KÍNH GIỚI THIỆU TRANG TRUYỆN NGẮN NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA & LÊ THỊ NHỊ

KÍNH GIỚI THIỆU TRANG TRUYỆN NGẮN NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA & LÊ THỊ NHỊ

Truyện ngắn mới: "Nụ Hôn Vĩnh Biệt" (Tháng Năm 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

Mời đọc truyện ngắn thứ tám

của

loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

 Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

https://dconnect.co.jp/friend/

Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 8. Nụ Hôn Vĩnh Biệt


Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Cuối tháng Chạp âm lịch, tôi dự một phiên họp về kỹ thuật điện ở Houston, Texas.  Chiều thứ Sáu là ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, họp xong tôi vội vàng lái xe đi Austin, Texas thăm mẹ và sẽ ở đó đến sáng Chủ Nhật.  Rời chỗ họp, tôi gặp giờ tan sở xe kẹt như nêm và mất cả tiếng đồng hồ mới ra khỏi thành phố.  Trời mưa lâm râm dưới bầu trời xám xịt, con xa lộ tiểu bang hẹp mà đông xe, và dân Texas lái xe bạt mạng khiến tôi phải thủ thế lái chậm rì và bực bội lằm bằm suốt buổi.  Vừa bước vào nhà, tôi bị mẹ chỉ mặt mắng yêu,

“Thằng Ba Hoa ni đi cau có như nhà khó hết ăn rứa?”

“Ngày anh con đi dạy, học trò kêu là ‘Ông Ba Bông Héo,’ mẹ không biết sao?” Bình cô em gái duy nhất bước tới ôm chào tôi và đỡ lời mẹ.

“Hồi đó tụi học trò con gái phá như quỷ khiến tao sợ sốt vó phải làm bộ lập nghiêm thôi,” tôi cười dã lã.

Ba Hoamột cây nhát gái, có chị làm chứng ,” giọng phụ nữ nói tiếng Huế vang lên.

Tôi giật mình la lớn khi thấy người đàn bà có tuổi xinh đẹp, “Chị Quyên!”  Tôi ôm chào chị và rỉ tai câu nói đã hơn một lần xuất hiện trong giấc ngủ mộng mị của thời niên thiếu,

“Chị biết không, người yêu đầu đời của tôi là cái cô đẹp đẹp lớn hơn tôi đến sáu tuổi, làm quả phụ đến lần thứ ba mà còn trinh bạch, và thương tôi như chị vậy.”

Bình giải thích sự hiện diện của Quyên,

“Mẹ gặp chị Quyên tháng trước, khi lên chùa Linh Bảo làm công quả.  Chị nhận ra mẹ và nhắc lại ngày đó mẹ cầm đầu phái đoàn Ủy lạo Gia đình Tử sĩ đến điếu tang và chia buồn khi chồng chị là anh Hoàng bị Việt Cộng sát hại; anh là trung úy dưới quyền cha ở Trung đoàn XX.”

“Nghe nói Ba Hoa về Austin, chị không thể bỏ quá dịp gặp lại em,” Quyên rưng rưng tiếp lời Bình.

* * *d

Ba mươi năm trước, tôi học đệ nhất (lớp 12) ở Ban Mê Thuột (“BMT”) và tối cuối tuần hay la cà ngoài phố với Dương, bạn thân của ông chú họ tôi ngoài Huế.  Anh là thiếu úy tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia khóa 19 và phục vụ tại bộ Tư lệnh Sư đoàn YY Bộ binh.  Anh đưa tôi đi ăn và đi quanh quẩn trong phố rồi vào ngồi quán cà-phê Trúc trên đường Quang Trung.  Quán bán cả bia rượu, có sàn nhảy để khiêu vũ, và cuối tuần có nhạc sống.  Tôi nhỏ tuổi nhất trong số khách đến quán nên chịu phép ngồi yên uống Coca-Cola và nghe lóm chuyện người lớn.  Đến khuya, chúng tôi đi bộ dăm bảy phút về phía sau nhà tôi, vạch hàng rào kẽm gai chui qua, và leo lên gác ngủ.  Căn gác có lối đi lên riêng, chúng tôi đi về không ai hay.

Khoảng gần Tết, Hoàng về BMT.  Có một thời anh đính hôn với bà cô họ tôi ngoài Huế, nhưng không biết vì lý do gì nhà gái thối hôn.  Anh thi rớt Tú tài I, tình nguyện nhập ngũ vào Liên trường Võ khoa Thủ Đức khóa 13, và ra trường phục vụ ở Phan Thiết vài năm trước khi được thăng trung úy và đổi về Trung đoàn XX Bộ binh của cha.  Anh uống rượu như hũ chìm, hành sự bốc đồng, và không chín chắn điềm đạm như Dương.

Một tối Chủ Nhật, tôi và Dương vào quán Trúc nhập bọn với Hoàng và nhóm sĩ quan đồng ngũ của anh.  Khoe khoang về một cô gái mới quen, anh xuýt xoa,

“Người chi mà đẹp lạ đẹp lùng!  Vẻ mặt xinh xắn, thân hình hoàn hảo, và dáng đi yêu kiều.  Tui mà lấy được hắn một ngày rồi bữa sau ngủm củ lèo cũng thỏa dạ!”

Đại úy Cân thượng cấp của anh ngồi trong bàn rượu cho biết người đẹp là Tôn nữ Lệ Quyên, giáo sư trường Sư phạm Cao nguyên đào tạo giáo viên người Thượng, bị đồn đãi là có số sát phu rất nặng; ông nói,

“Năm ngoái thằng trung úy An đại đội trưởng của tao đi hỏi nó, được hai tuần thì bị bắn chết khi đi hành quân ở Buôn Hô.  Đầu năm nay, thằng trung úy Bình từ Pleiku đổi về thay thằng An, điếc không sợ súng, mê sắc đẹp hồ ly, và đính hôn với nó đúng ba tuần rồi cũng tiêu tùng.”

Bị tiếng sét ái tình đánh gục nên Hoàng bất chấp lời đồn đãi và một tháng sau, nhờ ông Cân đứng làm chủ hôn đám cưới của anh và Quyên.  Chỉ được hai tuần, một buổi tối giữa tuần Dương đến căn gác của tôi.  Thấy nét mặt anh buồn dàu dàu, tôi đoán ra,

“Anh Hoàng chết rồi, phải không?”

“Đêm qua nó cầm đèn pin đi xem xét giao thông hào phòng thủ, vô ý để đèn pin rọi hướng ra ngoài, và bị bắn sẻ chết.  Tau được lệnh ‘ông già’ nói chuyện với mi và giao công tác cho mi.”  “Ông già” anh nói là cha.

“Học trò quèn như tui mà làm được chi?”  Nhưng lệnh cha không thể không làm.

Để thi hành công tác, tôi tháp tùng mẹ và các phu nhân trong phái đoàn Ủy lạo đến nhà Quyên.  Chị nhân tiện mời tôi trở lại lấy sách mà Hoàng đã gửi mua ở Sài gòn cho tôi.  Buổi tối đến chị lấy sách, tôi vừa xem sách vừa nói chuyện trong khi chị nấu chè đậu xanh đánh – món ăn khoái khẩu của tôi – cho tôi ăn.  Dần dần tôi quen thân với chị, đến chị tối thứ Sáu (trước ngày gặp Dương để báo cáo công tác), và được chị chiều chuộng như em trai cưng.  Chị không bao giờ đề cập tới tin tức liên hệ tới cha hay Trung đoàn XX nên công tác dò xét của tôi không có kết quả.  Chị thố lộ,

“Lễ cưới vừa xong, anh Hoàng bị gọi vô đơn vị cắm trại 100 phần trăm.  Rồi anh đi!  Qua ba đời chồng mà chị còn trong trắng như thời học Đại học Khoa học Huế.”

Quyên tận tình chỉ dẫn tôi tìm hiểu các ngành học ở đại học và cân nhắc sở trường của mình.  Nhờ đó, tôi nộp đơn thi vào trường Cao đẳng Điện học, về Sài gòn thi, và trúng tuyển.  Tôi đến chị báo tin thi đậu và từ giã trước khi về Sài gòn học.  Chị gượng cười, nhưng mặt buồn rười rượi,

“Chúc mừng ông kỹ sư tương lai!  Cha chị đau nặng có lẽ không qua khỏi, chị phải về Huế liền.”

“Mai mốt chị có trở lại không?”

“Chị đã xin nghỉ dạy.  Em đi rồi, chị còn ai thân thiết ở thành phố Buồn Muôn Thuở ni?”

Trời đổ mưa tầm tã khi tôi ra về.  Chị gọi xích lô và đi cùng với tôi, nói để trả tiền xe.  Mưa lộp độp trên tấm bạt che át tiếng nói, chúng tôi phải kề mặt thật sát nhau mới nghe rõ.  Trong khoang xích lô chật hẹp, hai thân hình tựa khít vào nhau.  Hơi ấm từ cơ thể chị khiến người tôi nóng ran và tim đập thình thịch.  Chị thì thầm, hơi thở thơm tho quyến rủ,

“Chị còn con gái, em nhớ không?”

“Ư ư . . .,” tôi bấn đầu bấn óc.

“Chị sẵn lòng cho em hết.  Tới sân nhà rồi, cho chị lên gác với em.”

“Không chị ơi,” tôi choàng tỉnh, nhảy ra ngoài xe, và thở hổn hển chạy ào lên gác.

Ba hôm sau, lòng còn vương vấn nỗi buồn xa Quyên, tôi theo Dương đến quán Trúc dự tiệc “rửa lon” của ông Cân, ông vừa được thăng chức thiếu tá.  Khoảng chín giờ tối, tôi uống đến chai Coca-Cola thứ ba, và Dương vừa từ sàn nhảy trở lại, Quyên chợt xuất hiện kéo tay tôi,

“Mau theo chị, chạy mau . . .”

Tôi theo Quyên như cái máy; Dương cũng theo bén gót.  Ba phút sau, khi đã chạy ra ngoài khá xa, chúng tôi nghe hai tiếng nổ lớn từ trong quán phát ra.  Chợt hiểu ra, anh chộp hai tay chị khóa chặt,

Mi . . . cô là đặc công Việt Cộng!  Cô đã chỉ điểm đồng bọn ám toán ba người sĩ quan bên tôi; chừ khủng bố giết người.”

“Buông tay cho tôi ngồi, tôi sẽ khai,” được Dương cho ngồi bên vệ đường, chị chậm rãi nói, “Biết các anh gài Ba Hoa giao tiếp với tôi để thám thính, phía chúng tôi án binh bất động nên các anh không tìm ra manh mối về chuyện ba anh chồng hờ của tôi bị chỉ điểm và phục kích bắn tỉa.  Tôi được lệnh bắt cóc Ba Hoa đưa vào mật khu làm con tin trước ngày em đi Sài gòn, nhưng nhất định không chịu nên bị họ nhốt ở chỗ ẩn náu bí mật dưới suối Đốc Học.”

Quyên tha thiết nhìn tôi,

“Chị không thể nào hại em!  Chị nghe lén kế hoạch đánh quán Trúc:  Cán bộ cảm tử hai tay cầm hai quả lựu đạn vào tận bên trong mới rút chốt để  cùng chết chung.  Chị tìm cách thoát thân và tìm đến vừa đúng lúc để cứu em.”

* * *

Kỷ niệm xưa bàng bạc trong tâm tư, trưa thứ Bảy tôi đến nhà Quyên ở Pflugerville, thành phố lân cận với Austin.  Chúng tôi đứng trong nhà bếp, chị vừa thuật lại chuyện đời chị sau đêm lựu đạn nổ vừa nấu nồi bún bò và soong chè đậu xanh đánh đãi tôi, giống như ngày tôi đến nhà chị “do thám.”

Sau khi tôi sợ hãi chạy một mạch về nhà, Dương quyết định thả Quyên đi, thay vì giải chị giao cho An ninh Quân đội.  Chị về Huế sống với gia đình và để giữ trọn lời hứa với anh sẽ cải tà quy chánh, dùng giấy tờ của cô em Lệ Hoa nhỏ hơn chị một tuổi và giống hệt như chị để trở lại học Đại học Khoa học Huế.

Hằng ngày Lệ Hoa (tên mới của Quyên) đến thăm hỏi và săn sóc mẹ Dương.  Anh là con một, cha mất sớm, mẹ buôn tảo bán tần nuôi ăn học đến khi anh vào trường Võ bị.  Bà mẹ thương mến chị và giục giã anh cưới chị, nhưng anh cứ lần lữa – có lẽ chưa quên chuyện cũ.  Mãi đến khi bà mẹ lâm bệnh nặng chờ chết, anh mới chịu cưới chạy tang; nhưng chị đợi sau khi lấy bằng Cử nhân Khoa học Ứng dụng về tạo tác thủy lợi mới dọn lên BMT sống với anh.  Anh được thăng chức nhanh, làm trung tá trưởng Phòng Tư (ban Tiếp liệu) của Sư đoàn YY, và năm 1974 tử nạn khi bay trực thăng thị sát chiến trường, trực thăng trúng hỏa tiễn B-40 của Việt Cộng rồi bốc cháy.  Lúc đó, chị vừa sinh cô con gái thứ hai.

Lệ Hoa đưa con về Sài gòn sinh sống.  Giữa cơn hấp hối của Sài gòn cuối tháng Tư năm 1975, biết Việt Cộng sẽ không bao giờ tha “kẻ phản bội” như mình, chị nhờ Phấn, thiếu tá Hải quân độc thân và bạn thân đồng khóa Võ bị của Dương, dàn xếp cho mẹ con chị di tản bằng tàu Hải quân với gia đình ông ta gồm mẹ và cô em gái.  Sang đến đảo Guam, mỗi gia đình đi một ngả:  Phấn sang trại tỵ nạn Đồn Indiantown Gap ở tiểu bang Pennsylvania, và chị sang trại Đồn Chaffee ở Arkansas.  Từ trại Đồn Chaffee, chị được bảo trợ ra định cư ở Austin và làm kỹ sư thủy lợi cho sở Điện lực Thành phố Austin.

Phấn định cư ở Chicago, Illinois làm phụ thợ máy.  Hai năm sau, mẹ ông mất và cô em gái lấy chồng và ra riêng, ông gọi điện thoại nhờ Lệ Hoa sắp xếp để dời về Austin làm việc trong xưởng hàn điện tử.  Hai người ở gần nhau, ông ghé thăm chị hằng ngày, chăm sóc con chị, và sau cùng xin lập gia đình với chị.  Nhân bị xưởng hàn điện tử sa thải, ông học làm nail, một nghề đang bộc phát mạnh mẽ ở Hoa kỳ.  Ông khéo tay và chiều khách, dần dần sang lại tiệm làm chủ, và mở thêm tiệm thứ hai rồi tiệm thứ ba.  Ông làm giàu nhanh chóng, và chị sinh cho ông một cô con gái.

Trong tay đã sẵn đồng tiền, Phấn hay trở chứng bay về Sài gòn du hí với các “em” trẻ đẹp chiều chuộng ông hết mình.  Sau một chuyến áo gấm về làng, ông trở về kiếm cớ ly dị Lệ Hoa rồi đưa cô vợ mới mới hai mươi tuổi sang Hoa kỳ.  Người đẹp của ông là cô gái Sóc Trăng nhà quê học chưa hết lớp 6 và hoàn toàn lạc lõng ở xứ này vì không biết một chữ tiếng Anh, không biết sử dụng dụng cụ trong nhà, và không biết nấu ăn.  Cùng kế, ông lạy lục chị đến chỉ dạy cô vợ mới làm chuyện nhà, nhưng chỉ hoài công.  Rồi đứa con gái của cô ta ra đời, ông lại cậy chị nuôi dạy.  Chị không nỡ lòng từ chối, và bé gọi chị là “Má Hai.”  Ngày bé lên ba, ông bị liệt tim lăn đùng ra chết.  Chị lo ma chay trọn vẹn cho ông rồi đưa vợ ông – mẹ bé – về nuôi, gánh thêm một “cô con gái.”

Chiều lại, đến giờ tôi hẹn ăn tối với mẹ và Bình, tôi và Lệ Hoa nắm tay nhau đi ra cửa, hai bàn tay không muốn rời nhau.  Chị mơ màng nói qua nước mắt,

“Trong đời chị, hạnh phúc thần tiên nhất là đêm mưa gió ngồi kề bên em trong khoang xích lô trên xứ bùn đỏ bụi hồng.”

Tôi xúc động tận cùng và không thể kềm lòng, đắm đuối hôn lên môi Lệ Hoa.  Nụ hôn đầu tiên và cũng là nụ hôn vĩnh biệt.  Vì chúng tôi không thể gặp lại nhau.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 29 tháng Năm, 2024

 ******

NGƯỜI TÌNH CHU VĂN AN

Ngày 5 thắng 9 năm  2024

*****

Bài Email kể lại Truyện tình  một Chàng   trai Chu văn An của Saigon ngày xưa.

Cá nhân tôi không được  như thế.,Những năm hoc tại Chu văn An, cắm đầu vào học,

hoc và hoc,mải  tới năm 1959,đi hoc tại Khoa Hoc, trên đường nhìn vào Trường Nguyễn Bá Tòng  và nghĩ hoc sinh Nguyễn Bá Tòng,là lạ  và vui thật,  giá như được làm quen.

 Ngày ấy chỉ nghe  tiếng là có Trường Nữ Trung Hoc Trưng Vương trên đường Nguyễn

Bỉnh Khiêm,  nhưng chưa biết, làm sao để đến ,,  Tôi, vốn Nông dân , và nhà quê  thật.

Có lẽ,măc cảm là  sinh viên  nghèo ,đi Xe đạp và Xe Mobilette màu vàng.

Bây giờ  có thời gian  đi coi Olympic 2024 Paris cũng có thể được ,nhưng làm sao đi.

Mong có nhiều emails nói về những ngày thân yêu ấy     Vui là chánh.

Cám ơn tác giả Email này ,tôi forward .        NND 24 BBTD

On Thursday, September 5, 2024 at 07:55:45 AM PDT, 'Dinh Hung Ngo' via CVA60s <cva60s@googlegroups.com> wrote:

Người Tình Chu Văn An

 Lê Thị Nhị

 Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những người tình để nhớ, để thương, để sầu, để hận!

 May mắn cho tôi, tôi chỉ có một người tình để nhớ: Người Tình Chu Văn An. Hay nói cho đúng hơn, người tình của tôi là học sinh trường Chu Văn An ở Saigon, hồi tôi mười lăm, mười tám.

Mối tình của chúng tôi không nồng cháy, ngang trái, lâm ly bi đát, tràn đầy nước mắt như một số những cuộc tình khác. Tình của chúng tôi nhẹ nhàng như cánh bướm non, tươi vui như buổi sáng mùa Xuân với nắng vàng, gió nhẹ, chim hót líu lo trên cành.

 Năm mươi năm qua đi…Chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau tiếng “Yêu”! Nhưng bằng những sự săn sóc, cảm thông, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, chúng tôi biết, chúng tôi luôn luôn có nhau trong trong tâm hồn, mặc cho vật đổi sao dời và cả khi hai chúng  tôi đều có “nửa kia” lù lù bên cạnh.

Anh là anh của bạn tôi, hơn tôi hai tuổi. Anh đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu. Anh có lối nói chuyện và tán gái ấm ớ như bao nhiêu  chàng trai Chu Văn An khác.

 Một mẫu người lý tưởng như thế mà tôi lại để vuột mất khỏi tầm tay kể cũng là một điều lạ! Bạn bè bảo tôi ngu! Nhưng tôi cho rằng

 tôi và anh có duyên  mà không có nợ! Hoặc là trong tận đáy lòng, tôi bị ảnh hưởng bởi hai câu thơ của Hồ Dzếnh:“ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”, nên tôi đã giận hờn anh vì một lý do rất mơ hồ, rồi…hai người hai ngả xe bông!

 Đám cưới anh, tôi không đi dự. Ở nhà, tôi ngồi trước bàn học, viết nghuệc ngoạc trên tờ giấy trắng bốn câu thơ của một thi sĩ nào đó ( hình như là Lệ Khánh?):

 “Đám cưới nhà ai chắc phải vui?

 Xe hoa đáng nhẽ để tôi ngồi

 Và bao nhiêu rượu cho tôi uống

 Say ngã bên thềm xác pháo rơi.”

 Đám cưới của tôi, anh đưa tôi đi mua  sắm đủ mọi thứ, cứ như là một ông anh thứ thiệt! Có một lúc, anh ghé tai tôi thì thầm: “ Cô ngu lắm! Cô làm hỏng hết mọi chuyện!’’ Chúng tôi ít đi chơi riêng với nhau mà thường đi chung với các bạn. Đi đến đâu, chúng tôi cũng ồn ào, cười nói như vỡ chợ!

 Những buổi chiều thứ Bẩy, chúng tôi cùng các bạn đi dạo phố Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ… La cà vào các hiệu sách: Khai Trí, Việt Bằng, Tự Lực và lượn qua nhà hàng La Pagode, Givral để nhìn vào xem có nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng nào ( PhạmĐình Chương, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền…) đang ngồi khật khù ở đấy. Đây là một yêu cầu của những cô em gái, các anh bất đắc dĩ  phải chiều mà thôi vì các anh cũng biết ganh tị chứ!

 Tất nhiên, chúng tôi không dám bước chân vào các nhà hàng ấy.Nơi đó không phải là thế giới của chúng tôi. Chúng tôi kéo nhau vào hiệu kem Mai Hương, ngồi chuyện trò và ngắm kẻ qua, người lại trên hè phố.

Lâu lâu, có tiền, chúng tôi học làm sang, rủ nhau phóng xe Velo Solex ra xa lộ, đi Thủ Đức ăn nem hoặc đi Biên Hòa ăn đầu cá hấp-

 Hình ảnh nữ sinh Saigon thời thập niên 60, mặc áo dài trắng, đội nón bài thơ với quai nón màu đỏ hoặc tím ngồi trên chiêc Velo solex mảnh mai, đen bóng, chạy trên đường phố, chắc quý vị còn nhớ?

 Những lần đi xa như thế, các ông anh Chu Văn An của chúng tôi mặt mày tươi rói, nói cười huyên thuyên, tưởng như không bao giờ hết chuyện!

 Các anh vui, vì một lý do rất dễ hiểu, bọn con gái chúng tôi không dám lái xe xa, phải ngồi đằng sau, ôm eo các anh.

 Thế là các anh có dịp trổ tài làm…anh hùng xa lộ! Thỉnh thoảng, bất ngờ, các anh cho xe chạy thật nhanh khiến chúng tôi phải hét ầm lên và ôm chặt các anh hơn!  Chúng tôi hét lên vì sợ thì ít, vì vui thì nhiều! Chúng tôi nào có phàn nàn gì về trò chơi nghịch ngợm, dễ thương như thế.

 Chúng tôi cũng thích đi chèo thuyền ở Phú Lâm, Tân Thuận.Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè, con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên sông với những đám lục bình hoa tím, với những lùm cây thấp lòa xòa soi bóng nước. Những bài hát, có những câu hợp tình, hợp ý,

 được các anh tranh nhau hát để ngầm…tán chúng tôi: “ Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời…”,  “ Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh…” Yêu ai, yêu cả một đời…”, “ Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về”

 Anh của tôi thì không thèm hát, anh đọc thơ: “ Yêu hết một mùa Đông. Không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng. “ ( Lưu Trọng

 Lư), “ Gió thổi mùa Thu hương cốm mới. Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.” (NguyễnĐình Thi)

 Hôm nào tôi bằng lòng đi riêng với anh thì anh vui lắm! anh bảo: “ Hôm nay anh trúng số!”. Tôi nói : “ Em với anh đi riêng như vậy, em sợ người ta hiểu lầm!” Anh nheo mũi cười: “Người ta hiểu đúng chứ hiểu lầm cái gi?”

 Rồi được dịp, anh dậy dỗ tôi đủ thứ chuyện, ra dáng bậc đàn anh lắm: “Lần sau, đi chơi buổi tối như thế này, cô phải mang theoáo len nhé. Cô ốm, không ai lo cho cô được đâu!” “ Anh chàng H. nham nhở lắm! Cô nên tránh nói chuyện với nó.” “ Sắp đến kỳ thi rồi, cô phải học hành chăm chỉ, anh muốn cô phải đỗ kỳ này! Cô không thi đỗ thì… ( Anh bỏ lửng câu nói ở đây)

 Những lần ra miền Trung cứu trợ bão lụt cũng để lại trong tôi những điều đáng nhớ. Vào những ngày ấy, chúng tôi quên hẳnmối tình

 con! Chúng tôi “ôm” mối tình lớn! Chúng tôi cùng nhau say sưa nói về quê hương, dân tộc. Tình hình đất nước…

 Anh chưa bao giờ khen tôi đẹp. Nhưng lần nào gặp nhau, anh cũng ngắm tôi, gật gù bảo: “ Cô mặc màu áo này đẹp lắm!” hoặc: “ Màu tím làm nổi bật nước da trắng của cô” Hoặc: “Mắt cô giống mắt của Audrey Hupburn.”

 Mỗi lần đi với anh, anh cứ tỉnh tỉnh nắm tay tôi suốt buổi, lâu lâu lại siết nhẹ một cái. Đôi khi anh choàng tay, ôm ngang lưng tôi, kéo sát vào anh. Anh hôn lên mái tóc tôi, thì thầm: “Cô mới gội đầu bằng bồ kết phải không?”

 Những lần đi dự những buổi dạ vũ gia đình, tôi chỉ thích ngồi ngắm mọi người dập dìu trong tiếng nhạc, dưới ánh đèn mờ ảo.Tôi thường nhắc anh  mời các bạn tôi nhẩy. Lâu lâu, có bản Slow, anh kéo tôi ra cho bằng được, anh bảo: “ Cô không thích nhẩy thì chỉ cần tập cho anh  một điệu Slow này  thôi cũng được.” .Quà cáp anh cho tôi, thật đặc biệt! Không phải là nước hoa, son phấn đắt tiền mà là những thứ hằng ngày tôi thích. Khi thì gói ô mai, khi thì vài quả ổi, quả cốc, ly thạch, chè Hiển Khánh Đa Kao.

 Anh  mua cho tôi hầu hết những bản nhạc mà tôi ưa thích. Thơ tình của các tác giả nổi tiếng, anh chép cho tôi nguyên cả một tập giấy pelure màu xanh lơ nhạt, đóng gáy da, chữ mạ vàng cẩn thận. Thỉnh thoảng lại có những trang anh vẽ hình ảnh rất đẹp: Một cô gái tóc dài xõa ngang vai, ôm cặp sách đi dưới hàng phượng vỹ đỏ thắm. Một con thuyền nhỏ thấp thoáng trên sông. Một cành mai vàng rực rỡ

Di tản sang Mỹ, Anh ở miền Tây, tôi ở miền Đông. Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên qua điện thoại. Nói chuyện với nhau, lâu dần trở thành một nhu cầu của chúng tôi. Nhất là những khi chúng tôi có chuyện vui buồn, cần có người để chia sẻ.

 Có một lần, tôi buồn lắm! Anh bảo: “ Anh sẽ sang thăm cô. Anh cho cô năm ngày, muốn hành hạ anh sao cũng được!”

 Đến tiểu bang tôi ở, anh thuê xe từ phi trường, lái  thẳng về khách sạn rồi mới gọi cho tôi, vẫn cách nói như ra lệnh:

- Anh đang ở khách sạn, gần nhà cô. Một tiếng nữa, cô đến anh, mình đi ăn trưa. Anh đã lên Net, tìm được nhà hàng rất lý tưởng! Anh sẽ không đưa cô đi ăn tiệm Việt Nam đâu! Lý do rất dễ hiểu, anh không muốn chúng mình gặp bạn bè bà con. Anh chỉ dành thời giờ cho cô thôi!

Anh đón tôi dưới phòng khách của khách sạn với nụ cười và giọng nói ấm áp:

- Cô vẫn thế! Không thay đổi nhiều.

Tôi đùa:

- Anh có cần mượn kính lão của em không? Có đến mười mấy năm rồi mình mới gặp nhau mà anh bảo em vẫn thế! Không thay đổi nhiều.

Anh nheo mắt:

- Thì anh nói cho cô vui mà! Chứ thật ra, chúng mình là lão ông, lão bà cả rồi! Cô xem này, tóc anh …đi chơi hết rồi!

Tôi cũng cười:

- Anh thấy da em nhăn giống quả táo tàu không?

Anh và tôi cười xòa, cùng bước vào thang máy để lên phòng anh ở.

 

Ra khỏi thang máy, chúng tôi nắm tay nhau đi trên lối hành lang nhỏ, có trải thảm màu đỏ thẫm. Anh nhìn tôi mỉm cười hóm hỉnh:

- Cô muốn anh đưa cô đi ăn hay muốn gì khác?

Tôi cũng cười:

- Ghé phòng anh một chút thôi, rồi mình đi ăn ngay. Phòng anh…có chuột đấy! Em sợ lắm!

Anh nheo mắt nhìn tôi cười:

- Anh nhớ là cô sợ chuột và sợ cả anh nữa, đúng không? Nhưng  anh hứa với cô, anh sẽ không lộn xộn, lôi thôi gì hết. Anh biết cô vẫn thích anh ăn mặc vét tông, cà vạt đàng hoàng mà!

Trong năm ngày anh đến thăm tôi, ngày nào chúng tôi cũng đi thăm các thắng cảnh, đi ăn trưa, ăn tối ở những nhà hàng rất sang, rất đặc biệt hoặc lái xe vòng vòng trên khắp các con đường rợp bóng cây cao. Anh  bảo: “ Anh mê cây xanh ở tiểu bang này! Nơi anh ở, ít cây cối lắm! Khi đi làm, nhiều khi anh phải đi qua những vùng sa mạc, nắng chang chang và nóng như lửa!

 Những lúc chúng tôi ngồi bên nhau trên xe, anh hát nho nhỏ những câu hát mà ngày xưa anh và các bạn anh vẫn hát để ngầm tán nhóm bạn gái chúng tôi. Anh cũng không quên đọc những câu thơ mà gày nào anh đã đọc cho tôi nghe: “ Yêu hết một mùa Đông.

Không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng”, “ Gióthổi mùa Thu hương cốm mới.Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”. Rồi anh hỏi tôi  có nhớ tên tác giả những bài hát, bài thơ đó không?

 Ngoài những bản nhạc, bài thơ mang nhiều kỷ niệm, anh còn hỏitôi: “ Cô có thích bài hát You Are My Sun Shine không nhỉ? Anh

 thường hát bài ấy cho mấy đứa con của anh, khi chúng còn bé, anh hát cho cô nghe nhé!

 Hỏi, nhưng anh không cần tôi trả lời. Anh thì thầm hát bên taitôi. Tôi nhắm mắt lại như thiu thiu ngủ. quá khứ mộng mơ, hiện tại êm đềm khiến tôi biết tôi là một người hạnh phúc.

 Tôi hạnh phúc, bởi vì trong cuộc đời, tôi đã may mắn có một Người Tình Chu Văn An để nhớ, để thương, để an ủi tôi  trong những cơn

 sóng gió đời.

Tôi nghĩ rằng, ở một nơi nào đó, những người bạn gái năm xưa của tôi, cũng có được niềm hạnh phúc như tôi, và có khi, hơn cả tôi, vì họ thực sự có nhau trong cuộc sống. Còn tôi, suốt đời: “ Tôi chỉ là người em gái thôi…” của một chàng Chu Văn An có lối nói chuyện  và tán gái…ấm ớ như bao nhiêu chàng trai Chu Văn An khác.

 *******


 


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan