KÝ GIẢ VỊT TRỜI PHỎNG VẤN VĂN THIÊN TƯỜNG

 KÝ GIẢ VỊT TRỜI PHỎNG VẤN VĂN THIÊN TƯỜNG

PHỎNG VẤN VĂN THIÊN TƯỜNG
- Ký giả VỊT TRỜI -

LGT: Ký giả Vịt Trời là một bút hiệu của nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn. Loạt bài “Phỏng Vấn Các Nhân Vật Đông Tây Kim Cổ” viết theo lối giả tưởng (fiction) nhưng lại rất gần với sự thật vì tác giả y cứ vào các tài liệu và tiểu sử các nhân vật được phỏng vấn.
Những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975 ở miền Nam là những ngày đen tối của đất nước, của quân dân miền Nam. Trong những ngày đen tối đó, một số tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, của Lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, các cán bộ, công chức vẫn vững vàng chiến đấu trên cương vị riêng của mỗi người.
Cuối cùng, khi Tổng Thống không do dân cử Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng, một số không nhỏ những người này đã tự lấy cái chết để trả nợ núi sông. Họ là những Nguyễn Tri Phương, những Hoàng Diệu của thế kỷ 20. Khi Hà Nội thất thủ và Tổng Đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, người ta thấy lưu hành, truyền miệng bài “Hà thành thất thủ ca” và “Chính khí ca” của Nguyễn Văn Giai, một nhà thơ trào phúng người làng Hồ Khẩu, phủ Vĩnh Thuận, sau là huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, Bắc Việt.
Cách đây mấy năm, khi sắp đến ngày giỗ của các Hoàng Diệu miền Nam trong thế kỷ 20, ký giả Vịt Trời ngồi ngâm nga mấy câu đầu trong bài “Chính khí ca” của Ba Giai bằng thể thơ lục bát:
Một vùng chính khí lưu hành
Khoảng trong trời đất nhật tinh sơn hà.
Hiệu nhiên ở tại lòng ta
Tấc vuông son sắt hiện ra khí cùng...
và đọc “Chính khí ca” của Văn Thiên Tường cuối đời Tống:
“Thiên địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình. Hạ tắc vi hà nhạc, thượng tắc vô nhật tinh. Ư nhân viết hiệu nhiên, bái hồ tắc thượng minh. Hoàng lộ đương thanh di, hàm hoà thổ minh đình. Thời cùng tắc nãi hiện, nhất nhất thùy đan thanh...”
Một luồng gió lạnh bỗng làm lay động bức màn cửa. Một bóng người hiện ra càng lúc càng rõ. Cuối cùng, một người đàn ông trung niên, râu ba chòm, ăn mặc theo lối đời Tống bên Trung Hoa xuất hiện. Người đàn ông trịnh trọng, đường hoàng vén áo ngồi xuống ghế đối diện với ký giả Vịt Trời, Giật mình, ký giả Vịt Trời hỏi người đàn ông lạ:
-KGVT: Ông là ai? Đến đây có việc gì?
-Người lạ: Ta là ai ấy à? Ngươi chẳng vừa đọc bài “Chính khí ca” của ta làm cách đây bảy trăm mười bốn năm đó sao. Ta là Tống triều Trạng nguyên, Khu mật sứ, Thừa tướng Văn Thiên Tường đây!...
-KGVT: Xin Văn Tướng quân đại xá cho kẻ hậu sinh vô lễ này. Văn Tướng quân hạ cố chắc có điều chi dạy bảo?
-Văn Tướng quân: Chẳng có gì. Ngươi chớ nên áy náy. Ta nghe ngươi đọc “Chính khí ca” của ta; lại đọc “Chính khí ca” nói về Hoàng Diệu. Ta đến để xem hư thực thế nào; xem Hoàng Diệu có đáng để được ca tụng bằng cái tựa “Chính khí ca” của ta hay không. Hoàng Diệu là ai mà lại có người dám sánh với Văn Thiên Tường này?
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Tổng đốc Hoàng Diệu nước tôi năm Ngọ 1882, phụng mệnh giữ thành Hà Nội. Giặc Tây dương năm ấy đánh thành, thành mất, Hoàng Tổng đốc tuẩn tiết theo thành.
-Văn Tướng quân: Trung liệt thay! Ta không ngờ đúng sáu trăm năm sau ngày ta qui thần, nước Nam lại có người trung liệt như thế. Tổng đốc họ Hoàng rất đáng để được người đời viết “Chính khí ca”.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, đã hết đâu, đến năm Mão 1975, nước Nam tôi còn nhiều người nữa. Nước mất họ đã tự chọn cho mình cái chết, cùng chịu chung số phận đối với đất nước.
-Văn Tướng quân: Ngươi nói thực đấy chứ? Bảy trăm năm sau ta vẫn còn có những người chọn một con đường như ta sao? Ngay trong thế kỷ 20 này? Ngươi không được lộng ngôn với ta!
-KGVT: Thưa Ngài, đó là sự thực. Năm 1975, đất nước của tôi rơi vào tay Cộng sản, các tướng lãnh Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ đã tự sát chết theo đất nước. Tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn quyết chiến đến cùng bị giặc đem ra hành hình. Thưa Văn Tướng quân, còn nhiều nữa, không phải chỉ có thế, kể ra không hết được!
-Văn Tướng quân: Nghe ngươi nói mà ta không khỏi ngậm ngùi, cảm khái. Thật là những tấm gương trung liệt đáng khen, đáng kính.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Ngài đã hạ cố đến đây, xin Ngài nán lại cho kẻ hậu sinh được hỏi đôi điều.
-Văn Tướng quân: Được, ngươi cứ hỏi!
-KGVT: Xin Tướng quân kể lại cuộc đời mình.
-Văn Tướng quân: Được! Ta sinh năm 1236 tại Lô Lăng, tỉnh Giang Tây. Ta có tên chữ là Tống Thụy, hiệu Vân Sơn. Cha của ta là Văn Nhi, tuy không đạt danh lợi, công danh trắc trở nhưng người học thức uyên thâm, kiến văn quảng bác, dạy con nghiêm khắc nên ta chịu ảnh hưởng của người rất nhiều. Lúc còn nhỏ ta chăm học, lại đọc nhiều sách. Ta thích đọc những câu chuyện nói về “Trung thần, Nghĩa sĩ”; do đó tư tưởng trung quân, ái quốc đã thấm sâu vào tâm trí ta từ thuở thiếu thời.
-KGVT: Kính thưa Văn Tướng quân, hoàn cảnh đất nước Trung Hoa của Ngài lúc ấy như thế nào?
-Văn Tướng quân: Ta phải nói qua cho ngươi biết hoàn cảnh đất nước Trung Hoa của ta để ngươi có một cái nhìn rõ hơn về cuộc đời ta. Thế kỷ thứ 10, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn lập nên triều Tống, lúc đó là năm 960. Kinh đô là Biện Lương luôn luôn bị các bộ tộc Liêu, Kim uy hiếp. Năm 1127, Tống Cao Tông dời đô về Nam Kinh. Biện Lương và phần phía Bắc Trung Quốc bị Tây Ha xâm chiếm lập nên nhà Kim. Sang thế kỷ thứ 13, sau khi xâm chiếm Tây Vực, tức các nước vùng Trung Á, Thành Các Tư Hãn xua binh xuống phía Nam tấn công nước Kim, tức phần đất phía Bắc của Trung Hoa. Còn phía Nam Trung Hoa thuộc nhà Tống, bây giờ gọi là Nam Tống. Đời Tống Lý Tông, Mông Cổ giao ước với Nam Tống cùng đánh nước Kim.
-KGTVT: Thưa Văn Tướng quân, thế vào năm nào nhà Nguyên tiêu diệt nước Kim?
-Văn Tướng quân: Năm 1232, người con trai thứ 3 của Nguyên Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn chiếm được kinh đô Biện Kinh của nhà Kim. Vua tôi nhà Kim chạy về phía Nam, đến năm 1234 cũng bị tiêu diệt. Diệt xong nước Kim, làm chủ phần phía Bắc, Nguyên Thái Tông bắt đầu nhìn về phương Nam. Quân Nguyên đã nhiều lần tấn công Nam Kinh nhưng nhờ dân Hán một lòng quyết chiến nên Nam Tống chưa mất ngay lúc ấy. Năm 1251, Nguyên Hiến Tông lên ngôi, đem quân đánh Tây Xuyên, Ba Thục, tiêu diệt nước Đại Lý ở vùng Vân Nam, Quí Châu.
-KGVT: Kính thưa Văn Tướng quân, ai là người đã thi hành sứ mạng ấy cho nhà Nguyên?
-Văn Tướng quân: Ngột Lương Hợp Thai. Y là một danh tướng triều Nguyên, bách chiến và vô cùng hung hãn. Năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai diệt xong nước Đại Lý, từ Vân Nam hùng hổ kéo xuống nước Đại Việt của ngươi và bị đánh tan ở đấy. Nhưng dù sao thì Nam Tống lúc ấy cũng đã lâm vào cảnh vây hãm ngặt nghèo từ phía Bắc và phía Tây. Hốt Tất Liệt được Nguyên Hiến Tông giao nhiệm vụ tiêu diệt Nam Tống.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, còn về phía cá nhân của Ngài?
-Văn Tướng quân: Năm ta 17 tuổi tức năm 1253, đời vua Tống Lý Tông ta ứng thí ở Lô Lăng, đậu đầu bảng. Năm 1255, ta cùng em trai ta là Văn Bích theo cha đến kinh thành Lâm An thuộc Hàng Châu để thi Tiến sĩ. Lâm An lúc ấy là kinh đô của Nam Tống đang nằm trước mũi giáo của giặc mà vua tôi nhà Tống chỉ biết chìm đắm trong hoan lạc; không lo gì đến việc phòng chống ngoại xâm, nói chi đến việc khôi phục lại phần giang sơn phía Bắc.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, kỳ thi đó Ngài có đỗ không?
-Văn Tướng quân: Ta cùng Văn Bích đều đậu Tiến sĩ. Ngày 8 tháng 5 năm ấy các Tiến sĩ khảo thí về đối sách tại Tập Anh Điện. Giám khảo Vương Ứng Lâm khen bài viết của ta, đem dâng vua Tống Lý Tông. Ta đỗ Trạng nguyên năm ấy, chưa kịp nhận chức gì thì cha ta mất, ta phải về quê cư tang. Trong lúc đó, triều đình Nam Tống tiếp tục hủ bại, suy thoái. Nửa giang sơn phía Bắc đã mất, dời đô về Nam Kinh rồi cuối cùng dời về Lâm An, triều đình đổ nát. Năm 1259, ta nhận chức Công sự phán qua, một chức quan xử kiện. Cũng năm đó Hốt Tất Liệt đưa quân qua sông Hoài, vượt Trường Giang.
-KGVT: Thưa Tướng quân, tình hình Nam Tống lúc ấy như thế nào?
-Văn Tướng quân: Cực kỳ hỗn loạn. Thừa tướng Đinh Đại Toàn bị cất chức. Bọn hoạn quan chủ trương tháo chạy. Ta chống lại, còn Hữu Thừa tướng là Giả Tự Đạo lại lén lút cầu hòa. Tháng 10 năm ấy, Mông Cổ đột ngột lui binh sau khi được Nam Tống cắt đất. Bước hoạn lộ của ta không được hanh thông. Đến năm 1273 chỉ là một quan Đề hình ở Hồ Nam. Ta đi đến đâu cũng kêu gọi mọi người đứng dậy đuổi giặc. Năm 1275, Mông Cổ lại tấn công Nam Tống.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Nam Tống đối phó như thế nào?
-Văn Tướng quân: Thế giặc như nước lũ. Tạ Thái hậu chủ trì triều chính, hạ ngự chỉ triệu ta đến đến kinh thành Lâm An để chỉ huy quân Cần vương, lại sai ta viết hịch kêu gọi mọi người đem thân cứu nước. Trong ba tháng, ta chiêu mộ được hơn ba vạn nghĩa binh kéo về Lâm An. Thừa tướng Trần Nguyên Trung nghe lời gièm pha không cho ta đem quân vào thành. Lúc đó là tháng 4 năm 1875. Trong lúc đó quân Mông Cổ lại ào ạt tấn công, chỉ còn cách Lâm An 30 dậm. Triều đình kẻ đầu hàng, kẻ bỏ chạy. Ta và Trương Thế Kiệt chủ trương quyết chiến, xin bất ngờ hậu tập phía sau quân giặc. Tạ Thái hậu không cho nhưng thấy quân Nguyên đã gần đến kinh thành, mới cuống quít cử ta làm Hữu Thừa tướng, Khu Mật sứ, Đô đốc thống quản quân mã. Tháng 8 năm ấy ta thua trận ở Lô Lăng, may mà thoát thân. Vợ ta, con trai thứ là Phật Sinh và hai con gái là Liễu và Hoàn đều bị giặc bắt.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, sau trận Lô Lăng, tình hình Lâm An như thế nào?
-Văn Tướng quân: Ngay sau trận Lô Lăng, triều đình nhà Nguyên bỗng xảy ra cuộc tranhchấp nội bộ, Hốt Tất Liệt kéo quân về tranh ngôi. Cuối năm ấy lại tấn công Nam Tống. Còn ta được triều đình phong làm Thiếu Bảo, Tín Quốc Công. Năm 1276, mẹ ta 65 tuổi và con lớn ta 13 tuổi đều qua đời. Trong lúc đó, quân Mông Cổ lại uy hiếp Lâm An. Ta thu xếp cho triều đình chuyển về Hải Phong. Tình thế quẫn bách, triều đình phái ta đến bản doanh Mông Cổ để cầu hòa.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Ngài đến gặp ai của phía Mông Cổ?
-Văn Tướng quân: Ta đến Minh Nhân Tự gặp Thừa tướng Nguyên triều là Bá Nhan. Ta tỏ thái độ khẳng khái, đàm phán bình đẳng chứ không chịu hàng. Bá Nhan đe dọa ta không được, hạ lệnh giữ ta lại tại bản doanh của hắn. Triều đình lại phái sứ khác đến, hoảng sợ xin cầu hòa. Ta gọi bọn ấy đến mắng cho một trận. Bá Nhan dụ ta hàng không được, liền giải ta lên Đại đô Bắc Kinh. Lúc đó là cuối năm 1277.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Bá Nhan định đưa Ngài lên Đại đô để làm gì?
-Văn Tướng quân: Hắn định giao ta cho Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt nghị xử. Ta định tự vẫn cho xong, nhưng nghĩ lại Nam Tống đang cần người, ta cố giữ mạng để mong khôi phục. Đến Trấn Giang, lừa được bọn lính canh uống rượu say, ta trốn thoát đến Chân Châu. Quan quân mở cửa thành ra nghênh đón. Bá Nhan biết ta trốn thoát, tìm cách ly gián, cho người đến Dương Châu phao tin với tướng Tống là Lý Đình Chi. Lý Đình Chi ra lệnh bắt ta, khiến ta phải cải trang chạy xuống phía Nam. Cuối cùng ta về được Thông Châu sao bao phen sinh tử.
-KGVT: Thưa Văn tướng quân, về đến nơi ấy rồi Ngài làm gì?
-Văn Tướng quân: Ta lại chiêu mộ quân sĩ, từ Hải Phong tháng 12 năm ấy xuất quân lên phía Bắc. Khi đi ngang quan một quãng đường hẹp ta bị Mông Cổ phục binh bắt sống giải đến cho Đô Đốc Mông Cổ là Trương Huyền Phạm. Ta không quỳ, cố ý muốn được chết.
Trương Huyền Phạm là kẻ khôn ngoan, không chịu giết ta để được tiếng thơm mà giao người canh phòng ta cẩn mật. Rồi xua thủy quân tiếp tục tiến xuống phía Nam. Trương Huyền Phạm khuyên ta nên viết thư dụ hàng đại thần Tống triều lúc ấy là Trương Thế Kiệt.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Ngài trả lời ra sao?
-Văn Tướng quân: Ta trả lời rằng Văn Thiên Tường này đã không cứu được giang sơn, đã mang tội với đất nước, lẽ nào lại khuyên người khác phản quốc. Trương Huyền Phạm giam ta trên thuyền rồi tấn công dữ dội vào quân Tống. Ta bị giam trên thuyền đành bó tay lấy mắt nhìn giang sơn lọt vào tay giặc. Trong trận thủy chiến cuối cùng, chiến thuyền của Trương Thế Kiệt chìm trong sóng dữ, Thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua hãy còn nhỏ tuổi nhảy xuống biển tuẩn tiết.
-KGVT: Thưa Văn tướng quân, sau khi Mông Cổ diệt xong nhà Tống, số phận Ngài ra sao?
-Văn Tướng quân: Diệt xong nhà Tống, quân Nguyên từ các phía hội sư tại Quảng Châu, bày yến tiệc để mừng công. Trương Huyền Phạm cho mời ta đến, nâng cốc mời rượu nói với ta: “Hiện nay Tống triều đã mất, trung nghĩa của ông cũng đã vẹn toàn. Nếu ông thay đổi ý kiến thì chức Tể tướng Nguyên triều không phải là ông thì còn ai nữa?” Ta trả lời: “Nước mất không cứu được, đã là đại thần thì tội đáng chết, lẽ nào lại còn tham sống để mang tiếng phản quốc!”
-KGVT: Thưa Văn tướng quân, tại sao quân Nguyên lại không giết Ngài ngay lúc ấy?
-Văn Tướng quân: Trương Huyền Phạm lúc trước đã hành quân khắp vùng Nam Tống; hắn biết ta có nhiều uy tín với mọi người. Hắn muốn dùng quan cao, chức trọng để mua chuộc ta hòng lung lạc dân Nam Tống làm giảm ý chí chống Nguyên của người Hán. Khi biết không lung lạc được ta, hắn ra lệnh giải ta lên Đại đô. Từ Quảng Châu lên Đại đô Bắc Kinh đường xa vạn dậm, ta bị xiềng xích suốt dọc đường nên không có cách gì trốn thoát. Khi đến Đại đô, triều đình nhà Nguyên đãi ta như quí khách, cho ở nơi tráng lệ, thức ngon vật lạ chẳng thiếu thứ gì.
-KGVT: Tại sao lại như thế, thưa Văn tướng quân?
-Văn Tướng quân: Họ biết ta là một biểu tượng của dân Nam Tống. Ta đầu hàng, dân Nam Tống sẽ ngã lòng, dễ cai trị. Ta vẫn bền lòng. Một hôm giặc Nguyên cho Lưu Mộng Viêm là Thừa tướng Tống triều đã hàng giặc đến dụ hàng ta. Ta bốc lửa giận mắng rủa thậm tệ. Họ Lưu đành lui. Tiếp đó, lại đưa một Hoàng tử Nam Tống mới 9 tuổi, được tôn lên làm Hoàng Đế sau cùng của Nam Tống, bị giặc Nguyên bắt và đã quy hàng đến gặp ta, khuyên ta hàng. Ý giặc lợi dụng lòng trung quân của ta.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Ngài là người có lòng trung quân, gặp trường hợp ấy Ngài xử trí như thế nào?
-Văn Tướng quân: Thời của ta, lòng trung quân và lòng ái quốc gần như là một. Ta tuy biết phân biệt lòng ái quốc với lòng trung quân mù quáng, nhưng dù sao ta cũng không thể nói lời gì thất lễ với vua. Ta chỉ lạnh nhạt nói với vua cũ của mình: “Xin thánh giá hồi cung” để mời người về. Dụ hàng ta không được, giặc Nguyên trở mặt dùng vũ lực mong khuất phục ta.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, chắc là lúc ấy cuộc sống của Ngài cực khổ lắm?
-Văn Tướng quân: Giặc Nguyên giam ta vào ngục, cuộc sống thật tồi tệ. Nhưng đối với tanhững thứ ấy có hề gì! Đại thần Nguyên triều là A Hợp Mã lấy cái chết đe dọa ta. Ta mắng lại, hắn phải bỏ đi. Một lần chúng giải ta đến Khu Mật Viện gặp Thừa tướng. Chúng bắt ta quỳ, ta không quỳ, chúng phải vật ta xuống. Thừa tướng nhà Nguyên đem lẽ hưng phế của lịch sử, chuyện đổi triều thay vua để thuyết phục ta nhưng đều vô ích.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, còn gia đình của Ngài ra sao?
-Văn Tướng quân: Vợ ta là Âu Dương phu nhân cùng các con ta đều bị giặc bắt. Một lần giặc Nguyên đưa Văn Bích là em ta nay đã hàng giặc đến dụ hàng ta. Ta nói với Văn Bích:
“Anh em ta nay một là người tù, một người cưỡi ngựa; cùng cha mẹ nhưng nay không đội chung trời”. Rồi ta đọc cho Văn Bích nghe hai câu thơ:
Giang thượng phạt tiếu thảo,
Sương tuyết kiến cô tùng.
Có nghĩa là:
Cỏ không thấy ở bờ sông
Trong sương tuyết chỉ cô đơn thân tùng.
Văn Bích khóc mà lui về.
-KGTVT: Thưa Văn Tướng quân, còn vợ con Ngài có được gặp Ngài trong ngục không?
-Văn Tướng quân: Không. Có một lần cuối tháng 3 năm 1280, giặc Nguyên dùng tình cốt nhục mong lung lạc ta. Chúng buộc con gái ta là Liễu Nương viết thư cho ta. Nhìn thư con, lòng ta như cắt, nước mắt đầm đìa; nhưng ta không thể vì tình riêng mà quên nghĩa lớn.
Đến năm 1283, ta bị giam trong ngục tối đã ba năm thì được đưa đến gặp Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt ở điện Kim Loan. Vệ sĩ đánh ta gãy xương vì ta vẫn không quỳ. Hốt Tất Liệt khuyên ta hàng.
-KGVT: Kính thưa Văn Tướng quân, Nguyên Thế Tổ nói với Ngài ra sao?
-Văn Tướng quân: Hốt Tất Liệt nói: “Ngươi ở đây đã lâu, triều Tống đã mất rồi. Nếu nhà ngươi lấy lòng trung với Tống triều mà phụng sự ta, ta sẽ phong ngươi làm Thừa tướng”. Ta trả lời: “Văn Thiên Tường này đã là Trạng nguyên, Tể tướng Tống triều. Nước mất chỉ có chết mà thôi, quyết không hai lòng”. Hốt Tất Liệt biết dụ hàng ta không được, ra lệnh giết ta.
-KGVT: Kính thưa Văn Tướng quân, người Nguyên giết Ngài vào lúc nào?
-Văn Tướng quân: Ngày 9 tháng Chạp năm 1283 tại Đại đô. Nguyên triều bố cáo: “Văn Thiên Tường là trung thần Nam Tống. Hoàng đế muốn ông ta làm Thừa tướng nhưng ông ta không bằng lòng. Theo nguyện vọng của Văn Thiên Tường, Hoàng đế cho được chết như ý.” Hôm ấy ta mang xiềng xích bước ra pháp trường, hướng về phương Nam lạy hai lạy, xong chịu chém. Năm đó ta bốn mươi bảy tuổi. Hôm sau vợ con ta được đến nhặt thi hài.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, Ngài có lưu lại bút tích gì cho hậu thế hay không?
-Văn Tướng quân: Trong ngục ta có làm bài “Chính khí ca” mà ngươi vừa đọc lên khi nãy. Khi chịu chém, trong đai lưng áo ta lưu một lời trối trong mảnh giấy. Ta viết: “Ta là Tể tướng, không cứu được xã tắc, quân bại nước nhục khiến trăm họ đồ thán, thật tội đáng chết. Từ khi bị bắt đến nay luôn giữ tiết tháo. Cơ sự đã đến thế này, xin hướng về phương Nam lạy trăm lạy. Xin được nói một câu: “Đức Khổng Phu Tử nói muốn thành nhân, phải giữ nghĩa. Ta đã giữ nghĩa đến cùng. Đã được đọc sách Thánh hiền, phải làm sao khỏi hổ thẹn với đời. Tống Thừa tướng Văn Thiên Tường tuyệt bút.”
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, hoàn cảnh của Ngài, của triều Nam Tống cũng giống phần nào với hoàn cảnh nước tôi 700 năm sau. Ngài có nghĩ như vậy hay không?
-Văn Tướng quân: Ngươi nói có phần đúng. Ta không ngờ sau ta, nước ngươi lại có được những Hoàng Diệu, những Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn... Sinh vi Tướng, tử vi Thần. Ta nhắc ngươi một điều: đừng xét chữ Tướng theo nghĩa hẹp hòi. Tận trung báo quốc; chết sẽ được thành Thần, danh lưu sử sách.
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, chỉ mấy năm sau khi Ngài chính khí qui thần, nước tôi cũng đã có một Văn Thiên Tường khác đâu đợi đến sáu, bảy trăm năm sau.
-Văn Tướng quân: Ai vậy, ngươi kể cho ta nghe!
-KGVT: Thưa Văn Tướng quân, chiếm xong Nam Tống, Thái tử Thoát Hoan đem đại quân đánh Đại Việt. Trần Bình Trọng là tướng Trần triều nước tôi bị bắt. Giặc Nguyên đem quan tước ra dụ hàng. Người khẳng khái trả lời: “Ninh vi Nam quỷ, bất vi Bắc vương” rồi chịu chém, được truy phong Bảo Nghĩa Vương.
-Văn Tướng quân: Khá khen thay! Đất nước Đại Việt của ngươi đời nào cũng có anh hùng. Ta nhắc ngươi một điều: Nếu các ngươi không sống và không chết một cách anh hnùg như các người ấy, cũng hãy cố giữ đừng làm gì để phải thẹn với anh linh của những người đã dám lấy cái chết ra để rửa nhục cho non sông. Phải giữ nghĩa mới thành nhân!
-KGVT: Thưa Tống Thừa tướng, kẻ hậu sinh xin vâng lời Người.
-Văn Tướng quân: Trong cổ nhạc nước ngươi có điệu hát Văn Thiên Tường, là lấy tên của ta đấy. Anh hùng ngộ anh hùng, rồi ta sẽ gặp các anh hùng của nước Đại Việt nhà ngươi. Các vị anh hùng ấy đã làm sáng danh Đại Việt, ngươi hãy nhớ lấy. Thôi ta đi đây. Chào ngươi!
-KGVT: Xin kính chào Văn Tướng quân...

Ký giả VỊT TRỜI

 


Tags: TÁC GIẢ
Tags: TÁC PHẨM
Tags: TẢN MẠN

Đăng nhận xét

Tin liên quan