu phần này, Lê Mạnh Thát viết:

       “Ta thấy lúc tin Khâm Châu và Liêm Châu thất thủ báo về Khai Phong thì ngày 25 tháng chạp năm Ất Mão (2 / 2/ 1076) vua Tống Thần Tông và Vương An Thạch cùng triều đình Tống đã lập tức phong cho Triệu Tiết làm An Nam đạo thành doanh mã bộ quân đô tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ, kiêm luôn chức An phủ sứ quảng nam tây lộ cùng với Lý Hiến làm phó An sứ, Yên Đạt làm phó Đô tổng quản và Ôn Cảo làm Quản câu đem quân xuống Nam, tiến hành xâm lược nước ta.

(LSPGVN III. tr. 129, 130).

 Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép:

- “Hi Ninh bát niên.

Thập nhị nguyệt Kỷ Sửu sóc……

Tân Hợi……

Mệnh tri Diên Châu, Thiên Chương Các Đãi chế, Lại Bộ Viên ngoại lang Triệu Tiết vi An Nam đạo Hành doanh Mã bộ quân Đô tổng quản, Kinh lược Chiêu thảo sứ, kiêm Quảng Nam Tây lộ An Phủ Sứ, Chiêu Tuyên Sứ; Gia Châu Phòng Ngự sứ, Nhập nội Áp ban Lý Hiến phó chi. Long Thần vệ Tứ sương Đô chỉ huy sứ; Trung Châu Thích sử Yên Đạt vi Phó Đô tổng quản; Quang Lộc Tự Thừa Ôn Cảo quản câu cơ nghi văn tự”.

      /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXI. Thần tông kỷ  /.

- “Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 12, mồng 1 ngày Kỷ Sửu…….

Ngày Tân Hợi……

Lệnh cho quan trấn thủ Diên Châu, Thiên Chương Các Đãi chế, Lại Bộ Viên ngoại lang (là) Triệu Tiết làm An Nam Đạo Hành Doanh Mã Bộ Quân Đô Tổng quản, Kinh lược Chiêu thảo sứ kiêm Quảng Nam Tây lộ An Phủ sứ, Chiêu tuyên sứ; Gia Châu Phòng ngự sứ, Nhập nội Áp ban Lý Hiến làm phó cho Triệu Tiết. Long Thần vệ Tứ sương Đô chỉ huy sứ, Trung Châu Thích sử là Yên Đạt làm phó đô tổng quản; Quang lộc Tự thừa là Ôn Cảo nắm giữ những các bản văn kế hoạch thích ứng với từng thời cơ”.

 Đối chiếu với nguyên tác thì thấy ngay những cái sai của Lê Mạnh Thát trong đoạn văn dẫn trên!

 + Những cái sai của Lê Mạnh Thát.

(1). Sai về chức phong.

Ngày Triệu Tiết được phong là An Nam đạo Hành doanh Mã bộ quân Đô tổng quản, và một số chức vụ khác là ngày 23 tháng Chạp, tức ngày Tân Hợi, ghi trong đoạn văn của Bộ “Trường Biên” dẫn trên, không là “ngày 25 tháng chạp” như Lê Mạnh Thát ghi sai!

 

(2). Sai về danh hiệu.

An Nam Hành doanh, tiếng “Hành doanh” Lê Mạnh Thát ghi sai là “thành doanh”.

Kế đến, chức “An Phủ sứ” Lê Mạnh Thát viết sai là “An sứ”, sai “Phủ” thành “”!

 Tiếp đó, ở một đoạn sau, Lê Mạnh Thát viết:

       Tục tư trị thông giám trường biên 273 tờ 20b chép việc Dương Tùng Tiên được bổ làm Chiến trạm đô giáp vào ngày 18 tháng ba do đề nghị của y “đem binh bảo Chiêm Thành, Chân Lạp cùng đánh Giao Chỉ”.

(LSPGVN III. trang 133).

Bộ “Trường Biên” chép:

- “Hi Ninh cửu niên.

Tam Nguyệt Bính Thìn sóc……

Quí Vị. Tây Kinh Tả tàng khố Phó sứ Dương Tùng Tiên vi An Nam Đạo Hành Doanh Chiến trạo Đô giám.

Tiên thị, Tùng Tiên ngôn tòng hải đạo xuất binh vi tiện, dục mạo đại dương, thâm nhập Tây nam ngu, nhiễu xuất tặc hậu, đảo kỳ không hư, nhân dĩ binh yêu hội Chiêm Thành, Chân Lạp chi chúng đồng lực công thảo.

Thượng thị kỳ ngôn, toại thụ thử chức”.

   /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXIII. Thần tông kỷ  /.

- “Năm thứ 9 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 3 mồng 1 ngày Bính Thìn……

Ngày Quí Vị (Mùi). (Phong) Tả Tàng khố Phó sứ Dương Tùng Tiên làm An Nam Đạo Hành Doanh Chiến trạo Đô giám.

Trước đó Dương Tùng Tiên nói ra quân theo đường biển là tiện (hơn cả), đưa ý kiến là vượt biển lớn thâm nhập góc ở Tây nam, vòng sau lưng giặc, xung kích vào chỗ không phòng bị của giặc, quân binh ta nhân đó xin hợp với quân của Chiêm Thành, Chân Lạp để hợp lực tấn công.

Vua cho lời này là phải, do đó phong cho Dương Tùng Tiên chức này”.

+ Những cái sai của Lê Mạnh Thát:

(1). Về tên gọi chức quan.

Chức phong của Dương Tùng Tiên ở đây Chiến trạo Đô giám”, Lê Mạnh Thát rồi đã chép sai là “Chiến trạm Đô giám”.

Chữ là “trạo”, không phải là chữ “trạm”. “Trạo có nghĩa là cái “mái chèo”.

 (2). Về ngày tháng.

Ngày mồng 1 tháng 3 nói trên là ngày Bính Thìn, tính lần tới, ngày Quí Vị (Mùi) chép ở đoạn đã dẫn của “Trường Biên” là ngày 28 tháng 3. Vậy ngày Dương Tùng Tiên được phong chức “Chiến trạo Đô giám” là ngày 28 tháng 3, không là ngày “18 tháng ba” như Lê Mạnh Thát ghi sai.

Cũng cần nói thêm ở đây là Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biênvốn không có phần ghi những việc xảy ra vào ngày 18 tháng 3.

Cứ ngày Bính Thìnmồng 1 tháng 3 tính lần tới, ngày 18 tháng 3ngày Quí Dậu.  Chép hết ngày 17 (ngày Nhâm Thân) tháng 3 Bộ “Trường Biên” chuyển qua chép việc ngày Giáp Tuất -ngày 19 tháng 3. Không có ngày “Quí Dậu”!

Không rõ Lê Mạnh Thát lấy đâu ra cái ngày 18 tháng 3 trong Bộ “Trường Biên” để mà nói rằng ngày này Dương Tùng Tiên được phong chức “Chiến trạo Đô giám”?

 (3). Sai về nghĩa chữ.

Chữ “yêu” (cũng đọc âm “kiêu”) trong nguyên tác có nghĩa “xin” (“cầu”), không có nghĩa là “bảo”, có ý ra lệnh, như Lê Mạnh Thát viết.

 Lê Mạnh Thát viết:

       “Ngày mồng 4 tháng 12 năm Bính Thìn (1/ 1/ 1077), Đạt đã thành công ép và dụ hàng Lưu Kỷ. Bảy ngày sau các tướng của Kỷ là Nùng Sĩ Trung và Lư Báo cũng đem quân ra hàng. Đó chính là ngày Quách Quỳ đem quân vượt biên giới tiến vào nước ta. Đạt được cử làm tướng tiên phong cùng với Trương Thế Cự và Tu Kỷ tiến tới ải Quyết Lý và đánh vỡ quân bố phòng của ta ở đây……”.

 Lê Mạnh Thát ghi sai tên của tướng bên Tống. Trương Thế Củ (Cu + hỏi) chứ không là Trương Thế Cự (Cư + nặng). Chữ Củ nghĩa là “Phép tắc”, như trong tiếng “Qui củ”.

Chữ Củ thuộc bộ “Thỉ” (= Mũi tên), bên phải là chữ “Cự” (= Lớn).

 Về địa lý Giao Chỉ, Lê Mạnh Thát viết:

       “Sau chiến thắng Quyết Lý, Quách Quỳ cho dẫn quân về phía Tây, vượt núi Đâu Đỉnh mà tiến về bờ bắc sông Phú Lương và tới đó vào ngày 21 tháng 12 năm Bính Thìn (17/ 1/ 1077). Sông Phú Lương chính là sông Như Nguyệt ngày xưa và sông Cầu ngày nay”.

(LSPGVN. tr. 135, 136).

 Sông Phú Lương thời cổ không phải là sông Như Nguyệt, như Lê Mạnh Thát viết.

Phú Lương là tên cổ của sông Hồng, hoặc còn gọi sông Nh (Hán tự là Nhĩ = Lỗ tai).

Sông Phú Lương bắt nguồn từ mạn Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), và có 2 nguồn:

(1). Nguồn phía Đông là sông Bạch Nhai (có sách chép là Bạch Nham), xuất nguyên từ núi Lương Vương ở huyện Vân Nam.

(2). Nguồn phía Tây là Dương giang, xuất từ núi Hoa Phán ở huyện Mông Hóa.

Sông này nhập lưu tại địa giới huyện Mông Hóa để thành sông Lễ Xã. Sông Lễ Xã theo hướng Đông nam chảy tới huyện Nguyên Giang thì được gọi là sông Nguyên Giang; và sông này cũng tiếp tục đổ theo hướng Đông nam vào địa phận của Giao Chỉ, để từ đây có tên là sông Phú Lương.

