TRANG TẢN MẠN BÀI VIẾT NHÀ VĂN ĐỖ TRƯỜNG NGUYỄN MINH THANH- TRẦN TRUNG CHÍNH-TRẦN VAN GIANG

TRANG TẢN MẠN BÀI VIẾT CỦA QUÝ NHÀ VĂN ĐỖ TRƯỜNG NGUYỄN MINH THANH- PHẠM TÍN AN NINH TRẦN TRUNG CHÍNH-TRẦN VAN GIANG-TRẦN ĐÌNH PHƯỚC


VĂN HỌC MIỀN NAM - MỘT GÓC NHÌN

Đỗ Trường

Vào năm 2007, ở trong nước tái bản một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu. Rồi gần đây nhất, người ta cho in lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng và đọc một số truyện ngắn của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn trên Radio làm cho bác Nguyễn hàng xóm, tiến sĩ ngôn ngữ học Đức, ghé tai tôi: Dường như người ta đang rón rén hồi sức cấp cứu để Văn học miền Nam (giai đoạn 1954-1975) sống dậy, sau mấy chục năm truy sát, đốt phá, tưởng chừng đập chết ăn thịt ngay thì phải?

 Sống ở nước ngoài đã quá nửa thế kỷ, nhận xét được như bác Nguyễn, quả thực cũng không có nhiều người. Tuy nhiên, tôi vẫn phải cự lại: Nhìn cái vỏ thì bác nói có phần đúng. Nhưng khi tìm tòi, nghiên cứu ta có thể thấy, Văn học miền Nam không cần phải (hồi sức cấp cứu) như vậy. Bởi, tuy bị bức tử, song cũng như âm nhạc, sức sống của nền văn học ấy vẫn mãnh liệt lắm. Nó không chỉ âm thầm đi sâu vào lòng người ở ngay đó, mà còn sinh sôi nảy nở ngoài cương thổ, nơi có mấy triệu người Việt nữa kìa!


Có lẽ, không hoàn toàn đồng ý với những suy nghĩ của tôi chăng? Nên bác Nguyễn hơi nhíu mày, máy mắt. Nhưng chưa tìm ra lý lẽ bắt bẻ, nên bác đành phải lắc gật, lắc gật… Thật vậy, có được sức sống lâu dài ấy, cũng bởi Văn học miền Nam chứa đựng những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Hai giá trị cơ bản của văn học này, dường như ta rất ít gặp ở những tác phẩm ngoài Bắc trong cùng giai đoạn chiến tranh 1954-1975. Bởi, tính tuyên truyền đã bóp nghẹt những giá trị ấy. Dù miền Bắc có rất nhiều nhà văn tài năng.

Gần đây ở trong nước nảy nòi ra một cụm từ mới: Văn học đô thị miền Nam. Nghe hơi bị giả giả, sến sến. Vậy thì giai đoạn 1954-1975 miền Nam còn có văn học nông thôn, rừng núi với những tác giả: Anh Đức, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, hay Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Bạch Đằng… nữa chăng? Không! Dứt khoát không có cái gọi văn nghệ đô thị, văn nghệ nông thôn như vậy.

Bác hàng xóm tiến sĩ ngôn ngữ chém tay phầm phập, khẳng định cứ như đinh đóng cột. Bởi với ông, Văn nghệ giải phóng, giải pheo gì đó, cùng các tác giả này, đều là cánh tay nối dài của văn nghệ tuyên truyền, định hướng miền Bắc mà thôi. Lần này, có lẽ bác hàng xóm có lý, tôi cứng họng không cãi được câu nào. Do vậy, cũng theo ông, từ con Sông Bến Hải trở vào chỉ có một nền Văn học miền Nam duy nhất (chứ không có văn học đô thị, đô thẹo gì ở đây cả).

Thật vậy, dù đánh tráo khái niệm, hay khoác cho một chiếc áo, một tên gọi mới, thì thực chất Văn học miền Nam không hề bị méo mó, đổi thay. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào cái giá trị hiện thực, và nhân đạo của Văn học miền Nam (trong chiến tranh) dưới ngòi bút của những nhà văn người lính mà thôi.

* Giá trị hiện thực.

Hiệp định Genève cắt đôi hình đất nước, kéo theo gần một triệu người di cư, trốn chạy từ Bắc vào Nam, với qui mô chưa từng có, kể từ ngày lập quốc. Và trong dòng người ấy, có rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ tài năng như: Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Nguyễn Sĩ Tế… Họ đã mang theo văn hóa đặc trưng vùng, miền làm cho ngôn ngữ Văn chương miền Nam thêm phong phú, đa sắc.

Tuy chưa đến độ hoàn hảo, nhưng cánh cửa tự do đã mở cho văn học, cũng như báo chí miền Nam lúc đó. Chính vì vậy, sự tiếp nối Văn học tiền chiến, cùng tiếp cận, giao thoa với văn hóa phương Tây đã cho Văn học miền Nam một sắc thái, diện mạo mới, như một lẽ tự nhiên vậy.

Có thể nói, chiến tranh tuy tàn khốc, nhưng đã sinh sản ra một loạt các nhà văn, nhà thơ tài năng xuất thân từ những người lính: Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Thảo Trường, Tô Thùy Yên, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Trần Dzạ Lữ… Những tác phẩm còn nguyên mùi khói thuốc, vang tiếng đạn bom của họ như một luồn gió mới làm thức tỉnh, và giải tỏa sự bế tắc của Văn thơ miền Nam đang gà gật lúc đó. Và những tác phẩm ấy gắn liền với hiện thực của xã hội, sự tàn khốc chiến tranh, cũng như thân phận người lính. Cái bi ai, cùng với tương lai mịt mù của những thế hệ trẻ bị ném vào chiến tranh, như lời thán ca vọng lên trong thơ, Trần Hoài Thư đã chia sẻ sự cảm thông, hay cho người đọc một nỗi đau nhức nhối ở trong lòng:

“Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân
Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa rũ bờm, không biết về đâu“ (Thế hệ chiến tranh)

Sự đói khát, gian nan ấy được Tô Thùy Yên đưa vào trong thơ một cách chân thực. Đọc lên, có lẽ ai cũng phải rùng mình cảm thương cho thân phận người lính: “Trên người bạn gục đạn mươi viên/ Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc/ Trong vết thương người bạn nín rên/ Người chết mấy ngày chưa lấy xác/ Thây sình mặt nát lạch mương tanh...”(Qua Sông). Cùng thời điểm đó, nếu đọc Văn chương miền Bắc, ta bắt gặp cái không khí hân hoan trái ngược hẳn với hiện thực sầu bi nơi bom đạn chết chóc.

Sự thần thánh hóa chiến tranh và con người mang tính tuyên truyền như vậy, thì giá trị của nó chỉ (nhất thời) ở thời điểm đó mà thôi:“Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.” (Phạm Tiến Duật). Thật vậy, chỉ có hiện thực mới làm nên giá trị văn học. Và bút ký Những Ngày Gãy Vụn là một trong những tác phẩm như vậy của Phan Nhật Nam. Cái hiện thực ấy, được ông tái hiện lại dưới ngòi bút tài hoa của mình. Những trang văn rùng rợn, bi thương đó, đọc lên ai cũng phải bùi ngùi, xúc động:

“Thoạt đầu còn e ngại nhưng đến xác thứ tư thứ năm lớp thịt nhũn của xác chết tiếp xúc với bàn tay hóa thành quen. Đi từ nơi để xác trở vào rừng, tôi không dám nhìn vào hai bàn tay của mình, thịt da người chết đã phết một lớp dầy trên da tay. Hai giờ chiều, xác chết đã nhặt được hết, tôi chà tay xuống mặt đất như muốn bóc hẳn lớp da. Thèm điếu thuốc lá nhưng không dám đưa bàn tay lên môi. … trời miền Nam bắt đầu vào mùa mưa, đất đỏ từ lối đi vào đến nơi chứa xác lầy lội tưởng như có pha máu người. Thân nhân người chết than khóc, lăn lộn trên lớp bùn non, áo sô trắng lấm đất đỏ như dấy máu. Hơi đất, hơi người sống, người chết, mùi hương đèn lẫn lộn ngây ngấy nồng nặc, choáng váng…“.

 

 

Nếu Phan Nhật Nam bước vào cuộc chiến bằng bút ký, thì ở mặt trận Phong Điền, người lính Trần Dzạ Lữ trải nỗi đau đó vào những trang thơ của mình. Và Bữa Cơm Ngoài Chiến Trường một bài thơ ngũ ngôn mộc mạc, giản dị được Trần Dzạ Lữ viết cách nay đã nửa thế kỷ, song đọc nhiều lần vẫn cho ta sự ám ảnh với những cảm xúc ban đầu. Hình ảnh cùng cực của người lính với sự tàn khốc của chiến tranh này, không chỉ có giá trị văn học, mà nó còn là chứng tích của lịch sử:

“bốn năm thằng lơ láo
áo quần rách tả tơi
ăn cơm bên xác người
tay bốc tay cầm súng
---
ăn xong múc nước ruộng
uống đại cho qua ngày
quê nhà em có biết
chinh chiến thân lưu đày
ăn được là điều may
có khi hai ba ngày
không ăn chẳng có uống
ta nằm với cỏ cây…”


Đạn bom, gian khổ nơi chiến trường chưa hẳn là điều đáng sợ, bởi nó không thể giết chết niềm tin, lẽ sống của người lính. Song chính cái khối ung nhọt ở nơi hậu phương mới giết chết linh hồn, khát vọng của họ. Khi người lính nhận ra, sự hy sinh cả một thế hệ để phục vụ cho những kẻ lãnh đạo không lương thiện, thiếu tài năng. Và cũng
 chính những con sâu ở giới lãnh đạo thượng tầng, hay những ông vua tôn giáo này, góp phần không nhỏ dẫn đến sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Hiện thực và sự chán chường đó đã được nhà văn, người lính Phan Nhật Nam đưa vào tác phẩm Dấu binh lửa, một cách sinh động. Có thể nói, nếu không có sự can đảm của nhà văn thì chắc chắn không thể có những trang viết chọc thẳng vào cái ung nhọt của thượng tầng xã hội như vậy. Và chính nó đã làm nên một tác phẩm có giá trị lâu dài:

“Chúng tôi rời Sài Gòn trong thở dài nhẹ nhõm, một tháng ở Thủ Đô đủ để tạo thành sụp đổ tan hoang trong lòng, đủ thấy rõ sự phản bội của hậu phương, một hậu phương lừa đảo trên máu và nước mắt của người lính. Một tháng đủ để chúng tôi hiểu ti tiện hèn mọn của loại lãnh tụ ngã tắt, những anh hùng đường phố, những ông vua biểu tình theo ngẫu hứng, vua tôn giáo đầy thù hận và dục vọng… Một tháng “vỡ mặt” lính non cũng như lính già. Chúng tôi bây giờ biết rõ: Máu và đời sống của mình đã đổ ra cho một xã hội lừa lọc.“ (Dấu binh lửa)

Gian khổ, khốc liệt đưa đến cái bi quan chán chường của người lính là vậy, nhưng ở đâu đó sau trận chiến, ta vẫn sự hồn nhiên sảng khoái của họ, dưới ngòi bút của các văn nhân, thi sĩ: 
“Ta chắt cho nhau giọt rượu sót/ Tưởng đời sót chút thiếu niên đây/ Giờ cất quân, đưa tay bắt/ Ước cõi âm còn gặp để say.“ (Tô Thùy Yên).

Ở giai đoạn này, các nhà văn, nhà thơ viết và khai thác tâm lý người lính một cách chân thật. Bởi vậy, hình ảnh họ với rượu chè, gái gú ngang tàng, cùng những khẩu ngữ trần trụi làm cho những tác phẩm văn học ấy sinh động, mới lạ, gần gũi và chân thực hơn:

“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui…
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay” (Nguyễn Bắc Sơn).

