MERRY CHRISTMAS KÍNH MỜI ĐỌC 2 TRUYỆN NGẮN MỚI CỦA NHÀ VĂN NGỌC HOA

MERRY CHRISTMAS KÍNH MỜI ĐỌC  2 TRUYỆN NGẮN MỚI CỦA NHÀ VĂN NGỌC HOA

Truyện ngắn mới: "Ước Làm Tiến Sĩ" (Tháng Chín 2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa

  • Hoa Nguyen

From:hoavnguyen47@gmail.com

Mời đọc truyện ngắn thứ mười ba

trong

loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

 Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

 https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

https://dconnect.co.jp/friend/

*** 

 13. Ước Làm Tiến Sĩ

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Tháng Chín năm 1954, mẹ chào vĩnh biệt nội rồi dẫn ba đứa con – anh Quang mười tuổi, tôi sáu tuổi, và thằng Sang ba tuổi – rời làng quê Quảng Bình đi di cư vào Nam.  Tàu cặp bến Đà Nẵng, chúng tôi sống trong trại tạm cư vài tuần thì mẹ tìm ra người em họ của cha để tá túc; o Nậm có chồng làm trung sĩ Công binh và theo chồng rời làng đã lâu.  Trong căn nhà mái tôn chật chội của trại gia binh, bốn mẹ con ở chen chúc với o dượng và hai cô con gái.  Vài tuần sau tôi ngã bệnh.  Lúc đầu mẹ xức dầu tràm, cho uống Tiêu Ban Lộ, nhờ người chích lể, và nấu nước xông.  Về sau thấy bệnh tôi càng ngày càng nặng, mẹ và o Nậm mời thầy lang đến xem mạch.  Thầy nói bệnh thương hàn và cho toa hốt thuốc.  Mẹ sắc thuốc cho tôi uống, nhưng uống thuốc vào tôi lại nôn ra và nằm sốt mê man.  Hôm ấy, tôi lơ mơ tỉnh lại nghe mẹ khóc thành tiếng,

“Con ơi, con đừng bỏ mẹ mà đi.”

Tinh thần tôi tỉnh táo nhưng mình và tay chân cứng đơ; hai bàn chân lạnh buốt và cơn lạnh lan dần lên thân mình.  Bức màn đen dần dần che khuất thị giác, trước mắt tôi là khoảng không.  Đột nhiên, một khuôn mặt quen thuộc hiện ra; anh Đồng nhìn tôi mỉm cười,

Thằng Bé, mi chưa chết được !”  “Thằng Bé” là tên gọi ở nhà của tôi.

Anh Đồng là anh họ tôi và mặc dù đã tứ tuần nhưng vai vế ngang hàng với tôi nên gọi mẹ bằng mự (thím) và nội bằng ôông.  Anh là người lớn duy nhất chịu kiên nhẫn nói chuyện với thằng Bé và cười dã lã cho xuôi chuyện khi bị tôi hỏi những câu kỳ quặc anh không trả lời được.  Anh là người đã vác rương cho mẹ và đỡ anh em tôi lên “tàu há mồm” đi di cư.  Như ở ngoài làng, anh vỗ vai tôi và từ tốn kể chuyện xửa chuyện xưa.

Ngày trước ông sơ (ông nội của ông nội) tôi và ông trưởng tộc họ Trần cùng thương cô gái đẹp nhất làng, nhưng gia đình cô nhận lời cầu hôn của họ Nguyễn và trở thành bà sơ tôi.  Từ đó hai họ luôn luôn bất hòa.  Hai đời sau, nội và ông họ Trần tranh mua một thửa đất để nới rộng nghĩa trang gia tộc; một lần nữa họ Nguyễn lại thắng.  Ông họ Trần cả giận rủa,

“Mồ mả họ Nguyễn chôn nhằm ngưu mạch – mạch con bò – dốt nát truyền đời.”

Con cháu họ Trần có tiếng học giỏi và thành đạt.  Cùng lứa với cha, bên họ Trần có một kỹ sư và một linh mục, trong khi cha chỉ đậu tới diplôme (bằng Trung học Đệ nhất cấp).  Anh Đồng vỗ nhẹ trên vai tôi,

“Thầy Trình nói mi thông minh sáng láng hơn người nên lâu ni cả họ đặt hết hy vọng vô mi.  Ôông bà mình biểu tau về bắt mi sống lại.”

