ĐOÀN DỰ GHI CHÉP VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THỤY VŨ
Đôi nét về nhà văn Nguyễn thị Thụy Vũ
Đoàn Dự ghi chép
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, tên thật là Nguyễn Băng Lĩnh,
sinh năm 1937 tại Vĩnh Long. “Băng” là băng giá, băng tuyết; “lĩnh” là ngọn núi
cao; “băng lĩnh” là ngọn núi cao quanh năm băng giá. Nhưng văn chương của chị
Thụy Vũ thì chẳng băng giá một tí nào mà nó sinh động, hấp dẫn, hết sức tự
nhiên, gần như… hơi can đảm vì dám nói thẳng ra những gì mình nghĩ, không sợ
phái nữ phiền lòng.
Đây, chúng ta hãy coi thử những câu chị viết trong truyện ngắn
“Lìa sông”:
“Em lo lắng lắm, không muốn dạy ở đây lâu hơn. Lật bật rồi
đây học trò cũ có cháu nội cháu ngoại, mình phải làm bà cố bà cốc thì còn gì là
đời em nữa. Nước mắm càng để lâu càng ngon, con gái để lâu như hũ mắm treo đầu
giường, mà lại treo bằng loại chỉ rút ở thân cây chuối bẹ thơm thì thảm ghê gớm
lắm! Nhiều khi nghĩ ngợi xa xôi, em ngáp ồn ào, chán đời nhưng không có can đảm
cắt tóc đi tu”.
Ngay đến phái nam chị cũng chẳng tha: “Vào một buổi sáng,
ông Trưởng ty chợt nhớ tới trường tụi em đã lọt sổ nhiều năm nay. Ổng dùng xuồng
máy cùng ông Thanh tra rẽ nước lướt sóng mấy giờ đồng hồ mới tới nơi. Còn cách
trường chừng một trăm mét, ông Trưởng ty muốn gặp quả tang cách làm việc và tác
phong của bọn thầy giáo, cô giáo ở xa Ty, bèn đề nghị ông Thanh tra tắt máy
ho-bo, dùng dầm bơi vô để không gây tiếng động. Hai ông có dáng dấp khác nhau.
Ông Trưởng ty ốm như cây tre miễu, ông Thanh tra có vẻ xổ sữa hơn. Hai ông cột
ho-bo cách chừng mười thước, đổ bộ lên núp sau hè lớp giống như cặp hề, chú ốm
chú mập, Laurel và Hardy trong phim chọc cười. Ông Hiệu trưởng vẫn thản nhiên nằm
lim dim trên võng phơi bụng, thịt da chảy nhì nhùng. Mùi rượu đế nặc nồng tỏa một
góc lớp. Hai ông nhìn nhau thì thầm điều gì không rõ. Ông Hiệu trưởng ngỡ là mấy
đứa học trò lớp nào đi tiểu ngoài hè. Ông tằng hắng một tiếng cho hạ đàm rồi
nhiếc: “Quân nào rình mò ngoài vách đó? Tao bận xà-rông chớ chưa ở truồng mà!”.
Hai ông bèn qua lớp khác thì thầy giáo đã đi đánh bài đâu mất, bỏ lũ học trò nhốn
nháo như đàn vịt. Thua buồn, hai ông xuống ho-bo ra về. May quá, hôm đó các ông
tới muộn, em đã ăn sáng xong, lá tẩy em chưa bị lật!”. Thật, hết chỗ nói và…
hơi tức cười!
Năm 28 tuổi, chán không muốn làm cô giáo làng và không chịu
nổi không khí bí bách, ngột ngạt ở nơi tỉnh nhỏ, Thụy Vũ bỏ Vĩnh Long tìm lên
Sài Gòn để sống và viết. Khởi nghiệp từ năm 1965, chị viết truyện ngắn gửi đăng
trên các tạp chí văn nghệ và nhanh chóng được chú ý nhờ lối viết sắc sảo, mạnh
bạo, có duyên, nhất là với các đề tài riêng biệt khác hẳn các cây viết nữ cùng
thời lúc đó. Chị viết về giới bán phấn buôn hương, các cô gái “snack bar”, các
me Mỹ và các chuyện phá thai, những giấc mơ bị cưỡng hiếp, những người đàn bà
bán trôn nuôi miệng nhưng luôn luôn sợ hãi một ngày nào đó mông teo ngực nhão
không còn kiếm ra tiền, đói nghèo sẽ tới, bệnh hoạn sẽ cướp đi cuộc sống. Những
đề tài này không lạ đối với các tác giả phái nam nhưng lại do một cây bút phái
nữ đề cập, đó là chuyện lạ. Tại Sài Gòn, chị thuê một căn nhà mái tôn, vách
ván, nằm trong một xóm lao động nghèo ở phía đối diện với chợ Đũi, quận 3, gần
Tòa đại sứ Miên ở chỗ ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là đường Cách
Mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu, gần rạp ciné Nam Quang)...
