NGUYỄN NGỌC HOA: GIẢ NGU TÌM BỌ

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

 Lễ Lao động, ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín, được gọi là "ngày kết thúc không chính thức của mùa hè"; đó là lúc các sinh hoạt mùa hè chấm dứt.  Ở Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU), cũng như các hãng xưởng khác, nhiều nhân viên đưa gia đình đi nghỉ hè trong hai tuần trước cuối tuần dài lễ Lao động, vì sau đó học trò đi học lại và từ đây cho đến cuối năm khó tìm được thời gian cả gia đình thong thả để cùng đi chơi xa.  Đó cũng là lúc các môn thể thao mùa thu bắt đầu.

Trong sở, anh bạn Charlie cầm tập giấy đi quanh “tuyển mộ” cầu thủ lập đội bóng chuyền; MDU sẽ bảo trợ đội bóng, nghĩa là trả các món lệ phí và tiền mua áo may-ô cầu thủ.  Đội bóng chơi vào tối thứ Tư trong 14 tuần lễ ở sân vận động trong nhà của thành phố.  Sự khuyến dụ của Charlie khiến tôi xiêu lòng xăm mình ghi danh vào đội, mặc dù trước đây chưa từng chơi môn thể thao này.  Tối đầu tiên là buổi tập thử, huấn luyện viên kiêm trọng tài chỉ dẫn luật chơi và kỹ thuật giao banh, đỡ banh, nâng banh, đập banh, v.v.  Mười hai tuần lễ kế tiếp là các buổi đấu thử giữa các đội cùng một league (một hạng); đội MDU xếp vào hạng C là hạng thấp nhất.  Hai ngày cuối tuần của tuần lễ cuối thì đấu tranh giải giành cúp vô địch có khắc tên cầu thủ toàn đội. 

Đội MDU thường đấu thua, người đóng góp nhiều nhất vào cuộc thất bại là tôi.  Mặc dù các bạn đồng đội có tinh thần cạnh tranh muốn thắng, không ai trách cứ hay than phiền khi tôi đỡ banh trượt hay đánh banh văng ra ngoài lằn vạch trắng quanh sân.  Ngược lại, khi tôi đánh một đường banh tạm được, họ la lên khen, “Good job!” (Đánh giỏi!).  Khi đội nhà đánh thắng một đường banh, cả bọn xúm lại đưa tay lên cao đánh vào nhau để tự tán dương...

Anh bạn Dennis cũng chơi trong đội bóng chuyền MDU.  Nếu xếp hạng, tôi đánh dở nhất thì anh đứng thứ nhì.  Trong lúc tôi thấp và tay ngắn thường hứng hay đỡ banh hụt thì anh hay bị trọng tài bắt lỗi vì “bưng và ném,” nghĩa là thay vì hứng hay đỡ, anh xòe cả hai bàn tay đón bắt trước khi thảy banh sang phía đối phương.  Óc hoạt kê đặc biệt của anh lại được dịp làm việc, anh bào chữa, “Tôi giữ banh trên tay hơi lâu vì tôi là kỹ sư chính hiệu,” và đưa ra câu chuyện khôi hài,

Một nhà toán học, một nhà vật lý, và một kỹ sư được giao nhiệm vụ tìm thể tích một quả bóng.  Nhà toán học lấy quả bóng đo đường kính rồi tính thể tích.  Nhà vật lý nhúng quả bóng vào nước và đo lượng nước bị choán chỗ.  Anh kỹ sư cầm trái bóng quay qua trở lại rất lâu.  Để tìm số kiểu hàng!