“Để mần chi?” hồn tôi hỏi.

“Mai mốt học giỏi hơn họ Trần cho tổ tiên hết nhục nhã,” anh bắt hồn tôi hứa và lập đi lập lại, “Tui học giỏi; tui phải sống.”

Anh Đồng nói sao hồn tôi nghe vậy chứ đối với thằng Bé, đi học có khác gì đi chơi lang bang trong xóm đâu.  Hồi đó, thằng Gái (tên gọi ở nhà của anh Quang) là cháu đích tôn nối dõi tông đường được nâng như trứng, hứng như hoa nên tám tuổi mà không chịu đi học, mẹ và nội nói thế nào cũng không nghe.  Rồi nội tìm ra giải pháp, “Bắt thằng Bé đi học với hắn cho có bạn.”  Tôi gượng gạo bằng lòng, nhưng phải được ôm theo con gà cưng bỏ vào cái lồng nhỏ xếp thành hình quai vạc.

Ngày vào học trường làng, tôi chưa tới bốn tuổi.  Thầy giáo – thầy Trình – không thèm ghi tên vào sổ và miễn cưỡng cho tôi bài vở cốt để tôi khỏi làm rộn các trò khác.  Học và làm bài xong, tôi tự động ra sân chơi một mình và đợi con Chắt đem đồ ăn vặt giữa buổi của mẹ tới; nó là cháu nội duy nhất của anh Đồng và cùng tuổi với thằng Gái.  Trước ngày chúng tôi đi di cư, thầy Trình đến gặp mẹ cho biết thằng Gái học ngang với lớp ba (lớp 3) và tặng tôi cuốn Toán học Lớp Nhất (lớp 5) của Trần Tiếu thầy gửi mua trong Huế,

Thằng Bé đã học hết sách của tui; cả năm ni tui cho hắn bài riêng không có trò hiểu tới.”

Tôi không chết, dần dần tỉnh lại.  Một tuần sau hết sốt và bắt đầu ăn trả bữa.  Tôi giữ kín câu chuyện lúc “lâm chung” vì có nói cũng không ai thèm nghe.  Gần nửa thế kỷ sau, tôi có dịp về Quảng Bình gặp lại con Chắt, lúc ấy là một bà già tàn tật.  Nó cho biết anh Đồng bị Việt Cộng sát hại ngay sau khi tiếp thu làng vì anh không chịu “học tập” để đấu tố nội.  Như thế, anh đã qua đời trước thời điểm tôi “hấp hối” ở Đà Nẵng.

Lớn lên, tôi hầu như luôn luôn gặp may mắn trong việc học hành thi cử, học tôi đứng đầu lớp, và thi tôi đậu đầu bảng nên mẹ nói tôi có “quới nhơn” phò hộ.  Tôi đậu kỹ sư điện và hãnh diện là người đầu tiên trong dòng họ tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn biết mình chưa theo kịp họ Trần.  Rồi cuộc đời dun rủi khiến tôi học lên tiến sĩ kỹ sư.  Mùa xuân 1975, tôi học xong mọi môn học đòi hỏi và hoàn thành luận án về truyền sóng điện từ, nhưng phải bỏ nước ra đi, không kịp trình luận án.

Ước vọng của tổ tiên, tôi vẫn nhớ.  Nhưng so với niềm đau mất nước và những mất mát lớn lao khác, hụt cơ hội đậu tiến sĩ là chuyện nhỏ.

* * *

Đầu thập niên 1980, tôi phụ trách mục “Đố Vui Để Chọc” của tạp chí Xxxx Việt ấn hành ở Toronto, Gia Nã Đại do Bảo bạn tôi chủ trương, và thường ghé lại Toronto để tiếp tay với các bạn Xxxx Việt.  Trong một chuyến viếng thăm, tôi nghe Bảo nói chuyện “Tiến sĩ CETA” (người Việt đọc là “xê-ta”) Cung Thái Giao mà báo chí Việt ngữ đang thắc mắc.  CETA là chương trình huấn nghệ của Đạo luật Bao quát về Nhân dụng và Huấn nghệ năm 1973 nhằm cung cấp việc làm từ 12 đến 24 tháng cho những người lợi tức kém hay bị thất nghiệp dài lâu.  Trong thời gian huấn nghệ, người tập việc trong hãng xưởng được trả lương như nhân viên thực thụ, nhưng chính phủ liên bang hoàn trả lại số tiền đó cho chủ.