Những khẩu ngữ trần trụi, đôi khi được cho là tục tĩu chẳng có tí tẹo gì liên quan đến thi ca thơ phú cả, (đại kỵ với văn thơ truyền thống, bác học) nhưng khi được đặt đúng trong văn cảnh, nó trở nên hay đến bất ngờ cho người đọc. Và Hành Quân là một bài thơ như vậy của Linh Phương:

“Chiều qua sém chết vì viên đạn
Du kích bên sông bắn tỉa hù
Cũng may gặp phải thằng cà chớn
Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô”.


Có thể nói, Linh Phương là nhà thơ tài năng, một gương mặt tiêu biểu Văn học miền Nam. Để Trả Lời Cho Một Câu Hỏi được ông viết vào năm 1970 là một trong những bài thơ hay và bi thương nhất của nền Văn học Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, bài thơ đã được Phạm Duy phổ thành bản nhạc: Kỷ Vật Cho Em. Cái thân phận mỏng mảnh, và bi thảm của người lính trong thơ làm cho ta phải lặng người, xúc động khi đọc. Song có lẽ, nó chỉ mới nói lên được phần nào sự rùng rợ, tàn khốc của cuộc chiến mà thôi:

“Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Plei Me
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã
Anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng…”

Giai đoạn chiến tranh (1954-1975) Văn học miền Nam dường như không có nhiều tác phẩm viết về đề tài nông thôn, nơi hậu phương? Ngoài những cuốn: Sông Sương Mù, và Những Cơn Mưa Mùa Đông của Lữ Quỳnh, Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư… Và gần đây tôi được đọc Địa ngục có thật của Dương Nghiễm Mậu. Đọc nó, ta không chỉ hiểu được văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền, và mối quan hệ, tình làng nghĩa xóm, mà còn thấy sự chết chóc, tàn nhẫn của chiến tranh ở đây không kém nơi chiến trường.

Nếu ta đã đọc Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, thì chắc chắn sẽ trấn tĩnh hơn, và giảm bớt được nỗi kinh hãi khi đọc bút ký Địa ngục có thật của Dương Nghiễm Mậu. Có thể nói, không chỉ truyện, mà bút ký của Dương Nghiễm Mậu cũng có lời văn sáng, và rất đẹp. Cùng với Phan Nhật Nam, bút ký của ông mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi đọc. Dù bút pháp, văn phong của hai nhà văn này hoàn toàn khác nhau.

Chẳng vậy, mà bác tiến sĩ ngôn ngữ hàng xóm bảo, đọc Địa ngục có thật, đêm ngủ cứ giật mình thon thót, bởi ám ảnh. Vâng, đó mới chỉ là một phần của sự thật được Dương Nghiễm Mậu đưa lên trang viết. Và còn bao nhiêu cái chết, với những hố chôn người tập thể nữa, mà nhà văn chưa tìm bới ra được:

“Người ta chỉ cho chúng tôi đi tới nữa, con đường hơi vòng, qua chiếc cầu sắt chúng tôi kinh hoàng với khung cảnh trước mắt: trên khoảng đất trống ven sông một nhà sạp chạy dài, trong đó hơn mười chiếc quan tài đủ cỡ để song song với nhau sau những bàn thờ, quanh đó những người mặc áo, đội khăn tang, trong đó có xác một học sinh đệ nhị, một ông già 68 tuổi… Người ta vẫn còn tiếp tục tìm xác, chỉ mới có 32 xác được tìm thấy… Còn những ai nữa sẽ được nhận ra. Còn những ai nữa nằm trong những cái hố nhỏ chất bẩy tám người chỉ cần lấy tay moi nhẹ là thấy. Những đau khổ không nói thành lời. Những sự việc không có lời giải thích. Tại sao vậy? Tại sao vậy?” (Địa ngục có thật).

Thành thật mà nói, nếu văn thơ không đi thẳng vào đời sống xã hội, một cách trung thực nhất, đó chỉ là những trang viết chết. Do vậy, 
đọc và nghiên cứu sâu về Văn thơ miền Nam, ta có thể thấy, tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng giai đoạn 1954-1975 các nhà văn miền Nam đã không chịu sự kiểm soát, và áp đặt của quyền lực. Sự thật, công lý cho người dân là nơi ngòi bút của họ hướng tới. Cho nên, hiện thực là một trong những giá trị làm nên nền Văn học miền Nam (sống) là vậy.

 

 

* Giá trị nhân đạo

Nếu không có thơ văn đích thực, thì chúng ta và các thế hệ sau này chắc chắn sẽ không hiểu sự thật về bản chất của cuộc chiến này, cũng như tâm trạng người lính với những năm tháng tang thương đó. Văn học như một chiếc cầu nối lịch sử đến với con người vậy. Và chính những nhà văn người lính đã nối những nhịp cầu ấy.

Thật vậy, giữa sự sống và chết rất mỏng manh nơi chiến trường, vậy mà ta vẫn thấy tính nhân bản của con người chợt hiện lên, đi vào những câu thơ có tính sảng khoái, nhẹ nhàng làm nguội đi cái không khí nghẹt thở đó:

“Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân” (Linh Phương).

Và cái tình người ấy, dường như xuyên suốt trang thơ của người lính. Một ngày ngưng chiến (1972), nhà thơ người lính Phan Xuân Sinh ngất ngưởng bên ly rượu cùng người lính phương Bắc. Tình đồng loại ấy đã cho Phan Xuân Sinh cảm hứng viết nên tác phẩm: Uống rượu cùng người lính phương Bắc hay đến nghẹn ngào.

Trước đây mấy năm, khi viết chân dung nhà văn Trần Hoài Thư, đọc đến: Một Ngày Không Hành Quân, tôi cứ ngỡ đó là bài thơ độc nhất vô nhị của Văn học miền Nam. Và nó đã làm cho những giọt nước mắt của tôi rơi ngay trên bàn phím này:

“Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi cao mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với hắn đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em”.

Nhưng tôi đã lầm. Do vậy, khi gặp bài Uống rượu cùng người lính phương Bắc của Phan Xuân Sinh, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Nó vẫn cho tôi cảm xúc nghẹn ngào ban đầu. Và tôi nghĩ, cũng như Trần Hoài Thư, khi Phan Xuân Sinh viết: Uống rượu cùng người lính phương Bắc, đã dứt bỏ hoàn toàn mọi áp lực xung quanh, chỉ còn lại trái tim đa cảm, bao dung đang rung lên của người nghệ sĩ. Và ngay từ năm 1972, Phan Xuân Sinh đã nhận ra, cuộc chiến này bạn và ta (những người lính hai phía) cùng nhân dân đều bại:

“Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc”.

Dường như, với ý tưởng này Phan Xuân Sinh người lính phương Nam, để cho Nguyễn Duy người lính phương Bắc sau này viết ra những câu thơ: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Và cái tư tưởng nhân bản ấy của người thi sĩ đã xóa nhòa lằn ranh giới của chém giết, hận thù:

“Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí…
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
Bày làm chi trò chơi xương máu
Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc…” (Uống rượu cùng người lính phương Bắc)

Không chỉ khi hưu chiến, mà ngay trên chiến trường đẫm máu, lòng nhân đạo, tính vị tha hiện lên đầy ăm ắp trang viết của người lính. Buổi dừng chân của nhà văn Lê Bá Lăng là một trong những bút ký điển hình như vậy. Chưa biết nhiều về Lê Bá Lăng, song đọc một số bút ký, truyện ngắn của ông, tôi thấy, cái nào cũng thấm đẫm tình người. Là một sĩ quan ngày cũng như đêm hành quân tác chiến, Lê Bá Lăng hiểu hơn ai hết nỗi đau của người lính ở cả hai phía. Do vậy, sự cảm thông với người lính như một nguyên tắc bất dịch trong ông:

“Thì cái vụ thằng chả bữa hôm ở Lang Xá Bàu đó, ông đừng đưa vội lên Đại Bàng thì tụi tui giàu to biết mấy. Chỉ cần hai thùng nước lã là nó chỉ, nó khai hết... Tôi nói, thôi dẹp cha chuyện đó đi, khai thác tù binh là bổn phận của tiểu đoàn, đâu phải quyền tao. Tụi mày than phiền mãi, chán phèo…

-…Ông nhân đạo quá. Đ.M…Việt Cộng nó giết mình như ngóe mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập…” (Buổi dừng chân- Lê Bá Lăng).

Dường như, Thái Luân (Nguyễn Hồng Phúc) bước vào chiến tranh bằng trái tim của người nghệ sĩ. Cho nên, không chỉ với người lính, sự bao dung, lòng nhân ái của ông đến với cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Thi tập Vùng tủi nhục ra đời năm 1966 gây tiếng vang trên văn đàn, song mang nhiều phiền lụy đến cho Thái Luân. Đứng về phía những cô gái làm cái nghề được cho là đi ngược lại đạo đức của xã hội, trong lúc nước sôi, lửa bỏng như vậy, ngoài sự cảm thông, tôn trọng, ta còn thấy lòng can đảm của Thái Luân.

Và Lời cám ơn bar, là một bài thơ được ông viết trong hoàn cảnh ấy. Nó đã phá vỡ tư tưởng cổ hủ, và bóc trần bộ mặt thật của con người, xã hội lúc đó. Có một điều đặc biệt, bài thơ có tính khẩu ngữ trần trụi này, nếu tách ra, nó chỉ là những câu nói thường nhật. Nhưng ghép lại, nhìn tổng thể, nó trở thành bài thơ rất mới, lạ ở thời điểm đó:

“Xin cám ơn những cô gái bán bar nhỏ con
Đã gồng mình chịu đựng
Vì cuộc sống
Của các cô
Và của Việt Nam.
Thưa thầy giáo, thưa công chức:
Xin đừng vênh vênh cái mặt đạo đức
Chửi người ta
Con gái Huế bây giờ đi bán bar!” (Thái Luân- Lời cám ơn bar)

Tuy là một sĩ quan trực tiếp cầm súng ngoài mặt trận, nhưng cái tư tưởng chán ghét chiến tranh, khinh bỉ những kẻ gây ra cuộc chiến đầy ăm ắp trong thơ Thái Luân. Mượn sân khấu hề chèo, Thái luân chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội. Thông qua bài thơ: Bi hài kịch với những hình ảnh ẩn dụ, Thái Luân cho ta thấy, một sự mỉa mai, châm biếm rất sâu cay về hiện thực cuộc sống:

“Đạo diễn đưa tay lên,
Đạo diễn đưa tay xuống,
Bi hài kịch còn dài
Bi hài kịch chưa thôi.
Diễn viên và khán giả
Ai cũng buồn như ai!”

Tuy nhiên, Bi hài kịch, hay Lời cám ơn bar chưa hẳn là những bài thơ hay của Thái Luân, khi nó nằm trong mạch của bài viết, mà tôi lấy làm dẫn chứng. Nhắc đến Thái Luân (Nguyễn Hồng Phúc) người đọc sau này biết nhiều hơn với những tác phẩm rất hay như: Nửa Hồn Xuân Lộc, Tháng Tư, lính không cần hớt tóc, hay Mặc kệ ai bỏ làng bỏ nước… dưới bút danh Nguyễn Phúc Sông Hương.

Có thể nói, những nhà văn miền Nam (1954-1975) không chịu ảnh hưởng, chi phối bởi bất kể thế lực, đảng phái nào. Cái tôi, và tự do tư tưởng, sáng tạo của họ đã được coi trọng, phát triển. Với tư tưởng như vậy, nên nền Văn học miền Nam được hình thành bởi những giá trị hiện thực, và nhân đạo là điều hiển nhiên. Với tôi đó chính là một nền văn học đích thực.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào đọc, nghiên cứu, ta có thể thấy miền Nam không phải không có một bộ phận văn thơ tuyên truyền, tâm lý chiến phục vụ cho chiến tranh. Thứ văn thơ tuyên truyền, tâm lý chiến thời vụ này, đã ngỏm củ tỏi ngay sau khi nó ra đời.

Sách báo miền Nam vẫn còn kiểm duyệt, và đục bỏ những trang viết có thể gây quá bất lợi cho cuộc chiến, khi in ấn, xuất bản. Những lý do, việc làm này đã dẫn đến hạn chế và nhược điểm không nhỏ cho Văn học miền Nam ở giai đoạn này.

Leipzig ngày 15-11-2021
Đỗ Trường.

 ******

ĐỖ TRƯỜNG - Người Chuyên Chở Văn Học Miền Nam Qua Vũng Lầy Lịch Sử.
Phạm Tín An Ninh


Đầu năm 2022, tôi bất ngờ đọc được bài viết “Níu Một Đời, Giữ Một Thời” của tác giả Ban Mai, một nhà văn trẻ trong nước. Cô đang là giáo sư giảng dạy về Khoa Học Công Nghệ và Hợp Tác Quốc Tế tại Trường Đại Học Qui Nhơn

Mở đầu bài viết, tác giả đã vẽ lại bức tranh đen tối, kinh hoàng sau ngày 30.4.75:

“…phần lớn người Miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn. Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác, thiếu lúa gạo khiến dân phải ăn độn bo bo và mì sợi. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức Miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại. Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx. Tất cả sách báo, văn học nghệ thuật bị tịch thu tiêu hủy, nền văn chương Miền Nam hoàn toàn bị bôi xóa. Giống như thời man rợ của Tần Thủy Hoàng năm 210 trước công nguyên…

Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới…”


Và tác giả cho biết sự tình cờ được may mắn tiếp cận với dòng văn chương miền Nam:

“Mùa hạ năm 2010, tôi tình cờ đọc bài viết của nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu về tác phẩm “Những cơn mưa mùa Đông” của tác giả Lữ Quỳnh do nxb Thư Ấn Quán ở Mỹ xuất bản, thời gian này tôi đang tìm hiểu dòng văn chương Miền Nam nên liên hệ, ngay lập tức nhà văn Trần Hoài Thư và Lữ Quỳnh trả lời, tôi biết họ từ ngày ấy.

Bắt đầu từ đó, tôi tìm đọc dòng văn chương Miền Nam Việt Nam do nxb Thư Ấn Quán phát hành, vì ngày xưa trước năm 1975 tôi còn quá nhỏ chưa hiểu biết gì, tôi sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn, thuộc Miền Nam Việt Nam vì vậy tôi không muốn văn chương Miền Nam bị thất lạc và bôi xoá, tôi cần phải tìm hiểu và phổ biến lại cho thế hệ trẻ ở trong nước biết.

Thật may mắn, mùa thu năm 2011 nhà thơ Vũ Trọng Quang từ Sài Gòn photo cho tôi trọn bộ “Văn Miền Nam” (4 tập) và 2 tập “Thơ Miền Nam thời chiến” do Thư Ấn Quán phát hành năm 2009. Cuốn sách mới nhất tôi được Trần Hoài Thư tặng là cuốn “Những tạp chí Văn học Miền Nam” do ông sưu tầm và nhận định in năm 2018, ông đã sưu tầm được 15 tạp chí đã từng xuất bản ở Miền Nam Việt Nam gồm các tạp chí: Ý thức, Bách khoa, Văn, Sáng tạo, Khởi hành, Vấn đề, Trình bày, Thời tập, Hiện đại, Văn nghệ, Nghệ thuật, Mai, Văn học, Văn hóa nguyệt san, Tình thương.

Nhờ ông, tôi có được một cái nhìn khái quát về diện mạo 
nền văn chương Miền Nam Việt Nam mà hiện nay ở trong nước đã không còn nữa.

Nếu không có ông, làm sao tôi biết 462 tác giả trong 2 tập “Thơ Miền Nam trong thời chiến”, mà phần nhiều là những người lính cầm bút đã chết, đó là “những trang thơ được sưu tập từ một thời kỳ đen tối của quê hương, khởi điểm bằng lệnh tổng động viên và chấm dứt bằng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tập sách này là một nguồn tài liệu giúp cho những nhà phê bình văn học, những người nghiên cứu văn học sử, và những ai chưa có dịp tiếp cận với nền văn chương Miền Nam trong thời chiến tranh để họ có cái nhìn r và đúng đắn hơn về một dòng văn chương tình tự, tự do, khai phóng, sáng tạo và nhân bản”

Cuối bài, tác giả có nhiều lạc quan về cái nhìn của một một số trí thức trẻ trong nước và kêu gọi sự tiếp tay của mọi người trong trách nhiệm “bảo tồn và chia sẻ Văn Học Miền Nam cho đời sau”.

“Bên trong nước, mấy năm gần đây có một bạn trẻ Nguyễn Trường Trung Huy ở Sài Gòn cũng dày công sưu tầm Văn học Miền Nam và bộ sưu tập của bạn ngày một đồ sộ đáng cho ta kinh ngạc, đó là một kỳ công. Tôi tin rằng, trên đất nước Việt Nam này có nhiều người thầm lặng âm thầm tìm kiếm, lưu giữ một nền văn chương nhân bản mà ta tưởng rằng đã chết sau năm 1975. Ngày nay, giới nghiên cứu văn học trong nước đang ngày càng tìm kiếm để nghiên cứu, mới đây trong một đề thi luận văn bậc trung học phổ thông, có một giáo viên đã đem bài thơ “Ta về” của Tô Thùy Yên cho học sinh bình giảng, với những câu thơ đầy tính nhân văn: “Ta về như lá rơi về cội/Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/Giải oan cho cuộc biển dâu này”. Tuy đây chỉ mới là một hành động đơn lẻ nhưng đó là một tín hiệu vui.

Tôi tin rằng, sẽ không còn bao lâu nữa dòng Văn chương Miền Nam (1954-1975) sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường, nó xứng đáng được trả về với đúng vị trí của nó trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại, không ai và không một thể chế nào có thể bôi xóa một thời đại lịch sử của nước nhà. Giữ gìn, bảo tồn và chia xẻ Văn học Miền Nam cho đời sau là trách nhiệm của chúng ta, của tôi và các bạn những người yêu tiếng Việt, những người yêu văn chương Việt Nam.”


Đọc bài viết của tác giả Ban Mai, tôi bỗng nghĩ ngay đến một người khác, mà diện mạo của ông trong lĩnh vực này lúc nào cũng sáng lên trong suy nghĩ và hy vọng của tôi: Nhà văn Đỗ Trường.

Đỗ Trường người Nam Định, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm năm 1980. Sau thời gian theo học Khoa Anh Ngữ tại Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, năm 1987 ông nghỉ học, đi buôn rồi theo lao động xuất khẩu sang CHDC Đức. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ông ở lại và cùng cả gia đình định cư tại thành phố Leipzip, CHLB Đức. Tác phẩm đầu tay là tập truyện “Không Bao Giờ Thành Sẹo” do Vipen xuất bản 2013. Sau đó là “Về Miền Ký Ức” (tạp bút),“Đất Nước Với Những Đường Cong”, “Không Thể Sống Trong Im Lặng”, “Từ Hộ Chiếu Buồn Đến Đau Thương Hành” (xuất bản năm 2019, là một tác phẩm đặc biệt nói về những khổ nạn mà chính quyền CS Việt nam đã hành xử đối với ông, vì những bài viết của ông), và mới nhất là “Men Còn Đọng Lại Đáy Vò”, viết về một số tác giả tiêu biểu, những người lính cầm bút miền Nam (Nhân Ảnh xuất bản năm 2022.) Ngoài ra, là một loạt các truyện ngắn, tùy bút, ký sự, biên khảo đựợc độc giả khắp nơi đón nhận khá nồng nhiệt.

Sự nghiệp văn chương chưa dày lắm, nhưng tên tuổi ông đã nổi bật cả trong lẫn ngoài nước, bởi các bài nghiên cứu khá tường tận, với những nhận định một cách khá công tâm, sâu sắc, tinh tế về nềnvăn học miền Nam, đặc biệt qua những tác giả vốn là những người lính cầm bút trong và sau cuộc chiến.

Lần đầu tiên tôi biết và đặc biệt lưu ý tới Đỗ Trường, cách nay hơn mười năm, khi đọc được bài viết “Những Giải Văn Học Không Có Thật”. Ông phê phán (có thể gọi là lên án) Hội Nhà Văn Việt Nam tại Hà Nội đã trao giải thưởng cho tác phẩm Dị Hương của một tác giả trong nước:

“Ngắc ngứ mãi, rồi tôi cũng đọc xong truyện ngắn Dị Hương của Sương Nguyệt Minh. Quả thật, ngoài những pha làm tình mang dáng dấp từ truyện Đồi Thông Hai Mộ, Gia Long Nguyễn Ánh hiện lên đậm tính lục lâm thảo khấu với giọng văn kiếm hiệp phương Bắc. Còn lại tôi không tìm được điều gì khác tác giả muốn chuyển tải đến người đọc.”

Để rồi ông nhận định thêm về “hiện tượng” đa số các cây bút trong nước lúc ấy:

“Trong khi viết về chiến tranh, các cây bút trong nước thật sự chưa có cái nhìn công bằng với những người quân, cán của VNCH. Họ vẫn hiện lên đầy rẫy ở các tác phẩm với những hình ảnh méo mó, với những tên gọi xếch mé. Gần đây nhất tôi mới thấy các cây viết trong nước ca ngợi một người lính VNCH, vì anh có công cùng với người lính Mỹ cất giữ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, để hôm nay chúng ta mang ra phát động tuyên truyền. Chúng ta hãy bình tâm đọc lại những vần thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo, anh là một thuyền nhân. Cũng viết về người lính, nhưng anh không phân biệt đâu lính VNCH, hay là anh bộ đội…..”

Sau này, qua nhiều bài giới thiệu, nhận định, phê bình về một số tác giả và tác phẩm miền Nam của ông, tôi dần dà có nhiều thiện cảm và đánh giá cao về khả năng văn chương, đặc biệt ý thức về một nền văn học mà cá nhân ông trước đây chưa từng biết qua, và chắc chắn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã từng bị đầu độc đó là loại “văn chương phản động”, “văn chương đồi trụy” mà sau tháng 4 /1975 chính quyền Cộng Sản tìm mọi cách hủy diệt, nhưng không thể.

Ông nghiên cứu và viết khá nhiều về những tác giả, tác phẩm miền Nam. Một số tôi đã đọc được:

– Trần Trung Đạo – Tiếng Vọng Từ Bên Kia Đại Dương
– Luân Hoán – Người Kể Chuyện Bằng Thư
– Vũ Hữu Định – Đường Đi Không Đến
– Vũ Hoàng Chương – Lạc Loài Trong Cõi Nhân Sinh
– Đinh Hùng – Con Đường Thi Ca Độc Đạo
– Hòa Thượng Thích Như Điển – Chân Dung Một Nhà Văn
– Du Tử Lê – Đời Lưu Vong Chưa Tận Tuyệt Với Linh Hồn
– Phạm Tín An Ninh – Con Đường Giải Oan Cho Một Cuộc Bể Dâu
– Cao Xuân Huy – Người Vẫn Không Thể Thoát Ra Khỏi Cuộc Chiến
– Tô Thùy Yên – Tiếng Thơ Lầm Than Hào Kiệt Từ Một Thời Khủng Khiếp, Một Vận Phân Ly
– Nguyễn Đức Sơn – Chập Chờn Trong Cõi Hư Vô
– Thảo Trường – Những Mảng Ghép Của Chiến Tranh
– Duyên Anh – Từ Cảm Xúc Cho Đến Tận Cùng Của Con Chữ
– Trần Hoài Thư – Người Ngồi Vá Lại Những Linh Hồn…
– Trần Hoài Thư Với Những Vần Thơ Lúc Nửa Đêm
– Nguyễn Bắc Sơn – Một Đặc Phẩm Của Thi Ca Miền Nam
– Phạm Ngọc Lư – Người Vẫn Giữ Lửa Cho Văn Học Miền Nam– Tùy Anh – Từ Tháng Tư Buồn Đến Nỗi Đau Biệt Xứ
– Phan Nhật Nam – Hè Vẫn Còn Đỏ Lửa
– Nguyễn Tất Nhiên – Một Trường Thiên Kịch Bản Bi Ai
– Cao Đăng Khánh – “Lửa Ngoài Giới Hạn” Chúng Không Tạ Từ
– Nguyễn Nho Sa Mạc – Một Ngôi Sao Xẹt Qua Bầu Trời Thi Ca
– Lữ Quỳnh – Chiếc Cán Cân Của Văn Học Miền Nam
– Song Vũ – Người Vẫn Chưa Thể Bước Ra Khỏi Cuộc Chiến
– Trạch Gầm – Một Giọng Thơ Độc Đáo– Cung Trầm Tưởng – Từ Chuyện Tình Lãng Mạn Đến Hồn Thơ (Thế Sự) Lưu Đày

******

Đặc biệt, trong bài “Văn Học Miền Nam – Một Góc Nhìn” được viết ngày 16.11.2021, nhà văn Đỗ Trường đã có cái nhìn rất sâu sắc về Văn Học Miền Nam, đặc biệt hai khía cạnh Hiện Thực và Nhân Bản. Xin trích đoạn một số tiêu biểu:

…tuy bị bức tử, song cũng như âm nhạc, sức sống của nền văn học ấy vẫn mãnh liệt lắm. Nó không chỉ âm thầm đi sâu vào lòng người ở ngay đó, mà còn sinh sôi nảy nở ngoài cương thổ, nơi có mấy triệu người Việt nữa kìa!

…có được sức sống lâu dài ấy, cũng bởi Văn học miền Nam chứa đựng những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Hai giá trị cơ bản của văn học này, dường như ta rất ít gặp ở những tác phẩm ngoài Bắc trong cùng giai đoạn chiến tranh 1954-1975, bởi tính tuyên truyền đã bóp nghẹt những giá trị ấy. Dù miền Bắc có rất nhiều nhà văn tài năng.

…dù bị đánh tráo khái niệm, hay khoác cho một chiếc áo, một tên gọi mới, thì thực chất Văn học miền Nam không hề bị méo mó, đổi thay. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào cái giá trị hiện thực, và nhân đạo của Văn học miền Nam (trong chiến tranh) dưới ngòi bút của những nhà văn người lính mà thôi.

…Có thể nói, chiến tranh tuy tàn khốc, nhưng đã sản sinh ra một loạt các nhà văn, nhà thơ tài năng xuất thân từ những người lính: Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Thảo Trường, Tô Thùy Yên, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Trần Dzạ Lữ… Những tác phẩm còn nguyên mùi khói thuốc, vang tiếng đạn bom của họ như một luồn gió mới làm thức tỉnh, và giải tỏa sự bế tắc của Văn thơ miền Nam đang gà gật lúc đó. Và những tác phẩm ấy gắn liền với hiện thực của xã hội, sự tàn khốc chiến tranh, cũng như thân phận người lính.

…Có thể nói, những nhà văn miền Nam (1954-1975) không chịu ảnh hưởng, chi phối bởi bất kể thế lực, đảng phái nào. Cái tôi, và tự do tư tưởng, sáng tạo của họ đã được coi trọng, phát triển. Với tư tưởng như vậy, nên nền Văn học miền Nam được hình thành bởi những giá trị hiện thực, và nhân đạo là điều hiển nhiên. Với tôi đó chính là một nền văn học đích thực.

…Nếu không có thơ văn đích thực, thì chúng ta và các thế hệ sau này chắc chắn sẽ không hiểu sự thật về bản chất của cuộc chiến này, cũng như tâm trạng người lính với những năm tháng tang thương đó. Văn học như một chiếc cầu nối lịch sử đến với con người vậy. Và chính những nhà văn người lính đã nối những nhịp cầu ấy. Thật vậy, giữa sự sống và chết rất mỏng manh nơi chiến trường, vậy mà ta vẫn thấy tính nhân bản của con người chợt hiện lên…Và cái tình người ấy, dường như xuyên suốt trang thơ của người lính.


Trong bài “Phạm Ngọc Lư -, Người Vẫn Giữ Lửa Cho Nền Văn Học Miền Nam”, (khi đang ngồi đọc Văn thơ miền Nam 1954-1975, tác giả chợt nhớ đến nhà thơ Phạm Ngọc Lư, sống trong nước, gốc giáo chức (theo lệnh động viên nhập ngũ vào khóa 5/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, nhưng chỉ một thời gian ngắn, được biệt phái trở lại ngành giáo dục), sau 1975 dù phải sống đời lang bạt khốn cùng, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác những bài thơ (hành) đầy khí khái miền Nam, nhà văn Đỗ Trường đã viết:

“…Từ độ“đất trời dị biệt, gió mây bất đồng” thì nền Văn học miền Nam bị khai tử. Và tròn bốn mươi năm, tưởng chừng nó cũng đã chìm vào lãng quên. Nhưng nhìn lại, dường như dòng văn học ấy vẫn nảy nở, âm thầm chảy trong lòng đất Việt. Có thể nói, ngay sau biến cố 1975 dòng chảy đó tự chẻ ra như những nhánh sông luân lạc… rồi tìm về, tụ lại đó đây. Tuy chưa thể cháy lên, nhưng nó đã cùng với những nhà thơ, nhà văn hải ngoại làm ấm lại phần nào cho nền Văn học miền Nam.

Nếu được phép đi tìm những khuôn mặt cho Văn học miền Nam còn ở lại trong nước, chắc chắn thi sĩ tôi nghĩ đến trước nhất phải là Phạm Ngọc Lư. Tuy viết không nhiều, nhưng cốt cách Con Người cũng như hồn vía văn thơ của ông trong một cái xã hội dối trá lọc lừa, không phải ai cũng giữ được.”

Không chỉ viết về những tác giả, tác phẩm của Văn Học Miền Nam, nhà văn Đỗ Trường cũng đã viết về một số nhà văn nhà thơ tiêu biểu miền Bắc. Ông ca ngợi tài năng, sự thành công và cả thái độ “phản tỉnh”của họ, nhưng cũng đã thẳng thắn phê phán những trường hợp sai lầm, tiêu cực:

-Trong bài “Vài Suy Nghĩ Về Hậu Báo Văn Nghệ Và Nỗi Buồn Chiến Tranh Của Nguyên Ngọc” có một đoạn nhà văn Đỗ Trường viết:

“Đọc “Hậu Báo Văn Nghệ Và Nỗi Buồn Chiến Tranh” của nhà văn Nguyên Ngọc, tuy rất khoái, nhưng tôi cảm thấy còn chút lăn tăn. Bởi, không chỉ Nguyên Ngọc, mà một số nhà văn trong nước vẫn còn luyến tiếc cái Trường viết văn Nguyễn Du. Một cái trường, dường như có tác dụng hợp thức hóa bằng cấp cho các bác vừa từ chiến trường trở về thì đúng hơn. Chứ các bác đã thừa biết, có cái trường quái nào đào tạo được nhà văn, nhà thơ đâu. Do vậy, không những giải tán cái trường này, mà các bác nên giải tán luôn cái Hội nhà văn, cái Văn Nghệ Quân Đội, cũng như các trường báo chí tuyên truyền, trường luật pháp cùng các đoàn, trường nghệ thuật quân đội đỡ gánh nặng thuế má của người dân

…Tôi đồng ý với Nguyên Ngọc về sự đánh giá cao Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Tuy nhiên, cuốn sách này còn không ít những đoạn Bảo Ninh lên gân, và bốc phét hơi bị nghĩa lộ, chứ không toàn bích như Nguyên Ngọc đã viết

Cách nay vừa tròn hai mươi năm(1993), tôi có về Hà Nội, gặp được ông em họ vừa ở tù ra vì can tội là lính thám kích, quân đội VNCH. Tôi có đưa cho hắn cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh. Đọc xong, hắn bảo, ông Bảo Ninh viết hoàn toàn sai về người lính VNCH. Như câu chuyện bốn người lính thám kích bị bắt, tác giả viết một cách không đúng sự thật. Từ cách mô tả hành động đến thuật lại những mẩu đối thoại của những người lính thám kích này.

Lính thám kích được chọn, hầu hết còn trẻ, gan dạ và có bản lãnh. Họ không thể nào quá hèn hạ, van xin như Bảo Ninh kể. Nếu có xin tha đi nữa, thì cách nói và những lời nói ấy, nhất định không phải của họ. Điều này hắn khẳng định không thể có. Người lính thám kích đã được giáo dục về nhân cách, ngay sau khi đã được tuyển chọn. Trong nhiệm vụ đặc biệt, những toán thám kích cần phải tránh nổ súng, tránh bị phát hiện, trừ trường hợp, tự vệ, bất khả kháng. Cho nên, không thể có trường hợp phát hiện, bắt ba cô gái, rồi dẫn đi nhởn nhơ như vậy, để nhóm của Kiên tóm được. Hơn nữa, trong trường hợp đã bị bắt, trước sự sống chết, không thằng nào ngu xuẩn, nói giọng trêu cợt: Ba nhỏ đó trình quý anh, tụi này làm thịt cúng hà bá rồi… Mấy nhỏ la khóc quá trời..

Hắn cũng cho rằng, cuốn truyện còn nhiều cảnh tưởng tượng quá mức, như trường hợp, một đám lính, làm thịt con xà niêng, nhưng sau khi cạo lông mới phát hiện ra đó là một người đàn bà.

Tôi viết lại lời hắn theo trí nhớ của mình. Và còn nhiều lời nặng nề khác của hắn về Nỗi Buồn Chiến Tranh, nhưng tôi xin phép không chép ra đây. Hắn ra người thiên cổ đã lâu. Vài dòng như một chút tưởng niệm đến hắn và những người lính cả hai miền Nam-Bắc đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua.”


Trong bài “Hữu Loan – Tài Năng Và Sự Mâu Thuẫn Trong Tư Tưởng Cũng Như Thi Ca”, (viết nhân 10 năm ngày mất của thi sĩ Hữu Loan), nhà văn Đỗ Trường đã đưa ra một vài chi tiết mà gần như hầu hết trong chúng ta chưa được biết về tác giả bài thơ nổi tiếng“Màu Tím Hoa Sim” này:

“Khó hiểu, và bất ngờ hơn nữa, trong cùng một thời điểm Hữu Loan viết bài ngợi ca: Chế Độ Ta, khác hẳn với sự châm biếm, đả kích ở bài: Cũng Những Thằng Nịnh Hót. Sự mâu thuẫn, nhức nhối này, làm cho người đọc một cảm giác “Cây gỗ vuông chành chạnh” Hữu Loan, dường như còn một khuôn mặt khác nữa:

“…Chế độ ta
Đến đâu
Mặt trời theo
Đến đấy
Chế độ ta
Đã dạy
Cho mặt trời
Công bình…

Chế độ ta
Không còn hành khất
Không còn người ăn sương
Nhân loại cần lao
Lớp lớp
Lên đường
Mặc áo muôn màu
Hát muôn thứ tiếng
Tay nắm tay thân mến
“Ta giữ hòa bình
Cho chế độ ta đây…”

Có thể nói, Hữu Loan có cái nhìn méo mó về Hà Nội và Saigon, cũng như cuộc di cư của hơn một triệu đồng bào miền Bắc (sau1954), khi ông viết bài Đêm vào tháng 5/1956. Quả thực, dưới cái tư tưởng, quan điểm phiến diện như vậy của Hữu Loan, Hà Nội trước kia, và Saigon hôm nay (1956), hiện lên trong thơ như một thứ ung nhọt, giang mai cùng mã tấu. Sự đĩ điếm, bỉ ổi ấy, càng rõ nét hơn dưới phép so sánh của ông: “Đêm Hà Nội/ Ngày nay/ Như em nhỏ nằm tròn/ Ru trong nôi chế độ”. Cái khía cạnh, và sự ru ngủ này, trong thơ Hữu Loan, dường như ít được các nhà nghiên cứu, và phê bình nhắc đến:

“…Hốt hoảng gọi nhau
Không kịp vớ áo quần
Những đêm Hà Nội ngày xưa
Lõa lồ
Mình đầy ung độc
Đã xuống tàu đêm
Vào Sài Gòn
Tất cả

Những đêm Sài Gòn
Ngày nay
Đêm giang mai
Tẩu mã
Đang mưng
Cấp cứu gấp vạn lần
Những đêm xưa Hà Nội
“10$ 1 cốc cà-phê
100$ 1 con gái…”

Quảng cáo đóng đầy
Ngực đêm
Như áo ngủ Sài Gòn

Đêm Hà Nội
Ngày nay
Như em nhỏ nằm tròn
Ru trong nôi chế độ
Những đèn dài đại lộ
Như những tràng hoa đêm
Nở long lanh
Trong giấc ngủ
Bình yên”

Sau 1954, những thi sĩ, nhà văn cùng thời như, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, hay Nguyễn Tuân… đều phải đảo bút, úp mặt quay lưng vì cuộc sống là điều dễ hiểu. Song với Hữu Loan một nhà thơ thẳng thắn, và can trường là một điều thật khó lý giải. Do vậy, cần lắm một sự nghiên cứu của các bậc tiền bối từ trong nước ra đến hải ngoại, để làm sáng tỏ một cách chân thật nhất về nhà thơ tài năng, đáng kính Hữu Loan.

Và một trong nhiều trường hợp thay đổi tư duy ngược lại: nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (trong Hội Văn Nghệ Long An)

“…ngay từ những ngày đầu cầm bút Đinh Thị Thu Vân đã hồ hởi, reo vui: “Tháng Tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn.”. Và Ba mươi tháng Tư đến, nhà thơ như cởi bỏ dĩ vãng, gột rửa được tâm hồn. Lời tự thú ấy đã được Đinh Thị Thu Vân viết thành thi phẩm: Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư, rất đồng điệu với khí thế hừng hực của những ngày sau 30-4-1975. Quả thực, nó chẳng khác gì một bản kiểm thảo trước chi bộ đảng đoàn vậy

“…Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư
Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất
Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất
Không một lần dám sống hy sinh
Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen
Em đâu biết tin ai một điều gì tuyệt đối
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa tim kia đành giữ lại… để nghi ngờ

—-

Sẽ… rất nhiều, anh hiểu phải không anh
Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh…”

Nếu “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư” là lời tự thú, để rũ bỏ quá khứ, gột rửa tâm hồn, thì đến với “Saigon Đau” lại là sự tìm về dĩ vãng, trong cái tiếc nuối và nỗi đau mất mát của Đinh Thị Thu Vân. Có thể nói, “Saigon Đau” là bài thơ tiêu biểu, và rõ nét nhất cái mâu thuẫn tư tưởng trên những trang viết của Đinh Thị Thu Vân. Và nó cũng là một trong những bài thơ viết về thế sự xã hội hay nhất, mà tôi được đọc. Thật vậy, nỗi đau và sự luyến tiếc đó, dường như không phải của riêng nhà thơ, mà nó đưa đến, và nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Vẫn những lời thơ tự sự, Saigon Đau như một mũi khoan xoáy vào lòng người đọc. Nhất là những kẻ buộc phải rời xa quê. Ta hãy đọc lại những trích đoạn có lời thơ dân dã, song rất đẹp dưới đây để thấy rõ, (và so sánh) cái mâu thuẫn tư tưởng, cũng như cái tôi, và chất trữ tình trong thơ thế sự xã hội của Đinh Thị Thu Vân:

“em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ…
Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương xá
em bước qua, ngơ ngẩn mắt quê mùa…
không có tình yêu, Sài Gòn như đất trống
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn!
không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?…”


- Một vài nhận xét về Đỗ Trường từ những nhà văn thành danh trong và ngoài nước:

- Trong bài viết về tác phẩm “Từ Hộ Chiếu Buồn Đến Đau Thương Hành” của tác giả Đỗ Trường, nhà thơ Trần Trung Đạo đã có nhận xét:

“Nhà văn Đỗ Trường cảm nhận giá trị văn chương và hoàn cảnh của tác phẩm bằng trái tim trong sáng hơn là tình cảm riêng tư, quen biết trước. Anh không viết theo cách “mặc áo thụng vái nhau”. Cảm xúc dâng lên sau khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn anh bắt gặp đâu đó, và như thế anh ngồi xuống viết. Anh có thể không biết và cũng không quá cần phải biết ngay tác giả của bài thơ, bài văn mà anh đang phân tích là ai, tầm cỡ nào, còn sống hay đã chết, miền Nam hay miền Bắc, Cộng Sản hay Quốc Gia.

Trong không gian mênh mông không hố hầm ngăn cách của tâm hồn anh, họ là những con người có trái tim Việt Nam như anh và cùng rung môt nhịp xót xa hay hy vọng với anh.

Với nhà văn Đỗ Trường, giá trị của tác phẩm làm nên tên tuổi chứ không phải tên tuổi làm nên giá trị tác phẩm”

- Trong bài viết “Thân Phận Bút Mực Trong Con Chữ Đỗ Trường”, nhà văn Trần Mạnh Hảo đã có những nhận xét khá độc đáo:

“Đỗ Trường viết văn bí mật như người đi vào một thành phố bị chiếm. Chao ôi, những trang giấy trắng này đã bị sự dối trá chiếm đóng từ muôn nơi, trong đó có quê hương của ông tàn tạ những chân trời. Ông hân hoan trao sự thật lòng mình cho trang giấy như người vợ đêm tân hôn trao cho chồng sự trinh trắng cả tâm hồn và thể xác…”

- Đặc biệt và mãnh liệt hơn, trong bài viết ngày 28.8.2017, dưới cái tựa: “Đỗ Trường – Kẻ Không Khoan Nhượng Với “Bầy Sâu Đang Khiêng Nước Việt Đi Chôn”, được đăng trên RFA, nhà văn Võ Thị Hảo sau khi nhận định về tài năng và khí tiết của Đỗ Trường, đã kết luận như sau:

“Người Việt ở Đức và mọi nơi trên thế giới rất cần thêm những người viết mang nhân cách chính trực như Đỗ Trường. Ngay tại Đức quốc, ai ngờ lại quá hiếm hoi những người viết như vậy. Chúng ta cần biết bao những người dám nói và viết lên sự thật để tẩy rửa sự tanh tưởi của những cơ hội và nhạt đạo tâm hồn.

Không cần nổi danh, Đỗ Trường viết vậy là chỉ để tự cứu rỗi chính mình. Nhưng nhân cách viết da diết vì sự thật và cộng đồng ấy đã cần mẫn ngày ngày gắng gỏi cho một sự nghiệp lớn và vì thế anh thành danh ngoài mong muốn.

Bằng những gắng gỏi, góp gió thành bão của mỗi người, sẽ tới một ngày, Việt Nam…”

- LỜI KẾT:

Bài viết này, ngoài việc giới thiệu đến độc giả diện mạo đặc biệt đáng quí của một nhà văn sinh ra và lớn lên từ miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh, cũng để thay cho lời cám ơn gởi đến nhà văn Đỗ Trường, 
người đã “chuyên chở văn học miền Nam, đặc biệt những người lính cầm bút miền Nam, vượt qua vũng lầy của cuộc chiến” do chế độ CS man rợ đã cố tình hủy diệt sau tháng 4.1975, để mang đến cho mọi người Việt Nam, đặc biệt những thế hệ hậu sinh trong nước, giá trị đích thực và vĩnh cữu của nó.

Phạm Tín An Ninh

  *****

VU  LAN  TRÁI  CHIỀU


Trần Trung Chính

Tôi bắt chước bình luận gia Vũ Linh đặt tựa cho bài viết này là VU LAN TRÁI CHIỀU vì từ xưa cho đến nay (ít nhất khoảng 75 năm nay trở lại đây), mỗi khi LỄ VU LAN đến với người Việt Nam vào dịp rằm tháng 7 âm lịch, từ báo chí cho đến các buổi lễ diễn ra tại các chùa cho đến các buổi lễ cúng bái tại các tư gia đều chỉ đề cập đến khía cạnh “báo hiếu” : trong toán học, học trò chúng tôi đã quá quen thuộc với lời mở đầu ĐIỀU KIỆN ẮT CÓ VÀ ĐỦ...Suy ra trong các dịp lễ Vu Lan, người Việt cả trong nước và hải ngoại chỉ thực hiện có một vế ĐIỀU KIỆN ẮT CÓ mà không bao giờ thực hiện vế còn lại (giáo sư Đào văn Dương cho rằng đó là “toán học què quặt”).

Khởi đầu, tôi có ý định đặt tựa bài viết này là TAM VU, đó là : Vu Oan, Vu Cáo và Vu Khống. Đây là công tác chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam ra lệnh cho các đảng viên thi hành trong chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT hồi 1953 và sau đó vào năm 1956. Bọn Việt Cộng tự hào khoe khoang trên sách báo cũng như các tài liệu tuyên truyền là  chúng đã thực hiện MỘT CUỘC CÁCH MẠNG LONG TRỜI LỞ ĐẤT. Sau khi Hiệp Định Geneve 1954 ra đời, nước Việt Nam bị chia 2, quốc gia VNCH giữ phần đất từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, chính quyền VNCH cũng như các nhà văn – nhà báo đều gọi chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT của Việt Cộng là CHIẾN DỊCH ĐẤU TỐ CHA MẸ”.

Điều khôi hài là VC khoe khoang chúng đã đạt những thành tích vĩ đại, nhưng sau năm 1958 chúng không hề dám nhắc lại sự kiện lịch sử đó. Chúng ta có thể đoan chắc là thế hệ 80, thế hệ 90 ...cho đến bây giờ (2024) công dân của cái gọi là CHXHCN Việt Nam không hề biết đến những tội ác của VC !!!  Nghịch lý quá phải không ? Chiến thắng Điện Biên Phủ + Chiến thắng Mậu Thân 1968 + Chiến thắng 30/4/1975 (cũng có thể gọi là Chiến Thắng  Đánh Cho Mỹ Cút Ngụy Nhào) thì được lập đi lập lại không biết bao lần suốt hơn 70 năm, trong khi CUỘC CÁCH MẠNG LONG TRỜI LỞ ĐẤT chỉ được nêu một lần duy nhất vào năm 1958 !                                                                                                               

Thông thường trong bất cứ xã hội nào, có 2 loại ưu tú được minh danh với danh xưng : TINH HOA CHÍNH TRỊ và TINH HOA TRÍ TUỆ ( politic elite and intellectual elite). Riêng xã hội Việt Nam, giới  “tinh hoa trí tuệ” được coi như mờ nhạt, có lẽ từ thời thi sĩ TÚ XƯƠNG cho đến bây giờ, thí dụ câu thơ

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo

Cho đến câu nói của nhà văn NGUYỄN TUÂN khi vào Sài Gòn sau 1975 : “... tao mà còn sống được đến bây giờ là nhờ BIẾT SỢ !!!”

Nhưng tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy những khoa bảng những người được xem là những trí thức ở hải ngoại cũng BIẾT SỢ bọn VC dù những khoa bảng này đang sống tại Hoa Kỳ, tại Canada, tại Pháp, tại Germany, tại Australia...là những nơi mà bọn VC không thể thực hiện được “bạo lực cách mạng” như chúng đã từng thực hiện tại VN suốt hơn 70 năm qua.

Năm 1985, sau khi đi tù từ Trại Cải Tạo Bình Điền – Huế về tới Sài Gòn, tôi uống café ở nhà hàng Thanh Bạch trên đường Lê Lợi thì thấy rạp Vĩnh Lợi bên cạnh chiếu film có tựa đề KẺ BẤT KHẢ CHIẾN BẠI, đây là một film võ thuật do một xứ miền Trung Á của Liên Sô sản xuất (đại khái như là Uzbekistan hay Kazactan gì đó mà bây giờ lâu quá tôi không còn nhớ chính xác). Nội dung trong một võ đường dạy môn SAMBO (tương tự như người Nhật mở võ đường dạy JUDO), một môn sinh trẻ hỏi vị võ sư trưởng : “Thưa thầy, hiện nay con có thể xuống núi được không ?” .

Ông thầy chỉ bức tường cao 2 mètre bảo học trò nhảy qua, cậu học trò nhún mình nhảy qua một cách dễ dàng, cậu đắc ý hỏi ông thầy : “vậy là em xuống núi được rồi phải không thầy?”

Ông thầy nói chưa, còn một cái test nữa, ông rút cây trường kiếm của ông và đặt dựng đứng trên một cái ghế đẩu, rồi ông bảo cậu môn sinh nhảy qua, nhưng cậu môn sinh chần chừ không dám nhẩy qua. Ông thầy nói : “con người muốn làm được việc gì cũng cần phải có 2 yếu tố KHẢ NĂNG  và Ý CHÍ, con đã có khả năng nhảy qua bức tường cao hơn 2 mètre, nhưng không dám nhẩy qua cây kiếm dựng trên ghế đẩu, thấp hơn bức tường vì thiếu ý chí, vậy phải luyện thêm nữa mới xuống núi được con à !

Các khoa bảng trí thức Việt Nam có thừa khả năng nhưng phải chăng thiếu ý chí chống lại bọn VC ?? Có thể họ đã sợ “bạo lực cách mạng kiểu Cộng Sản” ngay từ trong đầu óc của họ hay họ im lặng không dám đề cập đến sai trái của chúng vì họ cần về Việt Nam để làm cái gì đó chăng ? Những Tiến Sĩ như Tiến Sĩ Trần Kiêm Đoàn, Tiến Sĩ Phan Tấn Hải, Tiến Sĩ Cao Văn Hở, Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê,Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Liêm, Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Dũng cứ mỗi mùa Vu Lan lại ca ngợi công đức của cha mẹ, cứ viết những bài báo hay những bài thơ tương tự như Nhất Hạnh làm bài Bông Hồng Cài Áo, thế còn né tránh không dám nêu những “ác đức” của bọn bất hiếu Cộng Sản thì có đủ LIÊM SỈ nhận mình là trí thức nữa không ?

Bọn “ác đức bất hiếu” với cha mẹ của chúng thì rất nhiều, tôi chỉ nêu ra trong bài viết này một số tiêu biểu như :

1)      Trường Chinh Đặng Xuân Khu, nguyên Tổng Bí Thư Đảng CSVN đã đem bố mẹ, chú bác ruột ra “đấu tố” để đạt được quyền lực tối cao trong chính quyền.

2)      Tố Hữu đã làm thơ kêu gọi “giết, giết nữa đi...”, đã không yêu thương bố mẹ của mình mà lại đi yêu Stalin đến nỗi con ông ta khi biết nói không gọi mẹ cha mà lại gọi tên của Stalin : Yêu biết mấy nghe con tập nói

                                                             Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

Thật là một siêu nhân vĩ đại qua mọi thời đại !!!

3)      Xuân Diệu gọi bố mẹ là “kẻ thù của giai cấp” và đòi “ lôi thằng Thu ra bắt quỳ để đấu tố” ( Thu là tên của bố ruột Ngô Xuân Diệu)

Vài chục năm sau, Cù Huy Hà Vũ (con của Cù Huy Cận và là cháu gọi Xuân Diệu bằng cậu ruột) lại cứ xoen xoét tâng bốc công đức của Hồ chí Minh mà không biết là anh ta đang làm trò rởm đời một cách trâng tráo và bỉ ổi.

4)      Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có cha là Thượng Thư của triều Nguyễn, được cha cho đi du học Pháp, đậu bằng Bác Sĩ Y Khoa, khi về nước bọn VC đem ông Thượng Thư ra “đấu tố chay” mà ông con Bác Sĩ cứ im thin thít ( tôi gọi là đấu tố chay vì quan Thượng Thư đã qua đời từ trước khi chiến dịch Đấu Tố được phát động)

Nhà văn Trần Mạnh Hảo từ hơn 15 năm nay đã lên án khẩu hiệu

TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO

ĐÀO TẬN GỐC, TRÓC TẬN RỄ

Ông Trần Mạnh Hảo nêu ra một thực tế là các thành phần nói trên bị tiêu diệt như vậy thì lấy ai để xây dựng đất nước (những kẻ chưa bị VC chụp bắt thì khôn hồn lo vượt biên vượt biển cho mau), ông rất lịch sự chưa muốn nêu ra là thành phần trung kiên của chế độ là thành phần bần cố nông dốt nát phấn đấu gia nhập hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng Sản chỉ để nắm quyền lực rồi ra sức kiếm tiền bằng cách ăn trộm tài sản quốc gia và cấu kết với Tàu Cộng để “mãi quốc cầu vinh”. Khi vơ vét bỏ túi đầy đủ thì tìm mọi cách di cư qua Hoa Kỳ, Australia, Canada, Pháp, Đức...để thực thi châm ngôn VƠ VÉT THU GOM ĐỜI BỐ - CỦNG CỐ ĐỜI CON.

Người viết xin có lời khen ngợi những  “politic elite” vừa đề cập trên đây là những con người tuyệt thông minh nhưng thiếu LIÊM SỈ, vì vậy những độc giả thế hệ trẻ muốn bắt chước đường lối thông minh nói trên là quyền tự do của mỗi người, người viết không ngăn cấm cũng như không bài xích.

Nhà văn Nguyễn Lân Thắng (cháu nội của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh) vào năm 2013 đã vào Nam đi thăm viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Ông đã vượt qua rất nhiều trở ngại mới vào tới bên trong và ông gọi những ngôi mộ của các tử sĩ VNCH nằm trong nghĩa trang này là NHỮNG NGÔI MỘ BỊ ĐI TÙ.

Cuối bài viết ông bâng quơ đặt câu hỏi “nhà nước ta” luôn kêu gọi “hòa hợp –hòa giải, nhưng khi nào thì bắt đầu ?? Hết Nghị Quyết 36 rồi lại mới đây tới Nghị Quyết 1334, rốt cuộc cũng chỉ tốn nước bọt mà thôi, thành thử câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành chân lý tuyệt đối bất khả kháng nghị, đó là :

ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI

MÀ HÃY NHÌN KỸ NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn một nhận xét của một học giả viết về Chính Trị Học (xin thứ lỗi vì người viết không nhớ tên của vị học giả này) :

Một khi Đạo Đức không thắng nổi Uy Lực và Uy Quyền thì Xã Hội bắt đầu Rối Loạn.

San José ngày 4 tháng 9 năm 2024   

Kỷ niệm Mùa Vu Lan 2024

Trần Trung Chính

*********

Văn Hóa Chửi Của Người Huế


Lời mở đầu

"Chửi" là một đề tài luôn thú vị và gây nhiều tranh cãi. Không phải ngẫu nhiên, "Chửi" là cái mà người ta dễ tiếp xúc và học nhanh nhất khi mới tiếp cận với một nền văn hoá. Ngày nay các phương tiện thông tin đại chúng như “internet,” truyền hình, phim ảnh... có phần lạm dụng hay tự nhiên hoá những từ ngữ tục tằn, dùng chúng như một tác nhân gây cười. Việc làm này là con dao hai lưỡi. Nó vô hại với những ai có đủ hiểu biết và bản lĩnh nhưng lại rất nguy hiểm cho giới trẻ mới tập tễnh vào đời, không được kèm cặp chặt chẽ; nhưng "Chửi" cũng là một nhu cầu tự nhiên để giải toả tâm lý, giải toả ức chế một cách nhất thời.  Như vậy liệu pháp "Chửi" có thể được xếp vào một loại... tâm lý học!

TVG

*

Hình như mọi người có lẽ đã nghe quen văn hóa chửi của người Bắc (Chửi mất gà) hay người Nam (chửi “Đồ mắc dịch”) rồi, bây giờ tôi xin phép được giới thiệu thêm một ít văn hóa chửi của người miền Trung, mà tiêu biểu là ở Huế, để rộng đường dư luận. Giữa đêm khuya thanh vắng, tự nhiên thấy thèm nghe những câu chửi ni mà không có ai ở đó chửi cho nghe (?)  Không lẽ tự mình đi... chửi mình để nghe cho đỡ nhớ Huế! Thật hết biết !!!

 Chửi, nói năng hồ đồ, tất nhiên không phải là một hành vi văn hóa. Nhưng dưới cái nhìn xã hội học, hành vi chửi lại có một văn hóa... chửi mới chết chứ! Vì chửi tồn tại hầu hết ở các nền văn minh từ cổ chí kim. Ở mỗi vùng, địa phương, dân tộc có một cách chửi khác nhau. Sắc thái và cấp độ nặng nhẹ của chửi thường thuộc về quan niệm. Cách chửi của miền Bắc khác cách chửi của miền Trung, miền Nam. Đây là cái khác của những lối sống, tập quán và ngôn ngữ địa phương.. v...v...

Có lần ở đội bóng Thừa Thiên-Huế, các cầu thủ Huế đã dạy cho cầu thủ bạn người Camaron nói “Cảm ơn” tiếng Huế là “Mả cha mi.” Và cầu thủ này cứ cảm ơn mọi người bằng câu “Mả cha mi” cho đến khi biết là mình bị đồng nghiệp chơi xỏ. Đây có thể chỉ là một giai thoại nhưng giai thoại này đã phản ánh bản chất giàu văn hóa của chửi kiểu Huế.

“Chửi kiểu Huế” có cái hay riêng của nó. Trước hết là cái hay của giai điệu. Nghe những câu chửi như “Mả cha mi,” “Đồ mi là đồ mi phá, ba mi về là ba mi la”...  quả là nghe như hát hay. Nếu một người ngoại quốc nghe một mệ Huế chửi thì rất có thể nhầm là Mệ đang hát một khúc điệu dân ca với những nốt nhạc hiện đại đồ-rê-mi-pha-son.

 Hay về giai điệu, chất nhạc, chửi kiểu Huế còn rất mực văn hóa ở nội dung chửi. Không có kiểu chửi chì chiết, tiếng bấc tiếng chì nặng nhẹ, riết róng, thóa mạ, mà chủ yếu là chửi yêu chửi nịnh, chửi lúc này là tỏ tình thương yêu. Một câu chửi như “Mả cha mi” người nghe còn hình dung như có kèm theo tiếng chửi là một cái bẹo má. Hay người mẹ Huế chửi con “Mi là đồ con tinh,” “Đồ con tinh le le,” là nói dzậy mà không phải dzậy. Có lẽ lời chửi có nội dung nặng ký nhất của xứ Huế là “Đồ vô hậu.” Điều này xuất phát từ sự chịu ảnh hưởng lâu đời của đạo Nho, xem không có con nối dõi là bất hiếu. Vì vậy khi người Huế chửi ai đó là “Đồ vô hậu,” là chửi vỡ mặt, chửi đến cùng. Nhưng chữ “Vô hậu” còn có nghĩa rộng của nó chứ không chỉ dừng lại ở nghĩa hẹp không có con nối dõi. “Vô hậu” còn là không có tương lai (như ở chữ mai hậu - mai sau, là tương lai). Chửi “mắng yêu” là một trong những sắc thái khá đặc sắc của văn hóa chửi kiểu Huế. Vì vậy rất khó diễn đạt trên giấy mà phải là trong ngữ dụng của nó mới có thể hiểu hết các sắc thái nghĩa của một câu chửi cụ thể. Khó có thể mô tả lại câu chửi “À cái mặt coi hay chưa tề” nếu như không được nghe từ một hoàn cảnh nhất định. Con gái Huế thường chửi hay hơn con trai, đàn bà chửi hay hơn đàn ông, người già chửi hay hơn người trẻ, nông thôn chửi hay hơn thành thị... Cái hay hơn ở đây là vốn chữ để chửi phong phú hơn và cách chửi dễ chịu hơn. Từng là cái nôi của trung tâm văn hóa, người Huế thích ăn nói văn hoa, sử dụng nhiều từ Hán Việt cho nên chửi kiểu Huế cũng nằm trong tầm ảnh hưởng này. Một kẻ đa nghi sẽ bị chửi là “Đồ đa nghi như Tào Tháo.” Có biết nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc Chí như thế nào thì mới hiểu được nghĩa của lời chửi. Cách dùng các điển cố, điển tích trong nội dung chửi đã làm nhẹ đi sắc thái đụng chạm của lời chửi, đó là một cách “chửi vòng” rất văn hóa mang đặc trưng kiểu Huế. Đại loại ta chửi mà mi không biết, thâm sâu đó mà nhẹ nhàng, không gây hấn, thúc bách đẩy người bị chửi đi đến chỗ nổi cục nổi hòn, xô xát làm hư việc.

 Câu chửi của người Huế thường hay bắt đầu từ chữ “Đồ” như một tiếp đầu ngữ. Tính chất định tính chứ không phải là định lượng của chữ “Đồ” làm người bị chửi “hoang mang” một cách dễ chịu. Có thể hiểu câu chửi nặng sau đây “Mi là đồ chó,” nghĩa là “Đồ chó” chứ không phải là “Chó.”  Dường như ở một số vùng của miền Trung cũng có kiểu chửi này nhưng không đặc trưng như ở Huế.

 Dù muốn hay không thì hành vi chửi vẫn cứ tồn tại một khi còn có con người. Vì vậy tìm một nét văn hóa trong hành vi chửi kiểu Huế chính là để nhận thức sâu hơn điều gì ở nền tảng văn hóa đã tác động đến hành vi đó, làm cho chửi trở thành một lời mắng yêu. Tức tối đó mà dịu dàng đó, chửi mà không mạ lỵ, tục mà thanh tao, Và nếu chửi là một lời mắng yêu, lời khen phi văn bản thì tại sao chúng ta lại không mong ước được nghe chửi suốt ngày?

 Vâng, người Huế, nhất là mấy O, mấy Mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa . . . làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài. Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì "tụng" mới phê! Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.

  Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm. Người Huế ít khi dùng chữ lắm hay chữ quá mà dùng điệp ngữ: “Cái con nớ, lanh cha lanh chanh!” “Mấy mụ O giọn (nhọn) mồm” tức là “Mấy bà chị chồng mỏng mép” hoặc đôi khi chê em dâu: “Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè” có nghĩa là “Sao mà nó vô phép quá vậy!

 Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh: “xanh lè lè,” “đỏ lòm lòm,” “đen thùi thui,” “vàng khè khè,” “tím giắt giắt (tím ngắt) “...

Bởi, “Cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn!” Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm rể! Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy O ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: “Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai.

 Một bà mẹ mắng cô con gái hay một bà chị cả giảng “mô-ran”cho cô em thứ mà nghe cứ như là đang đọc một bài đồng giao với vần điệu, trầm bổng cũng là một trong những sinh hoạt dưới mái gia đình: “Mi phải suy đi nghĩ lại cho kỹ! Mi coi, là con gái con lứa, đừng có đụng chăng hay chớ, cũng đừng lật đa lật đật, cũng đừng có mặt sa mày sỉa. Bọ mạ thì quần ống cao ống thấp, tất ba tất bật để nuôi mình. Tau thấy mi rứa, tau cũng rầu thúi ruột thúi gan!

Cái "thông điệp" cho thằng em trai thì: “Năm tể năm năm tê, mi còn lẩm đa lẩm đẩm, mũi rãi thò lò; chừ mi nậy rồi, phải biết ăn biết noái, biết goái biết mở, vô khuôn vô phép. Chớ mai tê mốt nọ mi nên vai nên vế, nên vợ nên chồng, làm răng mi bông lông ba la hoài như cái đồ trôi sông lạc chợ cho được?!

Mấy Ôn, khi giáo huấn con cháu, vẫn thường trích dẫn ca dao, tục ngữ để đệm thêm cho ý tưởng của mình, chẳng hạn: “Đó, mi thấy đó: Ai ơi chớ phụ đèn chai, thắp trong Cần Chánh rạng ngoài Ngọ Môn. Mi đoảng, mi vô hậu, được bèo quên rá, được cá quên nơm; thì mi lấy ai mà bầu bạn, lấy mô mà tri kỷ!

Lời kết

 Tôi tin rằng chửi luôn gắn liền với sự tồn tại của xã hội loài người. Chửi không hẳn là chỉ có mặt xấu mà cách người ta dùng nó mới thật sự xấu xa.

 Nếu các bạn nào đã có dịp tiếp xúc với văn hoá nước ngoài nhiều sẽ nhận thấy cách Chửi thay đổi rất nhiều tuỳ theo vùng văn hoá. Ví dụ như dân châu Âu Chửi không "khéo" bằng dân châu Á. Dân châu Phi chửi không "đau" bằng dân Nam Mỹ... Đại loại là như thế.

 Nhưng đã gọi là Chửi thì nhất định không thể xếp vào cách ứng xử "lịch sự" hay tinh tế. Khi người ta đã phải dùng đến chửi có nghĩa là thật sự đã hết cách rồi. Quay về với cái gọi là "văn hoá chửi" của người Việt nam. Có lẽ không còn chữ nào chính xác hơn là hai chữ "cay nghiệt" để diễn tả nỗi đau về tinh thần mà người bị chửi phải chịu đựng.

 Có ai "thắng" trong một cuộc chửi nhau tay đôi không? Câu trả lời là: “Có và Không.”  Có trong trường hợp "vốn chửi" của hai bên không cân bằng hay tính cách cá nhân không tương đương - Ví dụ: một bên nhát, bên kia dữ dằn. Không trong trường hợp hai bên cùng chửi giỏi, giỏi cả về tâm lý. Không cũng còn nằm trong trường hợp gặp kẻ cao tay hơn không thèm chửi lại! Dĩ nhiên khái niệm "thắng/thua" luôn có nghĩa tương đối.

 Trong hai hình thức chửi, thì việc chửi "như tát nước" không để lại hậu quả nghiêm trọng bằng cách chửi "thâm nho." Ta không nên chỉ nhìn nhận Chửi như một cái gì đó "xấu xa,” chối bỏ và không muốn hiểu nó. Trái lại, việc hiểu biết về chửi rất cần thiết trong cuộc sống vì nhiều lý do:

  - Ta cần biết cái lợi/hại của chửi để hạn chế nó.

- Ta cần biết chửi để không sợ bị...  chửi.
- Chửi cũng là một phần của cuộc sống.

 Tôi xin mượn bài “Ca Dao Chửi” để kết thúc bài viết này:

  Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà chửi cho vừa lòng nhau
Đã chửi, phải chửi thật đau
Chửi mà hiền quá còn lâu nó chừa
Chửi đúng, không được chửi bừa
Chửi cả nhà nó, không thừa một ai
Khi chửi, chửi lớn mới oai
Chửi hay là phải chửi dài, chửi lâu
Chửi đi, chửi lại mới ngầu
Chửi nhiều cho nó nhức đầu, đau tai
Chửi xong nhớ nói “bai bai”
Phóng nhanh kẻo bị ăn chai vào đầu…

_________

Bonus

 Không lâu rồi, tôi có đi dự 1 buổi họp mặt của Hội Cựu Sinh Viện Việt Nam tại UCLA (UCLA Alumni) ở Orange County, CA.  Tôi được hân hạnh ngồi cạnh một anh bạn cựu sinh viên UCLA  người Huế.  Anh ta từng là Cựu Chủ tịch của Hội VSA tại UCLA (Vietnamese Student Association at UCLA) của những năm 1990'.

Anh ta nói với tôi:

 - "Anh Giang có biết là 95% dân Huế chết vì đau răng không...?"

Tôi théc méc vô cùng:

  - "Tại sao Chú biết?"

 - "Vì ở Huế, đi dự đám ma nào em cũng nghe người ta nói: 'Đau răng mà chết hỉ' "

Thì ra chỉ ở Huế mới có như vậy...

Trần Văn Giang

Orange County

  ********

NGUYỄN - MINH – THANH

 

Việt Nam Nữ Lưu Lẫm Liệt,
     - Bà Trần Thị Băng -

            *********
      Tiết Phụ Ngậm Ngùi
Trời sầu đất thảm một hừng đông
Thiếu phụ xả thân giựt xác chồng
Tay yếu làm sao tranh lũ giặc
Chân mềm đâu thể thoát bầy ong
Phát phu thắm máu trang anh kiệt
Tiết hạnh soi gương khách má hồng
Quyết thác theo chồng không uống thuốc
Phu - thê nghĩa trọng tựa non sông..!!
                        Nguyễn Minh Thanh
*Phát phu: tóc, da
1 - Dẫn Truyện Bà Trần Thị Băng:
Là người VN, không ai không biết Ô. THái Phiên.
Nhưng rất ít người biết vị Nữ Lưu Lẫm Liệt: Bà Trần Thị Băng, phu nhân cuả nhà cách mạng, chí sĩ  Thái Phiên.
Bà TRẦN - THỊ - BĂNG, sinh trong  gia đình phú hộ, con cuả Ô Trần Thượng Hữu ở làng Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. [Ông Trần Thượng Hữu từng hợp tác  Phong trào Duy Tân”.]
Bà là vợ sau cuả Ông Thái Phiên. Ông Thái Phiên có đời vợ trước , bịnh mất sớm, chưa con.
Sử truyện không thấy ghi năm sinh và mất cuả Bà Trần Thị Băng. Song, cứ vào sự tích, Bà mất năm 1916.
Bà đã lẫm liệt tuẫn thân, do sự kiện:
Ông Thái Phiên chồng Bà, cùng quí Ô... TRẦN CAO VÂN, PHAN HỮU KHÁNH...  bí mật liên lạc với vua DUY - TÂN mưu đồ khởi binh đánh đuổi giặc Pháp. Mưu sự bại lộ, Vua Duy Tân bị giặc lưu đày sang đảo  Réunion, Ấn Độ Dương ..!!      
Còn ba Ông: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Hữu Khánh đều bị giặc giết với 2 lính hầu  vua Duy Tân..!!
Pháp trường tử hình những người yêu nước, trong đó có chồng Bà, lập tại An Hoà, phía Bắc thành nội Huế. Thi hành án lệnh: hừng đông ngày 17 - 5 - 1916.
Ngay khi đầu Ô Thái Phiên vừa rơi xuống đất. Mọi người đều sững sờ ngơ ngác khi thấy Bà Trần Thị Băng đã xông xả vào ôm lấy đầu chồng. Nhưng làm sao giành được với bọn lính giặc hỡi trời!! Bà đành buông tay!!
Về nhà, Bà bị bịnh, và dứt khoát không thuốc thang, không ăn uống, để nguyên áo quần đẫm máu đào của chồng nằm cho đến chết..!!
 Trước giờ sắp mất, phụ thân Bà yêu cầu để cho người nhà tắm gội. Bà nhứt quyết từ chối, và thưa:
"- Áo quần con, thân thể con đã thấm máu chồng, xin cha cứ để cho con chết trong bộ áo quần nầy !".
Rồi từ từ... Bà lặng lẽ qua đời với bao ngậm ngùi thương xót cuả gia đình và làng, nước... !!
 Bà mất mới hơn 20 mươi tuổi..!!
Thế gian hi hữu, vô tiền khoáng hậu, duy, chỉ có ở phụ nữ VN mà thôi..!!
Tiếc rằng, người viết không đủ văn tài để ca ngợi đấng phụ nữ TIẾT HẠNH cao qúi tuyệt vời này..!!
2 - Lược truyện Ô.Thái Phiên:
Thái Phiên (1882 - 1916): người Quảng Nam, nhà hoạt động cách mạng. Ông cùng  Ông Trần Cao Vân và vua Duy Tân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp tại Trung phần VN, trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội.
Mưu sự bại lộ, Ô.Thái Phiên bị giặc bắt với nhiều người...
Trong ngục thất, Ô. Thái Phiên với những người đồng sự đã dũng cảm nhận hết trách nhiệm về mình và xin tha cho vua Duy Tân. Ông bị chém đầu vào ngày 17 tháng 5 năm 1916, tại kinh đô Huế !!
Vọng tưởng nhị vị tiền nhân, Nam Nhi hào kiệt, Nữ Lưu lẫm liệt:
Ô. Thái Phiên, Bà Trần Thị Băng,
hậu sinh cảm thán và nguyện cầu quí hương linh chư vị:
" Sống dương gian ngậm ngùi biệt ly... hy sinh vì tình dân quốc
Thác âm cảnh hân hoan trùng phùng...chung hỉ vẹn nghiã phụ phu."
Kết:
Hỡi những anh thư, hào kiệt...
Hỡi những người lẫm liệt cuả thiên thu,
Hậu sinh xin kính cẩn dâng lời thơ ngưỡng vọng:
Tiền Nhân Bất Khuất
Rừng phong lã chã lá mưa thu
Thương tưởng Tiền Nhân hận kẻ thù
Xâm lược quốc gia nhiều thủ đoạn
Hoá nô dân tộc lắm gian mưu
Hy sinh xã tắc bao hào sĩ
Tuẫn mệnh sơn hà quí nữ lưu
Mây trắng bồng bềnh qui Nghĩa Lĩnh*
Hồn thiêng khí phách rọi trăng thu...!!
                                    NGUYỄN - MINH - THANH
Đất khách, ngoài trời đêm tối lạnh lùng, màng đêm sâu thăm thẳm...
Người viết " Sử Truyện bi hùng "  xin dừng bút, với cõi lòng  man mác... lá vàng sang Thu.
Than ôi!
Vận nước Thu bay sầu điệp điệp …
Trăng cao nhiều khuyết ít khi tròn!!
Bành trướng Tàu Man đầy quỉ quyệt
Ngàn sau Tổ Quốc mất hay còn... ?!
                                             NGUYỄN - MINH - THANH kính bút
                                              GA, Thu vàng, năm 2021
* Nghĩa Lĩnh: núi nhỏ, cao 175 m, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi có Đền Hùng, thờ Mười Tám vị  Hùng Vương, kinh đô nước Văn Lang.
* Nguồn:
- TNĐT - DNTĐ, gs Trịnh Vân Thanh
- Báo: Niềm Tin GA
- Các Trang web: Thái Phiên, Trần Cao Vân...,
******

Tấm Hình Kỷ Niệm Cách Đây Gần 30 Năm ( 02 Tháng 10, Năm 1994 )

Kính gửi Quý Anh Chị

Kính Chúc Quý Anh Chị và gia đình bình an cuối tuần.

Kính

tdp

Tấm Hình Kỷ Niệm Cách Đây Gần 30 Năm

(02 Tháng 10, Năm 1994 )

(Xin có đôi dòng tưởng nhớ  đến Niên Trưởng Bùi Gia Định, Niên Trưởng Sơn Thái Huyền và Không Quân Võ Văn Trung.)

Ngày 02 Tháng 10, năm 1994. Tôi đi thăm một anh bạn cùng khóa 7/68 KQ với tôi là KQ Võ Văn Trung ở Boston, MA. Trước 30 Tháng 04, năm 1975. KQ Trung phục vụ trong ngành Quân Cảnh, thuộc Sư Đoàn 2 Không Quân. Thấm thoát, mà đã gần 30 năm.

 Lên xe điện ngầm rời New York City vào giữa khuya. Sau hơn 4 tiếng ngồi xe điện ngầm. Xe đến nhà ga Boston vào lúc 4 giờ sáng. Đang lo lắng, sáng tinh sương này có ai biết mà đón mình hay không? Nhưng khi đeo Ba Lô vừa mới bước ra gần cửa nhà ga thì gặp ngay KQ Võ Văn Trung, Niên Trưởng Bùi Gia Định, cựu Phi Đoản Trưởng 524  Thiên Lôi, SĐ2KQ Nha Trang và NT Sơn Thái Huyền, Cựu Phi Đoản Phó Phi Đoàn 215 Thần Tượng, SĐ2KQ, Nha Trang  đã đợi tôi sẵn nơi đây. NT Định cho biết NT Huyền vừa mới đến Boston được 2 ngày theo chương trình HO.


Chúng tôi ra xe đến nhà KQ Trung ở Dorchester điểm tâm và uống cà phê. Sau đó, cùng hẹn 12 giờ trưa sẽ ghé thăm Thân Mẫu một bạn cũng thuộc khoá 7/68 KQ là Nguyễn Hữu Trí, cựu Phi Công Trực Thăng thuộc Phi Đoàn 235 Sơn Dương hy sinh năm 1972 tại vùng trời biên  trấn Pleiku. Nhà Bả chỉ cách nhà KQ Trung khoảng 15 phút lái xe. Bả cho biết rất vui khi chúng tôi đến thăm.

Lúc còn ở Việt Nam cơm tấm Bà Út Cây Quéo rất nổi tiếng trong vùng. Bà thuê một góc phía trước Quán Thanh Vân, nằm trên đường Ngô Tùng Châu và Hoàng Hoa Thám, đối diện chợ Cây Quéo. Bà khởi nghiệp từ năm 1956 cho đến năm 1990 thì giải nghệ đi định cư Hoa Kỳ do con gái bảo lãnh.

Quán cơm tấm Bà Út nổi tiếng nhất là món cơm tấm bì, chả, hột gà ốp la và sườn nướng ngon tuyệt vời. Ngoài ra, bánh mì bì trét mỡ hành, chan với nước mắm cay cũng rất ngon. Đặc biệt, nước mắm pha chế rất đậm đà, theo tôi không có nơi nào sánh được. Nhiều người đến nhờ Bà hướng dẫn. Bà không giấu nghề, tận tình truyền hết kinh nghiệm, công thức, nhưng cũng không ai làm ngon được như Bà. Có lẽ lúc pha chế, Bà đem hết cái Tâm ra đặt vào trong đó?

Hôm nay, Bà nói “các cháu cho Bác biết trễ quá!” nên Bác chỉ đãi món cua Alaska hấp Gừng và món gỏi Ngó Sen, còn tráng miệng thì có chè đậu xanh nấu với phổ tai. Bả nói “nhìn các cháu  ngồi ăn lảm Bác nhớ con trai Bác quá!” Chúng tôi cảm ơn Bà về buổi tiệc thịnh soạn và rất ngon mà Bà dành cho chúng tôi. Trước khi chảo từ giã. Chúng tôi kính chúc sức khóe và bình an đến Bà và gia đình.

Thỉnh thoảng, tôi gọi điện thoại thăm Bà. Giờ đây, Bà đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe cũng yếu dần,.May mắn, được con cháu kề cận săn sóc. Bà vẫn nhận ra giọng nói của tôi, một trong những người bạn rất thân với con trai Bà và xem tôi như con đỡ đầu của Bà.

Giờ đây, nhìn lại tấm hình kỷ niệm chụp tại Boston cách đây gần 30 năm thì chỉ còn mỗi mình tôi ở lại với trời bơ vơ, ô trọc này.

Những người trong tấm hình kỷ niệm đã lần lượt rủ nhau theo Ông, theo Bả, theo Trời, theo Phật về Cõi Vĩnh Hằng..

1- Niên Trưởng Bùi Gia Định mất ngày 16 Tháng 11, năm 2012 tại Philadelphia.

2 - Anh Võ Văn Trung, Pháp Danh Thiện Nghĩa  mất ngày 15 Tháng 03, năm 2018 tại Boston.
3- Và gần đây nhất là Niên Trưởng Sơn Thái Huyền, Pháp Danh Thiên Tựu  mất ngày 06 Tháng 09, năm 2024. tại Boston.

Các Anh đã gặp nhau ở chốn bình yên, không phải lo âu, đối phó với  những khó khăn, phức tạp và những bất đồng về quan điểm của cuộc sống đời thường.

Rồi! cũng có lúc tôi sẽ gặp lại các Anh để chúng ta cùng hát “Không Quân Việt Nam Hành Khúc.”.

Chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi!

Trần Đình Phước

( San Jose, California)

 Các Tấm Hình Kỷ Niệm Cách Đây 32 Năm (30/09/1992 – 30/09/2024)

Các Tấm Hình Kỷ Niệm Cách Đây 32 Năm

(30/09/1992 – 30/09/2024)

 Hôm nay nhìn lại hình, mà các bạn Khoá 7/68 KQ còn lại Việt Nam đã đến tham dự buổi tiệc chia tay, trước  khi tôi và gia đình rời Việt Nam đi Hoa Kỳ theo diện HO. Sau một thời gian dài mòn mỏi chờ đợi.

 Buổi tiệc tạm biệt được tổ chức tại nhà Anh Chị Trần Văn Nghĩa, trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Sài Gòn. Thắm thoát mà thời gian trôi qua đã 32 năm ( 30/09/1992 - 30/09/2024 )

 Một lần nữa! Xin cảm ơn các bạn vì thương mến tôi, nên đã bỏ ra thời giờ quý báu, không sợ nguy hiểm với chính quyền địa phương, khi chúng ta tụ họp quá đông và tất cả đều là Sĩ Quan Không Quân VNCH, nên dễ bị chính quyền nghi ngờ gây khó khăn, chụp mũ tội tụ họp gây mật trật tự và an ninh xã hội.

 Cũng xin cảm ơn Anh Chị Trần Văn Nghĩa đã ngưng  quán cà phê một ngày, mất đi thu nhập, bảo đảm không có bất cứ chuyện gì xảy ra cho anh em và dành cho anh em buổi họp mặt khóa 7/68 KQ trọn vẹn trong tình chiến hữu “ Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè”

Xin gửi vài tấm hình kỷ niệm buổi họp mặt khó quên ngày xưa ấy!  Giờ đây, kẻ đang tha phương nơi xứ người, kẻ còn lại vất vưởng nơi quê nhà và những bạn đã đi bỏ đi trước về miền miên viễn.

 Giờ đây, chúng ta đã ngoài  tuổi Thất Thập Cổ Lai Hy. Xin hãy bỏ qua những tị hiềm, đố kỵ, oán hận, bất đồng về quan điểm, chính kiến. Đơn giản, vì quỹ thời gian trước mặt của chúng ta không còn nhiều. Chuyến xe tốc hành một  chiều đang chờ chúng ta bước lên. Ai có vé sẵn trên tay rồi  thì bước lên trước. Xe hết chỗ thì đi chuyến sau. Tất cả đều gặp nhau ở bến xe cuối cùng là Cõi Vĩnh Hằng.

 

Xin hãy cố giữ gìn sức khỏe, vui chơi với gia đình, con cháu, người thân, bạn bè và thiên nhiên. Đó là niềm an ủi và hạnh phúc nhất.!

Xin chúc tất cả Bình An.

 Trần Đình Phước

(San José, California)

 *********







 


Tags: NHÂN VẬT
Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: TẢN MẠN

Đăng nhận xét

Tin liên quan