Số kiểu hàng (kiểu xe, kiểu máy, v.v.) là số hay ký hiệu đặc thù của một sản phẩm mà nhà sản xuất đặt ra để phân biệt với những sản phẩm khác.  Ta có thể dùng số kiểu hàng để lục tìm tính chất của sản phẩm trong mục lục hàng hóa.  Sau khi đánh banh, cả hai đội – đội nhà MDU và đội vừa giao đấu (luân phiên hàng tuần) – kéo nhau sang ba (bar) phía bên kia đường uống bia, go Dutch (chơi theo lối Hòa Lan) phần ai nấy trả.  Khác với người Việt (là tôi) khi uống bia thì uống lấy uống để, uống cho nhiều, và nốc một hơi cho mau say, người Mỹ (là bạn tôi) gọi bia uống thong thả, ngồi ở bàn mình hay đi quanh gặp người quen nói chuyện rỉ rả, và cả buổi tối chỉ uống một hay hai lon bia.  Họ nói chuyện nhỏ nhẹ, không rượu vào lời ra la lối om sòm.  Không ai ép bạn mình uống theo kiểu “rượu bất khả ép, ép bất khả từ.”  Khi một người cần đi về, anh đứng dậy bye-bye; không ai nài nỉ bắt nán lại.

Tôi kể cho các bạn nghe cuộc di tản đổi đời ra khỏi Sài gòn và nói lên tội ác của Việt Cộng và cuộc sống khốn khổ thê lương của đồng bào ở bên nhà.  Dennis hãnh diện chỉ tay vào người tôi và đùa bỡn như thường lệ,

          Vi-Xi (VC) không hề biết họ đã mất đi một kho tàng vô giá.  Ba Hoa ra đi, tổng số IQ của các đại học ở Sài gòn giảm xuống còn 50 phần trăm.”

IQ (intelligence quotient) là chỉ số thông minh của một người đo được bằng cách thử nghiệm.  IQ từ 85 đến 115 là mức thông minh trung bình, 130 trở lên là rất thông minh, và trên 145 thuộc hạng thiên tài.  Dennis đang hướng dẫn tôi thảo chương FORTRAN, và tôi được ông sếp để cho tự do làm dự án mình thích nên quyết tâm vừa làm việc vừa học ngành khoa học điện toán tới nơi tới chốn.  Dennis có bằng cao học về ngành học mới mẻ này; anh còn giữ sách giáo khoa và cả sách bài giải dành cho giảng viên vì ngày học cao học anh làm phụ giảng cho giáo sư.

Tôi mượn sách của Dennis, ra công học hỏi, và nhờ anh giảng giải khi có điều gì không hiểu rõ.  Nếu cần sách điện toán áp dụng mà anh không có, tôi xuất quỹ MDU đặt mua, và sách là tài sản của công ty, trên nguyên tắc nhân viên ai cũng có thể lấy dùng.  Cần sách nghiên cứu thì tôi ra thư viện thành phố hay lên thư viện trường đại học cộng đồng hỏi mượn.  Hai thư viện này nằm trong Hệ thống Liên-Thư viện nên nếu không có sách, họ mượn thư viện khác trong vùng và cho phép tôi giữ 30 ngày và có thể gia hạn.  Khi mượn được cuốn sách hay, ngoài giờ làm việc tôi vào sở photocopy và đóng lại thành tập để lưu giữ.  Xem ra MDU cung cấp đầy đủ phương tiện cho tôi học hỏi, không học thật . . . phí của đời.

Khi nói chuyện với nhau, tôi và Dennis hay dùng thuật ngữ điện toán và danh từ kỹ thuật đặc biệt ít người hiểu.  Giờ nghỉ giải lao hai đứa xuống câu lạc bộ cùng với nhau.  Một hôm, một anh kỹ sư cơ khí thuộc nha Sản xuất xuống trễ, các bàn kia hết chỗ nên đến ngồi chung bàn với chúng tôi.  Mười phút sau, anh ta cầm ly cà-phê đứng dậy,

          “Nghe các anh nói thứ tiếng gì quái dị, tôi trở lại bàn giấy ngồi uống cà-phê một mình dễ chịu hơn.”

Đến mùa xuân 1977, tôi nghĩ mình đã hấp thu hết kiến thức điện toán của Dennis và có thể trội hơn vì tôi giỏi toán hơn, có căn bản khoa học vững chắc hơn, và do tính cầu toàn, chịu khó học hỏi tường tận hơn anh.  Lúc này kỹ thuật thảo chương của tôi đã vững vàng và được Dennis và ông sếp tin tưởng và giao phó nhiệm vụ nghiên cứu và viết các chương trình FORTRAN mới cho nha Điều hành Hệ thống Điện.  Công tác bao gồm việc thiết lập phương pháp khảo sát, thu thập dữ kiện chạy máy, viết cẩm nang cho người sử dụng, và phổ biến đến các nhân viên kỹ thuật trong công ty.

Mùa thu năm ấy, công ty mua chiếc máy điện toán Prime 400 dành riêng cho Tổng nha Kỹ thuật Điện và đặt dưới quyền điều hành của Dennis và tôi.  Prime là một loại máy điện toán thu nhỏ có khả năng tính toán cao và cho phép nhiều người sử dụng cùng một lúc.  Người sử dụng điều khiển trực tiếp máy Prime bằng cách đánh mệnh lệnh vào bàn chữ của trạm điện toán (computer terminal).  Trạm này là một dụng cụ điện tử dùng ống tia âm cực (cathode ray tube) chiếu lên màn hình mệnh lệnh của người sử dụng và nối liền với máy Prime bằng dây cáp chạy ngầm trên trần hay dưới sàn nhà.

 

Hệ thống Prime hoạt động được phần lớn là nhờ sự phát minh ra những chương trình điện toán gọi là “text editor.”  Chương trình này cho phép người sử dụng tạo ra và sửa đổi các văn bản chứa ký tự và mệnh lệnh điện toán.  Mỗi hàng trong văn bản tương ứng với một thẻ điện toán trước đây dùng cho những máy điện toán lớn như hệ thống Honeywell của MDU.  Text editor khiến cho thẻ điện toán, máy xuyên phiếu, và xuyên phiếu viên trở thành chuyện quá khứ và đang chìm vào quên lảng.

Bộ phận dĩa dùng để lưu trữ dữ kiện của máy Prime chiếm nguyên một chiếc tủ thấp nhưng chỉ có khả năng chứa 80 MB (megabyte, tức là một triệu byte).  Một flash drive USB bằng ngón tay cái hiện nay có thể chứa 32, 64, hay 128 GB (gigabyte, tức là một tỉ byte), tức là 400, 800, hay 1,600 lần bộ phận dĩa tân kỳ năm 1977.

Được tùy nghi sử dụng máy Prime, tôi không mơ ước gì hơn.  Tôi có quyền chạy máy bất cứ lúc nào, áp dụng vào dự án tùy ý chọn làm, và học hỏi những điều mình thích.  Nhớ nghề dạy học cũ, mỗi chiều thứ Năm tôi mở lớp dạy các bạn kỹ sư thảo chương FORTRAN và luyện thi kỹ sư chuyên nghiệp (Professional Engineer) để đăng bộ hành nghề ở tiểu bang.  Tôi say mê làm việc và học hỏi bất kể giờ giấc.  Tôi mà vào sở ban đêm hay cuối tuần, dù chỉ định bụng ghé một lát rồi về nhà, nhưng lúc nào cũng mải mê làm việc quên giờ về, Quỳnh Châu phải điện thoại vào gọi về đi ngủ hay ăn cơm.  Đôi khi nàng nhắc khéo,

          “Chông mê làm việc quá, cu Mạc quên mặt ba rán chịu đó.”

Dần dần tôi nổi tiếng về khả năng kỹ thuật và thảo chương trong Tổ hợp Điện lực Vùng Điện lực Trung-Lục địa gọi tắt là MAPP mà MDU là hội viên.  Tổ hợp này gồm cơ quan trong bảy tiểu bang Hoa kỳ và hai tỉnh Gia Nã Đại hợp thành với mục đích giúp hội viên mua bán điện với nhau và giúp đỡ lẫn nhau.  Các công ty hội viên đều có máy Prime và chia xẻ chương trình FORTRAN và dữ kiện để khảo sát hệ thống điện của toàn tổ hợp.

Giới kỹ thuật của MAPP kháo nhau tôi có biệt tài debug có một không hai.  Trong ngôn ngữ điện toán, “debug” là tìm chỗ sai trong một chương trình điện toán, do chữ “bug” là con bọ, là chỗ sai.  Thảo chương là một nghệ thuật theo đó thảo chương viên ghép đặt các mệnh lệnh (theo quy tắc định sẵn) theo ý mình để hoàn tất một mục đích tính toán nào đó.  Khi chương trình hoàn thành và chạy không đúng, giai đoạn debug gian nan bắt đầu.  Thảo chương viên vò đầu bứt tai, đọc đi đọc lại từng dòng mệnh lệnh, và thử lui thử tới với các cách sửa đổi khác nhau.  Phần lớn các cuộc debug mất nhiều thì giờ nhưng rồi cũng thành công, và chương trình được sửa đổi thích ứng để sử dụng; nhưng có một số chương trình không bao giờ “chạy.”

Là người chịu trách nhiệm về sự hoạt động của máy Prime, tôi và Dennis thường phải nghe các bạn đồng sự than phiền khi chương trình “cứng đầu” không chịu chạy cho đúng theo ý họ muốn.  Họ cả quyết “đáng lẽ nó phải làm . . .” (nhưng máy điện toán không làm thế) hay “chuyện . . . không thể xảy ra” (nhưng thực sự chuyện đó đã xảy ra).  Đôi khi họ quy lỗi cho máy điện toán như “ký ức có đốm hư” hay “chương trình biên dịch chạy sai.”  Chương trình biên dịch (compiler) chuyển mệnh lệnh FORTRAN nguồn thành ra chương trình thừa hành mà người sử dụng có thể gọi ra và sai khiến làm việc.

Khi giúp bạn debug một chương trình, tôi bỏ ngoài tai lời bàn Mao Tôn Cương của tác giả, lần theo từng dòng mệnh lệnh một, kiên nhẫn kiểm chứng lại nhiệm vụ của mỗi mệnh lệnh, và nhất là không “giả sử” nó “phải” làm như thế này, hay như thế kia.  Vì tuy với cùng một mệnh lệnh FORTRAN, máy của International Business Machines (IBM), Honeywell, và Prime có cơ cấu khác nhau có thể đưa tới kết quả khác nhau.

Đồng thời, tôi quên đi định kiến của tác giả.  Anh bạn thuộc nằm lòng phương pháp tính toán lý thuyết, trong đầu đã nhất định cho rằng máy điện toán chạy sai, và không hình dung ra rằng máy điện toán chỉ là vật vô tri vô giác không hiểu lý luận hợp lý của anh mà chỉ thi hành lệnh anh phán dạy.  Do đó, cách debug của tôi là play dumb (giả ngu) như máy điện toán.  Tưởng tượng mình là người máy, thiên lôi chỉ đâu đánh đó, và để cho mệnh lệnh của chương trình đưa đẩy từng bước một tới chỗ sai.  Cái “bug” tìm thấy thường là một lỗi lầm đơn giản, ai cũng có thể thấy nhưng không ai ngờ đến.

Mỗi lần debug thành công, tôi về nhà hãnh diện khoe phép thuật “giả ngu tìm bọ” của mình với Quỳnh Châu.  Nàng cười lắc đầu, không đồng ý,

          “Cách debug của anh dùng hai đức tính cần thiết.  Một là kiên nhẫn, bền chí như Thomas Alva Edison.  Hai là tưởng tượng, một khí giới tối quan trọng của nhà khoa học; Albert Einstein nói, ‘Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức.’  Chồng em là một khoa học gia đích thực, quên rồi sao?”

Được vợ khen, tôi thích chí nhưng ngoài mặt vờ khiêm nhường giễu cợt, “Em dạy quá nhời (lời) làm chồng hỉnh mũi to bành sư đây .”  Và tôi yêu nàng vô cùng.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                      Ngày 7 tháng Bảy, 2021

                                                    ***

Vẫn Chiến Đấu Âm Thầm

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Đêm thứ Tư là đêm đánh bóng chuyền của tôi và sáu, bảy anh bạn cùng sở.  Sau khi đánh banh, chúng tôi và đội vừa giao đấu kéo nhau sang ba (bar) The Covered Wagon bên kia đường uống bia.  “Covered wagon” là chiếc xe ngựa bốn bánh có mái che kín, và “The Covered Wagon” là tên cuốn phim cao bồi câm phát hành năm 1923 thuật lại cuộc hành trình qua vùng Miền Tây Xưa từ Kansas đến Oregon của một nhóm người đi khai hoang.  Họ đi qua sa mạc nóng bỏng và núi tuyết lạnh lẽo, chịu đói khát, và thường xuyên lo sợ thổ dân Da đỏ tấn công.


Ở The Covered Wagon, tôi kể cho bạn nghe cuộc di tản ra khỏi Sài gòn và giải bày tại sao tôi bỏ xứ ra đi.  Tôi sinh ra ở Quảng Bình nằm phía bắc vĩ tuyến 17.  Sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký kết vào tháng Bảy năm 1954, tôi theo mẹ di cư vào Nam; chúng tôi “bỏ phiếu bằng chân” để tránh nạn Cộng sản.  Ông tôi ở lại với quê hương và bị chính quyền phát động phong trào “cải cách ruộng đất” đấu tố, giết chết, và cướp đoạt tài sản.  Số nạn nhân như ông tôi lên tới hơn nửa triệu người; họ mất mạng mất của vì bị gán cho tội “địa chủ,” tức là sở hữu chủ một đám ruộng hay một mảnh vườn.

Đồng thời, với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ,” Việt Cộng quyết tâm triệt hạ ra khỏi xã hội bốn “giai cấp” chúng liệt vào hạng kẻ thù:  trí thức, buôn bán (“phú thương” hay “con buôn”), địa chủ, và nhà giàu (“cường hào”).  “Giai cấp công nông” nghèo khó vô học còn lại cũng không may mắn gì hơn.  Họ không có một mảy may tự do làm người nào cả, ngoài bổn phận tuân theo chỉ thị của “Đảng,” tức là một thiểu số lãnh tụ ngu dốt và tàn nhẫn.

Sau khi chiếm được miền Nam năm ngoái (1975), Việt Cộng lại dở trò “đánh tư sản mại bản” công khai tra khảo, hành hạ, và cướp bóc những thương gia và gia đình chúng quy tội giàu có.  Chúng ra lệnh nhân dân miền Nam đổi tiền, đem tiền cũ Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) đổi lấy tiền Việt Cộng; mỗi gia đình chỉ được đổi một món tiền nhỏ, còn lại bao nhiêu kể như mất bỏ.  Trong một ngày, người dân bị cướp hầu hết tiền bạc mồ hôi nước mắt dành dụm cả một đời.  Chúng bắt “ngụy quân ngụy quyền” là quân nhân và công chức VNCH đi “học tập cải tạo,” tức là đi lao động khổ sai.  Họ ở tù không tội trạng, không tuyên án, và không biết ngày được thả.

Các bạn Mỹ của tôi kinh ngạc,

“Sao trên thế giới ngày nay lại có một chính thể gian xảo ác độc đến thế?  Làm sao dân chúng sống nổi?”

          “Không nổi cũng phải sống thôi.  Ở Sài gòn, mỗi khu phố được đặt dưới quyền một tên công an khu vực.  Nó có quyền xông vào nhà anh bất cứ lúc nào, khám xét bất cứ xó xỉnh nào trong nhà, và tra hỏi anh về bất cứ điều gì.  Nó công khai kiểm duyệt thư từ anh gửi đi, mở và đọc trước thư đến, và ra lệnh cho anh viết thư trả lời cho đúng ‘đường lối của đảng.’  Nó có quyền sinh sát tuyệt đối với anh và gia đình.”

          “Nếu không tuân lệnh hay làm điều gì anh ta không vừa lòng thì sao?”

          “Nhẹ thì bắt đi ‘học tập,’ tức là đi ở tù không biết ngày về để ‘thuấn nhuần chính sách của đảng.’  Nặng thì đêm khuya công an đến nhà gõ cửa và bắt đem đi; không ai biết đi đâu, sống hay chết.”

Charlie và vợ là Judy là đôi bạn đầu tiên và thân nhất của tôi ở Bismarck.  Judy dạy Anh văn ở trường trung học Bismarck, trường hai em Lâm và Trọng đang học.  Một hôm, sau trận bóng chuyền, anh hỏi tôi,

          “Anh nghĩ thế nào về Hồ Chí Minh?”

          “Bọn Việt Cộng thổi phồng ông là ‘bác Hồ vĩ đại’ đáng tôn sùng hơn thần thánh.  Nhưng với tôi và phần lớn các người Việt khác, ông là kẻ phạm tội, là kẻ đại gian đại ác lớn nhất trong lịch sử Việt nam,” tôi trả lời ngay.

          “Nếu có cơ hội vạch mặt ông Hồ, anh dám làm không?” Charlie cười cười.

          “Bất cứ lúc nào.  Nhưng làm sao?”

          “Judy dạy các lớp 12 và muốn mở rộng tầm kiến thức của học sinh nên định mời anh nói chuyện về ông Hồ để cho học sinh mở mắt ra.  Học sinh sinh viên ngày nay mù tịt về tình hình thế giới và ít khi đọc báo hay xem tin tức trên ti-vi – ngoại trừ theo dõi tin tức thể thao.  Anh thấy sao?”

Tôi hăng hái nhận lời và ra công soạn một bài thuyết trình khá công phu.  Tôi tưởng chỉ nói chuyện với lớp Anh văn của Judy, nhưng khi đến trường mới biết cử tọa gồm tất cả các lớp 12.  Họ tụ tập trong phòng tập thể dục và khi hết chỗ trên băng ghế dài, ngồi bệt trên sàn xi-măng.  Sau khi tôi trình bày tường tận tội ác của Việt Cộng, các học sinh 18, 19 tuổi thay nhau đặt câu hỏi và cho thấy họ không “mù tịt về tình hình thế giới” như Charlie nói.  Họ chỉ ngây thơ và xem tự do họ đang thụ hưởng là lẽ dĩ nhiên.  Họ tin lời tôi, nhưng “huyền thoại Hồ Chí Minh” do bộ máy tuyên truyền Cộng sản tạo ra không dễ dầu gì mà xua tan.

Ông Hồ theo Cộng sản không phải vì lý tưởng cách mạng mà vì miếng cơm manh áo.  Ngày còn nhỏ, ông theo học trường Quốc Học Huế, ngôi trường trung học tôi học sáu mươi năm sau.  Sau hai năm học lớp 6 và lớp 7, ông bị đuổi học; Việt Cộng khoe ông bị đuổi vì tham gia vào cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế, nhưng thực ra cuộc biểu tình ấy xảy ra trước ngày ông được nhận vào trường đến bốn tháng.  Thử làm nghề dạy học tư một thời gian mà không đi tới đâu, ông làm đơn gửi vị toàn quyền người Pháp kể lể công lao của cha ông đối với triều đình Huế và cầu xin đặc ân cho vào học trường Hậu bổ Hà nội là trường đào tạo công chức người Việt cho bộ máy hành chánh thuộc địa.  Đơn không được cứu xét vì ông chỉ học chưa hết lớp 7 mà điều kiện nhập học đòi hỏi diplôme tức là bằng Thành chung (Trung học đệ nhất cấp) thi sau khi hoàn tất chương trình lớp 9.

Thất vọng, thất nghiệp, và đói rách, ông Hồ tìm đường sang Pháp tha phương cầu thực bằng cách xin làm việc vặt trên một chiếc thương thuyền để được ăn uống và đi tàu miễn phí.  Ông xuống bến tàu Marseille – không tiền, không người quen, và đói lạnh.  Thuở ấy, và cho đến ngày nay, đảng Cộng sản Pháp dụ dỗ cảm tình viên bằng cách đón các kẻ lang thang cầu bơ cầu bất ở bến tàu hay ga xe lửa, mang về cho ăn ở, và rủ rê gia nhập đảng.  Dĩ nhiên, ông sướng điên lên và chớp ngay lấy cơ hội này.  Nhờ bản tính lưu manh nham hiểm và giỏi biến trá, ông được tin cậy và thăng tiến nhanh, đưa sang Nga huấn luyện, và chuyển sang Tàu hoạt động.  Phần lịch sử còn lại do Cộng sản viết, không biết chứa bao nhiêu phần trăm sự thực.

Một nữ sinh đưa tay chất vấn,

          “Ông có thể cho thí dụ về sự tàn ác của ông Hồ không?”

          “Ông Hồ là thủ phạm gây ra những khổ đau dân tộc Việt nam đang gánh chịu.  Trên hết, chính ông đã chủ trương và gây ra cuộc chiến Bắc - Nam tương tàn khiến ba triệu rưỡi thường dân và quân nhân hai bên bị hy sinh oan uổng.  Kế đó, trong phong trào ‘cải cách ruộng đất,’ có đến nửa triệu người, trong số đó có ông nội tôi, bị thảm sát.  Khi quân đội miền Bắc sắp nổi loạn vì vụ này, ông lên đài phát thanh vờ nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu và nói mấy câu xin lỗi; thế là . . . huề tiền!”

          “Sao tôi nghe nói ông Hồ suốt đời sống độc thân hiến mình cho quốc gia dân tộc?” một nam sinh đứng lên hỏi.

          “Bịp bợm láo khoét là nghề của Cộng sản.  Ông Hồ lấy vợ có hôn thú tại Mạc Tư Khoa ở Nga sô, bà này là người Việt và cũng là đảng viên Cộng sản.  Ông cũng chính thức có vợ người Tàu khi hoạt động bên Tàu.  Trong nước, ông giấu giếm một lô tình nhân và con tư sinh.  Là người dâm dục, ông thường ôm hôn hít các ‘cháu gái nhi đồng’ trước công chúng và bí mật tuyển lựa những ‘cháu gái’ trẻ tuổi vừa mắt để phục dịch ‘bác’ – dĩ nhiên phục dịch cả nhu cầu tình dục!”

Một buổi tối khác, tôi ngồi uống bia và chuyện trò sau trận bóng chuyền thì một thanh niên trạc ba mươi tuổi, hình dạng cao lớn, và có bộ râu quai nón từ bàn bên cạnh bước sang bắt tay tôi và tự giới thiệu là Doug (tên tắt của Douglas),

          “Tôi nghe lóm chuyện của anh và thấy thích thú nên mạo muội sang làm quen.”

          “Nếu tôi không lầm thì anh là cựu chiến binh Việt nam?” tôi đoán chừng.

          “Đúng vậy,” Doug buồn bã nói, “Vào thời chiến tranh, hàng ngày giới truyền thông thiên tả thân Cộng ở Hoa kỳ nhét vào đầu dân chúng những hình ảnh chết chóc khủng khiếp và quy lỗi hoàn toàn cho quân đội Mỹ.  Ngay cả chiến binh Mỹ cũng mù mờ không hiểu rõ mục tiêu của cuộc chiến.  Năm 1973, họ trở về nước thì bị nhiều kẻ quá khích phỉ nhổ và mắng nhiếc là kẻ sát nhân giết đàn bà và trẻ em.  Tôi muốn biết ý kiến của anh về sự tham chiến của Hoa kỳ ở Việt nam.”

Doug cho biết anh sang Việt nam năm 1964, phục vụ trong một đơn vị bộ binh đóng ở An Lỗ nằm giữa Huế và Quảng Trị.  Cuộc tấn công Tết Mậu Thân (1968) của Việt Cộng xảy ra vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của anh, anh chiến đấu sát cánh một đơn vị Thủy quân Lục chiến VNCH để tái chiếm Thành Nội Huế.  Cuối năm 1968, anh về Mỹ, giải ngũ, đi học ngành kỹ sư kỹ nghệ, và hiện làm việc cho một công ty chế biến thực phẩm.  Tôi nhìn thẳng vào mắt anh,

          “Ba chục triệu dân miền Nam đã chịu ơn các anh sâu nặng.  Gần 60 ngàn chiến binh đã nằm xuống; các anh đã đổ máu cho chúng tôi và cho chúng tôi sống trong tự do và no ấm thêm 20 năm.  Nghĩa cử và hy sinh của các anh cao đẹp biết bao!”

          “Tôi tưởng người Việt oán hận chúng tôi về những tàn phá, đổ nát, và chết chóc chứ,” mắt anh sáng lên.

          “Ai cũng biết ông Hồ và Cộng sản miền Bắc hung ác hiếu chiến xua quân vào để chiếm trọn miền Nam.  Người Mỹ giúp chúng tôi vì chúng tôi không đủ sức chống lại, và sau một thời hạn nào đó vì quyền lợi của nước Mỹ, các anh phải rút lui thôi.  Dĩ nhiên cũng có một số người Việt kiếm cách đổ lỗi và oán hận Hoa kỳ đã ‘bỏ rơi bạn đồng minh,’ trong khi chính họ là những kẻ trốn chạy trước tiên.”

          “Vậy mà bao năm nay tôi trăn trở dằn vặt vì đã tham dự vào cuộc chiến đẫm máu ấy,” anh khẩn khoản, “Mời anh đến giải thích với bạn tôi.  Bọn tôi ai nấy đều mắc phải PTSD và mong là khi nhận ra sự thực, sẽ gột rửa bớt ám ảnh và mặc cảm dồn nén trong lòng mà trở lại bình thường.”

PTSD (viết tắt của Post-Traumatic Stress Disorder) là hội chứng tâm thần xảy ra cho người đã trải qua hay chứng kiến các biến cố quá khổ đau.  Anh Doug giới thiệu tôi với sáu, bảy cựu chiến binh ăn mặc lôi thôi lếch thếch, râu tóc bờm xờm, và chúng tôi vừa thảo luận vừa uống bia ăn thịt nướng ở sân sau nhà anh.  Ban đầu họ thắc mắc nghi ngờ và gay gắt chất vấn, nhưng tôi cứ theo sự thực mà giải thích và trả lời.  Khi chia tay, từng người đến bắt tay tôi,

          “Cám ơn anh.  Bây giờ, tôi bắt đầu thấy hãnh diện là cựu chiến binh Việt nam.”

          “Không, chính tôi mới là người thọ ân các anh,” tôi nghiêm mặt đáp.

Cuộc chiến đấu chống Cộng âm thầm của tôi tiếp tục với những lần nói chuyện với các trường trung học và nhóm cựu chiến binh khác.  Tiếng lành đồn xa, tôi được mời thuyết trình ở trường đại học cộng đồng, trường đại học điều dưỡng, bệnh viện Cựu Chiến binh tại North Dakota, và các buổi lễ nhà thờ sáng Chủ Nhật.  Cuối tháng Giêng 1976, chi hội North Dakota của Veterans of Foreign Wars (VFW) nhóm họp đại hội thường niên tại Bismarck và mời tôi dự dạ tiệc kết thúc đại hội với tư cách diễn giả chính.  VFW là hội những cựu chiến binh phục vụ trong các cuộc chiến tranh, hành quân, và viễn chinh trên lãnh thổ, hải phận, hay không phận ngoại quốc.  Cử tọa gồm trên 300 người.  Họ đứng dậy vỗ tay hoan hô khi tôi kết thúc bài diễn văn,

Cám ơn VFW cho tôi cơ hội phơi bày cho thế giới biết những khổ đau và áp bức trên quê hương Việt nam yêu dấu và tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những cựu chiến binh Việt nam.

Đêm hôm đó, tôi ngủ mơ thấy mình biến thành Superman bay về Việt nam giúp khôi phục đất nước.  Sáng ra tỉnh dậy thấy mặt mình ướt sũng nước mắt.

Nguyễn Ngọc Hoa

                                                      Ngày 23 tháng Sáu, 2021

Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM

Đăng nhận xét

Tin liên quan