Ngày ở Ban Mê Thuột, tôi đã nghe tiếng giáo sư Giao dạy Việt văn ở trường trung học La San K’Buôn Ban Mê Thuột.  Mặc dù không có bằng Tú tài I, ông được học sinh và các frère quản đốc kính trọng và yêu mến vì dạy hay và ăn nói lưu loát.  Nhờ khéo giao tế, ông xoay xở đổi về dạy trường La San Taberd Sài gòn; ngoài giờ dạy, được giao thêm công việc trong tờ báo và cơ sở ấn loát của tòa Tổng Giám mục Sài gòn; và từ đó bước vào nghề viết báo viết văn.  Ông là đồng tác giả bút ký lịch sử nổi tiếng Làm Thế Nào Để Lật Đổ Một Nền Cộng hòa xuất bản năm 1971.

Sang Hoa kỳ định cư ở Silver Spring, Maryland thuộc vùng ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, Giao thường gửi bài bình luận thời sự hay biên khảo đăng trên các báo Việt ngữ, trong số đó có Xxxx Việt.  Gia đình ông “ăn welfare” (nhận trợ cấp của chính phủ), ông phải theo chương trình CETA.  Không ai biết ông học nghề gì trong 18 tháng huấn nghệ, nhưng sau đó người ta thấy ông bắt đầu thòng vào các bài biên khảo, dưới dạng phụ chú, tham chiếu luận án tiến sĩ có đề tài "Vai trò của thương buôn người Hoa trên thị trường lúa gạo Việt nam 1865 - 1965" với tên ông là tác giả.  Ông không tự nhận mình có bằng Tiến sĩ, nhưng khi đăng bài, tờ báo nhận biết và trịnh trọng giới thiệu tác giả là Tiến sĩ Cung Thái Giao.  Ngay cả khi in sách, ông cũng không trực tiếp nhận mình có bằng Tiến sĩ mà trích đoạn bài báo gọi ông là “Tiến sĩ” để in lại ở bìa sau.

Bảo đưa cho tôi xem phụ chú cuối bài viết mới nhất của Giao trên Xxxx Việt,

[12] Giao, Cung The.  1980.  The Role of the Chinese Merchants in VN’s Rice Market 1865 - 1965.  Ph.D. thesis, Georgetown University, Columbia.

Trước cặp mắt chờ đợi của Bảo, tôi cười khà khà,

“Tôi đã gặp thằng bạn cũ bỏ học đi lính trước khi học hết đệ ngũ [lớp 8] mà sang đây lớn lối xưng có bằng Cử nhân Văn khoa.  Rồi có ông thượng sĩ già vỗ ngực tự xưng đại tá oai phong lẫm liệt.  Hôm nay có thêm ông ‘Tiến sĩ CETA’ nói không có sách, mách không có chứng.  Chỉ cần đọc cái phụ chú này, tôi dám chắc người viết nó chưa bao giờ đặt chân đến trường đại học Mỹ.”

“Thật không?” Bảo nóng lòng.

“Này nhé, trước hết là chữ ‘Việt nam’ bị viết tắt thành ‘VN.’  Đối với người Việt, đó là chuyện tự nhiên, nhưng đây là nhan đề của luận án tiến sĩ, viết tắt là lỗi lầm không thể tha thứ; một nhà khảo cứu người Mỹ muốn tìm hiểu đề tài luận án sẽ phải hiểu ‘VN’ là gì?  Thứ hai, ông Giao dịch chữ ‘luận án’ từ tiếng Pháp ‘thèse’ ra tiếng Anh ‘thesis’ mà không biết ở đại học Mỹ, ‘thesis’ là luận án cao học; luận án tiến sĩ là ‘dissertation’!  Thứ ba, cái đuôi dốt nát thò ra khi ông ta ghi trường Đại học Georgetown nổi tiếng nằm ở ‘Columbia,’ thay vì ‘District of Columbia.’  Người Việt quen dịch ‘D.C.’ thành ra ‘Quận Columbia,’ và ông ta cho rằng chữ ‘Quận’ không cần thiết nên bỏ đi và ghi địa điểm ‘Columbia’ không ai biết là cái gì hay ở đâu.”