Trương Tiệp (1574 - 1640) đời Minh (1368 - 1644) ghi trong “Đông Tây Dương Khảo”:

-Phú Lương giang tại Giao Châu phủ Đông Quan huyện, nhất danh Lư giang, thượng tiếp tam đới châu Bạch hạc giang, kinh thành đông, hạ thông Lợi Nhân huyện Đi hoàng giang, dĩ đạt ư hải.

Tống Quách Quì phá Man Quyết Lý ải, thứ Phú Lương giang”.

/  Sđd. Qu. I. Tây dương liệt Quốc khảo. Giao Chỉ. Hình thắng danh tích  /.

- “Sông Phú Lương ở huyện Đông Quan Phủ Giao Châu, có một tên nữa là sông Lô, ở mạn thượng du nối với châu thổ sông Bạch hạc, chảy ngang mé đông Kinh thành, mạn hạ du thông với sông Đại Hoàng tại huyện Lợi Nhân rồi chảy ra biển.

Thời Tống, Quách Quì phá ải Quyết Lý của dân Man, tới trú quân ở sông Phú Lương”.

Sông Phú Lương chảy ngang mặt Đông của Kinh Thành (Thăng Long) cho nên thời cổ người Trung Hoa còn gọi sông Phú LươngĐông Kinh hà. Sông Phú Lương là sông lớn nhất miền Bắc Việt Nam.

Mở đầu bài Văn tế “Trận Vong Tướng Sĩ”, Nguyễn Văn Thành viết:

   - “Than ôi, trời Đông Phố vận ra Sóc cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay, nước Lô hà chảy xuống Lương giang, nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ!”.

 Về sông Như Nguyệt, Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” viết:

- “Hi Ninh thập niên.

Tứ nguyệt Tân Tỵ……

Đinh Vị. An Nam Chiêu Thảo Sứ ngôn Đề cử tiên phong kỳ binh tướng Giới Định đẳng, bảo minh Phú Lương Giang tiếp chiến cập sách ứng hữu công tổng tam thiên thất thập nhân khất đệ chuyển tư cấp tứ. Tòng chi.

Nội Miêu Lý sở bộ binh thường quá Phú Lương giang giả, lệnh Triệu Tiết tường định.

đồn Quách Quì Tây lục thập lý Như Nguyệt độ, Hoàng Kim Mãn đạo chi quá Giang, bẩm ư Quì nhi hành tiệp lộ, xu Giao Châu thập ngũ lý, Quì truy hồi, tương án quân pháp, Lý cụ ngôn đắc Quì tiết chế nãi miễn”.

     /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXXI. Thần tông kỷ  /.

- “Năm thứ 10 Niên hiệu Hi Ninh.

Tháng 4. Mồng 1 ngày Tân Tỵ……

Ngày Đinh Vị (Mùi). Chức An Nam Chiêu Thảo Sứ tâu rằng chức Đề cử, tướng chỉ huy kì binh đạo tiên phong mấy người Giới Định, các quân binh trấn giữ ở sông Phú Lương  tiếp chiến và ứng viện có công cộng tất cả 3,070 người, xin đệ trình lên để ban thưởng (cho những quan quân này). Vua theo lời tâu của An Nam Chiêu Thảo Sứ.

Còn về (công hay tội) của đội Bộ binh của Nội quan Miêu Lý đã vượt sông Phú Lương  (đánh quân Giao Chỉ) thì (vua) ra lệnh cho Triệu Tiết duyệt xét thẩm định cho kỹ.

(Miêu) đồn quân tại Bến (sông) Như Nguyệt, (cách quân doanh) Quách Quì 60 dặm về phía Tây, do Hoàng Kim Mãn dẫn đường qua Sông (Phú Lương), trình sự việc này lên Quách Quì để hành quân theo đường tắt, tiến vào đất Giao Châu 15 dặm, Quách Quì sai người đuổi theo triệu (Miêu Lý) về, định chiếu theo quân pháp trị tội, Miêu Lý trình bày cặn kẽ mọi việc, được chức Tiết chế nói vào mà thoát tội”.

[Phụ chú. Từ ngày Tân Tỵ mồng 1 tính lần tới, ngày Đinh Vị (Mùi) ghi trên là ngày 27 tháng 4.

Công hay tội của Miêu Lý. Đoạn này mâu thuẫn ở chỗ Miêu Lý đã trình với Quách Quì về việc hành quân theo đường tắt thì ở sau đó không thể viết là Quách Quì cho triệu Miêu Lý về.

Ở đây, Câu bẩm ư Quìtrong đoạn cuối củaTục Tư Trị Thông Giám Trường Biên dẫn trên phải là bẩm ư Đt sự lý mới hợp, vì rằng vào thời điểm này thì tướng Yên Đạt (? - ?) giữ chức Hành Doanh Mã B quân Phó Đô Tổng Quản, chỉ huy Bộ binh và Kỵ binh.

Về mặt Tự dạng, chữ “Quì” và chữ “Đạt” nhìn từa tựa nhau, do đó, có thể nói sự sai lầm kể trên là do người sau nhận lầm, rồi chép lầm mặt chữ, không hẳn là lỗi của tác giả “Trường Biên”!    

1 dặm thời Tống chuyển qua Hệ thống SI (Système International) tương đương 552.96 m.

60 dm = 552.96 m x 60 = 33,177.60 m = 33.1776 km].

 Trở lại với cuốn “Đông Tây Dương Khảo” của Trương Tiệp đã dẫn ở một đoạn trước.

Trương Tiệp có một giòng rất sơ lược về sông Như Nguyệt như sau:

- “Như Nguyệt giang (Nguyên binh dữ Hoài Văn hầu chiến xứ)”.

 /  Sđd. Qu. I. Tây dương liệt Quốc khảo. Giao Chỉ. Hình thắng danh tích  /.                      

- “Sông Như Nguyệt (Nơi quân của Nguyên triều và Hoài Văn hầu giao chiến)”.

[Phụ chú. Hoài Văn hầu tức Trần Quốc Toản.

Phần chữ in nhỏ trong ngoặc đơn của dẫn văn trên đây là phần t chú thích của Trương Tip]. 

 Sông Phú Lương và sông Như Nguyệt được Trương Tiệp tự thuật riêng biệt cho thấy 2 Sông này là 2 con Sông khác nhau!

Lê Mạnh Thát viết:

       “Sau hơn một tháng giằng co với quân ta ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, Quách Quỳ không những không thể đem quân vượt qua sông, mà còn bị quân ta đánh trả quyết liệt. Cùng lúc, lương thảo thì thiếu, một tình hình mà ngay khi mới đem quân vượt qua biên giới nước ta, Quách Quỳ đã gặp phải, như lời tâu của tên phó chuyển vận sứ Quảng Tây là Miêu Thì Trung vào ngày 17 tháng 12 năm Ất Mão (14/ 1/ 1077), mà Lý Đào ghi lại trong Tục tư trị thông giám trường biên 279 tờ 17a”.

(LSPGVN III. tr. 138, 139).

 (KỲ 4)

+ Những cái sai của Lê Mạnh Thát trong đoạn trên.

(1). Lương thảo của quân Tống.

Bộ “Trường Biên” chép:

- “Quảng Nam Tây Lộ Chuyển vận phó sứ Miêu Thời Trung ngôn:

~ Ung Châu hành ty ngôn vận lương phu bất túc, kiến thân đốc đinh phu ứng phó quân tu, kỳ Châu huyện quan lại thỉ mạn, khất tiên giới lệ!”.

   /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXIX. Thần tông kỷ  /.

- “Chuyển vận Phó sứ Quảng Tây Miêu Thời Trung nói:

~ Giới chức trách Ung Châu nói là dân phu chuyển vận lương thảo không đủ, đích thân thần đốc thúc trai tráng [làm việc này] để cung cấp nhu cầu của quân binh, quan lại các Châu huyện thì lơ là, bê trễ, trước hết xin răn đe để họ làm việc này cho đàng hoàng!”.

 Minh Di:

Vấn đề lương thảo của quân Tống ở đây có 2 trường hợp:

1). Lương thảo vốn đủ nhưng vì thiếu người vận chuyển tới các doanh trại, vì lẽ đó mà hóa ra thiếu, tức trường hợp Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” nói ở đây.

2). Lương thảo vốn không đủ thì dầu người vận chuyển có dư thì thiếu vẫn là thiếu!

Tự thuật sự việc thì phải có đầu có đuôi, có nhân có quả. Viết như Lê Mạnh Thát rồi sẽ khiến độc giả hiểu sai là lương thảo quân Tống vốn không đủ (trường hợp 2), việc này sai sự thực!

(2). Sai về thời điểm.

Ngày 17 tháng 12 nói ở đây là năm Bính Thìn (1076), không là năm Ất Mão (1075) như Lê Mạnh Thát ghi ở đoạn dẫn trên.

(3). Sai về nhân danh.

Tên của tác giả “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” là “Lý Đáo” (1115 - 1184), trong đoạn dẫn trên Lê Mạnh Thát ghi sai là “Đào” (Đao + huyền).

Chữ này Từ điển Từ Nguyên thiết âm là:

- “Đồ đáo thiết, khứ, hào vận, định”.

- “Thiết âm là Đồ + đáo, đọc khứ thanh, vận của chữ hào, phụ âm đầu của chữ định”.

Sau đoạn dẫn trên vài giòng Lê Mạnh Thát viết:

       “Cùng lúc với những diễn tiến bất lợi vừa nói về phía địch, mà chắc chắn bộ tham mưu sau khi phân tích kỹ đã nhận thấy, Lý Thường Kiệt gởi sứ đến điều đình với Quách Quỳ. Tục tư trị thông giám trường biên 349 tờ 7a đã ghi tên sứ giả ta là Kiều Văn Ứng. Khi gặp Quách Quỳ, Ứng đã nói: “Xin hạ chiếu rút quân về thì lập tức sai sứ sang tạ tội và tu cống”.

(LSPGVN. tr. 139).

Đọc quyển CCCXLIX của “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” về việc nói trên:

- “Nguyên Phong thất niên.

Đông thập nguyệt Đinh Mão sóc……

Mậu Tý……

Sơ Hi Ninh thập niên, Càn Đức ngôn, khất chiếu hồi đại binh, tức khiển Sứ tạ tội phụng chức cống. Chiếu tòng kỳ thỉnh, lệnh An Phủ ty khiển nhân hoạch định cương giới, nhi Tuyên Phủ sứ Quách Quì dĩ vi tạc đại quân chí Phú Lương giang, Giao Chỉ nạp khoản nhật ngụy Văn Tư sứ Kiểu Văn Ưng dĩ thường nghị định: “đại binh sở chí tức thị phong cương”. Lệnh Thái Bình Trại chủ Thành Trác vãng phân hoạch”.

                     /  Tục Tư Trị Thông Giám trường Biên. Qu. CCCXLIX. Thần tông kỷ  /.

- “Năm thứ 7 Niên hiệu Nguyên Phong.

Mùa Đông, tháng 10, mồng 1 ngày Đinh Mão……

Ngày Mậu Tý……

Lúc đầu, vào năm thứ 10 Niên hiệu Hi Ninh, Càn Đức nói xin vua ra Chiếu thu đại quân trở về thì cho sứ giả qua tạ tội, xin theo kỳ dâng cống. Vua xuống Chiếu chỉ chấp thuận lời thỉnh cầu của Càn Đức, lệnh cho An Phủ Ty sai người định lằn ranh giới, thế nhưng chức Tuyên Phủ sứ Quách Quì nói là trước đây khi đại quân đến sông Phú Lương, vào ngày Giao Chỉ qui hàng, ngụy Văn Tư sứ Kiểu Văn Ưng đã từng đưa ý kiến: “Đại quân tới chỗ nào thì chỗ đó là ranh giới”. Vua lệnh cho Thành Trác, trại chủ Trại Thái Bình đi tới nơi phân đường ranh giới”.

+ Những cái sai của Lê Mạnh Thát trong đoạn trên.

(1). Sai về nhân danh. Kiều Văn Ứng.

1). Tên họ ở đây là “Kiểu” (Kiêu + hỏi), không phải Kiều (Kiêu + huyền).

Chữ “Kiểu”, Từ điển Từ Nguyên thiết âm như sau:

- “Cư yêu thiết, thượng, tiểu vận, kiến”.

- “Thiết tự: Cư + yểu, thượng thanh, vận của chữ tiểu, phụ âm đầu của chữ Kiến”.

2). Tên là “Ưng” (Ưng không dấu), không phải Ứng (Ưng + sắc)

Chữ “Ưng”, Từ điển Từ Nguyên thiết âm như sau:

- “Ư lăng thiết, bình, chưng vận, nh”.

- “Thiết tự: Ư + lăng, bình thanh, vận của chữ chưng, nguyên âm đầu của chữ nh”.

 (2). Sai về sự kiện Lịch sử.

Như nguyên tác “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” tôi trích dẫn ở trên:

1). Không thấy chỗ nào nói Kiểu Văn Ưng là Sứ giả của Giao Chỉ hết.

Như đã dẫn trên, bộ “Trường Biên” ghi chức vụ của Kiểu Văn Ưng là Văn Tư Sứ, thấy chữ “Sứ” Lê Mạnh Thát không hiểu, tưởng chữ “Sứ” này chỉ Sứ giả. Chữ “Sứ” ở đây là tiếng chỉ người đứng đầu 1 Cơ quan, như đứng đầu Khu Mật Viện là Khu Mật Sứ.

Văn Tư Sứ là tiếng gọi gọn lại của “Văn Tư Viện Sứ”, người đứng đầu Văn Tư Viện.

Cơ quan Văn Tư Viện được thành lập vào thời Đường (618 - 907), là một trong các Ty ở Nội phủ, đứng đầu Ty là Văn Tư Sứ, do hoạn quan đảm nhiệm.

Tống triều cũng theo đó mà thiết lập Viện này, lệ thuộc Thiếu Phủ Giám, nhiệm vụ của Ty là chế tạo, cẩn chạm, các vật trang sức khéo đẹp từ vàng, bạc, sừng tê, và ngọc…

Bộ “Trung Quốc Lịch đại Chức quan Biệt Danh Đại Từ Điển” dẫn bộ “Ngọc Hải” của Vương Ứng Lân (1223 - 1296) thời Nam Tống (1127 - 1279) viết:

- “Thái Bình Hưng Quốc Văn Tư Viện. Hưng Quốc tam niên thủy trí Văn Tư Viện, lệ Thiếu Phủ Giám, chưởng công tác chi sự. Hữu Sứ, Giám tứ nhân, Giám môn nhị nhân. Kim thuộc Công bộ, phân thượng, hạ giới”.

- “Văn Tư Viện thời Thái Bình Hưng Quốc. Năm thứ 3 Niên hiệu Hưng Quốc lần đầu thiết lập Văn Tư Viện, lệ thuộc Thiếu Phủ Giám, nắm giữ việc chế tạo những vật dụng tinh xảo. Quan viên có chức (Viện) Sứ, 4 chức Giám, 2 chức Giám môn. Hiện nay Viện thuộc Bộ Công, phân 2 bộ phận thượng giới, hạ giới”. 

[Phụ chú. Niên hiệu Hưng Quốc tức Niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976 - 984) nói gọn - năm thứ 3 tức năm 978. Đây là Niên hiệu của Tống Thái tông (939 - 997; tại vị: 976 - 997)]. 

 2). Không thấy Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép: “Khi gặp Quách Quỳ, Ứng đã nói: “Xin hạ chiếu rút quân về thì lập tức sai sứ sang tạ tội và tu cống.” như ông Lê Mạnh Thát viết một cách khẳng định như trên!

Như “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép, đã dẫn trên, thì câu nói này là của Lý Thánh tông (Càn Đức) nói với Tống Thần tông.

 Ở một đoạn dưới Lê Mạnh Thát viết về 2 động Vật Dương, Vật Ác như sau:

       “Sau khi thu hồi Quảng Nguyên, vấn đề chủ quyền của hai động Vật Dương và Vật Ác được đặt ra. Theo văn thư ngoại giao mà vua Lý Nhân Tông của ta gởi cho Tống Triết Tông vào năm Bính Dần (1086) chép trong Tục tư trị thông giám trường biên 380 tờ 20b, thì gốc gác hai động và kết quả thương lượng cho việc thu hồi hai động này được ghi nhận lại như sau:

       Ấp tôi có tám huyện ở hai động Vật Dương và Vật Ác, giáp với đất nhà vua, trước  sau bị các tù trưởng làm loạn, rồi bỏ đi, mà đem vào quy thuận. Đất Vật Dương thu vào  đất vua năm Bính Thìn (1076), còn Vật Ác thì năm Nhâm Tuất (1082) mới được thu và đặt ải Thông Khang. Tuy đất ấy là nhỏ nhen, nhưng tôi rất lấy làm đau xót, luôn luôn nghĩ tới. Thật tổ tiên tôi ngày trước đã đánh dẹp những kẻ chiếm lĩnh, xông pha gian hiểm mới có được. Nay gặp lúc vận suy đồi, tôi không hay nối thừa sự nghiệp cha ông, đâu dám dự vào hàng thiên thầnsống trong chốc lát. Năm Giáp Tý (1084), tuy kinh lược Quảng Tây đã từng tâu việc ấy. Tiên triều lấy hai huyện Túc, Tang và sáu huyện cho tôi chủ lĩnh. Nhưng các đất Túc, Tang hiện thuộc đất tôi rồi, không phải là đất mà nay tôi xin. Cho nên tôi không dám nhận lệnh. May gặp khi bệ hạ lên ngôi, việc gì cũng đổi mới, tôi kính cẩn tỏ lời biểu này để tâu lên”1.

(LSPGVN. tr. 143, 144).

Cước chú số 1 ở cuối trang 144 nêu trên Lê Mạnh Thát ghi: 

1 Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, NXB Văn học, 1995, tr. 251, 252.

 Như cước chú của Lê Mạnh Thát thì phần chữ nghiêng trong đoạn trên là dịch văn của Hoàng Xuân Hãn, dịch từ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”.

Sau đây tôi trích dẫn nguyên văn đoạn ghi chép về 2 Động Vật Dương, Vật Ác kể trên từ bộ Sử thư “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, để nhận định mức độ chính xác của Hoàng Xuân Hãn trong đoạn dịch trên của ông ta!

Về 2 động Vật Dương, Vật Ác, “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép như sau:

- “Nguyên Hựu nguyên niên.

Lục nguyệt Tân Sửu……

Nhâm Tý……

Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức ngôn:

~ Hạ Ấp hữu Vật Dương, Vật Ác nhị Động bát huyện dữ tỉnh nhưỡng tiếp liên, tiền hậu bị thủ thổ nhân bạn khứ, ủy thân qui minh. Kỳ Vật Dương ư Bính Thìn niên mông thu nhập tỉnh, Vật Ác ư Nhâm Tuất niên mông thu thiết Thông Khang Ải. Tuy thử đẳng đạn hoàn chi địa, vưu thiết thống hoài, thường bất li mộng mị giả, thành dĩ tiên tổ thần bình tích tru cầm tiếm nghịch, xung gian mạo hiểm, tất mệnh chi sở trí dã!

Kim mạt tháo bất năng tự thừa, khởi cảm bị số ư phiên viên, thâu sinh ư khoảnh khắc dã?! Giáp Tý niên, Quảng Tây Kinh Lược Ty thường vi thân tấu tiên triều, dĩ Túc, Tang nhị Động lục huyện tứ thần chủ lãnh - Án Túc, Tang đẳng hiện thuộc hạ Ấp, phi kim tư trần thỉnh chi địa, bất cảm bái mệnh.

Phục ngộ bệ hạ nhất tân vũ nội, cẩn cụ biểu dĩ văn”.

  /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCCLXXX. Triết tông kỷ  /.

- “Năm đầu Niên hiệu Nguyên Hựu.

Tháng 6. Mồng 1 ngày Tân Sửu……

Ngày Nhâm Tý……

Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức nói:

~ Nước hạ thần có 2 Động Vật Dương, Vật Ác gồm 8 huyện nằm tiếp giáp địa vực của bệ hạ, lần lượt bị những kẻ giữ các đất này phản bội lấy đi, theo về với Bệ hạ. Động Vật Dương vào năm Bính Thìn bị thu nhập lãnh thổ của nhà vua, Động Vật Ác thì vào năm Nhâm Tuất bị thu lấy rồi sau lập thành Ải Thông Khang. Tuy rằng các Động này là những mảnh đất nhỏ hẹp nhưng các việc rất đau lòng này thường chẳng lìa giấc mộng của thần, (những đất này) thật sự vốn do tiên tổ của thần ngày trước đánh bắt, diệt trừ những kẻ phản nghịch chiếm cứ không phải lẽ, xông pha gian khổ, trải bao hiểm nguy dốc hết sức mình, bất kể tính mạng mà có được!

Nay thời suy vong (thần) không nối được sự nghiệp cha ông, lẽ nào lại dám vơ vào cho đủ số đất đai vùng biên giới, sống trái đạo nghĩa trong đời sống ngắn ngủi này? Năm Giáp Tý, Ty Kinh Lược Quảng Tây từng tâu lên triều trước, xin lấy 2 Động Túc, Tang 6 huyện ban cho thần làm chủ - Xét ra các Động Túc, Tang hiện nay thuộc về Nước của hạ thần, không phải là những đất thần trình bày để xin hiện nay nên không dám nhận.

Gặp lúc bệ hạ mới lên ngôi thần kính cẩn dâng biểu văn trình bày đầy đủ sự việc”.

Đối chiếu thì thấy một số sai sót của đoạn dịch văn của Hoàng Xuân Hãn như sau:

(1). Dịch không chính xác.

1). Nguyên văn: “Hạ Ấp”.

Hoàng Xuân Hãn dịch là “Ấp tôi” thì không chính xác, có thể gây ngộ nhận.

Chữ “Ấp” ở đây có nghĩa là “Nước”, tức “Quốc gia”.

Hứa Thận (30 - 124), trong bộ “Thuyết Văn Giải Tự”, giải nghĩa chữ “Ấp”:

- “[Ấp]. Quốc dã.”, nghĩa là: - “[Ấp]. Quốc gia”.

 Chữ “Ấp” cũng có nghĩa là chỗ cư dân tụ tập, như nói “thôn ấp”, “xã ấp”……

Cho nên nếu dịch “Ấp” là “Ấp” thì khiến người đọc hiểu lầm Ấp đây là thôn ấp.

Kế đến, chữ “Hạ” ở đây Hoàng Xuân Hãn dịch là “tôi” cũng không chính xác, phải dịch là “hạ thần- vì rằng Giao Chỉ bấy giờ thần phục Tống triều. Hơn nữa, như đã thấy, ở đoạn dưới vua nhà Lý có chỗ tự xưng là “thần” (bề tôi).

 2). Nguyên văn: “tiền hậu bị thủ thổ nhân bạn khứ, ủy thân qui minh.

Hoàng Xuân Hãn dịch:

- “trước sau bị các tù trưởng làm loạn, rồi bỏ đi, đem vào quy thuận.  

Từ điển Từ Nguyên giảng tiếng thủ thổ như sau:

- “[Thủ thổ]. Thủ vệ cương thổ.

Thư Thuấn Điển: “Tuế nhị nguyệt, Đông tuần thủ”.

Truyện: “Chư hầu vi thiên tử thủ thổ, cố xưng thủ”.

Hậu dã phiếm chỉ địa phương trưởng quan chưởng quản trị lý nhất địa khu đích chính sự”.

- “[Thủ thổ]. Giữ và bảo vệ lãnh thổ.

Kinh Thư, thiên Thuấn Điển: “Một năm 2 tháng, vua đi tuần tra ở phương Đông”.

Phần Truyện (Chú thích): “Chư hầu là người giữ đất cho thiên tử, do đó gọi là thủ”.

Sau cũng phiếm chỉ chức trưởng quan địa phương quản trị chính sự ở một địa khu”.

[Minh Di: Phần Truyn kể trên là của Khổng An Quốc (? - ?) thời Tây Hán (206 tr. Cn - 25 Cn)].

 Câu làm loạn, rồi bỏ đi, đem vào quy thuận dịch rất lủng củng, tối nghĩa!

Chữ “bạn” nghĩa là “phản bội”, không là làm loạn như Hoàng Xuân Hãn hiểu sai.

Nóilàm loạn” là dùng quân đánh lại vua mình, chủ mình. Những kẻ được Lý triều giao cho cai quản 2 Động Vật Dương, Vật Ác không nổi dậy đánh Lý triều, chỉ phản bội theo về với Tống triều. “Làm loạn” khác xa với “phản bội”.

 3). Nguyên văn: Tuy thử đẳng đạn hoàn chi địa.

Hoàng Xuân Hãn dịch là: “Tuy đất ấy là nhỏ nhen”.

Tiếng “đạn hoàn” có nghĩa “viên đạn bắn ná”, dùng để thí dụ cái gì nhỏ.

Câu đạn hoàn chi địanghĩa là “đất nhỏ hẹp”.

Sử gia Tư Mã Thiên (145 - 86? tr. Cn) chép trong bộ “Sử Ký”:

- “Tần kí giải Hàn Đan vi nhi Triệu vương nhập triều, sử Triệu Thích ước sự ư Tần, cát lục huyện nhi cấu.

Ngu Khanh vị Triệu vương viết:  Tần chi công vươngquyện nhi qui hồ? vương dĩ kỳ lực thượng năng tiến, ái vương nhi phất công hồ?

Vương viết:  Tần chi công ngã dã bất di dư lực hĩ, tất dĩ quyện nhi qui dã!.

Ngu Khanh viết:  Tần dĩ kỳ lực công kỳ sở bất năng thủ, quyện nhi qui, Vương hựu dĩ kỳ lực chi sở bất năng thủ dĩ tống chi, thị trợ Tần tự công dã! Lai niên Tần phục công vương, vương vô cứu hĩ!.

Vương dĩ Ngu Khanh chi ngôn cáo Triệu Thích.

Triệu Thích viết: … Thử đạn hoàn chi địa phất dữ, lệnh Tần lai niên phục công vương”.

                                            /  Sử Ký. Qu. LXXVI. Ngu Khanh truyện  /.

- “Sau khi Tần rút quân, không vây Thành Hàn Đan nữa, thì Triệu vương vào triều, liền sai Triệu Thích giao ước việc thần phục Tần, cắt 6 huyện cho Tần để giảng hòa.

Ngu Khanh nói với Triệu vương: “Tần tới tấn công nhà vua có phải vì quân mệt mỏi rút về chăng? nhà vua có cho rằng lực của Tần còn có thể tiếp tục tấn công, thế nhưng vì thương nhà vua mà không tấn công nữa hay không?”.

Triệu vương nói: “Quân Tần đánh ta không còn sức nữa, đây chắc chắn vì mệt mỏi mà rút về!”.

Ngu Khanh nói: “Tần thấy lực của mình đánh chiếm cái không thể chiếm được, bởi lẽ đó, khi thấy quân mệt mỏi mà rút về, bây giờ nếu nhà vua nghĩ là quân lực của Tần không thể đánh chiếm được Thành của Triệu mà lại cắt đất nhượng cho Tần thì đây là nhà vua giúp Tần để tự đánh mình! Năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua thì chừng đó nhà vua không cứu được mình nữa!”.

Triệu vương đem lời của Ngu Khanh nói với Triệu Thích.

Triệu Thích viết: “…… vùng đất nhỏ này mà không cho thì năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua nữa……”.

 [Phụ chú. Về tiếng “đn hoàn chi đa”, tham khảo thêm:

- Chiến Quốc Sách. Qu. XX. Triệu Sách 3. Tần công Triệu ư Trường Bình].

 2 chữ thử đẳng trong nguyên tác chỉ  2 Động Vật Dương, Vật Ác, chỉ số nhiều, do đó phải dịch là Những đất này”, “các đất này. Dịch là đất ấy(số ít) thì không chính xác!

Tiếp đến, trong tiếng Việt, tiếng “nhỏ nhenchỉ dùng để chỉ những gì thuộc về tinh thần mà thôi, như nói “tâm địa nhỏ nhen”, “tính tình nhỏ nhen”, “con người nhỏ nhen”...... mà không dùng để chỉ những gì thuộc vật chất, như đất đai, nhà cửa, vật dụng……

Trong tiếng Việt không ai nói “một căn nhà nhỏ nhen”, một “cái bàn nhỏ nhen”.

 4). Nguyên tác: tru cầm tiếm nghịch.

Hoàng Xuân Hãn dịch là “đánh dẹp những kẻ chiếm lĩnh”.

2 chữ tru cầm là “giết, bắt”, tiếm là “quá phận, không chính đáng, không phải lẽ”, và chữ nghịch nghĩa là “phản loạn, phản nghịch”, do đó, câu trên phải được dịch là:

-diệt trừ, bắt giữ những kẻ phản nghịch chiếm cứ (đất đai) không chính đáng”.

Chỉ dịch “những kẻ chiếm lĩnh” không thôi thì không nói hết ý của nguyên tác, tức thiếu các ý “phản nghịch”, “không chính đáng”.

 5). dự vào hàng thiên thần”.

Ai cũng thấy rõ nguyên tác không có câu nào có ý như câu dịch của Hoàng Xuân Hãn.

Không rõ Hoàng Xuân Hãn dịch câu dự vào hàng thiên thần.” từ đâu ra?

Đối chiếu từng câu một với nguyên tác thì có vẻ như Hoàng Xuân Hãn đã dịch câu này từ câu “khởi cảm bị số ư phiên viên”.

Nếu đúng như thế thì Hoàng Xuân Hãn đã dịch rất bậy!

Tiếng bị số tức “sung số”. Từ điển Từ Nguyên giải nghĩa tiếng “sung số” như sau:

- “[Sung số]. Miễn cưỡng thấu số”.

- “[Sung số]. Miễn cưỡng gom lại cho đủ số”.

 Còn phiên viên nghĩa là “vùng đất ở ranh giới 2 nước”.

Phiên là hàng rào, viên là bờ tường thấp. Rào, tường đây chỉ lằn ranh giữa 2 nước.

2 tiếng “phiên viên” còn dùng để chỉ quan chức trấn giữ biên cương bảo vệ đất nước.

 6). Nguyên tác: thâu sinh ư khoảnh khắc.

Hoàng Xuân Hãn dịch là sống trong chốc lát.” - tức đã dịch thiếu mất chữ thâu”, có nghĩa là “trái đạo nghĩa”. Tiếng thâu sinh ở đây có nghĩa là “sống trái với đạo nghĩa”.

Chữ thâu còn có nghĩa là “trộm”, nên có người đã dịch sai là “sống trộm”.

 (2). Dịch thiếu.

Hoàng Xuân Hãn đã không dịch những câu sau đây:

1). Nguyên tác: Thường bất li mộng mị giả.

Như tôi đã dịch ở trên là “thường chẳng lìa giấc mộng của thần- ý nói là sự nghĩ nhớ về việc đòi lại 2 Động Vật DươngVật Ác thường hằng canh cánh bên lòng của vua Lý Nhân tông (1072 -1127; tại vị: 1072 - 1127), đến đỗi trong giấc ngủ sự nghĩ nhớ này vẫn thường hiện trong giấc mộng của vua, tức Lý Nhân tông vẫn thường chiêm bao về việc mất 2 Động Vật Dương, Vật Ác này.

(Vào thời điểm gởi thư này (1086) cho Tống triều, Lý Nhân tông mới có 14 tuổi - còn là một đứa con nít, thì không thể có một sự suy tư, nghĩ ngợi, như viết trong thư. Dĩ nhiên thư là do văn thần triều Lý viết thay vua nhỏ của mình.

Phía bên kia, vua Tống triều, Tống Triết tông (1077 - 1100; tại vị: 1085 - 1100), cũng là một đứa con nít, còn nhỏ hơn vua Lý. Đương thời Tống Triết tông mới có 9 tuổi).

2). Nguyên tác: Tất mệnh chi sở trí dã.

Từ điển Từ Nguyên giải nghĩa 2 chữ “tất mệnh” như sau:

- “[Tất mệnh]. Tận lực hiệu mệnh”.

- “[Tất mệnh]. Tận sức đến xả bỏ cả mạng sống”.

 Tiếng “tất mệnh” nghĩa cũng như “trí mệnh”, nghĩa là “giao mạng, bỏ mạng”.

Các tiếng này được dùng để chỉ sự dốc hết sức lực để làm một việc gì dầu có bỏ mạng cũng đành!

Dịch Kinh, Quẻ Khốn (Đoài / Khảm), Đại Tượng từ:

- “Tượng viết: Trạch vô thủy, Khốn, quân tử dĩ trí mệnh toại chí”.

- “Tượng viết: Đầm không có nước, là (Tượng [hình ảnh] của) Quẻ Khốn, bậc quân tử coi đó mà đến bỏ cả tính mạng để thực hiện cho được chí hướng của mình”.

 Câu này tôi đã dịch ở trên là dốc hết sức mình, bất kể tính mạng mà có được!”.

 3). Nguyên tác: khởi cảm bị số ư phiên viên?”.

Xin coi đoạn liền trước đoạn này.

Những câu dịch thiếu dẫn trên chẳng phải những câu khó khăn chi, vậy mà không hiểu tại sao lại không thấy trong dịch văn của Hoàng Xuân Hãn?

Cuốn sách viết về Lý Thường Kiệt của ông Hoàng Xuân Hãn, theo tôi được biết, được nhiều người ca tụng, trong đó có ông Tạ Chí Đại Trường, do đó, từ trước đến nay cũng được nhiều người trích dẫn. Thế nhưng, với những cái sai như đã thấy thì có lẽ rồi cần xét lại giá trị của cuốn sách này! Rất tiếc là tôi không có cuốn sách này trong tay, do đó tạm thời không thể nói gì, sau này nếu có tôi sẽ duyệt lại coi sự thực, sự hư ra sao?

Không thể vì cuốn sách ca tụng một nhân vật lịch sử của dân tộc mình mà mình vỗ tay ca tụng mà không xét tới những sai lầm về phương diện học thuật.

Cũng như ở đây, tập LSPGVN của ông Lê Mạnh Thát rồi đã sơn phết đủ mọi màu sắc chóa mắt nhiều người về 1 dân tộc anh hùng, cái gì dân tộc ta cũng hay, cũng đẹp, và ngay cả việc xâm lấn đất đai của láng giềng cũng là một hành vi cao cả, như các nước Tây phương đem chiến thuyền, súng ống xâm lược các nước Á Châu yếu thế hơn vào những thế kỷ trước với chiêu bài khai hóa dân mọi rợ. Mới đây, ông được gọi là Sử gia Trần Gia Phụng đã bị con cháu người Chiêm Thành ở hải ngoại phản đối về quan điểm  trong Cuốn “Những Câu Chuyện Việt Sử”, chương “Đường Về Phương Nam” rằng dân Việt ta xưa đã “không tiêu diệt người Chiêm, và chính quyền Đại Việt không chủ trương diệt chủng”. Chỉ một câu nói này thôi, chưa đọc tôi đã có thể thấy cái chương sách này của “ngài sử gia” Trần Gia Phụng méo mó, dẹp lép” như cái lon bia mang bán cho những công ty nấu nhôm lại! Nếu có Cuốn này của Trần Gia Phụng tôi sẽ Phê bình. Về Kiến thức Sử học của “sử gia” này thì độc giả đã quá rõ qua bài Phê bình của tôi năm 2008 về cuộc khởi nghĩa của 2 Bà Trưng của ông ta..

Trong trận chiến từ cuối năm 1075, đầu năm 1076, và 1077, giữa Lý triều và Tống triều Lê Mạnh Thát rất nhiều lần dẫn bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”.

Vấn đề:

Nếu như Lê Mạnh Thát có bộ Sử thư kể trên thì tại sao không đọc và dịch trực tiếp mà phải trích dẫn phần dịch của Hoàng Xuân Hãn, với những cái sai, cái thiếu không thể ngờ được như đã nêu ra ở trên?

Lại nữa, nếu có nguyên bản trong tay thì khi thấy bất cứ đoạn dịch văn của người khác ta cần đối chiếu coi người đó dịch có chính xác hay không?

Trên đây là việc phải làm của người nghiên cứu đúng nghĩa là nghiên cứu, thế nhưng Lê Mạnh Thát đã không làm.

Ở một đoạn sau, Lê Mạnh Thát lại dẫn một đoạn dịch văn của Hoàng Xuân Hãn viết về 2 Động Vật Dương, Vật Ác như sau:

       “Năm Gia Hựu (1057), Nùng Tông Đán đem Động Vật Ác nộp, vua ban tên Thuận An. Đời Trị Bình (1064), Nùng Trí Hội đem động Vật Dương nộp, vua ban tên Quy Hóa. Nay các châu động họ Nùng cai quản, vốn không thuộc xứ Nam Bình. Mà các châu Quy Hóa là đất yết hầu của Hữu Giang, chế ngự các đường xung yếu đi Giao Chỉ, Đại Lý, Cửu Đạo Bạch Y. Vậy xin hạ chiếu cho Giao Chỉ, hỏi vì sao đã xâm phạm châu Quy Hóa và bảo trả lại tất cả các nhân khẩu mà chúng đã cướp. Như thế mới dứt được lòng ác của chúng, khi nó chưa sinh”1.

(LSPGVN. tr. 144, 145).

1 Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, NXB Văn học, 1995, tr. 243.

(Cước chú của Lê Mạnh Thát cuối trang 145). 

Nguyên văn của đoạn trên trong “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” như sau:

- “Kinh Lược ty Hùng Bản dịch ngôn:

~ Gia Hựu trung Nùng Tông Đán dĩ Vật Ác đẳng động qui minh, tứ danh Thuận An châu. Trị Bình trung Nùng Trí Hội dĩ Vật Dương động qui minh, tứ danh Qui Hóa châu.

Kim Nùng thị sở lãnh châu, động bất lệ Nam Bình, nhi Qui Hóa đẳng châu hệ Giang Hữu khống ách yết hầu chi địa, chế ngự Giao Chỉ, Đại Lý, cửu đạo Bạch y chư Man chi yếu lộ. Khất chiếu Giao Chỉ, cật kỳ xâm phạm Qui Hóa Châu chi cố, cập lệnh tận hoàn lược khứ sinh khẩu, tuyệt kỳ trưởng ác vị manh chi tâm!”.

    /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCCXLIX. Thần tông kỷ  /.

- “Hùng Bản bên Ty Kinh Lược cũng nói:

~ Trong khoảng Niên hiệu Gia Hựu, Nùng Tông Đán đem Vật Ác cùng một số Động về qui thuận, vua ban tên Thuận An châu. Trong khoảng Niên hiệu Trị Bình, Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui thuận ta, vua ban tên là Qui Hóa châu.

Những châu, động mà Nùng Trí Hội hiện đang cai quản, vào buổi đầu không thuộc về Giao Chỉ, mà Qui Hóa và các Châu trong khu vực là đất chẹn ở vị thế yếu hại của vùng sông Hữu giang, là con đường trọng yếu chế ngự các tộc dân man Giao Chỉ, Đại Lý, và 9 khu dân man Bạch y. Xin ban chiếu cho Giao Chỉ trách hỏi vì duyên cớ gì xâm phạm châu Qui Hóa, và ra lệnh cho họ giao trả tất cả những người (của ta) bị họ bắt đi, nhằm dứt hẳn cái tâm ác của họ lúc chưa chớm!”. 

[Phụ chú. Nam Bình tức Giao Chỉ].

 (KỲ 5, chót)

Trên Bản đồ Lịch sử, Động Vật DươngChâu Qui Hóa là một, tức Động Vật Dương khi sáp nhập lãnh thổ Tống triều thì đổi cấp số hành chánh, Động trở thành Châu, tức Động Vật Dương thành Châu Qui Hóa.

Trong khi trên Bản đồ thì Động Vật ÁcChâu Thuận An thuộc 2 địa khu khác nhau.

Về vị trí thì Động Vật Ác ở về phía Tây bắc - thiên Tây, Thuận An, cách Thuận An hơn 20 cây số, tính theo đường chim bay. Và như vậy, sau khi Nùng Tông Đán đem Vật Ác về qui thuận, Tống triều đã nhập Động này vào Châu Thuận An.

Châu Qui Hóa ở phía chính Bắc của Châu Quảng Nguyên (ở Đông bắc Giao Chỉ), nằm giáp ranh Quảng Nguyên.

Động Vật Ác trước khi nhập Châu Thuận An, nằm ở phía Đông nam Châu Qui Hóa.

Về vị trí 2 Động Vật Dương, Vật Ác, và các Châu Qui Hóa, Thuận An:

Tham khảo:

- Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Đệ Lục sách. Tống. Liêu. Kim thời kỳ.

Bắc Tống. Bản đồ 34 – 35. Quảng Nam Đông Lộ. Quảng Nam Tây Lộ.

Bây giờ tôi nói những cái không chính xác trong đoạn dịch văn của Hoàng Xuân Hãn.

(1). Dịch thiếu và không rõ ràng.

1). Trước hết là dịch thiếu.

Nguyên tác ghi là “Gia Hựu trung”, nghĩa là “Trong khoảng Niên hiệu Gia Hựu”.

Cũng vậy, ở đoạn dưới, “Trị Bình trung”, nghĩa là “Trong khoảng Niên hiệu Trị Bình”.

Và như vậy, Hoàng Xuân Hãn dịch thiếu chữ “trung”, nghĩa là “trong khoảng”, biểu thị ý không xác định, không biết đích xác.

Niên hiệu Gia Hựu bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng 9 (Âm) năm 1056 (Năm Bính Thân) cho đến ngày mồng 1 tháng 4 năm 1063 (Năm Quí Mão).

Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép:

- “Gia Hựu nguyên niên……

Cửu nguyệt Nhâm Ngọ……

Tân Mão. Cung tạ thiên địa ư Đại Khánh Điện, đại xá, cải Nguyên”.

                    /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CLXXXIV. Nhân tông kỷ  /.

- “Năm đầu Niên hiệu Gia Hựu……

Tháng 9. Mồng 1 ngày Nhâm Ngọ……

Ngày Tân Mão. Cung tạ ơn trời đất tại Điện Đại Khánh, ban lệnh đại xá, đổi Niên hiệu”.

Mồng 1 tháng 9 là ngày Nhâm Ngọ, tính lần tới, ngày Tân Mãongày Mồng 10.

Đến mùa Hạ, tháng 4 ngày Nhâm Thân (ngày Mồng 1) Tống Nhân tông băng.

Anh tông lên ngôi Hoàng đế, và vẫn giữ Niên hiệu Gia Hựu của Tống Nhân tông cho đến ngày Mồng 1 năm sau mới đổi Niên hiệu là Trị Bình (1064 - 1067).

(Tham khảo: “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”. Qu. CXCVIII [Qu.198]).    

2 con số (1057) và (1064) Lê Mạnh Thát để trong ngoặc đơn hàm hồ, vì có thể làm cho người đọc nghĩ sai lạc rằng động Vật Dương bị nhập lãnh thổ Tống triều năm 1057, và động Vật Ác bị nhập lãnh thổ Tống triều năm 1064.

2 con số (1057) và (1064) trong đoạn dịch văn dẫn trên nếu dùng để chỉ năm khởi đầu của Niên hiệu thì, như đã dẫn, điều này sai đối Niên hiệu Gia Hựu: Vì lẽ Niên hiệu này bắt đầu từ năm 1056, không phải 1057. Năm 1064 của Niên hiệu Trị Bình thì đúng.

Còn nếu Hoàng Xuân Hãn muốn nói 2 năm này (1057 và 1064) là 2 thời điểm đích xác 2 động Vật Dương Vật Ác nhập lãnh thổ Tống triều thì nửa trúng, nửa trật.

Trước hết hãy nói “nửa trúng”:

Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép:

- “Gia Hựu nhị niên……

Hạ, tứ nguyệt Đinh Vị……

Giáp Tuất……

Hỏa động man Nùng Tông Đán giả Trí Cao chi tộc dã, cứ hiểm tụ chúng sác xuất phiếu lược. Tri Ung châu Tiêu Chú dục đại phát Động đinh kích chi, tri Quế châu Tiêu Cố độc thỉnh dĩ sắc chiêu hàng; Chuyển vận sứ Vương Hãn dĩ vi Tông Đán bảo sơn khê hoàng trúc gian, cẩu thiết phục yêu ngã, quân vị tất khả thắng, đồ huyên biên hoạn. Nãi độc lãnh binh thứ cảnh thượng, sử nhân triệu Tông Đán tử Nhật Tân, vị viết:

~ Nhữ phụ nội vi Giao Chỉ sở cừu, ngoại vi biên thần hi thưởng chi nhĩ, qui báo nhĩ phụ khả trạch lợi nhi hành! ~

Vu thị Tông Đán phụ tử giai hàng, Nam sự toại bình!”.

    /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CLXXXV. Nhân tông kỷ  /.

- Năm thứ 2 Niên hiệu Gia Hựu……

Mùa Hè, tháng 4 mồng 1 ngày Đinh Mùi……

Ngày Giáp Tuất……

Dân man Nùng Tông Đán ở Hỏa Động, là người trong họ Nùng Trí Cao, đóng ở địa thế hiểm trở, tụ tập quân binh, đã nhiều lần đổ ra cướp bóc. Quan trấn nhiệm Ung Châu là Tiêu Chú muốn điều động một số đông trai tráng tại các Động đi đánh dẹp, trong khi đó chỉ mỗi quan trấn nhiệm Quế châu Tiêu Cố là xin triều đình ra sắc chỉ chiêu hàng; chức Chuyển Vận sứ Vương Hãn cho rằng Tông Đán thủ vùng sơn khê, sau những rừng tre dày đặc, nếu như Tông Đán đặt quân ẩn phục [trong rừng tre] ngăn trở quân ta quân ta chưa chắc thắng được, mà rồi chỉ khuấy động thêm mối lo vùng biên cảnh. Bởi thế  Vương Hãn một mình dẫn quân đến vùng Biên cảnh, sai gọi con của (Nùng) Tông Đán là (Nùng) Nhật Tân tới, nói:

~ Cha ngươi mặt trong là kẻ thù của Giao Chỉ, mặt ngoài là cái mồi ban thưởng béo bở của quan chức vùng biên cảnh, ngươi về nói với cha ngươi, cứ chọn đường nào có lợi mà làm! ~

Cha con Nùng Tông Đán do đó đều ra hàng, việc biên giới phía Nam do đó mà yên!

Cứ ngày Đinh Mùi, mồng 1 tháng 4 tính lần xuống, ngày Nhâm Tuất ghi ở đoạn trên là ngày 28 tháng 4.

Vì cứ nghĩ là năm đầu Niên hiệu Gia Hựu là năm 1057 bởi vậy Hoàng Xuân Hãn ở đây chỉ “ngáp” mà thôi! Hoặc nói cách khác, “nửa trúng” của Hoàng Xuân Hãn ở đây chỉ do ngẫu nhiên mà trúng, chứ không do kiến thức mà trúng! 

Có thể nói như vậy! Vì sao?

Vì lẽ, nếu ghi trong ngoặc đơn năm (1057) là năm Nùng Tông Đán qui hàng Tống triều và đem Động Vật Ác về nhập lãnh thổ Tống triều thì ở đoạn dưới thời điểm năm (1064) ghi trong ngoặc cũng phải là năm Nùng Trí Hội đem Động Vật Dương dâng Tống triều!

Thế nhưng, những việc xảy ra trong Niên hiệu Trị Bình của Tống Anh tông được chép trong Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, từ Quyển CC (Qu. 200) cho tới đầu Quyển CCIX (Qu. 209), duyệt hết 10 Quyển đã nói trên thì không thấy chỗ nào chép về thời điểm Nùng Trí Hội đem Động Vật Ác qui thuận Tống triều cả!.

Đây là “nửa trật”.

Cần phân tích rõ như trên để xét lại coi người viết, ở đây là 2 ông Hoàng Xuân Hãn và Lê Mạnh Thát, có thật sự đọc những sách mà họ đã trích dẫn hay không, để thấy được đâu là kiến thức thực sự, và đâu là chỉ chép lại từ đâu đó không chính xác!

 2). Không chú thích rõ Địa danh. Hiểu sai Địa danh.

1). Chú thích Địa danh.

Địa danh Nam Bìnhtrong đoạn trên của “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” tức chỉ Giao Chỉ. Không dịch rõ ra, để nguyên, thì cần phải giải thích, nếu không, độc giả rồi nghĩ “Nam Bình” là một vùng đất nào ở đẩu ở đâu đó không biết!

2). Không rõ Địa danh.

Tiếng cửu đạo ở đây không phải là danh từ riêng mà Hoàng Xuân Hãn viết Hoa.

Tiếng “Cửu đạo” đây có nghĩa là “9 khu vực”, 9 khu vực tụ cư của Bộ tộc Bạch Y.

Bạch Y tức sắc tộc Bạch Y, Trung Quốc gọi là Bạch Y Man. 

Bạch Y man, cũng gọi Bạch Di, Bách Di, Bãi Di, Bãi Y, Bặc Di, danh xưng tối cổ của tộc hệ Thái-Lào. Khu tụ cư của Sắc tộc này hiện nay là miền Đông bắc nước Lào, ở về phía Tây bắc Việt Nam, và mạn Nam tỉnh Vân Nam.

Hiện tôi không có sử liệu về dân Bạch y nên chưa rõ “9 khu vực” của dân này là những khu nào?

Người Trung Hoa có lúc dùng chữ “Cửu” (Số 9) để phiếm chỉ “số nhiều”, và nếu thế thì tiếng “cửu khu” ở đây có thể dịch là “các khu”, không nhất thiết là “9 khu”.

Tuy nhiên tôi viết điều này với tất cả sự dè dặt trong khi chờ đợi có tài liệu về vấn đề.

 Tiếp liền sau đoạn dẫn trên Lê Mạnh Thát viết”

          “Tuy cãi cọ nhau về nguồn gốc như vậy, nhưng trên thực tế các động này cho đến những năm sau vẫn thuộc về ta. Chẳng hạn ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (1083) khi quân ta tập hợp đe dọa Quy Hóa do Nùng Trí Hội quản lý, thì chính vua Tống đã hạ lệnh đưa Trí Hội vào nội địa Trung Quốc, như Tục tư trị thông giám trường biên 341 tờ 18b đã ghi. Điều này rõ ràng muốn nói, cuộc thương lượng về chủ quyền của hai động này là nhằm về vấn đề pháp lý nhiều hơn là thực tế, vì ta mới tập hợp quân mà Quy Hóa đã thành vô chủ, nghĩa là thuộc về chủ cũ của nó”. 

(LSPGVN. tr. 145).

 Lê Mạnh Thát không biết một thực tế ở vùng biên cảnh Việt – Trung ngày trước là các sắc tộc ở vùng biên cảnh Giao Chỉ / Trung Quốc thời trước rồi ở giữa 2 lằn gươm đao.  Nhìn chung bên nào mạnh thì họ theo! Việc này được ghi chép rất nhiều trong Sử sách Trung Quốc nói chung, và “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” nói riêng!

Và như vậy, nếu nói chủ quyền của hai động này là nhằm về vấn đề pháp lý nhiều hơn là thực tếthì câu này của ông Lê Mạnh Thát đúng là thiếu thực tế, và thực tế này, như đã nói, là “mạnh theo, yếu bỏ”. Áp lực phía nào mạnh thì họ theo về, yếu thì họ bỏ về bên kia! Thực tế là vậy! Lê Mạnh Thát không đọc sử cho nên không thấy được thực tế hiển nhiên này! Hiểu được sự kiện này thì mới hiểu được tại sao quân Giao Chỉ có thể tiến vào nội địa Tống triều một cách nhanh chóng! Vùng Khê Động của Trung Quốc là vùng rào chắn, do đó, một khi không còn rào chắn nữa thì Giao Chỉ tiến rất nhanh!

Nói “ta mới tập hợp quân mà Quy Hóa đã thành vô chủ, nghĩa là thuộc về chủ cũ của nó.

thì rằng Lê Mạnh Thát không coi “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” để thấy là sau khi Tống triều đưa Nùng Trí Hội từ Châu Qui Hóa vào nội địa của mình, Tống triều đã “khai triển việc phòng ngự các con đường trọng yếu ở các cửa ải của Qui Hóa”; nếu là vô chủ thì sao Tống triều lại có hành vi phòng thủ này? (Coi đoạn sau).

Thấy Tống triều đưa Nùng Trí Hội vào nội địa thì ông Lê Mạnh Thát đã nhận định rằng Châu Qui Hóa thành “vô chủ”. Một nhận định con nít!

Lại nữa, nói “Pháp lý” là nói việc thảo luận về khía cạnh hợp pháp hay không hợp pháp của vấn đề chủ quyền đất đai, là nói thương thuyết về mặt ngoại giao… Nhưng một khi đã nói tới việc “tập hợp quân” thì đây là dùng “áp lực Quân sự” để tranh dành, tức đâu còn là chuyện “Pháp lý” nữa! Cho dù dùng áp lực Quân sự nhằm đạt được thắng lợi về mặt Pháp lý đi nữa thì bản chất của vấn đề vẫn là “Quân sự”, là Võ lực. 

Về việc kể trên “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép như sau:

- “Nguyên Phong lục niên……

Thập nhị nguyệt. Tân Vị sóc……

Ất Vị……

Quảng Tây Kinh Lược Ty ngôn:

~ Qui Hóa Châu ngôn: - Giao Chỉ tụ binh dục phục thủ bản Châu. Giao nhân tạc dĩ truy bô Nùng Trí Hội vi từ, xâm phạm Qui Hóa, kim tuy thoái bảo sào huyệt, do thường hữu khuy du chi ý! Kim Trí Hội xưng: - Như Giao Chỉ tái phạm, bản Châu nan ngự, tức đầu tỉnh địa!

Trí Hội ký bất năng kiên cự Giao tặc, nhược lệnh tại bỉ, bất miễn trí khấu! ~

Chiếu Hùng Bản ủy khúc hiểu dụ Trí Hội tỉ trí nội địa, nhưng tướng đạc bả thác Qui Hóa Châu yếu hại ải lộ, như Giao Chỉ phục lai tức thị vô cố nhập tỉnh địa, tự khả di điệp vấn tội!”.

                       /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCCXLI. Thần tông kỷ  /.

- “Năm thứ 6 Niên hiệu Nguyên Phong……

Tháng 12. Mồng 1 ngày Tân Mùi……

Ngày Ất Mùi……

Ty Kinh Lược Quảng Tây nói:

~ Châu Qui Hóa nói: - Giao Chỉ tụ tập quân binh muốn chiếm lấy bản Châu. Trước đây người Giao Chỉ lấy cớ truy bắt Nùng Trí Hội, xâm phạm quản hạt Qui Hóa, hiện giờ tuy đã rút về giữ sào huyệt nhưng vẫn luôn có ý dòm ngó (hòng chiếm châu này)! Bây giờ Trí Hội nói: - Nếu Giao Chỉ lại tới xâm phạm thì Châu khó mà chống lại được, chừng đó sẽ về vùng đất của triều đình!

(Nùng) Trí Hội đã không thể kiên quyết chống cự giặc Giao Chỉ thì nếu để Trí Hội tại đó rồi không khỏi khiến giặc tới cướp! ~

Triều đình ra chiếu chỉ cho Hùng Bản khéo léo uyển chuyển nói rành mạch tình thế cho Trí Hội biết để đưa Trí Hội vào nội địa, nhưng vẫn phải y như cũ xem xét (tình hình) mà khai triển việc phòng ngự các con đường trọng yếu ở các cửa ải của Qui Hóa, nếu như Giao Chỉ lại kéo đến nữa thì đây là vô cớ xâm nhập địa phận của tỉnh, chừng đó có thể gởi văn thư hỏi tội!”. 

 Một vài nhận định.

(1). Phương pháp làm việc.

Bài phê bình này, cũng như những Bài phê bình trước đây, cho thấy rất rõ một điều là khi trích dẫn sử liệu Lê Mạnh Thát đã không chính xác, trung thực, thậm chí dịch sai và hiểu sai nữa!

Như có thể thấy rõ ràng trong bài Phê bình ở đây những gì Lê Mạnh Thát nói là dẫn từ Bộ Sử thư “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, duyệt lại thì phần lớn không đúng hoàn toàn như nguyên tác chép.

(2). Quan điểm Sử học.

1). Trung Quốc đem quân đánh Giao Chỉ, trả đũa việc Giao Chỉ đưa quân tấn công các Châu Khâm, Liêm, và Ung, thì Lê Mạnh Thát gọi là “xâm lược”.

Trong khi đó, Giao Chỉ đưa quân vượt biên cảnh phương Nam đánh chiếm đất đai của Chiêm Thành thì Lê Mạnh Thát gọi đây là “mở mang bờ cõi”.

Và Giao Chỉ đưa quân tấn công Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, tàn sát quân, dân thành Ung Châu thì không thấy Lê Mạnh Thát gọi là gì?

2). Trong trận Chiến cuối năm Ất Mão (1075) và đầu năm Bính Thìn (1076), khi viết về các nhân vật Lịch sử Trung Quốc, trước tên những người này Lê Mạnh Thát rất thường dùng những tiếng như:

1/. Tên.

Về Trần Vĩnh Linh, tướng trấn thủ Liêm Châu, Lê Mạnh Thát viết:

- “…… tên tướng coi Khâm Châu là Trần Vĩnh Linh”.

2/. Y.

Về Tô Giàm, quan trấn thủ Thành Ung Châu, Lê Mạnh Thát viết:

- “……. Khi đại quân ta tới, y ngoan cố kiên quyết tử thủ. Để tử thủ, y tiến hành một số biện pháp”.

 Người viết Sử ghi lại sự kiện Lịch sử một cách bình tĩnh, không để cảm tính xen vào.

Những tiếng “tên”, “y” dùng trong bộ LSPGVN trên đây là những tiếng khinh thị, trong lãnh vực Sử học nên tránh sử dụng những tiếng biểu lộ sự hằn học, sự “căm thù” như kiểu này. Đây dứt khoát không phải là phong cách của người viết Sử. Mỗi lãnh vực có một đòi hỏi riêng, không thể vượt quá!

 Lữ Tổ Khiêm (1137 - 1181) viết:

- “Lân quốc chi hiền, địch quốc chi thù dã!”.

                        /  Đông Lai Bác Nghị. Qu. I. Tang Ai bá gián Cáo đỉnh  /.                        

- “Người hiền năng của nước láng giềng là kẻ thù của nước đối địch!”.

Cứ đó thì mỗi người phục vụ vì quyền lợi của đất nước mình. Khi quân binh nước khác xâm nhập lãnh thổ, như trường hợp Giao Chỉ vượt biên cảnh tấn công Trung Quốc vào cuối năm 1075, thì trong tinh thần phục vụ vừa kể quan và tướng Tống triều có tận sức chống lại cũng là việc đương nhiên phải làm! Lẽ nào những quan tướng của Tống triều như Trần Vĩnh Linh, Tô Giàm…… khi thấy quân Giao Chỉ tới đánh thì lập tức mở cổng dâng Thành thì mới được Lê Mạnh Thát dành cho những lời lẽ nhẹ nhàng, không dùng những tiếng “tên”, những tiếng “y”, mà chỉ có những kẻ rừng rú mới viết ra, nói ra được mà thôi! Lẽ nào Lê Mạnh Thát lại viết Sử kiểu này chăng? nếu thế thì Sử thư rồi đều là loại sách để nước này chửi nước kia cho sướng miệng nói, cho khoái tay viết!  

Mỗi lãnh vực học thuật có một đòi hỏi riêng, không thể vượt quá!  

                                                                         &

Minh Di.

Vu xứ. Sydney.

08 / 11 /2011.

 Thư Mục.

[1]. Thượng Thư Khổng Truyện.

Tây Hán. Khổng An Quốc chú giải.

Thượng Thư Bản.

Bản này là 1 Tổng Tập gồm 9 Tác phẩm nghiên cứu Thượng Thư (tức Kinh Thư) của một số học giả từ thời Tây Hán (206 tr. Cn - 08 Cn) đến Thanh triều (1644 - 1911).

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1998 / Sơ.

[2]. Chiến Quốc Sách.

Tây Hán. Lưu Hướng tập lục.

Triệu Tống. Diêu Hoằng tục chú.

                    Bảo Bưu tân chú.

Nguyên. Ngô Sư Đạo bổ chính.

Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã (TQ)      1985 / Sơ.

[3]. Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. (Đệ Nhị Bản).

Nam Tống. Lý Đáo.

Điểm hiệu: Thượng Hải Sư Phạm Đại Học Cổ Tịch Chỉnh Lý Nghiên Cứu Sở.

                   Hoa Đông Sư Phạm Đại Học Cổ Tịch Chỉnh Lý Nghiên Cứu Sở.

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2004 / Sơ.

[4]. Tộc Thủy Ký Văn.

Bắc Tống. Tư Mã Quang.

Điểm hiệu: Đặng Quảng Minh. Trương Hi Thanh.

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2006 / 3.

[5]. Thông Điển (Thập Thông Bản. Đệ nhị Bản).

Đường. Đỗ Hựu.

Chiết Giang Cổ Tịch Xuất Bản Xã      2000 / Sơ.

[6]. Văn Hiến Thông Khảo (Thập Thông Bản. Đệ nhị Bản).

Nguyên. Mã Đoan Lâm.

Chiết Giang Cổ Tịch Xuất Bản Xã      2000 / Sơ.

[7]. Trung Quốc Thông Sử.

Lữ Tư Miễn.

Thượng Hải Ấn Thư Quán (HC)      1982 / Không ghi lần xuất bản.

[8]. Quốc Sử Đại Cương.

Tiền Mục.

Thương Vụ Ấn Thư Quán (ĐL)      1991 / 2.

[9]. Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí.

Đường. Lý Cát Phủ.

Hạ Thứ Quân điểm hiệu.

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2005 / 2.

[10]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập (Nhị sách. Tần. Tây Hán. Đông Hán).

[11]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập (Ngũ sách. Tùy. Đường. Ngũ Đại Thập Quốc).

[12]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập (Lục sách. Tống. Liêu. Kim).

3 Tập Lịch sử Địa đồ ghi số hạng [10], [11], [12] trên đây:

Đàm Kỳ Tương chủ biên.

Trung Quốc Địa Đồ Xuất Bản Xã (Tinh trang Bản. HC)      1996 / 3.

[13]. Lãnh Ngoại Đại Đáp Hiệu Chú.

Nam Tống. Chu Khứ Phi.

Dương Vũ Tuyền hiệu chú.

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1999 / Sơ.

[14]. Đông Tây Dương Khảo.

Minh. Trương Tiệp.

Tạ Phương điểm hiệu.

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1981 / Sơ.

[15]. Vũ Kinh Tổng Yếu.

Bắc Tống. Đinh Độ. Tăng Công Lượng.

Trung Quốc Binh Thư Tập Thành Bản. (Tập 3. 4. 5).

Giải Phóng Quân Xuất Bản Xã & Liêu Thẩm Thư Xã      1988 / Sơ.

[16]. Trung Quốc Lịch Đại Chức Quan Biệt Danh Từ Điển.

Cung Diên Minh.

Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã      2006 / Sơ.

[17]. Giản Minh Trung Quốc Lịch Đại Quan Chế Từ Điển.

An Tác Chương chủ biên.

Tề Lỗ Thư Xã      1990 / Sơ.

[18]. Trung Quốc Độ Lượng Hành Sử.

Dân Quốc. Ngô Thừa Lạc.

Thượng Hải Thư Điếm      1984 / Sơ. [Thương Vụ Ấn Thư Quán 1937 Sơ bản].

[19]. Kinh Truyện Thích Từ.

Thanh. Vương Dẫn Chi.

Dân Quốc. Hoàng Khản. Dương Thụ Đạt phê ngữ.

Nhạc Lộc Thư Xã (TQ)      1984 / Sơ.

[20]. Thuyết Văn Giải Tự Chú.

Đông Hán. Hứa Thận.

Thanh. Đoàn Ngọc Tài chú.

Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã (TQ)      2006 [Nhị bản] / 15. (1988 [Nhị bản] / Sơ).

[21]. Khang Hi Tự Điển.

Thanh. Thánh tổ (Khang Hi) sắc soạn.

Lăng Thiệu Văn đẳng toản tu.

Cao Thụ Phiên trùng tu.

Linh Ký Xuất Bản Hữu Hạn Công Ty (HC)      1981 / Sơ.

[22]. Cổ Đại Hán Ngữ Tự Điển.

Vương Lực (1900 - 1986) chủ biên.

Đường Tác Phiên. Quách Tích Lương. Tào Tiên Trạc.

Hà Cửu Doanh. Tưởng Thiệu Ngu. Trương Song Đê.

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2003 / 4.

[23]. Từ Hải (Hợp đính Bản).

Chủ biên: Thư Tân Thành. Thẩm Di. Từ Nguyên Cáo. Trương Tướng.

Trung Hoa Thư Cục (HC)      1983 / Trùng ấn.

[24]. Từ Hải. (Thái đồ Súc ấn Bản - 1999 Bản. Ngũ Quyển Bản).

Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã      2007 / 6.

[25]. Từ Nguyên (Súc ấn Hợp đính Bản. 1987 Bản).

Chủ biên: Quảng Đông. Quảng Tây. Hồ Nam. Hà Nam Tu đính Tổ.

Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC)      1987 / Sơ. 

[26]. Từ Vị.

Văn Hóa Đồ Thư Công Ty Biên Thẩm Ủy Viên Hội biên tập.

Lục Sư Thành chủ biên.

Văn Hóa Đồ Thư Công Ty (ĐL)      Dân Quốc năm 74 (1985) / Khuyết.

 Việt Nam.

[1]. An Nam Chí Lược.

Việt Nam - Trần. Lê Tắc.

Trung Quốc. Vũ Thượng Thanh điểm hiệu.

+ Hải Ngoại Kỷ Sự.

Thanh. Đại Sán (Từ Thạch Liêm).

Dư Tư Lê điểm hiệu.

Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2000 / Sơ.

 

Tags: BIÊN KHẢO
Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: TẢN MẠN
Tags: THAM KHẢO

Đăng nhận xét

Tin liên quan