Cách Tòa Đại sứ Miên một khoảng có đình Phú Thạnh và phía
sau ngôi đình ấy là “thế giới” của các cư dân nghèo, của những cảnh đời sa đọa,
đầy rẫy đĩ điếm, ma cô, hút xách, rượu chè, cờ bạc, v.v… Thụy Vũ viết lách và
làm thêm nghề dạy tiếng Anh cho các me Mỹ, các cô gái bán ba trong khu lao động
đó. Cũng chính nhờ những sự tiếp xúc này, chị biết được nhiều chuyện do họ tỉ
tê kể lại, làm chất liệu cho những tác phẩm cả truyện dài lẫn truyện ngắn chị
viết về sau. Chúng ta thử xem chị mô tả một đoạn lúc đến dạy Anh văn cho mụ gái
điếm đã gần tàn xuân sắc mang tên Mi-sen (Michèle). Từ thuở nhỏ Mi-sen chưa từng
biết chữ, kể cả chữ Việt, nay vì nhu cầu giao dịch với ngoại kiều, bắt buộc
nàng phải học. Cái tên Michèle do người khác đặt cho, nàng cũng không biết phải
viết ra sao, mỗi lần lên quận làm giấy tờ, thay vì ký, Mi-sen đánh dấu chữ thập.
“… Hôm nay như thường lệ, tôi đến dạy Mi-sen vào những buổi
trưa nắng gắt. Vào giờ này cánh cửa sắt trước nhà đã được chị Tư mở sẵn. Tôi cứ
việc ung dung dẫn xe đạp vào và tự tay đóng cửa lại, không phải gọi chuông inh ỏi
nữa. Đi ngang qua phòng khách tôi rẽ tấm màn quẹo qua buồng ngủ Mi-sen, rồi gõ
nhẹ cửa.
“Cô giáo đó hả, vô đi.”
Tôi đẩy cửa bước vào, rồi bất chợt dừng lại. Mi-sen cười ngặt
ngoẹo:
“Vào đi cưng. Chờ chị làm massage một chút nghen.”
Tôi tìm chiếc ghế ngồi cạnh giường, Mi-sen pha trò:
“Cô giáo hôm nay bắt gặp học trò trần truồng như nhộng. Chỗ
đàn bà với nhau cả phải không cô.”
Bây giờ tôi được dịp quan sát Mi-sen kỹ hơn. Nàng nằm trên một
chiếc khăn lông màu hồng trải trên tấm nệm mút phủ “ra” trắng. Bà làm massage
quỳ hai gối xuống nệm, hai bàn tay thoăn thoắt trên các bắp thịt mông và lưng
nàng. Mồ hôi rịn ướt trên đôi tay gân guốc của bà. Mắt Mi-sen lim dim, dáng điệu
nàng như con mèo sưởi nắng một cách khoan khoái. Lúc nào nhìn người đàn bà khỏa
thân tôi cũng có một cảm giác lạnh lẽo và tê tái như nhìn một bức tranh tĩnh vật
với màu sắc hết sức ảm đạm. Riêng đối với Mi-sen, tôi nghĩ rằng tấm thân nõn
nà, với làn da mịn màng đó, có cái gì mong manh. Tuổi già đã gần kề nàng. Chẳng
bao lâu nữa, những bắp thịt thon đẹp kia sẽ nở bung ra, bụng sẽ nhão nhoẹt.
Nghĩ tới giai đoạn đó, tôi cảm thấy buồn hơn là ganh tị…” (trích “Đợi chuyến đi
xa”, trong tập truyện ngắn “Mèo đêm”)
Từ khi rời Vĩnh Long lên Sài Gòn cho tới 30/4/1975, Thụy Vũ
đã viết được 10 tác phẩm, trong đó có 7 truyện dài và 3 tập truyện ngắn.
– 7 truyện dài gồm: Ngọn Pháo Bông, Thú Hoang, Khung Rêu (đoạt
giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1971), Như Thiên Đường Lạnh, Nhang Tàn Thắp
Khuya, Chiều Xuống Êm Đềm, Cho Trận Gió Kinh Thiên
– 3 tập truyện ngắn gồm: 1.Mèo Đêm (gồm 6 truyện: “Một Buổi
Chiều”, “Đợi Chuyến Đi Xa”, “Mèo Đêm”, “Nắng Chiều Vàng”, “Bóng Mát Trên Đường”
và “Miền Ngoại Ô Tình Lẻ”); 2.Lao Vào Lửa (gồm 3 truyện: “Chiếc Giường”, “Lao
Vào Lửa”, “Đêm Nổi Lửa” – Truyện “Chiếc Giường” và truyện “Lao Vào Lửa” lấy bối
cảnh tại một snack bar ở Sài Gòn. Còn truyện “Đêm Nổi Lửa” lấy bối cảnh ở nhà
thương khám bệnh hoa liễu mà thời đó thường gọi là Nhà Thương Bạc Hà); 3.Chiều
Mênh Mông (gồm 6 truyện: “Chiều Mênh Mông”, “Tiếng Hát”, “Lìa Sông”, “Cây Độc
Không Trái”, “Trôi Sông” và “Đêm Tối Bao La”).
Chúng ta thử điểm qua các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ đã
xuất bản.
Trước hết là 7 truyện dài của chị:
1. Thú Hoang: Mô tả thế giới nữ sinh trong một trường công lập
tại tỉnh nhỏ. Ba nhân vật nữ chính, cô thứ ba bị tên nam sinh trường khác cưỡng
dâm. Cô thứ hai dan díu với tên nam sinh sở khanh, có thai và phải đi phá thai.
Còn cô thứ nhất xưng tôi, vì chán không khí tù túng nơi tỉnh lỵ cố hương nên bỏ
nhà lên Sài Gòn với hy vọng có cuộc đời mới. Nhưng trên chuyến xe đò, cô gặp một
tên nam sinh sở khanh và cảm thấy mềm lòng trước sự ve vãn của hắn. Tới đây tác
giả chấm dứt câu chuyện, không ai biết sự đam mê sẽ đưa cô tới đâu.
2. Ngọn Pháo Bông: Mô tả tâm trạng của một cô gái buôn hương
bán phấn về chiều nhưng vẫn còn hấp dẫn đối với mấy anh lính Mỹ trẻ trung. Cô
kiếm ra tiền song lại thích bọn trai trong nước và bị chúng bòn rút, kiếm tiền
của cô. Cuối cùng, cô bị đâm chết trong căn apartment mà nhà chức trách không
sao tìm ra thủ phạm.
3. Như Thiên Đường Lạnh: Mô tả đời sống của cặp vợ chồng định
cư trên cù lao sông Cổ Chiên gần chợ Vĩnh Long. Chồng là thầy giáo tiểu học,
không hẳn là người ham thú vui tửu sắc nhưng chán cảnh sống vô vị ngày nào cũng
lặp đi lặp lại không hề thay đổi. Vợ là người đàn bà nóng nảy, hỗn hào, tính
hay ghen tuông nhưng rất mực đảm đang và một lòng một dạ thương yêu chồng. Người
chồng chán sống, chán sự ngưng đọng ở nơi nửa quê nửa tỉnh song vì tinh thần yếu
đuối, không có tài năng nên cuối cùng vẫn giữ nghề gõ đầu trẻ với sự uể oải
không có niềm vui đó.
4. Nhang Tàn Thắp Khuya: Đây là câu chuyện về một người vợ mực
thước, gánh vác giang sơn nhà chồng mà chồng là một “đại gia” thuộc hạng giàu
có. Bất ngờ, một người bạn của chồng hiện diện. Y hiền lành, ít nói, tính tình
thụ động, trái hẳn sự vững chắc, mạnh mẽ của chồng. Người vợ vốn rất bao dung
và hay mềm lòng đối với kẻ yếu đuối. Nàng không ngờ từ sự thông cảm của mình, dần
dần làm nàng lún sâu vào tình yêu. Người bạn của chồng và nàng đều thầm hiểu rằng
họ đã yêu nhau, người bạn hăm hở tiến tới, còn người vợ vì lễ giáo nên chỉ đau
khổ trốn vào bổn phận vợ hiền. Song song với tình yêu chồng, người vợ có một niềm
bí mật ngàn lần lộng lẫy nàng vẫn cất giấu trong kho tàng kỷ niệm của riêng
mình.
5. Chiều Xuống Êm Đềm: Truyện xảy ra vào thập niên cuối của
thế kỷ 19. Cặp vợ chồng già trưởng giả ở làng Đạo Thạnh tỉnh Mỹ Tho, sống cô
đơn, nương tựa vào nhau. Ngày xa xưa, khi còn nhỏ tuổi, người chồng đã từng chứng
kiến người cô ruột của mình hãy còn là một xử nữ, trong chuyến hải trình từ Huế
vào Nam Kỳ, đi thuyền, gặp sóng to gió lớn, chủ thuyền và bọn hành khách mê tín
đã nhẫn tâm liệng người cô ấy xuống biển cho Long Vương làm vợ bé để cầu biển lặng
sóng êm. Khi cậu bé lớn lên, cậu cưới một thiếu nữ thuộc họ hàng thân thích của
Tả quân Lê Văn Duyệt.
Nhưng sau khi Tả quân qua đời, Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả
quân, làm loan nên bị triều đình tiêu diệt và cả họ hàng của Tả quân bị liên lụy,
bị xử chém theo án tru di tam tộc. Người vợ họ Lê dùng bột tỳ sương tự vận để
khỏi bị lôi ra pháp trường xử trảm. Thời gian trôi qua, ít lâu sau người chồng
tục huyền với một thiếu nữ khác. Dù được người vợ sau yêu thương và tận tụy săn
sóc, nhưng hai vết thương lòng–cái chết của người cô ruột trên thuyền và người
vợ cũ tự vận–không thể nào tàn phai trong tâm trí người chồng khốn khổ đó.
Người vợ sau chỉ sinh được hai cô con gái. Cả hai đều xinh đẹp,
hiếu hạnh và lấy chồng có địa vị cao sang trong xã hội, làm vẻ vang cho cha mẹ.
Rồi các cô lần lượt theo chồng. Dưới mái nhà âm u, cổ kính chỉ còn đôi vợ chồng
già. Đây là lúc lão ông sống với dĩ vãng đau thương, còn lão bà thì lúc nào
cũng lo sợ cái chết sẽ cướp đi một trong hai vợ chồng, người ở lại sẽ phải chịu
cảnh lẻ loi trong buổi hoàng hôn của cuộc đời…
6. Cho Trận Gió Kinh Thiên: Đây là một xã hội thu nhỏ của
xóm lao động ở gần chợ Đũi và bót cảnh sát Quận 3, cùng bên với Tòa Đại sứ Miên
trước năm 1975 (nay là trụ sở UBND Quận 3). Ở đấy có đình Phú Thạnh. Khu phía
sau đình là xóm có nhà chứa điếm, có quán nhậu, có sòng bài, có chỗ hút á phiện…
Trong khung cảnh bệ rạc “tứ đổ tường” ấy, chỉ trừ hai nhân vật chính có ăn học
là đôi tình nhân Đồng và Nguyệt, còn thì toàn là thứ đá cá lăn dưa, chằng ăn
trăn quấn. Gặp thời buổi lính Mỹ đổ qua Việt Nam tham chiến, đàn bà con gái
trong khu đua nhau lấy Mỹ, ngoại tình, bài bạc…
Thậm chí, một bà mẹ trong căn gác xép, ngồi niệm Phật thì cô
con gái lợi dụng đêm tối, chỗ khuất cột đèn, đem tình nhân về hì hục làm tình ở
ngoài bao lơn khiến bà than trời như bọng: “Mèn ơi, mỗi khi mình mở miệng niệm
Phật thì ở ngoải tụi nó làm đùng đùng như cù dậy”. Lại có chuyện đôi vợ chồng
già, chỉ còn sống chung với nhau vì nghĩa, hết còn vì tình. Ông chồng đau ốm
dây dưa làm phiền bà vợ trong khi bà rất mê bài bạc. Lúc ông hấp hối, đứa cháu
đến sòng tứ sắc báo tin, bà nhứt định đánh cho tới “đứt chến” mới về nhà lo ma
chay. Bà già này có đứa em gái vừa câm vừa điếc, vậy mà không hiểu sao cũng có
tên đàn ông nào đó “gieo giống” khiến y thị có thai, lần lượt đẻ hai đứa con
cho chị mình nuôi. Đến khi y thị lăn đùng ra chết, bà già mê bài bạc vẫn tiếp tục
đánh tứ sắc trong khi xác đứa em gái còn nằm trên gác chưa tẩn liệm…
7. Khung Rêu: Truyện này được Giải thưởng Văn học toàn quốc
năm 1971, lấy thời điểm là khoảng năm 1945, từ thời Pháp thuộc chuyển sang thời
kỳ “cách mạng” của Việt Minh. Gia đình ông Phủ – một vị quan lại quyền cao chức
trọng dưới thời Pháp thuộc đã về hưu (không nói rõ ông Phủ tên gì) – rất nhiều
ruộng đất và quyền lực đối với tá điền, nay đã khánh kiệt do tình thế nhiễu
nhương, không thu được lúa ruộng nhưng vẫn giữ nếp sống phong kiến đầy rẫy bê bối
của một gia đình giàu có, quan lại. Ông Phủ đã lớn tuổi, cưỡng dâm cô người hầu
mơn mởn tên Ngà, khiến cô này có thai. Bà Phủ tức giận, dọn ra ở riêng và sống
như người tu hành, không thèm nhìn mặt ông Phủ nữa.
Rồi Canh, gã trưởng nam ngỗ nghịch, chỉ muốn cha mình sớm
chia gia tài cho mình để được ăn chơi phung phí. Rồi Thụ, người thứ nam tương đối
có cá tính rõ rệt, rất hưởng ứng phong trào “cách mạng”, vào chiến khu theo Việt
Minh nhưng chẳng làm nên trò trống gì. Rồi Tịnh, cô cháu gái gọi ông Phủ bằng cậu,
yêu Hoàng – chàng nam sinh ở trọ ăn cơm tháng có tài chơi đàn. Hai người yêu
nhau tha thiết nhưng bị ông Phủ cấm đoán, họ bỏ nhà, trốn đi xây dựng tổ ấm được
ít lâu, sau đó vì nghèo túng, không biết làm gì để sống nên lại phải trở về.
Ông Phủ đuổi Hoàng không cho ở nữa. Tịnh nhớ người yêu, phát
điên rồi chết trong Dưỡng trí viện Biên Hòa…, câu chuyện cứ thế tiếp diễn. Cuối
cùng, ông Phủ mất về bệnh đau tim. Rồi bà Phủ cũng mất, cái “khung rêu” đó mục
nát, ly tán, những người còn lại sống chẳng ra sao…
Có lẽ tác phẩm nói trên dựa vào phần lớn sự thực nên trong
phần “Thay Lời Tựa”, tác giả trần tình:
“Từ hồi còn nhỏ tôi đã phải chịu đựng một ám ảnh thường
xuyên: sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở miền Nam. (Cái thịnh mãn
của hạng điền chủ ở miền Nam trước đây). Nguyên nhân chánh của sự suy sụp bệ rạc
này thì ai cũng biết: chiến tranh. Một cuộc chiến tranh dằng dai hai mươi lăm
năm, khoảng thời gian gần bằng số tuổi của tôi.
Tôi sanh ra và lớn lên trong một dòng dõi đã đến hồi ly tán.
Cái họ của tôi gồm hai chữ có gạch nối có thể sẽ gợi lên những cảnh sống huy
hoàng, vương giả của một thành phần xã hội trong trí nhớ ao tù của những ông
già bà lão, những cảnh sống mà tôi chỉ nghe kể lại như một chuyện hoang đường
trong những lần giỗ chạp.
Bây giờ chỉ còn lại một ngôi nhà thừa tự, cột kèo chạm trổ
tinh vi đã mục rệu, và chẳng bao giờ lành những vết thẹo của chiến tranh; những
điền sản cò bay thẳng cánh chỉ biết đến qua một đống bằng khoán vô dụng mà giấy
đã ố vàng và giòn tan, một đám bà con xa gần chi chít, nhỏ nhen ích kỷ như sò hến
và hoàn toàn vô tích sự.
Tâm lý của hạng người này khá đặc biệt. Đó là những thằng chồng
trôi dạt lềnh bềnh trên giòng sông hung tợn, một hạng người khư khư ôm lấy cái
quá vãng vàng son (nát dậu cũng còn bờ tre), dở thầy dở thợ dở cu ly, bất lực
trước sự biến đổi nhãn tiền của cảnh ngộ, bấu víu vào nhau mà sống sót. Trong
ngôi nhà thừa tự đó, mỗi người là một hòn đảo của những thói hư tật xấu… Có phải
con người một khi đã mất thăng bằng trong cuộc sống vật chất thường để lộ ra rõ
rệt hơn bao giờ hết những xấu xa tàn tệ của mình? Và một giai cấp cũng vậy.
Khi khởi công quyển truyện này, tôi đặt trước cho tôi một chủ
định: ghi lại cái ám ảnh từ thời nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần nữa,
giải tỏa nó cho xong.
Lẽ hiển nhiên, tôi không hề có ý định làm công việc của nhà
xã hội học hay của nhà đạo đức học. Những công việc này vượt quá sức của tôi. Vả
lại, chúng cũng chẳng lợi lộc gì cho tôi.
Tôi cũng không có ý định phân tích các nguyên nhân, và nhất
là phê phán một ai hay một điều gì. Cho riêng tôi, tôi chỉ muốn dựng lại cái thế
giới khốn đốn đã bao trùm tôi cho đến ngày nay. Tôi chỉ muốn mô tả một hiện tượng
xã hội hoàn toàn thân thuộc mà thôi.
Tiểu thuyết là tưởng tượng, ai cũng biết vậy, nhưng có tưởng
tượng nào không bắt nguồn từ một phần sự thật?
Sở dĩ tôi trình bày như vậy, là để xin những người thân
thích của tôi, nếu có dịp tình cờ nào đọc quyển truyện này, hãy rộng lòng tha
thứ cho tôi”.
Còn sau đây là 3 tập truyện ngắn của chị Thụy Vũ:
1. Tập Mèo Đêm: Khi tập truyện này do nhà Thời Mới của nhà
văn Võ Phiến xuất bản thì chỉ có 4 truyện ngắn: hai truyện “Một Buổi Chiều”, “Đợi
Chuyến Đi Xa” nói về tâm trạng ray rứt, thèm thuồng tình yêu lẫn tình dục của một
cô gái già; hai truyện “Mèo Đêm” và “Nắng Chiều Vàng” nói về các cô bán bar dan
díu với bọn lính Mỹ. Khi được nhà xuất bản Kim Anh tái bản thì có thêm 2 truyện
“Bóng Mát Trên Đường” và “Miền Ngoại Ô Tình Lẻ”. Hai truyện này nói lên niềm cô
đơn của tác giả được thể hiện qua hai nhân vật nữ, văn chương êm dịu, đôi lúc
thơ mộng nhưng có khi lại le lói mầm mống nổi loạn.
2. Tập Lao Vào Lửa: Viết về nếp sinh hoạt của các cô gái điếm
trá hình làm chiêu đãi viên trong các snack bar. Như phần bên trên đã nói, hai
truyện “Chiếc Giường” và “Lao Vào Lửa” lấy bối cảnh tại một snack bar ở Sài
Gòn, còn truyện “Đêm Nổi Lửa” lấy bối cảnh ở nhà thương khám bệnh hoa liễu mà
thời đó gọi là Nhà thương Bạc Hà. Nhân vật chính bị bắt đi “lục-xì” (look and
see) tức đi khám bệnh xem có vi trùng giang mai hay không, và bị giam lỏng
trong nhà thương đó. Muốn thoát ra khỏi nhà thương, đương sự thông đồng với mấy
người đồng cảnh ngộ bị giam và người tình ở bên ngoài. Đợi tới đêm giáp Tết, cả
bọn nổi lửa gây hỏa hoạn để thừa lúc hỗn loạn chạy ra ngoài. Các cô chạy thoát
nhưng rách te tua do leo qua hàng rào, nhiều cô trầy sứt và chỉ còn chiếc quần
xi-líp.
3. Tập Chiều Mênh Mông: Gồm truyện “Chiều Mênh Mông” (cùng tựa
với tập truyện), mô tả tâm trạng của những nhân vật cô đơn. Truyện “Tiếng Hát”
mô tả sự bỡ ngỡ của cô thiếu nữ lạc loài theo kiểu tha phương cầu thực. Tình cờ
cô bước vào cái xã hội văn nghệ sĩ thời thượng và chịu ăn nằm với một chàng du
ca mà không nghĩ sự dan díu đó sẽ đi tới đâu sau cuộc làm tình không mấy hào hứng.
Truyện “Lìa Sông” là lời kể của một cô giáo làng mô tả về chuyện dạy dỗ và thân
phận hẩm hiu của mình trong khi cô đủ cả công dung ngôn hạnh.
Cuối cùng, cô may mắn có được tấm chồng và sống hạnh phúc.
Truyện “Cây Độc Không Trái” mô tả cô gái bán bar đi phá thai. Cách phá thai được
tác giả trình bày chi tiết khiến người đọc rùng mình. Rồi tác giả mô tả luôn mặc
cảm phạm tội của cô gái cùng cái ý tưởng lo sợ mai sau cô sẽ tuyệt tự. Truyện
“Trôi Sông” và truyện “Đêm Tối Bao La” với bút pháp dữ dằn, cốt truyện phanh
phui tàn nhẫn cái bản năng giông bão của những hạng cùng đinh trong xã hội.
Sau 1975, chị Thụy Vũ thôi không viết lách gì nữa, chỉ buôn
bán lặt vặt, kể cả làm lơ xe đò để có tiền nuôi 3 đứa con nhỏ dại có với nhà
thơ Tô Thùy Yên. Đời sống quá khổ cực, nhờ bà mẹ cho một khu đất rừng trồng cà
phê ở Lộc Ninh, chị bán căn nhà ở Làng Báo Chí được mấy chỉ vàng, cộng với chút
ít vốn liếng đã tích cóp được, lên Lộc Ninh dựng căn nhà chòi, mua được hai con
bò và mấy con dê, trồng trọt rau cỏ, trông nom cà phê, đời sống hết sức khốn quẫn.
Sau, có một nhà văn (tôi không nhớ rõ tên), từ bên Mỹ về, lên thăm, thấy chị khổ
cực quá nên khi trở lại Mỹ, viết bài “Thụy Vũ chăn dê” (lấy tích Tô Vũ chăn dê
trong truyện Chiêu Quan cống Hồ đời Tống bên Tàu), đăng lên các báo bên ấy. Các
văn hữu và nhiều độc giả ở Mỹ biết tin, gom góp nhau gửi tiền về giúp đỡ. Được
sự trợ giúp, chị bán dê, bán bò, mua được một miếng đất gần đường nhựa (từ phía
Lộc Ninh đi xuống), xây được căn nhà cấp 4 nho nhỏ, mái lợp tôn, có giếng nước,
đời sống cũng tạm ổn định.
Bà Văn Quang, nhà văn Thụy Vũ
Từ thời còn con gái, làm nghề viết văn và dạy học, chị Thụy
Vũ chung sống với nhà thơ Tô Thùy Yên, sinh được 3 con, hai gái, một trai. Cháu
lớn tên Khôi Hạnh. Cháu trai tên Khôi Hạo. Cháu gái nhỏ nhất tên Khôi Thụy (sinh
năm 1973). Nhưng chẳng may, cháu Thụy lúc mới chưa đầy 2 tuổi, chị người làm
không cẩn thận khiến cháu bị té ngửa từ trên giường xuống nền gạch, chấn thương
sọ não rất nặng. Suốt bao nhiêu năm nay cháu sống đời sống thực vật, chỉ nằm một
chỗ, u mơ không biết gì hết. Nhà văn Văn Quang cho biết, vào những năm tháng đầu
sau biến cố tháng 4-1975, có một thời gian tác giả “Chiều xuống êm đềm” đã phải
làm lơ xe đò, chạy đường Sài Gòn-Thủ Đức. Suốt ngày chị chỉ đứng một chân… Tới
khi kiệt sức, không kham nổi nữa, chị đem con cái về Lộc Ninh. Chốn ở mới của
chị là một nơi “không có điện, không có nước, Thụy Vũ và các con sống như người
rừng!”
Sau đây là lời kể của nhà văn Văn Quang, để bạn đọc biết rõ
thêm về tình mẫu tử của chị Thụy Vũ (trong lời kể có nhân vật tên “Ngân”, đó là
chị Văn Quang):
“Suốt ngày hôm đó, cái hình ảnh cháu Khôi Thụy ám ảnh tôi
không rời. Buổi trưa tôi ngồi với Ngân ngay trên sàn gạch nhà ngoài. Tôi nghe
phòng bên văng vẳng tiếng cười rúc rích của Thụy Vũ, tiếng chị nựng nịu, tiếng
nước chảy ào ào rửa nhà và tiếng hát ru của chị vẳng lên giữa núi rừng. Tôi có
cảm tưởng như chị sống rất hồn nhiên, vui vẻ bên đứa con thơ hai ba tuổi. Càng
nghe chị cười, chị thủ thỉ với con, tôi càng thấy nghẹn ngào. Đôi mắt Ngân chớp
mau, cô nói như để che lấp nỗi lòng mình:
– “Anh thấy không, đó là nét đặc biệt nhất của Thụy Vũ. Chị
luôn coi đứa con chị như khi còn hai tuổi và chị cứ hình dung cháu không hề bị
bệnh, chị vẫn nựng nịu cháu, cười đùa hồn nhiên với cháu. Có miếng gì ngon chị
cũng để phần cho cháu, dù chị biết rõ hơn ai hết rằng nó không hề phân biệt được
cái gì là thức ăn chứ đừng nói đến ngon dở. Nhưng đó là tấm lòng bao la của người
mẹ…”
– “Phải nói rằng đó là một người mẹ tuyệt vời và một tấm
lòng can đảm vô bờ bến…”.
Vâng, đúng như thế, chị Thụy Vũ là một người trầm lặng, ít
nói nhưng hết sức can đảm. Có một điều ít ai để ý rằng, tuy chung sống với nhà
thơ Tô Thùy Yên khi anh đã có người vợ chính thức là cô giáo Huỳnh Diệu Bích và
các con, thời gian chung sống chỉ 5-6 năm nhưng sau 1975, anh bị đi cải tạo 10
năm, được thả về rồi lại bị bắt lại, ở tù thêm 3 năm do có tập thơ “chống cộng”
ai đó xuất bản ở bên Mỹ, từ đấy đến nay chị vẫn sống thầm lặng một cách hết sức
khó khăn để lo cho các con, không “bước đi bước nữa” hoặc quen biết với ai khác.
Tôi nghĩ tình yêu của chị đối với anh Tô Thùy Yên rất lớn và chị là người đàn
bà chung thủy, tuy nghèo cùng cực nhưng lòng chị vững như đá núi.
Về phần Tô Thùy Yên, anh là một nhà thơ nổi tiếng trước năm
1975, tác giả bài thơ được Trần Thiện Thanh phổ nhạc Chiều Trên Phá Tam Giang.
Anh tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp.
Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, sau về công tác ở Bệnh viện
Chợ Rẫy.
Thuở nhỏ Tô Thùy Yên học trung học tại trường Petrus Ký, đậu
xong tú tài, học Đại học Văn khoa Sài Gòn ban Văn chương Pháp, đang học thì bị
động viên đi sĩ quan Thủ Đức, ra thiếu úy (lúc đó chưa có cấp bậc chuẩn úy) rồi
được bổ về một đơn vị tác chiến thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Anh ăn nói
giỏi, đọc nhiều, tư tưởng chính trị rất cao nên anh em vận động bốc thẳng anh từ
Vùng IV Chiến Thuật về trung ương để làm trong ngành Tâm lý chiến (lúc đó chưa
đổi tên thành Chiến tranh chính trị) và có phương tiện hoạt động văn nghệ.
Tô Thùy Yên bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới trước khi
hiện diện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo: Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm
Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những nhân vật nòng cốt
trong nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào
khai sinh “Thơ Tự Do” trên văn đàn miền Nam vào khoảng thập niên 1960.
Sau 30/4/1975, với cấp bậc cuối cùng là Thiếu tá trưởng
phòng Chiến tranh chính trị QĐVNCH, anh bị đi cải tạo 10 năm, được thả về rồi lại
bị đi tù 3 năm, tổng cộng là gần 13 năm.
Cuối năm 1993, anh cùng người vợ chính thức là cô giáo Huỳnh
Diệu Bích và các con sang Mỹ định cư theo diện HO, hiện nay đang ở Houston, tiểu
bang Texas.
Nói chung, về tình trạng của chị Thụy Vũ hiện nay, chị có 3
người con thì cháu Khôi Hạnh lấy chồng ở Long An, đời sống êm ấm, hạnh phúc
nhưng vì đông con nên cũng không giúp gì được cho mẹ. Cháu Khôi Hạo đã có gia
đình, có một con trai, trước đây làm nghề nuôi cá cảnh để bán và viết văn theo
cái “gien” của bố và mẹ, cũng kiếm được đồng tiền nhưng không hiểu sao tự nhiên
cháu đi tu (Phật giáo), để vợ con cho mẹ lo. Còn cháu thứ ba, Khôi Thụy, thì vẫn
sống đời sống thực vật, u mơ không biết gì hết như cũ. Năm nay chị Thụy Vũ đã
78 tuổi ta (chị sinh năm 1937), tất cả sự sống gia đình đều trông mong vào mấy
con cá kiểng do vị “tu sĩ Phật giáo” truyền lại cho mẹ và mỗi tháng 100 đô-la
do cháu Đinh Quỳnh Giao, bác sĩ bên Mỹ, con gái của anh chị Tô Thùy Yên gửi về
giúp đỡ. Cháu Đinh Quỳnh Giao rất thương xót đứa em cùng cha khác mẹ tên Nguyễn
Khôi Thụy đang nằm liệt giường. Mỗi tháng cứ đến khoảng 27, 28 là cháu gửi $100
về cho em. Ở cái xứ Lộc Ninh nghèo nàn ấy, có mấy người mua cá kiểng đâu, nếu mỗi
tháng không có $100 của người chị, con gái anh Tô Thùy Yên từ bên Mỹ gửi về
giúp đỡ, thì không biết cái gia đình của nhà văn nữ đã một thời nổi tiếng Nguyễn
Thị Thụy Vũ – người đã từng đoạt giải Văn học toàn quốc năm 1971 – sẽ sống ra
sao.
Đoàn Dự ghi chép
*******
(Hình này từ FB Phan Nguyên)
************
NGÀY THÁNG MÊNH MÔNG
Tg : Ngô Nguyên Dũng (NND)
Như đã dự tính trước, trên đường về lại Sài Gòn, chúng tôi tạt
ngang huyện lỵ Lộc Ninh, thăm viếng nhà văn Nguyễn thị Thụy Vũ, là bà con với
chị dâu tôi.
Lộc Ninh, miền đất đỏ, với những cánh rừng cao su bạt ngàn,
di sản của thực dân Pháp, là địa bàn hoạt động của những tay giang hồ mối lái,
mánh mung vùng biên Căm-pu-chia và Việt Nam. Là chỗ trú thân sau một chín bảy
lăm của bào tỷ cố nhà văn Hồ Trường An: bà Nguyễn thị Thụy Vũ. Trong thập niên
một chín sáu mươi, cùng với Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng và Nhã Ca, Nguyễn thị Thụy
Vũ là một ngòi bút sáng giá, chuyên viết về những đề tài "cấm kỵ"
trong giới buôn hương bán phấn và lính Mỹ. Với những tập truyện "Mèo
Đêm", "Lao Vào Lửa", "Chiều Mênh Mông", … và tiểu thuyết
"Khung Rêu", bà đã khẳng định vị trí vững vàng, tài hoa của mình
trong văn đàn Việt Nam.
Người đàn bà đã một thời gióng giã rao bán văn chương, phóng
bút tung hoành cõi văn chương phơi-tông, giờ đây là một bà cụ mỏng mảnh như món
cổ ngoạn dễ vỡ, nằm võng nghỉ ngơi trong bóng chiều ảm đạm mái hiên nhà. Nét mặt
bà ngơ ngác bất ngờ, khi thấy cô cháu gái cùng chúng tôi bước vào, xôn xao chào
hỏi. Bà lãng tai, phải đeo máy trợ thính. Suốt buổi tối ấy, trong một quán cơm
sang trọng của thành phố, và sáng hôm sau, ra vườn sau thắp nhang cho mộ phần
những người thân, chúng tôi tuyệt nhiên không đá động gì tới chuyện văn chương
thi phú. Như thể đã từ lâu, bà ngộ ra lý lẽ: "…Bây giờ em mới biết.
Em đã chết từ lâu…" (*)
ĐOÀN DỰ
(Trích đoạn tản văn "Về Giữa Mùa Mưa".)
Đăng nhận xét