Tôi quên bẵng chuyện này cho đến đầu thập niên 1990, khi vụ “Mặt trận kiện báo chí” xảy ra.  “Mặt trận” là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt nam, một tập hợp gồm một số tổ chức chính trị và võ trang, do cựu Phó Đề đốc Huỳnh Công Mai lập ra năm 1980 với mục đích khôi phục đất nước từ tay Cộng sản.  Những năm đầu, được mọi người Việt tỵ nạn ủng hộ nhiệt thành, Mặt trận lập chiến khu ở Thái Lan và phát động "đấu tranh Đông tiến."  Trong cuộc hành quân Đông tiến giữa năm 1987, ông Mai bị trọng thương và tự sát.  Mặt trận bắt đầu phân hóa, các viên chức cao cấp dấu kín tin ông Mai tuẫn tiết và tiếp tục gây quỹ kháng chiến, nhưng dùng tiền vào việc kinh doanh riêng.

Mùa thu 1990, ký giả Lê Tú của tạp chí Văn nghệ Tạp sự ở Hoa Thịnh Đốn và bà vợ bị bắn chết trước nhà tại Bailey Crossroads, Virginia.  Trước đó, trong nhiều số báo liên tiếp, ông viết bài châm biếm và đả kích Mặt trận thậm tệ.  Tuy cục Điều tra Liên bang FBI và ty cảnh sát địa phương ra sức điều tra mà không tìm ra manh mối, Giao viết ba bài bình luận đăng trên Văn nghệ Tạp sự quy kết Mặt trận là thủ phạm.  Ông còn viết hồi ký ám chỉ nội bộ Mặt trận rất lam nham, và sách được nhà xuất bản Vũ Nguyên ở Houston, Texas ấn hành.  Bị chạm nọc, ba tay đầu não của Mặt trận bèn thuê luật sư kiện Giao, chủ báo Văn nghệ Tạp sự, và chủ nhà xuất bản Vũ Nguyên về hành vi phỉ báng mạ lỵ, và đòi bồi thường $550,000.  Họ ỷ thế Mặt trận và dùng tiền để dằn mặt ba nhà văn nhà báo nghèo mạt, và ngu xuẩn tin rằng sẽ thắng kiện trong môi trường tự do ngôn luận và tự do báo chí ở xứ này.

Cuối năm 1994, tòa Hòa giải Rộng Quyền quận Santa Clara ở San Jose, California xử vụ kiện.  Giao là nhân chứng đầu tiên, ông nói tiếng Việt.  Luật sư hỏi bằng tiếng Anh, thông dịch viên dịch ra tiếng Việt, Giao trả lời bằng tiếng Việt, và thông dịch viên dịch ra tiếng Anh cho quan tòa và bồi thẩm đoàn nghe.  Để hạ uy tín Giao, luật sư nguyên đơn căn vặn về bằng tiến sĩ lơ mơ của ông.  Ông khai,

Tôi có bằng Tú tài Việt Minh năm 1953 và đỗ bằng Cử nhân Việt Hán năm 1967.  Năm 1974 tôi học hàm thụ École universelle de Paris của Pháp và đỗ bằng tiến sĩ.  Cha mất sớm, gia đình nghèo, thuở bé tôi đi chăn trâu.  Mẹ tôi buôn tảo bán tần nuôi tôi ăn học và mong tôi đỗ đến tiến sĩ.  Tôi vừa học vừa đi làm vất vả và khi đạt mục đích, đem bằng tiến sĩ tới trước mộ mẹ, đốt cúng dâng bà.



 École universelle là trường tư dạy nghề, không phải đại học, rất ít người biết tới.  Trong khi quan tòa và bồi thẩm đoàn ngơ ngác không hiểu tại sao ông lại đốt bằng tiến sĩ, đám cử tọa người Việt cười thầm vì ông làm gì có bằng tiến sĩ để mà đốt; vả lại, tín đồ Công giáo như ông đâu có lệ đốt vàng mã cúng người chết như người bên lương.  Sau khi bồi thẩm đoàn tuyên phán bên bị thắng, ông chép miệng tiếc rẻ, “Thế mà tớ quên mất, không khai luôn cái bằng tiến sĩ năm 1981 tại Mỹ cho chúng nó nể mặt."

Giao giỏi hơn tôi ở chỗ ông đã hoàn thành ước vọng của mẹ ông.  Có điều, khó có ai chấp nhận lối đi ngang về tắt để đạt danh hiệu “Tiến sĩ” như thế.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 6 tháng Chín, 2023

 ***

Truyện ngắn mới: "Cây Kim Bọc Giẻ" (Tháng Chín 2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa

Hoa Nguyen 

From:hoavnguyen47@gmail.com

Mời đọc truyện ngắn thứ mười bốn 

trong 

loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.  

Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

 Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

           https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

          https://dconnect.co.jp/friend/

 Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một mùa Giáng sinh vui tươi và đầm ấm, và một năm 2024 -- và rất nhiều năm sắp tới -- an lành và hạnh phúc.

***

14. Cây Kim Bọc Giẻ

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Sau chuyến di cư từ làng quê Quảng Bình vào Nam, biến cố đổi đời thứ hai của tôi khởi sự vào ngày lễ Phật đản 1963.  Đối với dân Huế, ngày kỷ niệm đức Phật đản sanh là lễ lạt lớn nhất trong năm.  Ở các khu dân cư, ngoài việc treo hoa kết tụ tại nhà, ở mỗi khu phố, bà con góp công góp của giăng đèn và trang trí một khu tưởng niệm trưng bài cảnh ngài ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, buổi tối mời thầy ở khuôn hội đến tụng kinh, và ăn mừng cho đến hết tháng Tư âm lịch.  Khắp đất thần kinh, đâu đâu cũng nghe lời nhạc Phật đản vang lừng,

Vui mừng gặp ngày nay mồng Tám tháng Tư

Ngày khánh tiết Phật Thích ca ngài

Hiện về Ca Tỳ La Vệ trong đời khổ vạn đức Từ Bi . . .

                                       (Bửu Bác)

Ngày lễ Phật đản, tôi dậy sớm để lên chùa Diệu Đế dự lễ và theo đoàn xe hoa rước lễ lên chùa Từ Đàm.  Dưới ánh nắng chói chang, tôi đứng ở sân chùa Từ Đàm dự lễ chính thức và nghe Thượng tọa Tuệ Minh thuyết pháp đến gần hai giờ chiều.  Buổi tối, tôi cùng với rất nhiều Phật tử tụ tập trước đài phát thanh ở chân cầu Trường Tiền chờ phát thanh lại buổi lễ và bài thuyết pháp hồi sáng, nhưng buổi phát thanh không đến.  Rồi có tiếng súng nổ, và biến cố đau thương xảy ra trước mắt tôi.  Sau đó, tôi đi theo đám biểu tình cầm cờ Phật giáo phản đối chính phủ trên cầu Trường Tiền đến hai giờ sáng mới về nhà.  Mẹ lo lắng chong đèn đợi cửa, nhưng không la rầy vì thường ngày vẫn khoan dung cái thói “luông tuồng lóc lách” của thằng Bé – tên gọi ở nhà của tôi. 

Hôm sau, và mấy ngày kế tiếp, tôi hăng hái kể lại với mọi người những điều tai nghe mắt thấy.  Nhưng những điều ấy không phù hợp với lời tuyên bố của “mấy thầy” và cũng không giống như tin tức của chính phủ loan báo trên đài phát thanh.  Vốn là “thằng Bé lì lợm như trâu,” tôi gân cổ cãi cho bằng được với người lớn cả hai bên, và nhiều lần bị họ nổi nóng rược đánh và dọa giết.  Lo sợ cho sự an toàn của tôi, lúc ấy chưa tròn 16 tuổi, mẹ quyết định lẹ làng mà quyết liệt:  đưa cả gia đình vào Ban Mê Thuột ở với cha.  Từ nhiều năm nay, anh em tôi ở Huế với mẹ để đi học, trong khi cha đóng đồn và sống một mình trên thành phố cao nguyên đất đỏ.

Rời cố đô, quê nhà của tôi gần mười năm qua, tôi vào thành phố lạ, không bạn bè, không người quen.  Đó lại là một điều may mắn:  Trong lúc tôi yên ổn dành hết tâm trí vào việc học, các bạn ngoài Huế hoàn toàn bị biến động chính trị lôi cuốn và khống chế, ngày nào cũng xuống đường biểu tình, và không thể để tâm vào việc gì khác.  Biến cố Phật giáo ở Huế đưa tới cuộc đảo chánh mồng 1 tháng Mười Một năm 1963.  Tiếp theo, các tướng lãnh quân đội tranh quyền tranh chức bằng cách chỉnh lý, đảo chánh, và lập chính phủ mới liền liền.  Trong tình thế bát nháo ấy, giáo sư, sinh viên, và nhân sĩ Huế không chịu kém.  Họ bắt chước Robespierre trong cuộc cách mạng 1789 Pháp, lập ra Hội đồng Nhân dân Cứu Quốc (“HĐNDCQ”), ra tuần báo Thái độ để làm cơ quan ngôn luận, và hô hào dân chúng đứng lên làm “cách mạng Phật giáo” dưới sự lãnh đạo của thầy Tuệ Minh.

Chủ tịch HĐNDCQ là Bác sĩ Luyến khoa trưởng Đại học Y khoa Huế, trước đó ông làm giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.  Tôi biết chắc ông không thể là người tốt.  Tám năm trước, thằng Sang em tôi, lúc ấy lên năm, bị bệnh nặng thở hoi hóp sắp chết.  Mẹ cùng kế bèn cùng anh Quang kêu xích lô đưa nó đến phòng mạch ông Luyến; phòng mạch ở mặt tiền, phía sau là nhà ở.  Ông không thèm tiếp và sai người nhà ra đuổi, “Bác sĩ mắc thời cơm.  Mụ đem thằng nhỏ về đi.”  Mẹ khóc lóc nài nỉ, anh người nhà mắng nhiếc, “Đã noái ngài mắc thời cơm.  Mụ nhà quê ni răng mà lì lợm quá, hết khiến nổi.”  Mẹ cam lòng đem em tôi về và theo lời mách thuốc của hàng xóm, mua dầu đu đủ (một loại thuốc xổ mạnh) cho nó uống để “súc ruột.”  Thế mà nó không chết!  Về nhà, anh Quang – lúc ấy 12 tuổi – tức tối kể,

            “Tau tức bể d… chưởi tổ cha hắnTrỏ c… đái một trộ vô cửa nhà hắn.”

Chẳng khác gì làm đảo chánh, HĐNDCQ ngang nhiên chiếm cứ cơ sở viện Đại học Huế và dùng tài sản của viện vào mục đích chính trị.  Tờ Thái độ đặt ngay ở nhà in viện đại học dưới chân cầu Bạch Hổ, sung công phương tiện của nhà in để ấn loát, đăng những bài báo chê bai cay độc quân lực Việt nam Cộng hòa, chụp mũ nhiều người Công giáo hiền lương và ghép họ vào tội Cần lao (đảng chính trị duy nhất dưới thời Đệ nhất Cộng hòa), và xỏ xiên mạ lỵ dân Công giáo di cư.  Mỗi số báo đều có mục “Thư Thầy” là lời hiệu triệu của thầy Tuệ Minh và mục “Chén Thuốc Đắng” đả kích và bêu diếu “kẻ thù cách mạng” của Ba Cao, bút hiệu của Cao Hữu Thùy.

Thùy sinh năm 1937 ở Quảng Ngãi, là con đầu lòng của một gia đình năm anh em, và năm tám tuổi theo cha mẹ về nguyên quán ở Huế.  Ông học trung học tại trường Khải Định (Quốc Học) rồi vào Sài gòn học Đại học Luật khoa, năm 1962 đậu cử nhân công pháp, và về Huế làm phụ khảo tại Đại học Luật khoa Huế.  Ông là tổng thư ký tòa soạn Thái độ và ai cũng biết chính là tác giả của lá “Thư Thầy” hàng tuần.

Vị giáo sư đại học 27 tuổi thường được Tướng Thơ tư lệnh Sư đoàn 1 đóng bản doanh tại Huế mời ăn cơm.  Bấy giờ, ông Thơ là một tướng lãnh có nhiều thế lực chính trị đối với chính phủ trung ương ở Sài gòn.  Giữa tháng Chín, Thùy với tư cách phóng viên Thái độ đi máy bay quân sự với ông Thơ vào Sài gòn để “theo dõi cuộc hợp lực của Tướng Thơ và Tướng Kiền chống phá một âm mưu đảo chánh” đang diễn tiến.  Tướng Kiền lúc này là tư lệnh Không quân, được coi là thủ lãnh của phe tướng tá trẻ, và bị sinh viên Sài gòn gọi là “ông tướng Không quần lanh mưu.”

Thái độ là tờ báo chính trị không hề có nhu cầu gửi phóng viên đi quan sát tại chỗ để lấy tin, và hai ông tướng không thể ngu ngơ đến nỗi mở rộng vòng tay mời một tay phản loạn vua biết mặt chúa biết tên vào Sài gòn chứng kiến cuộc hành quân dẹp loạn của quân đội.  Chuyến đi Sài gòn của Thùy hiển nhiên là để thương lượng giao ước có lợi cho cả ba người.  Quả nhiên, đầu tháng Mười, tướng Thơ được thăng lên làm tư lệnh Quân đoàn I.  Tháng Mười Một, Thái độ ra số cuối cùng, chào tạm biệt độc giả, và hẹn gặp lại.  Tháng Mười Hai, Thùy được cấp học bổng lên đường sang Pháp du học.

Vụ Phật giáo nổi dậy ở miền Trung bị dẹp tan, ông Luyến và các giáo sư viện Đại học Huế cầm đầu HĐNDCQ bị đuổi ra khỏi ngành giáo dục, nhiều giáo sư và sinh viên khác lộ chân tướng Việt Cộng nằm vùng nhảy núi, và thầy Tuệ Minh được đưa vào Sài gòn an trí ở dưỡng đường Bác sĩ Nguyễn Vũ Lộc.  Thầy tuyệt thực 100 ngày; thầy nói,

Có hai việc mà tuyệt thực tuyệt đối phải có.  Một là phải có một tâm thức thanh thản, không buồn, không giận, không cầu hồ gì.  Không cầu chết cũng không sợ chết, tiếp cận hoàn toàn với đức hỷ xả của Phật.  Hai là tuyệt đối không ăn, dĩ nhiên, cũng không uống, không chích bất cứ thứ gì.

Trong thời gian 100 ngày đó, thầy không ăn, không uống, và chỉ “dùng” nước sâm đại bổ do mấy tín nữ đứng tuổi ngày đêm túc trực dâng lên.

* * *

Sau năm năm học tại phân khoa Luật và Chính trị học của Đại học Paris, Thùy trình luận án tiến sĩ quốc gia về chính trị học với đề tài “Christianisme et colonialisme au Vietnam (1857-1914)” (Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt nam [1857-1914]).  Luận án đồ sộ gồm 563 trang in ronéo cỡ 20 x 26 cm, đáng buồn thay chứa rất nhiều chi tiết sai lạc, phóng đại, và xuyên tạc.  Tác giả nhiều lần bẻ cong ngòi bút để đi tới kết luận mong muốn.  Thí dụ, trong cuốn Divers Voyages et Missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo) xuất bản tại Paris năm 1653, giáo sĩ Dòng Tên và nhà ngôn ngữ học Alexandre de Rhodes (1593 - 1660) viết nguyên văn (bản dịch của Hồng Nhuệ, 1998),

Tôi tin tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ [soldats, là chiến sĩ Phúc âm tức nhà truyền giáo] đi chinh phục toàn cõi Đông phương đưa về quy phục Chúa Giê-su và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi, và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn [Église viết hoa].  Với ý đó, tôi rời bỏ La Mã ngày 11 tháng Chín năm 1652 sau khi tới hôn chân đức Giáo hoàng.

De Rhodes là người có công hệ thống hóa và san định chữ Quốc ngữ và biên soạn và giám sát việc ấn hành Tự điển Việt - Bồ Đào Nha - La tinh, cuốn tự điển  Việt ngữ đầu tiên.  Khi trích dẫn đoạn văn này, Thùy bỏ hai  khúc “đưa về quy phục Chúa Giê-su” và “hôn chân đức Giáo hoàng” để người đọc hiểu “soldats” của de Rhodes là những kẻ đi xâm lăng chứ không phải nhà truyền giáo, và ngụy tạo lời de Rhodes (bản dịch của chính Thùy, 1988),

Tôi tin rằng:  Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh sĩ để đi chinh phục toàn thể Đông phương, cũng như ở đó, tôi sẽ có cách để có nhiều giám mục vốn là cha và các thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ [église viết thường]. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng Chín năm 1652 với ý định đó.

Những hành động gian trá như thế không thể có chỗ đứng trong bất cứ bài viết nào của người có học, phương chi đây là luận án tiến sĩ của một đại học nổi tiếng nhất thế giới.  Khốn nỗi, khi người ta khám phá ra trò bất lương của Thùy thì đã quá trễ:  Ông đã “lỡ” lãnh bằng tiến sĩ và nhận một chân giáo sư dạy tại Đại học Picardie, một trường đại học nhỏ vừa chính thức mở cửa ở miền Bắc nước Pháp.  Tại đây, ông kiêm nhiệm chức giám đốc một trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng Âu châu và trong những năm kế tiếp ấn hành một số tác phẩm bằng tiếng Pháp về chính trị học và quan hệ quốc tế.

Năm 60 tuổi, Thùy về hưu và bắt đầu viết bằng tiếng Việt trở lại.  Ông về Việt nam thăm viếng thường xuyên, viết bài đăng báo và đọc diễn văn ca ngợi và thổi phồng chính sách và đường lối của đảng Cộng sản Hà nội lên tận chín tầng mây, và nhờ đó được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng “vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục.”  Thùy cho dịch và in luận án tiến sĩ xưa thành sách, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt nam, 1857-1914.  Sách kịp xuất bản trước khi chính quyền Việt Cộng mở mắt, bớt ngu muội, và tôn vinh “tên gián điệp đội lốt tôn giáo” Alexandre de Rhodes thành danh nhân Việt nam, dựng bia ghi công ở Thư viện Quốc gia, và khôi phục tên trên con đường phía sau nhà thờ Đức Bà Sài gòn.

 Về mặt văn chương, Thùy viết một số tản văn và luận đàm về Phật giáo.  Đặc biệt là truyện ngắn “Chùm Tóc” mở đầu cuốn tản văn Trò Chuyện, trong đó ông nêu lên nỗi khắc khoải của một người đàn bà phản bội chồng và những băn khoăn của bà về hành động của một nhà sư khi ông “nói dối” để che chở bà.  Nhiều người cho rằng Thùy viết truyện ngắn đó để bào chữa hoàn cảnh riêng của mình.  Tuy nhiên, trước sau ông vẫn thủ khẩu như bình (giữ nhẹm, không nói ra như đóng nút miệng bình), không hề tiết lộ về quãng đời quá khứ đáng ngờ của ông.  Có lần báo chí tường thuật một buổi ra mắt sách của ông và ghi tuổi của ông sai đến gần 10 năm, nhưng ông không cải chính.  Vì cải chính sẽ phải ló ra các chi tiết thầm kín.

Cuối năm 2019, thầy Tuệ Minh viên tịch, Thùy viết bài tưởng niệm thầy.  Không biết vì trong cơn xúc động quên thủ thế giữ mồm giữ miệng, hay đến lúc mặc cảm tội lỗi đã chín muồi, ông miên man kể lại các diễn biến năm 1964 liên quan đến ông, tờ Thái độ, thầy Tuệ Minh, HĐNDCQ, và tướng Thơ.  Nhờ đó, kẻ hiểu chuyện phăn lần ra sự thực:  Giống như Judas Iscariot đã phản bội và bán Chúa Giê-su (lúc ngài 33 tuổi) với giá 30 đồng bạc, khoảng 1930 năm sau, Thùy phản bội và bỏ rơi thầy và HĐNDCQ để đổi lấy học bổng đi du học.

Cây kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra.  Mà có lâu lắc gì cho cam, có 55 năm – ngắn hơn một đời người!

Nguyễn Ngọc Hoa

                Ngày 20 tháng Chín, 2023

 ***


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan